12-07-2019 | VĂN HỌC

25 Nhà Văn, 25 Truyện Ngắn

  VIÊN LINH


Hình bìa nguyên bản tuyển tập truyện ngắn “25 Nhà Văn, 25 Truyện Ngắn,” nhà xuất bản Tia Sáng, Sài Gòn, 1967. (Hình Viên Linh cung cấp)

Biết tôi đang tìm đọc các tuyển tập truyện ngắn Việt Nam từ xưa đến nay, một bạn đọc đã gửi cho mượn cuốn “25 Nhà Văn, 25 Truyện Ngắn.” Anh nói, “tôi đoán anh có cuốn này rồi, nhưng biết đâu…” Quả thế, biết đâu tôi không có.


Khi trông thấy bìa cuốn sách tôi đã thích thú: nét vẽ “kỷ hà học” của Duy Liêm, màu sắc rực rỡ của Duy Liêm, người đã một thời nổi tiếng với tranh góc cạnh từng khối và nét chữ “ngang bằng xổ ngay” thẳng băng, màu sắc đối chọi mà rất điển hình người yêu nhạc từng thấy trên hàng trăm bản nhạc do Tinh Hoa xuất bản tại Sài Gòn.


Thời đó, mỗi bản nhạc được xuất bản riêng trên 4 trang giấy bìa cứng, bán riêng từng bản một, khiến âm nhạc cũng như lời ca, khuôn ký âm pháp tràn lan trong các tiệm sách, các phòng khách, các nơi… từ những năm 50 tại Việt Nam.


Mỗi khi có sinh hoạt ca nhạc trình diễn trên sân khấu, những bản nhạc này thế nào cũng thấy bày trên giá nhạc, hai trang giữa mở rộng, các ca sĩ dù thuộc lời hay không cũng thường thấy vừa hát vừa nhìn vào bản nhạc bày trên cái giá cao, ngay gần người nhạc sĩ hay gần ban nhạc.


Với nét vẽ và nét chữ “25 Nhà Văn, 25 Truyện Ngắn” trên bìa cuốn sách mà người bạn thơ Thành Tôn vừa mang tới, tôi thực sự ngạc nhiên và vui mừng. Nét chữ mạnh bạo màu vàng trên nền bìa đỏ rực, phía góc trái đẹp thay, một cánh buồm màu xanh xám bề cao chạy theo gáy sách lên gần tới góc trái cái bìa, đường cong như cái buồm của con thuyền, và hai con thuyền nữa căng buồm trôi theo bề ngang cuốn sách, vài đợt sóng biển không màu – ở đây là những nét vẽ những làn sóng trôi ngoài xa, hai ba cành hoa vàng sáu bảy cánh hoa vươn lên… Và lạ thay, còn hai ngọn tháp cổ kính 9 tầng ở cả bìa trước lẫn bìa sau, tháp đỏ trên nền xanh xám như nền màu của cánh buồm… Bìa sách không in tên tác giả, chỉ có tên nhà xuất bản: Tia Sáng trình bày.


Cái tên Tia Sáng khiển tôi hiểu ngay: việc chọn lựa bài vở có sự tham dự của mấy người bạn trong nhật báo Tia Sáng mà giám đốc là ông Nguyễn Trung Thành, nhà văn Thanh Nam coi phần văn nghệ cùng vài đồng nghiệp khác của tôi: ký giả Quốc Phượng, ký giả Anh Quân, trong đó Quốc Phượng đã cùng tôi ra Huế vào cuối năm 1963 tới đầu 1964*, và Anh Quân đã cùng tôi đi tường thuật Chiến Dịch Trương Tấn Bửu; còn Ngô Tỵ nữa, tổng thư ký Tia Sáng…


Thời ấy, sau 1954 tới 1963, chín năm khai sáng xây dựng nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam, lớp nhà báo trẻ chúng tôi Nam hay Bắc đã hàng ngày gặp nhau không phải trong các tòa báo, mà trong các chiến dịch hành quân vùng miền, Rừng Sát, U Minh, Phượng Hoàng, Trương Tấn Bửu, Hội chợ Kinh Tế Bình Định, Vòng đua xe đạp Lục tỉnh Nam Kỳ,…


Tôi vào làng báo làm một biên tập viên kiêm phóng viên, tuổi 17, 18, suốt ngày trên đường “lưu diễn,” đêm vì chưa có gia đình, lại cùng Thanh Nam làm “kép phụ” lui tới hậu trường các rạp Nguyễn Văn Hảo, khu Ngã Tư Quốc Tế, rạp Kim Châu, rạp Kim Chung “tiếng chuông vàng thủ đô” (?), rồi la cà khu Kim Phụng bờ sông, gió sông Sài Gòn nửa khuya thổi thốc con đường Hai Bà Trưng từ mặt sông thổi vào, có lần chúng tôi phải cuốc bộ về building Cửu Long vì không kiếm được taxi,… Thanh Nam và tôi mấy tháng phải ở chung một căn phòng độc thân, và vì thế, đêm về khách sạn là để ngủ, có gì phải viết sáng mai tới tòa soạn mới viết.


Thanh Nam sinh tại Nam Định, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50 cây số, vào Nam từ khoảng 1952, tức là hai hoặc hơn hai năm trước ngày đất nước bị chia đôi. Đây là một trong những nguyên do khiến anh được anh em đồng nghiệp miền Nam coi anh như thuộc một giới khác hơn là giới các nhà văn di cư, và trường hợp có phần nào gần với Nguyễn Bính, một nhà thơ cũng người Hà Nam, cũng sinh sống trong giới báo chí Nam kỳ từ trước 1954.


Đặc biệt Thanh Nam làm việc cho nhật báo Tia Sáng, một tờ báo Nam như đã nói, cho nên khi biết tuyển tập “25 Nhà Văn, 25 Truyện Ngắn” do Tia Sáng xuất bản, tôi thoáng nhìn đã tin rằng đây sẽ là một tuyển tập “rộng mở,” rộng mở hơn là tuyển tập “Hai Mươi Nhà Văn, Hai Mươi Truyện Ngắn” do nhà văn Ngọc Linh thực hiện.


Ở cuối sách lại ghi rõ ràng số giấy phép và ngày giấy phép được ký: ngày 3 Tháng Tám, 1967, như thế người ta có thể thấy rằng miền Nam lúc ấy vừa trên đà bước vào nền Đệ Nhị Cộng Hòa, cũng là thời gian của những cuộc chỉnh lý, đảo chánh, chế độ kiểm duyệt báo chí, ấn phẩm không còn khô cứng hạn hẹp như mấy năm trước 1963, là năm cuối của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.


Danh sách các tác giả và nhan đề các truyện ngắn do Tia Sáng xuất bản:

- Bình Nguyên Lộc: Chiến đèn kéo quân 12 mặt

- Doãn Quốc Sỹ: Gìn vàng giữ ngọc cho hay

- Dương Nghiễm Mậu: Người con trai ngoại tình

- Chu Tử: Tình yêu của Văn

- Hồ Hữu Tường: Cóc cần

- Hoàng Anh Tuấn: Mai và Oanh

- Hoàng Hải Thủy: Mắt Phượng

- Kiêm Minh: Đêm mưa Sài Gòn

- Mai Thảo: Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời

- Mặc Đỗ: Một vụ phá hủy công phu

- Nhã Ca: Đường trường xa

- Nhất Hạnh: Hình bóng

- Ngọc Linh: Chị Hà

- Nguyễn Đình Toàn: Bãi cỏ

- Nguyễn Thị Thụy Vũ: Trường hợp của Mãnh

- Sơn Nam: Vương An

- Tạ Tỵ: Nước mặn.

- Tú Hoa: Thơ xanh, thơ hồng

- Thanh Nam: Người kép phụ

- Thanh Tâm Tuyền: Dọc đường

- Văn Quang: Lá thư tình

- Viên Linh: Tin cho X

- Võ Phiến: Thị thành

- Tùng Long: Mỗi độ xuân về

- Vũ Khắc Khoan: Ba người bạn

Tổng cộng 25 tác giả, 4 nữ và 21 nam. Phía nữ có thể nói là thiếu Nguyễn Thị Hoàng và Túy Hồng, tôi cho là thiếu sót. Không lẽ để tránh tiếng thiên vị Thanh Nam đã bỏ tên vợ mình (Túy Hồng) ra ngoài tuyển tập? Hay Túy Hồng và Nguyễn Thị Hoàng không muốn tham dự tuyển tập này? Hai người đó nhất là Nguyễn Thị Hoàng xứng đáng đứng trong tuyển tập.


Phía nam cũng thiếu vài người, chẳng hạn có thể nói không cần Nguyễn Mạnh Côn, Lê Xuyên, vì người trước nổi tiếng ở phần luận thuyết hơn, người sau nổi tiếng ở truyện dài hơn, nhưng nên có Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, là hai nhà văn nổi tiếng nhiều qua những truyện ngắn cũng như qua những truyện dài.


Dù sao tuyển tập truyện ngắn Tia Sáng rất đáng quý, dày 424 trang khổ lớn (khoảng 600 trang nếu in khổ sách thông thường), nhất là thời cuốn sách này xuất bản, nhuận bút của một truyện ngắn thường là từ một ngàn là rẻ nhất, trung bình hai ngàn, còn truyện đặt tác giả viết cho báo mình vào những dịp Xuân Tết thường là từ ba tới năm ngàn một truyện. Theo tôi thơ và truyện ngắn là tinh hoa trong văn chương miền Nam thời kỳ 1954-1975.


Viên Linh

Nguồn: nguoi-viet.com