8-02-2016 | VĂN HỌC

Nhà văn Việt Nam nói về Xuân đầu ở Mỹ, 40 năm trước

  VIÊN LINH


    Nhà thơ Viên Linh
    (Xuân đầu tiên ở Mỹ)

1- Xuân đầu ở hải ngoại nhất là ở Hoa Kỳ của người Việt lưu vong là Xuân Bính Thìn, ngày Tết Nguyên Đán Bính Thìn nhằm ngày Thứ Bảy, 31 tháng 1, 1976. Xuân đang tới năm nay, Bính Thân, ngày Tết Nguyên Ðán nhằm ngày Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016, vừa chẵn không thiếu một ngày là đúng 40 năm tròn Việt Nam lưu vong, khứ quốc, xa cách xuân Tổ Quốc. Là người làm báo từ thuở thiếu niên, tôi đã ghi chép những cái người vô can chẳng công đâu mà ghi chép, tốn giấy mực và thì giờ. Như đã từng viết, một câu thơ của Thế Lữ đã nằm lòng trong tâm trí một học sinh trung học, chỉ cậu ta nằm lòng câu thơ ấy: “Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?”


Ta là ai: Anh phải tự hỏi mình, đặt câu hỏi cho chính mình, nghĩa là cũng chính mình phải trả lời câu hỏi của mình, không cần ai khác hết. Cái quan trọng không phải là ta, cái quan trọng cũng không phải là ai, cái quan trọng nhất trong bảy tiếng của câu thơ “Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy” là mấy chữ “giữa mùa thay đổi ấy.” Giữa thay đổi, giữa những đảo lộn xoay vần, giữa cái cũ và cái mới, ta là ai? Ta tên là gì, ta bao nhiêu tuổi, ta đang làm gì, ta vừa mất cái gì hoặc được cái gì, giữa lúc ấy, Lúc là khoảng thời gian ngắn, nhưng mùa cũng rất nhanh và rộng lớn hơn: Mùa là Xuân Hạ Thu Đông trong một năm, mỗi mùa ba tháng, ba tháng còn gọi là quí, quí 1 quí 2 quí 3 quí 4, quí lại chia ra làm ba phần, gọi là mạnh trọng quí; mùa Đông chẳng hạn gọi là mạnh đông, trọng đông, quí đông, tức là tháng thứ nhất của mùa Đông gọi là mạnh đông, tháng thứ hai gọi là trọng đông, tháng thứ ba gọi là quí đông. Lối gọi này được dùng nhiều khi ngày xưa người ta đặt tên cho con cái, bố tôi con cả trong gia đình họ Nguyễn, có tên đệm là Nguyễn Mạnh A, chú kế bố tôi là Nguyễn Trọng B, chú tiếp theo là Nguyễn Mậu C... Cứ phân tích như thế sẽ hiểu câu thơ của Thế Lữ đã tác động lên một trong những người đọc nó những gì: Và ngay những ngày đón xuân đón Tết đầu tiên ở hải ngoại, tháng 1, 1976, không những tự hỏi mình, tôi nhân trường hợp mình đem câu hỏi đó hỏi hơn 10 nhà văn bằng hữu hay đồng nghiệp quanh tôi, và nhờ họ viết xuống giấy cho tôi. 40 mùa xuân trước, họ đã viết, tôi gom lại thành bài “11 nhà văn nhà thơ nghệ sĩ ghi nhận sau gần 1 năm sống trên xứ người.” Đó là bài phỏng vấn các nhà văn Việt Nam lưu vong đầu tiên trong 40 mươi năm qua.



  Ảnh bìa báo Xuân Lửa Việt Bính Thìn 1976 của nhiếp anh gia Lê Văn Khoa. (Hình: Viên Linh cung cấp)

2- Các tác giả đã trả lời tôi là Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Phạm Duy, Hà Mai Phương, Võ Phiến, Lê Văn Khoa và một số nhà báo khác như Ngô Vương Toại, Trần Phong Vũ, ... Hai câu hỏi chính là:

- “Đối với anh (chị) khác biệt nào đáng kể nhất giữa đời sống ở Việt Nam trước kia và đời sống của anh (chi) tại Hoa Kỳ hiện nay.”

- “Cái Tết đáng nhớ nhất ở quê hương là một cái tết như thế nào, anh (chị) vui lòng cho biết.”

Trước khi đăng phần trả lời của một tác giả, tôi đều viết vài dòng giới thiệu tác giả đó, nay đăng lại như lúc đầu, để giữ lại tâm tình thuở đó dù có thể thiếu sót, còn chỗ nào sai sẽ sửa cho đúng.


Nhà văn Nghiêm Xuân Hồng: Xã hội Mỹ thiếu một cái gì


Luật Sư Nghiêm Xuân Hồng là tác giả hơn mười bộ sách biên soạn công phu ở Việt Nam, được xuất bản trong những năm 50 và 60, như: “Đi tìm một căn bản tư tưởng,” “Luyến Ái Quan,” “Con đường giải thoát trong đạo Phật.” Ông còn là tác giả những kịch bản nổi tiếng: “Người lữ hành cô độc,” “Người viễn khách thứ mười.” Hiện tạm cư ở Seattle tiểu bang Washington.


1- Tôi nghĩ điểm khác biệt nhất ở đây, đời sống tuy ít sợ đói kém chiến tranh, nhưng lại sợ nhất là buồn. Xã hội Mỹ này quá tổ chức, tổ chức đến độ không để lại một bất ngờ nào cho cuộc đời. Tôi thấy hình như Mỹ thiếu một cái gì. Thiếu một chút thơ mộng, một chút phi lý, một chút hỗn độn, một chút tình người, một chút nhân sinh quan tiêu dao. Trước kia sống ở Sài Gòn bấp bênh loạn lạc, nhưng vui hơn. Nhưng bây giờ Sài Gòn chắc cũng chẳng vui gì.


2- Tôi không có cái Tết nào đáng nhớ nhất ở quê hương. Vì ở quê hương thì cái Tết nào cũng đáng nhớ cả. Nhưng đậm đà nhất là những cái Tết ở Hà Nội. Có tình người, có chút rét, có rừng hoa đào đỏ ối. Tôi không biết những cái Tết ở vùng quê miền Nam, nhưng Tết Sài gòn thì kém Hà Nội: Tình người loãng hơn và hoa ít thắm hơn. Nguyên nhân là do một phần sự thay đổi hoàn cảnh, phần lớn ở sự thay đổi tâm tư mình.”


Nhạc sĩ Phạm Duy: Tết năm nay không phải là Tết


Phạm Duy ở Hoa Kỳ, hiện anh cùng Thái Hiền thường đi hát cho những nơi có nhiều người Việt Nam ở, như New Jersey, New York City (sau khi đã hát ở hai trại Fort Chaffee và Indiantown Gap) hiện đang chuẩn bị hát Tết ở Chicago Grand Rapids Michigan.


1- Đời sống của tôi ở đâu cũng chỉ có một mục đích: Ca hát! Khi hát bài buồn khi hát bài vui, tùy theo cảm xúc! Có khác biệt thì chỉ ở chỗ khi ở Việt Nam thì ít lo về đời sống, còn ở đây thì phải lo nhiều.


2- Cái khác biệt nhất là ở Việt Nam ngày nào cũng là ngày Tết đối với tôi. Còn ở Hoa Kỳ (hoặc ở bất cứ đâu chưa phải là quê hương mình) thì chắc Tết năm nay không phải là cái Tết!


Bài sẽ rất dài nên dưới đây mỗi tác giả sẽ chỉ được trích dẫn một hai câu tiêu biểu.


Nhà văn Võ Phiến


1- Ở Sài Gòn tôi là một người hữu ích, ở đây tôi là một cục nợ. Mặt khác ở Sài Gòn tôi sống; ở Minneapolis tôi giương mắt xem người ta sống.


2- Đó là cái Tết... Mậu thân. Anh thấy sao?


 

Trang báo Lửa Việt Xuân Bính Thìn, tháng 1, 1976, đúng 40 Xuân trước, trong có bài

phỏng vấn 11 văn nghệ sĩ về sự khác biệt giữa Tết Việt Nam xưa và Tết hải ngoại.

(Hình: Viên Linh cung cấp, nhấn vào hình để phóng lớn)


Nhà báo Ngô Vương Toại


Nhà báo... đã được Việt Cộng tặng 3 phát đạn vào ngực và bụng nhưng không chết, và nhờ đó đã bảo vệ được diễn đàn đại học Văn Khoa Sài Gòn do anh tổ chức. Viết nhiều báo ở Sài Gòn trong có Diễn Đàn, Tìm Hiểu, hiện sống ở Arlington, Virginia.


1- Cố gắng lột xác. Tôi như con ve sầu cố lột cái lớp vỏ Sài Gòn để hòa trộn với nếp sống mới ở đây. Cố gắng thích nghi càng nhiều thì lại càng thèm cái nếp sống cũ.


2- Những cái Tết thời niên thiếu. Tôi khoái đốt pháo và đi trên xác pháo đỏ. Từ khi pháo bị cấm đốt, tôi không còn thích Tết như ngày cũ. Tôi bị hố to vì tưởng pháo nổ Tết Mậu Thân khi mấy anh “đồng chí” tấn công vào thành phố biến cái Tết thành những ngày tàn sát. Nhớ vụ này tôi càng căm mấy anh phá bĩnh.


Kịch sĩ Lê Tuấn


Kịch sĩ, diễn viên điện ảnh, vai chính trong phim Yêu đối diện Thanh Lan, được Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc về Dịch Thuật (dịch một kịch bản Don Quichote ra Việt ngữ) năm 1972. Cùng làm việc với tác giả bài này trong Đài Mẹ Việt Nam ở Nhà Số 7 Hồng Thập Tự Sài Gòn.


1- Sự khác biệt đáng kể nhất giữa đời sống ở Việt Nam và đời sống hiện nay ở Hoa Kỳ với tôi là sự chối bỏ tất cả quá khứ, một làm lại từ đầu, cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi có cảm tưởng nhiều người xem đó là một điều hay, hoặc may mắn, nhưng riêng tôi xem đó là một bất hạnh.


2- Cái Tết đáng nhớ nhất ở quê hương đối với tôi là năm Đinh Mùi 1967, anh ruột tôi đền nợ nước. Còn cái Tết nào đáng nhớ bằng cái Tết đó?


Nhà giáo nhà thơ Vi Khuê


Dạy học và chủ trường trung học tư ở Đà Lạt, nhà thơ, hiện sống ở Arlington, Virginia.


1- Tất cả đều là những khác biệt lớn bắt đầu từ khác biệt căn bản: Nghề nghiệp và môi sinh. Về vật chất khác biệt lớn là về thực phẩm. Về tinh thần đó là sự cô đơn.


2- Nếu là một cái Tết vừa ý thì đã lâu rồi không có, dù là ở quê hương.


Nhạc trưởng Lê Văn Khoa


Từng là ca trưởng ca đoàn Cơ Đốc, Trùng Dương, ban hợp ca hòa tấu Tiếng Nhạc Trầm tư đài truyền hình Sài Gòn, tác giả nhiều sách đủ loại, nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh.


1- Ở Việt Nam tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, mệt nhoài nhưng thích thú... Hiện tại ở đất Mỹ này tôi chưa có gì làm.


2- Tết Mậu thân là cái Tết đáng nhớ nhất vì nhiều lẽ. Chiều 29 Tết lãnh lương, trừ nợ hết chỉ còn 55 đồng. Mượn tiền thêm không được chán quá định tuyệt thực 3 ngày Tết cho bõ ghét cuộc đời. Lúc đó nhận được thư của một khán giả tí hon của màn ảnh nhỏ, than không tiền lo cho Ba trong ngày Tết. Tôi nhờ một người bạn đem 50 đồng đi tặng giùm tôi, còn lại 5 đồng để hôm sau mua bánh mì lạt ăn rồi nhịn luôn 3 ngày Tết.


Đêm đó anh Trần Đại tìm đến chỗ tôi trọ ở Phú Nhuận, nhét vào tủ một xấp tiền, 6,000 đồng bảo là tiền nhuận bút và hình bìa tôi chụp in trên báo Phụ Nữ Mới của anh Ngọc Sơn. Đêm sau tôi được rước xuống tòa báo ở đường Phan Văn Hùm để đốt pháo lấy hên đón giao thừa. Phong pháo dài 2 thước mà chỉ nổ chừng 10 cây là tắt... Việt Cộng tấn công vào thủ đô, lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Nhưng tôi với chiếc máy ảnh leo lên chiếc Lambretta cũ kỹ đi “thị sát” các mặt trận Thị Nghe, Bình Lơi, Ngã ba Cây thị, Bảy Hiền, Chợ Lớn, v.v... và lo tiếp trợ đồng bào tị nạn.


Viên Linh

nguoi-viet.com