Nhà văn Võ Phiến
(1925-2015)
Bán mớ rau cho người ăn, bán chiếc phi cơ cho người bay thì được trả một món tiền. Ca hát cho người nghe, diễn kịch cho người xem, ngoài khoản thu tiền vé vào cửa, lại còn được hưởng thêm những tràng pháo tay kêu đôm đốp. Như vậy cung ứng cho các nhu cầu vật chất thì được đáp ứng bằng vật chất; mà cung ứng khoái thích tinh thần cho người đời thì ngoài khoản lợi lộc vật chất (vẫn thu kỹ), còn được đền đáp bằng lợi lộc tinh thần. (Đừng nghĩ vật chất là "thực", tinh thần là "hư" mà xem nhẹ nó. Không nhẹ đâu. Elvis Presley ca hát thế nào mà nghe nói có những nữ thính giả mê tơi, quăng lên sân khấu cả chìa khóa phòng riêng? Quà cáp "tinh thần" lớn đến thế tiền của nào sánh kịp?)
Nói chung chung là vậy, nhưng các giới cung ứng tinh thần không phải ai cũng được như ai. Tạo Hóa bất công với nhà văn.
Trong vận động trường, khán giả mục kích cú đá dẹp mắt thì khoái, mà người cầu thủ nghe tiếng hoan hô nổi lên ầm trời, trông thấy giới hâm mộ tung mũ lên tưng bừng, các em cổ vũ viên nhảy cỡn lưng tưng, cũng khoái không kém. Cô ca sĩ đứng trên sân khấu nhìn xuống những cặp mắt đắm đuối, những khuôn mặt đờ đẫn hướng lên, phải nôn nao trong lòng chứ (không thế, đã không có cái bệnh ghiền sân khấu. Không thế, kẻ có giọng có khiếu cứ nằm nhà mà hát, việc gì đâm "ghiền" cái nọ cái kia?) Nhà họa sĩ có thể ngồi ở một góc phòng triển lãm mà ngắm nghía khách xem tranh với các phản ứng say mê trên nét mặt họ, mà lắng nghe khách sành sõi bàn tán với nhau, tán thưởng tranh mình, họa sĩ tha hồ sảng khoái v.v...
Còn nhà văn? ối, trên đời làm gì có những nhà văn hưởng được diễm phúc trông thấy tận mắt người độc giả trong lúc họ đang thưởng thức văn mình, trông thấy lúc ấy anh này khoái tỉ ra làm sao, chị họ cản động cách nào, ông kia ngẩn ngơ trầm ngâm kiểu nào? v.v...
Ngày nay, người đọc sách chân chính là người đọc sách một mình. "Ta đọc, ta tìm nơi vắng vẻ." Đứa con kháu khỉnh nhất, cưng nhất, lúc cầm cuốn sách lên tay, ta cũng bảo: "Con ra phòng ngoài xem tivi, để bố đọc sách. Ngoan nhé." Đến như đối với cục cưng không tiện đuổi ra phòng ngoài chơi, nếu không khéo giải quyết, sẽ gặp rắc rối ngay. Trong Đoạn Tuyệt, Loan đêm nằm đọc sách, mà anh chồng lại cứ kè kè bên cạnh. Lát sau, quả nhiên có máu đổ.
Đọc sách mà đọc chỗ đông người không thú. Đọc chỗ có thêm một người, cũng không mấy thích. Đến như chuyện mang cuốn truyện, cuốn thơ đến ngồi chình ình ngay trước mặt tác giả mà "thưởng thức", quyết rằng trên đời chẳng mấy ai kỳ cục quá vậy.
Cho nên hễ cứ nghe một nhà văn nào tuyên bố đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng độc giả cảm thơ văn mình đến nỗi vừa đọc vừa nhỏ lệ ròng ròng không lau kịp, thì hãy túm ngay "nhà" ấy đưa ra tòa về tội xâm phạn vào sự riêng tư của người khác. Nhất định "nhà" ấy đã nhìn qua lỗ khóa, không sai đâu. Đại khái, một vụ Watergate - thảm hại thay nhà văn Watergate. Chỉ vì một phút dại dột, ganh tị với các ông họa sĩ, ông nhạc sĩ, cô ca sĩ, ông võ sĩ, anh cầu thủ v.v..., ham hưởng một chút khoái thích tinh thần là chiêm ngưỡng dung nhan người đọc mình, mà làm họa!
Thế thì chuyện gì xảy đến cho các nhà văn trong khi sáng tác?
Những đấng kỹ sư tâm hồn, hễ viết là viết thiệt, họ không lý đến thái độ của quần chúng, chỉ chờ đón bàn tay xoa đầu của lãnh đạo. Nhưng hạng viết chơi - như Nhuyễn Du, như Tú Xương, như Hồ Xuân Hương... thì cái gì an ủi họ, phần thưởng tinh thần nào dành cho họ?
Bạn bảo: Các Nguyễn Du thời nay có thư độc giả này, có báo tán dương ca tụng này...
Cái đó mà bảo là phần thưởng để thay thế, đền bù vào chỗ bất công đã kể sao? Bảo thế là ngụy biện qua quít, rẻ tiền, để lừa nhau đấy nhé. Gì chứ thư từ mến mộ, bài viết tán dương thì đâu phải độc quyền dành cho nhà văn? Ca sĩ, nhạc sĩ, võ sĩ, họa sĩ, sĩ nào chẳng từng được hưởng? Hưởng những cái ấy, cộng thêm vào khoản thích thú tinh thần tuyệt vời là tận mắt, trực tiếp chứng kiến cái tác dụng của tác phẩm mình đối với kẻ thưởng ngoạn. Đó, cái muốn nói là cái tác dụng trực tiếp, cái phản ứng hồn nhiên, sơ nguyên, tại chỗ, chộp bắt tươi rói tại đương trưởng cơ.
Ngay tại chỗ, hình như người viết chỉ bắt gặp được cái phản ứng của... chính mình. Viết câu "Long lanh đáy nước in trời" xong, cụ Nguyễn Du thích ý quá, không cầm lòng được, cụ lẩm nhẩm: "Long lanh đáy nước in trời... Đẹp thật." Lát sau, bất giác cụ ngâm nga: "Long lanh đáy nước in trời", và xuýt xoa: "Chữ nghĩa sang trọng quá!" Sướng trong người, cụ rung đùi lúc nào không hay, và ngâm lớn "Long lanh đáy nước in trời", ngâm lớn tiếng đến nỗi cụ bà ở buồng trong giật mình, hé cửa, e ngại ghé mát trông ra, tưởng có việc gì. Cụ ông hơi ngượng, cụ đọc thầm: vẫn khoái. Rồi cụ chỉ ngồi im lặng, nghĩ tới sáu chữ: vẫn sướng. Sáu chữ, chúng nó cựa quậy mãi trong cụ! Đại khái thế.
Tôi không dám nghĩ ra một cảnh tượng lố bịch về thi hào Nguyễn Du. Cụ Nguyễn thích thú như thế là vừa phải thôi, có gì lố đâu. Sau này Nhất Linh viết được câu "Hồng nương! Hồng nương!...", thấy hay quá, đọc đi đọc lại suốt đêm không ngủ được, Nhất Linh cũng không hề bao giờ bị xem là lố lăng.
Đào Phùng Há, kép Năm Châu trổ tài trên sân khấu, liếc mắt trông xuống thấy nghìn cặp mắt say sưa chiếu lên. Còn Nguyễn Du viết xong câu thơ mãn ý, bỏ bút ngước đầu thấy phòng văn vắng vẻ, dưới mắt chỉ có sáu chữ. Trong đêm khuya, mình cụ hú hí sáu chữ. Cái vui của cụ giống cái vui của bà mẹ hạ sinh được đứa con kháu khỉnh, ôm con hôn mãi. Rúc đầu vào bụng nó, nó cười ằng ặc, mẹ vui. Cù vào nách nó, nó cười lên ằng ặc, mẹ xem thích quá, mẹ vui. Chúi đầu vào ngực nó, ngoạm lấy cánh tay bụ bẫm của nó, nó cười toe, xinh đẹp đáo để, mẹ vui. Bà mẹ hôn hít, cụ Nguyễn ngâm nga: như nhau. Cụ Nguyễn Du đối với lũ chữ của mình - hoặc sáu chữ, hoặc sáu chục, hoặc sáu trăm, sáu nghìn chữ - cụ chỉ có trực tiếp được chúng, vui với chúng.
Đời vẫn tôn xưng hai giá trị xếp tương đương: văn mình, vợ người. Muốn vui với vợ người, khó. Còn với văn mình thì tha hồ: vui đi vui lại bao nhiêu lần cũng được. Và chỉ có vậy thôi, nhà văn đừng mong tìm cái vui nào khác.
- Kể ra, gì chứ cái vui đó họa sĩ nhạc sĩ cũng hưởng được cả. Họ vẫn tự thưởng thức tác phẩm mình...
- Thì đấy. Nhà văn có đặc ân nào đâu. Họa sĩ nhạc sĩ vừa hưởng cái đó vừa hưởng thêm cái khác; nhà văn thua thiệt thấy rõ.
- Suy bì hơn thua mãi!
- So sánh cho biết thôi. Cốt yếu không phải ở hơn thua. Cốt yếu là ở chỗ hoàn cảnh ấy chắc chắn có ảnh hưởng đến cái sáng tác trong mỗi ngành nghệ thuật.
Ban kịch ban hát trình diễn trong một rạp trống trơ, phải khác với khi trình diễn giữa tiếng vỗ tay vang lừng trong một rạp chật ních khách, cũng phải khác với lúc trình diễn giữa tiếng ngáy hay tiếng la ó, tiếng huýt phản đối. Trong trường hợp nào cũng có sự can thiệp của quần chúng. Hoặc là sự can thiệp đầy giận dữ. Hoặc một phản đối lạnh nhạt. Hoặc nó làm hơi thở nồng nàn của quần chúng khán giả thổi hứng khởi vào sân khấu: bấy giờ nó gần như là sự hợp tác giữa khán giả với diễn giả. Can thiệp nào hẳn đều có hiệu lực của nó.
Một đàng làm việc trong cô đơn, không đón nhận được cái phản ứng bộc khởi bộc phát trực tiếp từ quần chúng thưởng ngoạn; một đàng làm việc chặt chẽ với quần chúng, dưới con mắt theo dõi của quắm chúng thưởng ngoạn trong từng bước một. Sục sạo tìm trong tác phẩm văn chương, không chừng có thể gặp dấu vết ảnh hưởng do hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của con nhà văn. Có chăng?