Quang Dũng (1965)
Nguồn: Khởi Hành 201 tháng 7.13
Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng làm năm 1948, một năm sau khi Trung đoàn Thủ đô, hay Trung đoàn Thăng Long, trong đó thi sĩ tác giả là một thành viên, rút khỏi Hà Nội.
Ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ từ Hà Nội, là ngày 19 tháng 12.1946, giữa 8000 thanh niên sinh viên trí thức "Tự Vệ Thành," (không có đơn vị bộ đội Việt Minh nào), 1 và 4500 quân Pháp, là trận đánh của những trí thức yêu nước của Thủ đô chống lại sự trở lại của thực dân Pháp, do bản ký kết của ông Hồ với Pháp ngày 6 tháng 3.1946, gọi là Hiệp định Sơ bộ. Theo Hlệp-định này, Chính phủ Liên hiệp Quốc gia đồng ý cho Pháp thay quân Tàu như là đại diện Đồng Minh, vào Bắc Việt Nam tới vĩ tuyến 16 giải giới quân Nhật. Sự việc xảy ra một mặt là do Pháp vận động để được trở lại tiếp tục đô hộ Việt Nam, và mặt khác, do ông Hồ muốn nắm giữ quyền hành để có tiêu diệt các đảng phái quốc gia yêu nước. 2
Quang Dũng là anh của bốn cô em gái, một em trai, trong có một em gái và một em trai vào Nam năm chia cắt đất nước 1954, cùng bà mẹ. Người cha, cụ Tú Khuê còn là chánh tổng, dân làng gọi là cụ Tổng. Thuở niên thiếu ra trường thay vì đi dạy học, Quang Dũng lại đi làm xếp ga ở nhà ga Yên Bái, và chính trong thời gian này ông gia nhập Quốc Dân Đảng, khiến Pháp đã về tận làng Phùng tìm bắt ông, song không kết quả.
Trong thời gian ấy, các thanh niên hoạt động hội kín thường được tiếp tế bởi các bạn hữu đồng chí hướng, một trong những người bạn đó là Bùi Thị Thạch, sau này là vợ thi sĩ. Đầu thập niên '40, các thành viên QDĐ bị lùng bắt giữ, Quang Dũng chạy qua Tầu.
Được QDĐ Trung Hoa hỗ trợ, thanh niên Bụi Đình Diễm vào học quân sự tại Trường Quân Sự của QDĐ, sau được bổ làm Doanh trưởng Phủ Khai Phóng, tỉnh Vân Nam. Năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Tưởng Giới Thạch được Đồng Minh ủy thác từ Trung Hoa vào Bắc Việt Nam tước khí giới quân Nhật. Trong các nhà cách mạng Việt Nam ở Tầu theo Tướng Lư Hán vào Hà Nội có cụ Nguyễn Hải Thần, và thanh niên Bùi Đình Diệm. Theo tài liệu của một bạn thân của Quang Dũng, thì "Quang Dũng trở thành Ủy viên Quân sự đầu tiên tại Bắc Bộ Phủ, sĩ quan liên lạc với quân đội Trong Hoa." (3)
Trận đánh tại Hà Nội bất quân xứng, vì Tự Vệ Thành chi có súng nhỏ, đa số là gậy gộc, dáo mác, trong khi quân Pháp có súng liên thanh, và dùng đến cả xe tăng, hạ ngang nòng súng bắn thẳng vào đám thanh niên, sinh viên trí thức yêu nước. Xin nhắc lại, Bộ đội Việt Minh đã nhận được lệnh của Võ Nguyên Giáp rút khỏi Hà Nội 2 ngày trước khi có lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. 1
Chưa tới hai tháng, đầu năm 1947, Thanh niên Tự Vệ Thành phải rút khỏi thủ đô, một số chạy qua Tầu lưu vong, một số biến thành binh sĩ dự chiến dịch Tây Tiến, gọi là Trung đoàn Thủ đô, trong có Quang Dũng; ngoài ra để lại trên đất Hà thành 1300 tử sĩ, vừa chết vừa mất tích, và 2500 người bị thương.(4)
Bài Tây Tiến của Quang Dũng được thi sĩ viết vào sổ tay, và được anh em chiến hữu lưu truyền rần rần trong Trung đoàn, bằng cách chép lại. Bài thơ rõ ràng không chỉ là tâm sự một thành viên của Trung đoàn, mà là tâm sự của hầu hết trí thức trẻ đã tham gia cách mạng chống Pháp, phải bỏ thủ đô yêu dấu cua Đất Nước, của mình, mà đi. Tây Tiến trở thành bài thơ bất hủ của những người cầm súng chống Pháp, suốt từ 1946 tới 1954 chia cắt, và cho khắp Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống Cà Mau, vì nó bị cấm ở Miền Bắc, tác giả bị giải ngũ ngay từ tháng 7.1951 do quá khứ Quốc Dân Đảng; và sau đó vì tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm, bị tù và bị cấm viết.
Thủ bút Quang Dũng
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửt trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, 1948
Quang Dũng phải sống bằng nghề sửa bản in cho báo Văn Nghệ. Thơ ông được in ra, được đọc, được ngâm và phổ nhạc tại Miền Nam từ sau 1954, nhưng mãi năm 1986, bài Tây Tiến mới được in ra ớ Hà Nôi cùng các bài khác trong thi phẩm Mây Đầu Ô, hai năm trước khi ông từ trần. Lúc tập thơ mang về, thi sĩ nằm trên giường bệnh, không còn đủ sức cầm cây bút lên để ký tặng bạn hữu.
Đọc Tây Tiến, người đọc sẽ thấy tâm hồn thanh niên Hà Nội tha thiết và khắc khoải trong từng câu thơ. Song đời sống của các nhân vật trong bài thơ không phải là đời sống của Hà Nội, mà là của những người Hà Nội ở chiến trường Tây Bắc, và núi rừng Tây Bắc, những người bỏ Hà Nội đi chiến đấu trên núi rừng, mà bên kia biên giới là Vientiane, thuộc Lào. Tới khi bỏ Tây Bắc, thi sĩ mới nhớ Chiến dịch Tây Tiến, mới nhớ núi rừng, sương mù, mới nhớ bản mường và đoàn quân mỏi, làm bài thơ nhan đề "Nhớ Tây Tiến."
Nỗi nhớ này được con trai thi sĩ là Quang Vinh kể lại với một nhà báo, nhà báo này viết lại như sau: "Nhiều lần, ông thấy cha mình ngồi rất lâu trước một cuốn sổ tay băn khoăn về cái tít vỏn vẹn có 3 chữ ấy. Có lẽ Tây Tiến là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Quang Dũng nên bài thơ thấm đẫm linh hồn đoàn quân hào hoa ngày nào, ông luôn luôn muốn có một sự chín chu đến từng câu chữ. Cuối cùng Quang Dũng lấy bút bỏ đi chữ "Nhớ."
Dù còn nhỏ, nhưng ông Vĩnh cũng buột miệng hỏi sau thi thấy cha "bóp trán" hàng năm trời ma chỉ sửa được vỏn vẹn duy nhất một chữ. "Chữ 'Nhớ' đâu có ảnh hưởng nhiều đến vần điệu bài thơ sao bố nghĩ gì mà lâu thế?" Quang Dũng chỉ cười mà rằng: "Tây Tiến, nhắc đến là đã thấy nỗi nhớ rồi. Thế nên để chữ 'nhớ' là thừa. Không cần thiết nữa con trai ạ." (3)
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Bước chân thi sĩ đã qua Sông Mã rồi, thi sĩ đang hướng về miền xuôi. Châu thổ người kinh nằm giữa Sông Hồng, Sông Mã; thi sĩ xa sông Mã là đang hướng về bản thổ cũ. Đang rời xa chiến trường rừng núi mà đã nhớ rồi. Đoạn thơ bốn câu trên, cũng như toàn bài thơ, qua bản viết tay của Quang Dũng, không hề có một dấu phẩy, không hề có một dấu chấm.
Nhớ Sài Khao sương mù, nhớ Mường Lát mù sương. Và nhớ những cuộc hành quân súng vác vai vượt một ngàn thước lên cao gần trời, đến nỗi mũi súng như chạm mây, thức dậy, ngửi được hương boa thiên tải, và lúc xuống đáy thung lũng, thấy Fa Luông như chìm trong biển mưa bàng bạc xa xa.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Fa luông mưa xa khơi.
Chữ Fa luông tác giả viết Fa, nhưng đã tẩy đi, viết chữ Pha bên trên, còn chữ luông không lên hoa. Bước chân rời Tây Tiến xa hơn, tác giả nhớ đến người bạn đã vĩnh viễn nằm lại Tây Tiến.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên dời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Anh không chết, anh chỉ không đi nữa, nằm lên hành trang và vũ khí, quên đi cuộc đời này. Tiếng thác ầm ầm của sơn lâm cũng là oai linh của hồn chiến sĩ. Tác giả tuy thế cũng nhớ đến con cọp thành tinh từng hiện về phá phách thôn bản trong vùng.
Trong một lần hành quân, đại đội của Đại úy Bùi Đình Diệm tới Mường Hịch, không xa Sông Mã. Người dân kể trong vùng có một con cọp đã thanh tinh, thường lẻn vào thôn bản vồ người mang đi mất xác; họ nhờ ông Đại đội trưỏng có súng, hạ nó cứu mạng cho dân trong bản. Quang Dũng, hào kiệt thời kháng chiến, cao lm73, cho trói một con lợn làm mồi, đêm ấy nằm chờ ác thú. Dân bản còn nhớ, đêm nghe mấy tiếng súng nổ, sáng ra thấy Đại úy và mấy binh sĩ hạ cọp vui vẻ trở về. Nhưng vì nó là hổ thành tinh, đã chống trả mãnh liệt, Quang Dũng phải bắn nhiều phát mới kết liễu được nó. (5)
Còn ở Mai Châu là những kỷ niệm khác, êm đềm hơn.
Khởi Hành số 201, Tháng 7. 2013
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Trai Hà Nội, người trung châu, lớn lên giữa Sông Hồng Sông Mã, đói ăn cơm gạo tám, lúa chiêm lúa mùa; yêu người vóc ngọc, thân ngà, giữa rừng thiêng nước độc sốt rét ngã nước không một viên kí ninh, tóc rụng đến trọc đầu, nhưng nghĩ đến giặc xâm lăng biên giới thì mắt trừng nẩy lửa, trong đêm hội ở doanh trại cao nguyên còn mơ mòng chuyện yêu đương cũng rất mơ mòng diễm tuyệt ở kinh thành:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn ai nẻo bến bờ
Có nhớ bóng người trên độc mộc
Trôi giòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm
Trong ba đoạn thơ trên, chữ Viên-chăn mới đầu viết là Viên chiên, sau tác giả sửa lại. Chữ giòng viết giòng, gi. Chữ Kiều, viết chữ K hoa. Hai khúc thơ cuối cùng của bài Tây Tiến, khúc trên dành cho người ở lại, những tử sĩ chôn vùi không có đến một manh chiếu quấn quanh thi thể (áo bào thay chiếu); họ dâng hiến tuổi trẻ cho chiến tranh, khóc họ chỉ có tiếng ầm ì, tiếng gầm thét của giòng Sông Mã. Khúc dưới dành cho những người đã chiến đấu ở Tây Tiến "mùa xuân ấy:", 1947; đã xa Tây Tiến trở về miền xuôi, nhưng lòng không về, lòng ỏ lại với núi rừng xưa, chiến hữu cũ:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Trong 9 năm thơ kháng chiến, bài Tây Tiến nổi trội vượt bực, và không một chữ nào nói đến lãnh tụ, nói đến lòng yêu nước, nhưng lòng yêu nước chan hờa trong từng câu, từng chữ và tình yêu thắm thiết trong đó là tình bạn hữu, tình yêu thiên nhiên, sông núi, và tình mộng cúa những chàng trai một thế hệ: thế hệ thanh niên chống Pháp xâm lược, "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh," làm nhiệm vụ thanh niên một cách thanh thản, tự nbiên, như tự ý thức nhiệm vụ phải thế, và lên đường.
Westminster, ngày lễ Thanksgiving, 2011.
1. Ngô Văn Chiêu, bộ đội, viết trong Hồi ký: "... quân đội chính qui được lệnh rút khỏi Hà Nội từ ngày 25 tháng 11, (1946)" theo Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy, trang 2136. Cũng sách này, cuối trang, theo tướng Vương Thừa Vũ: "Ngày 17.12, tiểu đoàn cuối cùng của Vệ Quốc Đoàn rút khỏi thành phố, lui về Bạch Mai." Như thế, khi cuộc nổ súng bắt đầu, ngày 19.12, bảo vệ Hà Nội chỉ có thanh niên sinh viên Hà Nội, không có đơn vị chính qui nào.
2. Hoàng Cơ Thụy (2002): Việt Sử Khảo Luận, Nam Á, Paris. Xem thêm "Dương Quảng Hàm, mùa đông 1946," Viên Linh, Khởi Hành 110, 12.2005.
3. Lê Khải Trạch (1974): trong thư gửi Viên Linh, Thời Tập số 20, 2.1975.
4. Viên Linh "Dương Quảng Hàm, mùa đông 1946," Khởi Hành 110, tháng 12.2005.
5. Lâm Bình (2008): "Những câu chuyện phía sau bài thơ Tây Tiến," VnExpress.Net.