Hoàng Cầm (1922 - 2010)
1949 cũng là năm Mao thành công tại Trung Quốc, đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan. Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố chính thức đi theo đường lối Trung Quốc, thực hiện Đấu tranh giai cấp trên toàn lãnh thổ.
Trong bối cảnh đó, đại hội văn nghệ tháng 8/1950 tại Việt Bắc, có tính cách quan trọng đặc biệt, quyết định dành ưu tiên cho Kịch (bộ môn có tương lai trong nền văn nghệ xã hội chủ nghiã) và loại trừ tất cả những sản phẩm văn nghệ được coi là tàn tích của phong kiến và tiểu tư sản như Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch thơ ra khỏi nền văn nghệ Cách mạng.
Quyết định này phù hợp với chính sách tiêu diệt phong kiến và loại trừ tiểu tư sản ra khỏi hàng ngũ Đảng. Quyết định này, đã buộc Hoàng Cầm phải "treo cổ" kịch thơ của mình, đã khiến Phạm Duy và nhiều văn nghệ sĩ khác bỏ kháng chiến vào thành, trong số đó có những Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến... sau này sẽ trở thành những cột trụ xây dựng nền Văn Học Miền Nam.
Báo Văn Nghệ dành hai số đặc biệt 25 và 26 (8-9/1950) về Hội Nghị Việt Bắc, với những lời giới thiệu xứng với tầm vóc đại hội:
"Ngày 26/7, hai năm sau Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai, đã khai mạc cuộc họp mặt văn hoá văn nghệ năm 1950. Non 100 đại biểu của Việt Bắc, khu ba, khu tư, và khu năm rất xa, đã tề tựu dưới mái giảng đường trường văn nghệ nhân dân. Các đại biểu đã vượt hàng tháng đường dài qua rừng núi, nắng mưa, qua những đồn giặc" (1).
Báo Văn Nghệ số 26, giới thiệu "Hội nghị tranh luận sân khấu" với 2 bài chính: Bài biên bản, không ký tên, và bài Những ngày hội nghị của Tô Hoài.
1- Bài biên bản cho biết: Thế Lữ tuyên bố khai mạc hội nghị. Tố Hữu đặt vấn đề thảo luận. Đoàn Phú Tứ thuyết trình "Quan niệm xây dựng sân khấu Việt Nam" với bốn ý chính:
Tuồng: "Thái độ dứt khoát của chúng ta bây giờ là đưa nó vào Viện bảo tàng".
Chèo: "Nên yêu chèo như một tử ngữ, hãy trân trọng xếp nó vào Viện bảo tàng".
Cải lương: "Cải lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại, để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp ngưòi mới phát sinh trong thời Pháp thuộc, mất gốc mất rễ, và giao động đến cực độ".
Kịch nói: "Một hình thức biểu diễn sân khấu mới nhất, tuy còn ít thành tích, nhưng rất nhiều tương lai" (2).
Trong phần tranh luận, chỉ Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp bênh vực cải lương. Kết Luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến. Cải lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại Kịch và phổ biến rộng rãi.
Bài biên bản này không nói đến kịch thơ. Không nói đến sự kiện Hoàng Cầm thắt cổ kịch thơ. Tố Hữu được mô tả như một người ngoài cuộc, không có ý kiến. Nhưng theo Phạm Duy, Tố Hữu là người chủ đạo trong hội nghị.
2- Bài "Những ngày hội nghị", của Tô Hoài cũng không nhắc đến vai trò của Tố Hữu. Tô Hoài chỉ thuật lại bối cảnh đêm diễn kịch thơ của Hoàng Cầm và việc Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ, với văn cách rất quen thuộc của ông. Trước hết Tô Hoài tả bối cảnh chung:
"Tối nay, ba đội kịch đấu làm một. Đội liên khu Việt Bắc diễn "Ngày hội tòng quân", kịch thơ của Hoàng Cầm, đội Vui Sống: "Số phải đi xa" kịch vui của Võ Đức Diên, đội Chiến thắng: "Anh Sơ đầu quân" của Nguyễn Huy Tưởng. Khán giả không phải chỉ có một trăm đại biểu. Khán giả từ các làng xa trong cánh đồng, phụ lão ông, phụ lão bà, các trung nữ, các đồng chí Nông dân, các (...) đêm nào cũng nghìn nghịt kéo đến, tối mưa thế nào cũng không bớt đông, đóm đuốc lượn rồng rắn rừng rực các bờ ruộng chật vòng trong, vòng ngoài sân khấu".
Rồi ông nhận xét về kịch thơ "Ngày hội tòng quân" và giọng ngâm của Hoàng Cầm:
"Anh Dũng, chị Lụa đương tình tự trong "Ngày hội tòng quân". Nói chuyện thường như ta nói qua bờ rào, nhưng đây đôi trai gái ấy lại đọc thơ cho nhau nghe. Có cái việc đi tòng quân mà cừ dùng dằng, bần thần mãi. Đứng dưới, bà con xì xào: "Sốt ruột thế!" - "Cái chị phụ nữ tốt giọng nhẩy !" - "Khốn khổ cái ông già ốm hay sao mà khặc khừ, lử đử vừa nói vừa run thế?" (ông già ấy đọc thơ). Đại khái tự dưng người ta nói, hoặc tôi hỏi, người ta nói như thế. Tôi nhớ lấy. Để mai nghe Hoàng Cầm mổ sẻ về nó. Lâu lắm mới lại được nghe Hoàng Cầm ngâm thơ. Cái giọng tài hoa sang sảng ấy, ngày trước vang ngân giữa cái tai bạn -những "kẻ sĩ" tiêu dao ngày tháng- bấy giờ nó ấm, nó tê tái thế, mà sao bây giờ nó lại loãng, nó nhạt trước một đám đông công chúng, xù xì, nhộn nhạo thế này. Tôi nghĩ lẩn thẩn giọng Hoàng Cầm hỏng thế, hay là tại thơ Hoàng Cầm?"
Sau cùng, Tô Hoài tả việc Hoàng Cầm tự kiểm thảo và tự treo cổ kịch thơ của mình:
Chiều 22/3 (3) Hoàng Cầm đứng trên diễn đàn (...) Hoàng Cầm nói về kịch thơ của mình (...) Anh phân tích "Ngày hội tòng quân" - Tôi định làm thơ thì lại là tôi giết chết kịch. Định làm kịch thì chết thơ. Chỗ nào tác giả cho là lâm li thì lải nhải, chỗ nào tôi chỉ có đối thoại thường, thì người xem lại cho là dễ nghe. Kịch thơ không thể sống được, nó không diễn tả đúng nhân vật. Bây giờ và cả mai sau, nó không thể còn đất đứng.
Hoàng Cầm bùi ngùi (thật cái thái độ của nhà kịch thơ lúc bấy giờ như thế) Hoàng Cầm bế kịch thơ của anh lên ghế đẩu, từ từ dấn đầu nó vào cái thòng lọng, rồi đạp cái ghế đi.
"Hội nghị này thanh toán cho tôi câu chuyện kịch thơ. Tôi xin tuyên bố: cho đến vở "Ngày hội tòng quân" (1949), tôi cho là cái sản phẩm cuối cùng của một sở trường cũ của tôi". Sau lời kêu gọi đưa ma cái đám thắt cổ ấy của nhà kịch thơ Hoàng Cầm, cử tọa im lìm, tưởng đã nghe tiếng sinh, tiếng phèng phèng, đám đông đang sửa soạn khóc cười phúng viếng." (4).
Nguồn: Kệ sách Học Xá
Bài của Tô Hoài trích dẫn trên đây, tiêu biểu cho lối "viết, lách" thần tình của ông. Để chứng tỏ sự "xuống dốc" của Hoàng Cầm, Tô Hoài nhắc lại "giọng tài hoa sang sảng" và "thành tích công tác treo đầy người" của Hoàng Cầm ngày trước, để chứng tỏ Hoàng Cầm bây giờ "tệ" như thế nào: kịch thơ gì mà đôi trai gái chia tay chỉ ngâm thơ, không thấy nói! Ông già gì mà giọng run rẩy! Giọng Hoàng Cầm loãng và nhạt, không biết là thơ dở hay ngâm dở... Mà dở như thế thì phải tự "treo cổ" thơ mình là cái chắc! Có gì mà tiếc! Tô Hoài có vẻ thú vị đã tìm ra những chữ đắc địa để đưa ma kịch thơ Hoàng Cầm: "tiếng sinh", "tiếng phèng", "tiếng khóc cười cúng viếng"!
Khéo thay bút pháp Tô Hoài!
Tiếc rằng sự lượn lẹo ngòi bút vẫn còn vài lỗ hổng:
Vào đầu, ông cho biết quần chúng "đêm nào cũng nghìn nghịt kéo đến" xem. Vậy người đọc sẽ tự hỏi: kịch thơ Hoàng Cầm "dở" như thế, mà sao quần chúng "đêm nào cũng nghìn nghịt kéo đến"? Rồi Tô Hoài hỏi: tại sao anh Dũng, chị Lụa không nói mà lại đọc thơ, khiến bà con xì xào: "Sốt ruột thế!" Tức là ông mượn lời bà con để chê kịch thơ không nói như kịch nói đấy! Tô Hoài tuyệt nhiên không nhắc đến việc Tố Hữu có tuyên bố gì, mà cũng không thấy ai chỉ trích kịch thơ, chỉ một mình Hoàng Cầm đứng lên tự xỉ vả và treo cổ kịch thơ của mình! Mà lại chọn cái chết rất dở: tức là đưa ra một vở kịch tồi tệ của mình, tự "phân tích" và tự nhận lỗi "Tôi định làm thơ thì lại là tôi giết chết kịch. Định làm kịch thì chết thơ" để đi đến kết luận "Kịch thơ không thể sống được". Tô Hoài viết vậy, chứ người đọc thì biết chắc Hoàng Cầm không ngu như vậy. Tác giả Hận Nam Quan và Kiều Loan không thể "chết dở" như thế.
Phạm Duy có mặt tại đấy, kể lại: "Đôi mắt của nó (5) vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng", chứ có loãng, có nhạt gì đâu! Cả Vũ Cao (6) trong bài đánh Hoàng Cầm, cũng quả quyết: "Năm 50, trong một cuộc hội nghị văn công, Hoàng Cầm ngang nhiên tuyên bố: "Đảng không nên dúng bàn tay vào chuyên môn nghệ thuật" (7).
Hoàng Cầm suốt đời gắn bó với kịch thơ, lại đáo để và cũng không coi Tố Hữu ra gì, vậy trước khi buộc kịch thơ của mình phải tuẫn tiết, chắc chắn Hoàng Cầm đã nghĩ ra một cái chết oanh liệt, hoành tráng, nghiã là ông phải đưa hết tài năng vào buổi trình diễn chót, vì thế mà quần chúng đã đội gió mưa "đêm nào cũng nghìn nghịt kéo đến", để xem cái chết của "kịch thơ Hoàng Cầm":
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô (8)
Còn Tô Hoài, đây không phải là lần đầu và lần cuối ông viết bậy. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài thuật lại rằng khi ông đưa bài đánh NVGP của mình trên báo Nhân Dân cho Nguyên Hồng xem, thì "Nguyên Hồng nói như hét vào mặt tôi: Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không. Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít" (9)
Năm 1993, về Hà Nội gặp Tô Hoài, tôi hỏi: "Tại sao anh lại viết thế? Em thấy có cả bài của Nguyên Hồng đánh NVGP trên báo Nhân Dân thì làm sao Nguyên Hồng có thể mắng anh được?". Bài Nguyên Hồng đăng Nhân Dân số 1451, ra ngày 2/3/1958, bài Tô Hoài đăng số 1461 ra ngày 12/3/1958, cách nhau có 10 ngày (10).
Times New RomanÔng bèn nói lảng: "Tôi nhớ đâu viết đấy chứ có nghiên cứu gì như cô!". Tức là ông có thể bịa hẳn ra một giai thoại để chứng minh mình đã "sám hối" ngay từ đầu, và ông "thành tâm" ghi lại "sự thực" ấy trong "hồi ký".
● Hội Nghị 1950 dưới sự ghi chép của Phạm Duy
Rất may là Phạm Duy cũng ghi chép rất tỷ mỷ về Hội Nghị Văn Nghệ 1950, trong Hồi Ký Kháng Chiến, trọn chương 32, nhờ đó, ta có thể biết nơi họp đại hội là "Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn." Từ Yên Giã, "đi vài quãng đường là tới Cù Vân, vượt qua Đèo Khế tới khu vực của các lãnh tụ. Hang Pác Bó là nơi ở của Chủ Tịch họ Hồ cũng nằm ở đâu đây".
Tới Yên Giã, Phạm Duy và Thái Hằng gặp Nguyễn Xuân Khoát "Và lập tức anh dắt tôi tới gặp Tố Hữu, người bắt đầu nắm trong tay vận mạng của toàn thể văn nghệ sĩ. Tố Hữu già hơn hồi tôi gặp anh ở Huế, vẫn ăn nói nhẹ nhàng nhưng có cái đanh thép ẩn trong câu nói".
Về đại hội và đường lối của đại hội, Phạm Duy viết:
"Thế rồi vào một ngày hè trong năm 1950 này, Đại Hội Văn Nghệ -có thêm vào đó hai chữ "Nhân Dân"- được khai mạc.(...) Trong ngày đầu tiên của Đại Hội, tôi thấy Chủ Tịch Đoàn đưa ra một đường lối gọi là "văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa". Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sáng tác và biểu diễn. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính?) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ và "báo cáo" đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho các quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó một số cố vấn Liên Xô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của Đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ (...)
Tôi cũng gặp cả Hoàng Cầm vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng".
Về Hội nghị tranh luận sân khấu, Phạm Duy viết:
Dưới sự chủ tọa của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại Kịch tức Kịch Nói. Sau nhiều tranh luận, Đoàn Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu. Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này:
- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.(...)
Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào biên bản của hội nghị:
- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào? Lập trường phong kiến? Lập trường tư sản hay tiểu tư sản? Không. Phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.
Về những phát biểu của Tố Hữu và việc Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ, Phạm Duy viết:
Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói:
- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu. Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng:
- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ. Nhưng Tố Hữu cười khảy:
- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.
Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ: A! Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã "từ lòng nhân dân mà ra". Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng.(...) Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ:
- "Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến".(...)
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử tọa bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
- "Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay." (...)
Tôi bị phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây; (11), Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên Giới. (...)
Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được "chỉ huy" mà không có ai dám phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới địa phương rồi mới phản đối bằng cách... "dinh tê". (12)
Ngày 1/5/1951, gia đình Phạm Duy bỏ kháng chiến, về Hà Nội, rồi vào Nam.
Hội Nghị Văn Nghệ Việt Bắc 1950, là giọt nước cuối cùng làm tràn chén. Ở những hội nghị trước đã có những đổ vỡ: Hội Nghị Văn hoá Toàn Quốc II, 1948: Nguyễn Hữu Đang bất đồng với Trường Chinh, bỏ về Thanh Hoá.
Hội Nghị Văn Nghệ 1948 và 1949, phê bình các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng và Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi.
Hội Nghị Việt Bắc 1950: tiêu diệt Tuồng, Chèo, Vọng Cổ. Phê bình nhạc Phạm Duy. Bắt Hoàng Cầm phải treo cổ kịch thơ.
Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng lần lượt hồi cư (1950), Phạm Duy về thành (1951), Hoàng Cầm ở lại, để trở thành một trong những người lãnh đạo NVGP.
Sự việc Tố Hữu triệt hạ kịch thơ Hoàng Cầm còn có một lý do khác, đó là sự đối lập tư tưởng giữa hai người: một lối nhìn vong bản như "Thờ Mao Chủ tịch thờ Xít-Ta-Lin bất diệt" không thể sống chung với một tư tưởng ái quốc như "Về ngay đi! Ghi nhớ Hận Nam Quan!"
Ngoài ra, toàn bộ kịch thơ Hoàng Cầm ấp ủ những chủ đề: Đề phòng phương Bắc. Phỉ báng sự cầu viện ngoại bang. Lên án cảnh cốt nhục tương tàn. Đòi hỏi tự do sáng tác. Cho nên, sau khi đã loại bỏ những hình thái văn hoá truyền thống của dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương, đã cưỡng bức Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ, đã bắt Nguyễn Đình Thi phải sửa thơ không vần thành thơ có vần, Tố Hữu được trên cho phép, thừa thắng xông lên, dẹp tan NVGP. Từ 1954, Tố Hữu trở thành soái chủ trên thi đàn miền Bắc (và sau 1975, cả nước), thơ ông biến thành "thánh kinh cách mạng".
Trong hơn nửa thế kỷ, bao nhiêu thế hệ đã không biết gì về các tác phẩm của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... đã không hay Phạm Duy, Hoàng Cầm là những nghệ sĩ có công đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bởi họ chỉ được đọc, học và suy tôn tài thơ Tố Hữu.
Không ai trách Trương Phúc Loan, Bùi Đắc Tuyên, nếu họ làm thơ dở. Tội của bọn này là chuyên quyền. Chuyên quyền trong triều chỉ có tội với vua. Còn chuyên quyền văn hoá là một tội đồ đối với dân tộc.
1. A.N, Những cuộc họp Văn hoá, văn nghệ ở Việt Bắc, đầu tháng Tám, Văn Nghệ số 25, tháng 8/1950 (in lại trong Sưu tập Văn Nghệ 1948-1954, Hữu Nhuận, Tập 3, Hội Nhà Văn, trang 603). Về ngày tháng họp hội nghị này, có chỗ ghi tháng 3 (trang 637, 655), có chỗ ghi tháng 5 (trang 619). Chắc đánh máy sai.
2. Sưu tập Văn Nghệ 1948-1954 của Hữu Nhuận, tập III, trang 621.
3. Chắc là 22/8, ghi nhầm thành 22/3.
4. Sđd, trang 654.
5. tức Hoàng Cầm
6. Anh ruột Vũ Tú Nam.
7. Vũ Cao, Ý thức phá hoại và tư tưởng đồi trụy của Hoàng Cầm, VNQĐ, số 4, tháng 4/1948.
8. Hận Nam Quan.
9. Tô Hoài, Cát bụi chân ai, trang 133.
10. Cả hai bài đều được trích đăng trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận.
11. Tức Quê nghèo.
12. Phạm Duy, Hồi ký Cách Mạng Kháng Chiến, chương 32, trang 275-295. Dinh tê là vào thành.