29-6-2023 | VĂN HỌC

Cọp Thế Lữ Nhớ Rừng

  XUÂN VŨ


     Nhà thơ Thế Lữ
     (1907 - 1989)

Khi tôi về Sài Gòn làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến tôi thường nghe cọp gầm. Sở Thú ở ngay trước cổng bên kia đường Hồng Thập Tự. Bụng tôi vui vui nghĩ: “Thế Lữ gầm đấy!” Vì sao tôi nghĩ như vậy? Vì từ 1945 tôi đã đọc hai bài thơ của Thế Lữ. Nhớ RừngGiây Phút Chạnh Lòng.


Tôi làm quen với những tờ báo thời xưa (cách nay hơn nửa thế kỷ) như Văn Lang của Bác Sĩ Hồ Tá Khanh, Đuốc Tuệ của Phật Giáo, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Tôi đọc Đoạn TuyệtNửa Chừng Xuân hồi chín, mười tuổi và đọc truyện Tây Du hồi bảy, tám tuổi.


Bài Nhớ Rừng là do Chú tôi đưa cho tôi đọc. Hồi đó chú đi học trên tỉnh thành (trường Le Myre de Vilers) đem sách báo về cho tôi xem. Tôi mới học trường quận và tập tễnh đọc sách Hồng của Thế Lữ, Thạch Lam.


Nay còn nhớ lỏm bỏm bài Nhớ Rừng, xin chép lại bạn đọc thưởng thức vào năm con cọp.

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trông ngày tháng trôi qua

. . . . . .

Nhớ cảnh sơn lâm cội cả cây già

Với tiếng gió gào ngàn với giọng nguồn thét núi

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng

Vờn bóng âm thầm lá gai, có sắc

. . . . .

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

. . . . .

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi

Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối

Hoa thơm cỏ mởn, lối phẳng cây trồng

Giải nước đen giả suối chẳng thông giòng

Dăm cành lá hiền lành không bí hiểm

Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

. . . . .

Có biết chăng những ngày ngao ngán

Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi

Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi.

Thế Lữ

Thế Lữ đã qua đời không biết năm nào nhưng chắc chắn ông không còn trên cõi đời này. Tôi có đọc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Sách giới thiệu tất cả thi sĩ nổi tiếng thời Pháp thuộc. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rồi tới Thế Lữ. Hoài Thanh rất thán phục Thế Lữ đã mở đầu kỷ nguyên thơ mới cho Thơ Việt Nam. Công lao đó không được quên, nhưng Cộng Sản là kẻ ăn cháo đái bát. Chúng quên tất cả, cả Tổ Tiên. Trong văn học sử Việt Nam, Tố Hữu là nhà thơ Số Một (!) xã nghĩa, do đó thơ mới Việt Nam là do Tố Hữu dẫn đầu, cái gì tốt đẹp cũng đều sinh ra từ xã hội chủ nghĩa cả. Cả đến Trăng thì cũng Trăng Trung Quốc tròn hơn Trăng nước Mỹ, thì có lạ gì thơ Việt Nam không đẻ ra từ xã hội chủ nghĩa? Những bài thơ như bài Nhớ Rừng không được giảng dạy trong các trường. Than ôi! Nghệ thuật, văn chương không có vị trí của nó trong chế độ xã hội chủ nghĩa, còn thua cả thời thuộc địa. Văn nghệ sĩ bị lợi dụng, xài như máy để phụng sự chế độ chà đạp con người.


Tôi gặp Thế Lữ ở Hà Nội. Ba khuôn mặt như ba giọt nước mắt sầu não muôn đời, đó là Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát và Thế Lữ. Ai vui trông thấy ba ông cũng buồn lây. Mười năm liền tôi không thấy một nụ cười trên khuôn mặt này.


Văn Cao thì chua chát. Nguyễn Xuân Khoát thì lạnh ngắt. Còn Thế Lữ thì âm thầm như cái bóng.


Ba ông là ba ngôi sao trên vòm trời kháng chiến Việt Bắc, nhưng về Hà Nội thì cả ba đều là những giọt nước mắt khóc chế độ bạo tàn, cũng chính là khóc cho thân phận mình. Nghệ sĩ trót sanh giàu cảm lụy.


Hai ông ngó xuống, một ông ngó ngang như không muốn thấy gì, không muốn nhìn ai. Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, có người con trai làm đạo diễn kịch tên là Nguyễn Thứ Nghi (Lễ Nghi). Thế Lữ làm trưởng đoàn kịch trong kháng chiến chống Pháp, ủy viên hội văn học nghệ thuật, về Hà Nội làm chủ tịch hội sân khấu, hình như có lúc làm tới đại biểu Quốc Hội (rởm) hay ủy viên chủ tịch đoàn Mặt Trận Tổ Quốc. Nhưng dù chức gì cũng không qua chức thi sĩ của ông. Văn học không cho nhà văn nhà thơ cái ghế hành chánh, có chăng là để chơi cho vui. Địa vị của nghệ sĩ là trong lòng độc giả và khán giả.


Chị Song Kim vợ anh Thế Lữ luôn luôn săn sóc chồng nhưng làm sao vực anh dậy khi mà người nghệ sĩ hết tìm thấy niềm vui trong nghệ thuật. Mười năm liền và cho đến lúc nhắm mắt, Thế Lữ không viết một chữ nào in báo, không viết một vở kịch nào cho khán giả trên sân khấu. Hỏi tại sao. Anh nhếch mép một tí xíu:


Còn chỉnh cái đầu!


Chỉ có thể. Đó là câu trả lời, ai hiểu nổi. Nhưng người ta vẫn hiểu:


- Thế Lữ đã chết từ khi xã hội chủ nghĩa ló mặt ra...


Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm anh không nói một tiếng nào. Mặc dù chủ tịch đoàn mời năm lần bảy lượt. Thế Lữ lạnh như đồng, như đá, như băng giá như những gì lạnh nhất trên đời. Người ta không gặp Thế Lữ của thời xưa, con cọp nằm trong cũi sắt Nhớ Rừng


... Nơi giống hùm thiêng ngự trị

Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ

Nơi ta thênh thang vùng vẫy ngày xưa

Nơi ta không còn được thấy bao giờ


Một ông già tóc bạc như mây dắt chiếc xe đạp từ Phố Huế quẹo vô đường Ngô Văn Sở, số 8, dựng ngoài ngõ rồi đi vào. Làm việc. Không có việc gì làm. Một chốc lại thấy ông trở ra, dắt xe đạp chớ không cỡi, lừ đừ ra Phố Huế, vẫn không cỡi, đi lại đại lộ Trần Hưng Đạo số 51, đi vào, dựng xe đạp. Làm việc. Cũng không có việc gì làm. Lại trở ra Phố Huế. Đó là ông chủ tịch hội sân khấu kiêm Ủy viên chủ tịch đoàn hội văn học nghệ thuật Thế Lữ.


Tôi gặp anh nhiều lần lắm, nhưng chỉ hình ảnh trên đây còn in lại mãi trong tôi. Một nghệ sĩ thiên tài đã phải chôn tài năng của mình vì không còn cách nào khác. Có muốn ôm nó thì ôm theo xuống suối vàng.


Anh đi đường anh, tội đường tôi.


Thế Lữ! Xin ngã mũ kính chào nhà nghệ sĩ đã cho tôi những câu thơ không bao giờ quên, cho tôi một hình ảnh lạ lùng ở giữa Hà Nội xã nghĩa.


*


Trong các gương mặt Hà Nội buồn như những giọt nước mắt lộn ngược, tôi thấy có ba cái: Thế Lữ, Văn Cao và Nguyễn Xuân Khoát. Các bạn đang vui mà trông thấy ba ông kỳ lão này, cũng phải buồn. Nét mặt của các cụ nó lây cái buồn sang các bạn. Không biết các cụ buồn về việc gì và từ hồi nào, nhưng chắc là buồn lắm. Buồn như cô Lựu bị cưỡng ép bỏ chồng là anh thầy giáo tên Thành, để lấy ông Hội Đồng vậy. “Hai mươi năm tôi chưa hề thấy bà nở một nụ cười với tôi. Cả trong giấc ngủ mà bà cũng thở dài!” Đó là lời mắng nhiếc của ông Hội Đồng cho cô Lựu.


Nếu đảng Cộng Sản có cặp mắt như tôi có, thì chắc đảng cũng dùng câu nói ấy để nói về ba nghệ sĩ kể trên.


- Xương cha nó cũng mục rồi nữa là xương nó! — Ông Hội Đồng tiếp -- Vậy mà bà còn hi vọng, còn tưởng nhớ cái gì kia chớ!?


Cho rằng xương đã mục nhưng tưởng nhớ vẫn tưởng nhớ, hi vọng vẫn hi vọng.


Ở Hà Nội ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tôi thường chạy xe nhong nhong ngoài đường cho mòn cái cặp lốp xe Sao Vàng đi, chớ ngoài ra không có mục đích gì cả. Tôi còn đến Thư Viện Trung Ương ở đường Tràng Tiền để lục sách mượn về đọc. Ông thầy cũ trường quận của tôi dạy lớp Supérieur làm quản thủ Thư Viện này, nên ông cho tôi mượn cả những sách của chế độ cũ (!) vốn không còn lại bao nhiêu -- vì bị thiêu hủy hết – sau khi đảng và Bác về Thủ Đô. Đọc “Hết” sách Thư Viện tôi đi lục lạo các quán sách cũ. Có ít nhất là năm cái tại ngã tư Phố Huế và đại lộ Lý Thường Kiệt. Các bà thường quảy gánh đồng nát của mình đến trút những quyển sách mua được khắp Hà Nội, cho các quán này.


Moi móc tìm sách cũ là một cái thú đặc biệt chẳng khác đi bòn vàng. Tôi chưa từng đi bòn vàng, chỉ đi lục lạo sách cũ. Và tôi cho rằng cảm xúc của hai người đi tìm cũng giống nhau, hoặc không khác nhau là mấy.


Chữ nghĩa không phải là một loại vàng ư? Thầy tôi bảo: “Không có thứ gì trên đời này ở ngoài sách vở.” Tần Thủy Hoàng và Cộng Sản muốn cho dân ngu nên sợ sách, đốt sách nhưng cái thú vị là mình moi trong những đống giấy tờ vàng nẫu, không định tìm gì cả, nhưng bất ngờ lại gặp những cái lạ lùng. Một trang sách thời xa lắc xa lơ chẳng hạn, hoặc đứng bên cạnh một người cũng lục sách như mình bỗng thấy anh ta cầm lên một cuốn sách mà mình thích, sợ anh ta mua mất chẳng ngờ anh ta ném trả không mua, mình nhanh tay chộp ngay. Hoặc một thú khác là mình tưởng quyển sách giá cả đồng mà ông chủ chỉ đòi có mười lăm xu, hời quá.


Lắm khi dưới đáy thúng bị vùi lấp dưới những chiếc dép đứt quai, những áo quần cũ, mình lại thấy một Tô Hoài, một Thạch Lam, một Nguyễn Tuân. Thì còn niềm vui nào bằng. O Chuột nằm bên Ba Mươi Sáu Phố PhườngChiếc Lư Đồng Mắt Cua.


Một hôm tôi thơ thẩn ngớ ngẩn không biết tìm gì, cứ mọi cứ lục. Ông hàng sách cho phép vào bên trong kiosque lục cả những ngăn cấm của ông. Thì tôi moi ra được một quyển Lettres de mon moulin (Viết trong cối xay gió). Cái gương mặt sầu não muôn đời của Alphonse Daudet như rực sáng lên trong ngăn kéo.


Tôi mua và đem về nhà đọc ngay như để tìm thấy lại mình thời đi học. Tôi nhớ cả những câu hỏi thầy đặt ra cho cả lớp trả lời. Nhớ bạn nào trả lời trúng và được điểm lớn nữa.


Stéphanette, cô gái chủ nhà tuyệt đẹp trong Những vì sao (Les Etoiles) và Maitre Cornille (lão già Coọc-ni). Trời, văn chương gì mà hay đến thế. Học mấy chục năm vẫn chưa quên.


Không hiểu sao kỳ đó ngồi gần các anh Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Thế Lữ tôi cứ nhìn các anh hoài. Tôi cho rằng Alphonse Daudet đã mô tả nỗi buồn của các anh cách đây vài trăm năm.


Xuân Vũ

Nguồn: Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, Tập 3)