27-11-2015 | VĂN HỌC

‘Khởi Hành’ cùng nhà thơ Viên Linh qua 20 năm

  QUỐC DŨNG phỏng vấn
Kỷ niệm 20 năm tạp chí Khởi Hành có mặt tại Hải ngoại
Khởi Hành số 1, Tháng Mười Một, 1996, 20 năm trước
Tác phẩm Khái Hưng, 69 năm sau mới thấy khởi hành

Viên Linh là nhà thơ nổi danh của miền Nam vẫn còn hoạt động văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Là người làm báo mạng và cũng là độc giả dài hạn từ số đầu của tạp chí Khởi Hành, có lần tới thăm toà soạn, thấy anh miệt mài bên máy tính và sách báo, tài liệu quí hiếm chất đầy tủ nhưng vẫn còn nằm ngổn ngang ở ngoài mà cảm được sự yêu nghề và tâm huyết của anh.

Tạp chí Khởi Hành do anh chủ trương, chị Tà Cúc -Thư ký Tòa soạn- vẫn còn ra mắt độc giả đến nay đúng ngày Kỷ niệm 20 năm. Đó là một thành công đáng nể trong thời đại thông tin "báo mạng" hiện tại. Nhận được thiệp mời dịp kỷ niệm này là sự quan tâm, khuyến khích của anh cho Học Xá trong việc làm báo Văn học Nghệ thuật trên mạng. Độc giả sẽ hiểu lý do tại sao anh thành công trong bài phỏng vấn sau đây. (Học Xá)

LTS: Tạp chí Khởi Hành sẽ tổ chức mừng sinh nhật năm thứ 20 vào lúc 1 giờ 30 trưa Thứ Bảy, 28 Tháng Mười Một, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683. Khởi Hành do nhà thơ Viên Linh sáng lập, và hiện là chủ nhiệm kiêm chủ bút.


Viên Linh là một tên tuổi lớn của văn chương miền Nam Việt Nam trước 1975 và ông theo đuổi nghề báo đúng 60 năm, từ trong nước ra đến hải ngoại. Năm 1955 ông là phóng viên báo Ngôn Luận. Do vậy mà những tờ báo ông làm thư ký tòa soạn và chủ bút đều có được sự cộng tác của hầu hết các cây bút nổi tiếng trong văn giới miền Nam.


 

Nhà thơ Viên Linh xem lại bản nháp tạp chí Khởi Hành trước khi đưa đi in. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Năm 1954 đến 1957, khi đang học đệ tam trường Chu Văn An ở Hà Nội thì Viên Linh vào Sài Gòn và được nhận làm phóng viên, biên tập viên nhật báo Ngôn Luận. Cùng lúc đó ông viết thường xuyên thơ, truyện ngắn cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Lúc đó ông mới hơn 17 tuổi.


Đến năm 1961 ông được mời làm thư ký tòa soạn tuần báo Điện Ảnh, rồi tiếp theo là tuần báo Kịch Ảnh. Lúc đó lương mỗi tháng của ông là 3,200 đồng, trong khi lương quân nhân chỉ có 360 đồng. “Từ khi gần 20 tuổi tôi đã đi xe máy mới tinh, và ở khách sạn, không ăn cơm nhà mà ăn cơm tiệm. Công việc làm báo khiến tôi nghĩ tôi không bao giờ làm nghề gì khác cả,” nhà thơ Viên Linh kể.


Sau đó ông làm tổng thư ký nhật báo Dân Ta, nhật báo Dân Tiến, tuần báo Nghệ Thuật. Rồi ông tình nguyện gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, và làm thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, nhật báo duy nhất của Quân Lực VNCH.


Năm 1969, ông làm tổng thư ký tuần báo Khởi Hành, rồi làm chủ bút tuần báo Diễn Đàn. Giải ngũ năm 1972, ông làm chủ nhà in Phúc Hưng Ấn Quán ở Chợ Lớn, rồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút bán nguyệt san Thời Tập do ông sáng lập.


Trước biến cố 1975, ngày 21 Tháng Tư ông đã rời Sài Gòn, ra Phú Quốc và lên tàu sang Mỹ. “Lúc đó tôi là trưởng ban biên tập đài phát thanh “mật” của Mỹ ở Sài Gòn, và có ký giao kèo với đài rằng, chiến sự tới đâu mà đài phải di chuyển thì tôi đi theo đài tới đó. Rồi đài phải di chuyển ra khỏi Sài Gòn và tới Phú Quốc,” ông cho biết.


Sau khi sang Mỹ, ông học nghề in ở Virginia. Gần 20 năm làm nghề in ở hải ngoại, ông quyết định về hưu non trước hai năm, để chuẩn bị trở về nghề báo. Và Khởi Hành hải ngoại ra mắt số 1 vào Tháng Mười Một, 1996, tồn tại cho đến hiện nay. Nhân dịp tạp chí Khởi Hành bước vào tuổi 20, nhà thơ Viên Linh dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.


Người Việt (NV): Có phải do từng làm nhiều báo văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975 nên khi qua Mỹ ông vẫn không bỏ được nghề báo? Khởi Hành ra đời như thế nào ở Mỹ?


Viên Linh: Lúc nào tôi cũng muốn làm tờ báo văn học nghệ thuật, tới lúc tôi thấy chín muồi thì bắt tay vào làm. Năm 1996, ông Mai Thảo (nguyên chủ nhiệm tuần báo Nghệ Thuật trước 1975 tại Sài Gòn) đóng cửa tạp chí Văn. Trong đầu tôi nghĩ, tạp chí Văn đóng cửa thì là dịp thuận tiện để tôi ra lại tờ Khởi Hành đã làm trước đây. Do vậy mà tôi quyết định phát hành Khởi Hành vào năm 1996.


Thực ra trong lúc làm nghề in tôi đã làm lại tờ Thời Tập ở Virginia năm 1979 và California năm 1989, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên tôi ngưng. Việc ngưng này là tạm thời vì tên Thời Tập không quen với mọi người bằng Khởi Hành, thêm nữa là khi đó người Việt chưa nhiều.


NV: Ra hải ngoại ông tiếp tục duy trì tên gọi Khởi Hành cho tới nay. Vậy Khởi Hành của ông những ngày đầu có được thuận lợi không? Có những ai cộng tác với tạp chí lúc mới ra đời?


Viên Linh: Do thời gian dài làm báo trước 1975 nên tôi có lợi thế là xin bài ai thì người đó đều đóng góp bài vở rất nhiệt tình và bài vở giá trị. Nhiều tên tuổi các học giả văn nghệ sĩ uy tín có mặt ngay từ những số đầu và tiếp tục cộng tác cho tới khi từ trần như Chóe, Phùng Cung, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Hoạch, Đào Mộng Nam, Sơn Nam, Phùng Quán, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Trần Quốc Vượng…


Mỗi số tạp chí là một chủ đề, chẳng hạn Cái Chết Bí Ẩn Của Khái Hưng, Văn Cao, Sinh Niệm Mai Thảo, Tâm Sự Hữu Loan, Bùi Giáng, Thơ Văn Chiêu Hồn, Chuyện Liêu Trai, Hướng Về Miền Nam Việt Nam, Cái Chết Của Dương Quảng Hàm, Phong Thổ Miền Nam…


Đặc biệt, Khởi Hành là tạp chí văn học nghệ thuật duy nhất có hình ảnh. Thời đại kỹ thuật số, cái gì cũng hình ảnh mà ra tờ báo đặc sệt chữ thì người đọc chán lắm. Khởi Hành ra được bốn số là tôi biết sống được, vì được bạn đọc mua dài hạn.


Phải biết độc giả của mình là ai


NV: Quay trở lại làm báo ông gặp những khó khăn gì, bởi vì làm báo, đặc biệt là làm báo hải ngoại không phải dễ, nhất là làm báo chuyên về văn chương?


Viên Linh: Làm báo, việc đầu tiên là làm báo với ai, và làm báo cho ai đọc, dù tờ báo ấy thuộc loại gì. Cho tới ngày hôm nay, tất cả những tờ báo, tuần báo hay tạp chí loại văn học nghệ thuật xuất bản thì tất cả đã đóng cửa, trừ Khởi Hành là tạp chí duy nhất xuất bản từ thế kỷ 20 còn tồn tại. Đừng vội chê trách độc giả không còn tha thiết với văn chương nghệ thuật.


Độc giả hải ngoại vẫn đọc báo văn chương nghệ thuật từ 40 năm nay, nhưng các tập thơ văn lý luận sáng tác của các tờ báo đã chết có khi nào là một tờ báo đâu. Nó chỉ là những tập văn tập thơ, không xứng đáng được gọi là tuyển tập nữa, vì có tuyển gì đâu, có chọn gì đâu, cứ gom đầy xấp, áng chừng trăm trang, là đem in, bài sau mâu thuẫn với bài trước.


Làm báo thì phải trả lời được câu hỏi độc giả của mình là ai. Khi biết độc giả của mình thì các nhà văn, nhà thơ gửi bài đến, mình đọc bài của họ thì sẽ biết bài của họ có thích hợp với độc giả của mình không. Phải chọn được đúng bài mà độc giả đang mua báo mình họ thích, phải nhận rõ độc giả mình là ai thì lúc đó tờ báo mới sống được. Đáp ứng được đúng người đọc thì tờ báo mới đứng được.


Để thu hút được nhiều độc giả, tôi đã thay đổi tạp chí nhiều lần. Chẳng hạn, khi manh nha Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, chính tôi là người đưa vấn đề “Ải Nam Quan không còn nữa” trên Khởi Hành vào Tháng Tám, 2001, với rất nhiều hình ảnh đặc biệt, hiếm có sưu tầm từ cổ thư. Vài tháng sau vấn đề này mới bùng lên, khi đó mọi người mới biết Ải Nam Quan đã nằm sâu trong đất Trung Quốc. Lúc đó tạp chí bán rất đắt, tôi có thêm nhiều độc giả trung thành.


NV: Báo văn chương hải ngoại không có nhuận bút, vậy làm sao ông thu hút được người viết cho Khởi Hành? Rồi phát hành tạp chí được tổ chức như thế nào, thưa ông?


Viên Linh: Cái bi thảm của những nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại là viết văn, làm thơ không có nhuận bút. Vì thế mà chất lượng của các tờ báo đó tệ, bởi vì có bài gì họ cũng đăng, do đăng không phải trả nhuận bút thì bài dở là điều tất yếu! Với tôi, viết văn hay làm thơ là nghề mưu sinh, không trả nhuận bút thì tôi không bao giờ viết.


Còn với Khởi Hành, tác giả của tạp chí hoàn toàn không có những nhà văn mọi người thấy trên các báo khác. Đó là điều chắc chắn, bởi vì những người viết cho Khởi Hành đều phải theo chủ đề được định ra. Khi chuẩn bị bài cho chủ đề của mỗi số, tôi phải biết mình sẽ mời tác giả nào, bài vở phải như thế nào để phù hợp với độc giả của mình. Do vậy mà các tác giả gửi bài cho tôi, khi bài được chọn đăng đều được trả nhuận bút.


Tạp chí tôi trả nhuận bút khá cao, $50 một bài, ngay cả thơ cũng vậy. Hay những tác giả viết theo những chủ đề khó, chẳng hạn tưởng niệm Phan Khôi, nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc, thư ký tòa soạn Khởi Hành, đã liên lạc với con trai của cụ là Phan Nam Sinh viết; hay viết về nỗi bi phẫn Đào Duy Anh, tôi mời Đào Hùng là con trai cụ viết. Những tác giả này tôi trả $100-$200. Phải trả nhuận bút thì bài mới hay và giữ liên lạc dài lâu với các tác giả.


Về phát hành, báo sống được là nhờ độc giả, làm sao có được độc giả là một vấn đề, làm sao giao được báo cho họ là một vấn đề nữa. Phát hành qua trung gian hay phát hành trực tiếp là điều cần phải tính toán. Nhà sách nào cũng đòi chiết khấu 40% là ít, nên phát hành qua trung gian là chết vì chỉ thu được một nửa. Như vậy, phải cố gắng phát hành trực tiếp, cố gắng khai thác độc giả mua báo dài hạn.


Tôi có lợi thế là chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, thành lập được 12 trung tâm ở khắp nước Mỹ. Mỗi chủ tịch địa phương thì tôi đều nhờ phát hành ở địa phương đó. Ví dụ, mỗi kỳ tôi gửi 10 số, tôi không cần biết anh bán bao nhiêu, chỉ cần anh đưa trước cho tôi $30 (giá bìa $3.5 một cuốn). Nếu đồng ý thì hợp tác, vì khi anh bán hết thì anh nhận hết số tiền bán được. Nhờ cách làm này mà tôi dễ dàng trong khâu phát hành và có thêm người đọc. Điều này có lợi hơn là đi gửi bán ở các chợ, tiệm sách vì rất khó lấy lại tiền, mà còn mất chiết khấu cho họ.


Khởi Hành rất riêng, không tìm được trên Internet


NV: Hải ngoại không có lượng bạn đọc đông đảo như Việt Nam, chưa kể sự phát triển của Internet khiến báo in rơi vào bế tắc. Nhiều tạp chí, báo đã đình bản hoặc chỉ đẩy mạnh online, nhưng tạp chí Khởi Hành của ông vẫn ra đều đặn. Xin hỏi, độc giả của Khởi Hành là ai, ông đã làm như thế nào để giữ được sự tồn tại của tạp chí trong hoàn cảnh hiện nay?


Viên Linh: Khởi Hành chưa bao giờ lấy bài trên Internet để đăng, bởi vì nếu một tờ báo bán mà lại đăng bài người ta đã thấy trên Internet thì không ai mua báo nữa. Tuyệt đối bài nào đã đăng trên Internet thì Khởi Hành không bao giờ đăng, vì không để bạn đọc bỏ tiền mua báo để đọc một bài đã có sẵn trên Internet.



    Tạp chí Khởi Hành số mới nhất in trọn một tác phẩm chưa từng xuất bản của Khái Hưng: “Đoàn Kết!”.
(Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Do đó phải phân biệt độc giả Internet và độc giả mua tạp chí Khởi Hành. Tôi tránh đăng bài những người vẫn viết trên Internet vì thấy tên họ thì độc giả sẽ không mua báo, vì đây là một thứ viết văn không có bản quyền. Cho nên Khởi Hành phải tìm thấy những gì rất riêng mà người đọc không tìm thấy được trên Internet. Có như vậy tạp chí mới bán được.


Về sau tôi định hướng Khởi Hành thành một tạp chí có thêm sử học. Tôi quan niệm rằng, nhà văn không thể tách rời vận mạng của đất nước. Nhà văn phải theo đuổi tin tức, nên phải có sử học. Do đó trên bìa tạp chí có ghi “Tạp Chí Văn Học Lịch Sử” là vì vậy, ngay sau số có chủ đề về “Ải Nam Quan không còn nữa” hồi năm 2001.


Quan trọng là tạp chí thực hiện hầu như mỗi số một chủ đề, từ văn chương tới nghệ thuật, từ sử cận đại tới các vấn đề nhân văn, thời thế, những bí mật chính trị, chiến tranh Việt Nam. Khởi Hành trực diện và lên tiếng trước những bất công, kỳ thị trong lĩnh vực sách vở, xuất bản, trong giới cầm bút làm báo hay viết văn.


Khởi Hành là tạp chí biên khảo lịch sử văn hóa văn học, sáng tác dịch thuật văn chương duy nhất hiện nay tại hải ngoại tồn tại được là nhờ ở bạn đọc mua báo, nhất là mua dài hạn. Do đó tôi dành hết tâm huyết của mình để mỗi số báo là một giai phẩm được thực hiện công phu, nhiều hình ảnh và chú thích cặn kẽ để gửi tới những độc giả tri âm yêu tiếng Việt, yêu sự trong sáng và quý trọng con người.


NV: Ông thích mọi người gọi ông là nhà báo, nhà thơ, hay nhà văn? Nếu quay về tuổi 20 như Khởi Hành hiện nay, ông có đi theo nghề báo văn chương không?


Viên Linh: Tôi thích mọi người gọi tôi là nhà thơ, mặc dù tôi đã từng đạt giải nhất giải văn học toàn quốc năm 1974 cho tác phẩm “Gió Thấp.” Ở thơ, tôi có sự nâng niu hơn cả, vì mỗi khi làm thơ tôi phải miệt mài lắm mới xong. Thơ là một cái gì rất tinh túy, một cái gì sáng tạo tuyệt đối, chỉ có mình có mà người khác không dùng được. Nhà thơ phải tạo ra thi ngữ của riêng mình. Thi ngữ của một nhà thơ không ai có thể dùng được, người thứ hai dùng chữ của mình sẽ bị chê cười ngay. Nếu được làm lại từ đầu, tôi chắc cũng lại làm như hiện nay mà thôi.


NV: Theo ông đánh giá thì văn học Việt Nam hải ngoại thời gian tới sẽ như thế nào, có thế hệ kế thừa không?


Viên Linh: Kế thừa thì tôi nghĩ là không, nhưng mỗi thế hệ sẽ tạo ra diễn đàn khác nhau. Mỗi thế hệ sẽ có tinh hoa, họ lưu tâm tới thế hệ họ sống. Văn học Việt Nam hải ngoại sau này quá khứ của nó chắc không còn dính tới miền Nam nữa. Thế hệ tới, họ lớn lên tại đâu sẽ viết về giai đoạn đó của họ. Thành ra tương lai của văn học Việt Nam ở hải ngoại thì tôi nghĩ rằng nó chỉ nói về người Việt Nam thôi, chứ không nói về ngôn ngữ Việt Nam nữa.


Khởi Hành sẽ in những tác phẩm quý, bị chôn giấu


NV: Ông có những dự định nào khác cho Khởi Hành trong tương lai?


Viên Linh: Tôi dự định tái bản lại tủ sách Khởi Hành Tác Phẩm. Tức mỗi một tạp chí tôi sẽ in trọn một tác phẩm, mà tác phẩm này phải là tác phẩm quý, bị chôn giấu, bỏ mất ở đâu đó. Ví dụ, số Khởi Hành phát hành Tháng Mười Một này in trọn tác phẩm “Đoàn Kết!” chưa từng xuất bản của Khái Hưng, viết Tháng Bảy, 1946, năm tháng sau ông bị giết. Sau 69 năm, tác phẩm này mới được phổ biến, và do chính Khởi Hành in!


Ngoài ra, tôi cũng muốn trao giải Văn Chương Khởi Hành hay giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp như đã từng trao cách đây năm năm. Khi đó giải thưởng trị giá $5,000, trong đó $3,000 hiện kim, còn $2,000 dùng để mua vé máy bay, di chuyển, cho tác giả được giải tới lãnh. Nguồn tài chính của giải đều do độc giả đóng góp, với danh sách công khai trên tạp chí Khởi Hành.


Người được trao giải ít nhất phải ở trong nghề hai, ba mươi năm. Người đó có thể không cần viết gì thêm mà vẫn được giải, vì các tác phẩm trong quá khứ đã có giá trị rồi. Giải nhằm trao cho một nhà văn, nhà thơ có sự nghiệp hoạt động lâu dài, và hiện còn ở Việt Nam nhưng không được phép xuất bản sách.


Tuy nhiên, hiện giờ những người miền Nam tôi không thấy còn ai để trao giải cả, vì thế hệ như tôi đã ra đi gần hết rồi. Một mặt, còn vài người, nhưng khi được hỏi trao giải này có nhận không, thì nhiều người không dám nhận vì sợ. Có người sẵn sàng nhận nhưng không chịu tuyên bố gì cả. Nếu như thế thì không được vì chủ trương của Khởi Hành là khôi phục văn chương miền Nam và vinh danh các tác giả miền Nam, những tên tuổi đã hy sinh, đã tuẫn tử vì văn chương tư tưởng hay thiệt mạng trên đường vượt biên, cũng như khôi phục các tác phẩm đã bị đốt, bị chôn giấu các tác phẩm của các nhà văn trong tù ngục, trong các trại tập trung…


NV: Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn.


Viên Linh trả lời phỏng vấn

Nguồn: nguoi-viet.com