2008 | VĂN HỌC

Những Nhân Vật Nữ Trong Thơ Vũ Hoàng Chương

  VIÊN LINH


    Vũ Hoàng Chương
     qua nét vẽ Hồ Thành Đức

Năm 1994, nhân ngày sinh của Vũ Hoàng Chương, tôi mời Tiến sĩ Trần Huy Bích nói chuyện về thi sĩ tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Giáo sư Trần Huy Bích là một môn đệ ưu tú của nhà thơ họ Vũ, sở đắc tường tận về thi ca, cũng như biết rõ cuộc đời của nhà thơ. Thì giờ không nhiều, nên giáo sư thu gọn câu chuyện vào một chủ đề: Những Nhân Vật Nữ Trong Thơ Vũ Hoàng Chương.


Buổi nói chuyện thu hút một số thính giả lớn, ngồi chật trụ sở, nhiều người phải đứng nghe ở bên ngoài, suốt từ đầu đến cuối, khoảng 3 tiếng đồng hồ.


Vũ Hoàng Chương có nhiều bài thơ tình, mỗi bài được viện dẫn như một lời than thở, một nỗi tiếc thương điển hình, song lời than thở này cho ai, nỗi tiếc thương đó bởi đâu, thì ít người rõ.


Ðầu tiên, là bài Mười Hai Tháng Sáu. Diễn giả nói rằng nhân vật trong bài này là một thiếu nữ 15 tuổi, tên là Tố Uyên. Mối tình dang dở không phải vì cô gái đi lấy chồng, mà cô gái đi lấy chồng chính vì gia đình thi sĩ cố chấp.


Gần đây tôi đọc được hai câu này của Vũ Hoàng Chương, làm từ 1936, có lẽ hợp với lời giải thích của anh Bích:

Ôm khối hận gia đình trĩu nặng

Tôi căm hờn thù ghét hôn nhân.

(Vũ Hoàng Chương, Cũng Vì Em)


[Theo nhà phê bình văn học Ðặng Tiến, thì người yêu của Vũ Hoàng Chương khi ông 24, 25 tuổi, nhân vật của bài này, là cô Tố Vân. Cụ Vũ Hoàng Ðịch, năm nay 76 tuổi, em ruột của thi sĩ, hiện đang ở Hà Nội, cho biết qua điện thoại, tên thật của Tố Vân là Tố Uyển, họ Trần. (Vậy thì Vân là tên Vũ Hoàng Chương đặt riêng để gọi, và nhiều khi gọi là Tố không thôi). Tố của Hoàng trở thành Tố của . . . ai là vào ngày 12 tháng 6 năm 1941; ai ở đây là ông Ðào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm đám cưới ở Hà Nội. Cả hai ông bà đã là người thiên cổ. Bà Tố Uyển mới mất cách đây 4 năm. Cụ Vũ Hoàng Ðịch cũng cho biết chính quán của họ Vũ, làng Phù Ung nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, bên này sông Sặt, quê của danh tướng Phạm Ngũ Lão].


Năm 1941, Vũ Hoàng Chương là sinh viên Toán học Ðại cương tại Ðại học Hà Nội, con nhà Khoa bảng, giàu có (bố làm Tri huyện). Năm 1941 là năm ông thân sinh Vũ Hoàng Chương mệnh một, cho nên cái tang lớn ấy có khi là một ngăn trở cho hôn sự con cái.


Ðêm Vàng Thủy Tạ là bài thơ làm cho nữ kịch sĩ Tuyết Khanh. Tuyết Khanh và Vũ Hoàng Chương là một cặp nhân tình trên sân khấu, khi cả hai cùng đóng đôi trong các vở kịch: CÔ GÁI MA, LÊN ÐƯỜNG, KIỀU LOAN, VÂN MUỘI. Theo Ðặng Tiến, vở VÂN MUỘI diễn ngày đầu vào 12-12-1942 tại Hà Nội. (Xin xem Niên Biểu Vũ Hoàng Chương).


Năm 1980, tôi gặp chị Tuyết Khanh tại chùa Giác Hoàng, đường 16 thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Ðã nhiều tuổi, chị còn đẹp sắc sảo. Tôi hỏi chuyện, chị nói lúc ấy chị yêu Hoàng Cầm; cô con gái Kiều Loan, tên vở kịch của Hoàng Cầm, là con của tác giả vở kịch. Ðang là chủ bút tờ Ðuốc Tuệ của Cộng Ðồng Phật Giáo Việt Nam vùng Hoa Thịnh Ðốn - chủ nhiệm là Ðại Ðức Thích Giác Ðức - tôi mời chị Tuyết Khanh viết cho một bài về anh Vũ Hoàng Chương. Chị rất ngần ngại, mãi mới viết. Bài này tôi đăng trên Ðuốc Tuệ, rất tiếc nay không còn số báo ấy. (Nhân đây, xin nhắn quí vị ở vùng tam biên Maryland, Washington, D.C., Virginia, nếu có số báo Ðuốc Tuệ ấy, vui lòng sao cho chúng tôi bài viết về Vũ Hoàng Chương, ký biệt hiệu Anh Nương. Xin cảm tạ. V.L.).


Thiên Ðường Lại Mở làm cho chị Ðinh Thị Thục Oanh, chị ruột của Ðinh Hùng, sau là bà Vũ Hoàng Chương. Chị Chương hiện sống tại Sài Gòn. Chị có bài đăng trong số báo này. Thiên Ðường Lại Mở là bài thơ hạnh phúc nhất của thi sĩ. Bài thơ cứu rỗi. Qua bài thơ này, ta thấy thi sĩ giống như một cánh chim giang hồ vừa tìm thấy chốn yên bình hạ cánh nghỉ ngơi.


Theo Tiến sĩ Trần Huy Bích, Vũ Hoàng Chương còn dăm ba mối tình văn nghệ. Với nữ sĩ Ngân Giang, đó là một mối tình ngắn ngủi.

Ðây là một đoạn trong bài làm cho Ngân Giang:

Ðặt bút cùng ngâm khúc bể dâu

Nổi trôi từ đấy xót cho nhau

Một phen nhật nguyệt tranh ngôi sáng

Hai ngả lòng thu dựng tháp sầu.

Viên Linh

(Vũ Hoàng Chương, Lịch Sử Thơ
trích phân đoạn V. , tạp chí Khởi Hành số 35, 9/1999)