Nhà thơ Vũ Anh Khanh
(1926 - 1956)
Tôi quen với Vũ Anh Khanh một cách bất ngờ. Hồi 1950 -1951 chi đó, trong một buổi họp của Phòng Chính trị Phân Liên Khu miền Tây (tức khu 9), người ta giới thiệu hai cán bộ mới từ trường Lục quân Trần Quốc về công tác ở đây. Một tên là Nguyễn văn Trị, em ruột của tướng Thanh Sơn, Tư lệnh Chí nguyện quân Việt Nam ở Cao Miên và Vũ Anh Khanh, nhà văn Saigon. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao nhà văn Saigon lại ra kháng chiến và đã trải qua khóa Lục quân đầu tiên cũng là khóa cuối cùng ở Nam Bộ.
Vũ Anh Khanh chắc tuổi cỡ Sơn Nam hay Huy Hà lúc bấy giờ cũng đang công tác ở đây. Cả ba vị đều nổi tiếng ở Saigon hoặc trong chiến khu, còn tôi mới tập tành viết phóng sự chiến trường, khi nộp bài bị sửa lên sửa xuống và rất mừng khi được ký tên Xuân Vũ đầu tiên trên báo.
Vũ Anh Khanh người cao, tóc ngắn, đen thiệt đen, chân mày và ria mép đều thật đậm, răng vàng ênh khói thuốc. Tôi để ý thấy anh luôn luôn mặc đồ lục quân đen, vai có con đỉa và quần thường xắn lên chừng một ngón tay, áo xăn vô nửa cánh tay trước. Vì mới ra trường nên anh còn giữ tác phong của trường. Mấy ông thầy ở ngoài hang Pác Pó vô trong Nam luôn luôn khoe khoang và phách lối với dân Nam Kỳ, nên khi dạy lục quân thì bắt học sinh phải ăn mặc theo đúng tác phong trung ương, quần phải xăn lên mấy phân, áo xăn vô tới đâu và chào hỏi cấp trên, đi đường phải rất quân sự chính qui, trong lúc đó thì trường không có chỗ ở và phải di động bằng xuồng bể như một lũ tàn quân nhất là khi đóng ở Cạnh Dền.
Những học sinh vì đi đứng ăn mặc không đúng chánh qui thì bị phạt lăn, lê, bò xoài rất thảm khổ. Các bà má thấy vậy mủi lòng bèn chửi: "Tụi Bắc Kỳ vô hành hạ con tao quá vậy, thôi đừng thèm học, các con! Để Tây cho tụi nó (Bắc Kỳ) oánh!"
Thế nhưng Vũ Anh Khanh đã qua hết khóa học kéo dài 12 tháng, dời địa điểm chừng 101 lần vì sợ Tây bỏ bom. Lần đầu tiên về Phòng Chính trị, Vũ Anh Khanh được ông bạn đồng song giới thiệu ngâm bài thơ dài mà anh đã từng trình bày ở trường và được bầu làm chiến sĩ văn nghệ của nhà trường.
Bài thơ dài cả trăm câu ca ngợi lòng dũng cảm chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam mà tác giả tự làm cho chính mình, khởi đầu bàng câu:
Vũ Anh Khanh!
Quê hương mày ly loạn!
Trong kháng chiến có nhiều nhà thơ như Hoàng Phố, Hoàng Tấn, Thanh Bình nhưng chưa có ai làm một bài thơ dài hơi như vậy.
Sau đó, tôi đi chiến dịch Long Châu Hà với Sơn Nam và Vũ Anh Khanh. Sơn Nam bị kiểm thảo tơi bời vì thiếu tác phong quân sự còn Vũ Anh Khanh thì làm gì ở đâu tôi cũng không rõ, chỉ biết là lúc về cơ quan Vũ Anh Khanh không có viết gì hết. Cuối cùng tòa báo "Tiếng Súng Kháng Địch" ra một số đặc biệt về chiến dịch đó nhưng không có bài nào của anh. Sau đó hình như người ta tống anh đi ra khỏi Phòng Chính trị, cho về đâu trên tỉnh đội Long Châu Hà thì phải, còn tôi thì bị giản chính cho về tỉnh đội Cần Thơ.
Bây giờ ngồi viết những dòng này tôi vẫn còn thấy như in trước mặt hình dáng anh Vũ Anh Khanh, áo lục quân xập xệ, quần thì ống thấp ống cao, miệng lúc nào cũng cười hề hề. Mỗi lần đi ăn cơm thì anh cầm cái chén bằng muỗng vùa gọt láng với đôi đũa tre tự túc, hai đầu đũa buộc vào nhau bằng một sợi nhợ ngắn, còn chiếc muỗng vùa cũng có quai, để khi ăn xong thì treo phơi trên vách cho khô, nếu không phơi thì nó tanh lắm, không xài được. Ở trường Lục quân không có chén nên học sinh phải dùng muỗng vùa, khi đi dã tập thì đeo nó luôn trong lưng để đến giờ cơm thì có mà dùng ngay.
Vũ Anh Khanh vừa đi vừa gõ lóc cóc, còn vài ba người đi sau thì nhại theo giọng của anh: "Vũ Anh Khanh! Quê hương mày ly loạn!"
Anh quay lại cười dễ dãi. Lần nào có liên hoan, anh em cũng bắt anh lên ngâm thơ. Mãi cho đến khi tập kết ra Bắc tôi mới gặp lại Vũ Anh Khanh, nhưng không biết anh ở cơ quan văn nghệ nào. Đó là thời kỳ "tan đàn rã nghé" như nhà văn Đoàn Giỏi viết trên báo. Nghĩa là mạnh ai nấy kiếm sống, không có sự thân ái như trong kháng chiến nữa.
Tôi cũng không nhớ năm đó là năm nào. Tôi bỗng gặp Vũ Anh Khanh ở ngôi nhà của văn nghệ sĩ Nam Bộ gồm có Đoàn Giỏi, Bùi Đức Ái, Huỳnh Thế Phương (Trung đoàn phó Trung đoàn 99 của Đồng văn Cống nhưng vì là đảng viên đảng Dân chủ nên bị gạt ra cho làm báo Thống Nhất), Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Quang Sáng, Đinh Phong Nhã. Vũ Anh Khanh cho biết anh được cử đi "Hội nghị văn chương quốc tế" sắp khai mạc tại New Delhi bên "Anh Bảy Chà Và". Cùng đi với anh có Phạm Hữu Tùng. Tùng là chồng của nữ ca sĩ Khánh Vân, không phải là đảng viên cộng sản, không hiểu tại sao lại được cử đi theo Vũ Anh Khanh như một chính trị viên của anh. Chúng tôi hiểu ngầm như thế chớ bên ngoài thì Tùng cũng được coi như một đoàn viên như Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Tú Mỡ...
Chúng tôi càng không hiểu tại sao cộng sản lại chỉ định một văn sĩ gốc Saigon đi như thế để phải tốn thêm một chính trị viên?
Không biết đi bao lâu, bỗng một hôm tôi lại gặp Vũ Anh Khanh cũng tại ngôi nhà này. Đúng ra không phải gặp tình cờ mà là Vũ quân tìm đến "tụi mày để nhậu chơi". Số là Vũ quân có đem về một chai rượu ngoại quốc, ở Hà Nội mà đòi nhậu rượu ngoại quốc thì chắc không có ai dám liều lĩnh hay hoang phí đến thế.
Tôi cũng không nhớ là rượu hiệu gì của nước nào nữa. Vì bất ngờ, không có toan tính trước nên cứ khui ra rồi uống không, để nghe Vũ quân nói chuyện về hội nghị văn chương bên xứ Chà Và:
- Chẳng có con mẹ gì cả. Nó nói nó nghe, mình nói mình nghe. Chỉ được cái là mình được đi coi vài ba chỗ cổ tích và một cái đền thờ lạ lùng.
Chúng tôi hạch mãi thì anh mới nói rằng đền thờ "cái đó" và "cái ấy". "Cái đó" thì to bằng cây cột và "cái ấy" thì to bằng cái nia. Chúng tôi nghe mà cười với nhau muốn bể nhà. Vũ quân kể xong còn dặn tụi tui:
- Tụi bây đừng có nói tùm lum ra ngoài họ nghe họ kiểm thảo tao bỏ mẹ, rồi có hội nghị khác họ không cho tao đi, chẳng còn ai đem rượu về cho tụi bây uống nữa đâu, nghe không?
Vũ Anh Khanh nhậu xong thì mượn xe đạp của một đứa trong bọn nói là đi lên Phòng Áo Quần của Bộ Ngoại Giao để trả bộ đồ vía "ăng tơ nuy" đi hội nghị. Do đó chúng tôi mới biết rằng dân Hà Nội được cử đi ngoại quốc đều đến cái phòng này để mượn quần áo, cà vạt, giày vớ để kên vào mà đi chớ không ai có nổi bộ đồ Tây.
Rồi thôi, mạnh thằng nào thàng nấy bươn chải kiếm ăn, không gặp Vũ quân nữa. Bỗng một hôm có một cái giấy triệu tập khẩn cấp đến số nhà 94 Phố Huế tức là Câu lạc bộ văn nghệ sĩ. Nói là Câu lạc bộ nhưng thực ra dùng để phổ biến nghị quyết của Trung ương, nhưng nó ọp ẹp nên Tố Hữu không khi nào đến đây. Trong cuộc họp này nhân vật nói chuyện là Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên huấn Quân đội. Cương được điều động ra chủ trì cái hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật do Đặng Thái Mai gà mờ làm chủ tịch sau vụ đè bẹp Nhân Văn Giai Phẩm. Võ Hồng Cương là một tên đầu bò chẳng biết gì về văn học nghệ thuật nhưng giỏi cái lập trường vô sản. Trong cuộc hội nghị này họ Võ dùng một cái giọng áo não:
- Tôi xin báo cáo các đồng chí biết rằng anh Vũ Anh Khanh đã vượt tuyến và bị công an bắn chết. Cương ngưng một chốc rồi tiếp - anh ta xin giấy phép đi Vĩnh Phúc do tôi ký nhưng lại sửa ra Vĩnh Linh.
Hội nghị tản ra về. Không ai nói gì. Có gì để nói. Có cũng không dám nói. Đó là vào khoảng 58-59 chi đó, tức là vào cái thời gian mà tôi đã trốn lên Ủy Ban Quốc Tế (UBQT) ở phố (phố gì sau Gô Đa cũ, hình như Ngô Quyền thì phải) và đã bị anh lính gác QĐND phản phé báo về cơ quan. Vụ án Nhân Dân vừa lắng im vài tháng thì đến vụ Vũ Anh Khanh. Tôi ớn lắm. Sợ người ta lôi tôi ra mà giằn mặt. Và sự thực là sau vụ UBQT tôi âm thầm tìm đường chui nhưng không thoát nên cứ tỉnh bơ công tác tích cực như thường lệ. Trong chuyến đi vào Vĩnh Linh, có Nguyễn Tuân, Đoàn đóng tại Ty Thông Tin Vĩnh Linh do Rum Bảo Việt làm Trưởng Ty. Ban ngày đi lấy tài liệu. Ban đêm về ngụ tại đây. Riêng tôi tìm cách xé lẻ để có hoàn cảnh đi ngược lên dòng Bến Hải. Tôi đã lên tới Ku Bay và lên công trường gì đó có em ruột của nhà văn Đoàn Giỏi làm việc. Tôi phải đi bằng voi mấy đoạn đường và lên đến tận nguồn sông Bến Hải, thấy mấy cái bảng đóng trên thân cây rừng "Ligne de démarcation provisoire" (Giới tuyến tạm thời), nhưng nhìn sang bờ Nam không có trạm canh, núi lại cao lỏm chỏm. Tôi đành trở về. Hôm sau tôi và Nguyễn Tuân ra bờ Cửa Tùng, Nguyễn Tuân ngồi dựa gốc thùy dương mơ mộng còn tôi thì thay đồ đưa anh ôm giùm để xuống tắm biển. Cửa Tùng vào lúc nước ròng cạn lắm, tôi dư sức bơi qua, nhưng lính canh kỹ quá tôi không thể bơi. Nếu tôi không điều tra kỹ mà bơi qua thì bị nắm đầu rồi.
Hôm sau tôi đi đến cầu Hiền Lương rồi đi ngược lên, đến khoảng giữa hai cái đồn thì dừng lại, không thấy có bóng lính, tôi ngồi xuống ngó chung quanh lần nữa, lần nữa... Từ bờ Bắc ngó sang bờ Nam gần quá! Nếu không ai biết, tôi sải một hơi là tới. Ngồi nhìn đồng bào đi trên bờ Nam mà thèm thuồng vô cùng. Tôi quyết định nhào xuống sông bơi qua. Nhưng chân tôi vừa chạm nước thì tôi nghe lạnh buốt óc. Tôi chợt nhớ lời thằng bạn tôi ở Bộ Công An, cách đó không lâu, đến nhà tôi choi có nói (có lẽ nó muốn nhắc tôi chăng?):
- Vũ Anh Khanh bị bắn bằng tên thuốc độc.
Tôi rùng mình, rút chân lên mà quay trở lại. Trên đường về Ty Thông Tin tôi cứ nhìn những mô cát nhấp nhô mà xương sống tôi cứ rợn lên. Tôi cứ quay lại nhìn xem có ai đuổi theo không. Tôi tự hỏi: Vũ Anh Khanh, ông bạn vong niên của tôi đã yên nghỉ nơi đây và cho rằng mình đã qua được phía nam sông Bến Hải và giở mũ (tai bèo) ra mà quay lại xá lia. "Ông vái cả mũ cái xã hội chủ nghĩa". Câu "vái cả mũ" của miền Bắc thật có ý nghĩa trong trường hợp này. Vũ Anh Khanh ơi! Quê hương mày ly loạn vì cái hội chủ nghĩa quái gở.
Sau chuyến "nhúng chân xuống nước Cửa Tùng" tôi về Ty Văn Hóa Vĩnh Linh gặp Nguyễn Tuân đang ngồi nhâm nhi với dĩa tôm luộc. Tôi xà vào và xin một ly nốc cạn ngay để che giấu sự bất thường trên nét mặt mà tôi cảm thấy chắc có.
Nguyễn Tuân hỏi tôi: "Có lấy được tài liệu nhiều không, có gặp người thiểu số không?" Tôi lơ mơ đáp cho qua vì trong bụng hãy còn run. Nguyễn Tuân lại nhắc chuyện hôm qua: "Sao anh không bơi? Người Nam bơi giỏi lắm cơ mà."
Tôi càng sợ lộ tẩy, mặc dù đó chỉ là câu hỏi bình thường, không có ý xoi mói tâm can của tôi. Sự thực nếu tôi bơi ẩu qua bờ Nam thì tôi cũng tới nơi nhưng sẽ bị bắt và gởi trả lại bờ Bắc vì ở cửa Tùng có đồn Liên Hiệp tức là bên bờ Nam có lính Bắc Việt và bên bờ Bắc có lính Saigon. Hễ dân bên Bắc bơi qua bờ Nam thì có sẵn lính Bắc Việt ở đấy thộp đầu liền.
Khi tôi sắp tới mí nước, tôi gặp anh lính Bắc Việt đang đứng canh ở đó, tôi lấy tư cách nhà báo hỏi anh ta:
- Bãi biển mênh mông thế này, nếu dân lén trốn làm sao ta kiểm soát được?
Anh ta bèn cho tôi biết về cái đồn Liên Hiệp như đã kể trên. Do đó tôi teo quá, trở lại bỏ hẳn ý định bơi qua Cửa Tùng. Vào thời buổi nước ròng, Cửa Tùng không lớn lắm, tôi dư sức bơi qua. (Vì không bơi qua được 100 thước nước mà về sau phải lội 1.000 cây số núi non để về Nam).
Cả một tuần lễ đóng trại ở Ty Thông Tin Vĩnh Linh tôi thường đến đầu cầu Hiền Lương để coi sơ hở của trạm gác. Một lần tôi bị xét giấy. Tôi đưa cho chúng xem. Từ đó chúng mới tin tôi là người được tín nhiệm của trung ương nên chúng cho đến gần đầu cầu. Nói là gần nhưng cũng cách trên 100 thước. Nếu ai cả gan chạy thì cũng phải vọt qua một cái cổng rồi một cây cản và sau cùng là một tên đứng giữa cầu đối diện với anh lính Saigon. Có lẽ chúng đã rút kinh nghiệm sau hai vụ táo bạo vượt tuyến mà tôi có nghe đồn. Một anh cán bộ điện ảnh tên là Phúc, người Cần Thơ, cũng lại là bạn của tôi, vọt qua làn mức rất sớm, trước khi tôi lên UBQT. Và một ông tư sản thầu xây cất trại cho bộ đội ở đầu cầu. Thừa lúc chiếc cổng dở lên hạ xuống cho xe xoay trở, ông ta vọt ào lên cầu và qua luôn. Bây giờ khi tôi đến đây thì không thể nào áp dụng cái chiến thuật "dọt" ào đó nữa.
Tôi cũng biết một chuyện vượt tuyến khác nhưng thất bại. Một anh chàng bơi qua sông Bến Hải leo lên bờ Nam và vô đồn chửi bác Hồ om xòm. Chẳng ngờ giữa sông (phía trên cầu một quãng), sông rẽ làm hai nhánh, ở giữa có một cù lao. Khi chia ranh giới tạm thời thì cù lao ấy thuộc về Bắc. Anh chàng vượt biên không biết (tôi cũng không biết), nên leo lên bờ tưởng đã qua Nam. Tụi cộng Bắc Việt đểu lắm, chúng không mặc quân phục Bắc Việt, không treo cờ đỏ, cứ âm thầm núp chờ... Chắc có nhiều người nhầm lắm. Vũ Anh Khanh ơi! Quê hương mày ly loạn nên thiên hạ trốn đi tìm nơi khác để sống...
Khi chuyến đi kết thúc, tôi về Hà Nội, chỉ có một người dám hỏi tôi về Vũ Anh Khanh:
- Mày vô đó có thấy mộ Vũ Anh Khanh không?
Tôi đáp gọn lỏn:
- Không
(Chắc chắn chúng lôi xác anh lên mà vùi vội đâu đó để nhẹm tiếng sát nhân). Người hỏi tôi đó là nhà văn Đoàn Giỏi, thành phần địa chủ ở Mỹ Tho, bị kết tội có dính với Nhân Văn Giai Phẩm. Người mà ở trên nhận định là "tiến bộ lắm" nên đã cho đi Liên Xô, và nhận định "tiến bộ hơn nhiều" sau khi đi Liên Xô về. Và sau đó thì Đoàn Giỏi viết bài "Thao thức" đòi úp cái l. mẹ nó lên đầu Lê Đức Thọ vì Ban Tổ chức qui kết anh nặng nề.
Đoàn Giỏi buồn rầu nói một câu đầy tình nghĩa đồng hương và đồng nghiệp:
- Phải biết ngày nó chết (Vũ Anh Khanh) thì mình cơm canh cúng nó một bữa cho đỡ tủi vong hồn nó.
Tôi không dám nói gì thêm, nhưng trước mắt tôi vẫn còn chập chờn những mô đất trên khoảng đồng hoang hai bên đường từ cầu Hiền Lương về Ty Thông Tin. Vũ Anh Khanh nằm ở đâu trên cánh đồng đó, nhưng không biết là mô đất nào. Vũ Anh Khanh ơi! Quê hương mày ly loạn!
Khi tôi về Saigon năm 1968, gặp Sơn Nam, uống nước đá ở vỉa hè, tôi có kể lại trường hợp cái chết của Vũ Anh Khanh: Anh bị bắn bằng tên thuốc độc. Sơn Nam kinh ngạc: "Sao kỳ vậy?". Tôi không biết tại sao, nên chỉ lắc đầu. Có thể là chúng bắn vậy để không có tiếng động, để không ai biết. Chúng sợ bờ Nam tố cáo và Ủy Ban Quốc Tế đến điều tra thì sẽ bị kết tội vi phạm Hiệp Định chăng?
Chuyện về cái chết của Vũ Anh Khanh đã vùi lấp đúng ba con giáp rồi, anh Nhuệ Hồng ạ. Còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm không giấy bút nào tả hết. Phải tổ chức 1.000 đêm không ngủ mới tạm đủ thời gian để kể cho nhau nghe những chuyện đau lòng ở miền Bắc mà Vũ Anh Khanh chỉ là một trường hợp được biết tới. Viết những dòng này tặng anh tôi cũng tiếc như anh vậy. Tiếc rằng: Nếu hồi ở Ấn Độ, anh dấn thân một bước nữa thì có lẽ...
"Vũ Anh Khanh ơi! Quê hương mày Ly loạn và còn ly loạn mãi vì cái xã nghĩa mọi rợ này".