ANAHEIM, California (NV) – Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh tại ga Đồng Văn, Hà Nam, có truyện ngắn đăng trên trang xã hội nhật báo Tiếng Dân, Hà Nội, năm 14 tuổi.
Cũng tại Hà Nội, ông đã cùng nhà văn Dương Nghiễm Mậu xuất bản một tờ bán nguyệt san in hai màu, khổ nhỏ, vào năm 1953.
Viên Linh di cư vào Nam đêm 25 Tháng Mười Hai, 1954. Ông tự học và tự lập từ năm 16 tuổi.
Trong thời gian từ năm 1964 tới 1975, ông cho xuất bản gần 20 tác phẩm. Cuốn “Gió Thấp” được trao Giải Nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1974.
Tập thơ “Thiếu Thất,” tập thơ thứ ba, sau hai thi phẩm “Hóa Thân” (1964) và “Thủy Mộ Quan” (1982), theo hocxa.com.
Như vậy, nghĩa là khi Viên Linh có truyện ngắn đăng báo đầu tiên, tôi còn là đứa bé thò lò mũi xanh.
Khi lớn lên, tôi đã đọc và thích những truyện dài và thơ của Viên Linh. Nhất là những truyện dài đăng từng kỳ trên các nhật báo. Thuở ấy, ở một quận lỵ nhỏ miền Trung, tôi đọc có lúc được, lúc mất, vì báo lúc có, lúc không, nhưng nói chung, là thích.
Đó là những truyện dài: “Thị Trấn Miền Đông” (1966), “Cuối Cùng Em Đã Đến” (1968), “Chiều Hôm Gió Cuốn” (1969), “Mã Lộ” (1969), “Hạ Đỏ Có Chàng Tới Hỏi” (1973), “Tới Nơi Em Ở” (1973)… Và thơ: “Hóa Thân” (1964), “Thủy Mộ Quan” (1982)…
Đọc trên báo, biết Viên Linh vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo (đúng nghĩa) vì ông đã được trao Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1974, đã làm chủ bút, tổng thư ký nhiều tập san Văn Học Nghệ Thuật giá trị, nên tôi rất nể phục.
Năm 1969, tôi đang thụ huấn ở trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Đã qua những ngày huấn nhục, tôi trở thành một sinh viên sĩ quan.
Một buổi trưa đi học quân sự ở bãi tập về, tôi thấy trên giường ngủ của mình có một tờ báo, đó là tờ Khởi Hành. Đọc qua thì biết, Khởi Hành là một tuần báo do Đại Tá Trần Văn Trọng (tức nhạc sĩ Anh Việt) làm chủ nhiệm, và nhà văn Viên Linh làm tổng thư ký. Tờ báo mang danh là của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội.
Đối với nhà văn, nhà thơ Viên Linh, tôi đã đọc một số tác phẩm của ông, nên tôi liền viết thư xin được mua báo Khởi Hành dài hạn và gia nhập làm hội viên của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội.
Cũng như tôi bắt đầu viết bài gởi đăng trên Khởi Hành.
Viên Linh đã đăng một số bài thơ và truyện ngắn của tôi.
Coi như Viên Linh là người đầu tiên giúp tôi có bài đăng trên một tờ báo Văn Học Nghệ Thuật (giá trị).
Nhưng đời sống quân ngũ không cho phép tôi về Sài Gòn, để có dịp gặp ông. Tôi chỉ nhìn thấy hình Viên Linh trên những tờ báo, một thanh niên đẹp trai, có mái tóc bồng bềnh, và khuôn mặt thanh tú.
Trước và sau 1975, Viên Linh có ba tập thơ là “Thiếu Thất,” “Hóa Thân” và “Thủy Mộ Quan.”
Và năm 2017, ở hải ngoại, ông cho ra mắt tập “Viên Linh 60 năm thơ tuyển.”
Tôi đã đọc một số bài thơ của ông, rất hay, và nay vẫn còn nhớ, như là:
Đêm Trường
“Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại phân thân chín từng.
…
Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao.”
hay:
Yêu
“Hôm nay anh thấy em rồi
Một bông hoa muộn trên đồi xanh non.
Yêu em, yêu những cái còn Y
êu luôn cái đã hao mòn từ xưa.
Yêu từ thời đại hoang sơ
Yêu sang man dại, yêu chờ u mê.”
Theo talawas.org, tác giả Huỳnh Hữu Ủy, nhà phê bình văn học và hội họa, trong bài viết: “Thơ Viên Linh của thời lưu vong thất tán” đã khen thơ Viên Linh, như sau:
“Trước tiên, hãy nói qua đôi dòng về Viên Linh, thái độ và cách sống với thơ, nghĩa là cung cách sáng tác và làm việc của anh. Viên Linh là một thi sĩ cần mẫn, sống hết đời mình cho thơ (anh cũng có viết truyện, viết kịch, làm báo, nhưng cái thiết cốt của đời chữ nghĩa vẫn chỉ là thơ mà thôi.
(…) Thơ Viên Linh, đặc biệt với những bài thơ về cõi âm ty, địa phủ qua hình bóng Cúc Hoa, khi lại gần Viên Linh, tôi có cảm giác đó hoàn toàn là cuộc đời thực của anh.”
Khoảng năm 1998, lúc này tôi đã về sống ở California, sau hai năm đi làm ở miền Đông nước Mỹ. Ở miền Đông, tôi cũng biết Viên Linh đã cho tục bản tờ Khởi Hành hải ngoại. Tôi có đặt mua báo dài hạn, và qua tờ báo này, tôi biết được nhà thơ Thành Tôn đã qua Mỹ.
Về California, tôi liên lạc với Thành Tôn và qua Thành Tôn, tôi quen biết với nhà thơ Đạm Thạch. Chúng tôi thường đi uống cà phê với nhau mỗi cuối tuần.
Một hôm Đạm Thạch gọi điện thoại cho tôi, nói Viên Linh đang “nhậu” với một số bạn văn, và rủ tôi đến chơi. Dù biết Viên Linh qua sách vở trên hai mươi năm, nhưng chưa được gặp ông, nên tôi liền đi ngay. Đạm Thạch cho tôi địa chỉ “nhà” Viên Linh. Đó là một căn phòng ở trên đường Bolsa (gần Thư Viện Việt Nam cũ).
Tôi đến, Đạm Thạch đã đợi và chúng tôi cùng “Tới nơi anh ở” (nhại tên một truyện dài của Viên Linh, “Tới nơi em ở”).
Leo lên cầu thang, đi một đoạn mới tới phòng Viên Linh. Điều đập vào mắt tôi là căn phòng tuy nhỏ nhưng đầy sách, đủ loại sách. Ý nghĩ đầu tiên của tôi, Viên Linh là người yêu sách lắm, yêu văn chương chữ nghĩa lắm mới có một tủ sách nhiều sách như thế này. Tôi nghĩ thế, nhưng lần đầu tiên đến, tôi không dám dừng lại để xem.
Viên Linh đón tôi bằng cái bắt tay và nụ cười, với gương mặt hơi đỏ, khi ông đang “lai rai”… với những vỏ bia Heineken lăn lóc trên chiếu…
Viên Linh rất điềm đạm, vui vẻ, hòa đồng.
Từ đó về sau, tôi hay đến thăm ông, dù sau này với những lần thay đổi chỗ ở của Viên Linh.
Ông lần lượt đổi nhà đến ở khu Garden Grove-Newland, rồi đến khu Bolsa, hai lần, lần 1, gần tòa soạn nhật báo Người Việt và lần 2, gần khu nhà hàng Song Long.
Căn phòng nào của Viên Linh thuê cũng chật, nhưng Viên Linh không thể bỏ được sách của mình, ở đâu cũng đầy sách, nhiều khi tôi có cảm tưởng Viên Linh coi sách như con, nên dù phòng chật đến bao nhiêu ông cũng dành một khoảng rộng để chưng sách.
Khoảng thời gian năm 2017 hay 2018 gì đó, Viên Linh bị bệnh tim và phải đi mổ. Ông đã được một bệnh viện nổi tiếng ở Los Angeles giải phẫu. Cũng thập tử nhất sinh, nhưng ông đã qua khỏi.
Hôm ông về, có gọi điện thoại cho tôi đi đón. Tôi đón ông, thấy ông rất mệt mỏi. Đưa ông về phòng ở khu Garden Grove-Newland, dù căn phòng đã được bên y tế lắp đặt giường ngủ cho người bệnh, rất tiện nghi, nhưng tôi tự nghĩ thương ông, khi thấy ông sống một mình như vậy, trong lúc dưỡng bệnh.
Thời gian sau này, Viên Linh đổi ra khu Bolsa, ông vẫn làm báo Khởi Hành và viết cho báo Người Việt. Ông buổi trưa ra ăn ở phòng ăn của báo Người Việt, nên ông rất vui, Viên Lnh nói với tôi như vậy.
Khoảng năm 2019, ông tâm sự là phải về với các con ở Virginia. Ông nhờ nhà thơ Thành Tôn đóng thùng những sách cho ông để gởi bưu điện về Virginia.
Tôi có đến thăm ông và chúc ông về Virginia an vui.
Nhưng khoảng một tháng sau, nghe tin ông, vì nhớ bạn bè, nhớ sinh hoạt văn học nghệ thuật, báo chí ở Little Saigon, nên ông trở về lại Nam Cali.
(Nhưng) rồi cũng khoảng một, hai tháng sau, ông lại trở về Virginia. Nhà thơ Thành Tôn lại phải cùng ông chuyển những thùng sách về lại Virginia (lần thứ hai, qua bưu điện).
Lần này ông đã toại nguyện. Nghe Thành Tôn (lại cũng Thành Tôn!) nói là, Viên Linh (nay) đã an cư ở Virginia, với những bảo trợ xã hội rất tốt.
Tôi rất phục Viên Linh, một đời ông chỉ sống với sách vở, báo chí, và viết.