• Nhập Thiên Thai • Người Đẹp Trong Tranh
Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan
(1917 - 1986)
Trong 5 năm chót của thập niên 50, thế kỷ 20, từ khi Việt Nam bị phân đôi thì ở Miền Nam có rất ít nhà văn đem tư tưởng vào văn chương.
Trước đó, Hồ Hữu Tường đã có các tác phẩm Chị Tập, Thu Hương, Phi Lạc Sang Tàu v.v... Nhưng ông bị đày ra Côn Đảo vào thuở bình minh Đệ Nhất Cộng Hòa vì tội cấu kết với lực lượng Bình Xuyên. Chỉ có Nguyễn Mạnh Côn với hai tác phẩm Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và Kỳ Hoa Tử chứa đựng vài tư tưởng nghịch đảo với tư tưởng Marx-Lénine. Nguyễn Mạnh Côn là một nhà văn lớn như Hồ Hữu Tường, nhưng cũng như Hồ Hữu Tường, hào quang của ông không chiếu xa. Dân Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng, ít người chịu đọc sách chính trị. Họ lại không tin chuyện đấu tố dã man của Cộng Sản ở miền Bắc làm giai cấp địa chủ miền Bắc chết đau đớn. Đó là điều do dân di cư kể lại, người dân miền Nam không chú ý lắm. Viết sách tố Cộng lèo tèo có những cây bút không mấy sáng giá như Lưu Kiếm với Đất Hồ và Ngô Xuân Phụng với Con Vật Phi Lý.
Đem lý thuyết chống với lý thuyết Cộng Sản về phương diện văn chương nhừ nhuyễn chỉ có Vũ Khắc Khoan với tầm hiểu biết sắc bén mà không phô trương. Văn chương tố Cộng xuất sắc dựa trên truyền kỳ và thần thoại quyến rũ nhất chỉ có Vũ Khắc Khoan với tác phẩm duy nhất Thần Tháp Rùa. Cái đặc sắc đáng chú ý là bút pháp tươi đẹp, văn phong rất hùng tráng.
Từ khi ra hải ngoại, tôi muốn viết về Thần Tháp Rùa và đã được nhiều bạn không phải trong văn giới khuyến khích nồng nhiệt. Cầm trên tay ấn bản Thần Tháp Rùa do nhóm Ngàn Lau tái bản, tôi nhớ lại thầy Khoan năm 1958 dạy Sử Ký ở lớp Đệ Nhất B1. Thầy ăn nói duyên dáng làm các bạn cùng lóp với tôi say mê. Có khi cao hứng thầy hát bài Khổng Minh Tọa Lầu.
Thần Tháp Rùa gồm 4 truyện: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai, Người Đẹp Trong Tranh. Truyện nào cũng lấy sự tích từ huyền thoại hay truyền kỳ trong dân gian. Trong 2 truyện Trương Chi và Nhập Thiên Thai, tác giả vẫn giữ cho nhân vật của mình có hành trạng tương đối giống hành trạng các nhân vật trong sự tích. Tuy nhiên tác giả cho họ sinh hoạt, tư duy theo ý tác giả. Rồi đó, nhân vật kể truyện đứng tuổi vạch cho truyện một biểu tượng, một ẩn dụ để khuynh hướng chính trị, nhân sinh quan, nếp tư duy chính trị, triết học của tác giả có dịp trình bày.
Độc giả có lúc ngạc nhiên vì tác giả sửa đổi cốt truyện Người Đẹp Trong Tranh hơi nhiều. Nhưng không sao cả. Sửa đổi như thế làm tăng chủ đích nồng cốt trở nên khả tín khả dụng, hoặc làm giảm bớt những cái rườm rà vô ích. Tùy cơ ứng biến là quyền của tác giả? Nhà văn Alexandre Dumas còn dám sửa đổi diễn biến trên dòng lịch sử. Các bậc thức giả cho là Dumas cưỡng dâm lịch sử (violer l'histoire), nhưng tác phẩm của ông ăn khách dài lâu, từ thế kỷ XIX tới bây giờ. Tuy nhiên tác phẩm của Alexandre Dumas dành cho lớp bình dân ở hoàn cầu giải trí. Còn tác phẩm của Vũ Khắc Khoan dành cho hạng độc giả tri thức Việt Nam, những kẻ ưu thời mẫn thế nghiền ngẫm.
Vũ Khắc Khoan vừa lớn lên thì Nho học đã tàn. Năm 1919 nhà nước bãi bỏ cuộc thi theo chánh sách của Nho học. Bút giả không hiểu ông có học Nho để đọc Luận Ngữ và loại sách an bang tế thế hay không. Nhưng qua các tác phẩm của ông, nào là tập truyện, nào là kịch, nào là tùy bút, ông tỏ ra một kẻ làm cho triết học Đông phương giao thoa cùng triết học Tây phương. Ông cũng giống như giáo sư Nguyễn Đăng Thục muốn dung hòa hai tư tưởng Âu - Á thành một khối duy nhất.
Vũ Khắc Khoan không theo lớp nhà văn trước ông hoặc lớp đồng thời với ông. Ông không theo Hồ Hữu Tường bày ra lập thuyết. Ông cho câu chuyện trong các tác phẩm của ông thỉnh thoảng dựa vào lý thuyết Khổng Mạnh để nhìn cách sống đa dạng của nhân vật mình. Rồi ông đưa cái nhìn chứa ăm ắp óc sáng tạo để tạo hành trạng của các nhân vật trở thành diễn biến trong tác phẩm linh động hơn.
Truyện ngắn Thần Tháp Rùa không có người kể giáo đầu. Tác giả dựng truyện theo lối cũ. Nghĩa là cho nhân vật lần lượt ra sân khấu cuộc đời, không cần dòng sinh hoạt của nhân vật do người kể thẩm định theo quan niệm của ông ta. Truyện rằng: Có thiếu niên họ Đỗ thích đọc sách, từ quê nhà lên Kẻ Chợ (cố đô Thăng Long) trọ học. Đây cũng là nhân vật ưu thời mẫn thế, thích đọc sách, lòng đau vì vận nước nổi trôi, cơ trời mờ mịt. Thân thế của Đỗ được tác giả phóng bút như sau:
... Đất Kẻ Chợ, nhà cửa như bát úp, người đi lại ngoài đường đông hơn mắc cửi mà Đỗ giữ nguyên tính cũ, ngày một buổi đến trường nghe giảng văn rồi về thẳng nhà, đóng cửa đọc sách lạ. Bạn cùng trường thấy lẻ loi, thỉnh thoảng rủ đi đánh cầu hay nhảy múa. Đỗ đều một mực từ chối. Nhưng trong câu chuyện, nếu có ai đá động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sắm nắm bước vào vòng thảo luận, nói hằng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu lý thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ Đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tụ do cá nhân để chống với độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang hàng "một đồ thực dụng" thời Đỗ lại chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm của Kant. (trang 12, 13)
Một tối gần giờ giao thừa một người khách trẻ tuổi đến viếng hỏi Đỗ về việc kinh bang tế thế của nước nhà trong thời dân tâm ly tán. Khách chất vấn:
- Hôm nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng.
Đỗ ngẫm nghĩ hồi lâu, thủng thẳng trả lời:
- Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? Mặt trăng vòm trời khi khuyết khi tròn. Ánh sáng mùa thu trong như ngọc mà thật ra hợp bảy màu. Lá cây phong bên bãi lúc xanh, lúc đỏ. Chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con. Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng?
- Mùa xuân, mùa hạ thì lá xanh, mùa thu mùa đông thì lá úa đỏ. Ánh sáng tuy hợp bảy màu nhưng chính mắt chỉ nhìn thấy một. Trăng có tuần trăng khuyết trăng tròn. Chân lý tuy phức tạp nhưng không hẳn là nhờ nhờ, không màu sắc. Nay đang đêm đập cửa nhà ông, là có ý thành. Xin cho nghe những lời tâm sự.
Đỗ lặng thinh không trả lời.
Người kia bèn xích lại gần Đỗ:
- Mã Khắc Tư cầm bút mà thiên hạ phân đôi. Một đàng là tư bản đè xuống. Một đàng là vô sản vùng lên. Tấn tuồng Hán Sở tranh hùng thuở xưa lại tái diễn. Chúng ta thật đã sa vào cái thế trên đe dưới búa. (trang 13, 14)
Thời gian trong tác phẩm là thời cận kim đối với chúng ta, tức kiều bào nơi hải ngoại khi bước vào 10 năm của thế kỷ 21. Nhưng đối với Vũ Khắc Khoan khi viết Thần Tháp Rùa này thì vết thương Nam Bắc phân đôi vẫn chưa khép miệng. Cái cảnh dân chúng con Rồng cháu Tiên là chúng ta phải chịu sống trong thế trên đe dưới búa làm cho người ái quốc đau lòng. Họ muốn luận cổ suy kim để tìm ra phương cách hóa giải cái đau đớn của vết thương lịch sử ấy.
Vũ Khắc Khoan là người tiêm nhiễm tư tưởng Khổng Mạnh, thuyết vô vi của Lão Trang nên mượn lời lẽ của họ để bày giải tâm trạng. Ông đã đọc Luận Ngữ nên đem chuyện Tăng Điểm gán vào miệng anh chàng trẻ tuổi trí thức họ Đỗ:
Nhân Tử Lộ, Tăng Điểm, Nhiễm Cầu, Công Tôn Hoa ngồi hầu, Phu Tử hỏi rằng: Khi các người bình cư thường nói: "Chẳng ai biết đến ta mà dùng ta." Nếu như có người biết mà dùng thì các ngươi định làm sao? Tử Lộ ước có nghìn cổ xe, ở vào thế yếu mà chống thế mạnh. Nhiễm Cầu bàn đến một chương trình kinh tế ba năm cho dân no đủ. Công Tôn Hoa thì nghĩ đến việc "mặc áo huyền đoạn, đội mũ chương phù" vào nhà Tôn Miếu mà giúp việc Lễ.
- Còn Điểm thì sao?
- Tăng Điểm lúc ấy đang gẩy cái đàn sắt, tiếng đàn thong thả và hòa nhã, bỏ đàn xuống, đứng dậy mà thưa rằng: Chí của tôi khác hẳn ba anh kia. Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi hát mà về. Phu Tử thở dài ma than rằng: "Ta cũng thích như Điểm vậy." (trang 16, 17)
Đỗ không giải thích sự tích Tăng Điểm cho người khách lạ nghe, tức là ông Vũ Khắc Khoan không cắt nghĩa rạch ròi cho độc giả của ông biết. Nhưng câu chuyện trong tối giao thừa dù không giải thích cặn kẽ lại ám ảnh Đỗ.
Nhưng cái đêm nhắc tới lời Phu Tử, Đỗ lại thêm phần thắc mắc. Đỗ lại nghĩ rằng cả bốn môn đồ của Phu Tử đều có lý. Vì sở thích Tăng Điểm chính là cái đích chung của thiên hạ. Nhưng muốn được tới đó, tất phải hoàn thành cái cách Nhiễm Cầu, mưu việc Tử Lộ và tề chỉnh cho thiên hạ một thứ lễ nghi như ý Công Tôn Hoa. Bốn ước vọng, tựu trung là cả một quốc sách có trình tự rõ ràng. Đỗ thán phục cổ nhân nhưng cũng thầm trách chỉ bày cái đích mà chẳng vẽ ra phương tiện.
Thật tình ai mà chả thích mặc áo mùa xuân và tắm mát sông Nghi? Như cơn đại loạn này, tìm đâu ra một Tử Lộ, một Nhiễm Cầu và nhất là một Công Tôn Hoa?... (trang 19)
Luận Ngữ được Nguyễn Hiến Lê trình bày trong cuốn Cổ Văn Trung Quốc, Thời Xuân Thu và cả thời Chiến Quốc, về văn học phát triển rực rỡ, nhất là bên tản văn còn phương diện thi phú thì ít người chú ý tới. Thời loạn, thi phú có ích chi. Văn chương đáng kể họa may có Khuất Nguyên (tác giả bài Ly Tao) và Tống Ngọc (tác giả Sở Từ và bài Cao Đường Phú). Còn Luận Ngữ là quyển sách luận thuyết đầu tiên do các đệ tử của Khổng Phu Tử viết ra. Đây là một quyển sách sáng giá về tư tưởng, đôi khi về nghệ thuật. Trong buổi hầu chuyện với ngài, bốn đệ tử của ngài lộ ra rõ rệt tính tình và ý chí của họ. Tử Lộ muốn làm tướng, điều khiển ba quân, tánh tình bồng bột, ý chí xốc nổi. Nhiễm Cầu muốn làm nhà kinh tế, ý chí nhũn hơn ý chí của Tử Lộ. Công Tôn Hoa muốn làm một nhà lễ nhạc, ý chí cũng nhũn hơn ý chí của Tử Lộ. Còn ý chí của Tăng Điểm thì theo lẽ tự nhiên của trời đất, chỉ có đạt quan mới biết hưởng.
Đỗ lại cho ước vọng của bốn người học trò của Khổng Phu Tử là cả một quốc sách. Nhận thức như thế có ổn hay chăng?
Nhưng theo tôi, phải vào thời thái bình, cái thời biển lặng sông trong có một minh quân hay một thánh nhân mở mắt chào đời. Rồi sau thời đó, như ta biết, thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, nước này giao chiến với nước kia, dân tâm điên đảo, minh quân ra đời lẫn với hôn quân, thánh hiền tịch mịch, lặng tiếng im hơi. Phải đợi thời điểm chín mùi thì minh quân và thánh hiền mới xuất hiện, ra công giúp đời được thịnh trị, giúp dân gian cư xử có đạo lý với nhau. Học thuật nhờ đó hưng long và thịnh vượng. Thời đại Xuân Thu và Chiến Quốc đầy dẫy xáo trộn giữa nước này với nước kia làm cho trăm họ phải khốn đốn. Các bậc học giả mà dân gian xem như những bậc thánh hiền muốn cứu vãn thời cuộc bèn phát huy các học thuyết về chính trị, triết học, văn học, nhân sinh quan. Tất cả học thuyết của các bậc đó đáng làm kinh điển cho những kẻ sĩ miền Đông Nam Á.
Riêng thời đại mà Đỗ đang sống, chỉ có hai lực lượng Tư Bản và Vô Sản tranh nhau. Đỗ xem thiên kinh vạn quyển để tìm một đường lối tránh hai lực lượng cực đoan kia, nhưng dù nhồi vào óc những ý lời trong thiên kinh vạn quyển đó mà có tìm ra con đường nào đâu?
Từ đầu câu chuyện, ta chỉ biết Đỗ là kẻ trí thức, một con mọt sách. Rằm Nguyên Tiêu năm Mão đó, Đỗ đi chơi ở đất Thăng Long, xem chợ bán hoa. Chàng giải phóng cho con rùa khổng lồ bị người ta bắt trói. Rồi chàng trở về nhà ngẩn ngơ trước chồng sách mà thời gian gần đây chàng bỏ bê chúng, lòng chán ngán không thèm đọc. Hình như lúc này, sách không giải quyết cho chàng một gánh nặng về việc an bang tế thế, sách chỉ làm cho chàng hoang mang trước lý thuyết này, tư tưởng nọ mà chưa giúp chàng một con đường phải theo, một cái đích nhắm tới.
Đỗ bèn vùng dậy, mở toang cửa sổ. Trăng tỏa đầy gác học. Trăng soi sáng bốn bề ngập sách. Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở ra xem vội vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre nằm cạnh kinh Tân Uớc. Bao nhiên suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa tùng bò sát cho đến bây giờ...
Tựu trung, Chân Lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi tha ma. Sách lặng lẽ lên bụi, sách lung lay ánh trăng nguyên tiêu. Đỗ cảm thấy mà quay đi. Và dụt dè nghĩ rằng:
- Thế ra mỗi người một lối sống tùy thời mà biến hóa không lường. Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu... Thế sống Mạnh Tử và thế sống Khổng Khưu. Mà nào ai đã khuyên nhủ được ai? Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, nhớn lên cùng tập giấy mủn, nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân. Nay định giải quyết hiện tại bằng phương quá. Còn vỗ ngực trách ai nữa? (trang 21, 22)
Chân Lý theo những tín đồ Phật giáo làm gì có ở trong cõi đời này. Chân Lý là một ý niệm tuyệt đối mà cõi đời vốn tương đối. Hai thứ ấy làm sao hiện hữu cùng nhau, cái này lồng vào cái kia. Họa chăng có cái thứ Chân lý tạm bợ, là cái Không, cái Vô đối đãi với cái Hữu. Như thế, cái Chân Lý theo Đỗ quan niệm chỉ là cái phương tiện lẫn cái cứu cánh để chàng ra giúp đời, triệt hạ đầu mối cực đoan tức là Tư Bản và Vô Sản? Có thế lê dân ở giữa hai đầu mối ấy mới khỏi điêu đứng vì sự cạnh tranh của họ.
Nguồn: Kệ sách Học Xá
Tới đây, cuộc tình giữa chàng thư sinh và con rùa thành mỹ nhân bắt đầu. Thuở thời nhà Thanh đã có Bồ Tùng Linh viết bộ Liêu Trai Chí Dị về những mối tình giữa những chàng bạch diện thư sinh với các cô gái ma hoặc với các con vật thành tinh, nhất là những con hồ ly. Tiếp theo Tuyên Đỉnh với Dạ Vũ Thu Đăng Mạn Lục, Trường Bạch Hoạt Ca Từ, Huỳnh Song Dị Thảo, Vương Thao với Tùng Ân Lục, Hòa Bang Ngạch với Dạ Đàm Tùy Lục. Nhưng truyện của Bồ Tùng Linh có giá trị hơn vì chúng ám chỉ các nhân vật có quyền hành nhưng tham ô, sa đọa trong thời thế nhiễu nhương.
Việt Nam cũng có tác giả trí thức viết truyện hồ ly tinh, linh quỷ là Nguyễn Dữ với Truyền Kỳ Mạn Lục, Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm với Tục Truyền Kỳ. Văn chương trong hai quyển đều tươi đẹp. Nhưng truyện dị thường của Vũ Khắc Khoan muốn vượt lên trên văn chương hai tác phẩm của cổ nhân để đưa vào lãnh vực chính trị và triết học.
Trong cái đêm chàng họ Đỗ ngắm sách vở dính bụi, thì một giai nhân xuất hiện. Hai người tằng tịu với nhau. Giai nhân chính là hóa thân của Thần Kim Quy, con rùa mà chàng đã cứu mạng. Truy ra, lại có thêm nhiều khám phá mới, vận sự làm lung linh những truyền thuyết sống động trong truyền kỳ từ ngàn năm xưa. Đó là thần rùa đã giúp cho vua nhà Thục là An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Đó cũng là thần rùa đã khuyên An Dương Vương giết My Châu vì cái tội lơ đãng để cho Trọng Thủy cướp nỏ thần và bởi lẽ ấy vua nhà Thục thua trận, mất nước. Giai nhân còn tiết lộ thêm rằng con rùa ở hồ Hoàn Kiếm đã dâng gươm cho Lê Lợi hưng binh chống giặc Minh, giành lại non sông đất nước cũng chính là nàng. Cả hai luận về thời cuộc. Đỗ ngỏ ý muốn được kiếm thần như Lê Lợi. Thần nữ giải bày:
- Trước kia em cũng lầm tưởng như chàng cho nên mới hủy bỏ công tu luyện mà ra công giúp đỡ Thực Vương. Ấy thế mà rồi cũng hỏng cả... Nỏ thần dù mầu nhiệm, xếp xoáy Loa Thành tuy có hiểm trở nhưng người đứng đầu không vững tay xử dụng thì đại sự vẫn không thành. Nhân sự thật là phức tạp. Tính trước làm sao được mối oan tình Trọng Thủy, My Châu? Cho nên thiên đình du có biết trước thời cơ cũng không lý nổi nhân sự. Lê Lợi, Quang Trung chẳng qua chỉ là nhũng người ý thành, tâm chính, hiểu thời, nổi dậy mà thiên hạ phải bình, có thế thôi! (trang 27, 28)
Cuộc tình duyên đang nồng thắm thì giai nhân ngỏ ý từ giã ra đi. Sấm sét trong cơn bão làm nàng hoàn lại thân rùa. Những cổ thụ ở Kẻ Chợ tróc gốc ngã ngổn ngang. Cá trong hồ Hoàn Kiếm chết nhiều vô số. Từ đó, Đỗ không thôi thương nhớ tới vị thần nữ kia. Ngày nọ, chàng thấy đống sách của mình dính bụi bặm, mốc meo mà từ lâu chàng chưa hề sờ đến. Chàng không kềm được ý muốn muốn hủy diệt. Chàng chán ngấy chữ nghĩa của cổ nhân. Cuộc phần thư bắt đầu.
Năm xưa, ngọn lửa phần thư nhóm lên do một bàn tay ưa chuyện "khanh nho." Kẻ sĩ đời Tần nghẹn ngào, hằn học, lời nguyền rủa vượt khỏi Trường thành, sang sảng cập đến tai hậu thế.
Giờ đây lửa phần thư chính một tay kẻ sĩ tự ý gây nên. Lửa không lan rộng.
Mà âm ỷ xoáy vào bề sâu một cơn khủng hoảng.
Đỗ nhập thiền, vừa chứng kiến một lễ hỏa thiêu lạ lùng. Từng tờ một, quần quại để rồi siêu thoát, trong nguồn tư tưởng. Christ từ từ ngược lại quãng đường dẫn tới đỉnh Golgotha. Thích Ca Mâu Ni lại gặp một gốc Bồ Đề. Mã Khắc Tư thủ thế trước Freud. Sartre giật mình, ngơ ngẩn trong một thế ngõ cụt. Rồi lần lượt Hegel, Lão Tử, Khổng Khưu... Từng tờ một, thiêu dần từng nỗi băn khoăn. Đỗ qua từng cơn cảm giác tân kỳ. Có lúc xót xa như bị lột xác, có lúc rợn người như thoáng bóng ma, nhiều khi ê chề như bị lãng trí. Dần dà thì tâm trí lâng lâng, ngũ giác gần phần minh mẫn. Tưởng như mang nổi nghìn cân, mọc cánh mà bay ngang con hồng, con hộc, vươn mình đuổi kịp ngựa Ký, ngựa Kỳ. (trang 31, 32)
Sau khi lửa phần thư dịu ngọn, Thần nữ Kim Quy hiện ra, trở về với Đỗ.
Cà hai tâm tình với nhau. Thần nữ bảo:
Trước khi gặp em, chàng thường băn khoăn về thế cuộc. Điều đó chân thành xuất từ tâm can, hiện lên vẻ mặt, tất không giấu nổi Thiên đình. Nhưng muốn mưu đại sự, một nỗi băn khoăn tất nhiên ch7a đủ. Cần phải có thời... Mà xét kỹ thì thời đến rồi đó... (trang 35)
Chàng khổ tâm vì trong cái thế tranh hùng Hán Sở, không biết đâu là nơi dụng võ. Một đàng là búa đập xuống đe, một đàng là đe nẩy lửa. Một đằng là kẻ có tiền, một đằng hoàn toàn tay trắng. Nhập vào đâu cũng là kế nhất thời. Đứng ở đâu cũng là mượn tạm đất đứng... (trang 36)
Người thần nữ im lặng giây lâu, rồi lại tiếp:
- Lý ưng ra, chàng phải nhập vào bọn người áo vải vì thật tình sản nghiệp của chàng không một tấc đất cắm dùi. Những cái khổ của chàng lại là những uẩn khúc tâm tư nhằng nhịt, dọc ngang như thế bàn cờ.
- Vậy đốt sách đi...
- Đốt được nhà... nhưng đốt sao được sách?
Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dẫy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan xa rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu mà cái lý Tam cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?
- Thế ra đốt sách...
Là một chuyện cần. Vì đối với chàng, đó là một hành vi quyết định. Hành vi đó lại là một lời cầu nguyện động đến thiên đình. Và em được phép trở lại với chàng, khi lửa phần thư bắt đầu dịu ngọn. Chàng muốn thiêu hủy đến không còn một tấc đất tư duy. Nhưng kết cục lại thấy em giũa đống tro tàn. Em là của chàng. (trang 38)
Đỗ cúi đầu suy nghĩ. Trong tịch mịch của đêm đông, người con trai bắt đầu giác ngộ. Giữa bãi chiến trường nhọn hoắt đao gươm. Người thần nữ đọc được ý nghĩ của chàng. Nàng lên tiếng:
- Trong binh pháp, thường nhắc đến thế bối thủy. Chàng nhận thấy chưa? Không tiến cũng chết. Mà ngồi yên lại càng chóng chết.
Đỗ ngước nhìn nàng:
- Không biết một mình có làm nổi...
- Sao lại một mình? Thời đã đến, ắt là cái thế chung cho phần đông thiên hạ. Vả lại kiếm thần sẽ giao phó tận tay, chàng ngần ngại ư?
Đỗ đứng phắt dậy:
- Nhận kiếm thần chính là nhận nhiệm vụ. (trang 38, 39)
Giữa đêm trừ tịch năm Thìn đó, người Kẻ Chợ đi hái lộc ở đền Ngọc Sơn. Họ chen chúc vượt qua cầu Thê Húc. Cầu gẫy, người đi xin lộc rớt xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Chỗ gẫy rỉ chất nhựa đỏ như máu. Có người cho là điềm gở nên tính chuyện di cư vào Nam. Đỗ cũng ngay trong đêm trừ tịch, đã bỏ kinh thành, biệt vô âm tín.
Đọc tới đây, các độc giả sẽ nghĩ rằng Đỗ đi theo một lực lượng chống Mỹ (tư bản), chống luôn Cộng Sản (vô sản). Chàng có gươm thiêng, chàng có chịu làm chiến sĩ hay không? Chàng đọc thiên kinh vạn quyển, lại biện tài vô ngại thì có thể làm cố vấn cho người cầm đầu lực lượng ấy như Lê Lợi, như Quang Trung. Còn người cố vấn như chàng biết có theo gương Nguyễn Trãi, như La Sơn Phu Tử hay không?
Vũ Khắc Khoan không phải nhà tiên tri hay một dạo sư (với người Pháp thì tiên tri và đạo sư cùng một nghĩa như nhau le prophète). Ông chỉ là một nhà văn khao khát cuộc sống trên đất nước tự do không lệ thuộc vào khối tư bản hay khối vô sản.
Từ năm 1955 tới nay nào thấy khối thứ ba nào trên đất nước chúng ta đâu. Miền Bắc bị gọng kềm Cộng Sản siết chặt. Miền Nam phải dựa vào khối tư bản Mỹ để chống đỡ Miền Bắc xâm lăng.
Rốt cuộc đồng minh Mỹ rút lui.
Miền Nam bị Miền Bắc nuốt chửng.
Dù thế nào chăng nữa truyện ngắn Thần Tháp Rùa vẫn là một truyện ngắn tuyệt vời. Nó nói lên hoài bão của kẻ sĩ ưu thời mẫn thế.
Trước hết là câu chuyện giữa người chủ nhà đứng tuổi xưng là "Khoan tôi" không ngả theo tư bản mà cũng không theo vô sản. Người khách là trang thiếu niên Cộng Sán, tuổi đáng em ông chủ nhà. Chàng thiếu niên này đem lá thư của người em chủ nhà, khuyên người chủ nhà nên theo khối vô sản:
Chắc ông cũng bằng tuổi thằng Trương, thằng em tôi ấy mà? À... ra bây giờ tên nó khác. Giờ này chắc nó cũng đang đợi giao thừa... ở đâu, ông? Một tỉnh nhỏ bên kia biên giới... Ông kín đáo quá. Thảo nào người ta đã chọn ông để xuống tìm tôi. Giò này ông nó chắc là Trương không buồn? Ông có chắc là nó không nhớ đến tôi. Hai chúng tôi, chỉ có hai chúng tôi. Chả nhẽ nó lại vô tình đến thế! Nhưng thôi cũng chả sao. Ông cứ tin là nó đang vui cùng đoàn thể. Và ông hãy cho phép tôi tưởng tượng rằng nó nhớ đến tôi... Ông bảo sao? Ông sống bên nó trên sáu năm? Ông với nó cùng chung một tổ tâm giao. Cũng có thể... nhưng cũng chả sao... Kìa ông uống di. Tôi sắp xong. Ông nói gì? À... Trương Chi? Tôi không quên đâu. Tôi sẽ xin kế. Tôi biết rằng ông đang mỉm cười mà cho tôi hay rắc rối. Ông có đang xếp tôi vào một giai cấp nào đó. Cho nó yên chuyện, cho nó đúng với những điều ông đã học hỏi. Đừng tìm nữa. Tôi là một trí thức tiểu tư sản. Tôi nhận như vậy. Trước mặt ông là người của Đảng Cộng Sản, cũng như tôi vẫn nhận như vậy trước mặt mọi người. Xin lỗi ông... tôi nói hơi to. Thấy ông, tôi lại nhớ đến thằng Trương. Bức thư của nó ông đưa cho tôi, tôi đọc đi đọc lại mấy lần... Nhưng... Vâng thế là tạm xong và bây giờ tôi xin bắt đầu câu chuyện. Ngày xưa... (trang 46, 47)
Trương là con của đôi vợ chồng trung nông muộn con. Chàng không thích học. Cha mẹ buồn phiền, nhưng cũng kiếm thầy đồ về nhà dạy con học chữ nghĩa của đạo thánh hiền. Nhưng Trương Chi lại bắt ông đồ bò dưới đất, ông ta cưỡng không được. Người trong làng cho chàng có phép ma nên ai cũng xa lánh. khi chàng 15 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời. Chàng bỏ làng ra đi.
Mọt rạng đông cuối thu nọ, chàng hát ca khúc đầu tiên. Càng hát chàng càng say sưa, giọng chàng ngọt và ấm. Chàng ngủ thiếp bên vệ đường. Chàng tỉnh dậy gặp một ông già ẩn sĩ, lấy non cao làm cư ngụ, xa hẳn cuộc đời dưới chân núi. Ông bảo chàng hãy theo ông, nhưng ông lại khuyên chàng nên nhập thế mai sau. Ông xót xa vì người dưới chân núi tính tình quá thấp. "Cái học của họ trọng sự nhớ mà không đường quên." (sic) Ông nói về nhân sinh quan của mình, lời bát ngát phong vị Lão Trang và thấm nhuần tư tưởng của một đạo sư Ấn Độ:
Con thật xứng đáng là con của ta. Cái ngữ "chi, hồ, giả, dã" thì biết gì mà dám dạy con? Hắn phục con là phải. Nhưng con có biết vì sao hắn lại nghe con không? Chắc con cũng không hiểu. Đó chỉ vì cái giọng của con. Hắn mê cái giọng của con mà nghe theo con. Nhưng thực tình hắn chỉ sợ con. Vì giọng của con chỉ mới tới bực quyến rũ. Phải tập luyện thì cái khiếu sẵn có của mình mới có cơ nẩy nở. Đến lúc đó mới vươn lên tới bực thứ hai, lời ca có thể xuống lệnh cho loài người. Vươn lên tới bực nữa thì thông cảm tới gỗ, đá...
Nhưng cái lực siêu phàm của âm thanh chính là sự yên lặng hoàn toàn để cho ý nhạc vượt thời gian mà rung cảm cùng kiếp trước, kiếp sau, bỏ không gian mà hòa vào vũ trụ... (trang 53, 54)
Trong Journey to the East của Baird Spalding mà Nguyên Phong dịch với cái tựa Hành Trình Về Phương Đông, đây là lời cửa một chân sư, Harishchandra:
Các ông cho rằng âm nhạc là sản phẩm văn hóa, tiêu biểu cho từng thời kỳ. Điều này không đúng lắm vì lịch sử cho thấy mỗi khi âm thay đổi và chính trị, văn hóa thay đổi theo sau. Âm nhạc có tính cách xây dựng cũng như hủy hoại, chỉ có các âm thanh tinh vi do sáng tạo chân thành của lòng vô ngã đưa ta trở về quê hương của linh hồn. Muốn sáng tạo các loại nhạc này, con người cần phải để cho chân ngã sáng chói, cần trau dồi cho tâm hồn tĩnh lặng để hòa đồng với vũ trụ. Vì âm thanh của vũ trụ lúc nào cũng vang lừng cho những người thức tỉnh, những kẻ biết thưởng thực, biết yêu cái đẹp, biết nghe những huyền âm cao cả trong yên tĩnh vô biên. Hãy yên lặng, các ông sẽ học hỏi nhiều điều mới lạ. Hãy cố gắng nhìn mọi vật như một thực tại, các ông sẽ sáng tạo và khi sống trong tâm thức sáng tạo, các ông đều là những nghệ sĩ, những người biết yêu cái đẹp, biết rung động với Chân, Thiện, Mỹ.
Gặp ông thầy đồng tâm đồng điệu, Trương Chi học mau thông hiếu tất cả mọi kinh. Ông không cho chàng học Kinh Nhạc. Ông bảo ngày xưa Đức Khổng Tử trọng chuyện tề gia, trị quốc nên sợ sức mạnh của âm nhạc. Kinh soạn ra cũng chỉ để giảm sức mạnh của nó trong tầm thấp bé trung dung. Hóa ra âm nhạc không là món ru ngủ để cho thế nhân giải trí sau khi trà dư tửu hậu. Chỉ các bức chân như và các nhà hiền triết mới khám phá ra cái tinh hoa của nó.
Rồi một hôm, ông thầy khuyên Trương Chi một ý tưởng kỳ lạ rằng chàng phải tập quên thì cái nhớ mới có ý nghĩa. Chừng đó sẽ học nhạc. Ở đây tư tưởng Lão Trang giống tư tưởng bất nhị của Phật giáo: Hễ có cái hiện hữu thì có cái đối đãi của nó. Trương Chi vâng lời, ngồi đối diện vách đá của động trong ba ngày:
Tâm người con trai tĩnh tọa được, gột rửa lần lần. Nhu có đọt gió xuân thoảng vào trong trí, chữ nghĩa phai dần, tâm thần cũng theo đó mà lâng lâng nhẹ nhõm. Đồng thời văng vẳng bên tai, xao xuyến từng luồng âm nhạc. Trong tịch mịch của đêm thâu, Trương Chi nghe rõ từng tiếng chim, tiếng gió, tiếng lá chạm nhau, từng cánh hoa khép mở, từng thớ gỗ chuyển mình. (trang 55)
Cuối đêm thứ ba Trương Chi bắt đầu hát. Cảnh vật theo tiếng hát của chàng diễn tả mà thay hình đổi sắc:
Tiếng hát cất lên. Giọng chàng dẫn nhạc, vạn vật phụ vào lời ca. Trên đỉnh núi, chàng nghĩ tới trùng dương, nhạc vội ngân ra như sóng bể, lời chim, tiếng gió dạt dào, như từng đợt thủy triều. Chàng mơ trăng, nhạc dịu xuống cung Hồ, lời chim, tiếng gió lung linh như tùng miếng trăng vàng long lanh bãi cát. Ý chàng vụt găng lên, ý nhạc nhọn hoắt như gươm đao, con hổ trắng thôi uống nước, bốn chân bám chặt xuống đất sỏi mà ngửa mặt gào trời... (trang 56)
Ông khuyên chàng xuống núi. Chàng được ông dạy trong lúc chàng quên. Và ông căn dặn:
Con nhất định phải qua một thời kỳ nhập thế. Ta chỉ ngại cho con là người dưới núi thường hay võ đoán, phân biệt giầu nghèo, quần tam tụ ngũ, nêu cao danh nghĩa cực đoan mà lợi dụng lẫn nhau. Tựu trung thì thật là tương đối vì cuộc sống dưới núi thấp ngang mặt nước làm sao kết tinh nổi được những điều cực đoan?. Con không khéo xử tất có người lợi dụng lời ca tiếng hát của con. Đến lúc đó, dứt áo ra đi là chuyện khó, con buông xuôi ở lại, dầu đứng về phía nào cũng sẽ mất cả bản chất con người. Tử hình hài đến tâm tưởng, từ nếp sống tới tâm hồn, nhất nhất sẽ tan dần ra thanh mây khói. (trang 37)
Vũ Khắc Khoan thường cho những nhân vật có tuổi tác luôn luôn nhiều kinh nghiệm về trường đời. Kinh nghiệm ấy rút từ những nhân vật trong lịch sử Trung Hoa như Đông Châu Liệt Quốc, như Hán Sở Tranh Hùng. Ở đây, nhân vật sư phụ của Trương Chi noi theo gương ẩn dật của Phạm Lãi trong Đông Châu Liệt Quốc, của Trương Tử Phòng trong Hán Sở Tranh Hùng. Còn nhân vật lịch sử Việt Nam có La Sơn Phu Tử. Nhân vật lão thầy của Trương Chi có các nhân sinh quan và triết học do Vũ Khắc Khoan kết tinh suy gẫm về những vấn đề kinh bang tế thế để làm triết học riêng cho mình. Trong Trường Chi, lão thầy là nhân vật phụ nhưng nói nhiều nhất, bày tỏ suy luận nhiều nhất tuy hoạt động hầu như không được bao nhiêu. Lão là người xử dụng kiến thức đế ta theo dõi từng chặng chi tiết trong quãng đời hạ sơn của Trương Chi; còn người kể chuyện Trương Chi tự xưng "Khoan tôi" nên chính là tác giả.
Trương Chi xuống núi. Một hôm chàng đến quán rượu. Quán chỉ bán rượu mà không có thức nhắm như thịt trâu, thịt bò, cả thức bằng cá cũng không có. Hỏi ra thì câu chuyện như sau: Ông trưởng giá họ Trần nọ được phép vua cho thâu thuế do các phương chài tới đây bán cá. Ông trưởng giả có cô con gái kiều diễm thích nghe mụ ca nữ già ca hát. Nhưng mụ phách lối với một bạn phường chài, xuống thuyền y ta để hành hung y ta. chẳng may mụ ngã xuống sông, chết đuối. Tiểu thư họ Trần lâm bệnh. Trưởng giả họ Trần từ đó cấm phường chài bán cá. Thế là Trương Chi tình nguyện hát cho tiểu thư nghe, trước nhất để tiểu thư khỏi bệnh, sau là để cho phường chài được phép bán cá.
Lời ca kể lể nỗi hân hoan của một chàng trai sắp bước vào đời. Ý nhạc không còn thanh thoát như bài ca trên núi, mà nồng nàn ý niệm con người, cung bậc thấp cao gợi đến bảy giây tình căng thẳng, âm thanh chen chúc là nỗi bất bình chưa san được bằng phẳng. Âm hưởng vang ra khỏi quán, lan trên mặt sông. Thuyền chài xao động quán rượu phút chốc đã đầy người. (trang 62)
Người kể chuyện "Khoan tôi" nói tiếp với người khách trẻ tuổi, trước hết là về trận Điện Biên Phủ:
... Tôi cũng có một anh bạn họa sĩ chết trong trận ấy. À... ông cũng biết. Nhưng chắc ông không được mục kích tới cái chết đó. À... vâng, đó cũng chỉ là một cái chết. Như trăm ngàn cái chết khác, trong một chiến thuật biển người. Mà cũng phải. Có ai tỉ mỉ để ý đến sự lụi tàn của một mảnh tế bào trên một làn da mịn? Có ai đếm xỉa đến một nét họa tài hoa giữa những đợt người? Tôi hiểu lắm. Những đêm như đêm nay, bóng tối tràn ngập cả đất trời, thì óc dầu có hiểu mà thâm tâm vẫn còn thắc mắc. Thú thực với ông là vẫn còn những kẽ hở li ti giữa tấm màn lý luận trong tôi. Và đối với tôi thì chính những kẽ hở đó lại là những điểm cốt yếu, lý do của sự hiện hữu của tôi... (trang 63)
... Nếu tôi không lầm thì ngay giờ phút này, trong thâm tâm ông, đang manh nha một sự dày vò giữa khi nâng cốc. Ông muốn hô to cho thành công của Đảng, của giai cấp vô sản ma ông đã đầu hàng. Nhưng ở ngay những kẽ hở li ti mà tôi vừa mới nói, chắc ông đang lẻn vào những lời nỉ non âu yếm. Thằng Trương nhà tôi cũng thế.
Ông đã yêu ai chưa?
Ông muốn nghe nốt câu chuyện Trương Chi?
Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À... đến quãng ly kỳ chàng Trương vì say rượu mà nhận lời vào nhà họ Trần ca hát làm vui cho một vị tiểu thư để cả một phường chài được phép bán cá ven sông. (trang 64)
Ông trưởng giả vì muốn giữ gia phong nên chỉ cho chàng hát ở buồng bên cạnh buồng My Nương để nàng chỉ nghe tiếng hát của chàng mà không thấy mặt chàng. Đến ngày thứ hai, Mỵ Nương đòi gặp mặt Trương Chi. Lại một phen nữa, ông trưởng giả và ông trùm phường chài ngồi lại với nhau, giống tư bản ngồi chung với kẻ đại diện cho cấp vô sản. Hai đằng đều muôn lợi dụng tiếng hát quý báu của Trương Chi. Họ bàn tính một mặt cho người đi phao tin Trương Chi mắc bệnh phong hủi, bệnh lở lói tới mặt mày. Cho nên, chàng khi đến nhà ông trưởng giả, phải bịt mặt mà hát cho My Nương nghe. Ông trùm lãnh phần thuyết phục chàng.
Tới phiên người kể chuyện "Khoan tôi" vạch bày quan niệm của mình. Quan niệm đó do tư tưởng Đông Tây kim cổ và do kiến thức xây dựng trên suy luận lẫn kinh nghiệm sống của tác giả.
Ông có hiểu anh trùm phường nói gì với Trương Chi không? Tôi chắc ông cũng chưa hiểu. Đã hơn một lần, tôi chắc những người như ông đã được nghe những lời tương tự. Có phải bắt đầu thì bao giờ cũng là danh từ rất quyến rũ: Cách Mạng, Lực Lượng Đang Lên... Ôi là cái chất ma túy của những danh từ! Và trong cơn đam mê của tuổi đôi mươi, ông đã vội vàng không thèm nghĩ mà nhận ngay cái vai trò đẹp nhất trong một tấn kịch mới mở màn đầu. Một vai hiệp sĩ phong lưu, sảng khoái cả đời chỉ chuyên việc cứu khốn phò nguy. Trong mỗi con người, nhất là chúng ta, bao giờ mà chẳng tiềm tàng một Don Quichotte? Chúng ta đã lên yên. Chúng ta lại có thêm một ngọn dáo. Làm gì mà chúng ta chả lăn xả vào một cái cối xay! Nếu chỉ có thế thì cũng không sao. Nhưng ngọn dáo đã lao đi, chúng ta lại bị cái đà lý luận của họ mà lao theo ngọn dáo. Thế rồi, dần dà từng bước, từng chặng đường, qua từng giai đoạn, chúng ta cứ theo đà mà dấn bước, từ cuộc phiên lưu này tới cuộc phiêu lưu khác... Một hôm chợt thấy quãng đường còn dài mà chân đã mỏi, nhưng dừng bước là lui, chúng ta mới vội vàng trút nốt cái phần nhân tính để lại ven đường, hòng lẽo đẽo chạy theo cho kịp người đi trước. Từ địa vị một chàng hiệp sĩ phong lưu, chàng ta trở nên con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình. Hỡi ơi!
Và, hỡi ơi! Trương Chi của chúng ta cũng vì thế một phần nghe lời trùm phường. Tức nhiên, cái thế của anh cũng có phần khác biệt. Vì mối tình đối với My Nương. Vì sự mưu sinh của các phường chài. Đó là cái trên đe dưới búa, cái thế mắc kẹt giũa trưởng giả và phường chài.
Cũng vì lẽ đó mà anh chịu suốt ngày che mặt.
Ai cũng cho là anh mắc bệnh phong thấy đều lảng tránh. (trang 67, 68)
Trương Chi yêu My Nương. Gặp mặt nàng, chàng vui sướng lẫn đau khổ. Qua các kẽ hở của vải che mặt, chàng được thấy cái hoa dung nguyệt mạo của nàng. Còn nàng chỉ biết tiếng hát chuông vàng khánh ngọc tuyệt vời của một nghệ sĩ mắc bệnh phong hủi. Qua các kẽ hở của mảnh vái, chàng còn thấy khóe mắt của nàng long lanh ngấn lệ. Chàng muốn lột phăng tấm vải che mặt đi.
Một hôm chàng cảm thấy thể chất mình đau nhức. Chàng đã đổi dạng thay hình. Mặt mày chàng xấu xí, thân thể chàng thô kệch, tiếng hát của chàng mất âm lượng phong phú và âm sắc quyến rũ, ngọt ngào. Trương Chi bỏ đi biệt tăm biệt dạng. Nhưng mà thỉnh thoảng, trong sương khuya gió lạnh văng vẳng tiếng hát của chàng trên sóng nước bao la.
Cuộc đời dưới chân núi có hai kẻ có giai cấp phân biệt nhau lợi dụng tiếng hát của chàng. Đó là hai khối tư sản qua ông trưởng giả và khối vô sản qua ông trùm thợ chài. Còn Trương Chi chỉ là một nghệ sĩ tài hoa có trái tim yêu nghệ thuật, tôn thờ ái tình.
Ông "Khoan tôi" không phải nhà văn tải đạo, nhưng qua Thần Tháp Rùa và Trương Chi, đã đả kích tính cực đoan cua hai khối tư bản, vô sản làm cho lê dân đau khổ, nhất là giới trí thức và giới văn nghệ sĩ.
Thế là hết câu chuyện Trương Chi của tôi. Và bây giờ tôi chắc ông cũng hiểu tại sao tôi không về Hà Nội. Cuộc đời của Trương Chi có ngang trái chỉ vì họ Trương chưa tìm được người đồng cảnh. Tôi may hơn ông ta. Vì tôi đã gặp những người đồng cảnh.
Sáng rồi. Chúng ta có thể từ giã nhau như những nhân vật chính của một tấn kịch ba màn có hậu. Ông về Hà Nội. Còn tôi, tôi phải lên đường. Ông giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi.
Xin chào ông.
Tôi cũng chả cần trả lời thằng em tôi nữa. (trang 71)
Màn ba suốt hơn nửa thế kỷ vẫn không có nhà giàn cảnh lẫn diễn viên, khó thành một lực lượng để chống hai cực đoan kia. Vũ Khắc Khoan không phải nhà văn tiên tri. Nhung Thần Tháp Rùa vẫn là tác phẩm nói lên trái tim đau đớn vì vận nước. Ông đã nhận ra hai khối nguy hiểm trên lịch sử của nhân loại ngay từ lúc chưa di cư vào Nam.
Mờ đầu câu chuyện là một tù binh trí thức Việt Nam cùng nhóm tù binh Cộng Sản bị lính lê dương của Pháp giam giữ. Người tù binh trí thức kia tuy không ưa Cộng Sản, nhưng vẫn giúp họ vượt ngục, bằng cách hát to để át tiếng cưa chấn song cửa.
Cưa chấn song lúc 6 giờ chiều khi trăng lưỡi liềm mọc ở hướng Đông. Chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là tên Cộng Sản nhốt chung với ông khởi công.
Ông trí thức bèn kể câu chuyện truyền kỳ trong dân gian nước Tàu, khá phổ thông ở nước ta. Trước khi kể chuyện, ông bày nhân sinh quan, kiến thức về chính trị lẫn triết lý sống của ông.
Không hiểu trong cái thiên đường lý tưởng của các anh, con người có còn biết ngắm trăng không nhỉ? Anh nói sao? No và ấm? Nhưng còn thiếu, anh ạ. Vì các anh không để ý đến cái mà nhũng người như tôi muốn nuôi dưỡng. Cái mà các anh muốn liệt vào loại kẻ thù số 1, trên cả địa chủ, cường hào, thực dân, phong kiến. Cái mà làm cho chúng ta xứng danh là những con người. Con người đúng nghĩa của nó. Nghĩa là con người toàn diện.
Một thiên đường. Danh từ đẹp đẽ thay, mà cũng quyến rũ thay! Anh đã đọc Anatole France? Thế ra anh cũng đã đọc những loại sách đó.
Anh bạn trẻ ơi, anh có biết là tôi bất đầu mến anh rồi không? Anh cho Anatole France hoài nghi và tiêu cực. Ý kiến của anh không làm tôi ngạc nhiên. Thật ra nhắc đến Anatole France chỉ vì nói đến thiên đường. Chỉ vì Anatole France đã chán thiên đường. Cũng như Từ Thúc. Cũng như Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Hán.
Người thì chán, kẻ thì sợ, đến nỗi đã đến, đã ở, không chịu được mà phải trở về.
Tại sao vậy. Một biểu tượng? Đồng ý với anh. Nhưng biểu tượng đó ngụ ý cái gì?
Anh thử nghĩ xem... (trang 82)
Các anh đang khởi công xây dựng một thiên đường trên cõi đất. Công tác vĩ đại nhưng thiên lệch vì kết quả chỉ có thể giải quyết những triền phọc gây ra bởi cuộc sống xã hội bên ngoài. Mà tất nhiên là phải như thế. Giữa cuộc sống xã hội và cuộc sống nội tâm, những ai có hoài bão xây dựng thiên đường đều phải chọn lựa Thích Ca Mâu Ni, Christ... và bây giờ thì ngược lại, là Marx. Nhưng thiên đường là gì?... Đối với tôi là một con người phải ăn, phải uống mà cũng yêu yêu, ghét ghét, thì thiên đường chỉ là kết quả một cố gắng phân cực trong cõi tư duy. Và như vậy thiên đường cũng có nghĩa ngang với địa ngục. Hai thái cực của một thực tại đầy dẫy mâu thuẫn. Hai đầu tuyệt đối của một thứ dây mà con người là một tên hề múa may làm xiếc ở trên. Mỗi bước tiến là một cố gắng bổ sung nặng nhẹ, ghi một thế quân mình tạm bợ. Tên hề dần rợn chân đến mấy cùng phải tiến. Anh có thể tưởng tượng một thứ hề ung dung xuống tấn, giữ thế thủ ở một đầu dây? (trang 83, 84)
Đối với một Phật tử thuần thành thì thiên đường hay địa ngục do mình tạo tác. Nếu tâm mình thanh tịnh thì dù ớ cõi uế độ là cõi trần gian này cũng là ở cõi thiên đường. Khi còn sống ở trần gian ta tu thập thiện, nào phải đợi khi chết đi thiên đường mới hiện ra. Thiên đường hiện ngay trong nếp sống thường nhật của ta, không cần nơi có kỳ hoa dị thảo, không cần cung vàng điện ngọc mà bày ra những cảnh đơn giản nhưng làm cho ta vui vẻ, hạnh phúc.
Thiên đường là mặt phải, địa ngục là mặc trái, hai cái cực đoan của kiếp nhân sinh Vũ Khắc Khoan có lý khi nói như vậy. Người Cộng Sản vốn vô thần, lấy vũ khí để tiêu diệt tư bản, luôn cả giới tiểu tư sản để dựng một thiên đường không bao giờ có trong thế giới đại đồng cũng không bao giờ thực hiện nổi.
Thiên Thai của Lưu Nguyễn, Bồng Lai của Bát Tiên, cõi tiên trong hòn đảo giữa biển khơi của Từ Thức. Dù là các truyền kỳ nhưng vãn là sự chiêu cảm của chúng sanh mà Phật giáo đã nói tới. Nếu tâm ta thanh tịnh như ngọc pha lê, ta thấy nhiều cảnh giới của các địa tiên trên trái đất. Thông Thiên Học có nói tới Bạch Ngọc Cung của Ngọc Đế giữa sa mạc Qua Bích mà phạm nhỡn không thấy được, chỉ trừ nhũng kẻ có cái tâm của hiền thánh tăng mới thấy mà thôi. Ai từng đọc kinh Phương Đẳng và kinh Đại Thừa đều nghĩ về tính đối đãi giữa thiên đường và địa ngục. Nhưng với kẻ vô thần chỉ là truyền thuyết hoang đường. Họ không chịu hiểu cái tương ứng (la correspondance), tâm nào cảnh ấy. Tâm hạnh phúc thì cảnh bao quanh con người hạnh phúc ấy dù không phải cảnh thần tiên thiên đàng hạ giới vẫn có những cái đẹp riêng làm cho đương sự vui sướng.
Câu chuyện chính thống như thế này: Thuở xưa hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu thi rớt nên không màng tới công danh, khoa cử nữa. Hai chàng đi vào núi Thiên Thai hái dược thảo.
Cả hai đi dài theo dải suối có hoa đào rụng lên tận nguồn thì gặp cảnh tiên. Mỗi chàng kết duyên với một tiên nữ và tình nguyện ở luôn nơi tiên giới. Nhưng cảnh tiên quanh năm có gió lạnh và sương mù, nên ngỏ ý cùng vợ mình muốn trở về quê thăm nhà. Hai nàng tiên bi lụy đưa tiễn chồng ra khỏi động tiên. Lưu, Nguyễn về thăm làng cũ, mới biết mình đã bỏ xứ ra đi trên 600 năm, vì một ngày trên tiên giới bằng 100 năm ở hạ giới. Hai chàng đi vào núi Thiên Thai để tái ngộ cùng vợ tiên nga, nhưng không tìm được dải suối, chỉ thấy cây rừng đá núi ngổn ngang.
Câu chuyện truyền kỳ thần tiên kia, dưới ánh sáng tương ứng của Phật pháp không có gì ly kỳ cả. Khi chê chán công danh, cái tâm của Lưu Thần và Nguyễn Triệu trong sạch, làu làu một khối tuyết băng. Khi vào núi hái cỏ thuốc, cái tâm không nhơ bẩn của họ tương ứng với cảnh giới trong sáng, không có cạnh tranh nên cảnh giới trong sáng ấy phơi bày trước mắt. Khi ở cảnh tiên, lòng họ bị ô nhiễm bởi niềm nhớ làng xưa cảnh cũ nên hai cô tiên nga cho họ ra về.
Khi hai chàng trở lại núi Thiên Thai, dông suối Đào Nguyên còn đó, nhưng cái tâm trần tục khiến đôi mắt của hai chàng làm sao thấy được?
Tâm cảnh tương ứng là đây!
Nếu tôi đoán không lầm khi viết cuốn Thần Tháp Rùa, Vũ Khắc Khoan chưa mó tay vào các cuốn Kinh Phật. Ông tiêm nhiễm văn hóa Á Đông, cũng có đôi khi đọc triết học Lão Trang. Đó là trong các cuốn Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Cổ Học Tinh Hoa, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh v. v...
Viết truyền kỳ cổ tích trong dân gian, các nhà văn có thể gia giảm hoặc sửa đổi một số tình tiết cốt sao cho tình ý, lý tưởng, dự phóng của mình truyền đạt tới độc giả. Trong truyện Nhập Thiên Thai, Vũ Khắc Khoan cũng cho hai chàng Lưu và Nguyễn tới Thiên Thai, cũng cho họ say tình hai cô Mai nhi và Đào nhi. Nữ tiên chủ bằng lòng cho hai chàng ở lại theo quy ước ở đây là đẹp tình yêu nam nữ. Hai chàng ưng chịu. Nhung giáp mặt với Mai và Đào hai chàng cảm thấy mình không đè nén nổi sóng tình. Lại nữa, Mai và Đào không bao giờ biết tình yêu là gì. Hai chàng xin lìa cảnh giới thần tiên để trở về nơi cố quán. Về tới nơi cả hai mới hay mình vắng mặt cõi trần gian đã 600 năm.
Mượn chuyện thần thoại truyền kỳ nói lên thân thế và nguyện vọng của mình là sở trường của các cụ tiền bối chúng ta. Thật ra, sự tích Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai từ xưa tới nay vì được nhắc đi nhắc lại đến mức gây nhàm chán. Nhìn cái tựa Nhập Thiên Thai, có thể đoán tác giả chỉ mượn cốt truyện ấy để chuyên chở cái nhân sinh quan, cái triết lý sống riêng biệt của mình.
Từ trước tới khi nước Việt Nam bị ngăn đôi sau hiệp định Genève chưa hề có ai viết truyện ngắn chuyên chở tư tưởng như thế.
Ta thử lần tìm tư tưởng của tác giả qua lời của nhà trí thức. Trước hết đôi bạn tri kỷ đối ẩm trong đêm trăng. Đây là lời của Nguyễn Triệu:
Ít lâu nay, không hiểu sao, đệ lại thấy băn khoăn như những năm xưa. Đã tưởng ẩn mình trong chốn thô lậu, bỏ qua việc đời mà tiêu dao năm tháng cùng khói sông, sương núi, nhưng lòng riêng, riêng những hoang mang. Chiều nay ngắm trăng mà tự thấy thẹn. Không cầm được lòng mà vẫn còn phân ngôi chủ khách. Mỏng manh là thân thế. Bền chặt là cái tự nhiên... (trang 87, 88)
Và đây là lời của Lưu Thần:
Bác đã nói, đệ đã nói, đệ đâu dám giấu? Thật tình cũng đang cảm thấy mất dần yên ổn trong lòng. Trước kia có thể ngắm trăng mà quên thế sự, bình tĩnh ngâm thơ giũa buổi nhiễu nhượng... Những cái ồn ào phức tạp bên ngoài đã chen lấn vào cuộc sống lặng lẽ tên trong. Cho nên tuy không muốn mà bên cạnh tiếng lá, lời chim, vẫn côn nghe thấy người mua kẻ bán, cố giữ mà trong làn gió của sông, trong hương thơm của hoa ngoài nội, vẫn thấy mùi tục lụy nồng nồng. Nung nấu thâu đêm suốt sáng, nỗi tâm sự thật cũng không ngờ lại có bác chia xẻ. (trang 88, 89)
Những lời nói trên đây như củ hoài sơn không bổ không độc, nhưng các cụ ẩn sĩ thường dùng nát nước, dùng lại đâm ra nhàm. Chỉ có lời nhà trí thức tù binh kia đã giúp người đọc quan niệm mới:
Đất sống có nghĩa là thiên đường. Ở trong câu chuyện, là Thiên Thai, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai. Thiên Thai ở vùng nào nhỉ? Tôi cũng không biết. Mà cũng chả cần. Vì đây chỉ là một biểu tượng có một giá trị khá vững chắc, đối với thời và không gian, cho tới loài người ở mọi địa điểm trên thế giới thôi nuôi ảo mộng xây dựng thiên đường trên cõi đất... Tôi không ý nói cạnh ai đâu, kể cả anh nữa. Tôi chỉ kể lại một câu chuyện cố.
Bịa à? Thì tất nhiên là phải bịa. Bịa hiểu theo văn nghệ. Mà tất nhiên là văn nghệ hiểu theo cái nghĩa của tôi, của chúng tôi. Văn nghệ là gì? Sao anh rắc rối thế? Tôi tưởng trong lúc này, anh nên nghĩ đến trăng thì hơn, vì trăng thì... Anh nhất đinh bắt tôi giảng giải hay sao? Giảng thì giảng.
Văn nghệ bắt nguồn ở một mâu thuẫn và hướng tới một thế quân bình. Nghĩa là văn nghệ dựa vào một chuyện có thật để "bịa" một chuyện sắp xảy ra.
Chuyện có thật ở đây, là Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai. Còn câu chuyện sẽ xảy ra thì thú thật là chính tác giả của nó là tôi, trong giờ phút này cũng chưa biết "bịa" ra làm sao cho "ổn"... (trang 91, 92)
Đất sống có nghĩa là thiên đường. Nhưng vẫn còn thiếu. Tịnh độ kia mới chính là thiên đường, nghĩa là không chém giết, ganh đua. Không phải tiêu diệt giai cấp tiểu tư sản, tư bản rồi được vào vô sản, vào thế giới đại đồng. Cái thế giới đại đồng ấy không là hình bóng phản chiếu qua tấm gương soi mà là một thế giới lấy mặt làm trái, lấy ác mộng, máu xương làm nền tảng cho cuộc hình thành.
Lưu và Nguyễn ra đi dù có chủ đích lánh xa xã hội triền phọc, nhưng chẳng biết đến đâu. May mắn thay, hai chàng lạc vào một cõi địa tiên trong núi Thiên Thai. Nếu là thiên đường thì dân chúng ở cõi đó được gọi là thiên tiên. Hai cô tiên nga Mai và Đào chỉ là loại địa tiên như Giáng Hương trong truyện Từ Thức ở nước ta mà Nguyễn Dữ đưa vào quyển Truyền Kỳ Mạn Lục. Cảnh tiên trong điện ngọc đèn vàng và hoa viên có kỳ hoa dị thảo, thụy thú trân cầm giống như cảnh do ma quỷ, hồ ly hóa phép rất tráng lệ huy hoàng trong Liêu Trai Chí Dị hay trong cảnh tiên của các phim Trung Hoa.
Hai chàng được tiên chủ tức hai cô tiên nga gọi là phu nhân tiếp đón tử tế. Nhưng ghế của hai chàng bằng gỗ đàn hương cách cái giường thất bảo bằng cái rèm châu nên hai chàng chỉ nghe tiếng của tiên chủ chứ không thấy mặt bà. Ta thường thấy trong phim ảnh Âu Mỹ, Đức Chúa Trời không bao giờ xuất hiện mà chỉ nói văng vẳng làm khán giả cảm thấy Ngài thêm thiêng liêng. Chính vì lẽ đó mà Vũ Khắc Khoan không đưa phu nhân chường mặt chăng?
Phu nhân hỏi hai chàng muốn viếng nơi đây hay ở luôn. Hai chàng quyết chọn cách thứ hai.
Phu nhân giải bày:
-... Số là Trời đất mở ra tất phải phân phân hóa hóa. Cái lẽ âm dương tương sinh tương khắc ở đấy mà ra. Con người cũng như vạn vật cũng đều phải theo cái lẽ đó mà sinh sôi nẩy nở. Nhưng thỉnh thoảng đến chỗ cùng cực của tang thương biến đổi thì tĩnh tâm, thành ý, con người lại nuôi cái ý muốn trở về nguồn. Lớn rồi đi, đi rồi xa, xa rồi trở về. Nói như thế không biết có đạt ý không?
Lưu Nguyễn vâng vâng dạ dạ, chủ nhân lại tiếp:
- Cái ý muốn trở về cái nguồn đó, hằng ngàn thế kỷ qua đi lại kết tinh thành cái thiêng liêng chung đúc ở một vài khoảng giang son trong vũ trụ. Non nước nơi đây là một.
- Thế ra kẻ hèn đã đạt tới nguồn. Thảo nào, hoa hoa, lá lá...
Chủ nhân chậm rãi cắt lời:
- Nguồn tất phải đẹp. Vì nguồn là tuyệt đối. Cho nên con người từ phân hóa sinh thành, mấy ai quên hẳn được nguồn?
Cái tuyệt đối đó có thể là cái tuyệt đối của chính Vũ Khắc Khoan suy diễn gán ghép thêm vài ý niệm của Lão Giáo. Người Phật tử không thể mường tượng được. Vũ trụ này nằm trong vòng tương đối. Ngay trong Kinh Dịch có nói Trời Đất chia ra Dương và Âm, nhưng quả thực trong phần Dương đâu có hoàn toàn là Dương (Thuần Dương) mà còn có phần Thiếu Âm nhỏ bé. Cũng vậy, phần Âm vẫn chứa phần Thiếu Dương nhỏ bé. Khi Dương sắp mãn tuyệt thì Thiếu Âm lớn dần thành phần Âm thay thế cho phần Dương. Cũng vậy khi Âm sắp mãn tuyệt thì Thiếu Dương lớn dần thành phần Dương. Không bao giờ có chỗ cho Thuần Dương hay Thuần Âm chiếm ngự. Còn bên Phật giáo thì cái gì cũng có sự đối đãi nên ở trong vòng tương đối. Ngoài ra, cái gì mà ta thấy được, nghe được, nếm được, ngửi được, sờ được, khái niệm được thì cái đó còn ở trong vòng tương đối.
Thôi thì ta tạm theo Vũ Khắc Khoan đi vào cái tuyệt đối, cái phân cực của ông, ít ra ta có một hiểu biết mới, một lập luận mới. Tiếng phu nhân cõi Đào Nguyên thay cho ông Vũ:
- Nguồn là tuyệt đối, cho nên phân cực rất rõ ràng. Có nơi toàn thể thuộc dương. Và cũng có nơi, như nơi đây, lại hoàn toàn là một nguồn âm cực. Từ cây cỏ, muôn hoa, từ vạn vật đến loài người thuộc về âm tính. Không biết hai chàng có nhận thấy điều đó?
Bước đầu tiên vào nội địa cõi tuyệt đối đã là một bước ngại ngùng. Lưu và Nguyễn vừa ý thức được cái thế khó xử của mình: cái thế của một người đàn ông sống giữa một thế giới đàn bà.
Chủ nhân nói tiếp:
- Tôi hiểu hai chàng hiện đang lúng túng. Đặt cái mâu thuẫn, lồng cái tương đối vào khuôn tuyệt đối. Kể ra cũng khó thay. Nhưng... (trang 102, 103)
Lưu Thần và Nguyễn Triệu sau một chập suy đi nghĩ lại rằng mình bỏ quê đi tìm một chỗ xa lánh bụi hồng, nay gặp cảnh tiên thì dễ gì thoái thác. Họ tình nguyện ở lại dù phu nhân cho biết:
- Trời đất sinh ra, âm dương đối diện tất sinh tình. Vậy chỉ xin diệt hẳn chữ Tình.
Hai người đồng thanh:
Tưởng gì... nếu chỉ có một điều đó...
Nhưng bị ngắt lời:
Chúng tôi là căn tuyệt đối, giữ trọn âm tính là một điều dễ. Nhưng hai chàng dầu sao cũng còn mang nặng cái nghiệp tương đối. Vì thế mà khó chấn ngự nổi tình. Việc nếu xảy ra, tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ bảo tồn sông núi nơi đây. Đến lúc đó dù muốn cũng không dung nổi hai chàng. Vậy xin nói trước để hai chàng quyết định. (trang 104)
Tới đây, người tù binh trí thức ngừng kể sự tích Lưu Nguyễn lạc tới Đào Nguyên. Ông mổ xẻ vấn đề hai mối cực đoan. Ớ đây ta thấy nghệ thuật của Vũ Khắc Khoan dùng chuyện xưa để soi sáng cái nhân sinh quan lẫn quan niệm chính kiến của mình. Người tù binh trí thức bảo anh Cộng Sản trẻ tuổi:
Thế là Lưu, Nguyễn đã nhập Thiên Thai. Cũng giống như anh, cách đây chắc không lâu, khi đứng trước một lá cờ và hai người giới thiệu, anh long trọng hứa giữ trọn "gia pháp" của cái thứ Thiên Thai của anh. Không thể so sánh được à? Tại sao không? Cái tâm trạng của Lưu và Nguyễn khi lên đường tìm về tuyệt đối với cái tâm trạng của một thanh niên hào hiệp khát khao hành động theo một lý tưởng.
Anh đã lựa chọn. Giũa hai thái cực, sự lựa chọn của anh thiên về một phía. Cũng như Lưu, Nguyễn đã quên mất căn tương đối của kiếp làm người mà tìm nguồn Tuyệt dối thì giữa cái thế gọng kìm tư bản - vô sản anh cũng đã quên hẳn cái thế của chính anh, của những người như anh, cái thế của chúng ta. Nghĩa là cái thế của những người tuy không tư bản, nhưng nhất định không là vô sản. (trang 103)
Từ Thức đã bỏ Thiên Thai. Và Lưu, Nguyễn tất nhiên cũng thế. Tại sao? Nhớ nhà? Anh ngây thơ quá. Một người như Lưu và Nguyễn không bao giờ vì cái cớ nhỏ nhen nhớ nhà mà rời bỏ cái nơi mà cả hai đã hy sinh tất cả cái hiện hữu để mà đạt tới. Tại sao? Theo tôi thì không ở lại, chỉ vì không thể ở lại. Chỉ vì thấy Thiên Thai không phải là chỗ của mình. Anh còn nhớ lời chủ nhân cõi Thiên Thai? "Âm dương đối diện thí sinh tình. Vậy xin diệt hắn chữ tình." Vậy mà Lưu Thần, Nguyễn Triệu lại chỉ là những con người... (trang 106)
Lưu Thần và Nguyễn Triệu đang sống khinh khoái Ở Thiên Thai, nhưng một hôm gặp Đào nhi và Mai nhi. Lòng hai chàng dao động. Nhưng hai cô tiên nga kia hồn nhiên đi dạo với chàng, không tỏ vẻ tình tứ như hai chàng mong mỏi.
Vi Mai và Đào không biết yêu. Không ai ở Thiên Thai thì phải diệt tình. Vì lẽ tồn tại của Thiên Thai. Mai nhi, Đào nhi chỉ là hai pho tượng sống.
Anh nói gì? Thế nào là người à? Anh hỏi khó trả lời đấy. Tuy nhiên đặt nổi một vấn đề cũng đã là giải quyết một phần vấn đề. Anh đã thắc mắc về con người. Thế là đủ. Vì niềm thắc mắc đã tố cáo, ngay trong anh, có hiện hữu một cuộc sống khác hẳn cuộc sống hời hợt bên ngoài.
Nhưng cuộc sống nội tâm đó, các anh đã dùng đủ mọi phương tiện để thủ tiêu, cũng như người con gái Thiên Thai đã diệt hẳn tình. (trang 11O)
Thế là Lưu Thần và Nguyễn Triệu dùng thuyền từ giã Nguồn Đào. Về tới quê hương thì cảnh vật hoàn toàn thay đổi. Hỏi một cụ già chống gậy thì biết mình đã bỏ chốn quê hương ở trần gian ra đi 600 năm. Hai chàng đau khổ khóc cười như người điên rồi chèo thuyền đi mất biệt.
Người tù binh trí thức kết luận:
Nhưng nhất định không quay lại chốn cũ Thiên Thai. Và đến đây mới thật chấm dứt câu chuyện Nhập Thiên Thai của anh.
Nhưng lại bắt đầu câu chuyện khác: chuyện của tôi, vì tôi không "nhập Thiên Thai" nữa. Tôi ở lại. Tại sao? Bây giờ đến lượt anh chất vấn. Tại sao?
Vì tôi không muốn thành điên như Lưu và Nguyễn. Tôi không muốn vắng mặt 600 năm. Tôi muốn kịp thời có mặt ở mọi khúc quanh của dòng tiến hóa. Và nhất là vì tôi cũng muốn yêu... Vì tôi là một con người. Con người toàn diện như anh thường nói.
Đây là truyện ngắn mô phỏng truyện thơ Bích Câu Kỳ Ngộ (không rõ tên tác giả). Vũ Khắc Khoan mô phỏng rất nhiều và thay đổi luôn kết cục. Lại nữa, ông cho sát nhập sự tích tiên nữ Giáng Tiên triều đại vua Lê Thánh Tôn vào câu chuyện biến cải của mình - xảy ra hậu bán thế kỷ thứ 15.
Văn phong Vũ Khắc khoan ở Người Đẹp Trong Tranh hùng tráng, tươi nhuận và cổ kính. Không có câu biền, câu ngẫu nhưng cách dùng ngữ pháp cổ điển (les tournures classiques) đem lại cho độc giả không khí (l'ambiance) đượm phong vị thuở các triều đại xa xưa. Theo bút giả, viết chuyện xưa nên dùng lối văn cổ điển mặt ngoài, nhưng tả chân bên trong.
Còn nhớ lớp Sơ Đẳng tiểu học có bài ám đọc lấy một đoạn trong truyện thơ Bích Câu Kỳ Ngộ:
Thành Tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!
Đưa chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
Xanh xanh dẫy liễu, ngàn thông
Cỏ rành lối mục, rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước đìu hiu
Phất phơ gió trúc, dập dìu mưa hoa.
Cảnh trí thì ở nước ta cũng có một vài. Nhưng cái hồn của cảnh là hồn của thời Đường, thời Tống bên Tàu. Còn đây là cảnh nhà Trần Công, người chú ruột của Tú Uyên.
Trần Công ngừng lại giây lát, đủ để Tú Uyên thấy thoáng hiện lên trên nên ký ức một nếp nhà ba gian hai chái, những hàng cau thẳng tắp, một giàn thiên lý, những pho sách dưới ánh trăng, một ấm trà thom buổi sớm, rặng tre xào xạc, ngõ tối đom đóm lập lòe, những bước đi thầm lặng của một người thím đã luống tuổi mà vẫn chưa một lần sinh nở. (trang 123)
Mở đầu câu chuyện là ông chú Trần Công từ quê quán Sơn Nam lên Kẻ Chợ thăm người cháu Tú Uyên, bàn chuyện hôn nhân của chàng. Nhưng Tú Uyên van xin chú mình rằng chàng không tính chuyện ấy. Rồi hai chú cháu nói chuyện thi ca từ thuở nhà Đường có chàng thi sĩ Lý Bạch tán tụng nhan sắc tuyệt diễm của Dương Quý Phi trong bài thơ Thanh Bình Điệu tới chuyện vua Lê Thánh Tôn đi lễ chùa Ngọc Liên gặp Giáng Tiên thần nữ làm bài thơ có hai câu trác tuyệt: "Gió thông đưa kệ tan niềm tục, Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời."
Tú Uyên cho rằng hai câu thơ ấy của đấng quân vương chớ không phải của thần nữ. Từ bao lâu nay, ngài làm toàn thơ có khẩu khí bậc chí tôn, bây giờ làm thơ thấm nhuần đạo hạnh lẫn trữ tình nên người đời cho rằng bài thơ ấy do chính nàng làm ra.
Giáng Tiên theo vua về cung. Nàng cùng đi long xa vời vua, nhưng tới nơi thì nàng biến mất. Vua cho cất Vọng Tiên Lâu để hoài niệm tới nàng.
Một chiều xuân nọ từ Quốc Tử Giám bước ra, Tú Uyên có cảm giác kỳ lạ, xâm chiếm tâm hồn.
... Cảm giác dâng lên như sóng đại dương khi mặt trời lặn. Cũng không hẳn là khó chịu. Cũng không phải là nao nao cái tuổi dậy thì. Bèn ngửng lên trời. Và chợt hiểu: trên trời rực màu áo vóc đại hồng, lũng lờ có một đám mây trắng nõn đang chuyển hình xê dịch từ phía Đông qua Tây. Nền trời cùng đám mây, tất cả cái chuyển động huy hoàng đó.
Tú Uyên thấy vừa quen thuộc mà rất lạ lùng. Bởi chưa từng được thấy mà hình như trong tận cùng cõi vô giác của chàng, đã từ lâu, vẫn tiềm tàng một ước mong thầm kín được mắt nhìn tận mắt những cảnh chuyển vần huy hoàng tương tự. Hình như mối rung động màu sắc kết hợp nay đã bắt nguồn từ lâu lắm, từ xa lắm, từ một kiếp nào xa lắm. Có lẽ, trong một cơn mơ, hay chập chờn, giữa những giấc ngủ chập chờn... (trang 133)
... Lời nào, tiếng nào mà có thể nói lên, gợi lại cái màu tơ nõn bồng bềnh mây trắng cái ráng đỏ rực đặc quánh ánh tà huy này?
Từng trang sách cũ lần giở trên nền ký ức, những vần, những điệu, châu ngọc lời nói, gấm thêu lớp lớp, nhưng tất cả chữ nghĩa thảy đều nhạt mùi ma túy trước sự giao hòa rực rỡ mà vô cùng giản dị của màu và sắc đang tưng bừng trước mắt Tú Uyên.
Đám mây trắng làm chàng bứt rứt, làm sao thể hiện nó thành một cái gì của chàng. Đúng lúc đó, một lão già đến làm quen, chưa chi mà soi rõ tấm long dao động của chàng. Ông ta bảo chàng rằng ngôn ngữ không thể diễn tả nhanh chóng được cái đẹp của cảnh sắc thì ngọn bút tơ mà vẽ đường cong nét thẳng mới diễn tả hình dung dáng dấp phải hơn không?
Cả hai vào quán rượu. Khi cạn một bát đầy thì...
... Tú Uyên cảm thấy toàn thân nhẹ nhõm, tâm thần phơi phới như đám mây trắng chơi vơi trên bầu trời rục đỏ ban chiều. Bèn giương mắt nhìn quanh thì như lạ như quen, mờ mờ ảo ảo, cảnh vật nhờ nhờ như bức tranh thủy mạc. Định thần, cố cưỡng lại men thì thấy ông già dang cúi đầu trước một tờ giấy lớn giải rộng tay, lăm lăm cây bút đại tự. Mắt Tú Uyên dán chặt vào đầu cây bút. Bàn tay ông già ngần ngừ giây lát rồi gân tay bỗng nổi, mấy đầu ngón tay thon dáng lá lan bám chặt lấy cán bút, đầu bút chúc trên mặt giấy. Toàn thân ông già giữ lặng như pho tượng đá, duy từ đôi mắt quắc lên, như có một sức vô hình phả xuống bàn tay, bút múa trên tờ giấy. Từng nét, từng đường phút chốc đám mây trắng ban chiều đã cuồn cuộn nổi lên trên mặt giấy phơn phớt chu xa. (trang 138, 139)
Trước đó, khi nghe Tú Uyên than rằng chàng đeo đuổi hội họa, biết có được thành công hay không, lão già bảo:
- Nuôi trong nội tâm ý thành muốn đạt là nhân. Gặp ngoại cảnh là duyên đã bén. Bức tranh này là cái quả kết thành. Nhưng từ nhân tới quả, từ cái Tuyệt đối trong lòng phả thành cái tuyệt trong thơ, trong họa, sẽ trải qua rất nhiều đoạn đường hy sinh, nuôi dưỡng. (trang 140)
lão già phất tay áo, đám mây trong tranh từ Đông vần vụ sang Tây rồi biến mất. Nền tranh màu đỏ chu xa dịu lửa, trở nên mát rượi. Tới đây là sự biến thể của bức tranh dưới bàn tay tài hoa của một lão già kỳ bí:
Ông già cất bút. Bút chạy loang loáng trên nền tranh. Trước mặt Tú Uyên dưới ánh đèn dầu, lần lần hiện lên, huyền huyền ảo ảo, vô cùng linh động, những đường cong ấm dịu thân hình uyển chuyển một người thiếu nữ. Chàng trai chưa đến tuổi hai mươi - Tú Uyên - bỗng thấy sung sướng đến rợn người. Bây giờ đây, không phải chỉ là sự điều hòa của màu và sắc, sự điều hòa của nét và hình. Giờ đây cả màu và sắc và nét và hình đã trở nên màu - sắc - nét - hình của da của thịt. Chất ma túy toát ra từ người thiếu nữ trong tranh quyến rũ không phải chỉ nguyên có phần thị giác, mà toàn thể giác quan, mà toàn diện của chàng tuổi trẻ. (trang 141, 142)
Hội họa Trung Hoa khác hội họa Âu Tây không ở chỗ vật gần thì lớn, vật xa thì nhỏ (le dessin en perspective). Cũng vậy, phối trí và nét vẽ thơ ngây của Henri Rouseau bất chấp vật gần, vật xa.
Thưởng lãm tranh Á Đông, ta dùng cảm nghĩ nhiều hơn là mằn mò kỹ thuật. Dĩ nhiên Tú Uyên xem tranh bằng cảm nghĩ tức là từ lúc nhìn đám mây tơ nõn trên nền trời hồng chứ không qua kỹ thuật hội họa Á Đông.
Tiếc rằng ở đầu câu chuyện, tác giả họ Vũ không giới thiệu Tú Uyên có sành hội họa hay không?
Đám mây trên nền đỏ rực như chu xa làm cho tâm hồn chàng bị thu hút vào cái chiêu cảm tuyệt vời. Khi lão già thể hiện nó vào tranh, tâm hồn chàng càng bị thu hút mãnh liệt hơn.
Rồi trên bức tranh hiện lên hình một tố nữ, chàng càng điên đảo thêm. Biết chàng si tình người đẹp trong tranh, lão già hỏi nếu gặp người đẹp ấy, chàng vượt khỏi tình thương nhục cảm hay không? Tú Uyên xin lão cho chàng một phen thử thách. lão già vạch thêm nét trăng tròn, dặn chàng treo tranh trước án sách. Ngắm mãi người đẹp trong tranh thì ý thành của chàng sẽ có ngày thể hiện. Lão hẹn với Tú Uyên ngày tái ngộ tại Cầu Đông, sông Tô Lịch.
Từ xuân qua hạ rồi sang thu, Tú Uyên không thấy người đẹp trong tranh hiện ra. Chàng kể chuyện kỳ ngộ với lão già cho Trần Công nghe.
Bấy giờ vào khoảng nửa đêm, hai chú cháu sang phòng treo tranh. Cả hai nhìn bức tranh thì thấy người trong tranh không còn nữa, vầng trăng tròn biến thành viền trăng khuyết. Ngoài trời, trăng hạ huyền treo trên nền trời đêm.
Do lẽ đó, Tú Uyên tìm lão già kỳ bí ở Cầu Đông sông Tô Lịch. Lão chèo thuyền đưa chàng đến chùa Ngọc Hồ. Lão già dặn dò:
- Người đẹp chẳng qua chỉ là phương tiện. Thể hiện vẻ đẹp trên tranh mới là cái đích của công tử. Đừng nên đắm đuối vào phương tiện mà lãng quên cái đích của mình. Lão khuyên công tử nay phải sửa mình cho vững vì thử thách hãy còn nhiều... Giữa người đẹp đào tơ mơn mởn và một nét họa trong tranh, giũa cái nhất thời tương đối và cái tuyệt đối bất chấp thời gian, sự chọn lựa sẽ vô cùng đau xót. (trang 150)
Tới sân chùa Ngọc Hồ, Tú Uyên đến gốc thông già, lựa cành cây thấp trải bức tranh, ngồi đợi. Chốc lát, hai người nữ vừa đi đến vừa chuyện vãn. Đó là Giáng Kiều và Giáng Tiên.
Chàng sực nhớ huyền thoại giữa vua Lê Thánh Tôn và tiên nữ Giáng Tiên gặp nhau tại chùa Ngọc Liên. Vua mời nàng ngồi chung một chiếc long xa để đưa nàng về cung. Nhưng tới nơi thì nàng biến mất.
Vua sáng tác một bài thơ trữ tình có hai câu tuyệt bút: "Gió thông đưa kệ tan niềm tục, Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời."
Giáng Tiên cho biết từ bao lâu, nhà vua làm thơ hàm nhuận khẩu khí của bậc quân vương nên thơ không được truyền cảm. Bởi thế cho nên nàng xuất hiện đem nguồn cảm hứng mới lạ cho vua. Huyền sử chớ không phải huyền thoại. Và Vọng Tiên Lâu là vua cho người xây cất để vua tưởng nhớ tới nàng. Nàng được đi vào tuyệt đối do bài thơ của vua.
Còn Giáng Kiều than rằng thân phận nàng ràng buộc với nét trăng, chẳng biết mai sau nàng sẽ ra sao. Giáng Tiên bảo nhờ tay người vẽ, Giáng Kiều cũng sẽ đi vào tuyệt đối, thoát khỏi vòng miên viễn của thời gian.
Tú Uyên trở về nhà. Trăng trong tranh tròn đầy. Chàng gọi Giáng Kiều không ngót nhưng nàng vẫn không hiện ra. Rồi đêm đến. Giáng Kiều hiện ra cùng chàng say đắm các cuộc giao hoan.
Sáng thức dậy, Tú Uyên đem chuyện lão già vẽ tranh kể lại cho người yêu nghe.
Giáng Kiều tỏ thật:
- Thiếp nhờ tay của người tạo nên thể xác. Lại nhờ ý thành của chàng gây nên sinh khí mà tạo thành người. Thân thiếp vì vậy mà hoàn toàn tùy thuộc nơi chàng. Không biết có tin được lòng ai không? (trang 159)
Tú Uyên hứa với nàng sẽ "đem hết cả chuỗi ngày xanh còn lại mà nguyện yêu nàng." (sic) Chàng quên lời hứa với ông già. Cả hai yêu đương khắng khít. Rồi một hôm nhớ tới ông già, chàng cầm bút tơ lên phác thảo vài nét thì hiện ra đôi chim đang cất cánh. Giáng Kiều bảo chàng phái bắt đầu nơi nàng. Nàng mới là thật. Còn đôi chim kia là trò ảo mộng. Nàng nhắc lại lời chàng hứa với ông già: nàng chỉ là phương tiện. Bức tranh tố nữ do nàng hiện trong tranh mới là mục đích cuối cùng của chàng. Chàng bắt đầu vẽ.
Nhưng mỗi nét bút lông vạch trên nền giấy làm cho nàng đớn đau. Tuy nàng giữ vẻ mặt tươi cười mà nước mắt tuôn rơi. Thế là vì tình yêu sâu đậm với Giáng Kiều mà chàng cam thất hứa với ông già kỳ bí.
Một hôm chàng toan đốt bức tranh thì Giáng Tiên hiện ra cho biết nàng chỉ là phương tiện giúp cho tiên đế tìm ra hồn thơ trác tuyệt. Tiên đế nhờ bài thơ của ngài mà nàng đưa vào cái tuyệt đối. Chàng đành chọn lựa theo lời hứa với ông già.
Ngọn bút tung hoành loang loáng như một ánh thép lưu cầu bị dồn vào một thế cụt. Ngọn bút táp xuống nền tranh, sầm sắp mua sa xuống mặt sông dài giữa cơn bão lớn. Từng nét một, người đẹp trên tranh lần lần thể hiện. Từng nét một, Tú Uyên bỗng thấy Giáng Kiều mờ dần sau một đám mây mù khởi dâng không biết tự nơi nào. Chàng dụi mắt, định thần và chợt hiểu.
Tay cầm bút run lên.
Đám mây mỗi lúc một thêm dầy đặc, thấp thoáng chỉ còn nhìn thấy vài nét Giáng Kiều.
Bèn nghiến răng gạt lệ, mà chúc đầu ngọn bút xuống nền tranh.
Nét bút cuối cùng là một nét trăng rằm.
Đám mây phút chốc trở nên trắng xóa, bồng bềnh nhẹ lướt qua song, mờ dần vào một khoảng trời cao thăm thẳm.
Giáng Kiều đã đi vào lòng tuyệt đối. (trang 175, 176)
Tú Uyên bó nhà đi mất. Trần Công giữ bức tranh. Nhưng ít lâu vợ chồng ông tạ thế.
Bức tranh vì thế mà sang tay này qua tay khác.
Khi Pháp chiếm khắp nơi thì tranh sang tay quan Đình Nguyên họ Phan phất cờ Cần Vương khởi nghĩa.
Khi hấp hối ngài đòi nhìn tranh đó. Đường nét trong tranh lu mờ. Trăng bỗng đỏ ửng lên và rụng.
Người đẹp trong tranh biến mất trước khi vị anh
hùng vì nước quên mình nhăm mắt lìa đời.
Thần thoại, truyền kỳ, giai thoại, nước ta rất phong phú. Lựa chọn hoặc biến cải cốt chuyện thành những chuyện bát ngát hương vị dân tộc tính, những nhân sinh quan, và cả triết lý riêng của mình để thành một tác phẩm tươi đẹp, thâm thúy và lạ lẫm. Có thể nói Vũ Khắc Khoan là một trong số ít các nhà văn làm được điều ấy.
Qua tập Thần Tháp Rùa, ta biết về các kẻ sĩ tân học trong giai đoạn nước nhà đang làm thí điểm cho cuộc giao tranh giữa tư bản và cộng sản. Ông cho rằng vô sản đã đóng màn một và màn hai trong vở kịch về lớp sóng phế hưng của lịch sử.
Màn một và màn hai, phe vô sản giữ phần chủ động. Có lẽ ông đã thấy cái kết cuộc "lãng xẹt" của sự đất nước chia đôi, cái trò xây dựng một thiên đường "dở ẹc", nếu không nói là tàn độc của phe chủ động ấy. Cho nên trong Trương Chi, ông bảo với người Cộng Sản trẻ rằng màn ba phải giành "cho tôi, cho chúng tôi." (sic)
Màn ba dù đã hơn nửa thế kỷ chưa khai diễn. Nhưng các phe tư bản và vô sản hãy còn có đó, tức là màn ba sẽ có cơ hội khai diễn ở một tương lai xa tắp nào đó. Biết đâu!
Riêng chuyện Người Đẹp Trong Tranh là câu chuyện dị thường (conte extraordinaire) pha đậm thêm hương vị của hội họa. Nó cũng như truyện dài Le Portrait de Dorian Gray của Oscar Wilde và truyện dài Le Portrait de Jennie của Robert Nathan. Ta mới thấy nhát cọ, nét bút tơ, màu sơn, màu nước cộng với người đẹp sẽ gây biết bao cảm hứng cho những thiên tài mai phục (le talent latent) được cơ hội sẽ trổ sắc lừng hương.
Thần Tháp Rùa là tập truyện độc nhất của Vũ Khắc
Khoan, nhưng là một tác phẩm bất hủ của ông.