20-08-2013 | VĂN HỌC

Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm

    HỒ TRƯỜNG AN

Quyển Nhân Văn Giai Phẩm của nhà văn nữ Thụy Khuê không dựa theo cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Mạc Định Hoàng Văn Chí để luận định theo cách phát hiện thêm một tài liệu mới, một nhận định mới, một tia sáng mới vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm mà hơn nửa thế kỷ qua nhà nước Cộng Sản cố tình dìm sâu vào hố thẳm lãng quên. Vụ án ấy xảy ra đầu năm 1955 và dập tắt vào tháng 6 năm 1958.


Tuy vậy, khi biên soạn tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm, Thụy Khuê vẫn nhờ một ít tài liệu trong Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc để cân phân, đánh giá, so sánh từng tài liệu, sắp xếp lại cho thứ tự và minh bạch. Nhìn lại hơn nửa thế kỷ trước, Hoàng Văn Chí hình thành tác phẩm trong 2 năm 1956-1958 không hề được chính quyền miền Nam giúp đỡ và chỉ sau khi hoàn tất mới được Mặt Trận Bão Vệ Tự Do Văn Hóa giúp cho chào đời ở Sài Gòn. Còn Thụy Khuê chẳng những có quyển Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc làm trụ cốt cho sự phô diễn ý tưởng và để cân nhắc điểm nào hợp lý, điểm nào khả hữu khả dung mà còn có quyển Cent Fleurs Écloses dans la Nuit du Vietnam - Trăm Hoa Đua Nở Trong Đêm Việt Nam của Georges Boudarel, quyển Un Excommunié - Kẻ Bị Khai Trừ - của luật sư học giả Nguyễn Mạnh Tường và cả tập nhật ký Trần Dần Ghi của Trần Dần.


Thêm nữa, ngày xưa Hoàng Văn Chí thu thập tài liệu khó khăn côn ngày nay thì khác hẳn. Internet giúp cho việc thông tin từ quốc nội ra hải ngoại dễ dàng hơn nên Thụy Khuê còn thu thập nhiều tài liệu rải rác về Nhân Văn Giai Phẩm dưới dạng bút ký, tự thuật của Hoàng Cầm, Phùng Cung, Phùng Quán...


Người đọc sẽ không ngạc nhiên tại sao trong đại gia đình của cụ Sở Cuồng Lê Dư, người con gái lớn là bà Hằng Phương (vợ phê bình gia Vũ Ngọc Phan) và người con gái thứ ba là bà Hằng Phấn (vợ của Hoàng Văn Chí) vì theo chồng nên ở vào hai chủ nghĩa đối nghịch. Bà Hằng Phương sau này viết bài mạt sát Nhân Văn Giai Phẩm. Còn bà Hằng Phấn có thể động lòng vì chồng mình và ông cậu ruột Phan Khôi trong đám người bị bà chị nữ sĩ thóa mạ không nhân nhượng, không kiêng nể chút nào vì bứt dây mây làm động cả khu rừng chăng? Chỉ riêng bà Hằng Huân vợ tướng Nguyễn Sơn, thì không có vấn đề vì ông Sơn đã hết vai trò trước ngày Nam Bắc phân đôi.


Phải nói Thụy Khuê viết quyển Nhân Văn Giai Phẩm rất chăm chút, rất công phu. Bà đã phỏng vấn các thành viên trong Nhân Văn Giai Phẩm cho đài RFI liên tục từ năm 1995 - Nhuyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy - để bổ túc văn bản sưu tầm được và có sẵn trong tay. Thụy Khuê phân trần:

Nếu trong những bài viết trên báo hoặc các chương trình phát thanh từ 1088 đến ngày nay, còn có những thiếu sót, đôi khi sai lầm, thì những chứng nhân quan trọng là Lê Đạt, Hoàng cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, đã đính chánh và bổ sung. Các ông thay mặt những người đã khuất, viết lại lịch sử của phong trào và lần này, không ai có thể ngăn ngừa sự thật.


Tất nhiên, mỗi người có một sự thật của riêng mình, về mỗi dữ kiện, mỗi vấn đề. Thời gian trôi qua, ký ức cũng có chỗ sai biệt, nếu có, thường là những chi tiết không mấy quan trọng. Độc giả sẽ rút từ những sự thật có thể khác nhau ấy, phần tổng kết riêng của mình, về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.


    Hoàng Văn Chí (viết lời tựa)
    Mạc Đinh (nhận định tổng quát)

Tôi rất đồng ý với Thụy Khuê rằng Hoàng Văn Chí đã rời miền Bắc đầu năm 1955 nên không thể chứng kiến xã hội miền Bắc từ lúc bắt đầu vụ Nhân Văn Giai Phẩm cho tới khi tàn cuộc. Khi ông soạn Trăm Hoa Đưa Nở Trên Đất Bắc có thể những kẻ cho ông tin tức cũng không được chính xác lắm. Cũng có thể, vì ông nhớ sai, sự đánh giá và phối kiểm tài liệu cùng tin tức hết sức khó khăn. Lại nữa, có nhiều chi tiết quan trọng mà "người bên kia" bảo mật tối đa nên khó lưu hành và phổ biến cho dân chúng miền Bắc biết, huống hồ lọt qua sông Bến Hải để vào Miền Nam. Vì vậy nếu hơn nửa thế kỷ trước đã đọc cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc vẫn nên đọc Nhân Văn Giai Phẩm, do Thụy Khuê là người đi sau có nhiều tư liệu hơn Hoàng Văn Chí, nhất là có nhiều phương tiện giao tiếp với người trong vụ án làm chấn động lịch sử ấy. Thụy Khuê nghiệm duyệt và tư duy, phân tích những tài liệu có sẵn trong tay. Những nhà trí thức Đông Nam Á Châu nói chung, một phần nhỏ những bậc trí thức Việt Nam nói riêng, có tinh thần "tận tín thư" của thầy Mạnh Tử nên không quá tin vào sách vở một cách tuyệt đối và mù quáng. Sách nào cũng do con người viết ra. Nhân vô thập toàn về phương diện kiến thức và cách tư duy. Cũng có thể những tài liệu và cách suỵ nghĩ của Thụy Khuê hôm nay không chính xác một trăm phần trăm thì mai sau sẽ có kẻ tìm những tài liệu viết lại vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Dĩ nhiên đó là tài liệu mới hơn, chính xác hơn. Như trường họp quyển Phúc Âm của đạo Gia Tô do bốn Thánh Tông Đồ là thánh Mathieu, thánh Marc, thánh Luc, thánh Jean viết riêng rẽ, khi so lại 4 văn bản, 4 tác giả có nhiều điểm chung và cũng nhiều điểm riêng. Cũng đồng thời theo Chúa Ki Tô giảng đạo mà khi viết Phúc âm còn gọi là Tân Ước, đâu có văn bản nào giống y chang văn bản nào.


Bất ngờ vào năm 1945, một người nông phu cày ruộng ở Nag Hammadi thuộc vùng Haute Égypte tìm được văn bản Phúc Âm của thánh Thomas. Đó là một kho tàng ngôn ngữ kinh Tân Ước, đã gần một thế kỷ rưỡi chôn dưới lớp đất vàng nâu. Nó giống vài điểm và cũng khác vài điểm với các Phúc Âm kia. Nó không trái với tư tưởng những lời răn của Chúa Ki Tô, không một câu nào phạm thánh nhưng không được Tòa Thánh Vatican nhìn nhận vì không dám sửa đổi quyển Tân Ước gồm 4 văn bản của 4 vị thánh Tông Đồ trong quyển Phúc Âm kia.


Có thể sẽ có độc giả phàn nàn Thụy Khuê ham chi tiết nhiều quá. Chi tiết sao mà nườm nượp rối rít tuôn ra làm họ nắm bắt không kịp. Nhưng bình tĩnh và chậm rãi đọc lại, ta thấy như thế này: Tác giả quả thật có ham chi tiết, nhưng khéo sắp đặt đâu vào đó. Nhiều đoạn Thụy Khuê chỉ nói thoáng qua, nói sơ lược như người cameraman lấy toàn cảnh (plan général). Có nhiều chi tiết lại được trình bày trong khuôn khổ lớn rộng hơn, rõ ràng từng nét một, y như lấy cận ảnh (gros plan) để độc giả thấy trong các chi tiết đó còn chứa nhiều chi tiết nhỏ hơn, nhưng đó là chất xúc tác để tạo ra sự áp bức của phe nịnh hót kẻ nắm được quyên hành trong tay. Và biết đâu những chi tiết nhỏ ấy là sợi dây thừng trói buộc độc giả vào chuyện bất ngờ của diễn biến vụ án.


Nói chung, dù chỉ đọc thoáng qua tác phẩm của Thụy Khuê, người đọc đã thấy ngoài tài liệu biên khảo phong phú còn là nếp suy tư chín chắn, việc biên soạn và trình bày có lớp lang minh bạch của tác giả.


Tác phẩm Hoàng Văn Chí, cho đến nay vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh nhất về phong trào. Phần lớn thành viên phong trào đều được đề cập với tiểu sử khá đầy đủ, gồm nhiều chi tiết đáng quý và những bài viết tiêu biểu của họ trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt tiểu sử của Phan Khôi, với những chi tiết mà hiện nay khó tìm thấy ở đâu. Một phần vì Hoàng Văn Chí có liên hệ gia đình với Phan Khôi, nên một số dữ kiện chỉ ông biết, mà những tư liệu khác không dám viết ra... Nhưng vẫn có ba người gần như bị gạt đi là Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Lê Đạt. Nhược điễm này có thể do Hoàng Văn Chí không thích hay không tin ba người kia vì Nguyễn Hữu Đang từng là người tin cẩn của Hồ Chí Minh, Lê Đạt là bí thư của Trường Chinh và Trương Tửu là nhà phê bình lý luận Mác Xít.


Qua trường hợp này khi đến với tác phẩm của Thụy Khuê, người đọc còn thấy sự cẩn trọng của tác giả trước quan điểm mà Thụy Khuê đưa ra:

Từ tháng 4-1988, khi chúng tôi viết những dòng đầu về Nhân Văn Giai Phẩm đến nay đã hơn hai mươi năm.

Chuyên luận này tưởng như hoàn tất một chương trình tìm kiếm lâu dài, thật ra là khởi điểm cuộc tìm kiếm mới về những gì đã thực sự xảy ra.


Bởi càng đi sâu vào vấn đề, càng thấy rõ những khoảng trống chưa thể lấp được, những câu hỏi chưa được trả lời về biết bao sự kiện khác nhau, về những con người như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phan Khôi, Thụy An, Trương Tửu... và còn biết bao người khác nữa. Những gì chúng ra góp nhặt được về họ, ngoài những văn bản do chính họ đã viết ra, đôi khi lượm lặt được vài ba dòng nhật ký của người này, hồi ký của người kia, cũng chỉ là một phần nhỏ của sư thật. Không kể những loại hồi ký đã bị cắt xén hoặc được sửa lại cho đúng đường lối, hoặc những di cảo trá hình, viết ra để tự biện hộ, để đổi lấy bản thông hành đi vào vĩnh cữu.


Cho nên nghiên cứu phải vô cùng thận trọng khi tìm và lựa thông tin, những gì là thật, là giả trong những tư liệu mà mình có được. Tìm tư liệu không khó trong thời buổi internet này, nhưng xử dụng tư liệu để dựng lại sự thật là một việc khác hẳn.

*



Nhìn bản lịch trình do Thụy Khuê sưu tầm về tiến trình cuộc phản kháng qua Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Nhân Văn, mới thấy rõ công phu của tác giả từ sưu tập tài liệu tới xử dụng tài liệu để quật nấm mồ dĩ vãng, tái lập một hồ sơ đi sát biến động của vụ án. Đây là công việc rất khoa học với một số điểm chính yếu mà bút giả gạn lọc như sau.


Trong quân đội Trần Dần, Tử Phác vơi sự cộng tác của Hoàng Cầm chú trương việc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Tháng 4/1955, Trần Dần, Tử Phác đòi quyền tự do sáng tác. Cả hai bị phạt cấm trại 3 tháng vì tội phạm quân kỷ rồi sau bị đày ở Yên Viên mà Cộng Sản nói là tham gia cuộc cải cách ruộng đất.


Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương. Bài vở gồm có Nhất Định Thắng của Trần Dần Anh Có Nghe Thấy Không? của Văn Cao cùng bài Làm Thơ và bài Mới của Lê Đạt. Sau đó, Lê Đạt phải lên Tuyên Huấn để kiểm thảo. Trần Dần và Tử Phác bị bắt lần thứ nhì. Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu. Trần Dần tự tử nhưng được cứu sống. Hoài Thanh vạch tính chất phản động trong bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần trên báo Văn Nghệ số 110.


Theo chánh sách của Liên Xô và Trung Quốc, đảng Lao Động nới rộng tự do. Hội Văn Nghệ được chỉ định tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày. Sau đó Nguyễn Hữu Đang chỉ trích gắt gao đường lối lãnh đạo văn nghệ. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi và bộ phận lãnh đạo văn nghệ thừa nhận lỗi và hứa sẽ sửa chữa. Hoài Thanh viết bài xin lỗi về tội đánh Trần Dần.


Giai Phẩm Mùa Thu, tập I ra đời với Phan Khôi qua bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ, Nguyễn Bính qua bài Tỉnh Giấc Chiêm Bao, Trần Duy qua bài Tiếng Sáo Tiền Kiếp.


Chưa đầy một tháng sau, báo Nhân Văn số 1 ra đời gồm bài vở của Lê Đạt (Nhân Câu Chuyện Các Người Tự Tử), Hoàng Cầm và đặc biệt có bài phỏng vấn nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường về tự do dân chủ. Lại có thêm biếm họa của Nguyễn Sáng vẽ hình Trần Dần với vết sẹo ở cổ. Còn Lê Đạt (ký tên Trần Công) có Chống Bè Phái Trong Văn Nghệ.


Nhân Văn số 2 với bài Phỏng Vấn Nhà Trí Thức Đào Duy Anh Bàn Về Vụ Mở Rộng Tự Do Dân Chủ, bài Trả Lời Nguyễn Chương và Báo Nhân Dân của Nguyễn Hữu Đang (ký tên Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy), bài Phấn Đấu Cho Trăm Hoa Đua Nở.


Giai Phẩm Mùa Thu tập II với bài Bệnh Sùng Bái Cá Nhân của Trương Tửu, Ông Bình Vôi của Phan Khôi, Những Người Khổng Lồ của Trần Duy, Chống Tham Ô Lãng Phí của Phùng Quán.


Giai Phẩm Mùa Xuân tái bản và Nhân Văn số 3 tục bản với bài Nổ Lực Phát Triển Tự Do Dân Chủ của Trần Đức Thảo, Phỏng Vấn Bác Sĩ Đặng Văn Ngữ Về Mở Rộng Tự Do Và Dân Chủ, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo.


Giai Phẩm Mùa Thu, tập III, với bài Văn Nghệ và Chính Trị của Trương Tửu, Muốn Phát Triển Học Thuật của Đào Duy Anh.


Nhân Văn số 4 với bài Cần Phải Chính Quy Hơn Nữa, bài Sự Thật Về Sự Xúc Phạm Thi Sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa của Người Quan Sát, Thành Thật Đấu Tranh Cho Dân Chủ, truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh của Phùng Cung, Những Ngày Báo Hiệu Mùa Xuân của Văn Cao.


Báo Đất Mới của sinh viên có bài Phê Bình Lãnh Đạo Sinh Viên của Q. Ngọc T. Hồng, Lịch Sử Một Câu Chuyện Tình của Bùi Quang Đoài...


Nhân Văn số 5 với bài Hiến Pháp Việt Nam 1946 và Hiến Pháp Trung Hoa Dân Chủ Thế Nào? của Nguyễn Hữu Đang và Bài Học Ba lan Và Hung-Ga-Ri của Lê Đạt (ký tên Người Quan Sát).


Giai Phẩm Mùa Đông tập I với bài Tự Do Tư Tưởng Của Nghệ Sĩ Và Sự Lãnh Đạo Của Đảng Cộng Sản Bôn-sê-vích của Trương Tửu, Nội Dung Xã Hội Và Hình Thức Tự Do của Trần Đức Thảo...


Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về báo chí. Xác định lại những cấm điều.


Nhân Văn số 6 đang in, bị đình chỉ.


Tự Do Diễn Đàn, tập I, là tạp chí chuyên về lý luận, phê bình, sáng tác do Minh Đức bị cấm. Tạp chí này gồm các bài Qua Các Sai Lầm Của Cái Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo của Nguyễn Mạnh Tường, truyện ngắn Chú Bé Làm Văn của Trần Dần, Tại Sao Quần Chúng Nhân Dân Tha Thiết Đến Cuộc Đấu Tranh Văn Nghệ? của Nguyễn Hữu Đang, Nhiệm Vụ Của Văn Học Không Phải Là Giải Thích Chính Sách của Phan Ngọc. Động Long Mạch của Lê Đạt, Vài Ý Nghĩ Sau Khi Đọc Bài Thơ Động Long Mạch của Hoàng Cầm, Sinh Hoạt Văn Hóa của Trương Tửu.


Trong đại hội văn nghệ II tại Hà nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát bọn Nhân Văn Giai Phẩm."


Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Cù Huy Cận và Hà Xuân Trường được cử đi học tập chánh sách của Trung Quốc. Khi cả hai trở về thì Đảng thi hành chính sách "triệt hạ nọc độc Nhân Văn" Ở Thái Hà ấp.


"Trận chiến đấu chống bọn phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm" kết thúc bằng Đại Hội Văn Nghệ III tại Hà Nội với báo cáo tổng kết của Tố Hữu. Nghị quyết của 80 văn nghệ sĩ lên án "bọn Nhân Văn Giai Phẩm" và các hội văn nghệ thi hành các biện pháp kỷ luật.


Đọc qua lịch trình, đường lôi văn nghệ của Trung Ương Đảng, sở dĩ hứa sủa chữa lỗi lầm nghiêm trọng về văn nghệ rõ ràng là thủ đoạn cầu hòa trá hình. Họ lùi một bước ngắn để tiến hai bước dài. Trung Ương Đảng tổ chức 18 ngày học tập dân chủ, một là cho dân chúng tin rằng họ noi theo gương của Nga và Tàu, hai là giăng lưới bắt kẻ nào toan gây rối như nhóm Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần còn chưa ra mặt. Khi những kẻ đó ra mặt rồi thì sẽ tóm gọn. Riêng Thụy Khuê nhận thức:

Nhìn lại lịch mình trên đây, chúng ta thấy ngay sự xác định trước đây của Hoàng Văn Chí trong Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, và của Boudarel trong Trăm Hoa Đua Nở Trong Đêm Việt Nam về nguyên nhân phát xuất "Nhân Văn Giai Phẩm từ Trăm Hoa Đua Nở là sai, vì phong trào ở Việt Nam chớm nở từ việc đòi hỏi tự do sáng tác (tháng 4/1955) trong quân đội, và chính thức bắt đầu với Giai Phẩm Mùa Xuân (tháng 1/1956) trong khi đến tháng 5/1956 Mao Trạch Đông mới phát động phong trào Trăm Hoa Đua Nở ở Trung Quốc."

Boudarel thì cho là Trần Dần ảnh hưởng tư tưởng phản kháng của Hồ Phong trong chuyến đi Trung Quốc tháng 7/1954 để viết kịch bản cho phim Điện Biên Phủ. Hai tiếng Nhân Văn là do họ Trần lấy từ câu "Hiện thực xã hội theo quan niệm của tôi phải quay về con người... về sự giải phóng con người... về tinh thần nhân văn..."


Nguyễn Hữu Đang nhận mình là tác giả hai chữ "nhân văn", Hoàng Cầm cũng đổ hô mình là kẻ thai nghén và đẻ ra hai tiếng ấy.


Thụy Khuê điều tra cho rõ trắng đen, chứ không làm bà mụ đỡ đẻ và đã gặp lời tự thú ba phải của Hoàng Cầm trên tập san Văn Nghệ số 12 tháng 5/1958. Sau cùng, Thụy Khuê kết luận:

Tóm lại, về nguyên nhân phát xuất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, với những tư liệu hiện hành, chúng ta có thể xác định mọi sự bắt nguồn từ quân đội, hai người đầu xướng là Trần Dần, Tử Phác với hai sự việc: Phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và Bản Dự Thảo Đề Nghị Cho Mọi Chính Sách Văn Hóa.


Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu:


Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khuê dệt bằng nhiều chi tiết tỉ mỉ, tạo cảm tưởng đây là chồng hồ sơ của một vụ án. Một sợi tóc, một mảy lông không qua khỏi cặp mắt quan sát của tác giả. Sợi tóc cũng có thể là một dây thừng buộc chặt ta vào guồng máy lịch sử của vụ án. Và vụ án gắn bó với một tác phẩm của Tố Hữu là tập thơ Việt Bắc.


Trong quân đội, sau hiệp định Genève nổi lên phong trào đổi mới văn học và tự do sáng tác do Trần Dần, Tử Phác chủ trương vơi sự cộng tác của Hoàng Cầm, Lê Đạt và một số văn nghệ sĩ khác. Đó là sự nghiệm duyệt và phân tích giá trị tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Khi tập thơ ấy vừa chào đời thì có bài ca ngợi của Xuân Trường trên báo Nhân Dân ngày 24/1/1955. Báo Văn Nghệ cũng đăng bài tràng giang đại hải của Xuân Diệu suy tôn tác giả và tác phẩm.


Ngay sau đó, Trần Dần, Tử Phác tổ chức một buổi tọa đàm trong khuôn khổ quân đội. Hôm đó có Nguyễn Chí Thanh, Chủ Nhiệm Cục Chánh Trị.

Đây là dịp làm sáng tỏ văn chương đổi mới với phương cách là đoạn tuyệt văn chương cũ, phải chôn đàn anh. Buổi tọa đàm được Lê Đạt cho đăng trên một số tạp chí.


Thế là có hai phe: Bên ca ngợi tập thơ Việt Bắc gồm có Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi. Riêng Trần Độ vừa khen vừa chê. Còn nhóm Hoàng Yến, Hoàng Cầm, Lê Đạt đánh giá tài năng Tố Hữu quá thấp.


Hoàng Yến chê: "Thơ Tố Hữu ngày nay bé hơn thơ Tố Hữu trước kia..."

Hoàng Cầm nhận xét: "Thơ thiếu chất sống thực tế, nhạt nhẽo, hời hợt..."

Lê Đạt lên tiếng: "Tính chất tiểu tư sản và xa thực tế là hai khuyết điểm căn bản cản trở khả năng hiện thực của Tố Hữu. Nó là nguyên nhân cái buồn, cái công thức, cái hời hợt rải rớt trong tập thơ."


Riêng Trần Dần viết trong nhật ký, trang 143: "Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá, công thức quá, lười tìm tòi quá... Chỗ nào hay thì lại là lắp Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao... Tố Hữu chưa đem cái nhìn mới mẻ gì."


Tháng 4/1955, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm ký bản "Dự Thảo Đề Nghị Cho Một Chính Sách Văn Hóa" yêu cầu cải cách văn hóa trong quân đội, đòi quyền tự do sáng tác. Theo Hoàng Cầm: "Bản dự thảo sắp được thông qua, Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội tỏ ý tán thành những điểm chính trong bản đề nghị đó và nhất là hoan nghênh tinh thần xây dựng của bản đề nghị đó."


Bài của Vũ Tú Nam đả kích Trần Dần trên Văn Nghệ Quân Đội thì cho biết: Đầu năm, Phòng Văn Nghệ Quân đội tổ chức cuộc thảo luận về việc thay đổi chính sách, có mặt của tướng Nguyễn Chí Thanh.


Thụy Khuê viết:

Tổng hợp thông tin của Hoàng Cầm và Vũ Tú Nam, chúng ta thấy tướng Nguyên Chí Thanh vừa bật đèn xanh cho các bạn đòi hỏi tự do và sáng tác. Nhung ngoài Nguyễn Chí Thanh, bản dự thảo này được những ai ủng hộ khiến nó sắp được thông qua, như lời của Hoàng Cầm?


Theo sự phân tích của Boudarel, thì bản dự thảo này được sự ủng hộ của ba tướng tá cao cấp trong Tổng Cục Chính Trị là Lê Quang Đạo, Trần Độ và nhất là Lê Liêm.

............

Boudarel phác họa chân dung Lê Quang Đạo, Lê Liêm, và Trần Độ, ba tướng lãnh Tổng Cục Chính Trị ủng hộ những nhà văn trẻ, ông phân tích những khúc mắc trên con đường của họ, khí ủng hộ tự do sáng tác và mở rộng dân chủ, lúc phải lùi bước trở lại vị trí chính thống. Điều đặc biệt đáng chú ý là suốt trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, ông không tìm thấy một văn bản nào của các tướng lãnh trong Tổng Cục Chính Trị lên án phong trào. Cuốn "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận" tập họp những bài viết của hơn 80 văn nghệ sĩ và trí thức "dân sự", tuyệt nhiên không có bài viết nào của quân đội, kể cả Nguyễn Chí Thanh, mặc dầu phát xuất từ quân đội.


Với mục tư liệu hiện có, chúng ta có thể hiểu rằng: Trong vụ thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm, quân đội đứng ngoài. Quân đội sạch tay hơn dân sự.

............

Như vậy Nhân Văn Giai Phẩm mở đầu tinh thần đấu tranh cho tự do tư tưởng, cho cuộc đổi mới văn học này không chấm dứt khi phong trào này bị dập tắt, chỉ ngủ yên trong ba mươi năm rồi lại bùng lên những năm l987-88.


Vai trò của tướng Nguyễn Chí Thanh khá phức tạp. Cầm đầu chính trị quân đội, ông cũng là người đã "dẹp" vụ dự thảo còn trong trứng nước. Nhưng khi Trần Dần bị bắt lần thứ nhì, dùng dao cạo cứa cổ, ông đã can thiệp để cứu Trần Dần. Cũng chính tướng Nguyễn Chí Thanh đã trao cho người bà con Vũ Tú Nam toàn bộ tư liệu về Trần Dần, kể cả 2 lá thư Trần Dần viết để xin ra khỏi đảng năm 55, để họ Vũ có đủ tư liệu viết bài đánh Trần Dần.

(THĐNTĐVN, Boudarel, trang 100 và 128).

Việc gì phải tới đã tới. Đây là Trần Dần, Tử Phác bị giam, thật ra là bị cấm trại. Và rồi lời buộc tội của Tố Hữu tung ra, gay gắt đến chết người:

Đương nhiên cái "điệu tâm hồn" ấy của Lê Đạt xướng lên không thể nào hòa điệu với cái điệu lớn của cách mạng và cũng rất tự nhiên nó chỉ hòa được với "tiếng sáo tiền kiếp" lóc gân của tên mật thám Trần Duy...


Cùng lúc đó, bọn Trần Dần, Tử Phác - những đứa con hư của Hà Nội cũ - nay lại trở về "cảnh cũ người xua" bỗng cảm thấy đời sống trong quân đội "nghẹt thở ", chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống trụy lạc cũ. Đôi với chúng, đời sống trong quân đội cách mạng chỉ còn là "những sợi dây xích bó buộc phải phá mở ra." Được tiêm thêm ít nhiều chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần gióng lên "tiếng trống tương lai" chưởi cán bộ là "người bệnh", "người ròi, người ụ". Cùng Tử Phác, khiêu khích những anh em khác, hắn tổ chức một cuộc đấu tranh "buộc lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu" của họ.


Họ đòi thực hiện những gì?


"Trả quyền văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một Chi Hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng Cục chính trị".


Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ.


(Tố Hữu, Nhìn lại "năm phá hoại" của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm).

Trần Dần sau đó bị bắt, bị giam dưới hầm và rồi tự tử, nhưng được cứu sống. Thụy Khuê viết:


Giai phẩm mùa Xuân bị tịch thu, Trần Dần, Tử Phác bị bắt, Lê Đạt bị kiểm thảo. Sự khủng bố trở nên công khai nhưng cũng mở màn cho một phong trào đấu tranh cho dân chủ rộng lớn hơn.



GIAI PHẨM MÙA XUÂN


Đây là tạp chí gồm có Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt, Văn Cao với các họa sĩ Nguyễn Sáng, Sĩ Ngọc ...

Thụy Khuê cho rằng:

Về mặt văn bản, căn cứ vào những sáng tác trong Giai Phẩm Mùa Xuân, chúng ta có thể xác định rằng Giai Phẩm Mùa Xuân là tạp chí đầu tiên ở miền Bắc sau cách mạng tháng Tám, đáp ứng hai đòi hỏi: tự do sáng tác và đổi mới văn học do Lê Đạt, Hoàng Cầm chủ trương, với sự cộng tác của Trần Dần, Văn Cao, Tử Phác.


Về nội dung có 3 khuynh hướng:

- Khuynh hướng tuyên truyền cách mạng,

- Khuynh hướng vừa chống vừa theo.

- Khuynh hướng chống đối và đòi tự do sáng tác.

* Thơ Hoàng Cầm



   Hoàng Cầm (1922-2010)

Thụy Khuê trở lại công việc phê bình văn chương cho rằng thơ Hoàng Cầm gồm những bài như Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa, Bên Kia Sông Đuống trở thành những tác phẩm tiêu biểu của thi ca kháng chiến, đóng góp vào việc nâng cao tinh thần Vệ quốc quân. Theo Thụy Khuê, thơ Hoàng Cầm không đòi hỏi giết chóc (dù giết kẻ thù), không nịnh nọt, thờ phụng các lãnh tụ như thơ Tố Hữu và cũng không quyết liệt như thơ Văn Cao, tố giác như thơ Trần Dần, không đổi mới như thơ Lê Đạt. Hoàng Cầm nói lên tâm sự của con người, thường ca ngợi lòng ái quốc. Riêng Tố Hữu là chủ soái trường thơ ca tụng Bác và Đảng, bị ngập lụt trong rừng thơ tuyên truyền.

Hoàng Cầm là nhà thơ được mọi người yên mến.

Xin cùng đọc Mùa Xuân Đến Rồi Đây:


Bảy mươi mùa xuân không xuân

Bảy mươi năm cùng tháng tận


Dòng sông Nhị ơi! con cò lận đận

Bãi ngô dài cát trắng

Lòng sông cuốn nặng / Phù sa

Nước mắt mẹ con ta / chảy ra ngoài biển rộng

Réo lên đầu sóng / đùn đùn mây đen

Mưa lọt mái nhà rách thủng

Mưa thốc xuống tàu chuối khô

Nẹ con nằm trong đêm mưa

Nằm trong mưa mắt đỏ như máu

Nằm trong nước sông đầy bùn nhơ


Dòng sông Nhị ơi! Lúa mượt hai bờ

Địa chủ đứng trên đê! Mắt ngầu hổ dữ...


Trong Giai Phẩm Mùa Xuân, Hoàng Cầm thí nghiệm loại thơ không vần, dù có tuyên truyền cho chế độ ở một vài câu nhẹ nhàng, nhưng nói chung, bài thơ vẫn có những đoạn đằm thắm ... rất thơ.


* Thơ Trần Dần



    Trần Dần (1926-1997)

Bài Nhất Định Thắng lúc đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân là một bài thơ tuyên truyền chỉ ở một vài câu thôi. Thụy Khuê cho rằng: Khi thực hiện cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, tác giả Hoàng Văn Chí gạn lọc chất tố giác để lấy những câu rất thơ, và bỏ những câu tuyên truyền sắt máu đi, nên bài thơ trong trẻo và có rất nhiều nghệ thuật tính.


Tôi ở phố Sinh Từ:

Hai người một gian nhà chật

Rất yêu nhau sao cuộc sông không vui?

Tổ quốc hôm nay tuy gọi sống hòa bình

Nhưng chỉ là năm thứ nhất

Chúng ta còn muôn việc rối tinh

Chúng ta / Ngày làm việc, đêm lo đẫy giấc

Vợ con đau thì rối ruột thuốc men

Khi mảng vui - khi chợt nhớ - chợt quên

Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt

Chúng ta vẫn làm ăn chiu chất

Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù

Chúng còn đương bày kế hại đời ta?

Người ta nói thằng Ngô con đĩ

Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô

Tài của hắn là Khuyễn Ưng của Mỹ


Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi dao cùn

Hắn nhay mãi cổ xe đôi Tổ Quốc.


Bài thơ này chửi phe Quốc Gia ở miền Nam Việt Nam, nhưng lại trình bày cảnh khổ ở miền Bắc trong thời kỳ mới bắt đầu thanh bình. Đây là dịp cho Hoài Thanh trút tội lên đầu Trần Dần, kể rằng có tư tường phản động, bôi đen chế độ tươi sáng ở miền Bắc. Trần Dần bắt buộc phải thú nhận "tội lỗi" trong lớp học ở ấp Thái Hà.


Hoàng Văn Chí đã cắt bỏ nhiều câu khẩu hiệu, những câu tuyên truyền, bài thơ gây rất nhiều rung cảm, đó là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Đó chẳng khác nào, ông gom góp nhũng cành khô cháy leo lét thành một đống lửa to và sáng ngời.


Tôi ở phố Sinh Từ

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.


Gặp em trong mưa / Em đi tìm việc

Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

- Anh ạ! Họ vẫn bảo chờ

Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?

Trời mưa, trời mưa / Ba tháng rồi / Em đợi

Sống bằng tương lai

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...

Em đi / trong mưa / cúi đầu / nghiêng vai

Người con gái mới mười chín tuổi


* Thơ Văn Cao



   Văn Cao (1923-1995)

Với bài Anh Có Nghe Thấy Không, Văn Cao nói đến sự bế môn tỏa cảng tinh thần trong chế độ Cộng Sản (sic):


Cửa đóng lại từ chín giờ

Không một cuốn sách chờ đợi

Dù những ngôi sao đang nở trên trời

Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại

Tất cả hướng về biển

Bọt cứ tung trên bãi cát xa

Mà cửa biển vẫn im lìm chưa mở


Bao giờ nghe được bản tình ca

Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật

Bao giờ

Bao giờ chúng nó đi tất cả

Những con người không phải của chúng ta

Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống


Chúng nó còn ở lại

Trong những áo dài đen nham hiểm

Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người


Chúng nó còn ở lại

Trong những tủ sách gia đình

Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm

Từng bước chân cô gái

Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối

..................

Anh có nghe thấy không

Chỗ nào cũng có tiếng

Chưa nói lên

Những người của chúng ta

Đang mờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng



Hãy nghe Thụy Khuê nói về cái ẩn dụ trong bài thơ với ngôn từ trau chuốt nhưng ý tưởng cứng như đá hoa cương:

"Chúng nó", bọn áo thụng, len lỏi khắp nơi, từ trong tủ sách gia đình đến điếu thuốc trên môi đứa bé mười lăm, quấn trong bước chân người con gái. "Chúng nó" nấp trong mọi lứa tuổi, mọi từng lớp xã hội, "chúng nó" trà trộn vào đời sống hằng ngày, làm ô uế không gian, lũng đoạn thời gian. Sách cũ, sách mới đem bán cân giấy lộn đến cả bài thơ mới nhất của anh. Những kẻ "khôn ngoan" thì ngậm miệng, "mắt không bao giờ nhìn thẳng."


Nhưng Anh, người nghệ sĩ tự do, Anh có nghe thấy không?

Bọn chúng đã "đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời."


Còn Anh, anh phải bước vào cuộc đấu tranh mới: mở tung các cửa bể, và anh phải tung ra những con người thật của chúng ta, để thay thế "chúng nó", những con người giả.


Thơ Văn Cao là nộ khí trầm lặng của một nghệ sĩ bị giam hãm tư tưởng, của một kẻ sĩ can trường hạch tội gian thần. Giọng nhẹ nhàng nhưng tha thiết kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh cho tự do tư tưởng. Văn Cao là một nghệ sĩ và cũng là một kẻ sĩ.


Nhưng lạ lùng là cả triều đình và bọn nịnh thần không ai động đến Văn Cao. Chẳng lẽ họ không hiểu. Kể cả những người lắm chữ như Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi?


Dĩ nhiên là họ hiểu. Nhưng bởi Văn Cao là một tài năng lớn, trên cả "chúng nó" và Văn Cao là tác giả quốc ca. Chính bài quốc ca đã đỡ đòn cho Văn Cao trong toàn bộ hành trình Nhân Văn Giai Phẩm.

Văn Cao viết bài thơ bằng "nộ khí trầm lặng" (sic), và giọng văn của Thụy Khuê trước đó trầm tĩnh đến độ lạnh lùng, tới bây giờ tuy không hằn học, không cay đắng, nhưng cũng trở nên nhẩn nhẩn the the. Dù tấm lòng rung động và xao xuyến cách mấy, nhà phê bình hoặc nhà chép sử phải tự chủ khi cầm cây bút của mình.


Riêng bút giả hơi ngạc nhiên một cách thú vị. Những lời phổ cho hai bản nhạc Mỵ Nương Trương Chi và bản Thiên Thai rất là ấn tượng đến đỗi đi vào siêu thực, thế mà thơ của ông đả kích chế độ như Anh Có Nghe Thấy Không và bài Những Ngày Báo Hiệu Mùa Xuân vẫn ngôn ngữ rất thơ, vẫn có nhiều hình ảnh ghi sắc nét vào ấn tượng người đọc, nhưng ý thơ đã đổi thành thâm trầm sâu sắc, nếu không bảo là cay đắng chì chiết.


* Thơ Lê Đạt


Vào thời điểm Nhân Văn Giai Phẩm, Lê Đạt hãy còn trẻ với tâm huyết nồng nàn để thực hiện sự tự do sáng tác. Ông muốn canh tân loại thơ cũ kỹ nịnh bợ của thủ lãnh nguyên soái thi ca là Tố Hữu.


Thụy Khuê nhận định như sau:

Lê Đạt tự coi mình như một hiệu tín viên lắng nghe tất cả những tiếng đau thương do người đồng loại điện về và thầm kín nói lên tham vọng "Anh nghe tiếng đất trời" của một "lãnh tụ"...

.................

Lê Đạt đã trở thành người đầu tiên làm thơ hiện đại ở miền Bắc, đã thục sự đưa ra cách suy nghĩ, cách tạo hình và kiến trúc tư tưởng rất mới (trước đó có Nguyễn Đình Thi, bài Đất Nước, nhưng thơ Nguyễn Đình Thi vẫn nằm trong không gian lãng mạn).


Lê Đạt còn là người đầu tiên đặt vấn đề nhà văn dấn thân (écrivain engagé), nhà văn không thể làm ngoi trước những khó khăn của dân tộc, của con người và của cuộc sống...


Tóm lại, Lê Đạt là người có hoài bão chính trị cho dân tộc ngay từ những bước thơ đầu, khác hẳn với Trần Dần là nhà thơ "nổi loạn" chống lại mọi áp bức bó buộc bản thân, nhưng không có mục đích tranh đấu chính trị cho quốc gia dân tộc.


      Lê Đạt (1929 - 2008)

Bài Làm Thơ, nếu bỏ ý tưởng bộc lộ ý chí đấu tranh cho lý tưởng thì những câu thơ đầy ngôn ngữ rất thơ, đầy hình ảnh và âm thanh cũng rất thơ.


Đêm khuya/ Bóng đầu anh/ Hằn lên trang sách nhỏ

Như bóng hàng cây/ quặn gió/ Lắng xuống mặt đường

Giông bão mênh mông/ Anh nhìn tổ quốc

Đất nước đêm nay trĩu đầu ngọn bút

Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người

Anh nghe tiếng đất trời/ Xao động lùm cây ngọn cỏ

Như hiệu tín viên/ Đêm không ngủ

Ghi những lời cuộc sống/ điện về

Những tiếng nặng nề

Những tiếng cục cằn uất ức

Những tiếng căm thù chua xót

Những tiếng yêu thương


Bài Mới là bài thơ thứ nhì của Lê Đạt như lời tố cáo của một đảng viên trẻ. Anh chối từ "những công thúc giả tạo" trong xã hội, nhũng thứ người phế thải mà vẫn còn bám lấy hư vinh.


Mới Mới!

Luôn mới

Bay cho cao

Bay cho xa

Trên những vết già nua cũ kỹ

Trên lề đường han rỉ

Vượt ngày hôm nay

Vượt ngày mai, ngày kia

Vượt mãi


Tố Hữu băn khoăn lo ngại. Phải chăng đây là bản tuyên ngôn? Đây là bản cáo trạng của một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết muốn "chôn đàn anh" để dọn đường cho lớp trẻ tiến tới. Thụy Khuê nhận định về Giai Phẩm Mùa Xuân như sau:

Giai Phẩm Mùa Xuân là tác phẩm đầu tiên ở miền Bắc chủ trương đổi mới thi ca, tự do sáng tác, với những huynh hướng khác nhau: thơ tuyên truyền theo đường lối cách mạng của Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Phùng quán... Thơ nói lên tình hình nghèo đói thất nghiệp ở Bắc và tố cáo tội ác của Mỹ Diệm trong Nam của Trần Dần. Thơ đòi tự do tư tưởng và chửi bọn nịnh thần của Văn Cao. Thơ xây dựng một xã hội mới, một nền thơ mới của Lê Đạt...


Bài thơ quyết liệt nhất là của Văn Cao. Nhưng không ai dám đánh Văn Cao.


Tất cá mũi dùi chĩa vào Trần Dần và Lê Đạt, hai nhà thơ trẻ chưa nổi tiếng.


Và chính vì vụ đánh Trần Dần và Lê Đạt mà trí thức tham gia.


Lúc đầu trí thức chưa tham gia, nhưng vì vụ đánh Trần Dần, Lê Đạt mà Phan Khôi trở lại vai "ngự sử văn đàn" vơi bài "Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ."


Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc lên lớp học 18 ngày và bài "Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ" của Phan Khôi là hai tác phẩm chủ chốt, đã thuyết phục Trương Tửu và những nhà trí thức khác tham gia tích cực, tạo nên một phong trào rộng lớn" Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm.

* Tử Phác: Ca khúc Tiếng Hát Quay Tơ


Thụy Khuê cho biết Tử Phác là một nhạc sĩ, tác giả ca khúc Tiếng Hát Quay Tơ rất nổi tiếng. Riêng tôi, khi bãi trường năm 1951, 1952, có dịp đi viếng huyện Hóa Lựu thuộc khu 9 vùng Việt Minh chiếm đóng, có nghe các anh bộ đội hát bài này. Rồi khi bài hát được đưa ra thành thị, tôi được nghe các ca sĩ như Anh ngọc, Ngọc Long, Minh Trang, Linh Sơn, Ngọc Hà, Bích Thủy, Khánh Ngọc... hát trên làn sóng điện của đài Pháp Á và đài Quốc Gia (Sài Gòn). Đây là bản theo điệu luân vũ (valse) rất hay. Cũng đồng thời lấy việc quay tơ dệt lụa làm đề tài như Đức Quỳnh qua bản Thoi Tơ (lời thơ của Nguyễn Bính), như Phạm Duy qua bản Vần Thơ Sầu Rụng (lời thơ của Lưu Trọng Lư), nhưng ca khúc của Đức Quỳnh là nhạc vũ trường, còn hai nhạc phẩm của hai tác giả kia có âm hưởng nhạc dân tộc.



Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt:

 Sự Nghiệp Thi Ca và Cuộc Tham Gia Lịch Sử


Đọc Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khuê sẽ có cảm tưởng chồng hồ sơ từ lâu bị mối mọt gặm lam nham đã xếp vào xó kẹt tối tăm phủ mờ bụi bặm nay vụt xuất hiện dưới mắt. Rồi từng vận sự thắp sáng những vận sự nằm thiêm thiếp dưới đáy ký ức xui khiến ta mở những chồng hồ sơ khác có liên quan đến vụ án, hoặc tìm ra các nhân chứng để khám phà biết bao vận sự khó tưởng tượng nổi, những tấn bi kịch chỉ có cơn hỏa mù của lịch sử mới tạo ra.


Thụy Khuê sưu tầm tiểu sử ba kiện tướng trong vụ án là Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt rất công phu tỉ mỉ như nhặt từng hạt thóc, hạt tấm lăn lộn trong gạo trắng thơm đúng như lời giáo đầu:

"Muốn tìm hiểu giai đoạn nào của lịch sử lớn, không thể không tìm hiểu lịch sử nhỏ của những người đã từng đóng góp tích cực vào sự tiến hóa hay thoái hóa của giai đoạn này. Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, tiểu sử những người có công tiêu diệt phong trào NVGP được phóng đại tô màu, vinh thăng ca ngợi. Còn lịch sử những người có công đầu trong kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này trở thành những thành viên NVGP, đã bị xóa, tẩy, bôi nhọ, tác phẩm bị loại trừ. Hoàng Cầm là khuôn mặt điển hình."

* Hoàng Cầm


Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên). Bút danh khác: Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi...

Tiểu học ở Bắc Giang, l937 đỗ cao đắng tiểu học ở Bắc Ninh. Trung học ở trường Thăng Long Hà Nội, đỗ tú tài năm 1940. Làm thơ từ 8 tuổi. Tác phẩm thành danh Hoàng Cầm là kịch thơ Hận Nam Quan viết năm 1937, 15 tuổi, khi còn học đệ tứ ở Bắc Ninh (in năm 1942). Hận Nam Quan được đưa vào chương trình giáo dục (vùng Quốc Gia) trước 1954.


1938, 16 tuổi, còn đi học Hoàng Cầm đã bước vào nghề văn, cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, nổi tiếng từ thời kỳ này, với tác phẩm Hận Ngày Xanh, phóng tác Graziella của Lamartine và những truyện rút trong Ngàn Lẻ Một Đêm.

1942, 20 tuổi, viết kịch thơ Kiều Loan. Từ 1940- 1945, Hoàng Cầm sống Ở Thuận Thành và Hà Nội, ông lấy người vợ đầu tiên trong thời gian này.

Tháng 9/1945, Hoàng Cầm cùng Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương, trình diễn ở các vùng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...

Ngày 26/11/1946, Kiều Loan được trình diễn lần đầu tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Tháng 12/1946, chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương rời Hà Nội, đi lưu diễn ở những vùng phụ cận. Hoàng Cầm và Tuyết Khanh (diễn viên chính đóng vai Kiều Loan) sống chung, giữa năm 1947, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn.

Hoàng Cầm thành lập Đội Văn Nghệ Tuyên Truyền đầu tiên trong quân đội, điều khiển và phát triển đoàn Văn Nghệ Liên Khu Việt Bắc từ 1948 đến 1952.

Tháng 8/1950, Hội Nghị Văn Nghệ họp tại Việt Bắc dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, quyết định vinh thăng kịch, loại trừ tuồng, chèo, vọng cổ và kịch thơ... ra khỏi nền văn nghệ cách mạng. Hoàng Cầm phải tuyên bố "treo cổ" kịch thơ của mình.

Tháng 7/1952, đại tướng Nguyễn Chí Thanh điều động Hoàng Cầm về làm đoàn trưởng đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị. Hoàng Cầm giữ chức này đến đầu năm 1954.


Cũng thời gian ấy, ông cùng Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt tham gia việc đòi cải tổ chính sách văn nghệ quân đội. Ông bất hòa với cục phó Cục Tổ Chức (trong Tổng Cục Chính Trị) nên xin sang Hội Nhà Văn.

Tháng 2/1956, Hoang Cầm cùng Lê Đạt chủ trương Giai Phẩm Mùa Xuân. Sau đó ông cùng Nguyễn Hữu Đang chủ trương báo Nhân Văn. Ông bị buộc tội phạm kỷ luật cùng Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng nhưng chỉ bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn một năm. Năm 1982, ông bị bắt thêm lần nữa, bị giam 18 tháng về cuốn Về Kinh Bắc.


Thụy Khuê nhận định như sau:

Trong kháng chiến, Hoàng Cầm (sinh 1922) cùng Văn Cao (1923), Phạm Duy (1921), ba tên tuổi đã đóng góp lớn lao cho kháng chiến.

Riêng Hoàng Cầm, Phạm Duy, ngoài sáng tác, còn trình diễn khắp chiến trường Việt Bắc (1947-1948). Giọng ngâm "oanh vàng đất Bắc" của Hoàng Cầm, xung động tinh thần tự hào Vệ Quốc "Rằng ta là Vệ Quốc Đoàn." Tiếng hát Phạm Duy giục giã thanh niên "cùng nhau xông pha lên đường" bảo vệ tổ quốc.

........................

Với kháng chiến, Hoàng Cầm còn là một trong những người đã đóng góp hai lần xương máu: máu xương văn nghệ trong 9 năm sáng tác và máu xương gia đình: một vơ, một con và một em trai chết trong kháng chiến.


Tìm lại lịch sử riêng của Hoàng Cầm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao Hoàng Cầm có đủ tư thế văn nghệ để mời Văn cao, Phan Khôi tham gia NVGP, có đủ uy tín cách mạng để đương đầu với Tố Hữu, để bênh vực Trần Dần, và tại sao, khi chủ trương báo Nhân Văn, Nguyễn Hữu Đang phải thuyết phục Hoàng Cầm vào ban biên tập trước tiên. Khi NVGP bị thanh trừng, Hoàng Cầm viết Về Kinh Bắc ngay từ cuối năm 1959, tác phẩm kết tội triều đình. Năm 1982, Hoàng Cầm bị thanh trừng lần thứ nhì, khi chính quyền bắt được bản thảo Về Kinh Bắc...


Cuộc đời Hoàng cầm gắn bó với lịch sử, không chỉ lịch sử kháng chiến, lịch sử NVGP, mà lịch sử dân tộc, từ tác phẩm đầu tay Hận Nam Quan, Hoàng Cầm đã xác định con đường dân tộc: phải đề phòng phương Bắc. Nhưng hon nửa thế kỷ qua, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cái nhục nô lệ Bắc phương: "Khóc trong lòng khi nhớ Hận Nam Quan."

Hoàng Cầm viết nhiều thể loại bao gồm kịch thơ, kịch, truyện, thơ và thêm cả dịch thuật, phóng tác với nhiều tác phẩm nổi tiếng một thời.


- Kịch thơ: Hận Nam Quan (viết 1937, in 1942), Kiều Loan (viết 1942, 1946, in 1992). Viễn Khách (1942, diễn l949, in 1952) của Hoa Thu, tuy Hoàng Cầm không xác nhận, nhưng cần nghiên cứu lại, nếu đúng đây là tác phẩm của Hoàng Cầm. Lên Đường (1952). Cô Gái Nước Tần (l952), Trương Chi (chưa xuất bản).

- Kịch, truyện: Ông Cụ Liêu (kịch viết 1950, in 1951). Đêm Lao Cai (kịch in 1951). Thoi Mộng (truyện vừa, viết 1940). Hai Lần Chết (truyện, 1941).

- Thơ: Mắt Thiên Thu (mất bản thảo, 1941). Bên Kia Sông Đuống (viết 1948, in 1993). Tiếng Hát Quan Họ (in chung với tập Cửa Biển, 1956). Về Kinh Bắc (viết 1959, Văn Học). Mưa Thuận Thành (Văn Hóa 1987). Lá Diêu Bông (viết 1970, HNV, 1993). Men Đá Vàng (truyện thơ, viết 1973, nxb Trẻ, 1989). Về Cõi Em (1992, chưa in).

- Dịch, phóng tác: Hận Ngày Xanh (phóng tác Graziella của Lamartine). Bông Sen Trắng (truyện thần thoại của Andersen, 1941). Những thần thoại rút từ Một Ngàn Lẻ Một Đêm: Mang Xuống Tuyền Đài (l942). Cây Đèn Thần (1942). Những Niềm Tin (dịch thơ Boulem Khanfa, Algérie 1965). Mối Tình Cuối Cùng (dịch sách của Dostoievski).


Truyện vừa đầu tay Thoi Mộng tuy không non nớt nhưng thiếu hấp dẫn, nói về một thiếu niên trưởng giả, có vợ đẹp và con ngoan, nhưng vẫn không hạnh phúc lắm vì chàng có một người đẹp gợi hứng (l'inspiratrice) cho chàng. Người đẹp ấy do chàng tưởng tượng ra, do chàng ban cho cái tên Bồng Thi thơ mộng chứ không có thật ở trong cuộc đời.


Hoàng Cầm nổi tiếng ngay cà ở khu 7, khu 8, khu 9 (vùng quê Nam Kỳ do Việt Minh chiếm đóng) với bài thơ Đêm Liên Hoan. Trong hành lý của anh Việt Quốc Quân nào cũng có bài thơ ấy. Một bài thơ khơi sáng suối nguồn ái quốc, dậy men tranh đấu với lời thơ chan chứa tình cảm đầy nhân tính, trái hẳn lời sắt máu đầy cuồng tín như mê sảng trong bài thơ Bắn của Tố Hữu. Tuy nhiên Đêm Liên Hoan vẫn có một ít câu thét gào, bồng bột, vì đây là bài thơ chiến đấu chứ không phải là bài thơ cảm hoài. Tôi xin chép vài đoạn Đêm Liên Hoan:


Đêm Liên Hoan! Kìa trông: đêm liên hoan

Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng

Ta muốn thét cho vở toang lồng ngục

Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.


- Kìa núi dài Trung Nam

Đây rừng sâu Việt Bắc

Cỏ cây cũng căm hờn

Đang vùng lên đuổi giặc

Tôi với anh trong ngày hội lên đường

Bắt tay mừng trên giải đất đau thương.


- Anh từ phương nào tới

- Tôi từ Đất dấy lên

Anh có nghe tiếng sóng gầm Đông Hải

Đang hờn ghen cùng thác máu triền miên?

- Thác máu không tên

- Dội tràn bốn phía

Cỏ không gầy, cây không già, hoa không héo

Ngàn thu đất nước vững bền.



Về kịch thơ thì vở Hận Nam Quan và vở Kiều Loan nổi tiếng nhất. Vở đầu do ông sáng tác lúc 15 tuổi, và vở này được đưa vào chương trình giáo dục vùng Quốc Gia. Về vở Kiều Loan, Thụy Khuê nhận định như sau:

Kiều Loan, con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng và Vũ Văn Giỏi. Mười năm trước, theo lời khuyên của nàng, Vũ lên đường giúp Quang Toản, sau khi vua Quang Trung băng hà. Tới Phượng Hoàng Trung Đô, Vũ nghe tin Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền làm bậy, ngả theo Nguyễn Ánh, trở thành Vũ tướng quân, tàn bạo càn quét những người dân chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, tại đây nàng gặp ông già, thầy cũ của Vũ. Kiều Loan làm huyên náo cửa thành, cố tình để bị bắt vào dinh, nhìn lại người xưa. Kiều Loan và ông thầy bị giam trong ngục. Kiều Loan uống thuốc độc tự vận cùng ông già. Trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội. Kiều Loan là một bi hùng ca bao quát lịch sủ dân tộc, dõi vào những mốc chính: Nam Bắc phân tranh. Nguvễn Ánh cầu viện Pháp để tiêu diệt Tây Son. Gia Long thắng trận trở thành độc tài chuyên chế, tiêu diệt những khuynh hướng đối lập.

.........................

Kiều Loan là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm. Mười năm sau, Tâm Sự Kẻ Sang Tần với bút pháp bay bổng của Vũ Hoàng Chương mới có thể kế vị Kiều Loan. Kiều Loan nói lên chí khí bất khuất của Hoàng Cầm trong thi ca, tiên tri định mệnh đất nước.


- Về cuộc cải cách ruộng đất:

Thà giết oan trăm mạng lương dân

Hơn để thoát một tên phản nghịch

- Về phong trào Nhân Văn Giai Phấm:

Mà trước mặt, cuộc xoay vần thời thế

Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh hết bậc tài d~nh

Bọn hủ nho nhan nhản khắp triều đình

Nơi tù ngục chất đầy người nghĩa khí

Gỗ mục, thép cùn múa tay trong bị

Lau sậy nghênh ngang làm cột trụ giang sơn

- Về cảnh chiến tranh cốt nhục tương tàn:

Một nước nhỏ mà phân chia Nam Bắc

Xâu xé nhau vì hai chữ lợi danh

Tam vương, ngũ đế cướp đất phá thành

Mấy trăm năm nghe dân tình xao xác

Thay cái đạo làm người bằng giáo mác

Yên ấm lầu cao... xương máu chan hòa

- Về ảo mộng chiến thắng:

Cờ nêu cao chiến thắng nhuốm chiêu dương

Mà rút lại cũng chỉ là giấc mộng

- Với nhũng câu lạnh người:

Chí lớn từ xưa chôn chật đất

Riêng đàn đom đóm lại thênh thang


Bọn "đom đóm" Hoàng Cầm đã thấy từ tuổi hai mươi, sau này sẽ ngập trời đất Bắc. Cái "chí lớn" đã và hiện còn đang bị chôn vùi trong ngục tối.

Nhưng Hoàng Cầm luôn có lời chót:

Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to

Dân đạp dí xuống bùn là hết chuyện.

Ngòi bút Thụy Khuê vạch thân thế, sự nghiệp văn chương của Hoàng Cầm bằng nét ưu ái. Và ngòi bút ấy khơi dậy một chút cảm tính, tiêu cực đối với bọn cầm đầu văn nghệ của phe nhóm chống kịch thơ, chèo và cải lương như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Hoài Thanh, Tố Hữu bảo: Vọng Cố có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả ý chí phấn đấu. Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga rên rỉ, lướt thướt. Kịch thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân kháng chiến.


Thụy Khuê cho rằng:

Có thể nói hội nghị Văn Nghệ năm 1950 là giọt nước cuối cùng làm tràn chén. Những hội nghị văn hóa trước đã có những đổ vỡ. Hội nghị Văn Hóa toàn quốc 1948: Nguyễn Hữu Đang bất đồng ý kiến với chính sách văn hóa của Trường Chinh, bỏ đảng, về Thái Bình. Hội nghị Văn Nghệ 1948 và 1949, phê bình tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng và thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Hội nghị 1950: tiêu diệt Tuồng, Chèo, Vọng Cổ. Phê bình nhạc Phạm Duy. Bắt Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ.


Khuynh hướng toàn trị của nền văn nghệ kháng chiến đã lộ. Vũ Hoàng Chuơng, Đinh Hùng lần lượt hồi cư (1950), Phạm Duy về thành (l951), Hoàng Cầm ở lại, để trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đó là một thực tại.

* Trần Dần


Thói quen (cũng có thể bảo là nghệ thuật miêu tả) của Thụy Khuê khi viết về một nhân vật lịch sử nào là quan sát đối tượng của mình từ mọi phía. Pablo Picasso vẽ một người có hai ba khuôn mặt cũng là nêu lên hai ba phía nhìn về một nhân vật. Viết về Trần Dần, Thụy Khuê vẫn tìm cái tiêu cực, cái bóng tối mập mờ trong khí tiết, trong tinh thần của ông. Về Hoàng Cầm trong kỳ hội nghị 1950, đã treo cổ các kịch thơ của mình, Thụy Khuê nêu ra việc ấy nhưng không phê phán. Cho nên việc Trần Dần quay mũi viết lên án NVGP, Thụy Khuê vẫn hé lộ đôi chút cảm thông. Thụy Khuê mở đầu cho chương sách viết về Trần Dần:

Trong 40 năm sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 còn lại bị kết án chung thân trong trạng thái nằm. Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp hay nhất nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai. Từ 1958, "ghi trở nên một hình phạt", người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị "đòn ngấm qua cuốn tim rồi." Tác phẩm chịu chung số phận với người: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết và không biết bao nhiêu là mối mọt.


Chúng tôi tổng hợp một số tài liệu khác nhau để dựng lại một tiểu sử, một con ngườí, được nhìn từ nhiều phía, rút từ chính văn bản của Trần Dần và những thông tin thu lượm chủ yếu trong các tài liệu sau đây: "Con người Trần Dần" của Hoàng Cầm (Nhân Văn số 1, 20/9/1956); "Sự thật về con người Trần Dần" của Vũ Tú Nam (Văn Nghệ Quân Đội số 4, tháng 4/1958); "Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm" của Từ Bích Hoàng (Văn Nghệ Quân Đội số 5, tháng 5/1958; "Con đường đi của Phùng Quán, con đường sai lầm của một người viết văn trẻ" của Nguyên Ngọc (VNQĐ, số 4, tháng 4/1958); "Nhật ký Trần Dần ghi" (Phạm Thị Hoài, biên soạn, nxb Văn Nghệ, Cali 2001); "Những ngày thử thách" trích hồi ký của Vũ Tú nam (chép lại 25/10/2006, tạp chí Nhà Văn số 3/2007, in lại trên Talawas).

Vâng, sau vụ án hơn nửa thế kỷ, đây chính là lúc sưu tầm tài liệu chưa nguội lạnh để "dựng lại một tiểu sử, một con người." Nếu không, mai sau chúng ta chỉ tìm được cơ man tài liệu "dỏm" chỉ dùng để cho các nhà văn chuyên viết dã sử viết về tác giả tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, được cử sang Trung Quốc viết thuyết minh cho cuốn phim Điện Biên Phủ. Ông trở về Hà Nội bắt đầu tổ chức cuộc thảo luận về cuộc thay đối chính sách văn nghệ quân đội.



Trần Dần dù sao cũng đã sống một đoạn đời oanh liệt dù ngắn ngủi. Coi nào. Năm l946, Trần Dần tên thật là Trần Văn Dzần, sinh ngày 23/8/1926, đỗ Tú Tài. Ông cùng với Đinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch (em Vũ Hoàng Chương) chủ trương nhóm Dạ Đài. Năm 1947, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, được kết nạp vào đảng, được phụ trách văn công quân đội rồi bị chuyển về Tuyên Huấn.


Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, viết cuốn tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, được cử sang Trung Quốc viết bài thuyết minh cho cuốn phim Điện Biên Phủ. Khi trở về Hà Nội, tồ chức cuộc thảo luận về vụ thay đổi chính sách văn nghệ quân đội. Ông viết bản Đề Nghị Chính Sách Văn Nghệ, rồi cùng Tử Phác tổ chức phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và quyển tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán.


Bản Đề Nghị Chính sách Văn Nghệ không được Tuyên Huấn chấp thuận mở đầu cơn bĩ cực cho họ Trần. Họ Trần bất chấp quân kỷ, làm đơn xin ra khỏi đảng và quân đội. Đơn không được cứu xét và ông bị buộc tội chống phá tổ chức của đảng. Ông bị giam 3 tháng tại trại. Ông viết trong nhật ký: Ba Tháng Bị Giam Giữ Lại Kiểm Thảo: Nọc Bệnh Anarchiste; Khi Xưa Phản Đối Xã Hội Cũ Symbolisme, Bây Giờ Phản Đối Những Cái Sai Trong Lãnh Đạo Văn Nghệ Bằng Loạn Ẩu.


Thời gian cùng Tử Phác "bị" đi tham quan cuộc cải cách ruộng đất đợt 5 ở Yên Viên, Bắc Ninh, Trần Dần kinh hoàng vì những màn đấu tố, những cảnh giết người với nhiều chi tiết man rợ đã ghi vào quyển Trần Dần Ghi. Hoàng Cầm và Lê Đạt tổ chức Giai Phẩm Mùa Xuân và đăng bài Nhất Định Thắng. Cuối tháng 2/1956, Giai Phẩm vừa ra đời đã bị tịch thu. Lê Đạt bị Tố Hữu gọi lên Tuyên Huấn kiểm thảo. Tử Phác, Trần Dần bị bắt tại Bắc Ninh. Bị giam nơi kín và sợ mình bị thủ tiêu, ông dùng mince lame cắt cổ. Ông được cứu sống và đưa vào bịnh viện nhưng bị chiến dịch đánh đấm tơi bời từ bài viết của Hoài Thanh. Ông được phóng thích với điều kiện phải viết "một bản sửa chữa sai lầm trong sáu tháng cuối năm" và được chuyển qua Hội Văn Nghệ. Từ tháng 8/1956, ông tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, bị kỷ luật và điều kiện như Lê Đạt.


Tác phẩm đã hoàn tất được liệt kê khá nhiều.

- 1946: Về Nẻo Thanh Tuyền (Dạ Đài).

- 1954: Anh Đã Thấy - Tiếng Trống Tương Lai (trường ca).

- 1955: Cách Mạng Tháng Tám - Nhất Định Thắng (bản Hoàng Văn Chí in lại trong Trần Dần Thơ, Nhã Nam, Đà Nẵng, 2007).

- 1957: Hãy Đi Mãi, Đi - Bài Thơ Việt Bắc (trường ca, Hội Nhà Văn 1991).

- 1959: Sắc Lệnh 59 (thơ) - Con Tàu Xã Hội (thơ) - 17 Tình Ca (thơ).

- 1959-1960: Cổng Tỉnh (thơ, Hội Nhà Văn, 1994).

- 1961: Đêm Núm Sen (tiểu thuyết).

- 1963, Jờ Joạcx (thơ, trong Trần Dần Thơ, 2007).

- 1964, Mùa Sạch (nxb VH 1997) - Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn (tiểu thuyết).

- 1965, Một Ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết).

- 1967, Con Trăng (thơ xuôi, trong Trần Dần Thơ).

- 1968, 77 Cảnh (hùng ca lụa).

- 1974, Động Đất Tâm Thần.

- 1978,Thơ Không Lời - Mây Không Lời (thơ - họa)

- 1979, bộ ba: Thiên Thanh - 77 - Ngày Nay.

- 1980, bộ ba: 36 - Thở Dài - Tư Mã Dâng Sao.

- 1987, Thơ Mini (in trong tập Trần Dần Thơ).


Theo Thụy Khuê,

"những kê khai trên đây chưa phải là tất cả, vì trong cuốn Trần Dần Thơ (nxb Nhã Nam, Đà Nẵng, 2007), Vũ Văn Kha cho biết "phần lớn di cảo thơ Trần dần vẫn tiếp tục số phận nằm".


Trần Dần Thơ, ngoài những tác phẩm tạm gọi là classique đã in như Bài Thơ Việt Bắc, Cổng Tỉnh, cỏn có những tác phẩm mới hơn. Những thử nghiệm thơ độc âm Mùa Sạch biến tấu âm con OEE, và thơ bè Con I, còn nhiều cường điệu và nệ hình thức, hoặc lập di như Jờ Joạcx. Ngược lại, với Sổ Bụi và Thơ Mini, Trần Dần thực sự đã thành công, hai tác phẩm này xác đinh tinh thần cách tân thơ của Trần Dần, khác với Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Và lần công bố này tầm quan trọng nằm trong Sổ Bụi và Thơ Mini. Sổ Bụi, tập họp lối ghi chép đặc biệt Trần Dần: đó là những bài thơ văn xuôi cô đọng, mới, đầy biến ảnh, thể hiện cái mỹ học khổ đau của ông một cách toàn diện. Thơ Mini là những triết luận thu gọn đến cạn kiệt. Một Trần Dần đi từ thực tại thi nhân để đến với tâm linh hiền triết.

Nhìn chung từ đỉnh vinh quang thời kháng chiến tới thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Dần luôn là người yêu nước. Trong thời kháng Pháp, ông không có thành tích tuy chói rạng nhưng cũng đáng kể. Theo đạo diễn Trần Thứ (nay là Trần Vũ), ban đầu ông lên Tây Bắc làm công tác tuyên truyền khi khu 14 thành lập. Sau đó, ông gia nhập quân đội, nhận công tác địch vận trung đoàn Sơn La từ 1948 đến 1950. Hồ Phương kể lại Trần Dần và Hoài Niệm làm tờ báo Sông Đà, hình thức khá đẹp, trình bây kiểu cách. Vũ Tú Nam thì bảo Trần Dần làm thơ bí hiểm, bị quần chúng phản đối. Năm 1951, Trần Dần được điều động về phụ trách Văn Công quân đội. Vũ Tú Nam cho rằng vì "có nhiều thành tích" trong việc tập luyện Văn Công, Trần Dần "đâm ra độc đoán đả kích cán bộ sáng tác", "bị thi hành kỷ luật rồi bị điều về cục Tuyên Huấn công tác bất mãn ngấm ngầm."


Hoàng Cầm trình bày những cuộc va chạm giữa Trần Dần và một cán bộ chính trị khi ông sang Trung Quốc viết thuyết minh cho bộ phim Điện Biên Phủ:


"... Đi kèm bên cạnh anh là một cán bộ chính trị có quyền quyết định tối hậu. Anh cán bộ này, đáng lẽ phạm vi công tác là góp ý kiến vào nội dung bản thuyết minh và bảo đảm cho nó không phạm những sai lầm về đường lối chính sách của Đảng trong chiến dich Điện Biên Phủ, thì đã lợi dụng uy quyền của mình đi quá xa vào phạm vi văn học, bắt Trần Dần phải viết như ý của mình, từng câu từng chữ, lạm dụng danh từ chính trị khô khan rỗng tuếch để nhét cho kỳ được vào bản thuyết minh.


Trần Dần bất mãn, gây động lực thúc đẩy Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh và rất đông anh em trong bộ đội bàn bạc Đề Nghị Chính Sách Văn Nghệ. Sự chống đối của Trần Dần không do ảnh hưởng tư tưởng chống đối của Hồ Phong mà từ cung cách giáo điều của người càn bộ chính trị.


Với tôi, cuối năm 1975, Hai Khuynh (tên thật là Nguyễn Huy Khánh), một cán bộ của Cục R chuyên về nghiên cứu văn học văn chương miền Nam đến Làng Báo Chí thăm Thụy Vũ và tôi. Đi kèm có một người gương mặt tái xanh và nguội ngắt. Tôi nghĩ đó là cận vệ của Hai Khuynh, nhưng sau đó, Thụy Vũ cho biết:


Người đi kèm anh Hai Khuynh đâu phải là "tà lọt" của anh. Tên chính ủy của ảnh đó đa. Hắn theo sát bên ảnh để kiểm soát nhứt cử nhứt động của ảnh và quyết định mọi việc mà anh Hai Khuynh vừa đề nghị với tao để trình bày lên cấp trên.


Có thể bảo đó là một động cơ thúc đẩy Trần Dần đấu tranh trong Quân Đội vào đầu năm 1955.


Trần Dần nhận thấy cơ quan văn nghệ không thay đổi, "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội, không tin văn nghệ", "vẫn chính sách gò bó, mệnh lệnh máy móc" (sic). Ông than thở:


Những ngày gần đây sao mà tôi buồn.

Buốt óc lắm. Và bực tức. Cơ quan và chính sách.

Hội văn nghệ đánh mất bản thảo Người Người Lớp Lớp (phần 4 và phần 5).


Món nợ chính phủ, những kỷ niệm ngày bé, chua chát và mãnh liệt, những uất ức của 9 năm chiến tranh. Thơ tôi người ta không chê, nhưng cũng không sốt sắng in. Những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó: tích lũy cuộc sống mới thì phải được tự do v.v...

Tôi bị bao vây. Chặt quá. Ép quá (...)

Tôi muốn những gì?

- một chính sách văn nghệ mở rộng ra, cho nó đúng đắn.

- một cuộc sống sáng tạo. Cái cũ thì trút ra (...)



Từ Bích Hoàng buộc tội Trần Dần như sau:

Từ Trung Quốc về, Trần Dần còn mang theo bài thơ dài: "Tiếng Trống Tương Lai" trong đó Trần Dần gọi cán bộ chính trị là "người bệnh", "người ròi", "người ụ". Đó chỉ là cách nhìn của bọn thù địch đối với cán bộ của Đảng. Đủ biết sự hằn học của Dần lúc bấy giờ đã nặng thế nào! Không ngạc nhiên khi thấy Dần mới bước về Phòng Văn Nghệ Quân đội đã đả kích luôn lãnh đạo, rồi nhận một số thắc mắc của anh em về công tác, Dần lợi dụng phát động từng người và biến thành một cuộc đấu tranh đối lập với lãnh đạo, lấy "áp lực quần chúng" hòng buộc lãnh đạo phải chấp nhận những yêu sách thoát ly chính trị, thoát ly quân đội như ta đã biết. Chính Trần Dần đã thú nhận tính chất hoạt động này của họ.

Riêng Trần Dần tự nhận là Người Phá dịch từ Pháp ngữ Anarchiste. Trần Dần ghi trong nhật ký khi không được xuất trại, không được thức khuya 9 giờ:


(...) Đáng trách là cả một cái HỆ THÕNG! Nó nặng như núi... Nó ở trên có, ở dưới có. Ở ngang có. Đằng trước, đằng sau đều có nó. Hệ thống gì? Đó là hổ lốn, sợ hãi cúi đầu, làm thân con sên - hò hét mệnh lệnh, làm ông sấm, ông sét. Đảng ở Đâu?

.....................

Tạí sao bọn giả mạo được tin hon người thực thà? Tại sao loài bò sát được dùng nhiều? Tại sao chúng nó có mặt ở thời đại này? Ở trong Đảng? Ở cách mạng. Lạ lùng nhất là tại sao không vạch mặt chúng nó ra?


Văn thơ sẽ balayer bọn ấy. Quét! Quét! (...)


Tất cả những cái gì, nguyên tắc gì trở ngại cho nguyên tắc lớn của tôi là tôi xóa hết.


Tôi chỉ có một nguyên tắc mà thôi! mốc-xì, bọn người-bệnh, bọn người-dòi, bọn người-ụ - Anarchiste? Nếu vậy gọi là anarchiste thì tôi muốn là anarchiste (...) Tôi không có khả năng công chức, khả năng người-ụ. Khả năng của tôi là khả năng người phá.

Thụy Khuê rất tâm đắc với Trần Dần:

Chủ đích của Trần Dần rất rõ: Làm người phá, phá toàn bộ HỆ THỐNG trói buộc văn nghệ sĩ. Trần Dần xác định mình là Anarchiste và ông đã dịch chữ Anarchiste rất tài tình là Người-Phá (chữ này thường được dịch là vô chính phủ, chỉ đúng trong nghĩa chính trị (nghĩa gốc), nhưng nói rộng ra, anarchiste có nghĩa là quậy, phá, loạn, không chịu bất cứ một kỷ luật sắt nào).

Văn nghệ sĩ thường có thái độ anarchiste.

Trần Dần thực hiện Người-Phá qua ba mục đích:

- Đề nghị cải tổ Chính Sách Văn Nghệ Quân Đội.

- Phê bình tập thơ Việt Bắc.

Ở ba "mặt trận" Trần Dần cùng Hoàng Cầm và Lê Đạt lôi cuốn Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm. Lại thêm Đặng Đình Hưng, Tử Phác...

Vũ Tú Nam, Từ Bích Hoàng lúc đầu cùng chí hướng với Nhân Văn Giai Phẩm nhưng rồi đổi hướng. Đỗ Nhuận là người trong nhóm chủ trương, sau quay đầu lại viết bài cắn xé, đánh đập anh em.


Trách nhiệm của người cầm bút, Người-Phá ấy nêu ra và được Vũ Tú Nam ghi lại, đại ý như sau:

- Về trách nhiệm của nhà văn, biểu hiện cao nhất của trách nhiệm người cầm bút là thái độ tôn trọng và trung thành với sự thực.

- Về sự thực của một nhà văn: Có sự thực của vũ trụ, của thế giới, của cách mạng, sự thực trong nước, từng địa phương, từng ngành, từng giới, từng nghề, sự thực hôm qua, hôm nay và ngày mai. Có sự thực toàn quân. Của xung kích. Của pháo binh. Của cơ quan.

- Sự thực lớn gấp triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào. Nếu sự thực đi ngược lại chính sách, chỉ thị thì phải viết sự thực, không phái viết để làm vui lòng thượng cấp.


Văn chương thời kháng chiến dưới cặp mắt của Trần Dần hiện ra cái cốt tủy ấu trĩ như sau:

Đó là thứ văn chương công thức, đơn giản đến mức độ nông cạn, có một cái khuôn đúc sẵn, rồi gò ép sự thật trám vào. Người hùng thì phải căm hờn, rồi vào bộ đội, lập chiến công. Đối với cấp trên thì phục tòng ngoan ngoãn. Lệnh gì cũng phải làm theo, nếu có thắc mắc thì phê bình sau. Đối với bạn thì giúp đỡ, thân ái phê bình. Đối với đảng hễ mở mồm là biết ơn. Đối với dân là yêu mến, giúp đỡ.

Theo Trần Dần, đó là cái khuôn trong hãng xưởng kỷ nghệ để cho nhà văn của Xã Hội Chủ Nghĩa sản xuất các nhân vật anh hùng.


Về cuốn Người Người Lớp Lớp, Trần Dần thẳng thắn cho rằng mình chán ngấy vì sự thực của chiến tranh trong đó ít quá (tức là chuyện hư cấu thì nhiều). Lại nữa, không thấy rõ sự thực bản thân của tác giả trong sách (đó là ai đâu ấy chứ không tác giả và vai trong truyện).

Bàn báo cáo không được Cục Tuyên Huấn thông qua. Cuộc xuống dốc của ông còn thêm nữa với nhà thơ Huyền Kiêu thể hiện tánh khiếp nhược khi viết:


Khi thấy Trần Dần đưa ra cái "đề án chính sách văn nghệ" sặc mùi Tư sản của Dần, đòi "trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ " (...) đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhìn rõ cái thực chất tư sản của bản dự án ấy nên nghiêm khắc giải thích và ân cần dặn dò anh em phải đề phòng.


Hoàng Cầm tả lại như thế nào?


"Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại." Rồi Hoàng Cầm tiếp với giọng láo xược: "Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường thôi".


Nói tới đồng chí Trung Ương như vậy, Hoàng Cầm có từ (nể mặt) Trung Ương đâu?"

Chuyện càng lớn hơn với các cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo cửa Phùng Quán và thi phẩm Việt Bắc của Tố Hữu.

Thấy các văn nghệ sĩ như Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, Xuân Diệu nhắm mắt ca tụng tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu nên Trần Dần, Lê Đạt xung phong phê bình tác phẩm đầu tay của Phùng Quán, người bạn trẻ cùng đồng tâm với mình. Làm thế, Trần Dần, Lê Đạt chứng tỏ không có óc phe nhóm.


Theo Nguyên Ngọc, Trần Dần phê bình như sau:

Về cốt chuyện, "tinh thần chung của nó là hỏng. Mới xét qua cốt chuyện đã thấy nó là một quyển sách ca tụng chủ nghĩa anh hùng cá nhân, ca tụng kiểu quân sự bạo động, tình cám xốc nổi và phiêu lưu."


Về nhân vật trong chuyện: "về nhân vật quần chúng thì tôi không hiểu tác giả mắc bệnh gì mà mỗi khi tả quần chúng thì tả họ ngây ngô... cái nhân vật quần chúng bị bôi nhọ quá nhiều."


Về những nhân vật khác, Trần Dần cho là: "tác giả đưa lên những người toàn cả tim mà không có óc. Hay chỉ một chút xíu." Nói về cái chết của những người anh hùng trong tác phẩm của Phùng Quán, Trần Dần viết một cách vô lương tâm: "Tôi đã không khóc mà lại còn muốn nói rất nhiều về nhũng cái chết mù quáng như vậy. Không phải cứ mang cái chết ra mà cảm động được chúng ta đâu!... Tôi không rỏ một giọt nước mắt nào cho những con ngươi chết như thế. Đó là cái chết của những con người khờ dại... đảng viên ấy không phải là đảng viên, chiến sĩ ấy không phải là chiến sĩ." (...)


Suốt cả bài ấy, Trần Dần dùng một đôi văn đả kích bằng cách chơi chữ, lập lờ, một thứ "thủ đoạn văn chương" mà sau này ta đã tìm thấy lại trên báo Nhân Văn, trong các tập Giai Phẩm và Đất Mới của nhà xuất bản Minh Đức. Ví dụ chê một chỗ, tác giả đưa lên một khó khăn quá ngây thơ, Trần Dần viết: "lần này là khó khăn con chó."


Một tháng sau, Lê Đạt cũng viết một bài phê bình Vượt Côn Đảo (Sinh Hoạt Văn Nghệ, số 39 ra ngày 19/5/1955) ý kiến không có gì khác Trần Dần lắm (...)


Sau khi đập Phùng Quán tơi bời bằng một bài phê bình trên báo, sau khi đã làm cho Phùng Quán hoang mang suy nghĩ về tài năng, về trình độ mọi mặt cửa mình, Trần Dần lại nói riêng với Phùng Quán: "Tao đập là đập bọn chúng nó ngu dốt không biết gì chứ có phải đập mày đâu." Ý muốn nói với Phùng Quán răng: Mày vẫn là thằng có tài, chỉ có bọn ngươi trước nay vẫn phê bình mày là ngu dốt. Thế là Trần Dần hoàn thành cái thủ đoạn của mình một cách khôn khéo, bắn một phát trúng nhiều mục tiêu: Qua bài phê bình Vưọt Côn Đảo mà thóa mạ những chiến sĩ cộng sản, qua Phùng Quán mà chửi quần chúng là ngu dốt, đưa Phùng Quán đến chỗ đối lập lại quần chúng độc giả và lãnh đạo, lôi kéo Phùng quán. Trần Dần đã thành công trong việc đó thật.


Buổi phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu thoát ra ngoài do Tử Phác tung lên báo Sinh Hoạt Văn Nghệ, và Lê Đạt đưa lên báo Văn Nghệ.


Vũ Tú Nam ghi lại các diễn biến:

- 5/3/1995: Tối qua, tranh luận về thơ Tố Hữu ở Cửa Đông, anh Nguyễn Chí Thanh tới (...) anh em đông lắm, cả Hồ Dzếnh. Hoàng Yến trình bày vấn đề "khả năng hiện thực trong thơ Tố Hữu - Tố Hữu có tiêu biểu cho thời đại không?" Trần Dần, Lê Đạt nói bốc nhất. Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh ngồi ghi mà không nói gì. Tố Hữu không tới. Xuân Diệu không tới.


- 8/4/1955: Đêm 7-4, phê bình thơ Việt Bắc ở 51 Trần Hưng Đạo đến 12 giờ khuya. Dần tâm sự khi anh đi xe đạp có hai bộ đội theo dõi (?). Tối vào nhà bạn, lúc ra Dần bị bộ đội giữ mấy tiếng. Mình báo cáo sự việc với chi ủy. Trần Việt nói: Dần vào 69 Quan Thánh, nhà Hoàng Cơ Bình cũ, nên có thể bị theo dõi.


l5/4/1955: Đêm qua, thảo luận về thơ Việt Bắc đến 12 giờ đêm. Hoàng Yến, Trần Dần, Hoàng Cầm nói gay gắt. Trường Tửu tranh luận rất phản khoa học. Huy Cận ngồi im. Tạ Hữu Thiện nói nhiều suy diễn, ví dụ cho đoạn nào giống Kiều... Hoàng Cầm dẫn thơ Hồ Xuân Hương để chứng minh "chất sống" và "hồn thơ" của nữ thi sĩ.

Còn Trần Dần trong bài Cách Nhìn Sự Vật Của Nhà Thơ Tố Hữu có ghi:

Nói chung, thơ Tố Hữu có rất nhiều cái lười biếng. "Ý lời tầm thường (...), rất nhiều cái kiểu "lòng ta xao xuyến, rung rinh" - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt, hai là tù binh" - "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "Cụ Hồ sáng soi." Không phải là thiên lệch trích ra một số như vậy, hãy đọc lại cả tập Việt Bắc xem, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa (...) Phá đường: "Nhà neo việc bận vẫn đi" - làm thì thi đưa - thi đua kết quả thì rồi mai đích chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc, Nam , Việt, Miên, Lào, Itsala, Isarắc... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem (...) Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lập lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cái nhìn mới mẻ gì.

Trần Dần bị tù tội, bị bắt buộc phải viết cung khai "phản tỉnh", thú tội xin chế độ tha thứ lỗi lầm. Mỗi khi cầm bút viết những lời trái ngược với tâm hồn, với lý tưởng của mình, ông đau xót phải cắt bỏ những mảng thịt của mình. Thụy Khuê nhận định:

Về NVGP, có những sự việc đã bị chôn sống, tưởng rồi sẽ tan trong lòng đất. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã quen sống với nhũng quái thai dị dạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được đề cao như những chân lý. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Tập truyện Trần Dần Ghi 1954 - 1960 (Văn Nghệ, Cali, 2001) là một trong những tư liệu hòm, tự khai, tự quật. Tác phẩm chìa ra những dòng chữ đầu tiên để lấp những trang còn trắng về một thời kỳ văn học sử, còn chưa được biết, còn chưa được viết.


Tập Trần Dần Ghi 1954 - 1960 là ba quyển sách gồm một: Phần đầu là những suy nghĩ về sáng tạo. Phần thứ nhì chụp lại thời kỳ đấu tố với những hình ảnh khủng khiếp kinh hoàng. Phần thứ ba viết về cuộc sống con người trong những năm kỷ luật. Với một lối viết tốc ký ngắn gọn, thể hiện cái mỹ học đớn đau của Trần Dần.

...........

Con người nhất định thắng ấy, sau trận đánh Thái Hà, đã thua, đã hàng, đã nhận tội, đã ly khai những lý tưởng ngày trước, đã phải đứng về phía bên này để nhìn "bọn" bên kia gồm những "tên thủ lĩnh chủ nghĩa xét lại Nguyễn Hữu Đang", "tên phá hoại Minh Đức", "con mụ gián điệp Thụy An" ... đã xuống đến nấc thang cuối cùng của sự "giẻ rách hóa" con người.

............

Thành công lớn nhất của guồng máy là để đánh vào những yếu tố thiêng liêng của con người, đánh vào tình bạn, tình người, đánh tan tác hết.


Những người "Nhân Văn" không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều rời rã, đều muốn đầu hàng. Nhiều người đã đầu hàng, trong đó có Trần Dần. Họ muốn được lãnh đạo thương xót, họ muốn lãnh đạo đoái thương. Họ đã xuống đáy vực thẳm, họ chịu hết nổi. Họ sẵn sàng "chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa", nhưng người ta vẫn lạnh lùng quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Cái phận người Nhân Văn phải đi vào sa lầy, phải lún xuống, phận chịu nhận cái thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như đã chết. Và điều đó chỉ có mỹ học khổ đau của Trần Dần mới viết nên được.


Người hậu thế nếu phê bình dũng khí của các thành viên nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có thể sẽ nói họ không có khí phách như thi nhân ái quốc Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân thuở trước. Nhưng theo Hoàng Văn Chí quan niệm: đối với Cộng Sản đừng nói đến khí phách tiết tháo để khỏi bị hành hạ cho đến lúc bị xử tử. Phải mềm dẻo một khi sa vào tay chúng. Người biết quyền biến là nghĩ đến những lớp người sau, biết đâu người sau dựa thất bại người đi trước trù tính những kế hoạch đấu tranh mới. Trường họp tư liệu trong hòm của Trần Dần là một thí dụ. Ông đầu hàng bạo lực và sự chuyên chế, nhưng tư liệu trong hòm đã đánh giá lại nhân phẩm của ông.

* Lê Đạt


Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt sinh ngày 10/09/1929 tại xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mất ngày 21/4/2008. Năm 12 tuổi ông lên Hà Nội, học trường Bưởi. Kháng chiến bùng nổ, ông về quê cha ở Yên Bái, tiếp tục học vấn.

Trong Từ Điển Văn Học, Nguyễn Huệ Chi ghi tiểu sử của Lê Đạt như sau: "Đầu kháng chiến, học tiếp trung học ở vùng kháng chiến và tiếp tục theo học trường đại học Pháp Lý cho đến khi trường giải thể."

Năm 1948, Lê Đạt đã là bí thư của Trường Chinh, từ baan Tuyên Huấn cử sang Hội Văn Nghệ làm trợ lý cho Tố Hữu. Sự bổ nhiệm này cho thấy: lãnh đạo đã nhìn thấy ở Lê Đạt khả năng chiến lược và chính trị cao hơn Tố Hữu.

Ngoài ra, những dữ kiện trên đây còn giải thích, qua sự nhận định của Thụy Khuê:

- Tại sao Lê Đạt thấy mình "vững" hơn Nguyễn Hữu Đang trong việc tổ chức báo Nhân Văn?

- Việc ông thân thiết kính trọng Thụy An và Phan Khôi, bởi cả ba đã từng hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng.

- Việc tranh đấu của Lê Đạt với các bạn văn nghệ sĩ, thể hiện trên hai mặt: Về chính trị, chống chính sách đảng trị, đòi hỏi tự do và về văn nghệ, chủ trương đổi mới thi ca.


Về sự nghiệp đổi mới thi ca, Lê Đạt thất bại trong cuộc đấu tranh cho Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng ông lại thành công lớn trong việc canh tân thơ mới, chối bỏ vần điệu. Sau 30 năm cấm in, Lê Đạt được "phục hồi" cái tài làm thơ. Tập Bóng Chữ, tác phẩm thi ca sáng giá để ông leo lên tuyệt đỉnh nấc thang danh vọng. Những tác phẩm tiếp theo: Hèn Đại Nhân (truyện ngắn, 1994). Ngó Lời (thơ, 1997). Từ Tình Epphen (thơ, 1988). Mi Là Người Bình Thường (truyện ngắn, 2007). U75 Từ Tình (thơ và đoản ngôn, 2007). Sau khi ông qua đời, di cảo tuyển tập Đường Chữ của ông được nhà xuất bản Hội Nhà Văn và công ty sách Bách Việt, in năm 2009.


Năm 1949, Lê Đạt từ ban Tuyên Huấn, được cử sang Hội Văn Nghệ làm trợ lý cho Tố Hữu. Ông chủ trương đổi mới thi ca. Lê Đạt cho biết: " Thời kháng chiến, tôi và Nguyễn Đình Thi mới đầu chịu ảnh hưởng Eluard và tôi cũng làm thơ không vần như anh Thi. Tôi trọ ở nhà Eluard không lâu. Một thời gian dài, tôi và Trần Dần chịu ảnh hưởng của Maiakovski rất đậm."


Thuở trước, thi sĩ Ronsard trong nhóm Pléiade đã cải tổ loại thơ cổ, câu thơ của phái kỳ cựu xen đầy ngôn ngữ Hy Lạp và La Tinh. Ông muốn cho câu thơ rặc ròng bằng ngôn ngữ nước Pháp trong sáng, thuần hậu và tránh ngôn ngữ kiểu cách. Việc cải tổ ấy được các thi sĩ hoan nghinh ngay. Còn Nguyễn Đình Thi, Trần Dần và Lê Đạt phải trầy vi tróc vảy mới thành công. Cuộc canh tân thi ca này được Phan Khôi, Lưu Quang Thuận, Bửu Tiến đồng thuận. Người đánh Nguyễn Đình Thi là ông Lành (tức là nhà thơ Tố Hữu).


Về gia cảnh riêng, Lê Đạt kết hôn với cô Nguyện, một nữ cán bộ cốt cán. Sau đó ông và cô Nguyện gặp cảnh đồng sàng dị mộng.

Ông yêu cô Thúy Thúy, một nữ diễn viên trẻ, quyết định lập lại cuộc đời với cô. Nhưng Đảng không bằng lòng. Sau Nhân Văn, cán bộ đến nhà Thúy vạch "bộ mặt phản động của tên Lê Đạt" cho cô ta rõ. Rồi cô không được làm diễn viên, bị đẩy xuống làm phục trang và bị xem như con chó ghẻ.

Khi được phục hồi, Lê Đạt còn sáng tác được, nhưng Thúy Thúy bị suy nhược thần kinh. Dầu sao, nữ diễn viên Thúy Thúy cũng đã nêu tấm gương kiên trinh và sự phục tùng chí lớn của chồng.

Thụy Khuê cho rằng: "Bi kịch gia đình Nhân Văn được Lê Đạt ghi lại thành thơ, như một lời tạ lỗi vợ con, như một ân hận suốt đời, nhưng bài thơ vượt khỏi khuôn khổ gia đình để nói lên nghịch cảnh chung của tất cả những người vợ Nhân Văn. Lê Đạt đã khắc chân dung họ vào văn học sử:



Vợ Nhân Văn


Xin lỗi em/những đêm Nguyễn Bỉnh Khiêm trằn trọc

Anh Thái Hà chưa về / và em khóc

Xin lỗi em / nhũng lời khuyên "cắt đứt"

Vạ gì đeo hai tiếng "liên quan"

Những buổi sớm / muốn chui đầu xuống đất

Mặt trời soi ngày kiểm thảo bắt đầu

Xin lỗi em / tiếng oan vợ thằng phản động

Lý lịch ba đời mấy đứa con thơ

Xin lỗi em / tuổi ước mơ không được sống

Những giấc ngủ / chưa một lần tròn mộng

Chung thân tâm thần / trọng tội đa mang


Đời sau ơi! / May còn đoái đến tôi

Hãy trả dùm tôi món nợ

Người vợ nhỏ / vừa thoát khỏi tuổi quàng khăn đỏ

Đã chụp mũ chồng / lưng thập tự Sói ăn

Và Đức Phật / duyệt xuất biên vào Tĩnh thổ

Xin độ trì / những Thị Kính-vợ-Nhân Văn.


Đào Phương Liên, con gái Lê Đạt từ bé thơ luôn tự hỏi bố mình là ai? Làm chuyện gì? Cô không biết vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Cô không rõ Lê Đạt với ông bố Đào Công Đạt của cô là một người. Mãi tới 15 tuổi, cô bị tên bạn trêu ghẹo: "Bố cái Liên là tên phản động chúng mày ạ". Vì là con ké phản động, cô không được kết nạp vào Đoàn, không được thi vào Đại Học, cùng lắm là được thi vào sư phạm. Từ đó tuy cô biết bố của mình là Lê Đạt, nhưng không có ấn tượng gì và cô chưa nghe phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.


Thụy Khuê cho biết Lê Đạt có làm bài thơ ca tụng Bác, có lẽ vào năm ông Hồ Chí Minh từ trần, mãi tới năm 1990 mới xuất bản. Nhưng Lê Đạt nói với Thụy Khuê trong cuộc điện đàm rằng:

"Tôi không bao giờ coi cụ Hồ là đại diện tự do và dân chủ cho đất nước Víệt Nam. Tôi thần tượng là thần tượng ở những khía cạnh khác. Chị nên thông cảm với tôi. Thần tượng trên mọi phương diện thì tôi không bao giờ có, không bao giờ tôi nghĩ cụ Hồ là thần tượng dân chủ trên đất nước Việt Nam. Không có. Trong khi tôi đấu tranh thì có nghĩa là tôi đấu tranh cả với cụ Hồ. Nhưng một góc của tâm hồn tôi... Đó là bi kịch của tôi. Điều đó chị thông cảm cho tôi".

Lê Đạt viết trong bản thú tội":

"Đảng đối với tôi rất có nhiều ân huệ, kẻo tôi ra khỏi phản động của bọn Quốc Dân Đảng, cho tôi công tác gần các đồng chí lãnh tụ, cho tôi đi thực tế cải tạo, nâng đỡ những sáng tác của tôi, đến khi chạm vào quyền lợi cá nhân, tôi trở mặt tấn công vào Đảng, nhảy sang trận địa của giai cấp tư sản phản động và làm người phát ngôn cho chúng."

(Văn Nghệ sô 12, tháng 5/1958, trang 80)

"Trong những người chủ chốt của phong trào, ba người có 'liên hệ với Quốc Dân Đảng': Phan Khôi, Thụy An, Lê Đạt. Do đó, một mối thâm tình liên kết họ với nhau:


- Trả lời phỏng vấn RFI, Lê Đạt nhắc đến Thụa An và Phan Khôi với những lời đầy ý nghĩa: "Phan Khôi đối với tôi vốn có những quan hệ đặc biệt. Trong thâm tâm tôi, bao giờ tôi cũng coi ông là người lãnh đạo tờ Nhân Văn."


Việc công nhận Phan Khôi là người lãnh đạo tờ Nhân Văn, chứng tỏ Lê Đạt chỉ coi Nguyễn Hữu Đang như người bạn đồng hành, Phan Khôi mới là người thủ lãnh. Ngoài uy tín của Phan Khôi trong văn học, còn có lý do nào khác, nếu không phải vì Phan Khôi là người theo Quốc Dân Đảng, lý tưởng đầu đời của Lê Đạt?


"Tôi có thể bảo đảm 100% chị Thụy An không phải gián điệp", "Chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. "Riêng tôi thì không bao giờ quên công của chị Thụy An đối với tôi."

Cho nên, với Lê Đạt, có thể nói tinh thần yêu nước đã phát sinh từ Yên Bái.

Đất Yên Thế, quê nội của Lê Đạt là đất của Đề Thám. Nơi đây tên Lương Tam Kỳ đem thủ cấp của cụ Hoàng Hoa Thám dâng cho Pháp để lãnh thưởng. Xin đọc một đoạn trong bài thơ Cha Tôi:


Đất quê cha tôi / đất quê Đề Thám

Rừng rậm sông sâu

Con gái cũng theo đòi nghề võ

Ngày nhỏ / cha tôi dẫn đầu lũ trẻ chăn trâu

Phát ngọn cờ lau / vào rừng Na Lương

Mơ làm Đề Thám


Đất Yên Bái nơi chôn nhau cắt rốn của lê Đạt. Đó là quê hương của Quốc Dân Đảng, cũng là nơi Nguyễn Thái Học cùng 12 bạn đồng hàng đồng tâm yêu nước lên đoạn đầu đài của bọn thực dân Pháp. Nơi đây tập thơ Tình Mẹ đầu tiên của Lê Đạt chào đời.

Yên Bái là nơi chàng trai Lê Đạt chứng kiến biết bao thảm cảnh và nơi un đúc tấm gương can trường.

Yên Bái còn là bà mẹ của các người lính viễn chinh:


Bà mẹ Âu Lâu / ngồi / như gốc mai nở trắng / giữa đàn con / đủ / các giống người

Thằng cả / Xa lum / người Xê nê gan / làm mỏ than Ma Rốc

Vào hầm than / đen / như thấy dân tộc mình / mấy ngàn đời / vùi lấp / chết / ở đây

Tan tầm về / ra bờ sông nước trong / rửa mặt

Rửa xong / nhìn / nhìn / mặt vẫn nhọ than

Thằng hai / Ma Hô Mét

Công nhân bốc vác / An Giê

Gù gù / lưng cánh phản

Ngày ngày / khuân tổ quốc /xuống tàu buôn.


*


Từ Phần Một của quyển biên khảo Nhân Văn Giai Phẩm, người đọc có thể nhận thấy ngay thiện chí của Thụy Khuê. Đó là muốn hình thành một tác phẩm viết về vụ án lịch sử to lớn như một vết thương giết chết những người chuộng sự công bình và lòng yêu nước. Người viết cũng tỏ ra hết sức thận trọng trong cách thể hiện công việc. Ngoài công phu tìm tòi và so sánh các tài liệu, Thụy Khuê đã trực tiếp phỏng vấn "ba cây trụ cốt" của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nhờ đó, phần tài liệu rất phong phú, nhất là nhiều tài liệu nhỏ nhặt mà vẫn phóng chiếu những bí ẩn của phong trào trong ấn tượng và cảm nghĩ của người đọc.


So với cuốn Trăm Hoa Đưa Nở Trên Đất Bắc của Hoàng Văn Chí xuất hiện 60 năm trước, dĩ nhiên Nhân Văn Giai Phẩm phong phú tài liệu hơn với nhiều sự tiết lộ, nhiều dữ kiện tưởng đâu bị chôn vùi dưới lớp tro tàn nguội lạnh lãng quên.

Các cuộc phỏng vấn (có thể gọi là điều tra) đã khiến bao nhiêu cái tàn ác của lũ người cuồng tín, bao nhiêu oan ức của kẻ muốn làm đẹp cho văn học nước nhà đội mồ sống dậy chiếu rọi vào thiên lương mọi người. Qua ý nghĩ chủ quan, tôi nghĩ đây là một tác phẩm có tinh thần cách mạng đúng nghĩa chứ không phải thứ cách mạng lấy oán thù, gươm súng, máu me, ác mộng ra giải quyết.


Viết về triều đình Philippe Le Bel, nhà văn Maurice Druon cố gắng cho tác phẩm gần với sử liệu hơn. Ông tra cứu hàng trăm quyển sử ký địa dư cho tác phẩm Les Rois Maudits dầy gần một nghìn trang. Còn Thụy Khuê phải chọn sử liệu trung thành những biến cố của giai đoạn lịch sử. Cái may của Thụy Khuê là có nhiều nhân chứng, có đủ máy móc truyền thông để làm công việc lôi ra ánh sáng những kẻ mà chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa đẩy vào ngục thất tối tăm.


Cho tới nay, Thụy Khuê là một tác giả biên khảo rất quen thuộc trong văn giới. Với tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm, Thụy Khuê có nhiều lợi điểm trở thành một cây bút chép sử, nếu không bảo là sử gia. Ít nhất thì qua tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm, người đọc sẽ có cơ hội gần gũi hơn với những nhà trí thức tham gia và bị sa lầy trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang... cùng những văn nghệ sĩ như Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Cung, Phùng Quán, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc v.v...


Hồ Trường An

Núi Cao Vực Thẳm, Nxb Tiếng Quê Hương, 2010
(Trang 165 - 216)