Nhà văn Võ Phiến
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài truyền hình "Little Saigon" vào tháng 6 năm 1998, nhà văn Võ Phiến so sánh mình với nhà văn Mai Thảo, một bên là gốc gác thôn quê, một bên là nhà văn của thành thị. Và ông tự nhận đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu cái đẹp của văn nói từ các nhà văn miền Nam như Lê Xuyên, Vương Hồng Sển và mới đây là Nguyễn Văn Trấn. Ông muốn viết sao cho giản dị tự nhiên như nói chuyện, truyền thống khởi xướng từ Nguyễn Ðình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh. Quan điểm này của ông không mấy khác với những bài báo ông viết cách nay độ ba mươi năm mỉa mai "văn chương hôm nay" của nhóm Sáng Tạo và "văn học viễn mơ” của văn chương bên lề cuộc chiến. (Xin đọc bài Ðặng Tiến viết về thi tập "Thơ Thẩn").
Nhưng có phải Võ Phiến là nhà văn viết xuề xòa, dễ dãi, thiếu chăm sóc văn chương. Có lẽ là không, vì ông đã từng nổi tiếng là nhà văn chẻ sợi tóc làm tư, quan sát và phân tích tinh tường cảnh vật và con người (Ví dụ đoạn ông viết về cách ăn uống biểu lộ cá tính trong tập truyện "Thác Ðổ Sau Nhà"). Và trong văn của ông còn có chất thơ, cái thi tính không do cấu trúc của hành văn như Mai Thảo mà do óc quan sát tinh tế vẻ khác thường của cảnh vật bình thường, như đoạn viết về hình ảnh người mẹ chới với giữa mây trắng bên kia bờ sông cao:
“Khoảng xế trưa, tôi đang ngủ dưới bóng cây ở bãi sông bỗng choàng thức giấc. Tôi ngơ ngác quay đầu tìm xem cái gì đã đánh thức mình… Trong im lặng phăng phắc, tai tôi nghe cả tiếng vỗ cánh của một con chim nhỏ, tiếng chân con rắn mối khua lá khô rột rẹt… Bờ sông phía bên kia… Phía bên ấy có những đám bắp nằm sâu vào bên trong, từ chỗ tôi không thấy bắp, chỉ thấy vài con bò cặm cụi ăn cỏ mép sông. Và một người đàn bà đang nhìn dáo dác rồi há miệng thật to… A! đó là cái đã đánh thức tôi? Chắc chắn đây là một bà mẹ gọi con… Từ dưới lòng sông bên này trông lên bờ sông bên kia, xa tít, ngược chiều nắng: một người đàn bà nhỏ nhắn vung tay, ngoác miệng, giãy giụa trên cao, sau lưng là tảng mây trắng sáng lòa… trước hình ảnh người mẹ chới với giữa mây trắng, tự dưng tôi ngợp trong buổi trưa mênh mông. Thình lình có cảm giác vừa ngao ngán vừa kinh hãi”.
Trong tập "Tùy Bút I", nhà văn Võ Phiến thường cảm hứng viết về những đề tài bình dân như món mắm dân tộc, món bánh tráng Bình Ðịnh, thú uống trà bằng tô lớn, ông chủ quán làm việc rụp rụp hào hứng, những món ăn phổ biến nhờ thời cuộc... Ðọc vẫn thấy ông như một người đứng ở ngoài nói về những điều bình dân, chưa thực sự nhập cuộc bằng văn phong dân gian miền Nam mà ông ca ngợi cách viết của văn-nói như Hồ Biểu Chánh và Lê Xuyên. Cũng qua tập tùy bút đó, ông ưa phân tích đặc điểm địa phương ở Việt Nam như tiếng Huế có âm vực hẹp nhất nước (đều đều, ít trầm bổng); giọng nói Bình Ðịnh gần giống như giọng nói miền Nam (nếu ta nghe danh hề Hoài Linh hát đúng giọng dân ca Phú Yên qua bài "Trách Thân" thì thấy nhận xét của Võ Phiến thật chính xác); tại sao món "cao lầu" chỉ quanh quẩn ở phố Hội An; người miền Nam khai khẩn đất mới ở đâu thì lấy tên mình đặt tên cho vùng đó; như khai thác tới Sài Gòn thì có Bà Ðiểm Bà Quẹo; tới Cà Mau thì có sông Ông Ðốc; gần tới biên giới Kampuchia thì có núi Bà Ðen... (còn có truyền thuyết khác khá huyền bí về tên Núi Bà Ðen).
Văn Học số đặc biệt về Võ Phiến
Như đã nói trên, trong văn Võ Phiến có chất thơ, và ta có cảm tưởng tùy bút mới là thể thơ thích hợp cho ông, nhà văn ưa quan sát tỉ mỉ, thích phân tích chi li, và với tâm hồn thi sĩ. Ta nhận ra được tâm hồn thơ đó qua một số bài tùy bút (không phải tất cả) và qua sự nhạy cảm của ông về một vài nhà thơ thời Văn Học miền Nam (Tập I và Tập II). So sánh Thơ Võ Phiến và Tùy Bút Võ Phiến, ta thấy thơ như con sông đào khuôn khổ quy định bởi vần điệu, còn tùy bút như con sông thiên nhiên mặc tình trổ nhánh quan sát, tự do đi vào ngõ ngách phân tích. Chắc nhà văn không cố ý kỳ vọng mà các bài tùy bút sau đây đã là Thơ Võ Phiến. Ít nhất ta lấy ra được ba bài thơ trong tập Tùy Bút I: Mùa xuân Con Én; Hạt Bọt Trà và Những Ðám Khói. Ta bay chơi cùng con én: én có mấy tên, én ăn gì, én ngủ ra sao, én kêu thế nào, én Phan Thiết, én Hà Tiên, én Khánh Hòa... Ta thưởng thức một bát trà Huế qua văn chương của Võ Phiến: cách nấu trà cho khách, cách uống trà một hơi thật ngon, cách quệt râu dính bọt trà sau khi uống... Và những đám khói đốt cỏ trên đồng ruộng mênh mông miền Kiến Tường cứ vất vưởng chất thơ vào tâm hồn ta. Lần đầu tiên đọc được trên tuần báo Khởi Hành cách nay chừng 25 năm (tính đến năm 1998 khi người viết gửi đăng bài này), vậy mà vẫn là "những hình ảnh tan biến chậm chạp" trong cảm quan người đọc:
"Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài. Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông. Ðứng him mắt mà trông: khói lặng lờ, không vội vã, khói bát ngát, nhẫn nại, xa vời; hàng giờ, hàng giờ, khói tỏa, vừa hiền từ vừa mơ mộng... Sau một ngày đi, mệt mỏi, tê mê, đến đêm ta vừa đặt lưng xuống nằm ngủ, những đám khói ấy lại ùn lên trong giấc mơ. Và trong giấc mơ, không gian mênh mông càng vắng lặng, khói tỏa càng chậm, càng bát ngát..."
Xin trích hai đoạn văn dài kể trên (người mẹ bên kia sông và khói đốt cỏ trên đồng bao la) để thấy chất thơ của ông do óc quan sát tinh tế, thấy vẻ khác thường của cảnh vật bình thường. Cấu trúc văn chương Võ Phiến không cầu kỳ, không dùng những chữ mới lạ, nhưng đâu phải là thiếu ma lực ngôn ngữ của tiếng thơ vang vọng và bàng bạc. Giai đoạn viết những bài báo quy tụ thành Tùy Bút I là lúc ông chưa chủ trương triệt để viết văn như nói chuyện.
Ta cũng nhận ra tâm hồn thơ đó qua một số bài nhận định của ông về nhà thơ Tô Thùy Yên, Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Ðức Sơn, Quách Tấn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ… Những rung động về thơ của ông nghiêng về mỹ cảm giao lưu với thiền cảm, tìm thấy chất thơ trong vẻ giản dị mà không thô sơ, vẻ khác thường siêu hình trong cảnh vật bình thường. Ví dụ về Quách Tấn, ông viết: "Quách Tấn là người như thế. Ông không đi nhiều, không thấy bao nhiêu cảnh lớn lao hùng vĩ, không vào Nam ra Bắc gì ráo. Ông chỉ vào ra một thư phòng, một mái hiên, một khoảnh vườn, nghe một tiếng lá, nhìn một tia nắng của thường nhật, và chỉ viết về những cái như thế. Nhưng thơ ông, nhất là những bài thơ con con của ông sau này, gây một sợ hãi vu vơ, mơ hồ, mà mênh mang. Sợ hãi trước sự tịch mịch". Nhận định tinh tế do rung cảm về thơ sâu sắc. Một tâm hồn không thơ thì có thể nào nhặt ra được những hạt vàng lóng lánh trên một bãi cát. Họ thu lượm những viên sỏi khuôn sáo mà tưởng lầm là các câu thơ hay. Liên tưởng đến vẻ đơn sơ trong thơ một thi sĩ khác, với đề tài giản dị, lời thơ không tân kỳ (trừ hai câu cuối) và đặt câu văn phạm bình thường, như bài thơ dưới đây của Nguyễn Ðức Sơn (nhà văn Võ Phiến sưu tập trong tập Thơ Miền Nam), chứng minh sự giản dị đó không phải là thiếu mỹ cảm, thiếu cấu trúc:
Xem cha đốt cỏ ngoài rừng
Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trải xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô.
(Ðốt Cỏ Ngoài Rừng - Nguyễn Ðức Sơn)
Cả bài thơ tập trung xuống hai câu cuối, những lời đơn sơ ở đoạn trên chỉ nhằm để chuẩn bị. Hình ảnh thơ quyện lấy tứ thơ. "Bồng hư vô" âm vang tư tưởng Phật Giáo, có sinh thì có diệt, có hiện hữu thì có hư vô, hiện tượng chỉ là sắc sắc không không vô thường. Và hai câu này có lẽ là một linh cảm của Nguyễn Ðức Sơn: Sau năm 1975, ông có một người con chết vì ăn phải nấm độc khi gia đình sinh sống vất vưởng ở một miền rừng trên cao nguyên Trung Phần.
Trở lại điều đã nói: Tùy bút mới là thơ của Võ Phiến. Ðọc trong thi tập "Thơ Thẩn" của ông, thỉnh thoảng ta gặp vài câu thơ mà nếu là tùy bút thì sẽ là những dịp ông triển khai óc quan sát, đi vào ngõ ngách phân tích như con sông rẽ nhiều nhánh khi đến chỗ trũng thấp, chỗ mời gọi của vẻ đẹp tinh tế. Nhưng vì là thơ, câu và vần gò bó; nên chỗ mời gọi của tiếng vọng, của âm vang, của bàng bạc, phải đành khép cửa, chấm dứt ở ngõ cụt. Ví dụ, đi sau câu thơ "Trời gần sáng mới có mưa rón rén" đáng lẽ phải còn nhiều tiếng tí tách của giọt mưa, của bao nhiêu tiếng động chung quanh, của bao nhiêu liên tưởng, khi mà lúc gần sáng còn nằm trên giường, trí óc dễ dàng phiêu linh. Và như câu "Sáng thức giấc mình nghe quạ kêu ngoài công viên. Nghe tiếng chân con chim khua trên mái thiếc". Cũng buổi sáng, cũng tiếng động rón rén, vậy mà câu thơ đến đó thì thôi, đã bắt qua ý tưởng khác, không liên quan gì nữa đến tiếng con chim mời gọi quan sát và phân tích. Con chim này thật thiệt thòi vì ít chi tiết so với "Con én mùa xuân" trong văn tùy bút của Võ Phiến.
Thiết nghĩ đem cái "Minh Triết Chân Quê" (chữ dùng của Ðặng Tiến) vào văn học thì chỉ là về mặt nội dung, còn hình thức văn chương của Võ Phiến thấy không có tính chân quê. Võ Phiến với đề tài về bánh tráng Bình Ðịnh hay mắm mòi Phan Thiết, rõ ràng là không sang trọng như "Mười Ðêm Ngà Ngọc" hay "Ðể Tưởng Nhớ Mùi Hương", nhưng văn phong của ông và Mai Thảo vẫn cùng trong nhóm các nhà văn được đào tạo từ lò hàn lâm chữ nghĩa. Có thể ông muốn vinh danh giá trị văn học của những tiểu thuyết viết như nói chuyện, mà thực ra người viết tiểu thuyết không chắc đã có ý định làm văn học, nghĩa là viết tiểu thuyết chỉ để sinh sống trong các nhật báo. Khi Lê Xuyên viết "Chú Tư Cầu" hay "Rặng Trâm Bầu", có lẽ ông không định tâm phát huy cái đẹp của văn nói. Nhà văn Bình Nguyên Lộc viết cuốn "Tình Ðất" hay tiểu thuyết "Ðò Dọc", chắc có ý thức về việc đó vì Bình Nguyên Lộc là nhà văn hơn là người viết tiểu thuyết định kỳ để sinh sống như Lê Xuyên. Và trường hợp thi sĩ Nguyễn Bính viết bài thơ "Chân Quê" với những câu:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Ta nghĩ đây là những lời nói tế nhị, không chân quê, vì tác giả dùng lối ẩn dụ thơ mộng để khuyến dụ người yêu đừng bắt chước tỉnh thành. Cũng vậy, trong bài đó, Nguyễn Bính lại một lần áp dụng tu từ pháp:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều
Ta đừng nghĩ hễ trong thơ có những từ "thầy u" hoặc trong văn có những hình ảnh "bánh tráng, mắm mòi" thì tác giả đã là người chân quê. Có thể chân quê do nơi sinh trưởng, do nguồn gốc tác giả tự lấy làm hãnh diện, nhưng văn phong biểu hiện là những người viết tinh luyện Việt Ngữ. Tinh luyện Việt ngữ, hoặc do đào tạo từ trường ốc, hoặc là do viết lách già dặn.
Ta nói nhà văn thích xuề xòa là nói về chủ trương đi tìm cái đẹp của văn nói, không nói về cách sống tư riêng của nhà văn, vì thực sự ta không biết nhiều về cá nhân của Võ Phiến. Bài này viết trước khi đọc cuốn sách biên khảo rất đầy đủ của Nguyễn Hưng Quốc về nhà văn này. Nếu đã đọc trước thì chắc không còn hứng để viết cho hết bài, vì những nhận định của Nguyễn Hưng Quốc gần như bao trùm những điều có thể nói về nhà văn chủ trương đi tìm cái đẹp của văn nói:
"Có thể nói đặc điểm nổi bật nhất trong văn phong Võ Phiến là ưu thế của lời nói... Võ Phiến có công văn-chương-hóa khẩu ngữ... Năm 1959 (Võ Phiến) khen văn phong miền Nam bằng một thứ văn phong tề chỉnh của miền Trung, miền Bắc... Năm 1986, Võ Phiến nói về văn phong miền Nam bằng chính văn phong miền Nam, cũng "nhanh nhẹn thoăn thoắt", cũng "tuồng tuột ngon ơ"... đặc điểm nổi bật nhất của văn phong miền Nam chính là việc khai thác đến tận cùng khả năng của khẩu ngữ... Theo Võ Phiến, sức hấp dẫn chính của các truyện phơi-dơ-tông (tiểu thuyết đăng từng kỳ trên nhật báo) là ở đàm thoại. Tại sao gần đây Võ Phiến lại nói nhiều? Tôi ngờ lý do chính là vì Võ Phiến sợ. Trước hết là sợ cái cũ, cái sáo... những sáo ngữ có lúc tràn lan khắp nơi... ông nói nhiều vì ông sợ những cái đọc vội vàng, lúc nào cũng gấp gáp của con người đô thị cuối thế kỷ 20”.
(Nguyễn Hưng Quốc trong tập biên khảo "Võ Phiến" từ trang 32 đến trang 43).
Qua vấn đề đặt ra giữa văn nói và văn viết, ta chợt có ý nghĩ riêng về thơ. Người nào thích thơ biểu hiện tự nhiên vui khỏe của đời sống sinh động thì chọn văn nói. (Một khi đi vào văn chương thì những đàm thoại trơn lu tuồng tuột vẫn có sự sắp xếp mang tính cấu trúc). Và người nào thích làm thơ thiên về mỹ cảm của ngôn ngữ thì chọn văn viết (Nhà thơ thường tránh các từ ngữ đẹp đẽ khuôn sáo, đi tìm mỹ cảm nghệ thuật dưới những bề ngoài cũng đơn sơ, cũng thường nhật). Nhìn cho rõ, cả hai đều đăm chiêu về cấu trúc, đều mang tính văn chương, và cả hai đều muốn tỏ ra giản dị. Vấn đề là vì người đọc đã nhàm chán những khuôn sáo cổ điển, những cũ mòn ước lệ. Cái sợ của nhà thơ cũng đồng dạng với cái sợ của nhà văn mà Nguyễn Hưng Quốc đã nói ở đoạn trên.
(City of Walnut, California)