1- Tháng Năm, 1969, tuần báo Khởi Hành, cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, số 1, ra mắt độc giả miền Nam Việt Nam, với chủ đề “Nhân Vật Người Lính trong Văn Chương.”
Là thư ký tòa soạn song tôi không có một sáng tác nào trong đó, ngoại trừ mấy câu phỏng vấn gửi cho các nhà văn, và lời mở đầu đăng trên bài trả lời của họ:
“Với hy vọng họp mặt các nhà văn, nhà thơ trước các đề tài thuộc phạm vi Văn Học Nghệ Thuật, kể từ số ra mắt này, chúng tôi sẽ thường xuyên gửi tới bạn đọc những cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến, phỏng vấn giữa Bộ Biên Tập Khởi Hành và các tác giả mà bạn đọc từng biết tiếng. Kỳ này… chúng tôi đã mời tham dự các nhà văn quân đội, hay đúng hơn, gồm những nhà văn quân đội và những nhà văn đang phục vụ trong quân đội…”
Những người nổi tiếng tham dự cuộc phỏng vấn có Văn Quang, Tạ Tỵ, Thảo Trường, Hà Huyền Chi…
Như thế từ số báo đầu tiên người thư ký tòa soạn đã nghĩ ngay đến thành phần quan trọng nhất của tờ báo: đó là người đọc. Anh chị làm báo, nhưng làm báo cho ai đọc? Chúng ta không phỏng vấn các nhà văn trong số ra mắt để xin ý kiến họ về việc xây dựng hạnh phúc gia đình, hay hỏi họ có kinh nghiệm gì truyền lại cho thế hệ các nhà văn trẻ học hỏi. Những người muốn xây dựng hạnh phúc gia đình tốt đẹp sẽ không thèm nghe các ông nhà văn – không có nhà văn nào nổi tiếng về việc xây dựng hạnh phúc – như thế là anh chị không tạo ra độc giả cho tờ báo, và trong số độc giả, có bao nhiêu nhà văn trẻ mua báo của anh chị, chưa nói đến việc nếu tất cả các nhà văn trẻ mua báo của anh chị để học hỏi kinh nghiệm đi nữa, thì anh chị có bao nhiêu độc giả?
Đoạn văn trên người viết muốn trình bày sự liên hệ ràng buộc không thể không có sẽ diễn ra giữa những người xây dựng tờ báo Khởi Hành và bạn đọc Khởi Hành. Khởi Hành sẽ là báo văn nghệ của những người mặc quân phục. Để ghi dấu chân cho cuộc hành trình – cả hai tờ đều do tôi thực hiện, cộng lại là 405 số báo – bài viết này bắt buộc phải là một bài vừa ghi chép vừa hồi tưởng, với những con số và sự kiện nhớ được.
2- Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội được thành lập ngày 2 Tháng Sáu, 1967, qua Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quân kỳ thứ nhất tại rạp Thống Nhất từ 31 Tháng Năm đến ngày 2 Tháng Sáu, 1967. Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng được bầu làm chủ tịch. Ông người Nam, năm 17 tuổi ra Bắc học khóa 1 Võ Bị Nam Định, thời gian này sáng tác ca khúc Bến Cũ. Bạn cùng khóa của ông có Nguyễn Văn Thiệu, sau là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả Viên Linh được bầu ủy viên báo chí trong Ban Chấp Hành.
3- Không lâu sau khi thành lập, hội xuất bản nguyệt san Khởi Hành, Thiếu Tá Tô Kiều Ngân làm thư ký tòa soạn, báo đình bản sau tám số. Đầu năm 1969 tác giả Viên Linh được liên lạc khi hội quyết định biến nguyệt san Khởi Hành thành một tuần báo, và bán ra thương trường như một tờ báo dân sự. Nghe phong thanh hội muốn tôi làm tờ Khởi Hành như đã làm tờ tuần báo Nghệ Thuật (chủ nhiệm Mai Thảo) năm 1965.
Trong một phiên họp của Ban Chấp Hành tại văn phòng đại tá chủ tịch hội (cũng là tổng cục trưởng Tổng Cục Quân Cụ, đường Trần Quốc Toản) sau một cuộc bầu cử chọn thư ký tòa soạn giữa hai người, Viên Linh được đa số. Một tòa soạn được hội thành lập, thành phần gồm hai trung tá, hai thiếu tá, hai đại úy: Tô Kiều Ngân, Lê Đình Thạch, Hoàng Ngọc Liên, Hy Văn, Đặng Trần Huân, Nguyễn Hữu Thông. Trong thành phần trên, Trung Tá Hy Văn là thủ quỹ của hội, Thiếu Tá Lê Đình Thạch vốn là cựu chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến, tờ nhật báo duy nhất của Quân Đội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tác giả Viên Linh cũng đang là thư ký tòa soạn nhật báo này, từ khi nhập ngũ, 1966.
Tôi trông coi hai tờ báo một lúc trong suốt hai nhiệm kỳ thi hành nghĩa vụ quân sự của một thanh niên thời chiến. Tại tòa soạn Tiền Tuyến bộ phận của tôi có các anh Nguyễn Khắc Nhân, Hải Bằng, Viêm Hồng, Châu Sơn (con út nhà văn Chu Tử), tại Khởi Hành có anh Huỳnh Văn Mạnh về trị sự, nhà văn Dương Trữ La viết tin tức sinh hoạt văn nghệ và sửa lỗi các bản in.
4- Mặc dù có tòa soạn, thư ký tòa soạn toàn quyền điều hành tờ báo về mặt biên tập. Trong phần lý lịch báo (nơi trang 4 hay trang chót) có ghi câu “Bài vở xin đề tên thư ký tòa soạn” đã nói rõ ý đó. Tờ báo nhằm bán ra thị trường tất phải quy tụ các nhà văn tên tuổi, ăn khách, có tầm vóc, muốn thế phải đãi ngộ họ một cách xứng đáng. Mặt khác nói là một tờ báo văn học thì không thể không nêu ra hay thể hiện một chủ trương văn học. Khởi Hành trước 1975 đã viết ngay văn học sử từ giai đoạn trước mình, và tìm tòi khai phá các tài năng mẫn cảm, tinh tế, và viết thực, đôi khi kỹ thuật các cây bút đó chưa vững, nhưng nương cho họ đi lên. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ không quên ghi nhận Khởi Hành là diễn đàn đầu tiên của nhiều tiếng nói nhất.
Bìa báo số Tháng Tư cách đây trên 10 năm.
(Hình: Viên Linh cung cấp)
5- Để thực thi ý mình tránh những phiền hà của hành chánh hay nhân sự xen vào, một hợp đồng riêng đã được thỏa thuận giữa chủ nhiệm chủ bút (Anh Việt Trần Văn Trọng) và thư ký tòa soạn (Viên Linh). Để hoàn thành mỗi số báo, từ xin bài vở, biên tập, trình bày tờ báo, khuôn báo, sắp chữ, ấn loát, phí tổn mỗi số báo từ 16 tới 24 trang khổ 30 x 43 cm (11.50 x 17”) là 45,000 đồng, trong đó 25,000 đồng phí tổn tòa soạn, giấy và công in cho 5,000 số báo; 20,000 đồng vừa là thù lao cho thư ký tòa soạn, 10,000 đồng mỗi tuần và nhuận bút cho các tác giả được mời viết 10,000 đồng nữa một số báo.
Những món nhuận bút đầu tiên chi ra là cho các họa sĩ Tạ Tỵ, vẽ tranh trang hoàng nho nhỏ, làm thành clichés (bản kẽm) dùng hoài, như các mục “Thời sự nghệ thuật,” “Vấn đề,” và người chọn kiểu chữ cho tờ báo. (Hơn 40 năm nay không có tờ báo nào chọn trùng kiểu chữ manchette của Khởi Hành, giản dị đó là kiểu chữ không đúc sẵn, chân chữ vuông vì được vẽ thêm vào. Khi làm Thời Tập năm 1973, chữ Thời Tập cũng vậy, chưa từng báo nào có kiểu chữ ấy vì tôi đã nhờ họa sĩ Lê Tài Điển sáng tác cho một kiểu chữ chỉ có mình có). Sau có thêm Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Hải Chí (CHÓE)… Thư ký tòa soạn chỉ trả nhuận bút cho các nhà văn do mình đứng ra mời, xin bài, tùy quyết định riêng không cần báo cáo. Thư ký tòa soạn không có trách nhiệm về nhuận bút với các bài lai cảo (tác giả tự ý gửi đến). Nếu một tác giả có bài được đăng với điều kiện đòi nhuận bút, quản lý sẽ giải quyết bằng quỹ khác của tờ báo.
Do toàn quyền quyết định mức nhuận bút, tôi không cần giấy tờ chứng minh dù với cả chủ nhiệm. Cùng một trang báo song được chia ra ít nhất là ba mức: 700 đồng, 1,000 đồng, 1,500 đồng. Những người được trả mức 3 là những người mới vào nghề, mức 1 dành cho Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Ký giả Lô Răng, Võ Phiến; mức 2 dành cho Dương Nghiễm Mậu, Cao Huy Khanh chẳng hạn.
Chị Năm Đen có quán cà phê bít tất ở đầu hẻm Phạm Ngũ Lão cách tòa soạn 4, 5 căn mỗi tháng tính tiền tôi nợ khoảng ba hay bốn ngàn, do tòa soạn Khởi Hành quá nhỏ, vì chung văn phòng với ba ông khai thuế xe, giấy lưu hành xe (Nha Lộ Vận ở bên kia đường, trong khu Nhà Ga xe lửa)… Khi có anh em đến thăm, câu đầu tiên của tôi là “Ra ngoài quán chờ nhé. Uống gì cứ gọi trước đi.” Hơn nữa mỗi buổi sáng vào Cục Tâm Lý Chiến làm 4 trang nhật báo Tiền Tuyến, soạn tin soạn bài, “mise en page” tờ báo, tôi ra Khởi Hành làm việc khá trễ, đâu cũng bốn giờ chiều. Lần nào cũng thấy bằng hữu đang chờ ở đầu ghế quán cóc. Mỗi buổi chiều chúng tôi có một họp mặt hào hứng. Chuyện bài thơ kia hay, cái truyện đó lạ… thường là đề tài nói ở đây.
6- Gần một năm sau khi Khởi Hành xuất hiện, Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội mới được nghị định số 814 Bộ Nội Vụ KS-14 ngày 2 Tháng Mười, 1970, hợp thức hóa. Trụ sở đặt tại 72 Nguyễn Du, Sài Gòn. Trong Đại Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội kỳ thứ hai tại Trại Đào Bá Phước đường Tô Hiến Thành, ngày 19 và 20 Tháng Hai, 1971, các hội viên đã bầu ra một Ban Chấp Hành mới, trong đó chủ tịch đại tá nhạc sĩ AnhViệt được lưu nhiệm, phó chủ tịch là hải quân đề đốc nhà thơ Hữu Phương; tác giả Viên Linh là ủy viên sân khấu kịch nghệ. (Do tôi cũng là trưởng ban kịch Sông Hồng trên đài phát thanh Quốc Gia, và thường xuyên cung cấp kịch bản 30 phút (27 vở) cho đài Tự Do phát thẳng ra Bắc qua đài phát tuyến ở Đông Hà). Tờ Khởi Hành số 39-40 báo Tết in 10,000 số, bìa đỏ rực rỡ chỉ in một chữ “PHÚC” vĩ đại chưa từng có.
7- Miền Nam Việt Nam chưa có một tuần báo văn học nào trường sinh như Khởi Hành, 156 số báo bài vở hoàn toàn là văn chương. Một trang báo Khởi Hành to bốn lần trang Bách Khoa. Báo Bách Khoa sống hơn 18 năm (1957-1975), nhưng đứt đoạn sau đảo chánh 1963 nên nếu thu liền lại chỉ còn hơn 16 năm, và hai đời chủ nhiệm, hai kỳ một tháng, mà số trang dành cho bài vở sáng tác văn nghệ không là bao so với số trang dành cho 99 khoa khác, thì nội lực văn nghệ của Bách Khoa riêng Nguyễn Thị Hoàng đã dành được một góc bù.
Phần phê bình sách của nó lại là hai ông nhà văn trong có một giả danh phụ nữ để viết phê bình người khác, lại giả danh dịch văn ngoại quốc lòe người, thì phê bình của nó so thế nào được với sự trung thực và khẳng khái của một cây bút mới 22 tuổi của Khởi Hành là Cao Huy Khanh, và những Nguyễn Nhật Duật, Lê Huy Oanh, nhiều người khác nữa, những người như Bà Tùng Long, Tuệ Mai, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nhã Ca, Lê Xuyên, Sơn Nam, Ngọc Linh, Phạm Văn Tươi, Thanh Nam, Tuệ Sỹ, Nguyễn Hữu Hiệu, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Thụy Long, không thể nào kể hết… Khởi Hành còn đưa lên mặt báo những cây bút vượt tuyến: Phạm Thành Tài, Kim Nhật, Xuân Vũ… một cấm kỵ ít báo dám đương đầu. Không biết bao nhiêu tác giả đưa bài cho Bách Khoa hay Văn, bị trả lại, họ phải mang bài đó cho Khởi Hành, và Khởi Hành đăng ngay không e dè.
8- Tuần báo Khởi Hành không phải là một ông khổng lồ, nhưng biết sức mình, và sức người. Chủ nhiệm Anh Việt nhiều lần nói đến một diễn đàn tự do cho văn nghệ sĩ. Như tôi còn nhớ, Khởi Hành không bao giờ đưa báo đi kiểm duyệt, thì làm sao kiểm duyệt đục bỏ cái gì? Chúng tôi có tư cách pháp nhân của một hội đoàn, chúng tôi chịu trách nhiệm trước tòa án những gì đăng trên báo mình, mà không cần phải thảo luận với một viên chức nào khác, trừ trường hợp thiết quân luật.
Làm hai tờ báo của Quân Đội, còn nhớ một lần có thiết quân luật, nhật báo Tiền Tuyến cũng phải vỗ bản in đem đi kiểm duyệt, nhưng anh em tòa báo kể lại: mấy ông trên phòng kiểm duyệt khi thấy Tiền Tuyến thì cười: Quân Đội thiết quân luật thì Quân Đội kiểm duyệt lấy mình chứ chúng tôi không dám. Kinh nghiệm ấy khiến cho khi giải ngũ năm 1972, năm sau tôi ra báo riêng của mình là bán nguyệt san Thời Tập, tôi cũng không đem báo đi kiểm duyệt, không như Văn, Bách Khoa, Văn Học hay các báo khác.
Các tạp chí lúc ấy muốn khỏi kiểm duyệt, phải đóng 5 triệu ký quỹ, nếu vi phạm sẽ bị khấu trừ số tiền ấy. Nhưng có một cách khác không cần 5 triệu: anh phải có tư cách pháp nhân, Bộ Nội Vụ phải có đầy đủ hồ sơ của anh. Tôi không có gì hết ngoài bằng hữu văn nghệ của tôi, trong có điêu khắc gia Mai Chửng, chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Tôi hẹn gặp bạn ở La Dolce Vita gần Continental, nói tôi giao tờ Thời Tập cho hội của bạn sử dụng, nhân thể đứng ra bảo trợ cho tờ báo. Anh cười ngặt nghẽo trên cái ghế cao và ký nhận bảo trợ tờ Thời Tập. Vì thế khi nhà thơ Tô Thùy Yên gửi cho báo Văn bài thơ Phá Tam Giang, chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng không dám đăng, và Mai Thảo thư ký tòa soạn Văn gọi tôi: “Vượng hắn không dám đăng, cậu có đăng thì gọi Tô Thùy Yên một tiếng, lấy về mà đăng.” Chuyện này tôi đã kể lại trên Khởi Hành hải ngoại. Sau này từ Houston Tô Thùy Yên nhắc lại và cảm ơn tôi: Nếu Thời Tập không đăng bài “Phá Tam Giang,” dài 4 trang in, thì nó đã bị đốt bỏ như tất cả các bản thảo khác của anh. Vì thế Thời Tập là Khởi Hành nối dài và cao hơn một bậc, vì nâng biên khảo phê bình lên một tầm rộng hơn.
Làm thơ viết văn là một chuyện, làm báo văn học là một chuyện khác, hoàn toàn khác. Vì thế mà những tờ báo nhiều sáng kiến và bài vở chọn lọc, có đường hướng thực hiện nghiêm chỉnh sau này có thể được coi như một định chế văn hóa. Những tập hợp thơ rồi văn văn rồi thơ nối đuôi nhau trong một ấn phẩm không đề giá bán và không hề phổ biến nơi công cộng, kiểu góp gạo thổi cơm chung, còn xa mới được coi là một tờ báo, chưa nói đến giá trị ra sao.
9- Vốn làm ra Khởi Hành cũng là chuyện đáng nhớ. Như đã nói ở trên, tiền in là 25,000 đồng, thù lao cho thư ký tòa soạn và nhuận bút cho các nhà văn được mời viết là 20,000 đồng nữa, cho một số báo, cứ 24 số (6 tháng) là xấp xỉ một triệu.
Tôi còn nhớ đã có ít nhất ba người gặp Đại Tá Trọng xin thay thế chỗ của tôi mà chỉ xin lãnh phân nửa số thù lao, sau khi đã nói xấu, viết những lời vu cáo trong thư gửi cho ông. Đó là một nhà thơ, một nhà viết đủ thứ, và một họa sĩ có tên tuổi, một đã chết ở Việt Nam, một còn ở Hoa Kỳ. Chủ nhiệm đã cho tôi xem những lá thư đó. Một trong những lá thư đó do hai sĩ quan một cấp tá một cấp úy viết chung, còn đưa cho báo Chính Luận, nhưng tờ báo cho tôi xem và không đăng. Bản thân tôi bị thưa lên Tổng Thanh Tra Quân Đội là đã tiêu hơn 3 triệu bạc của Quân Đội không giấy tờ chứng minh. Ông Trọng cười nhẹ nhàng: Quả là anh đã tiêu mấy triệu ấy, nhưng tiền đó không phải của Quân Đội.
Khởi Hành, ngoài bản quyền đương nhiên của các nhà văn, đều là sức cần lao của người đưa ra ý kiến và thực hiện ý kiến, bởi thế ngay trong khuôn lý lịch tờ báo có câu: “Bài vở xin đề tên thư ký tòa soạn.” Tôi toàn quyền tạo tác tờ Khởi Hành. Trong bảy tám năm nay dọn tòa soạn mấy lần, đi đâu tôi cũng khuân mấy bộ báo Nghệ Thuật, Khởi Hành cũ, Khởi Hành mới, và Thời Tập nữa.
Chú thích:
- Khởi Hành, tuần báo văn học nghệ thuật ra ngày Thứ Năm. Giấy phép xuất bản số 358/BTT/BC ngày 26 Tháng Ba, 1969. Tòa soạn và trị sự 225-227 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, điện thoại: 25863. Chủ nhiệm chủ bút: Anh Việt Trần Văn Trọng. Thư ký tòa soạn: Viên Linh. Thư từ chi phiếu xin đề tên chủ nhiệm. Bài vở xin đề tên thư ký tòa soạn. Giá 15 đồng mỗi số. Công sở giá gấp đôi.
- Bố cáo của tuần báo Khởi Hành đăng trên số cuối cùng: “TẠM BIỆT BẠN ĐỌC Vì tình hình chiến sự, 60% số báo gửi đi của Khởi Hành đã bị trả về nguyên gốc, nhất là các tỉnh ở miền Trung, liên tiếp trong tám kỳ báo vừa qua. Trước tình thế này chúng tôi đành phải tạm thời tự đình bản vì tờ báo không đủ vốn để chịu đựng thêm nữa. Thời gian đình bản có thể kéo dài trong hai, hoặc ba tháng. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng sẽ gặp lại bạn đọc thân mến trong thời gian sớm hơn, nếu tình hình sớm sủa mau chóng hơn. Tạm biệt quý bạn (tài liệu in trên Khởi Hành số chót, Số 156, ra ngày Thứ Năm, 8 Tháng Sáu, 1972).