Nhà thơ Hoàng Cầm
Vừa rồi có một anh bạn ở Úc Châu (xin gọi bằng một tên giả là X) đến Dallas thăm một người bạn (cũng xin gọi bằng tên giả nốt: Y). Vì hai vị này đã về Việt Nam ra cả Hà Nội nên không dám xài "bạc thiệt" xin độc giả lượng thứ.
Cả hai đã đi chơi nhiều nơi ở miền Bắc và đã đọc báo Hà Nội rất nhiều. Nhưng không dám cầm về, cho nên chỉ nhớ và kể lại tuồng bụng cho tôi nghe. Lý do các anh đến thăm tôi là: anh X đến để hỏi tôi mua quyển Văn Nghệ Sĩ miền Bắc tập 2, còn anh Y thì muốn gặp tôi để kể cho tôi nghe chuyện Phùng Quán và nhiều chuyện văn nghệ khác vì anh có đọc quyển VNS Miền Bắc tập I của tôi. Và tôi xin ghi lại như sau:
... Ở ngoài đó người ta hành hạ xỉ vả Hoàng Cầm dử lấm. Một lần nọ vì Hoàng Cầm mở quán rượu để kiếm sống thì bị công an "mời". Chắc anh hiểu chữ "mời" của họ rồi, tôi không phải giải thích. Hoàng Cầm đã chết vợ từ lâu, tôi không biết năm nào, nhưng đọc báo thì thấy nói như thế. Anh còn được đứa con gái chạy tần chạy tảo nuôi cha, nhưng không hiểu vì sao vợ chết không lâu anh lại mất luôn đứa con gái. Cụt mất nguồn sống và nguồn tình cảm, anh suýt gục ngả, nhưng cũng may, anh gượng đứng được và sống đắp đổi qua ngày nhờ cái quán. Bài báo mà tôi được đọc không nói rõ quán ở nơi nào? Sợ bợm nhậu biết rồi đến đông quá, anh không có rượu bán chăng? Tuy vậy bạn bè cũ và khách mới đến cũng khá khá. Thấy anh dễ thở người ta bèn kiếm chuyện. Người ta "mời" anh lên đồn "làm việc".
Chữ "làm việc" của họ anh cũng hiểu rành mà, phải không? Người ta bảo anh làm bản kiểm thảo. Anh nói: "Tôi không biết làm kiểm thảo, tôi chỉ biết làm thơ!". Người ta có quyền trong tay nên đâu có chịu thua một anh nhà thơ ngang bướng. Anh bị kết án ba tội. Tội thứ nhất là tội bán rượu là loại lương thực nhà nước cấm. Tội thứ hai là tội bán rượu không có môn bài. Tội thứ ba là quán rượu rù quến khách làm ngưng trệ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tôi (Xuân Vũ) cười:
- Tội thứ tư là tội phá hoại hòa bình thế giới!
Anh X tiếp:
- Tôi quên tội thứ ba là tội tụ tập nhiều người để nói xấu chế độ và làm đình trệ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tội nói xấu chế độ là tội chết phải không anh? Vì chống viết kiểm thảo nên người ta bắt anh quay mặt vô tường... Báo không có nói là Hoàng Cầm phải đứng như vậy bao lâu, nhưng Hoàng Cầm vẫn không chịu viết kiểm thảo. Gan cóc tía như vậy nên anh được nhận một "danh dự" khác là mang trên cổ một tấm bìa cứng có dòng chữ "HOÀNG CẦM BÁN RƯỢU LẬU" và lôi đi bêu riếu ngoài đường. Hoàng Cầm vẫn đi như thường. Đó là sự thực, tôi đọc trên báo Hà Nội mà. Tôi nhớ nguyên, không thêm không bớt.
- Báo nào anh có nhớ không?
- Hình như báo Lao Động hay báo Hà Nội mới gì đó!
- Chắc là báo Lao Động của thằng Xuân Cang làm chủ nhiệm. Tôi có quen nó. Nhưng nghe nói nó mất mẹ nó chức tước cùng một lúc với thằng Nguyên Ngọc, chủ nhiệm báo Văn Học rồi. Chớ không phải báo Hà Nội mới đâu, vi Hà Nội Mới là báo đảng.
- Báo đảng thì đảng chớ họ nói tưới ra hết. Tôi thật bàng hoàng khi nghe Hoàng Cầm bị làm nhục đến thế. Họ trả ơn cho một nhà thơ có công lớn với kháng chiến bằng cách đó. Đảng vĩ đại hơm cả trẻ con!
Anh bạn Y lắc đầu, tiếp:
- Chưa hết đâu anh. Họ còn chụp ảnh, phóng to dán trên đường phố. Rồi họ lục soát nhà, lấy được tập thơ KINH BẮC rồi không trả lại. Anh có biết nội dung tập thơ đó không?
- Không biết nhưng tôi đoán chắc Hoàng Cầm không ca ngợi đảng như Huy Cận, Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Tôi thuộc thơ ảnh từ l950, tôi không thấy chữ "đảng" nào trong thơ Hoàng Cầm hết ráo. Chỉ có một câu:
Mẹ ơi, con đã về đây
Cha già chót vót giơ tay đón mừng
Độc giả có thể hiểu lầm "cha già" là HCM, nhưng không phải. Vì ở trên có chữ "mẹ" mà Hồ thì tự nhận là độc thân từ thuở thanh xuân chí ư bạch phát và không con. Vậy "cha" đây không phải là Cha Hồ.
Anh bạn X kể tiếp:
- Sau cái chết của vợ con, Hoàng Cầm có lúc đã trở thành lẩm cẩm, quên trước quên sau. Có lúc nấu cơm xong, anh bới ra cho chó ăn hết rồi nhịn đói. Có khi ăn cơm xong lại đi nấu nồi khác rồi bỏ đó "để dành bộ đội tới thì tiếp tế". Ai hỏi tại sao nồi cơm còn đầy? Anh bảo: nồi này thuộc đời Ngũ Đế ăn hoài không hết. Nhằm lúc gặp anh đi ngoài đường, người ta hỏi anh đi đâu, anh cười: "đi tìm lá Diêu Bông". Anh bán rượu cho khách và bảo: muốn ra thơ cứ cho rượu vào. Tửu nhập, thi xuất.
Hình bìa: Nhà thơ Phùng Quán
(Nguồn: Kệ sách Học Xá)
Một hôm Phùng Quán tới thăm. Báo chỉ thuật lại mà không nói anh ở đâu. Nếu tôi biết tôi cũng dám tới thăm ảnh lắm. Phùng Quán hỏi:
- Anh Hoàng Cầm có bài thơ nào mới làm cho em xin!
Hoàng Cầm lắc:
- Tôi không biết làm thơ
- Vậy lâu nay anh làm gì?
- Không làm gì hết!
- Nghĩa là sao?
- Nằm, ngồi, ngồi xong thì đứng dậy rồi đi. Chỉ có thế thì đâu gọi làm gì được!
- Đi đâu, sao không thấy anh lên Hà Nội?
- Chỗ nào có lá Diêu Bông thì đi. Hà Nội không có lá Diêu Bông nên không đi!
- Sao anh không làm thơ như trước?
- Không muốn làm nữa.
Anh bạn Y ngưng ngang. Tôi nghe ruột thắt lại. Hoàng Cầm không làm thơ nữa. Đời thiệt hại biết bao nhiêu, nhưng người ta không nghĩ tới sự thiệt hại đó. Người ta chỉ muốn cho đời nhìn Hoàng Cầm như một tội nhân bán rượu lậu và phá hoại hòa bình thế giới. Nhưng đâu có ai nhìn Hoàng Cầm với cặp mắt đó. Hoàng Cầm không làm thơ cũng như Thế Lữ, kiện tướng Tự Lực Văn Đoàn, người mở đầu kỹ nguyên thơ mới Việt Nam, từ sau Cách Mạng tháng tám đến chết không viết một câu thơ. Cấp trên có hỏi, anh đáp: "Tôi chưa chỉnh được cái đầu nên chưa làm!" Xưa Thế Lữ nổi tiếng vì làm thơ, nay Thế Lữ lại nổi tiếng vì không làm thơ. Ai cũng biết và tiếc Thế Lữ không làm thơ nữa.
Bọn Tố Hữu độc chiếm làng thơ và tôn thờ những bài thơ trật vần và thô kệch, khiến cho thơ không nẩy nở được và người yêu thơ cũng thưa đần. Chúng chỉ tạo nên những tên "thiếu tư cách và mất dạy" - như cô bé Hương từng bình phẩm. Rất đúng. Xưa Thế Lữ học ai? Balzac, Hugo học ai và thầy Nguyễn Du là ai?
Rồi tới Hoàng Cầm. Anh học ai? Không học ai cả. Càng không học đảng.
Tại sao anh không làm thơ nữa? Ai cũng hiểu sự cay đắng trong lòng nhà thơ. Năm 1949, bài "Đêm Liên Hoan" của anh nằm trong ba lô một anh chiến sĩ từ Việt Bắc vượt Trường Sơn vô Nam, còn nguyên nét mực chép tay đã bay ra khắp miền Đông xuống miền Tây như một luồng gió kỳ diệu cho chiến sĩ và nghệ sĩ. Đã 50 năm rồi đấy, Đêm Liên Hoan vẫn mới tinh khôi nét bút của nhà thơ kháng chiến số một.
Bạn Y tiếp:
- Phùng Quán tạm dứt ngang câu chuyện thơ với Hoàng Cầm và đi ra sau bếp. Cái bếp không có bàn tay đàn bà, lạnh tanh lạnh ngắt. Mấy cục gạch ngả nghiêng. Nồi soong trống hốc.
Bốn mươi năm trước, anh đã viết bài "Đêm Giao Thừa" tặng người chiến sĩ chống Pháp:
Tôi có người vợ nghèo
Đời vất vả gieo neo
Từ khi chồng ra lính
Nhà tranh bỗng hắc hiu
Lần hồi rau cháo dăm phiên chợ
Thì ngày nay chính cái cảnh đó lại là cái cảnh của anh. Nghe tiếng khua sột soạt, Phùng Quán nhìn lên nóc nhà: một mảng rách được che bằng một tấm giấy xi măng có in hình con rồng đỏ, nhãn hiệu của nhà máy xi măng Hải Phòng Cải Tiến. Gió thổi giấy lật lên tạo nên âm thanh như nhạc. Con rồng chỉ uốn éo nhưng không bay được, vì sợi dây buộc vào chiếc sườn tre quá chắc. Phùng Quán giơ tay giật phắc rồi tiện tay nhặt mấy mẫu gạch non đi trở lại nhà trên.
Hoàng Cầm vẫn còn ngồi ở bàn, tay chống cằm, mắt trống không chẳng chút xúc cảm.
Hoàng Cầm nhìn Phùng Quán trãi tờ giấy trên mặt bàn hồi lâu mới hỏi:
- Cậu làm gì thế?
- Em viết bài thơ tặng anh
- Tôi không đọc được thơ
- Nhưng thơ em, em tin anh đọc được.
Rồi Phùng Quán cắm cúi viết bằng mẫu gạch non. Một mạch, Phùng Quán viết xong bài thơ, đưa cho Hoàng Cầm và nói: "Dù anh không đọc anh vẫn hiểu em viết gì. Em không tin rằng một người như anh lại suy sụp và không làm thơ nữa. Em xin phép anh dán nó lên vách này. Mưa không xóa nổi nó, gió không giật nổi nó. Nó sẽ ở bên anh. Em đi đây!".
Phùng Quán bước ra cửa, còn ngoảnh lại nhìn. Bài thơ thật lớn, chữ nào cũng lớn, ngời ngời:
Tôi tin núi tàn
Tôi tin sông lấp
Nhưng tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp
Tôi tin anh, nhà thơ, đã viết
Cách đây 30 năm
Những vần thơ lẫm liệt
Tiểu đội anh những ai còn ai mất
Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi.
Thế gian có một ngàn con sông
Và một ngàn nhà thơ lớn
Nhưng chỉ có một dòng
May được thơ xưng tụng
Nhờ đó mà vang vọng
Nhờ đó mà vinh danh
Đó là con sông Đuống
Con sông của quê anh
Mà bàn tay anh xót xa như ngón rụng
Tôi có một niềm tin sắt đá như đinh đóng cột
Ngày nào anh nhắm mắt
Đi sau linh cữu anh
Ngoài bạn hữu gia đình
Có cả con sông Đuống
Sông Đuống sẽ mặc đại tang
Khóc bên bồi bên lỡ
Sóng cuộn bờ nức nở
Ngàn đời chịu tang anh
Tôi tin núi tàn
Tôi tin sông lấp
Nhưng tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh
Lại ngã lòng suy sụp.
Một buổi gặp gỡ nặng nề hiu hắt cửa hai người đàn ông, một người là nhà thơ còn người kia cũng là nhà thơ.
Hoàng Cầm nhìn bạn bước nhanh ra sân rời khỏi ngỏ, không một lời.
Anh gục đầu trên mặt bàn.
Ngờ đâu tâm sự đó là lời vĩnh biệt của Phùng Quán đối với Hoàng Cầm.
Tháng 3-95