30-11-2014 | VĂN HỌC

Vài Số Báo Về Một Cố Đô Đã Chết

  VIÊN LINH

Đã có hàng ngàn bài thơ, đoạn văn, từ phú, tranh vẽ, sách báo về Thăng Long Hà Nội, không một ai có thể nhớ hết, hay gom góp hết về một kinh đô đã hiện diện trên một ngàn năm, từ 1010 khi thuyền ngự của vua Lý Thái Tổ cập bến Giang Tân trên sông Tô Lịch, một con rồng hiện ra chào mừng chân nhân của đất nước và ngài đã ghi lại việc ấy chỉ bằng hai chữ Rồng Lên: Thăng Long. Thăng Long, kinh đô của một vị vua lên ngôi không tốn một mũi tên, một hòn đạn, một giọt máu nào, nó mở đầu cho lịch sử một thủ đô không có thành quách gươm đáo vây quanh, không có chiến hào kiên cố phòng thủ, và thủ đô ấy cứ đứng vững hơn một ngàn năm.


Vị chủ nhân đầu tiên của kinh thành còn là người muốn dân chúng vào kinh với mình, bằng cách ra lệnh mọi ngành nghề sinh hoạt hãy cùng vào, người trồng bông trồng cói lấy sợi dệt vải may áo, làm mũ nón, kẻ đẵn gỗ làm giấy đẽo cột xây dựng nhà cửa, tất cả không ai hơn ai, mọi sinh hoạt phải tụ về, từ đó mà kinh thành Thăng Long trở nên kinh thành có thể là đầu tiên của hoàn vũ, nơi có những cái tên đến từ thực tế sinh hoạt, phố Hàng Bông Hàng Gai, phố Hàng Cót Hàng Chiếu, phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, phố Mã Mây phố Cầu Giấy, phố Hàng Than Hàng Buồm, xa xa phía gần sông gần bãi có những thứ ngành nghề đụng đến việc sản xuất thực phẩm từ gia súc, cây cỏ thì có Lò Súc, cứ "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon," việc gì mà phải văn hoa cho nó rườm rà rắc rối, người viết bài này ở phố Chợ Đuổi, phố không được họp chợ mà cứ họp vì cần họp, không họp thì chỗ đâu để dân quanh vùng Thiền Cuông mang rau muống và các thứ bán được ra bán.


Nhưng vì là kinh đô một nước, đó cũng chính là chỗ biến thiên, triều đại này thay triều đại khác, dù thế nào, đó là chỗ của vua quan, sĩ phu, của văn nhân tài tử, của thanh sắc mượt mà môi son má phấn, quần hồng và yếm thắm, của anh hùng và bạo chúa, của những sách lược kinh thiên động địa và của những lầu các uy nghi, những khám đường kinh dị, như Tháp Bút, Hồ Gươm, như Kính Thiên, như Hỏa Lò, có hết.


Người đến kẻ đi lần lượt không ngừng, những kẻ ra đi, hàng hàng lớp lớp, năm năm tháng tháng, khi nhớ về Thăng Long Hà Nội, là nhớ "hồn thu thảo," "bóng tịch dương,""soi kim cổ" qua gương cũ, là "luống đoạn trường" "cung tuế nguyệt." Hãy thử nhớ xem gần nhất trong sử sách có những gì còn lại về Hà Nội, chỉ từ 1954 trở lại đây. Nó có khác.


1. Số Xuân báo Tự Do, 1-2, Ất Mùi 1955.

Tam Lang, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Lê Văn Siêu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Triều Đẩu. Tranh bìa màu của Phạm Tăng vẽ từ 1954 tả một bà mẹ Việt Nam đầu quấn khăn nhung, sau lưng đeo chiếc nón quai Thao, bài vở còn có Triều Đẩu, HỒ Hữu Tưởng. (*)

"Giờ này, liễu ven hồ Hoàn Kiếm đang đợi gió Đông để lên tơ. Nhưng mành tơ liễu quá lơ thơ chưa buông kín nổi tâm tư của người đất Bắc trăm mối vò nhầu.


Xuân có sang mà hoa không tươi... Hoa ngoài trời không tươi mà hoa trong lòng người thật đã héo đi từ khi còn là nụ. Nỗi uất hận của người miền Bắc hiện quằn quại dưới một chế độ mà điều kiện tồn tại là sự thủ tiêu hoàn toàn nhân tính của con người - nỗi uất hận đó làm chén rượu mừng xuân của người Việt Miền Nam có nâng lên cũng không cạn nổi [...] Nỗi băn khoăn của người ngày nay cũng tương tự nỗi băn khoăn của thế hệ trước, khác một điều là những hiện tại phải được đặt trên một bình diện rộng lớn hơn nhiều, bởi phức tạp hơn, bởi vô cùng hiểm nghèo. Thế hệ trước thu gọn băn khoăn của mình trong hai chữ Độc Lập. Thế hệ ngày nay còn phải chiếu rọi băn khoăn lên thêm một chiều nữa: Tự Do. Thế hệ trước chỉ cần nhắm vào người dân Việt. Thế hệ của lũ chúng ta còn nhắm tới ý nghĩa của Con Người. Xuân năm Mùi vì thế được mệnh danh là Xuân Tự Do."

(Mặc Đỗ - đại diện nhóm chủ trương nhật báo Tự Do: "Xuân Tự Do," số xuân Ất Mùi, 1-2, 1955, Sài gòn. -Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc)


2. Sáng Tạo, 1958. SỐ Đặc Biệt Hà Nội.

Mai Thảo: Quê Hương Trong Trí Nhớ. Nguyễn Sỹ Tế: Những Mái Đầu Hà Nội, Chị Tôi (ký Người Sông Thương). Mai Trung Tĩnh: Lịch Sử. Tô Thùy Yên: Thủ Đô. Tô Kiều Ngân: Phố Hàng Khay. Duy Thanh: Những Lá Thư Hà Nội. Ngọc Dũng: Ngoại Ô.

"Những người Hà Nội ở xa Hà Nội... [mà] cuộc sống còn là bông hoa, còn là mặt trời, thì vẫn có thể nói: 'chúng ta có quê hương, chúng ta đi mang theo quê hương.' Không phải vì đã ghi tạc được sâu đậm trong xương tủy trí não những hình ảnh những kỷ niệm cũ,... mà vì cái sức sống dạt dào nó khiến cho con người ở đâu cũng không hề cảm thấy mình là cái cây đứt rễ, dòng nước mất nguồn.


Từ một ý niệm mới về quê hương hàng triệu con người đang di chuyển trên những ngả đường trái đất hôm nay, trong số có những người Hà Nội tự do chúng ta, ... vẫn cứ là những kẻ có quê hương, được quyền nói đến quê hương mà không bao giờ là những kẻ vong bản. Kẻ chiếm Hà Nội là chiếm cái Hà Nội thành phố, chứ còn cái Hà Nội quê hương nó chẳng chiếm được. Chúng ta nói chúng ta vẫn còn Hà Nội, một ngày nào đó về khôi phục Hà Nội, chẳng phải vì đã chế tạo được khẩu đại bác bắn tới Hà Nội, cắm được ngọn cờ giải phóng lên mình Hà Nội, mà vì cái ý niệm mới về quê hương vẫn khiến cho chúng ta với Hà Nội là một. ...


Nếu cái không khí nhiễm độc của Hà Nội cần phải giải tỏa, nếu những người hiện đang sống trong Hà Nội mà như nằm tiên gai trên lửa, chỉ muốn đạp đổ tan tành Hà Nội tìm một lối khoát, chỉ muốn trốn chạy khỏi Hà Nội, ... [thì] Hà Nội nghĩa địa phải được ném vào những lượng ánh sáng những lượng sống mới - giải phóng, khôi phục Hà Nội phải hiểu theo ý đó...


Kẻ thù không sợ chúng ta ở xa hay về gần. Điều nó sợ là ở xa hay ở gần mỗi chúng ta vẫn cứ là một khối sống rực rỡ.

(Mai Thảo: Quê Hương Trong Trí Nhớ, Sáng Tạo tháng 10, 1958, tr. 19)


3. Nghệ Thuật số 41, 23.7.1966.


Suốt một tháng Bảy, tôi viết 5 bài về Ngày 20, về cầu Hiền Lương, về sự chia cắt đất nước và một cố đô đã mất: Hà Nội. Nhắc đến Hà Nội trong lòng người Việt là nhắc đến một khoảng đất đai không rộng lớn bao nhiêu, song trên khoảng đất đó, dưới mỗi bước chân ta đi, là ta đang đặt gót trên hàng ngàn năm lịch sử chồng chất trong lòng đất phía dưới. Có hàng trăm nhà văn đã viết về lòng đất ấy, không sao kể xiết - chỉ nhắc đến các cây bút nửa thế kỷ qua mà thôi - bàn viết này còn những cuốn sách kia, những nhà văn nọ, mỗi người yêu Hà Nội một cách:

- Chu Thiên: Hùng Khí Thăng Long (chuyện cũ kinh thành), viết về Hà Nội "dựa theo những truyền thuyết, thần tích bút ký của người ngoại quốc" như thấy trong bài tựa, tr. 8, nxb Văn hóa Thông tin, 2000, Hà Nội.

- Thạch Lam: Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, bút ký, nxb Đời Nay, 1943, Hà Nội.

- Triều Đẩu: Trên Vỉa Hè Hà Nội, nxb Thế Kỷ, 1952, Hà Nội.

- Triều Đẩu: Lá Thư Hà Nội, nxb Tân Quảng Lợi, 1953, Hà Nội.

- Vũ Bằng: Hà Nội Trong Cơn Lốc, nxb báo Mới, 1954, Sài Gòn.

- Vũ Bằng: Miếng Ngon Hà Nội, nxb Đất Nước, 1957, Sài Gòn.

- Mai Thảo: Đêm Giã Từ Hà Nội, 1956, Sài Gòn.

- Trần Quốc Vượng, Nguyễn Từ Chi: Nghìn Năm Văn Hiến, nxb Hà Nội, 2000, Hà Nội.

- Tô Hoài, Chuyện Cũ Hà Nội, 1986, 2003 tái bản, Hà Nội.

- Nguyễn Trương Quý: Tự Nhiên như Người Hà Nội, nxb Trẻ, 2004, Sài Gòn.

- Ngọc Giáo: Hà Nội Cũ Nằm Đây, nxb Phụ Nữ, 2009, Hà Nội.

Trong các nhà văn ấy, Mai Thảo rất đằm thắm với Hà Nội, năm 1954 đã nhìn Hà Nội lần cuối cùng và viết: "Phượng nhìn xuống vực thẳm, Hà Nội ở dưới ấy." (Đêm Giã Từ Hà Nội). Thanh Tâm Tuyền viết về câu văn này của bạn như sau:


"Hai câu, mười tiếng của Mai Thảo bao giờ cũng khiến anh sững sờ bất giác. Có lúc điếng lặngg, hun hút - như lúc này. Và lạnh khiếp. Tất nhiên buổi đầu, năm vừa rời bỏ thành phố kia - âm thầm biết mình xa lìa vĩnh viễn -, anh nghe khác, Mai Thảo nghe khác? Mười tiếng lẫn với bao nhiêu tiếng trong một toàn thể, nhộn nhịp huyên náo một thời. Một thời đau đớn và hào hứng. ...

Thôi trở về một chút với Hà Nội. Vẫn từ hai câu, mười tiếng của Mai Thảo. Chúng được đặt riêng biệt trước/trên /ngoài một câu truyện. Với Mai Thảo, đột ngột đêm trùm kín thành phổ thân yêu của chàng. Chàng nhìn ngất, bỏ đi. Ném trở lại hai cầu. Lạnh nhạt, đứt khoát. Chẳng còn gì cần nói nữa sau hai câu gọn gàng, khô khan. Thôi trở về một chút với Hà Nội. Trở về theo lối nào? 'Hà Nội ở dưới ấy.' Cách nào? Lối xưa đã bít. Chẳng bao giờ còn tới được chăng? ... Phải, 'Hà Nội ở dưới ấy, [...] từ buổi xa xưa, từ buổi Hà Nội được gọi là Hà Nội. Nói khác, Hà Nội chỉ là vang bóng của Thăng Long - chính nó - đích thực còn là gì đầu từ 'thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Thăng Long đã là phế tích, miền đất chết không không hồi phục hưng mấy trăm năm qua. Và Hà Nội là hồn ma được thờ phượng trong ngôi đền trí tưởng côi cút tuyệt vọng.'"

(Thanh Tâm Tuyền, Thời Tập, 1973).


Mai Thảo mất đã hơn 15 năm nay, và từ đó không thấy bao nhiêu người viết về ông như một người bạn, như Thanh Tâm Tuyền đã viết. Năm 1960, 61 người viết bài này đã cùng Mai Thảo làm chung một tờ báo, tuần báo Kịch Ảnh chuyên về nghệ thuật trình diễn, cả tờ báo chỉ có 5 người làm: vợ chồng chủ nhiệm Quốc Phong Nguyễn Văn Hanh, bạn học với Mai Thảo Nguyễn Đăng Quý ở Nam Định khoảng cuối thập niên '40, Mai Thảo, Viên Linh và họa sĩ Đằng Giao, sau chỉ còn bốn người vì tờ báo không cần họa sĩ nữa. Năm 1966 Mai Thảo làm chủ nhiệm chủ bút tuần báo Nghệ Thuật, tôi làm thư ký tòa soạn. Tòa báo đặt trong nhà in Thư Lâm 233 đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, lúc đầu có 6 người: Mai Thảo, Anh Ngọc, Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Viên Linh và Đằng Giao - nhưng cho tới số 18, chỉ còn hai người ăn lương tháng. Trước khi làm một số báo mới, chúng tôi đều đưa ra ý kiến "số này làm gì nào," tức là chủ đề chính là gì, và sau đó, cùng viết về chủ đề đó, và mời bằng hữu viết cho về chủ đề đó. Đoạn sau đây do Mai Thảo viết về một tuần làm việc mới, tuần lễ 20 tháng 7, 1966, viết qua hình thức nhật ký:


- "Thứ Tư 20-7


Viên Linh: Tuần này phải viết một cái gì về ngày 20 tháng 7 chứ! Chúng ta vẫn nhớ. Chúng ta không quên. Chúng ta nào có ở ngoài. Chúng ta ngập chìm tới cổ. Trong cái lưới dày đặc của thời thế và hiện tình đất nước chúng ta. Buổi chiều tôi gặp họ Vũ [Khắc Khoan]. Nói với anh tôi muốn viết được, dù chỉ dược một vài giòng, về lần thứ 12 của ngày hai mươi tháng bảy. Một kỷ niệm? Nhưng kỷ niệm dùng làm gì? Về Hà Nội? Mười hai năm, Hà Nội đã mù sương. Lần thứ nhất ra Huế với Quốc Phong, cách đây bốn năm, Vũ Quang Ninh chở tôi từ Huế tới chân cầu Bến Hải. Chiều giới tuyến mưa phùn. Cây cầu hai màu sơn, tượng trưng cho ngăn chia kệch cỡm. Hiền Lương lạnh tanh. Chúng tôi kéo cao cổ áo đi xuống cái xóm ven bờ tôi quên mất tên, ở đó có một trạm phát thanh nhỏ, hướng những chùm loa sang bờ đối nghịch. Người trạm trưởng trẻ tuổi kể tôi nghe về công tác tuyên truyền địch vận, đôi khi biết thành hài kịch vì sự đổi chiều đột ngột của hướng gió Bến Hải. Gió thổi ngược lại. Ta nghe ta nói. Như bên kia cũng vậy. Gió vỹ tuyến có những buổi chiều đùa cợt thẳng thừng với cái công tác tuyên truyền của cán bộ hai bờ như vậy.


Một năm gần Nguyên Đán, Kim Cương, Trần Văn Trạch đã tới cái trạm phát thanh địa đầu heo hút này. Kim Cương hát sang cho bên kia nghe. Một bài hát ướt đẫm tình yêu. Lần độc nhất ra thăm Bến Hải hình ảnh dội đập mạnh mẽ nhất vào trí nhớ tôi không phải là là cờ ta trong mưa phùn, là cờ địch trong sương mù, mà là những thửa ruộng của vùng phi quân sự. Lúa được mùa. Dào dạt xanh ngắt. Như thế liền ba năm, theo lời một ông già đứng bên bờ đường nói chuyện với Vũ Quang Ninh. Lúa Bến Hải được mùa ba năm liền. Nhưng người không được mùa người. Đã liền mười hai năm như thế."

(Mai Thảo, Văn Nghệ và Cuộc Sống, tuần báo Nghệ Thuật số 41, 23.7.1966).


Đó là Cầu Bến Hải, là sông Hiền Lương dưới mắt người tham quan vừa là nhà văn, vừa là nhà báo, ghi nhận lại sau khi cùng ông Trưởng đài Tiếng Nói Tự Do Vũ Quang Ninh ra thăm ranh giới của cuộc "ngăn chia kệch cỡm." Khi tôi nhắc anh vài ngày trước đó, ta phải làm cái gì về ngày 20 tháng 7 chứ, không thể quên, không thể không làm gì, anh đã viết ra trong bài là chúng ta không bao giờ quên, "chúng ta ngập chìm tới cổ" về cái ngày quái đản đó, về cái Hiệp định mà Việt Nam Cộng Hòa không có phái đoàn đại diện ngồi họp, và cũng không hề đặt bút ký. Điều Mai Thảo nhấn mạnh trong bài là sự lố bịch của chuyện tuyên truyền và niềm vui của anh trong bài ở ngoài những sự việc ấy: đó là niềm vui Bến Hải được mùa lúa trong ba năm liền. Niềm vui ấy hình như mang một chút mê tín ở ngoài thời thế chính sự: niềm vui ấy đến từ cuộc sống tốt đẹp hơn của đời sống bình thường.


4. Vấn Đề Xuân Canh Tuất 2, 1970, đặc biệt Hà Nội Huế Saigon.

Vũ Khắc Khoan: Sàỉ Gòn Huế Hà Nội và Tôi. Mai Thảo: Hà Nội, Một Ánh Lửa Đã Tắt. Thơ về Hà Nội của Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thâm Tâm, Phạm Nguyên Vũ.

- Và giữa lúc này, nghĩ về Hà Nội, tôi không biết viết gì ngoài một lá thư. Một lá thư bình dị. Của một đứa con gửi một người mẹ. Một người mẹ đã mất. Và tôi nhận thấy ngay một cần thiết giải thích.


Số là... nghĩ về Hà Nội, thì trong cái mông lung rối bời, tôi chỉ còn thấy hiện lên những con đường. Con đường rầy phanh xe lửa rít rợn thần kinh mỗi khi từ từ chuyển bánh để đi vào ga Hà Nội.

Con đường nào cũng để xa nhà. Nghĩa là xa mẹ.


Con đường... Còn rất nhiều con đường. 9.3.45. 19.8.45. 19.12.1945 [Có lẽ 1946, nhưng xin cứ chép y như bản in trên trang 8]. Và con đường Xuyên Việt Hà Nội Huế Saigon 1954. Con đường nào cũng để dẫn đi xa. Xa lòng mẹ.

Nhưng tôi lại nghĩ thêm rằng con đường nào đã dẫn được đi xa tất cũng có thể dẫn về, dẫn trở lại."

(Vũ Khắc Khoan, Sài Gòn Huế Hà Nội và Tôi)


"Hà Nội ba mươi sáu phố phường

Lòng chúng có để một tơ vương

Chàng qua chiều ấy qua chiều khác

Góp lại đường đi vạn dặm đường...


Đem bao hy vọng lúc ra đi

Chuốc lấy buồn thương lúc trở về

Lòng mỗi lần đi, lòng bão táp

Mỗi lần là mỗi cuộc phân ly.


Chàng đi đi mãi, đi đi mãi

Đến một chiều kia đến một chiều

Phố ấy đỏ bừng lên xác pháo

Yêu là như thế, thế là yêu!


Hà Nội ba mươi sáu phố phường

Lòng chàng đã dứt một tơ vương

Chàng qua chiều ấy qua chiều khác

Ôi! Một người đi giữa đám tang."

(Nguyễn Bính, Tỉnh Giấc Chiêm Bao. Đăng lại trên Vấn Đề trang 32-33)


Vì bài thơ này, và chắc chắn vì báo Trăm Hoa xuất bản khoảng 55, 56, Nguyễn Bính trở thành nạn nhân trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Người ta giải mã: "Chín năm đốt đuốc soi rừng" là chín năm đi kháng chiến, không dính dáng gì đến đám cưới ai cả, khi trở về Hà Nội thấy kinh thành rực rỡ màu đỏ, ám chỉ lá cờ cộng sản, lòng người yêu nước như tấm lòng tang chế, chứ không có đám tang nào hết!


5. Khởi Hành số tháng 7, 1970, đặc biệt 20 tháng 7.

Viên Linh: Mười Sáu Năm 20.7. Quách Thoại: Những Buổi Chiều Việt Nam. Nguyễn Nhật Duật: Dòng Sông Trước Mặt. Thế Uyên: Người Chứng Mệt mỏi.

"Luôn luôn trong tâm trí tôi, hình ảnh con tầu Xuyên Việt vẫn hiện ra với những ga xép tỉnh nhỏ, những trạm ngừng thành phố lớn, con tầu với lò than hừng hực lừa, với tiếng còi não nề, với những buổi chia ly sao mà buồn thế, nhưng thích thú biết bao! Tôi vẫn không ngừng ao ước, bây giờ và mãi mãi, cái ngày có thể xách một chiếc va li nhảy lên tầu hỏa... Một phần, đó có thể là ao ước chung của bất cứ một chàng trai trẻ nào, phần khác, tôi đã thấy từng đêm, từ khi mới sáu bảy tuổi, những con tầu phóng lao vùn vụt trên đường sắt, những con tàu không thèm ngừng lại ở ga xép, như cái ga Đồng Văn mà tôi ra đời, chẳng hạn. Sinh ở đó, lớn lên ở đó tới năm mười một mười hai tuổi, đứa nhỏ là tôi mỗi ngày đều lê la chơi đùa trên thiết lộ đường số 1, nhắm mắt hàng vài ba phút chân vẫn nhảy đúng từ tấm tà-vẹc này tới tấm tà- vẹc khác, nhớ không sai giờ những chuyến tầu Hà, những con tầu Nam, và, như một thằng bé lêu lổng, đón tầu cách nhà một cây số, đợi đúng lúc vòng bánh lăn chậm lại sau tiếng nổ của chiếc pháo sắt gài trên thanh đường rầy, là nhảy lên bậc thang, ngồi thả chân xuống đu đưa, nghịch ngợm cùng chúng bạn.


Tháng 3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp, khói lửa lan tràn. Và những thanh đường sắt uốn vỏ đậu nằm chỏng chơ hồi kháng chiến. Những hố tăng-xê, những toa tầu lật. Đường mọc mìn như ruột lở ung thư, lớp đá xanh nằm lót sâu dưới mặt đất cũng bật tung như da thịt vỡ mủ. Con bệnh ra máu hai mươi lăm năm, đã 16 năm tê liệt nửa mình."

(Viên Linh, Mười Sáu Năm, Khởi Hành số 63, Sài Gòn 7, 1970)


(*) Nhật báo Tự Do do nhà văn Mặc Đỗ thành lập, cũng chính ông ký giấy phép cho xuất bản. Theo tài liệu của Nguyễn Tà Cúc (Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 54-75 và nhà văn Mặc Đỗ), thì nhóm nhà văn di cư trong tờ Tự Do không chấp nhận người của chính phủ Ngô Đình Diệm muốn xen vào tờ báo, nên tự ý đóng cửa. Tờ Tự Do với Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm ra đời. Sau đó đến lượt Mặc Thu, xuất bản tờ Người Việt Tự Do, kế tục, nhưng không được bao lâu.


Viên Linh

Tạp chí Khởi Hành Số 209-210/May-July.2014

CHÚ THÍCH:


(l) Các sự kiện lịch sử trong bài này dựa theo: - 1945-1964 Hai Mươi Năm Qua, Đoàn Thêm, Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn 1965. - Việt Sử Khảo Luận cuốn 5, Hoàng Cơ Thụy, Nam Á, Paris 2002.

(2) Thơ Thế Viên, Lưu Tái Dzo, Trần Minh Phú giai đoạn 1954 là sưu tập riêng.

(3) Bến Nước Ngũ Bồ, Hoàng Công Khanh, kịch thơ, Kuy Sơn, Hà Nội 1953.

(4) Thơ văn về cầu Hiền Lương của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Viên Linh trích lại từ bài "Cầu Hiền Lương" của Đặng Tiến trên Khởi Hành số 33, tháng 7.1999. Thơ về Hà Nội của Vũ Hoàng Chương trích theo báo Vấn Đề và báo Đất Mới, tài liệu của VL.

(5) Tài liệu về Tố Hữu, Lưu Trọng Lư lấy từ sách của Trần Thanh Nguyên, Mùa Lúa Mới của Võ Thu Tịnh, Đỗ Tấn viết tựa, 7.1955. Trần Thanh Nguyên dưới 30 tuổi khi vượt Bến Hải vào Nam năm 1955. Anh từng sinh hoạt trong các đại hội văn nghệ lớn nhỏ ở Việt Bắc và Thanh Nghệ Tĩnh trước khi bừng tỉnh.

(6) Chu Thiên (1913-1992), tác giả Bút Nghiên, Nhà Nho thời tiền chiến. Xem "Những ông Thày thời niên thiếu" của Viên Linh trên Khởi Hành.