LTS. Thơ chữ Hán Khai Xuân Thạch Vấn viết theo lối chữ thảo đăng trong số Xuân Thế Kỷ 21 vừa rồi là một phát giác mới về thơ Vũ Hoàng Chương, cũng là một thách đố cho những nhà Hán học trong việc đọc và dịch nó. Nhà nghiên cứu Trần Từ Mai và giáo sư Nguyễn Huệ Chi cùng với bạn bè Hán học của hai ông đã cố gắng hết sức, nhưng với một số chữ cũng phải đoán chứ không dám khẳng định hẳn, về âm cũng như về nghĩa.
Nay thì mọi việc đã sáng tỏ với bài phiên âm và dịch thơ của chính thi sĩ Vũ Hoàng Chương vừa được tìm thấy, mà nhà nghiên cứu Trần Từ Mai trình bày sau đây.
Trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi, khi được ông Chủ bút Phạm Phú Minh cho biết:
1) Bài thơ chữ Hán với thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương xuất hiện trên một trang giấy màu hồng điều, mặt sau là một trang của báo Nhà Văn số 2, cũng là số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975, và
2) Nhà Văn là một tập san văn học, xuất bản tại Sài gòn khoảng đầu năm 1975, do hai nhà thơ Nguyên Sa và Trần Dạ Từ đồng chủ biên, chúng tôi đã điện thoại tới nhà thơ Trần Dạ Từ để biết thêm chi tiết. Sau khi được xác nhận: “Nhà Văn số 2, tức số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975 quả có in một bài thơ Xuân bằng chữ Hán với thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương,” chúng tôi đã nêu nhận xét: “Mỗi khi gửi thơ với thủ bút chữ Hán để in trong các báo Xuân, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường gửi kèm theo các phần phiên âm, chú giải, có khi cả bản dịch sang thơ Việt, để làm rõ nghĩa bài thơ thủ bút. Nếu chúng ta có thể tìm lại toàn thể tập báo Nhà Văn số Xuân Ất Mão (Sài gòn, tháng 2-1975), việc tìm ra âm và nghĩa của bài thơ chữ Hán Thế Kỷ 21 muốn giới thiệu sẽ không khó khăn” (xin xem lại Thế Kỷ 21, số đặc biệt Xuân Đinh Hợi, trang 17).
Trong hoàn cảnh gấp rút (chỉ còn ít ngày trước Tết) và bất bình thường (rất khó tìm lại một tập báo, hơn nữa, một tập san văn học, của miền Nam trước 1975), chúng tôi nhận trách nhiệm tạm phiên âm và giải thích bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trên Thế Kỷ 21 số Xuân để làm chút quà văn nghệ gửi tới độc giả nhân dịp đầu năm, trong niềm ước vọng không sớm thì muộn, chúng ta sẽ tìm ra tập báo Nhà Văn Xuân Ất Mão ấy. Như đã trình bày trong số báo trước, trừ những vị đã bỏ ra nhiều chục năm để nghiên cứu thảo thư, ít ai dám đoan chắc có thể đọc hoàn toàn chính xác một bản văn lạ bằng chữ Hán với nhiều chữ viết thảo.
Sau khi gửi bản phiên âm và giải thích bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương tới tạp chí Thế Kỷ 21, không hoàn toàn yên tâm với việc dùng phỏng đoán để ấn định văn bản cho một tác phẩm văn học, chúng tôi tới một thư viện Đại học, dùng hệ thống OCLC (Online Computer Library Center) để truy tìm trong WorldCat (theo danh nghĩa: “thư mục thế giới,” nhưng trên thực tế mới chỉ gốm thư mục khoảng 57,000 thư viện, đa số ở Hoa Kỳ cùng một số thư viện quan trọng ở Canada và Âu châu). May mắn thay, nhờ WorldCat, chúng tôi phát hiện được rằng nguyệt san Nhà Văn, xuất bản tại Sài gòn từ tháng 1 tới tháng 3-1975 với hai chủ biên Nguyên Sa và Trần Dạ Từ, đã được tìm mua, và hiện vẫn được lưu giữ tại năm thư viện Đại học sau đây:
- Cornell
- Yale
- Uni. Of California, Berkeley
- Uni. Of Michigan, Ann Arbor, và
- Uni.of Wisconsin, Madison
Nhưng đó cũng chỉ là trên danh nghĩa. Trên thực tế, khi liên lạc với thư viện của Đại học California tại Berkeley, chúng tôi được biết toàn bộ gồm ba số của nguyệt san nói trên đã bị “declared missing” (tuyên bố mất tung tích), trong sự ngạc nhiên và phiền muộn của Ban Điều hành thư viện (Theo WorldCat, thư viện của Đại học California tại Berkeley có hai nguyệt san tiếng Việt cùng mang tên Nhà Văn, một nguyệt san xuất bản ở sài gòn năm 1975, chỉ gồm có ba số, nguyệt san kia xuất bản ở Hà Nội từ năm 2000 trở đi. Nhưng khi nhân viên của nhà trường tới kệ sách tìm các tập xuất bản ở Sài gòn hầu làm bản chụp theo thỉnh cầu của một Đại học ở Nam California, mới phát hiện các tập ấy đều đã mất tung tích không rõ lý do, chỉ còn lại các tập xuất bản ở Hà Nội).
Trong khi đang đợi tin từ một số thư viện ở xa hơn thì chúng tôi được nhà thơ Trần Dạ Từ hân hoan cho biết: một độc giả báo Nhà Văn, còn giữ được số Xuân Ất Mão sau hơn 30 năm, có nhã ý gửi tới ông bản chụp một số trang của tập báo này sau khi đọc thấy bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21. Trong những trang nhà thơ Trần Dạ Từ nhận được, có bản phiên âm và bản dịch bài thơ sang tiếng Việt của chính thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nhà thơ Trần Dạ Từ đồng ý cho Thế Kỷ 21 và chúng tôi phổ biến những tài liệu này. Trong vô cùng cảm kích, chúng tôi trân trọng ghi nhận tấm lòng với văn học của vị độc giả đã - không quản những nguy hiểm, phiền lụy … có thể xảy ra cho bản thân sau cuộc “đổi đời” năm 1975 – gắng công giữ tập báo Nhà Văn Xuân Ất Mão suốt hơn 30 năm qua và đã chụp gửi tới nhà thơ Trần Dạ Từ, cùng thành thật cám ơn anh Trần Dạ Từ.
Dưới đây là bản chụp hai trang báo Nhà Văn số Xuân Ất Mão, gồm phiên âm bài thơ sang Hán Việt cùng lời thơ Việt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, và trang đối diện của bài thơ ấy. Theo nhà thơ Trần Dạ Từ, đây là các trang 2 và 3 của tập báo Xuân:
Báo Nhà Văn số Xuân Ất Mão
Để dễ đọc hơn, chúng tôi xin đánh lại phần phiên âm cùng lời thơ Việt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, và thêm phần chép lại bài thơ sang Hán tự theo lối chữ chân phương:
BẢN PHIÊN ÂM CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Tường vân mãn tọa nguyệt bôi minh
Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hà thanh!
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn,
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình!
Đồi ngọa, dữ sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?
NGHĨA:
Mây lành đầy khắp chỗ ngồi, ly rượu dưới trăng sang lóng lánh
Vui đùa chúc Xuân sang, đêm đẹp gần như ngọc
Liễu bên đông, đào bên tây, cả hai cây đều tuyệt đẹp
Dâu đất Tần, cỏ đất Yên [bên bờ] một dòng sông cùng xanh
Dù vẫn nặng lòng nhớ thương hương phấn nước cũ
Tự có lời nói cuồng vượt ra khỏi tấm bình phong (bức vách) bằng đá
Giữa người say nằm suy nhược [ở nhà] và người say nằm nơi sa trường
Xưa nay ai cao danh hơn ai?
BẢN TIẾNG VIỆT CỦA BÀI THƠ
ĐÁ MỞ LỜI XUÂN
Bạn đầy mây, chén đầy trăng,
Xuân vào đêm, giữa lòng băng nở quỳnh.
Liễu tơ đào gấm như tranh,
Dâu Tần biếc, cỏ Yên xanh, một trời.
Quê xưa phấn rụng vàng rơi
Có nghe vách đá vang lời hỏi duyên:
Say nằm trước ngõ là tiên,
Hoặc say nằm cát ngoài biên mới hào?
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
trên thềm Tết Ất Mão
NHẬN XÉT:
1) So với bản phiên âm của chính thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trên, bản do một số thân hữu và tôi tạm đưa ra trên Thế Kỷ 21 số Xuân đã:
- Hoàn toàn đúng bốn chữ nhan đề: Khai Xuân Thạch Vấn;
- Hoàn toàn đúng các câu 1, 2, 3, 5, 7, và 8;
- Sai hai chữ trong các câu 4 và 6:
Với câu 4, trong khi thi sĩ Vũ Hoàng Chương muốn nói:
Tần tang, Yên thảo nhất HÀ thanh
thì chúng tôi đọc sai, thành: nhất HỒI thanh.
Với câu 6, trong khi thi sĩ Vũ Hoàng Chương muốn nói:
Tự HỮU cuồng ngôn xuất thạch bình
thì chúng tôi đọc sai, thành Tự TẢ cuồng ngôn …
Nhờ tỉ lệ sai tương đối thấp (hai chữ trong tổng số 60 chữ, hay 3.33%, trừ một chi tiết đáng lưu ý ở câu 6 sẽ nhắc lại bên dưới, không có sai biệt đáng kể giữa ý tưởng bài thơ như chúng tôi trình bày trong số báo trước và ý tưởng bài thơ chúng tôi nhận thấy hôm nay, sau khi đã đọc kỹ bản phiên âm của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cùng lời dịch sang thơ Việt của ông.
Đi vào chi tiết, trong khi chỗ sai ở câu 6 (“tự có lời nói cuồng” so với “tự viết ra lời nói cuồng”) không đem lại nhiều khác biệt quan trọng cho ý cả bài thơ, thì chỗ sai ở câu 4 thuộc loại đáng kể. So với “Dâu đất Tần, cỏ đất Yên cùng xanh” thì câu “Dâu đất Tần, cỏ đất Yên [từ đôi bờ] một dòng sông cùng xanh” ý rõ và mạnh hơn nhiều. Là người Việt, lại biết rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã phổ biến bài thơ đầu năm 1975, chúng ta hẳn biết ông muốn nói tới sông nào. Sau câu 3, với ý tưởng “trong khi hai phía đông, tây đều tươi đẹp, rực rỡ,” thì cảnh ly biệt vì chiến tranh của những cặp vợ chồng trẻ (“Tần tang, Yên thảo”) tại hai bên bờ song Bến Hải càng thấm thía, xót xa (Trong bản tự phiên âm, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đặt dấu chấm than ở cuối câu này).
Tóm lại, chủ ý Vũ Hoàng Chương qua bài thơ đúng là những điều chúng tôi trình bày, trên Thế Kỷ 21 số Xuân Đinh Hợi, nhưng chữ HÀ với ý niệm dòng sông chia đất nước nói trên đã làm ý tưởng ấy rõ và thấm thía hơn nhiều.
2) Về chữ “hà” thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã dùng cũng có đôi điều đáng nói.
Hôm trước Tết, nói cho thực, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính có nêu câu hỏi: “Chữ thứ 6 câu 4 (mà đa số chúng tôi đọc là ‘hồi’) có thể đọc là ‘hà’ hay không?” Chúng tôi có suy nghĩ khi nghe câu hỏi trên, nhưng sau khi nhận thấy nếu chọn chữ “hà” này (với nghĩa là “sông,” một danh tự), phép đối sẽ không chỉnh, nên đã bỏ một cách sai lầm:
Đông liễu Tây đào song TẬN mỹ
Tần tang Yên thảo nhất HÀ thanh
“Tận” ở vị trí một trạng tự (thời trước gọi là “bán hư”), không cân đối với “hà” ở vị trí một danh tự (thời trước gọi là ”thực tự”). Do đó, chúng tôi không coi “hà” là đúng và đã chọn chữ “hồi.”
Thơ Đường luật đòi hỏi hai câu 3-4 và hai câu 5-6 phải đối với nhau. Là một nhà thơ nghiêm túc và uyên bác, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã để lại nhiều bài thất ngôn bát cú Đường luật mà niêm, luật, vần, đối … đạt tới độ toàn bích. Riêng về đối, ông có nhiều cặp câu thơ ý và lời rất cân đối, rất đẹp, và cũng khá dụng công. Chẳng hạn:
Gió mây Sa điện vèo non Thái
Sương tuyết Hoàng hoa đẹp vết Hồng
(Vịnh liệt sĩ Phạm Hồng Thái)
Đông Tây mộng quải tam canh nguyệt
Nam Bắc tình khiên vạn lý vân
(“Loạn trung biệt hữu” – Tặng cụ Phan Khôi)
Sao nằm quạnh quẽ mờ sông Hán
Sầu chất bao la hẹp điệu Đường
(“Nhớ cố nhân” – Tặng kịch sĩ Tuyết Khanh)
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi sang
Hai ngả lòng thu dựng tháp sầu
(Trong khi hai chữ Nhật + Nguyệt ghép thành chữ Minh thì hai chữ Thu + Tâm ghép thành chữ Sầu …)
(Từ miền Nam, gửi nữ sĩ Ngân Giang đang ở miền Bắc)
Vì những cặp câu thơ giữ luật đối công phu như thế, trong mấy hôm trước Tết, chúng tôi đã dè dặt không dám nhận chữ “hà,” vì cho rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương sẽ không dùng chữ ấy để đối lại với “tận.”
Nhưng sau khi được biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thực sự chọn chữ “hà” cho bài “Khai xuân thạch vấn” này, chúng tôi nhớ lại một số trường hợp ông cũng đã hy sinh phép đối để có thể giữ những ý tưởng thích hợp hoặc cần thiết.
Trong Thơ Say và Mây có nhiều bài thất ngôn bát cú tuyệt hảo về niêm, luật, vần …, nhưng các câu 3-4 và 5-6 không được đối với nhau. Chẳng hạn các bài “Nghe hát” trong Thơ Say, “Xem truyện quỷ,” “Nửa đêm ca quán,” “Một phút ngừng say” … trong Mây. Với bản dịch bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, ông cũng đã hi sinh phép đối trong hai câu 3-4:
Vàng tung cánh hạc đi đi MẤT
Trắng một màu mây vạn vạn ĐỜI
(“Đời” là danh tự, không đối chỉnh với chữ “mất” ở câu trên).
Vậy chữ “hà” ở câu 4 của bài “Khai xuân thạch vấn” cũng ở trường hợp nhà thơ đã hi sinh phép đối để giữ một ý tưởng đặc sắc như thế.
3) Vì chữ “hà” là “sông” không đối chỉnh với chữ “tận” ở trên, và cũng vì câu 4 trong bản dịch sang thơ Việt không có ý “dòng sông”:
Dâu Tần biếc, cỏ Yên xanh, một trời
Giáo sư Lưu Trung Khảo và tôi đã có nêu giả thuyết: Hay thi sĩ Vũ Hoàng Chương muốn dùng chữ “hà” ở bộ ”nhân” (với nghĩa “sao,” “nào”)? Như thế câu 4 sẽ có nghĩa:
Dâu đất Tần, cỏ đất Yên, sao đồng loạt xanh đến thế!
Nhưng sau khi cẩn thận tra lại các tự điển về cách viết chữ thảo, giáo sư Lê Văn Đặng và Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính xác nhận: chữ thứ 6 câu 4 trong bản thủ bút đúng là một trong những cách để viết chữ “hà” với nghĩa là “sông” trong thảo thư, chúng tôi yên tâm chấp nhận ý kiến chung. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương quả đã muốn nhắc tới dòng song từng chia đôi đất nước và nỗi đau của dân tộc trong bài “Khai xuân thạch vấn” này.
4) Bản tiếng Việt của bài thơ biểu lộ rõ tính cách một bài do tác giả tự dịch: khí văn mạnh, lời tự nhiên, linh hoạt, lưu loát. Nhà thơ không dịch sát từng chữ nhưng ý tưởng hai bài đúng là một. Ta cũng có thể nói: hai bản Việt và Hán bổ túc cho nhau. Sau khi đọc xong cả hai bản, chúng ta hiểu ý tác giả một cách đầy đủ hơn. Có lẽ chỉ có thi sĩ Vũ Hoàng Chương mới có thể chuyển bài thơ Hán của ông sang thơ Việt một cách sáng sủa, linh động, và tài tình đến như thế (Thực ra ông đã không “dịch.” Ông chỉ nói lại ý mình, đôi chỗ giải thích rõ hơn bằng một bài thơ thứ hai, trong một ngôn ngữ quen thuộc với ông còn hơn ngôn ngữ của bài thơ thứ nhất). Ta có thể nói bài “Đá mở lời xuân” chúng ta có trên tay đúng là “thơ Vũ Hoàng Chương 100%”, với ngôn ngữ già dặn, điêu luyện của Vũ Hoàng Chương, nhằm mục đích diễn lại cho rõ hơn ý bài “Khai xuân thạch vấn” ông đã đưa ra trước.
Việc tìm được bản phiên âm và bài thơ chuyển sang tiếng Việt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để nhập lại với bài thơ chữ Hán có thể coi là một chuyện “châu về Hợp phố.” Chúng tôi bỗng liên tưởng tới một câu thơ Vũ Hoàng Chương, được ông phổ biến trong tập Rừng Phong (Sài gòn, 1959), gần 50 năm trước đây:
Mộng trung Hợp phố chính hoàn châu
Vì việc xảy ra ngay trong dịp đầu năm, hai câu ông tự dịch sau đây cũng vô cùng thích hợp:
Bên trời vẳng báo Xuân sang
Giữa khi Hợp phố mơ màng về châu.
Với trên 30 năm trôi qua, cùng với bao trở lực trong việc tìm kiếm do biến cố 30-4-1975 gây nên, từ khi bài thơ thủ bút xuất hiện trên Thế Kỷ 21 số Xuân Đinh Hợi tới khi tìm được bản phiên âm cùng bài thơ tự dịch của tác giả, sự việc xảy ra trong một khoảng thời gian chưa tới ba tuần. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tìm hiểu và giải thích bài thơ chữ Hán hôm trước Tết, xin nói rất thành thật là chúng tôi cũng không ngờ sự việc lại có thể diễn tiến với kết quả tốt đẹp nhanh đến thế. Trong niềm cảm tạ dành cho vị độc giả báo Nhà Văn, người đã gắng công giữ tập báo suốt trên 30 năm và làm bản chụp gửi tới nhà thơ Trần Dạ Từ, chúng tôi thành thật ao ước những khó khăn khác của dân tộc suốt mấy thập kỷ qua – với thời gian – rồi cũng sẽ giải quyết được một cách trôi chảy, thông suốt, hợp lý hợp tình, và tốt đẹp như thế.