29-07-2016 | VĂN HỌC

Viên Linh Trên Những Chặng Đường Thơ

  HUỲNH HỮU ỦY


     Viên Linh, Long Beach. California 1997. Ảnh Trương Tuấn

Mỗi người sống ở đời dường như chỉ là để bước đi và hoàn tất định mệnh của mình. Để đáp lại tiếng gọi của một vì sao giữa cõi không cùng mù mịt, tiếng gọi xa xăm ấy đôi lúc đã thấp thoáng hiện ra trên một đường chỉ tay, giữa những đường bản mệnh chằng chịt của đời người. Người thi sĩ ấy, tôi thấy rất rõ, là anh luôn tin ở sức mạnh kỳ bí ở cõi không cùng chi phối và dẫn anh về với cái đẹp. Bị cuốn hút vào giữa vực thẳm phiêu lãng, anh đã vận hành đời mình qua những đổi dời, mất mát, qua những dấu mốc của lịnh sử, của đất nước, có lúc hào sảng, nồng nàn, lúc thì đượm màu tan nát, bi thương, nhưng lúc nào cũng như lúc nào, sau cùng cũng là chỉ để sống cái kỳ diệu ẩn mật của một nhà thơ. Nhiều khi anh cũng vướng víu lắm chuyện rộn ràng, cười cợt cay đắng, buông thả với đám giang hồ, cứng rắn trong chuyện đời, ương ngạnh với xã hội chung quanh. Nhưng rồi đâu lại vào đó mà thôi, bởi vì anh chỉ là một thi sĩ, sứ mệnh của anh là sống đời một nhà thơ, để cưu mang sức nặng của một cuộc đời cô độc, để sống với niềm hoang vu thơ mộng đến không cùng, để làm con chim ưng nằm trên ngọn núi cao, bên bờ vực sâu, cắn nỗi sầu vào lòng, và luôn đối đầu với bóng đen và cõi hư vô bất tận.

Này biết vì sao cứ cạnh núi cao thì có vực sâu

Vì trên đó có con chim ưng nằm sầu mắt đỏ


.......

Ngó hoài cuộc đời đen tối

Những điểm sáng thình lình là những cõi hư vô

(Dạ Điểu, Hóa Thân, trang 87) (1)

Cũng như những bạn văn cùng thời, anh có những ngày tuổi trẻ thật sôi nổi. Nói đến những ngày ấy, chẳng thể nào không nhớ lại bóng dáng của những Nietzsche, Dostoievski, Malraux, Camus, Sartre, và nhiều khuôn mặt khác như Holderlin, Rilke, Heidegger, Éluard, Aragon đang trùm những cái bóng lớn xuống nền văn nghệ bấy giờ (2). Thì thời nào cũng vậy mà thôi; thời thượng, thời trang tạo thành cái đẹp sôi nổi của thời đại.


Giữa bầu khí ấy, anh đã chọn cho mình một hình ảnh riêng, một con người chính trực, là Camus, để theo đuổi và đồng hành. Sự chọn lựa lắm khi thực mơ hồ nhưng chọn lựa đã dựng nên hành trình, và mọi chuyện đã chuyển động theo hướng được chọn. Nhớ lại những ngày ấy, anh cũng phải nhận như mọi người chung quanh đã nhìn thấy, “Đó là những năm cuối thập niên năm mươi, những năm của hiện sinh, của bản ngã, của đời sống thanh niên thành phố vừa vào tuổi hai mươi, của “những đêm khuya ngã tư đèn vàng,” những đầu tháng tạp chí văn chương. Của...” (3).


Đó là thời của những tiếng thơ kỳ lạ, đột khởi sừng sững giữa trời thơ những Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn... hay một khuôn mặt đã xuất hiện trước đó nhiều năm, từ thời tiền chiến, từ trước thời đất nước chia cắt, vẫn còn trụ vững một dáng đứng đồ sộ và vô cùng độc đáo: Đinh Hùng. Nhưng không phải chỉ là như vậy, giữa cái chung của thời đại, anh lại dựng cho riêng mình một cái cõi kỳ lạ thăm thẳm của siêu hình, của tối tăm lung linh, và đôi lúc lay động sáng lên qua một bức màn chắt lọc của trí tuệ, vậy nên đã có người, dường như là Phạm Duy thì phải, gọi thơ anh thời bấy giờ là một thứ Poésie cérébrale.


Chẳng biết có đúng không, nhưng tôi, bấy giờ ở tuổi vừa mới lớn, đọc thơ anh, tập Hóa Thân, tôi liên tưởng đến chàng trai trẻ Rimbaud đang để cho những lời lẽ huyền ảo cuốn đi, nồng nàn giữa những hòa hợp của âm thanh và hương sắc pha trộn, cuốn hút. Ở tuổi mười bảy, Arthur Rimbaud đã hát lên với rung cảm đầy tràn nhựa sống, rờn rợn cảm xúc.

Đêm tháng sáu! Mười bảy tuổi! Ta để mặc cho lòng say sưa

Với máu huyết bồng bột, nguồn thơ dồi dào như hơi men tràn ngập đầu óc.

Ta nói bâng-quơ, trên môi ta thoáng cảm thấy một cái hôn

Rờn rợn như một con vật nào đê-mê ở đó.


(Nuit de Juin! Dix-sept ans! On se laisse griser.

La sève est du champagne et vous monte à la tête.

On divague, on se sent aux lèvres un baiser

Qui palpite, là, comme une petite bête.) (4)

Cũng ở khoảng tuổi ấy, đúng hơn là đã già dặn hơn một chút, lớn hơn một chút, với độ tuổi 20, anh cũng thấy rờn rợn và rạo rực cái cảm giác khó tả, nhưng không phải chỉ ngưng lại ở đấy, anh nhìn xa hơn, bắt đầu khám phá chính mình, để tìm bản ngã và đã tìm thấy định mệnh của đời mình, tiệm tiến trong một quá trình phát triển và tàn lụi, có cái gì kỳ dị, tang thương, và hơi quái đản. Có lẽ đó là một chân dung được nhìn qua tấm kiếng soi siêu thực, được mò mẫm với những khám phá của tâm lý chiều sâu.

Tôi có mười ngón tay

Để nâng niu hạnh phúc

Từ khi ra chào đời

Móng một ngày một sắc.

Mười chi chia làm đôi

Hai chục năm góp lực

Nằm nghe rụng tương lai

Một ngày một sợi tóc.

Nằm nghe ngóng tương lai

Môi liếm dần nước mắt.

(Khai Sinh, Hóa Thân, trang 10)

Đó là những ngày khởi đầu của cõi thơ Viên Linh, nhưng may thay, anh là một người phương Đông, từ trong máu huyết đã nặng nợ với một nền văn hóa trầm mặc và quân bình, tổng hợp chất Hoa-Ấn cổ đại, Lạc Việt, và Đại Việt, nên hành trình của anh không phải chỉ là để đi tìm những cái diễm lệ của một mùa địa phủ. Anh trở lại, rồi tiếp tục rảo bước trên những chặng đường trầm thống của riêng mình, hòa nhập vào chiều sâu trầm thống của đất nước.


Ở khoảng tuổi ngoài 30, nhìn lại những ngày đã qua, anh có những dòng tự sự đẹp, tỉnh táo, và trầm lắng. Ở đây, anh đã buộc chặt đời mình vào một gút thắt định mệnh, gút thắt đó cũng chính là chọn lựa của anh: Năm anh chào đời cũng chính là năm Camus vừa hoàn tất vở kịch Le malentendu. Ngộ nhận làm thành bi kịch. Và rồi bi kịch sẽ tiếp theo bi kịch. Khởi điểm từ đó, anh đã bước đi trên những nẻo đường riêng của đời mình.

Y sinh ra đời vào năm

Một ông nhà văn Pháp

Viết xong một tác phẩm dài

Có nhan đề Ngộ Nhận

Y chăn trâu đến năm mười lăm tuổi

Thả diều trên cánh đồng làng

......

......


Em ơi y làm thơ viết truyện

Lại còn làm báo văn chương

......


Y nổi hứng chiều nay

Khi uống vài ly rượu đế

Ngồi lâm râm đoán chỉ bàn tay

Chằng chịt những đường bản mệnh.

Thây kệ là bên kia trái đất

Có người tri kỷ đợi dài

Thây kệ xuân hồng cỏ biếc

Bao lần trái địa cầu quay.

......

......


Y sinh ra đời vào năm

Một kẻ hoài nghi nhân loại

Lọt lòng

Lớn lên làm tên vô chính phủ

Một đời không phụng thờ ai (5)

......

......


Y bắt đầu yêu Lão Tử

Bắt đầu mê mệt Trang Sinh

Nghe gió nổi trên những tầng mây thẳm

Hình dung một cánh đại bàng

Giữa cuộc đời ngựa xe bụi bậm.

Mơ đập tan

Hình hài bé mọn

Làm sương mai gió bấc làm thủy thạch hải tần

Mênh mông chan hòa

Viễn viễn

......


(Lời Nôm gửi em Hoa, Chợ Lớn, 1974) (6)

Cái ám ảnh của một người phiêu lãng trong văn chương, hợp với những vấn đề thời thượng bấy giờ đã thúc đẩy anh cấu kết nên một không gian thơ khắc khoải, sâu hun hút. Anh mê thơ nên bỏ nhà đi lang bạt kỳ hồ rất sớm, ở tuổi 17 đã sống lặng lẽ nơi một căn gác nhỏ ngoài đời sống gia đình, rồi từ đó, anh sẽ đi qua nhiều gác trọ khác nữa, thực phong sương, tẩm nhiều bụi bậm cuộc đời (7). Đi lang bạt, anh nói là để kiếm sống, nhưng thực ra là để tìm thơ. Phải nói là để sống đời một thi sĩ, sống định mệnh của anh. Không những chỉ với thời thanh xuân ấy, mà cả suốt đời anh, cho mãi đến những ngày trước mắt hôm nay cũng vậy. Hiện anh đang lưu trú giữa một căn phòng đầy sách vở, hàng ngàn quyển sách chất dọc theo bờ tường, từ nền nhà đến mái nhà, và bao nhiêu là rượu, những chai rượu ngả nghiêng hay đứng sắp hàng nghênh ngang, bên những quyển sách đông tây kim cổ nghiêm chỉnh trên giá sách; căn phòng ấy đối với nhiều người là nơi làm việc của một chủ báo, một nhà nghiên cứu, một người viết lách nghiêm trang, nhưng tôi vẫn nhìn thấy thực chất của nó, vẫn là gác sách, mái nhà trọ, căn phòng xép của người khách giang hồ. Trong một tản văn rời viết thời trước, từ năm 1969, anh từng đã có dịp thổ lộ:

“Tôi nhớ lắm những năm luẩn quẩn suốt từ miệt ngoại ô này đến một miệt ngoại ô khác. Văn Nghệ ta không xuống từ một cửa trường; văn nghệ ta xuống từ những căn gác xép, những con hẻm tối.


Anh hỏi tôi về Thơ.

Chẳng có gì, Làm Thơ không phải rảnh mới làm, hứng mới làm.


Làm thơ là không làm gì khác. Lúc nào cũng phải nghĩ đến nó. Lúc nào cũng kiếm tìm. Ở đỉnh cây bên đường. Ở đáy ngõ cuối phố. Ở trên ngọn tóc trên đỉnh ngực dưới bụng nàng. Ở trong đầu giữa tim giữa trán chàng. Ở cát bụi ở sương gió. Ở một nghìn cửa sổ. Ở một dung nhan. Ở cái bàn cái ghế cái giường cái chiếu. Ở xe chạy thuyền trôi ở sức nóng ở nước lạnh. Ở trái bóng đỏ ở sợi tóc bạc ở ly rượu cay ở ngụm thuốc đắng. Ở đá bia mộ người ngoại tộc. Ở môi hồng trẻ nhỏ con thơ. Ở bạn ta hào sảng vợ người nghiêm trang. Ở con đường xe lửa bỏ hoang. Ở miền viễn xứ ở vùng cận em.


“Làm thơ lúc này lại càng khó. Chữ nghĩa nhịp điệu sinh khí của Thơ Tự Do đang biến đổi. Trầm xuống lặn vào. Và người bạn trung niên thi sĩ, anh vừa mở một cánh cửa mới cho Thi Ca, nhìn vào một ngôi nhà trống trải, ngó xuống một cánh rừng mênh mông. Muông thú và tu sĩ. Tiếng kêu và kinh tự.” (8)

Mấy điều bày tỏ đó không chỉ là tâm tình, mà là cách sống, và cũng là quan niệm về văn chương, nghệ thuật, đặc biệt là về thơ. Cái nhìn của anh về chữ nghĩa, và con đường của thơ coi vậy mà rất cập nhật và rạch ròi, anh đã thấy đâu là thời thượng, là bế tắc, và đâu là lối mở ra cho một chân trời mênh mông thực sự của thơ. Nhưng thôi, hãy khoan nói đến những trang thơ mới về sau, với âm điệu, kỹ pháp, thi pháp, hồn thơ chất ngất, cùng với sự cộng thông, chia sẻ, sống cùng, sống thực với nỗi đau của đất nước, của nhân dân, và đồng bào, chúng ta hãy đọc lại đôi dòng thơ của anh thời Hóa Thân, thời của những khắc khoải nhuốm đầy màu sắc siêu hình.


Trong khảo sát dưới đây, chúng ta sẽ đi qua những dấu mốc của đời thơ Viên Linh, khám phá lại một vũ trụ ẩn mật được phơi mở kỳ diệu qua ngôn ngữ, chữ nghĩa.


HÓA THÂN: CÕI MÙ MỊT CỦA MỘT TÂM THỨC LẠ THƯỜNG


Trần Tuấn Kiệt viết về Viên Linh trong sách Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (Khai Trí xb, Sàigòn, 1967) đã nhận xét khá xác đáng về thơ Viên Linh thời Hoá Thân. Tôi lọc lại được mấy chữ từ ghi nhận của Trần Tuấn Kiệt: “Cõi mù mịt của một tâm thức lạ thường.” (9) Ghi nhận ấy là ánh lửa mà chúng ta có thể sử dụng để soi rọi khi đi tìm và khám phá lại những đáy sâu và vực thẳm lạ thường của thế giới Hoá Thân.


Dưới ánh lửa ấy, chúng ta hãy thử tiến sâu vào cõi thơ Viên Linh thời kỳ này. Ví dụ là cảnh tượng Viên Linh vẽ lại, từ một cõi “hỗn mang” nào đó, của chiều sâu vô thức vừa được vực dậy.

Chiều trên núi còn trông theo biển rỗi

Lúc này bầu trời âm u

Tôi vuốt ve bờ đá hốc thủng mòn

Thân thể quên là một giấc mơ.


Vì sao khuất rồi cùng niềm im lặng

Bầu trời mang lên giấu trên cao

Trong cuộc sống tuổi thơ già như sậy

Mọc chen chân ngoài cõi đớn đau.


Tôi lạnh lẽo đêm nằm dáng sâu

Rụng lốt chân chui cùng cỏ rối

Hạnh phúc mọc hoang khắp cánh đồng lầy

Trừ những lối đi những con đường kia.


Ôi, bước chân kẻ nào lao chạy

Đêm tàn đêm lưỡi hái treo lên.

Hoàng hôn chết rồi còn một cánh tay

Một sợi dây đen móc vào bóng tối

Tôi rơi bổng trong vòng va chạm hãi hùng.


Một mình xoay suốt cuộc tang thương.

(Hỗn Mang, trích toàn bài, Hóa Thân, trang 13-14)

Một cảnh tượng kỳ dị từ đáy thẳm tiềm thức, bay lượn giữa những giấc mơ hoang dại, phi lý, chẳng thể nào hiểu nổi. Bầu trời âm u, hốc đá thủng mòn, những bước chân lao chạy tìm kiếm hạnh phúc trên cánh đồng lầy hoang vắng bởi vì hạnh phúc chẳng hiện hữu trên những con đường thẳng tắp. Chỉ còn một nơi để bấu víu là sợi dây đen nối liền từ hoàng hôn đã chết và bóng tối sâu thẳm.


Trần Tuấn Kiệt cho là Viên Linh đã dựng nên cõi trú ngụ thâm u đó cho linh hồn mình,(10) nhưng ta cũng có thể nói, cái thẳm cùng ấy đã chọn tâm hồn nhà thơ để làm nơi ẩn náu. Ngôn ngữ không còn là phương tiện của nhà thơ, mà nhà thơ chính là phương tiện của ngôn ngữ, phương tiện để thơ sinh tồn và biểu lộ. Đã có một sự tương hợp giữa thi sĩ và thế giới thơ, và dù thế nào, thì cũng có một điều rất dễ nhận ra là thế giới đó của Viên Linh lúc nào cũng tỏa ra một sức hấp dẫn của bóng tối thâm u, mù mịt, sâu thẳm.


Sống lại một cảnh thực của thời thơ ấu, với nhà ga xe lửa, nơi anh chào đời mấy mươi năm trước, con đường sắt, và những đoàn tàu rầm rập chạy qua, thì cái quá khứ ảo mộng ấy cũng lại trở thành một cái gì đang làm tàn rã mọi sự, làm tàn rã xương thịt và cuộc đời.

Đêm đêm theo giấc mơ đời trở về cùng giấc ngủ

Giấc mơ trở về cùng giờ xe lửa qua


Con tàu đi rầm rầm dưới núi đá sâu

Tôi dơ hai cánh tay gầy níu

Bóng đèn lu cuối toa dài nỗi thở than


Quá khứ than ôi mang cánh trở về

Rỉa thân tôi rã dần thịt xương.

(Trở Về Mái Nhà Xưa, Hóa Thân, trang 93)

Và như vậy, hạnh phúc thực, tình yêu thực chỉ là một cái gì đầy hốt hoảng, khắc khoải, cằn cỗi, tối tăm, cô đơn, là một cuộc lưu đày khổ sai.

Nhận tôi với khuôn mặt này hốt hoảng

Con tin của niềm đau đớn em

Nhận tôi với thân thể này cằn cỗi

Con tin của cuộc đời em


Thần trí bay trong ngôi nhà dục vọng

Cánh hoang mang đáp xuống mối tình cờ

Nhận tôi xuống hôm nay như mãi mãi

Chúng ta đều cô đơn giữa những vòng ôm


Tình yêu có nghĩa như nhà tù

Ta nhận khổ sai tìm hạnh phúc

(Tin cho X, Hóa Thân, trang 105-106)

Ngay khi Viên Linh gợi nhớ về một kỷ niệm cũ, căn nhà anh lưu trú ngày nào ở một thị trấn miền Tây, trong bài thơ ngắn mang tên gọi Ngôi nhà tôi đã ở, thì tất cả đều hiện ra trong một hình thái âm u, khắc khoải, man dại, chúng ta hãy thử đọc lại:


Hồi đó tôi ở Miền Tây

Có cây sên cao âm thầm âm thầm

Lá xơ xác

Ở trên trời kêu và kêu

Một con tắc kè cụt mất cái đuôi

Như người đàn ông ba mươi tuổi nọ

Ngậm mảnh chai trong mồm hết sức

kêu than

Ngôi nhà ấy

Cư ngụ người vắng mặt

(Ngôi Nhà Tôi đã ở, Hóa Thân, trang 111)


Để vận dụng cách phân tích tiết điệu thi ảnh (chữ dùng của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Bùi Xuân Bào để dịch thuật ngữ Rythmanalyse của Gaston Bachelard), chúng ta có thể nói rằng những hình ảnh thực ấy, rất thực, nhưng hơi có phần xù xì, kỳ cục vì đã được tuyển lọc một cách đặc biệt giữa nhiều hình ảnh thực khác, qua đôi mắt nhìn nửa siêu thực nửa tượng trưng. Như cây sên cao với lá xơ xác, cao lặng lẽ âm thầm vượt lên giữa bầu trời và con tắc kè cụt đuôi kêu và kêu mãi hoài, rồi hình ảnh người đàn ông ngậm mảnh chai trong mồm, kêu than thảm thiết. Người đàn ông ấy, có thể là thực, nhưng đã được đẩy đến tận cùng để trở thành tượng trưng hay là một ẩn dụ. Những thi ảnh ấy, đã hợp lại để cùng dựng nên nhịp điệu của một bầu khí xộc xệch, kỳ quái, từ chiều sâu cùng thẳm của một tâm hồn lãng tử hoang dại, hay nói ngược lại, tâm hồn hoang dại của nhà thơ đã kêu đòi những thi ảnh ấy phải hiện ra trong vũ trụ thơ của mình.


Chìa khóa mở cửa vào cõi mộng mị kỳ dị của vũ trụ thơ ấy vẫn còn là một bí mật. Tuy nhiên, ở chỗ này chỗ khác, chúng ta cũng có thể quan sát, sống với, và hơn nữa còn lý giải được phần nào. Như giấc mộng kỳ quái có lần đã hiện ra:

Tay bỗng rụng xương mọc dài nhánh nhọn

Mười ngón thù hâm cấu xước anh em

Tôi khiếp đảm thấy thân mình lả tả

(Ngẫu Tượng, Hóa Thân, trang 25)

Sự biến dạng, hóa thân của hình hài, chính là phản ứng của con người trước xã hội công nghiệp, như ngụ ngôn về một người đàn ông buổi sáng thức dậy thấy mình hóa thành con sâu khổng lồ. Con người cô độc giữa đám đông ấy đã nhập vào với những tìm kiếm và phản ứng của thời đại mà Kafka là điển hình. Ví dụ, trong cái thế giới ấy, có lần chúng ta đã nhìn thấy:

Những đêm lạ mọc chân tay dài ngoẵng

Lặng lủi về khua cõi tối êm

Ra sức dìm tôi lút đầu mộng mị

(Hồi Tưởng, Hóa Thân, trang 39)

Ở một nơi khác, sau cơn chấn động hung hiểm, cả một rừng chim muông vỗ cánh vây phủ lấy nhà thơ. Những cánh chim hoảng loạn ấy nói lên điều gì? Tiếng đập cánh hòa giải giữa nhà thơ và cuộc đời hay chỉ là ký hiệu của nỗi hốt hoảng, tuyệt vọng? Chính nhà thơ, anh đã mãi hoài tìm kiếm, chạy theo đuổi bắt, đi tìm một ý nghĩa nhân sinh, đào sâu để cố phát hiện bản ngã của chính mình, tra vấn và lục lọi, nhưng chỉ đụng đầu vào bức tường dày đặc của những giấc mơ dị dạng, được dựng nên từ một sức mạnh mù tối, vô vọng, không thể nào hiểu nổi.

Tôi chấn động hiệp cùng cơn trái đất

Chim muông ra ào ạt vỗ trên đầu

Khi tỉnh lại thấy quanh mình lặng lẽ

Tôi ngu đần tự hỏi gốc nguồn đâu

(Hóa Thân, trang 27)

Đó là những giấc mơ hoang tưởng về một thiên đường đã lỡ cần được hưng phục lại, nhưng cũng chẳng có lối để về. Ở đây có một người đàn ông/ Ngồi kề gần thiên đường khóc lóc. Nói tắt lại, là bế tắc. Bế tắc bên trong đưa đến cái bí hiểm bên ngoài, như cả một thời kỳ dài của những trường phái phá phách bí hiểm của phương Tây trước thời Đệ Nhị Thế Chiến. Đó là cái bế tắc của cả một thời đại, chứ không phải chỉ của một cá nhân lẻ loi. Thời Viên Linh viết Hóa Thân cũng chính là thời của Thanh Tâm Tuyền với Tôi Không Còn Cô Độc, Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, thời của Tô Thùy Yên viết Thân Phận Thi Sĩ. Người phát ngôn về thơ của cả một thời đại mới đã từng lên tiếng: “... Hơn bao giờ hết, người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca... Họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy... Người ta lạc vào cái thế giới có những đêm tối nghẹn ngào, những ánh sáng lộ liễu, những bệnh viện lạnh lẽo, những nấm mồ hoang vu... Người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày - lẫn giữa đám khốn cùng - với một mẩu tự do sót lại.” (11)


Trong bế tắc và đổ vỡ, trong hỗn loạn rối mù, thi sĩ khẳng định ý thức và tự do của mình. Viên Linh cũng vậy, anh sống thời đại của mình và phát biểu bằng ngôn ngữ của thời đại. Viên Linh viết bài thơ tinh huyết trong những giấc mơ hỗn loạn của mình, để tụng ca cái đẹp giữa cảnh tro than, cũng là cách để khẳng định mình, chẳng cần đến một thiên đường nào khác, chẳng cần phục hưng những vàng son đã hủy.

Ở đây có một con ngựa

Người xà ích đã dong xe một mình

Và chẳng về

...

...

...

Chân dung em buồn thảm

Và đời ta quên mộng huyền bí kia

...

Em hãy nghe và đừng khóc

...

...

Bầu trời xanh cao một vệt đen treo

Và sự tình cờ rơi vào lòng chàng

Một sợi dây vừa đủ cho mình, đừng khóc

đừng khóc.

...

Thời kỳ lãng mạn đã chấm dứt

Chúng nó trở về trên đường đã đi

Song con ngựa thì què và người xà ích

tóc đã trắng

Ngồi lầm bầm chửi rủa

Chiếc xe thì bỏ không, chiếc trục mòn

Quay hoài dưới đất.


Ở đây có một người đàn ông

Ngồi kề gần thiên đường khóc lóc

Căn nhà đã bốc cháy

Cuộc đời tro tàn cây cối đen

Mọc lên và khô như than

Ngày y hối tiếc trở về

Bài thơ tôi làm cùng tinh huyết

Chẳng phải cho ai

Em hãy nghe và đừng khóc, đừng khóc.


Ở đây bọn chúng làm xong chiếc trống mặt da

Và gọi mỗi buổi chiều

Đàn voi trong núi kêu than thần thoại đã mất

Ôi đáy hồ sâu và cung điện của đời

...

...

(Phục Hưng, Hóa Thân, trang 101-104)

Những đoạn thơ được trích lại bên trên, thoạt tiên, tưởng như rời rạc, không ăn khớp vào nhau, nhưng thực ra đã hợp lại để tạo thành một toàn cảnh rất thơ mộng. Tất nhiên không phải là một bức tranh hiện thực, bởi vì nó đã được cấu kết theo một cách tạo hình khá lạ, gần như lối tạo hình trong hội họa Marc Chagall hay S. Dali. Những mảng hình chỗ này chỗ kia: Cỗ xe ngựa, người xà ích tóc bạc trắng sau chuyến hành trình dài tưởng là không trở về, gã đàn ông ngồi khóc bên cạnh thiên đường cửa đóng, căn nhà đã bốc cháy còn lại tro tàn, cung điện dưới đáy hồ sâu, và đàn voi kêu than về thần thoại đã mất. Một bức tranh đẹp cất lên tiếng nói, với những hình ảnh bay bổng, huyền bí, mộng ảo, mà vẫn gợi nên một cái gì đó sâu thẳm nối vào đời sống thực của chúng ta. Và thanh âm, vần điệu cũng vậy, có lẽ phải nói như Thanh Tâm Tuyền: “Vần của nó là vần ẩn giấu cách xa, nhịp điệu của nó là một thứ nhịp điệu rộng rãi, phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn..., là sự thể hiện nhịp điệu của ý thức.” (12) Hình ảnh, ngữ nghĩa, âm thanh của lời, vần điệu của câu, và nhịp điệu của cấu trúc toàn bộ bài thơ, tất cả đã hợp nhau để dựng một vũ trụ mới của thơ. Cái cõi “mù mịt của tâm thức lạ thường” ấy đã được dựng nên bằng một ý thức mới của thi ca.


MỘT GIÒNG LỤC BÁT MỚI VÀ LẠ


Ở bên trên, chúng ta đã có dịp nhìn lại góc cạnh này góc cạnh khác của đời thơ Viên Linh. Chúng ta đã đi qua chữ nghĩa phóng túng trong những cấu trúc tự do khi lật lại vài trang thơ trong Hoá Thân, nhưng đâu là chân dung thơ đích thực của Viên Linh? Gần đây, có dịp đọc lại và đọc kỹ thơ Viên Linh, tôi mới thấy rõ rằng Viên Linh là một tài năng thi ca quá đỗi lạ lùng, lại sống với thơ rất nghiêm cẩn, mê chữ, sống và lao động với chữ một cách thiêng liêng mà cần cù. Anh mơ mộng với cánh đồng thơ như người nông dân yêu thương đất đai, cần cù lao tác trên cánh đồng của mình, trở giấc từng ngày với mùa màng, săm soi từng bông lúa, mầm cây.



     Thủ bút của Viên Linh về một bài thơ
    còn là bản thảo để quên trên kệ sách
đã mười năm

Khi so sánh nhà thơ với người nông dân, tôi muốn nói đến người nông phu chân lấm tay bùn trong đồng ruộng Việt Nam. Viên Linh cũng vậy, thơ của Viên Linh bắt nguồn từ trong tình tự, tâm hồn và ngôn ngữ Việt Nam, khởi thủy từ những áng phong dao, đồng dao, ca dao, là suối nguồn, là dưỡng chất nuôi nấng tâm hồn đất nước từ bao nhiêu thế kỷ. Điều này cũng có thể hiểu được, vì thuở thiếu thời Viên Linh sống trong một gia đình nhà nho, giữa một làng quê của đồng bằng sông Hồng. Có lẽ trong bối cảnh ấy, anh đã tiếp thu bằng cả ngũ quan của mình, và trái tim anh đã chứa chan từ lúc nào cái đẹp trữ tình, mộc mạc, hồn hậu ấy. Vào đời, đến với văn chương rất sớm, tấm lòng mở rộng, tất nhiên chàng tuổi trẻ phải bị quyến rũ ngay vì cái tân kỳ nồng nàn, hăng hái đi tới với cái mới. Nhưng cùng lúc đó, có những lúc dừng chân bên đường, nghỉ ngơi đôi chút rồi suy nghĩ, rồi trăn trở, và cả chiều sâu của tâm hồn như hiện ra, rồi cái sâu thẳm của quá khứ được điều chỉnh, để hòa nhập vào giữa cảnh ngược xuôi của cuộc đời đang gióng trống phất cờ. Nên thơ Viên Linh không phải chỉ là những phát biểu phá phách, phá tan hoang nề nếp cũ, dẫm chân trên những lối đi mạnh mẽ, ngang tàng, bướng bỉnh. Anh đã tìm ra một sự hòa hợp, vẫn rất tân kỳ, rất kiểu cách, rất mới, mà lại tiếp nối được với nhịp đập từ bao nhiêu đời rồi của dân tộc. Giòng lục bát của Viên Linh đã chảy qua giữa nền thơ Việt Nam hiện đại, góp được một tiếng thơ lạ cho nền văn học của chúng ta.


Cách đây 45 năm, Viên Linh vừa bước qua biên giới tuổi 20, anh viết bài thơ lục bát Phượng Liên khá lạ, sầu lạnh và mênh mông. Hẳn là vì đọc bài thơ này mà Trần Tuấn Kiệt ghi chú: “Nói đến Viên Linh, người ta nghĩ ngay đến giòng thơ lục bát mới. Một nguồn thơ lạ đã thành hình với những cảm nghĩ siêu hình vây bọc lấy tâm hồn.” (13)


Hãy thử đọc lại Phượng Liên.

Anh đi hồn tiếc thương nhiều

Ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân.

Nẻo sầu đôi dạ phân vân

Nửa thân yên ngựa nửa thân tay mình.


Có hoài tuổi dại không em

Trời thôi ráng đỏ thu phiền không gian.

Mắt em đầy mộng điêu tàn

Yên nghe ván ấy xuôi tàng giang xa.


Thôi cồn với tháp bao la

Ngựa đi bước nhỏ mây là cửa ô.

Mai quen với dạ bơ thờ

Hơi nghe lãng đãng sương mù nhớ nhau.


Thôi còn giấc ngủ canh thâu

Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên.

(Phượng Liên, 1959, Hóa Thân, trang 62-63)

Gần với nỗi sầu rợn ngợp của Huy Cận trên mênh mông Tràng Giang, đôi chút yêu ma của Chế Lan Viên trong Điêu Tàn, cảnh tượng vắng lặng phủ trùm lên toàn cảnh, mang lại một cảm giác vô cùng cô liêu.


Cái vắng lặng của một tâm hồn cô độc phóng chiếu trên hành lang rộng và bóng dáng một người nữ rất liêu trai, thêm vào đó là vài hình ảnh lãnh đãng như ngọn soan thưa trong bóng chiều, cồn và tháp, dáng ngựa giữa những vầng mây, hẳn là những vầng mây xám, đã biến nơi đây thành một không gian siêu hình mênh mông. Chữ vây sầu ở câu cuối thực là một chữ rất hay. Cái hành lang rộng ấy vây phủ nỗi sầu của người, hay nỗi sầu của người bao phủ lấy cả hành lang. Mơ hồ và lan tỏa, từ người đến ngoại cảnh, hay ngược lại, từ ngoại cảnh đến người. Viên Linh đã có dịp nói thêm về bài thơ này: “Nàng thơ trong bài này là một hình ảnh cổ điển của một Hoàng Cung không có thật, trên bờ sông ma, đó là cái bóng lập lờ trong một hành lang của một tòa nhà cổ.” (14) Mờ ảo, mênh mông, vắng lặng, tắt lại là cô liêu, là thuộc tính mà cũng là bản tính, chất thơ và đời thơ của Viên Linh.


Lục bát là một thể thơ quen thuộc, thân thiết với tất cả mọi hạng người, hoặc cũng có thể nói là một thể thơ rất dân tộc. (Dường như người Chàm cũng có thể thơ lục bát như dân Việt.) Lục bát vì quen thuộc nên rất khó viết. Chỉ thiếu công lực một chút là rơi ngay vào chỗ thô thiển, vần vè, sáo ngữ. Cái rủi cho người viết lục bát là từ bao nhiêu đời trước đã có những bài ca dao quá đẹp, hơn thế nữa, cụ Nguyễn Du cũng đã lỡ viết những giòng lục bát thần tình, trác tuyệt. Người viết thơ lục bát thời nay phải có nội lực, phải sống thâm thiết cái hồn thơ, phải tu luyện và rèn tập chữ nghĩa, để nâng lục bát lên cao trong một cách nhìn độc đáo và sáng tạo, có nghĩa phải là mới và lạ. Viên Linh đã lao động với tình yêu vô hạn, trên những trang giấy và giòng mực của anh, để mang lại cho chúng ta những bài lục bát rất mới, rất kỳ lạ.


Hãy đọc thêm vài bài lục bát của Viên Linh để thấy ra được cái cao cường và sức quyến rũ kỳ lạ của lục bát Viên Linh. Dưới đây là một trong những tuyệt tác đó.

Đêm Trường


Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa

Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm

Nhớ em vèo cái thu âm

Hồn theo bóng ngoại phân thân chín từng.


Nhớ em ly rượu còn lưng

So đôi đũa mộc cười bừng cơn say

Phải anh rồi phải anh đây

Bữa cơm hai bóng một ngày phần dương.


Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng

Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim

Cúc đen đâu đó Cúc mềm

Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao.


Năm năm đời trú mái sầu

Thời gian phai nhạt những màu yêu đương

Nhớ em lần lữa chiếu giường

Đêm nay lại một đêm trường như xưa.(15)

Đọc Đêm Trường, bất kỳ ai cũng có thể nhận rằng đây là một tuyệt tác. Bài thơ viết rất kỹ lưỡng và cầu kỳ. Kỹ lưỡng nơi từng chữ, từng câu, từng đoạn, vậy nhưng nó vẫn tỏa ra một hồn thơ rất kỳ lạ, chẳng bị vướng víu chút gì vào kỹ thuật. Tôi rất muốn lập lại ở đây lời bình Kiều của Tiên-Phong, Mộng-Liên-Đường chủ-nhân từ thời Minh Mệnh, để dùng những lời lẽ tài hoa thâm hậu ấy mà tán tụng Đêm Trường, nhưng thôi xin hẹn lại vào một dịp khác.


Đêm Trường quả đã gợi lên một cảnh tượng huyền ảo, bí mật. Cơn mưa tầm tầm dội xuống mái nhà, trời đất như mênh mông, xóa mờ không gian để có thể nối liền cuộc đời này, thế giới này với một thế giới khác ở cõi âm hồn. Cúc Hoa, một con người chắc chắn từng hiện hữu ở đời, bởi vì Viên Linh đã có lần xác định rằng thơ không phải là sản phẩm của tưởng tượng như một cuốn tiểu thuyết, mà là của đời mình, một phần đời mình (16). Nhưng Viên Linh đã nhập nhân vật thực ấy vào Cúc Hoa của một cổ tích từ đời nào, để từ đó người thơ còn có thể đi tìm nàng ở thế giới bên kia, bởi vì “Nàng là một thứ hạnh phúc địa ngục.” (17) Một thứ Orphée - Eurydice. Nội một chữ Cúc không thôi cũng đủ lạ rồi. Cúc là Cúc Hoa, mà cũng có thể là bông cúc vàng, rồi cúc hường, cúc xanh, cúc đen. Rồi thì “Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao” thì quả là đến chỗ lạ kỳ tuyệt vời mà không kỳ cục quái đản chút nào. Nhắc đến Cúc Hoa, hãy đọc thêm vài câu nữa về Cúc Hoa:

Ầm ầm mưa đổ bên tai

Cúc Hoa, anh ngủ nghìn tay kéo đầu

...

...

Đầm đầm máu nhỏ thân tươi

Cúc Hoa, em ngủ quên đời quạnh hiu

(Cúc Hoa, Hóa Thân, trang 10)


     Bìa bọc ngoài tập thơ "Hóa Thân",
Sài-Gòn 2010.

Khi tái bản Hóa Thân năm 1994, Viên Linh lại nhắc đến Cúc Hoa như là bài tựa cho sách trong kỳ in lại này. Viên Linh viết: “... Ngày xưa qua kính chiếu yêu, bóng em thấp thoáng lối về Địa Phủ thì bây giờ, nơi Dương Gian, chàng trai hai mươi tuổi ngày gặp em đó còn giữa trời tìm người xa khuất; hy vọng đường trần rồi rực rỡ tựa nẻo âm hồn, nơi chúng ta gặp lại; Và cây cầu Palikao trên sông Sàigòn, cây Cầu Sắt mù mịt trong mưa và đêm nồng nàn hương thơm Nhà Máy Rượu sẽ cùng chúng ta nối lại Bữa Tiệc Trần Gian còn bỏ dở, và trong thư phòng, giữa những cuốn sách, không ai còn cần đến chiếc kính soi ngàn dặm năm xưa.” (Hóa Thân, kỳ tái bản ở Đức, trang 7). Như vậy, rõ ràng đó là một kinh nghiệm sống động của nhà thơ, và chiếc cầu vồng rực rỡ nối liền Cúc Hoa và thi sĩ đã tạo nên vũ trụ thơ của Viên Linh. Cái vũ trụ ấy rõ ràng là luôn luôn được phủ trùm một vẻ huyền bí, mênh mông, và cô quạnh, và biết đâu chất cô đơn và cô độc của Viên Linh đã khởi đi từ đó, rồi càng lúc càng kiên cố vững chắc hơn, để hình thành thế giới thơ, mà cũng là nhân cách và cuộc đời của nhà thơ.


Đã đọc Phượng Liên, Đêm Trường, thì hãy đọc thêm vài đoạn nữa của Nghi Hoặc Nỗi Gì để thưởng thức cho tới nơi vài nét riêng của một giòng lục bát hiện đại: lục bát Viên Linh.

Bốn mươi nghi hoặc nỗi gì

Lòng sông bóng nguyệt thầm thì thời gian

Mưa rơi ừ tiếng ma đàn

Tuổi xanh trong mộng lá vàng trên cây.

...

...

...

Chơi văn có lúc buồn nôn

Năm năm như ốc mượn hồn thác sinh

Ta đi tan vỡ bóng hình

Cười lên nhân ảnh một mình mà quay.


Giờ đây ta biết giờ đây

Bốn mươi tuổi đó thân này còn tươi

Đêm nay ngoài phố mưa rơi

Là hư hay ảo cõi đời đang qua?


Năm xanh lục, tháng nâu đà

Ngày đen đêm trắng trong ta mấy màu

Nhìn đời cặp mắt đen sâu

Thương yêu trái đỏ hận sầu xám xanh.


Bâng khuâng tâm ý không thành

Vong niên còn tưởng vừa sinh kiếp này

Giật mình, đường chỉ trên tay

Nhủ ta nhìn lại tháng ngày đã đi.


Bốn mươi nghi hoặc nỗi gì

Lòng sông bóng nguyệt thầm thì thời gian

Con chim trốn tuyết xa đàn

Để tôi về ẩn nỗi hàn trong tôi. (18)

Chúng ta vừa đọc lại dăm bài thơ của Viên Linh, thời của nhiều phóng túng và khắc khoải với thơ tự do, rồi thời trở về với lục bát, hơi thở cố hữu tự nhiên của đất nước.


 

Các tác phẩm của Viên Linh (Nguồn: kệ sách Họa Xá)

Chúng ta cần nhớ đến dấu mốc lịch sử 1963. Bởi vì sau biến cố 63, một sự thôi thúc phục hưng những giá trị văn hóa đích thực của dân tộc đã tự động phát triển trên toàn cõi miền Nam. Trong lãnh vực thi ca cũng vậy, đã có khuynh hướng đi tìm lại một nhịp điệu quân bình, sáng sủa, và giản dị, nên thơ tự do cũng không còn cái say đắm hung hăng thơ mộng của ngày nào. Thay cho ngọn cờ dẫn đường phất lên với những: Tôi buồn khóc như buồn nôn / Ngoài phố / Nắng Thủy tinh / Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ /.../../ Chiều Không xanh / Không Tím / Không hồng / Những Ống Khói Tàu mệt lả, một khuôn mặt mới, mặc dù xuất hiện đã từ bao nhiêu năm trước mà chưa được mọi người lưu tâm gì lắm, bắt đầu hồn nhiên chiếm lĩnh ngọn thi sơn, dựng một cục diện mới cho thi ca: Trung niên thi sĩ. (19) Viên Linh hoàn toàn đồng ý với cách nhìn ấy, và đã nhập cuộc với chuyển động ấy, như anh cũng đã từng nhìn nhận: “Làm thơ lúc này lại càng khó. Chữ nghĩa nhịp điệu sinh khí của Thơ Tự Do đang biến đổi. Trầm xuống lặn vào.

Và người bạn Trung niên thi sĩ, anh vừa mở một cánh cửa mới cho Thi Ca, nhìn vào một ngôi nhà trống trải, ngó xuống một cánh rừng mênh mông. Muông thú và tu sĩ. Tiếng kêu và Kinh tự.” (20)


Từ đó chúng ta sẽ thấy rằng Viên Linh đã trở lại và sống hoàn toàn với nhịp đập và hơi thở của đất nước, anh làm thơ lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ nhị thập bát tú, mà ngay cả thơ tự do thì cũng với tiết nhịp êm đềm, mềm mại, và hiền hòa.


Tìm cho được một cách phát biểu thích hợp là cần thiết, nhưng cốt lõi vẫn là tấm lòng tha thiết với thơ. Anh sống với thơ, nghiêm trọng với thơ, cân nhắc với thơ. Như có lần, nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, năm 1972, Viên Linh đã nói:

“Thi ca đối với tôi là một chuyện đáng sợ, một chuyện phải cực kỳ thận trọng. Đúng ra làm thơ là phải như chơi, thanh thản và dễ dãi, song tôi không thấy được như thế. Chạm đến thơ, tôi thường vứt bỏ mọi thứ khác để nhẹ bớt người đi mà leo qua cây cầu rất mong manh này.


“Như ông biết, bài thơ của tôi đăng trên VĂN số Xuân Nhâm Tý là bài thơ thứ hai mà tôi đưa đến tòa soạn trong vòng hai ngày. Ngày đầu tôi đưa bài khác. Khi tới đưa bài sau, tôi lấy lại bài trước về, để xé bỏ. Tôi tự xé bỏ như thế với mình, vì nghĩ rằng không phải lúc nào những cái mình viết ra cũng là văn chương. Có khi nó là đá quí, có khi nó là gạch ngói. Phải chi tôi có thể ngông cuồng được, hay giả khùng được, tôi sẽ làm thơ như gió. Huy Cận nói làm xong một bài thơ, mệt như ngủ với đàn bà. Ngủ với đàn bà xong, mình ngủ; nhưng làm xong một bài thơ, mình sẽ thức. Sẽ tỉnh táo hơn nữa. Sẽ vô cùng tỉnh táo. Huy Cận nói không đúng đâu.”(21)

Và trả lời tiếp câu hỏi “Ông vừa dùng hình ảnh cây cầu mong manh? Có thực ông cảm thấy như thế không?” Viên Linh trả lời:

“Luôn luôn tôi thấy như thế, trong những năm sau này. Một ngày kia, nếu ông làm thơ, ông sẽ thấy nó hiện ra. Rồi ông ngừng làm thơ, hay ông cứ cắm đầu bước. Ông có thể vượt qua mà ông cũng có thể ngã lộn cổ chết tốt. Tôi đã thấy nhiều người gẫy cổ dưới cây cầu của họ rồi.” (22)

Khi đọc những giòng này, dù chỉ trên một bài phỏng vấn với lối thường đàm, vậy mà tôi cũng đã phải khuyên chú trên lề trang sách. Một thời đại của những người làm thơ, có bao nhiêu người sống được với thơ, trân trọng với thơ như vậy?


Tôi xin trích thêm hai đoạn thơ nữa của Viên Linh viết trong thời điểm đó, tức là 1963-1975, để chấm dứt bài viết này, trước khi chuyển qua một thời kỳ khác: thời sau 1975, ở nước ngoài.


1) Đoạn cuối của bài thơ Con Tim Thất Lạc in trên Vấn Đề số 14:

Hãy cho tôi sống khắp cùng

Cho tôi làm con tim thất lạc

Cho tôi mãi mãi chờ mong

Một ngày mai được chuộc.

(1968)

Và 2) Đoạn cuối của Viễn Mơ, tức phần 11 của bài thơ khá dài trên Khởi Hành, số 32 (bộ cũ, Sài Gòn):

Đây là một bài thơ

Viết giữa đêm nguyệt tận

Tôi là kẻ viễn mơ

Muốn nhịp đời rất chậm.

Nhưng tựu chung có gì đáng nói

Vết thương rên rỉ hộ rồi

Kết thúc bài thơ sống:

“Tôi là di chúc thơ tôi.”

4.12.1969

Dù trong những giây phút mong manh nhất, thơ tự nó cũng đã lấp lánh ánh sáng hy vọng, để trở thành một thứ di chúc muôn thuở.


Nam California, Tháng 7.2004

Huỳnh Hữu Ủy

Nguồn: Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại
Văn Mới, 2013

CHÚ THÍCH:


(1) Tất cả những trích dẫn từ thi tập Hoá Thân đều dựa vào ấn bản in lại của Edition lmn, Bonn, Germany, 1994.

(2) Trong một nhận định về Nguyễn Đức Sơn trước đây, chúng tôi đã có dịp đề cập đến những bóng dáng này, là những triết gia, nhà văn, thi sĩ đã ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nền văn nghệ miền Nam thời của thập niên 50-60. Nhận định về Viên Linh, chẳng thể nào không đề cập đến bối cảnh ấy, vậy nên chúng tôi phải lập lại điều ấy ở đây. Xin xem thêm: Huỳnh Hữu Ủy: “Nguyễn Đức Sơn: Một đỉnh thơ kỳ dị và cô độc”, Hợp Lưu, số 47, tháng 6 & 7 năm 1999. In lại trong Mấy Nẻo Đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa, Văn Nghệ, 1999.

(3) Lời của Viên Linh, in trên bìa sau Thi Tập Hóa Thân, Sđd.

(4) B.Đ. Ái Mỹ trích dẫn và chuyển dịch trong bài viết bàn về Xuân Diệu Lại Thơ Thơ, Góp lời bạn Hoàng Trong Quỵ, Tạp chí Trong Khuê Phòng, số 83, năm thứ 3.1939. Võ Long Tê dẫn lại trong “Présence de Rimbaud au Vietnam. Essaie de bibliographie critique”, Publications du Centre de Documentation et d’ Études Vietnamiennes, Bibliothèque de la Conférence Épiscopale du Vietnam, pp.260-261, vol.1, Saigon, 1974.

(5) Chúng ta hãy để Viên Linh giải thích về mấy câu thơ này, “Một kẻ hoài nghi nhân loại... tên vô chính phủ, một đời không phụng thờ ai.” Khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, bút hiệu Nguyễn Nam Anh, hỏi chuyện Viên Linh trên số Văn đặc biệt về Thơ xuất bản ở Sàigòn năm 1972, N.X.H hỏi Viên Linh nhiều điều với mục đích “đi thật xa với Viên Linh”, trong đó có câu hỏi “Điều gì làm ông ghê tởm nhất?” thì Viên Linh đã trả lời cộc lốc và quyết liệt: “Khi đến trước cửa một cơ quan công quyền.” Câu trả lời thực gai góc, dữ dội, nhưng nếu diễn dịch ra cho nhẹ nhàng, thì tôi thấy khá gần với David Henry Thoreau hoặc các ẩn sĩ phương Đông của một thời xa xưa nào. Một thi sĩ tự do thực sự, để tiêu dao tự tại và để viết, thì có lẽ tốt nhất sẽ là một con người vô chính phủ.

(6) “Lời nôm gửi em Hoa, Thơ vào Thu”, Khởi Hành, số 73, California, tháng 11.2002, trang 29-30. Bài này trước 1975 đăng trên Tạp Chí Thời Tập, Sài Gòn.

(7) Xin xem thêm Viên Linh: "Ngôi nhà tôi đã ở", truyện ngắn, trong Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam, 1954-1973), Sóng xuất bản, Sài Gòn, 1974, trang 695- 708. Khởi Hành in lại trên số 56, tháng 6, 2001 và "Ngôi nhà tôi đã ở", hồi tưởng của Nhã Ca, cũng có thể xem là lời bạt cho tập thơ Hóa Thân, viết vào tháng 4. 1964 ở Sài Gòn năm 1964 khi Hóa Thân được Tạp Chí Văn Nghệ ấn hành lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1964, có in lại trong ấn bản ở Đức năm 1994.

(8) Viên Linh, “Đường Bạch Dương”, Khởi Hành, số 71, Tháng 9.2002, Trang 19.

(9) Trần Tuấn Kiệt, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại 1880-1965, Nxb Khai Trí, Sàigòn, 1967.

(10) Trần Tuấn Kiệt, Sđd, Trang 921.

(11) Thanh Tâm Tuyền, Nỗi buồn trong thơ hôm nay, 1956, in lại trên Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, tháng 10.1972, Thụy Khuê trích dẫn trong Cấu Trúc Thơ, Văn Nghệ, California, Trang 40.

(12) Thanh Tâm Tuyền, Sđd, Trang 39.

(13) Trần Tuấn Kiệt, Sđd, Trang 921.

(14) Viên Linh, Nàng Thơ và Cảm Hứng, Khởi Hành, số 89, California, 2004, Trang 17.

(15) Đêm Trường, Thủy Mộ Quan, Thời Tập xb, California, 1992, trang 134-135. Đêm Trường in trong phần Dư Tập, tức là phần tập hợp những bài thơ viết ở Sàigòn trước 1975, tìm thấy lại rải rác nơi này nơi khác ở hải ngoại. Thủy Mộ Quan gồm ba phần, đúng ra là 3 thi tập được in gộp chung lại trong một ấn phẩm: 1) Thủy Mộ Quan bao gồm những bài thơ làm trong hai năm 1981 và 1982, tập trung vào biến cố người Việt ngoài biển Đông. 2) Ngoại Vực: Thơ làm từ 30 tháng 4 năm 1975 sau khi rời Sàigòn. Và 3) Dư Tập: Một số thơ đã đăng báo trước 1975 ở quê nhà.

(16) Viên Linh trả lời phỏng vấn của Nguyển Nam Anh, Văn số 198, đặc biệt về Thơ, Sàigòn, 15.3.1972, Trang 86.

(17) Viên Linh trả lởi phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, đã dẫn ở trên, trang 89.

(18) Nghi Hoặc Nỗi gì, Thủy Mộ Quan, Trang 94-102.

(19) Tức Bùi Giáng.

(20) Đã dẫn ở bên trên, xem lại chú thích (8).

(21), (22) Viên Linh trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, Sđd, Trang 90,91