10-10-2017 | VĂN HỌC

Phan Khôi

  XUÂN VŨ

Bài liên quan:


- "Kiện Tướng" Phan Khôi mới thực là Lãnh tụ của Văn Chương Phản Kháng (Thái Việt)
- Phan Khôi (1887–1959) (Thụy Khuê)
- Hồ Sơ Phan Khôi (Lại Nguyên Ân)
- Một việc rất có ảnh hưởng đến tâm thuật của sĩ phu (Phan Khôi)
- Phê bình lãnh đạo văn nghệ (Phan Khôi)
- Ông Năm Chuột (Phan Khôi)
- Ông Bình Vôi (Phan Khôi)


      Cụ Phan Khôi
      (1887-1959)

Đốt cây nến cũ

Đọc lại từng trang

Bóng người cao dội

Dáng đứng hiên ngang


Tham vọng viết văn của tôi không biết đến cỡ nào. Đạt tới đâu? Nhưng thấy còn sức viết được thì cứ viết, dù một trang, một dòng hay một chữ. Lắm lúc tôi ngừng viết nửa chừng một truyện ngắn hay một cuốn sách để lục lọi tìm sách của những bậc tiền bối mà đọc. Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Maupassant v.v... Để chi? Để coi có phải lâu nay mình viết văn hay mình viết cái gì mà cứ tưởng mình viết văn!


Như hôm nay đây, tôi tìm gặp lại nhà văn Phan Khôi trong truyện Ông Năm Chuột. Tôi đọc Ông Năm Chuột cách đây gần 40 năm, lúc tôi làm phóng viên cho báo Văn Nghệ Hà Nội do Nguyên Hồng làm chủ nhiệm.


Bài giới thiệu tiểu sử Phan Khôi nói là do in truyện này mà báo bị đóng cửa. Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ có phải thế không, nhưng quả có đúng là lúc đó báo Vân Nghệ và báo Học Tập (cơ quan lý luận của VC Hà Nội) đang choảng nhau nảy lửa. Hai ông kẹ viết bài chống Thế Toàn đăng trên báo Học tập (nhằm chống dối báo Văn Nghệ) là Nguyên Hông và Nguyễn Tuân. Nhưng sau vài trận đấu phép thì tôi thấy Nguyên Hông nghỉ chức chủ nhiệm lui về Bắc Giang và Nguyễn Tuân có bài tự phê bình trên báo Văn nghệ. Rồi đại úy Vũ Tú Nam kiêm nhà văn về thay Nguyên Hồng.


Bây giờ đọc lại truyện Ông Năm Chuột, tôi thấy Cộng Sản đóng cửa báo Văn Nghệ là phù hợp với tư tưởng lãnh đạo, bởi Ông Năm Chuột là cái truyện ác thiệt. Đó là một quả búa tạ ngàn cân nện vào thái dương Hồ Chủ Tiệm. Thì bọn Tố Hữu làm sao "không trừng trị" cái tờ báo đăng nó được.


Kẻ hậu sinh này không dám khen bậc tiền bối, chỉ xin bái phục tác giả Ông Năm Chuột. Thời đó Ông Năm Chuột đã trở thành nhân vật trên cửa miệng các nhà văn. Tôi xin trân trọng mời độc giả xem lại truyện ngắn cửa nhà văn Phan Khôi.


Bây giờ tôi xin ghi lại những lời tôi gặp nhà văn lão thành ở Hà Nội vào thời kỳ sau hiệp đinh Genève. Lúc đó phố phường đèn điện hãy còn xa lạ với lũ cán bộ chúng tôi ở Việt Bắc về hay ở miền Nam ra. Nằm được trên mặt ván phẳng duỗi thẳng chân, cơm ngày hai bữa, không thất thường là hạnh phúc rồi. Tiếng là kháng chiến để đến lúc thành công thì mọi người được sống trong một xã hội không giai cấp nhưng khi về thủ đô thì kháng chiến hiện rõ là một xã hội có nhiều giai cấp nhất thế giới. Khi xưa ở rừng Việt Bắc, cơm nắm muối vừng nước suối mà sao đẹp thế? Ở Tháp Mười bông súng mắm kho mà sao mặn mà tình nghĩa thế? Sao chúng tôi yêu mến nhau thế?


Lúc hai mươi tuổi, tôi đã viết năm đoạn lời cho một bài hát trong một tiếng đồng hồ khi ngồi cất tóc, bài Niềm Thương Mến (nhạc của Phan Vân) được giải thưởng Cửu Long năm 1950. Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in:

Đoạn I.-

 

Trải qua mấy mua Thu kháng chiến

Chúng ta là người ở bốn phương

Cùng thoát ly gia đình ra đi

Cùng gặp nhau trong đại gia đình

Vệ Quốc Quân, Vệ Quốc Quân

(qua điệp khúc)


Đoạn II.-

 

Tấm khăn rách còn nhường cho nhau

Giữa đêm trường dầy sương gió reo

Lòng súng ôm trong bàn tay run

Cùng chia sớt khi cùng đói lòng

Từng miếng khô, từng vắt cơm

(qua điệp khúc)


Đoạn III.-

 

Có những lúc nằm kề bên nhau

Nói tâm tình lòng không giấu nhau

Càng hiểu nhau ta càng thương nhau

Càng thương nhau chung một mối tình

Vệ Quốc Quân, Vệ Quốc Quân

(qua điệp khúc)


Đoạn IV.-

 

Nhớ những phút nằm chung trận tuyến

Xé khăn mình liền bông vết thương

Choàng cánh tay ôm người bạn ta

Làn môi xanh chưa tàn nụ cười

Dòng máu tươi tràn ướt tay

(qua điệp khúc)


Đoạn V.-

 

Trãi năm tháng đời vui chiến đấu

Sống bên mình thề đi giết Tây

Dòng máu tuôn nhưng lòng không nao

Dù gian nan không một bước lùi

Nghèo súng gươm, giàu chiến công

(qua điệp khúc)

Trong cuộc kháng chiến tôi thấy đất nước thật đẹp. Tổ quốc vô cùng cao cả. Giang san vô thượng!


Nhưng than ôi! Kháng chiến thành công một nửa rối. Point final tất cả. Đồng chí hóa ra đồng choé - rồi đồng chó. Mới hôm qua còn ngủ ổ rơm "gác chân nhau tìm hơi ấm", hôm nay thằng ở villa, đứa chui trong ga-ra, thằng di xe Volga, đứa cuốc bộ lòi con mắt. Tiêu chuẩn được đặt ra. Phiếu thực phẩm được phân phát. Cứ đó mà bán, mà mua, mà sống. Đồng chí cũ ngày xưa nay khó gặp. Văn nghệ sĩ là lóp người bị đánh giá thấp nhất. Trừ những ông bà lãnh đạo, hạng thường đều lãnh loại Cl, C2, C3. Kỹ sư linh hồn là thế!


Vì vậy nên có một cuộc họp mặt ở số 2 Bà Triệu, ngang chỗ ngả tư Tràng Thi và Hàng Trống, đối diện với đồn Công An. Hàng Trống là con dường có cái trụ sở báo láo Nhân Dân. Cuộc họp này có nục đích yêu cầu của văn nghệ sĩ là đòi Trung ương giải thích mấy vấn đề gì đó. Sau cùng có "phụ đề Việt ngữ" về đồnng lương chết đói hiện thời. (Không nhớ là bao nhiêu, nhưng tệ lắm. Trong lúc đó lãnh tụ thì phây phây ô tô nhà lầu đúng với phương châm cách mạng: làm đầy tớ dân!).


Ngươi đến nói chuyện là Trường Chinh. Ông ta rào đón trước: Vì bận họp Trung ương gấp nên chỉ gặp anh chị em trong vòng 10 - 15 phút thôi. Hẹn khi khác sẽ mạn đàm thêm. Và đúng 10 phút, ông ta xem đồng hồ, nói thêm ít câu rồi xin rút lui. Đại khái thì cũng cái điệu muôn năm cũ: "chiến tranh vừa kết thúc, nước ta còn nghèo... v.v..."


Thế là xong buổi họp, toi công những người cuốc bộ tới đây... nghe Trung ương. Gã cần vụ xách cái pa-đơ-xuy-đơ-vin tới quàng lên vai ông Tổng Bí Thư như nhắc ông ra về. Một ông già gầy nhom chống gậy ra chặn ngang lối đi:

- Xin cho tôi hỏi một câu.


Gã cần vụ đẩy ông ta sang một bên, nhưng ông ta còn cố nói:

- Xin cho tôi hỏi một câu thôi.


Cả mấy trăm văn nghệ sĩ im phắc chờ đợi ông Tổng Bí Thư dừng lại và chờ nghe câu hỏi của ông già kia. Nhưng ông Tổng Bí Thư được gã cần vụ rẽ sẵn lối nên đi thẳng ra cửa mất tiêu. Ông già ngó theo. Mấy trăm cặp mắt phóng theo. Câu hỏi của ông già vẫn còn nằm trong bụng.


Phải chăng buổi họp đó là cái đoạn dạo nhạc mở đầu cho phong trào Nhân Văn Giai Phẩm? Sau đó ít lâu, một cuộc họp đông hơn: Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quốc lần thứ II", (Đại hội lần thứ I ở Việt Bắc đâu hồi 49. Lần đó văn nghệ sĩ cũ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu bắt buộc phải khai tử những đứa con tinh thần của mình?). Đại hội kỳ II ở tại Thủ đô, nhưng tiền đồ tối om chẳng hơn gì đại hội ớ núi rừng Việt Bắc. Nó đánh dấu "chiến thắng vĩ đại" của đảng: Đè bẹp nhóm Văn Nhân Giai Phẩm. Vì thế đảng kêu đám văn nghệ sĩ tới để ăn mừng và nói rõ với toàn dân cái điều đó.


Trên bàn chủ tịch đoàn có Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Ái Liên, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Cẩn... Cử tọa có đủ mặt thần dân văn nghệ sĩ, trừ: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, nhưng có Văn Cao. Hơn nữa Văn Cao lại còn ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Không có Văn Cao thì còn ra cái đại... gì nữa. Cho nên người ta phải triệu Văn Cao tới chớ không phải người ta yêu mến gì Văn Cao).


Để cho thêm phần long trọng, đại hội được vinh dự đón phái đoàn đại biểu của Ban Chấp Hành Trung ương đảng đến huấn từ, do Trường Chinh cầm đầu. Trường Chinh đọc thư BCH/TƯ gởi đại hội rồi Nguyễn Đình Thi thay mặt đại hội đọc thư đại hội gởi BCH/TƯ, lễ nghi đâu đó tươm tất không chỗ nào chê được, coi như kế hoạch nhà nước hoàn thành vượt mức ghi vôi.


Trường Chinh sắp sửa đứng dậy kiếu từ thì từ hàng ghế cử tọa, một ông già đứng lên tại chỗ, không đi đâu nhưng tay vẫn chống gậy. Ông già cất giọng san sản:


- Tôi xin hỏi một câu!


Trường Chinh giật mình ngó xuống, rồi không chậm trễ, lẳng lặng rời ghế đi vào hậu trường. Và biến luôn. (Xin mở ngoặc chỗ này một chút. Các đại hội ở nhà hát lớn đều được vinh dự đón lãnh tụ đảng bằng cửa hậu chớ không bằng đại tiền môn, kể cả Hồ Chủ tiệm. Trong lúc lãnh tụ vào trong, công an bố trí đen nghẹt chung quanh cái cửa hậu đó và các gốc cây bên hông nhà hát. Lãnh tụ vô hối hả nói láp dáp vài câu rồi rút lui liền cũng bằng ngỏ hậu chớ không ra ngỏ trước).


Ngài Tổng Bí thư lúc này chưa mất chức nhưng không muốn trả cái nợ tinh thần cho ông già quen mặt ở số 2 Bà Triệu, nghĩa là trả lời câu hỏi mà chắc chắn ông ta sẽ được nghe kỳ này.


Chủ tịch đoàn bèn ủy nhiệm cho cụ Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm, ủy viên Ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật đang ngồi ghế chủ tịch đoàn đối đáp. Đại hội đứng dậy sửa soạn ra về. Một ông nào đó trong đoàn chủ tịch nói to:


Đại Hội đã bế mạc, xin quý vị tự tiện ra về.


Nhưng ông già còn đứng chống gậy kia, không ai muốn rời ghế ra về. Họ chờ xem cái câu hỏi của ông là câu gì? Cụ Hoàng Ngọc Phách nói với ông già đang đứng sửng như gốc cây to không gió:


- Xin mời cụ phát biểu.

Ông già lác đầu và đáp:

- Tôi muốn hỏi người khác. Và tôi muốn được người đó trả lời.


- Tôi xin thay mặt đại hội để ghi nhận lời cụ.

- Cảm ơn! Tôi muốn được người đã hứa với tôi trả lời cho tôi.


Bốn mươi năm qua. Cái câu hỏi đó tối nay chưa ai được nghe, nhưng ai cũng biết đó là câu gì, hoặc những câu gì.


Ông già đó chính là nhà văn Phan Khôi, người đã tặng cho ai đó cái danh hiệu Ông Bình Vôi, không biết ai đó có đọc không, và đọc có hiểu không?

Tóm lại, cái binh vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rủ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ, không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái gọi bằng "Ông".


Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại (l)

Tại sao hai lần đối diện, Trường Chinh không nhận đối đáp với nhà văn Phan Khôi? ông ta cun cút lũi đi như trốn nợ, giữa tia mắt kinh ngạc của hàng ngàn văn nghệ sĩ Hà Nội. Nhà "mác xít thiên tài" lại không đủ lý luận biện chứng pháp để giải đáp một câu hỏi của một nhà văn bình thường sao?


Cho đến lúc cụ Phan mất, tôi chỉ gặp cụ có hai lần. Cụ từ trần, nghe nói là bệnh già, nhưng không biết tại đâu, tống táng ra sao. Tôi chỉ biết con trai cụ là anh Phan Thao, đảng viên CS, chủ nhiệm báO Thống Nhất, cách Hội Nhà Văn một bức tường, không (được) đến viếng cha lúc lâm chung. Cũng không di đưa cha ra phố mộ. Nét mặt anh đau khổ trông thấy. Hàng mấy năm như vậy. Mỗi lần tôi gặp anh, anh chỉ nói vừa đủ số chữ và thầm thì vừa đủ nghe. Khi cần phải gặp thì tôi mới đến. Tôi không muốn nhìn nét mặt đau khổ của anh. Hình như anh không thiết gì cả.


Rồi... không biết vào năm nào anh từ trần. Ở dưới kia chắc không còn sự chia cất như ở trên này, hoặc ở trên kia không còn sự phân rẻ phụ tử như ở dưới cái trần gian xã hội chủ nghĩa này.


Về phần tác phẩm của cụ Phan thì rất nhiều, một số được in ra, một số không ai dám in vì cái miệng Hỏa Lò rộng lắm mà lại có chấn song sắt và cai ngục là Tố Hữu. Cho nên tôi chỉ đọc được chút ít.


Trong đó có tập Nắng Chiều. Cuốn này bị cấm nên không ai được đọc. Nhưng anh Võ Văn Ái sưu tầm được bài "phê phán tư tưởng phản động của Phan Khôi trong sáng tác" của Đoàn Giỏi đăng trong báo văn nghệ số 15-8-1958. Tác giả bài này trích đăng nhiều đoạn để "phê phán". Nhờ đó mà chúng ta biết được một phần nội dung cửa Nắng Chiều, mời độc giả đọc những đoạn trích từ tập sách kể trên.

... "Có một thứ thực vật nữa cũng như sen Nhật Bản, ở xứ ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy. Chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có.


Đầu tiên thấy nó rải rác ở tỉnh Phú Thọ, nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại như rừng ken kít nhau. Nơi gọi nó là Cỏ Bù Xít vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là Cây Cứt Lợn, nơi gọi là Cây Chó Đẻ. Tên đều không nhã tí vào. Thứ cây ấy, người có học không gọi là Cây Cứt Lợn dại mà gọi bằng Cây Cộng Sản.


... Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với đảng Cộng Sản Đông Dương bắt đầu hoạt động. Phong trào CS cũng lan nhanh như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là herbe communiste, đáng lẽ dịch nó là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi nó là cây cộng sản.


Hỏi ông, tên nó là cây gì, ông nói tên nó là Cỏ Cụ Hồ. Thử cỏ này trước kia ở đây không có, từ ngày cư Hồ về đây lãnh đạo cách mạng thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường xá, đồi đồng, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng nột lúc với cụ Hồ về thị gọi nó như vậy".

Đoàn Giỏi được đi Liên Xô tham quan trong phái đoàn nhà văn gồm có ba người: Nguyễn Văn Bổng (Trung Kỳ), Anh Thơ (Bắc Kỳ), Đoàn Giỏi (Nam Kỳ). Khi trở về anh thuật lại chuyện bà nữ sĩ Anh Thơ. Qua bên xứ người ta bả làm ê mặt quá. Trong một cuộc họp bả xin phép cho gặp "Mác Xim Kaki". Tụi này thiếu điều độn thổ. Người ta tên Gorki, bả sửa ra là Kaki. Ông đã chết tám chục đời mà còn đòi gặp!


Không biết có phải nhờ bài phê bình kể trên mà Đoàn Giỏi được đi Liên Xô hay không, nhưng sau khi đi Liên Xô về thì anh viết bài Thao Thức đăng chung trong tập truyện của "nhà văn" Nam Kỳ. Bài này bị ở trên nhận xét là "phản ứng giai cấp". (Đoàn Giỏi thành phần địa chủ, đi kháng chiến từ năm 45, quê Mỹ Tho) trong đó nhân vật tên là Hoài trong một buổi tâm sự vụng với bạn đồng hương đã nói:


- Sao hồi đó Ban tổ chức trung ương không bịt cái lồn mẹ tao đi, để đẻ tao ra rồi qui tao là địa chủ phản động?


Anh em văn nghệ sĩ Nam Kỳ khoái câu đó lắm và kháu nhau: "Chỉ có ông Giỏi mới dám chụp cái l... lên đầu đồng chí Lê Đức Thọ!"


Sau Thao Thức, Đoàn Giỏi mất chức. Lại có tiếng đồn rằng chính anh vờ phê phán tập Nắng Chiều (với những câu, những danh từ vô cùng nặng nề và đúng lập trường một trăm phàn trăm) nhưng chủ ý là để cho độc giả biết được nội dung của tập sách này.


Riêng truyện Ông Năm Chuột thì làm Tố Hữu nhăn nhó đay nghiến văn nghệ sĩ mấy buổi họp liền. Tác giả Ông Năm Chuột đã chê bọn lãnh đạo là dốt nát mà tưởng mình giỏi, ngu mà tưởng anh minh.


Nguyên cái câu: "Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi!"- cũng đủ cho bọn "Trung ương" đau như hoạn. Ông Năm Chuột phải là vạn đại quân sư của chúng. Nhưng như bạn đọc thấy đó, bọn chúng vẫn luôn không chịu học mà cứ hay huấn từ văn nghệ sĩ. Hết Tố Hữu rồi đến Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Rồi Nguyễn Văn Linh. Cả cái anh Đỗ Mười cũng đến đại hội nhà văn đọc diễn văn! Tôi thấy thương anh ta quá xá! Sợ văn nghệ sĩ làm bậy, nhưng chính chúng lại làm bậy nhất lịch sử.


Tháng 5 - 95

(1) Cụ Phan viết truyện ngắn Ông Bình Vôi để minh họa 4 câu thơ trên của Lê Đạt.

Xuân Vũ

Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, Tập II
Nhà xuất bản Đại Nam, 1997.