2011 | VĂN HỌC

Tuổi Trẻ Trong Thơ Văn Miền Nam Những Năm '69, '70

nhật ký văn nghệ Viên Linh

  CIÊN LINH

Khởi Hành kỳ này, 96, là số chót của năm thứ VIII, được dành cho chủ đề Những Nhà Văn Nhà Thơ Miền Nam Chết Trẻ. Nhiều người trong số ấy đã có bài trên mặt báo này trước khi đột ngột tù giã cuộc đời. Tờ báo được tham dự đông đảo một phần vì là Tạp chí Văn chương duy nhất của Miền Nam xuất bản hàng tuần. (Những tờ văn chương khác thảy đều xuất bản hàng tháng, trừ Bách Khoa là bán nguyệt san, tuy nhiên phần văn chương phiến diện, ưu tiên cho phụ nữ. Tạp chí Nghệ Thuật cũng xuất bản hàng tuần, ra được 56 số, song đã đình bản vài tháng trước khi có Khởi Hành, cả hai tờ đều do người viết bài này lần lượt làm Tổng thư ký Tòa Soạn, 1966-67; 69-73). Phần khác Khởi Hành trong nước là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, với trên 700 hội viên trong mọi binh chủng, in trên 5000 ấn bản, phát hành rộng rãi trên khắp bốn vùng chiến thuật, nên người viết đa số là quân nhân, người đọc cũng đa số là quân nhân. *


Dư luận đã ngạc nhiên tại sao một Tạp chí Văn chương của Quân Đội lại quá tự do như đã thấy, để các nhà văn nhà thơ trẻ viết như phóng bút, và mặt khác, mời được hầu hết, nếu không là hết, những trí thức văn nghệ sĩ hàng đầu, số một, của Miền Nam. Lúc ấy tuy là báo quân đội, song tờ báo không do Quân Đội tài trợ, mà sống độc lập, vận mệnh của nó nằm trong tay nhạc sĩ, đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, Cục trưởng Cục Quân Cụ, mà cũng là Chủ tịch Hội VNSQĐ. Ông là người tài trợ tờ báo trong suất 156 số ấy. Quan trọng hơn, đây là báo bán, dù là quân nhân cũng phải mua mới có báo mà đọc (giá 20 đồng một số,) cho nên vận mệnh của nó thực sự nằm trong tay bạn đọc. Không ai mua báo dở mà đọc bao giờ. Mặt khác, người điều hành bài vở, kẻ viết bài này, không phải là một nhân viên cơ hữu được chỉ định, mà đã được mời về phụ trách Tòa Soạn. Do đó tờ báo không bị ràng buộc bởi những lệnh lạc cứng ngắc nào, cũng không húy kị một ai. Kể ra những điều ấy để bạn đọc thấy: tinh thần Khởi Hành ngay từ hồi ở trong nước đã là tinh thần tự do. Viết tự do, dù là quân nhân.

 

Bởi thế, bài vở trên tờ báo này trước 1975 là sáng tác của Một Nền Văn Học Tự Do, sản phẩm của Tâm thức và Trí tuệ Tuổi trẻ Miền Nam lúc bấy giờ, quan trọng nhất là từ tháng 5. 1969 tới đầu 1973. Phần lớn các tác giả trẻ tuổi nổi tiếng nhất của Miền Nam sau này đã xuất hiện từ Khởi Hành, lần đầu có bài được biết đến là từ Khởi Hành: các nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn **; Nguy, Tôn Nhan, Nguyễn Đạt; các nhà phê bình Cao Huy Khanh, Nguyễn Nhật Duật; hoạ sĩ Choé; nhà văn Cung Tích Biền, ...


Các nhà viết Văn học sử Miền Nam, viết biên khảo về Văn chương Miền Nam sẽ tìm thấy trên Khởi Hành những yếu tố sinh động nhất, điển hình nhất: các nhà văn nhà thơ viết trong tiếng súng, viết trên ba-lô, viết nằm trên ghế bố, như trường hợp Song Linh: "Tôi đang nằm viết trong đêm. Nơi Xóm Cạnh Đền. Hỏa châu thoi thóp từ một đồn bót nào trong lãnh thổ Kiên Long [Kiến Phong.] Con rồng lửa đang phun những cầu vồng đạn lửa đỏ từ trên trời xuống một trận địa. Một đơn vị bạn nào đang chạm địch đâu đây? Nhìn qua mùng dưới ánh đèn bấm chập chờn. Muỗi từng đàn đậu đen như thóc và bay liệng lao xao... " [bài đăng trên KH số 42, 1970]


Hãy tưởng tượng: người viết những dòng ấy từng du học ở Texas, Virginia; từng ngồi uống cà phê và đọc phụ trương Book Review của tờ The New York Times ở Greenwich Village, New York. Hai tháng sau anh ngã xuống ở nơi anh viết, trong khi đang bay trực thăng quan sát trận địa. Tôi gặp anh một đôi lần trước đó, khi anh về phép; da trắng trẻo, mặt thanh tú, lông mày rậm, vẻ thanh nhã ... Khi viết bài anh là đại úy; bài đăng lên anh là Cố thiếu tá.


Những dòng dưới đây trích đoạn từ Nhật Ký Văn Nghệ từng đăng trên Khởi Hành những năm 1969, 1970. Những đoạn thêm vào, nếu có, sẽ nằm trong hai dấu ngoặc vuông [...]. Mục đích là để người đọc bây giờ thấy được phần nào sinh hoạt văn nghệ thuộc bối cảnh sống của các nhà văn trẻ nói đến trong chủ đề này.


THỨ NĂM 19.2.1970


Số báo này [42] Khởi Hành đề cập ba tác giả đã khuất: 8.1.1969: Y Uyên, 24.1.1970: Song Linh, 25.2.1964: Lê Văn Trương. Về Y Uyên, tôi muốn nhắc lại bài đọc sách dành cho cuốn Tượng Đá Sườn Non của anh đăng trên tờ Nghệ Thuật hồi năm 1966.


Bây giờ tuy không có bài đó dưới tay, tôi vẫn nhớ những điều đã viết về người tác giả trẻ này, nhân tác phẩm đầu tay của anh. Điều mà tôi viết, một năm trước đây nhà văn Túy Hồng đã nhắc lại trên trang Văn Hóa Chính Trị của báo Tiền Tuyến: bốn năm trước tôi gọi Y Uyên là người viết về chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc. Câu nhận định ấy về một tác phẩm mong manh của một tác giả trẻ lần đầu có sách xuất bản, là một câu nhận định rất là ứa gan [đối với những cây bút khác.]


Tác phẩm Y Uyên còn dang dở, một dang dở không ai tiếp tục nổi, bởi anh là người mang chiến tranh vào văn chương như mang một hình bóng ám ảnh thầm lặng nhưng ray rứt, xao xuyến, nặng nề, dài dặc trầm trầm mòn mỏi mãi mãi không kết thúc. Tác giả nó cũng không kết thúc cho dù có còn sống: chiến tranh ở đó không còn là đề tài mà là đời sống, tác giả không trực tiếp nhận thấy nó, bởi đó là một bóng ma lẩn quất trong đêm tối huyền hoặc, chỉ cảm thấy vì âm khí lạnh lẽo u ám, chỉ cảm thấy vì bị vây hãm nặng nề, ráo riết. Y Uyên không viết về chiến tranh 'chó má' với những nhân vật không biết làm gì hơn là văng tục của những tác giả viết văn như viết phóng sự, viết hoạt cảnh sau này. Chiến tranh được dựng lại như hoạt cảnh, ký sự đã đẩy độc giả làm khán giả. Chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên kéo khán giả đó vào, chụp vào mũi hắn ống hơi bình dưỡng khí, và hắn cảm thấy ngay áp lực điều-kiện-hoá giữa hai lá phổi.


Nhà văn không đi trước để làm chứng nhân cho những phán xét sau này, nhà văn đi trước để được sống sót, cho dù có trở thành nạn nhân và dù đã chết.


[Khi Y Uyên vào Sài Gòn, không còn nhớ ở đâu, có thể là ở nhà Nguyễn Đình Toàn gần Đài Phát thanh Quốc Gia, đường Phan Đình Phùng, chúng tôi đã cùng đánh một canh xì-phé vào ban ngày. Y Uyên trầm lặng, nói ít, diện mạo hơi ngăm ngăm, nhỏ người, da tóc khô. Đụng nhau vài ván, Y Uyên muốn nhường. Sau khi lật bài thì tôi hiểu: anh chơi bài rất cao. Khuôn mặt lại không lộ vẻ gì nên đối thủ không thể đoán được. Anh có hỏi tôi nghĩ gì khi làm câu thơ Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người? (anh trích dẫn trên đầu truyện Dáng Thú của anh.) Câu trả lời hình như là một câu hỏi: Cậu không thấy khi người ta đứng thẳng, cai bụng phơi ra sao? Có con thú nào phơi bụng ra đâu? Chỉ có thú vật mới phơi lưng ra mà thôi.


Y Uyên Nguyễn Văn Uy ra đời ở miền Bắc, di cư năm 1954, sống nhiều ở Tuy Hoà, Phú Yên. Tỉnh lỵ nhỏ bé ấy, trong trí nhớ của người viết những dòng này, khô và dốc. Mưa to biến đường đi thành suối nước, chảy như thác cuốn. Trong sáu tác phẩm của anh để lại, người đọc thấy được không khí Tuy Hoà, buồn nản, chậm trì. Anh dạy học, rồi nhập ngũ, khi tử trận trong một trận phục kích ở bên đồn Nora, Phan Thiết, anh mới 26 tuổi. Đó là ngày cuối cùng của anh ở đơn vị: người sĩ quan trẻ nằm xuống trong mình đã có giấy thuyên chuyển, song chỉ lên đường vào ngày hôm sau.


Tác phẩm Y Uyên: Bão Khô, tập truyện, Giao Điểm, 1966, 166 trang. Tượng Đá Sườn Non, tập truyện, Thời Mới, 1966, 152 trang. Ngựa Tía, truyện dài, Giao Điểm, 1967, 170 trang. Quê Nhà, truyện, Trình bầy, 1967, 168 trang. Đuốc Sậy, tập truyện, Văn Uyển (số 20), 1969. Số này có đăng bài điểm cuốn Đuốc Sậy ở những trang sau.]


THỨ TƯ 24.9.1969


Lần thứ ba tôi trở lại Nha Trang sau năm năm, một lần, đã tới đó. Trong tâm trí, ở đây cũng là dĩ vãng, dù là khách lạ chỉ dừng chân trên thành phố cát trong khoảng ngắn ngủi một giấc ngủ, nhưng rồi giấc ngủ ấy, rì rào từng lớp sóng chiều, buồn bã, hoài hoài, trở thành một thao thức mênh mông đen thẳm. Cái thao thức hững hờ mà miên man, đến nỗi có lúc y nghĩ y phải ghé lại lần nữa, xem có gì thay đổi nơi ta đã đi qua. Nha Trang, lưỡi biển táp không ngừng trên cát lún, rời rã âm điệu mệt mỏi, bãi biển nhăn nơi chân sóng như một vừng trán già nua ít ngủ, và nghe từ một giới hạn chết dí, cái góc đất quạnh quẽ, những khao khát ra khơi, vượt khỏi, để thấy sự nhỏ nhoi tầm thường quá đỗi của con người. Tôi đã lạnh lẽo thấy chút cô đơn, xào xạc nghe nỗi âm thầm vẽ những vòng âm thanh trầm lắng han rỉ như những rãnh nông mòn của một đĩa nhạc cũ, chạy hoài một lời ca mệt mỏi.


Bãi biển Nha Trang, một mảnh gẫy vỡ của đĩa nhạc đó, vẫn kêu lên nỗi buồn của một không gian nửa đất nửa nước khi anh dừng lại.


Đêm khuya, lột giầy đi trên làn cát ướt, anh sẽ thấy những cơn gió cuốn quanh mình ào ạt, và dưới chân, cái cảm giác thân mật gần gũi nào đó níu lại. Nếu có nghe một tiếng hét lanh lảnh trong tiếng biển ào ào, anh có thể tưởng tượng có một nàng nhân ngư mỹ lệ trong bóng tối ba động kia đang hú hồn chàng Ulysse thuở nào. Chàng ngó biển đen mỗi lúc một lên cao, và thốt xao xuyến. Nếu một mình đi lang thang ngoài chân sóng, trong đêm khuya, anh có thể dễ dàng lăn xuống, và chết không duyên cớ trong cơn hối hả thôi thúc của nước mặn và gió triều.


Cơn mưa đổ ập bất ngờ, tôi chạy vội vã trên cát như một chú dã tràng, bỏ dở mộng đang vo, và trở về với cô bạn thi sĩ nhỏ.


THỨ NĂM 25.9.1969


Nha Trang, thành phố định cư những nhà văn thầm lặng. Ở Sài gòn, ở Huế, ở Cần Thơ, nhịp sinh hoạt ồn ào có thể làm anh không thường nghĩ đến họ. Nhưng đã đặt chân xuống phi trường, đi một ngày dọc theo những con phố đông đúc ở đây, nếu là một nhà văn, anh phải nhớ tới họ. Anh sẽ không còn gì khác để nghĩ tới, hay nói tới.


Tới Nha Trang, dù không đi qua trường Trung học Lê Quí Đôn, anh vẫn sẽ nhớ tới Cung Giũ Nguyên, tác giả Le fils de la Baleine. Từ bao năm nay, ông vẫn là Hiệu trưởng trường này. Những người khác, hoạt động hơn, có nhà văn Võ Hồng, tác giả Những Giọt Đắng vừa do Lá Bối xuất bản, một tác giả có sách in rất đều đặn trong hai năm nay, và Dương Kiền, tác giả Bạch Thư cho Tuổi Trẻ, tập sách vừa do tạp chí Văn Học in. Những người khác mà tôi có dịp gặp sơ qua là anh Duy Năng, và cô Tần Vy.


VẪN THỨ NĂM 25.9


Một chiếc xe jeep ngừng lại trước cổng Ba Làng, trong phạm vi Trường Hạ Sĩ Quan ở Đồng Đế. Anh Duy Năng đón tôi vào thăm nơi anh làm việc. Ở đây tôi còn được gặp họa sĩ Phạm Kim Khải, những năm trước từng bày tranh ở Sài gòn, và mới đây là dịch giả, khi anh dịch sang Anh ngữ tập Trao Cho Thời Đại Một Nội Dung Phật Chất của Thượng Tọa Thích Đức Nhuận.


Anh Duy Năng, làm thơ từ những ngày còn tờ Hồ Gươm tôi đọc ở Hà Nội, [khoảng 1953, 54; tôi cũng đọc thơ Song Hồ ở đấy] cho tới nay vẫn chỉ xuất bản được một tác phẩm độc nhất: tập thơ Giấc Ngủ Lưng Đèo.


Trên bàn làm việc của anh, tôi thấy một tập thơ khác, nhưng chỉ là bản thảo. Với Phạm Kim Khải, anh đang làm một cuốn sách công phu: Tự Điển những danh từ nghệ thuật. Hay một chữ gì đại loại như thế ...


Các anh nói với tôi tình trạng những người cầm bút sống xa thủ đô, tình trạng rất tẻ nhạt. Tình trạng xa cách, hiu hắt. Tôi nghĩ đó là lý do mà hiện nay mỗi tỉnh, nhất là các tỉnh Miền Trung, anh em cầm bút đều cố gắng tạo dựng một diễn đàn, một tạp chí của riêng mình. Ở Phan Rang có tờ Ý Thức, ở Tuy Hòa có tờ Sóng, ở Qui Nhơn có tờ Nhìn Mặt, ở Quảng Ngãi có tờ Trước Mặt, ở Huế dường như có tờ Thể Hiện và ở Nha Trang: Dựng Đất mới ra được một số. Số 2 bắt đầu đã lâu nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Và chưa biết ra sao. Đó cũng là tình trạng chung cho mấy tờ vừa kể. Sự xa cách thấy rõ. Sài gòn có dăm ba tờ tạp chí văn nghệ và một tuần báo văn nghệ, tuần báo văn nghệ duy nhất mà các bạn đang đọc, con số thật ít để có thể là những mảnh đất sẵn sàng...


Công việc các anh đang theo đuổi - ở địa phương mình - thật là khó khăn. Quá khó khăn, về mọi mặt. Nhưng phải làm, "để có dịp gặp nhau, dù mỗi tháng một vài lần."


THỨ BẢY 13.12


Anh Lê Huy Oanh [nhà phê bình] đến tòa soạn. Anh nói với tôi: những người trẻ bây giờ làm thơ hay quá. Anh muốn nói đến những người trẻ làm thơ ở Khởi Hành. Những người trên dưới hai mươi tuổi.


Điều này thật rõ rệt, tuy rằng nhìn lướt qua, có thể sẽ không thấy rõ. Tạm thời, có thể nhìn Thơ bây giờ từ hai phía. Thứ nhất; những người làm thơ còn nhớ thơ tiền chiến. Thứ hai, những người làm thơ hoàn toàn không nhớ thơ tiền chiến. Lớp trên là những người đã viết khoảng trên mười năm nay. Lớp dưới là những người chỉ mới viết khoảng năm năm nay. Anh Lê Huy Oanh muốn nói đến lớp dưới.


Những người này lớn lên trong ngôn ngữ mới, và sử dụng ngôn ngữ mới dễ dàng, không một chút ám ảnh bởi không khí cũ, hình ảnh cũ, và nhịp điệu cũ. Là người đọc thơ mỗi ngày, tôi cũng thấy như vậy. Và nhân câu nói của anh Lê Huy Oanh, những ghi nhận sau đây có dịp được trình bày.


Trước hết, về cách trình bày thơ trên mặt báo này. Cho tới tuần này, KH đã ra tới số 34. Trong 34 số đó, chỉ có duy nhất một lần tờ báo đã dành tới hai trang liền để đăng thơ bạn đọc, đó là hai trang thơ lục bát trên số 31. Sau số báo này, có nhiều ý kiến. Là nhiều quá, làm thế thơ kém vẻ trang trọng. Ý kiến đúng. Nhưng nếu không làm như vậy, thơ chọn đăng sẽ còn lại mãi, và mỗi tuần lại tăng thêm.


Nếu đã theo dõi KH liên tục, hẳn bạn đọc thấy KH không bao giờ dùng thơ để trám chỗ, in trang này một hai bài, trang kia một hai bài. Thơ không phải để đăng như vậy. Thơ đăng lối đó không thể chấp nhận được. Và KH chưa bao giờ và không bao giờ làm như thế. (Ngay cả đoản văn cũng không bao giờ đăng từng bài, mà đăng mỗi kỳ hai hoặc ba trang. Nếu không đủ trang, chỗ đó được dùng cách khác.)


Trên những số đã qua, có những trang thơ chung, có những cột thơ riêng, có những số dành cho thơ tự do, thơ bốn chữ, thơ lục bát. Có những kỳ dành cho thơ đánh giặc, thơ tình, đại khái có thể gọi như vậy. Và chính vì cách trình bày như thế mà nhiều bài thơ phải giam lại quá lâu, lâu đến nỗi tác giả tưởng như trở thành người khó tính. Nhưng kết quả là KH đã có những trang thơ đẹp. (Cũng trong cách trình bày như thế này, có nữ tác giả gửi bài cho KH từ số 23, tới số trước (33) mới đăng được. Đó lại là một nữ tác giả tên tuổi...)


Về không khí thơ bây giờ, có thể nói những hoài nghi về một con bệnh đã không còn nữa. Năm sáu năm trước đây, trên tờ Nghệ Thuật, một vài tác giả nói rằng thơ đang ốm, thiếu máu, vàng vọt. Bây giờ cơn bệnh đã qua, thơ chúng ta rất khỏe, rất sung sức, rất mạnh, trừ một chút xanh xao nơi thơ lục bát.


Hàng ngày, tòa soạn KH nhận được nhiều bài thơ mới tên ký cũ mới. Nhưng giọng thơ rõ ràng là khỏe, điệu thơ vững chãi, ngôn ngữ bớt xa lạ và không khí thật rõ rệt: những đêm chiến tranh đen tối hay những ngày tuổi trẻ rời rạc.


Thật sự, cái đã được thể hiện chưa phải là mong ước, chưa thành hình trong rực rỡ, trong sinh lực ngây ngất, nhưng từ đó, cái mong ước phải tới. Đặt bút xuống, đầu ngọn bút là ngôn ngữ mới, trên trang giấy là hình ảnh mới, nhịp điệu mới. Không còn cái nửa chừng của những năm Nghệ Thuật, cái ngỡ ngàng của những năm Văn Nghệ. Một bài thơ được viết năm nay có vứt ngược thời gian vào những tháng ngày cũ cũng không thể lẫn lộn được: khuôn mặt thơ 1969 không mặc cảm nữa. Hoặc u buồn thật tình, suy tưởng thật lý, hay sống hoạt thật lực. Anh có thể không thích một vẻ nào, nhưng anh phải nhận vẻ đó là vẻ có thật. Đã có.


Còn thế nào là mới, không thể trình bày điều này trong vài giòng. Mới, nên hiểu như là một kinh nghiệm thẩm mỹ riêng, khái quát là sự loại bỏ tận gốc văn phạm quen thuộc. Hãy đọc hai trang thơ lục bát trên số 31, thật quá nhiều, nhưng đọc kỹ mỗi người: đó là những bài lục bát biệt lập. Và tưởng tượng nếu chúng ta đọc một số lượng những bài lục bát như thế, trong một năm nào đó của quá khứ chẳng hạn. Không, sẽ không có những vần lục bát như thế, vững vàng như thế, đông đảo như thế, trước kia.


CHỦ NHẬT 14.12


Sáng nay, như những sáng Sài gòn trong hơn một tuần lễ qua, tôi thức dậy trong cái lạnh se da cuối năm, đã mang theo từ đất Bắc. Sài gòn, thành phố phương Nam, những trưa nắng soi gay gắt, đang lật ra một bản lề cửa gió. Một chút thôi, nhưng lạnh. Một chút, có phải là bão rớt còn lê lết mây đen, khí ẩm, kéo về, hay cũng đã mang trong thời tiết khoảng trời cũ cái giá buốt của Một, Chạp. Mùa đông đây, phương Bắc, và những ngày cuối năm đang được bóc rời trên tấm thân lịch mỏng, lưng đã dán sát tường, và bụng lép dần, đó thời gian đang đẽo gầy thêm hình vóc tham sinh.


Sáng nay, một câu thơ đông xám hiện về, một tiếng chim nào đó nhỏ nhoi trên mái phố. Xe ngừng góc ngã năm, khu chợ Thái Bình bay ra mùi bún chả thơm mùi củi lửa, nhưng rồi xe lại chạy. Biết bao nhiêu công việc đang chờ đợi. Quán cà phê đầu ngõ vậy. Ngồi ngó một chút trời trên ga xe lửa, nhớ chiếc toa bỏ không ở một ga nào, và một chuyến đi sẽ không thể thực hiện được. Chuyến đi vẫn hứa, vẫn đợi, vào những ngày Sinh Nhật xanh. Năm nay, lại một nóc nhà thờ cũ, những mảnh chuông rơi vỡ như ngói khô, và giòng xe cộ ầm ĩ hỗn loạn. Giáng sinh, chuông đổ trước nửa đêm, giới nghiêm Chúa lúc 0 giờ, và nhịp sống hao hụt nữa.


Tìm lại những câu thơ rời không nhớ hết. Tìm lại cái lạnh miền nào. Tìm lại trái tim rộn ràng đang mất nhịp trong lồng ngực tối. (KH 34, 18.12.69)


[CALIF. 21.9.2004, VŨ HỮU ĐỊNH]


Sinh thời Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Để Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy. Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Định:


Lần nào em sinh nở

Anh cũng trên đường xa

Lần này em sinh nở

Anh cũng không có nhà.


Hai vợ chồng có đâu năm người con.

Viên Linh

Tạp chí Khởi Hành số 96 Tháng 10.2004

* Số 1 Khởi Hành ra vào tháng 5.1969, số chót là số 156, bốn năm sau, tuy nhiên trong Văn Học Miền Nam, Tổng quan, trang 238, Võ Phiến viết: "... Khởi Hành, Thời Tập ... có sống được bao lâu đâu." Chúng tôi đã cho người gửi thư cho ông VP, cải chính, nếu tái bản, cần viết lại, vì Khởi Hành sông cực mạnh, số bán ba lần nhiều hơn BK; và tôi rời KH để lập Phúc Hưng ấn Quán ở số 51/51B Nguyễn Trãi, để tự đứng chủ trương và tự xuất bản Nguyệt san Thời Tập của riêng mình, hàng tháng ông VP vẫn đến đưa bài. Thời Tập có số bán nhiều hơn BK, và chỉ ngừng hiện diện vì biến cố 30.4.75. (số 23 là số chót, tháng 3.75, còn là số Chủ đề Ban Mê Thuột thất thủ.) Như thế không thể viết 'có sống được bao lâu' (hàm ý không sống được.) Khi tái bản Văn Học Miền Nam, ông VP không hề cải chính, có lẽ vì chúng tôi lúc ấy không có báo trong tay, nên ông tin rằng không cần cải chính cũng không hề gì. Suốt bộ 'sử' VHMN ông VP dùng rặt lối độc thoại nội tâm kiểu hô hoán âm binh bắt quyết ngoại vật như thế. VL.


** Một nhà văn lão thành hiện ở Houston từng nói ông là người 'đã khám phá ' ra thi tài Nguyễn Bắc Sơn. Một nhà văn hiện ở San Diego, cũng viết ông đã khám phá ra họa sĩ Choé. Cả hai ông khi nhắc đến tên NBS, Choé, để giới thiệu cho nhà văn Chu Tử của báo Sống, các ông đã không nói rõ rằng các ông đã khám phá ra NBS và Choé khi thấy thơ hoạ của họ in trên mặt báo Khởi Hành, lại là ở trang bìa.