29-09-2015 | VĂN HỌC

Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến

  ĐẶNG TIẾN


    Nhà văn Võ Phiến
   (20/10/1925 - 28/9/2015)

Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20-10-1925 tại Bình Định.

Ông là một trong những nhà văn hàng đầu của Miền Nam trước 1975.

Sang Mỹ tỵ nạn từ năm 1975, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học hải ngoại.

Võ Phiến viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Bộ sách Văn Học Miền Nam (7 cuốn) của ông tuy gây nhiều tranh luận và có một số hạn chế nhưng vẫn là một tác phẩm quan trọng về văn học Miền Nam.

Ông từ trần ngày Thứ hai 28-9-2015 tại Santa Ana, California, thọ 90 tuổi.

Học Xá xin phép nhà phê bình Đặng Tiến đăng bài sau đây để thêm một nhận định về nhà văn Võ Phiến.


Văn Học Miền Nam [1] là một pho trước tác của nhà văn Võ Phiến, sinh năm 1925; theo giấy tờ.

Tác phẩm gồm 7 tập, tổng cộng 3230 trang, 13 x 21 cm, năm 2000 in trọn bộ. Cuốn I, Tổng Quan, in lần đầu từ 1986. Sáu cuốn sau gồm có những nhận định và trích tuyển văn thơ theo từng bộ môn, trước đây đã xuất bản theo khổ nhỏ 11x17 cm dưới những tựa đề Thơ Miền Nam, Truyện Miền Nam, ( 1991-1995), đều do nhà xuất bản Văn Nghệ, chuyên in sách Võ Phiến, đã in Võ Phiến Toàn Tập, 9 cuốn, chưa toàn bộ.


I . Một nền văn học bất hạnh


Miền Nam ở đây là cương vực nhà nước Việt Nam Cộng Hoà trước đây, từ Bến Hải đến Cà Mau, từ 1954 đến 1975. Văn Học bao gồm những sáng tác văn nghệ đã xuất hiện trong thời gian nói trên, được xếp theo bộ môn : ba cuốn dành cho thể Truyện, một cho Ký, một cho Tuỳ bút và Kịch, cuốn út cho Thơ. Về mỗi tác giả, Võ Phiến nhận định dài ngắn khác nhau và trích tuyển một tác phẩm tiêu biểu, trừ bộ môn Thơ có thể trích một hay nhiều bài. Có tác gia được nhắc đến hai lần vì sử dụng nhiều thể loại. Cụ thể thì về Truyện, đếm được 50 tác giả, về Ký có 22 người, Kịch và Tuỳ bút được 14 tên, cuối cùng là 32 nhà thơ. Danh mục, tiểu sử ở cuối cuốn Tổng Quan giới thiệu được non 400 tác gia, lại có bản tra cứu danh sách (index) tiện lợi.


Dụng tâm và dụng công của Võ Phiến là phục hồi nền Văn Học Miền Nam đã bị chính quyền Cộng Sản bôi xoá từ 1975. Bôi xoá bằng cách tịch thu, thiêu huỷ, cấm lưu hành, tàng trữ tác phẩm, bêu riếu đó là văn hoá “ thực dân mới ,nô dịch ,đồi truỵ, phản động“ v. v... Để thay vào, chính quyền rầm rộ đặt ra các khái niệm „văn học giải phóng“ ,“văn học cách mạng“ , với những Giang Nam, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, v.v. ... xem như tiêu biểu cho văn học Miền Nam. Võ Phiến quyết liệt bác bỏ luận điệu này, cho đó là một nguỵ tạo danh từ, một lối “cưỡng chiếm văn hoá“.


Khước từ Cộng Sản


Võ Phiến được xem là ngòi bút chống Cộng. Chính quyền hiện nay đã ra rả bảo thế, và cấm đọc cấm nhắc đến ông; và chính ông đã viết: “Võ Phiến khước từ Cộng sản ngay từ đầu, có thái độ dứt khoát, vừa sáng tác vừa khảo luận“ ( 2000,tr. 240). Ngay từ đầu là thời kỳ chống Pháp, ông đã bị án tù ở Liên Khu V, nhờ vào hiệp định Genève 1954, bị bỏ sót trong danh sách tập kết, mới giả làm lái buôn trốn thoát. Tô Hoài trong hồi ký Chiều Chiều xác nhận Võ Phiến thuộc diện những người cần đem ra (Bắc) thì bỏ lại [2] vì sơ hở. Về đến vùng quốc gia, ông đã có ngay những tác phẩm tố cáo “chế độ mà tôi đã từ chối“ [3]. Tháng 4/1975, di tản sang Hoa Kỳ, Võ Phiến tiếp tục viết sách và không chấp nhận một thoả hiệp gần xa nào với chính quyền hiện tại . Nói rõ như vậy để hiểu dụng tâm của Võ Phiến : Miền Nam (Quốc gia) đối lập với Miền Bắc (Cộng sản) trong cuộc chiến tranh Nam Bắc cốt nhục tơng tàn kéo dài 20 năm. Văn Học Miền Nam là nền văn chương mà Võ Phiến đã góp công xây dựng từ đầu đến cuối, là quê hương thứ hai được ông nâng niu, trìu mến. Dĩ nhiên tác phẩm có tư biện chính trị, nhưng ở Võ Phiến động cơ chính là nhu cầu tâm cảm và trí thức; vả lại ông vừa là tác nhân vừa là chứng nhân, nạn nhân của miền văn học ấy, ông có trách nhiệm, và thẩm quyền phát biểu về nó, cho dù rằng cách phát biểu có bị giới hạn về mặt thời gian, tuổi tác, sức khoẻ, tư liệu và văn phong bút pháp. Chưa kể: kỷ niệm, đâu đấy, là một động lực, đâu đấy lại là một trở lực văn học.


Nhu cầu trong và ngoài nước



    Nguồn: Kệ sách Học Xá

Văn Học Miền Nam, Tổng Quan, tức là cuốn I, nay in lại lần thứ 3, chứng tỏ sách có độc giả. Không dễ gì một tác phẩm biên khảo được in đi in lại. Ở hải ngoại, có nhu cầu về phía những người lưu tâm đến lịch sử văn học, muốn có những tư liệu đầu nguồn first hand, về nền văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975. Ngoài ra, theo chỗ hiểu biết riêng của chúng tôi, thì ở trong nước cũng có nhu cầu như thế, về phía những nhà nghiên cứu nghiêm minh, muốn thật sự tìm hiểu xã hội văn học miền Nam, bên ngoài những luận điệu chửi bới biết rồi khổ lắm nói mãi; mà Võ Phiến là người trong cuộc, vì ông đã viết sách, viết báo, làm nhà xuất bản, làm công chức Bộ Thông Tin suốt 20 năm, dài dài theo lịch sử của chế độ. Cũng có người đọc vì tò mò : nền văn thơ ấy bị lên án như thế, bản thân Võ Phiến bị chửi bới như thế, vậy thử đọc xem ông ấy nói năng cái gì, đối đáp ra sao. Do đó, trong nước đang có nhiều người đọc Tổng Quan của Võ Phiến qua những bản chuyển lén. Hiện nay số người này càng ngày càng nhiều


Buồn vui trong nghề cầm bút


Đọc Văn Học Miền Nam để biết chuyện truyền bá chữ nghĩa, đã đành. Mà còn để biết lối sống, cách sinh hoạt, ứng xử của giới viết sách, đọc sách thời đó. Tổng Quan là một cuốn xã hội học văn học, đúng hơn là lịch sử văn học. Võ Phiến ghi nhận thời sự văn học và báo chí ở mặt nổi, ghi lại những khuynh hướng văn học thăng trầm trong thế sự, khi phản ánh, khi phản ứng, người ủng hộ, kẻ chống đối. Ông không làm công việc nghiên cứu văn học thuần tuý, nghĩa là sắp xếp khuynh hướng rạch ròi, phân tích động cơ cặn kẽ, trình bày sự hình thành, chuyển biển, theo tác phẩm, tác giả trong liên hệ hữu cơ. Tao nhân mặc khách theo thanh giáo (puriste) có nhiều lý lẽ chê trách, còn những độc giả muốn tìm hiểu, hay nhớ lại một không khí xã hội, một thị trường văn học, muốn “bán tận nguồn, buôn tận gốc“, đọc Tổng Quan sẽ tìm thấy nhiều yếu tố xã hội đã tạo ra nền văn học đó. Tần Thuỷ Hoàng ngày xưa, và nhà Minh khi chiếm cứ nước ta có thể thiêu huỷ toàn bộ tư liệu văn học, - như Võ Phiến đã nhắc [4] - nhưng ngày nay, một chính quyền, bất cứ chính quyền nào, không có cách gì thiêu huỷ toàn bộ các ấn phẩm. Vì vậy các tác phẩm, nếu có giá trị, trước sau gì rồi cũng được tương lai hồi phục. Riêng một khí hậu văn học, cái thời tiết xã hội rồi sẽ chìm trôi theo với một thế hệ, “một mùa người giữa hai con nước“ (une saison d’hommes entre deux marées), như lời thơ Aragon. Võ Phiến lưu tâm ghi lại những buồn vui của nghề, và của người cầm bút, trong một chế độ chính trị và xã hội đã phôi pha; vậy đây là một công trình thiết yếu cho nhân tâm, và quý hoá cho văn học. Huống hồ là trong cung cách “làm việc tài tử“ ( Truyện 1,tr. 502), ông đã “lấy cái kinh nghiệm của người sáng tác mà bày tỏ dăm ba cảm tưởng về việc sáng tác và người sáng tác“ (tr. 506). Như vậy, đứng về hai mặt nhân văn và thi văn, Tổng Quan, tập đầu trong bộ Văn Học Miền Nam, là một đóng góp quan trọng - cần được trân trọng; tác giả nói đúng chỗ nọ, sai chỗ kia, thì lại là chuyện khác.


Một ký sự xã hội văn học


Tổng Quan là một thiên ký sự về xã hội học, ghi lại: văn thơ Miền Nam đã xuất hiện ra sao, trong hoàn cảnh nào, đã biến chuyển rồi kết thúc ra sao, qua một số tư trào và tác gia tiêu biểu. Sách chia làm ba phần:


- Phần I, khái quát tình hình vật chất và tinh thần,

- phần II, chia giai đoạn thành hai thập niên 1954-1963 và 1964-1975

- phần III, lược khảo về các bộ môn: tiểu thuyết, thơ, ...


Sắp xếp như thế, tác giả không tránh khỏi lặp đi lặp lại, làm người đọc dễ chán.


Ở phần khái quát, Võ Phiến trình bày: vị trí, nhà văn, thành phần xã hội, mức sống, lối sống (...). Chúng ta biết 1974 lợi tức của họ bao nhiêu, giá mỗi tạ gạo, tiền chợ mỗi ngày, dầu hôi mỗi lít là bao nhiêu (tr. 60) ; nhà văn sống nhờ vào truyện đăng báo hằng ngày, Bình Nguyên Lộc viết đến 11 feuilletons mỗi ngày, mà còn thua An Khê (...) Chúng ta biết Miền Nam, năm 1972, mỗi ngày phát hành nửa triệu tờ nhật báo và bán được 300 000 tờ (tr. 89); độc giả các tạp chí, sáng tác văn nghệ ba phần tư là ở miền Trung (tr. 95), nhưng đa số vẫn là dân thành phố (tr. 98); Chúng ta biết giờ giấc hàng ngày của Nguyễn Hiến Lê (tr. 65); đời sống kinh tế của gia đình Nhã Ca, Tuý Hồng (tr. 61). Võ Phiến cho biết ngành xuất bản phát triển mạnh. Riêng ở đô thành Sài gòn đã có cả nghìn nhà in, 150 nhà xuất bản (...), số ấn hành trung bình cho một tác phẩm văn nghệ là ba nghìn bản (...); và cũng cải tiến về kỹ thuật (tr. 110-111). Từ đó, nhiều tác giả đứng ra làm nhà xuất bản, nhưng không một nhà văn nào giàu có nhờ xuất bản (...) đến 1974 thì hoạt động này như tê liệt hẳn (tr. 115).


Làm giặc và làm dáng


Về đời sống tinh thần, tác giả, miêu tả hoàn cảnh chính trị, tâm lý, vai trò của thổ ngơi Nam Bộ, đưa đến một nền văn học tự do, “một thứ tự do tương đối, có hạn chế nhưng rộng rãi hơn hẳn (miền Bắc)“ (tr. 173). Tuy nhiên, cũng phải phân biệt hai giai đoạn: thập niên đầu, dân chúng hân hoan phấn khởi, giai đoạn sau “tình hình chính trị hỗn loạn, xã hội sa đoạ, kinh tế suy sụp, an ninh bất ổn, với một tinh thần dân chúng dần dần trở nên thất vọng, chán nản, hoang mang“ (tr. 129). Trong những người thất vọng, chán nản, Võ Phiến đã trích dẫn những tác gia đồng thế hệ: Vũ khắc Khoan, Nghiêm xuân Hồng, Vũ hoàng Chương, và bản thân Võ Phiến (tr. 271). Ông còn có thể kể thêm nhiều tên nữa, như Nguyễn mạnh Côn, lúc đầu hăng say “Đem tâm tình viết lịch sử“ (1956) về sau chua cay nhận là đã “Lạc đường vào lịch sử“ (1965) để cuối cùng đi tìm “Đường nào lên Thiên Thai“ (1969). Chưa kể một số nhà văn, trí thức âm thầm ủng hộ “bên kia ,nối giáo cho giặc“. Võ Phiến đã tóm lược trong một công thức chắc nịch, mà ông giữ bí quyết về văn pháp: “kẻ làm giặc, người làm dáng“ (tr. 273).Làm giặc là những tờ báo Trình Bày, Đối Diện, Tin Văn, làm dáng là báo Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan với Mai Thảo, và những bạn bè trong nhóm Quan Điểm. Tức là những trí thức tiểu tư sản làm cách mạng. “Làm cách mạng mãi không xong, nản lòng xoay sang làm dáng“ (tr. 273). Câu kéo như thế, người Pháp gọi là “cú pháp sát nhân“, phrase assassine (!). Nhưng đây chỉ là phong cách dí dỏm, không ác ý, vì trong chừng mực nào đó, Võ Phiến tự chế giễu mình.


So sánh hai giai đoạn và ghi nhận sự suy đồi ở giai đoạn sau là đúng với thực tế khách quan, và ngược lại với luận điệu chính thức của chính quyền hiện nay là: “văn nghệ về trước càng ngày càng trắng trợn, nhưng càng về sau càng tăng tính chất tinh vi“ [5], ông Trần Trọng Đăng Đàn, trong một cuốn sách đồ sộ, trên nghìn trang, đã lên án nền văn học Miền Nam như thế, là trái ngược với sự thật. Sách Võ Phiến đính chính lại điểm này, và nhiều điểm khác, là một công trình phân giải cần thiết.


II. Những hạn chế


Tuy nhiên trong Tổng Quan cũng có nhiều điểm cần bàn lại. Ký ức con người thường thi vị hoá những mối tình đầu, Võ Phiến đã thăng hoa những năm 1955-1956, khi ông từ bên kia mới về vùng quốc gia, đồng thời với làn sóng di cư từ Bắc vô Nam. Ông hết lời ca ngợi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, về mặt chính trị, kinh tế lẫn văn nghệ. Ông viết: “Chính phủ Ngô đình Diệm thực ra không có hẳn một chính sách văn hoá, không chủ tâm lái văn nghệ vào một con đường nào, không có tham vọng lãnh đạo văn hoá“ (tr. 220). Tham vọng thì có chứ: nào là nhân vị, duy linh, pháp trị, vv... chỉ thiếu cái khả năng. Còn chính sách văn nghệ thì có cả quốc sách: diệt cộng, bài phong, đả thực. Cái gì chệch ra khỏi đường lối, hay ngoài phe đảng, là cấm ngay. Ví dụ, cấm cuốn ký sự lịch sử hiện đại Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ (1956), cấm cuốn Tuyển Tập Thi Ca Tranh Đấu Hoà Bình (tôi nhớ là nhà xất bản Bình Minh, Huế, 1955) có in lại thơ kháng chiến chống Pháp, như Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Thăm Lúa của Trần hữu Thung.


Tự do và áp chế


Võ Phiến có lòng dành bốn trang cho tạp chí Mùa Lúa Mới, ở Huế, mà ngày nay ít người còn nhớ. Ông Trần trọng Đăng Đàn phanh phui không biết bao nhiêu tài liệu công an mà không tìm ra Mùa Lúa Mới, là tờ báo “chống cộng trắng trợn” nhất thời đó. Nhưng Võ Phiến quên tạp chí Văn Nghệ Mới (Huế, 1955) ra được hai số thì bị đình bản, một tạp chí văn nghệ giá trị đứng tên Việt Hiến, bút hiệu của Nguyễn văn Xuân; Thu Tâm, bút hiệu của Võ thu Tịnh, giám đốc Thông Tin Trung Phần và Trần lê Nguyễn là kịch tác gia (qua đời, 1999). Báo này đăng lần đầu vở kịch Bão Thời Đại, chống Cộng, của Trần lê Nguyễn. Nhưng bị đóng cửa ngay, có lẽ chỉ vì đã đăng đôi ba bài không vừa ý chính quyền, như truyện ngắn Buổi tắm tất niên, của Nguyễn văn Xuân, ký bút hiệu Xu-văn-Ân, kể chuyện một ngừơi nghiện thuốc phiện lười tắm, kết luận ”cách mạng sao cho có thứ ấy mới tài”, bị ngờ là ám chỉ Ngô Đình Nhu.


Một tờ báo khác bị đóng cửa là Ngày Mai, chủ biên Cao xuân Lữ bi tống suất ra khỏi Huế, hiện nay còn sống tại Amsterdam. Nhắc chuyện cũ, có lẽ Võ Phiến sẽ nhớ ra. Còn bao nhiêu ví dụ khác, không cần dẫn chứng dài dòng. Và khi một tờ báo đóng cửa là kéo theo bao nhiêu điều tra, bắt bớ, đàn áp. Vì vậy không thể nói là “không có chính sách văn hoá“.


Trong khí thế tương tranh thời đó, chống cộng là thường tình, có lẽ vì vậy nên Võ Phiến không mấy lưu tâm. Từ đó, trong Tổng Quan và danh biểu các tác giả, ông không một lần nhắc đến những Đinh xuân Cầu, tác giả Bên kia Bến Hải (1955), Kỳ văn Nguyên, tác giả Tìm về sinh lộ được giải thưởng tiểu thuyết, dường như cùng một năm với Đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn Mạnh Côn, ký tên Nguyễn Kiên Trung.


Báo Chỉ Đạo


Võ Phiến tình nghĩa khi nhắc đến Mùa Lúa Mới, và công tâm khi nhắc đến hầu hết các tạp chí quan trọng thời đó, mà không một lời cho báo Chỉ Đạo, mà ông có biết (tr. 246). Báo này là cơ quan chỉ đạo chiến dịch tố cộng của Bộ Quốc Phòng và ông cũng không nhắc đến Người Việt tự do, tạp chí chỉ đạo và thuyết giáo chính trị thời đó. Ở báo Mùa Lúa Mới, Huế, Võ Phiến, Đỗ Tấn... chống cộng trên kinh nghiệm bản thân, trên báo Sáng Tạo, Sài Gòn, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ... chống cộng vì dị ứng, trong nhóm Quan Điểm, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm xuân Hồng... chống cộng vì chính kiến, còn báo Chỉ Đạo chống cộng trong một chính sách rộng lớn, về ý thức hệ, trên quy mô thế giới, thời kỳ chiến tranh lạnh, đi từ Bến Hải, Quỳnh Lưu đến Poznan, Budapest, băng qua các quốc gia Đông Nam Á. Cũng cần thêm rằng, năm 1959, báo Chỉ Đạo đã có bài viết kỹ càng, dường như là bài đầu tiên, giới thiệu tác phẩm Võ Phiến. Người viết lại là... Vũ Hạnh, ký cô Phương Thảo!


Hai đợt Bách Khoa


Tự đặt mình trong nhóm Bách Khoa (tr. 77), Võ Phiến không cặn kẽ, không nói rõ có hai đợt Bách Khoa. Đợt đầu (1957) báo thuộc hội Văn Hoá Bình Dân của Huỳnh văn Lang, nên còn gọi là Bách Khoa Bình Dân, do các ông Huỳnh văn Lang, Hoàng minh Tuynh, giám đốc và phó giám đốc Viện Hối Đoái điều khiển; báo được tài trợ, và nhận quảng cáo dồi dào từ các công ty lớn, các ngân hàng, chưa kể đến hậu thuẫn ít nhiều của bà Khánh Trang, bí thư của bà Ngô đình Nhu. Đợt sau, từ tháng 2/1965, do Lê ngộ Châu chủ nhiệm, mang tên chính thức là Bách Khoa Thời Đại, tờ tạp chí đứng độc lập, nhưng vẫn hưởng quảng cáo và sự hổ trợ một số công chức cao cấp như Đoàn Thêm, Phan văn Tạo, Trần Thúc Linh. Nhờ vậy mà toà soạn có phương tiện cung cấp sách báo nước ngoài cho cộng tác viên, như Võ Phiến đã kể, trả nhuận bút hậu hĩ; và quy tụ nhiều ngòi bút địa phơng, theo những chính kiến khác nhau. Có người lừng danh như Phạm ngọc Thảo, hoặc ít được biết như Nguyễn ngọc Lương, nhân viên bộ ngoại giao làm nội tuyến, có người theo Mặt Trận Giải Phóng khá sớm như Thuỷ Thủ, hay muộn hơn như Trần Triệu Luật, cuối cùng như Lữ Phương. Đến 1/1970 báo lấy lại tên Bách Khoa.


Chúng ta đã dừng lại ở đôi ba chi tiết, có thể là những chỗ mạnh của Võ Phiến, để chứng tỏ rằng: nói về văn học Miền Nam, nói cho rốt ráo, không phải là chuyện đơn giản.


Danh mục và tác phẩm


Danh mục các tác gia, kèm theo tiểu truyện và sự nghiệp trước tác ở cuối Tổng Quan là phần hệ trọng, vì là tư liệu khách quan mà cũng là sự đánh giá chủ quan, dù không là bảng phong thần. Nói chung, thì danh mục nghiêm chỉnh, nhưng khó tránh khỏi một số sai sót. Xin chỉ nêu lên vài thí dụ.


Đầu tiên, về Lê vĩnh Hoà, em ruột mình, Võ Phiến ghi không chính xác: Chiếc áo thiên thanh không phải là tên sách của Lê Vĩnh Hoà, mà là một tập truyện của nhiều người: Ngọc Linh, Tiêu Kim Thuỷ, Viễn Phương, trong đó có một truyện ngắn mang tên như vậy của Lê Vĩnh Hoà; cũng như tập truyện Tình hương dạ lý ông ấy viết chung với Luu Nghi, Tạ Tỵ, Sài Giang, cũng do nhà Trùng Dương ấn hành. Tác phẩm riêng của Lê Vĩnh Hoà chỉ có cuốn Mái Nhà Thơ do nhà Phù Sa của Ngọc Linh xuất bản năm 1964 (bìa màu xanh da trời, nếu Võ Phiến quên).


Về Nguyễn Đức Quỳnh, nói rằng không có tác phẩm sau 1954 là sai, ông có viết Ai có qua cầu ký tên Hoài Đồng Vọng, nhà Quan Điểm xuất bản năm 1957, truyện dài Làm lại cuộc đời đăng trên báo Đời Mới, ký Hà Việt Phương, ngoài ra còn một số truyện đăng báo hằng ngày, như Tia Sáng, ký tên khác.


Phần liệt kê tác phẩm, có khi quên trước tác quan trọng, như Mưa Nguồn của Bùi Giáng, Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường, Mẹ Á Châu của Kiêm Minh... Về các tác giả, ngoài những tên như Đinh Xuân Cầu, Kỳ Văn Nguyên, đã nhắc, có lẽ cần thêm Minh Đăng Khánh tác giả kịch Hai màu áo, Vĩnh Lộc tác giả tập truyện Đôi cánh gãy của thiên thần, ông ấy còn làm thơ khá hay, cũng như Nguyễn Sỹ Tế làm thơ, ký Người Sông Thương. Sao lại không có Trần Hồng Châu?


So với hai lần in trước (1986, 1988) danh mục lần này có bổ sung, sửa sai, trừ vài trường hợp như Mặc Đỗ tên là Đỗ Quang Bình, in ba lần đều sai thành Đỗ Quang Trình (phải chăng vì vậy mà ông này bất bình ?). Tên Trần Phong Giao đã sửa lại đúng là Trần đình Tĩnh, bổ sung ngày sinh là 1/8/1930 tại Nam Định. Trần trọng Đăng Đàn ghi: Trần đình Thái, sinh 1946 (sđd, tr. 1029): hồ sơ công an mà cũng sai: ví dụ Lữ Quỳnh tên là Phan Ngô sinh 1942, Hoàng Hải Thuỷ tên Dương trọng Hải, Trần hoài Thư tên Trần quý Sách, Hà như Chi sinh năm 1926, dễ kiếm thôi. Cuối cùng, xin thêm một điều xác quyết: nhà thơ Hoàng Trúc Ly tên là Đinh đắc Nghĩa, sinh ngày 14 tháng 4, 1933 chứ không phải là Đinh đắc Vị sinh năm 1937 như Võ Phiến và Trần Trọng Đăng Đàn đã ghi. Vị là tên người em ruột, hiện sống tại Hoa Kỳ ngay tại Cali.. Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12, 1983, và trên mộ chí ghi ... Đinh đăc Vị (!!!) Ngoài đề: gia đình này có quen biết với Võ Phiến, vì cùng gốc Bình Định !!!


Những sai sót như vậy, không nhiều và không trầm trọng, âu cũng là chuyện bình thường ở một cố gắng cá nhân. Hồ sơ công an còn sai sót, trách chi tư liệu của cá nhân ông Ba Thê Đông Thời?


Một trước tác tâm huyết


Tóm lại trong bộ Văn Học Miền Nam, cuốn I Tổng Quan là một trước tác công phu, một ký sự văn học và xã hội học phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của một quần chúng đông đảo dưới một chế độ xã hội đã đi qua. Một tác phẩm giàu tâm tình và tâm huyết, với nhiều nhận định sắc bén, qua giọng văn trò chuyện tự nhiên, thân mật, dí dỏm. Trong một đề tài rộng rãi và phức tạp như thế, dĩ nhiên là có điểm cần bàn lại, có chỗ cần bổ sung hay sửa sai, nhưng nói chung, Tổng Quan là một biên khảo thành tâm, đứng đắn, ngay thẳng, đáng tin cậy.


Về sáu cuốn sau, dành cho các bộ môn, Truyện, Ký, Thơ, Kịch, Tuỳ Bút, chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu khi khác.


Đặng Tiến

Nguồn: banvannghe.com

Ghi chú:


[1] Văn học Miền Nam, 7 cuốn, nxb Văn Nghệ, California, 1999-2000, mỗi cuốn 18$

[2] Tô Hoài, Chiều Chiều, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, tr. 209

[3] Võ Phiến trả lời phỏng vấn, báo Văn, Sài Gòn, số 118, 15.11.1968

[4] Văn Học, tạp chí California, số 169, tháng 5.2000, tr. 3

[5] Trần trọng Đăng Đàn, Văn Hoá Văn Nghệ Nam Việt Nam, 1954-1975, nxb Thông Tin, Hà Nội, 1993, tr. 85