Đó không phải là một tập thơ. Đó, đúng thế, là ba thi phẩm. Nếu bạn muốn đọc Thủy Mộ Quan theo thứ tự của số trang, thứ tự của vật lý, từ trang 1 đến trang 219. Thủy Mộ Quan hiện ra trước nhất, Ngoại Vực sau đó và chót hết Dư Tập. Nhưng nếu bạn muốn đọc thơ Viên Linh theo thứ tự thời gian sáng tạo thì phải đọc từ cuối cuốn sách đi lên. Bởi vì là một cuốn thơ nằm trong một cuốn thơ gồm những bài sáng tác trước năm 75 đã in đâu đó. Thi sĩ tìm gặp lại được trong chiều gió.
Ngoại Vực tập thơ thứ nhì trong tập thơ gồm những bài thơ làm sau tháng tư năm 1975. Và chót hết, Thủy Mộ Quan, với 171 đoạn thơ cộng với một bài dài hơn (Gọi Hồn). Phần chính yếu của Thủy Mộ Quan, tập thơ ở trong tập thơ, những sáng tác mới nhất của thi sĩ, tập thơ mang tên tập thơ mà nó là thành phần, đúng hơn tập thơ cho tập thơ mà nó là thành phần mượn danh hiệu, gồm 171 đoạn lợp kín bằng những dòng sao hai mươi tám ngôi bầu trời 69 trang. Một trăm bẩy mươi mốt đoạn mỗi 'đoạn bốn câu, mỗi câu bẩy chữ. Nhị thập bát tú. Bạn đã tìm ra từ ngữ đúng.
Tôi bắt đầu với Dư Tập, tôi đọc dĩ nhiên theo thứ tự vật lý của số trang. nhưng tôi phải bắt đầu bằng Dư Tập. Bạn đã đọc Đêm Trường chưa? Đêm Trường đây:
ĐÊM TRƯỜNG
Như em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại
phân thân chín từng.
Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng cơn say
Phải anh rồi phải anh đây
Bữa cơm hai bóng
một ngày phần dương.
Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng
Cúc hiền như dao.
Năm năm đời trú mái sầu
Thời gian phai nhạt những mầu yêu đương
Nhớ em lần lữa chiêu giường
Đêm nay lại một đêm trường như xưa.
(tr. 134,135)
Bạn có thích bài thơ này không? Tôi thì tôi thấy Đêm Trường tuyệt vời. Có một chút Vũ Hoàng Chương của Mười Hai Tháng Sáu. Có một chút tìm kiếm bản ngã thời trang của thập niên sáu mươi lẩn khuất trong bóng đêm. Nhưng dàn trải nổi bật trong suốt đêm dài đó là bóng dáng kín đáo và ngạo nghễ của Viên Linh.
Tôi cũng thích lắm Thơ Bệnh:
Bãi sầu trời ngập trên chân
Dương gian ta lún nửa thân còn gì. *
thích lắm cảnh "soi gương lệch mặt" Trong Cõi Đời Tôi, thích lắm năm chữ của Đưa Tôi Về Trần Thế. Tôi tìm thấy thật đầy đủ vóc dáng gầy cao nho nhã và khẳng khái của Viên Linh trên chiếc Lambretta trên những đường phố Sài gòn.
Đêm Trường có đầy đủ kỹ thuật sử dụng danh từ riêng như một danh từ chung, cái đặc thù trở thành vũ trụ cũng như mỗi giọt mưa dưới ngói, một đôi đũa mộc, những danh từ riêng có một cuộc đời. Bạn có thích động từ phân thân không? Tôi thì tôi khoái động từ cười. Bởi vì cười bừng. Không phải cười bừng. Cười bừng cơn say. Và tài tình hơn nữa, không phải cười bừng cơn say ở bất cứ lúc nào. Cười bừng vào đúng lúc so đôi đũa mộc. Lúc nhớ em. Hãy nhớ kỹ. Đúng lúc nhớ em:
Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng cơn say.
Có một thế hệ những thi sĩ của thập niên sáu mươi đã mang lại cho chúng ta những bài thơ sáu tám chói sáng. Tôi nhớ rõ lục bát Cung Trầm Tưởng không phải là lục bát Bùi Giáng, lục bát Nguyễn Đức Sơn là lục bát Nguyễn Đức Sơn và lục bát Viên Linh là lục bát Viên Linh. Thỉnh thoảng có người thích Tưởng hơn Linh bảo Linh giống Tưởng. Người khác nặng lòng yêu Giáng hơn Sơn gọi Sơn là Giáng. Giáng là Sơn. Sơn là Linh. Linh là Linh. Võ công của những người làm thơ này không thể giống nhau được.
Tôi có quen biết những thi sĩ danh tiếng này, nhưng không thân thiết với một người nào. Tôi vẫn nghĩ xa cách đến lãnh đạm thì hơn là gần gũi trong phe nhóm. Những trái núi cô đơn hơn là những đụn cát xếp hàng. Trong những cứng rắn trên có tương kính. Ở những mềm yếu dưới mất cả tôn kính cho chính bản thân. Chính trong sự cô đơn gần như tuyệt đối có đủ cả xa cách chọn lựa và tôn kính dấu kín tôi tập nghe và tập thấy, trong mỗi âm thanh đâu là hơi thở của Bùi Giáng, của Nguyễn Đức Sơn, của Cung Trầm Tưởng, của Viên Linh.
Đi từ danh từ riêng rất chung và danh từ chung rất riêng, từ kỹ thuật tăng cách bằng trạng tự cho một động tự đã vút trên cao, cười bừng đó đến kỹ thuật lấy hồi tưởng làm thực tại, từ nhớ em đến phải anh rồi từ hình ảnh cơn say bình dị được nối kết ngay sau đó như ánh sáng phản chiếu với hình ảnh có lịch sử thi ca của ngày phần dương đó là Viên Linh.
Ngoại Vực, tôi nghĩ đó là sự chuyến tiếp. Nơi cõi ngoài đó còn gương lệch, và đã hé mở Thủy Tang. Ngoại Vực là con đường đưa Viên Linh đi từ Lục bát và Năm chữ sang Bẩy chữ, từ những bài không giới hạn đến một kích thước nhất định của bầu trời nhị thập bát tú, thơ tình dằn vặt trong những tìm kiếm bản ngã tới một thế giới thơ khác, một thứ thơ nhật ký, nơi đó không phải chỉ có tình yêu, cái tôi. Bạn tìm thấy không trong đáy sâu thẳm của Thủy Mộ Quan tâm sự của người binh bại, đoạn 2 của người tình nhận thức được sự trôi chảy của thời gian, đoạn 5 thật nhiều hồi tưởng, đầy ắp những thuyền nhân u uất trong lòng biển.
Nhớ Nguyễn Thụy Long, thơ nhật ký ghi Loan Mắt Nhung. Thi sĩ nhớ mẹ, thơ nhớ mẹ, thi sĩ thức giấc với siêu thoát, thơ lên chùa xưa thăm nhà sư già. Ô, còn nhiều thứ khác nữa, lịch sử nước ta, sự ngăn cách vạn lý người phương Bắc và người phương Nam, suy tường về văn chương ta mấy chục năm, chút nắng ngày gặp lại người yêu cũ "nháy nhau tý chút cười như nghịch", những giấc Liêu trai xưa, đoạn 70 ...
Đoạn 76. Viên Linh viết:
Lưu vực điêu tàn ở biển Đông
Xương bày như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.
Đoạn 2. Viên Linh:
Có kẻ bên trời thức trắng canh
Hồn xưa binh bại quẩn chân thành
Lắng nghe tiếng kẻng đồn quân cũ
Hối hả ra đường rảo bước nhanh.
Ôi tôi muốn mặc vội quần áo chạy ra đó cho kịp, hô to có mặt. Tôi muốn khóc.
Viên Linh, Đoản khúc 5:
Em có yêu tôi chờ kiếp khác
Đời nay nguyệt tận bóng hư quang
Triều âm từ trước cùng trăng bạch
Đã hẹn tìm nhau dưới đáy sông.
Bìa một của thi tập Thủy Mộ Quan của Viên Linh có hình một chiếc nón với những nét trắng trên một nền đen sâu thẳm như một đốm lửa trong đêm đen. Tôi cầm chiếc nón đó lên cài vào đó mảnh giấy nhỏ có giòng chữ vắn: "Đọc Thủy Mộ Quan của Viên Linh rồi. Cám ơn." Bên dưới mẩu giấy nhỏ này ký tên: Nguyên Sa.
* THƠ BỆNH
nguyên bài
Lúc này hình đất tượng cây
Đời ta như nước chảy đầy bãi xa
Chiều rồi lòng mở không ra
Mênh mông trong ngực mùa hoa hải tần.
Khói um kín mộng thanh tân
Hình ta sụp đổ mấy lần trong gương.
Bên kia bóng vội lên đường
Đằng sau mặt thuỷ trùng dương sóng dồi.
Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
Bãi sầu trời ngập đến chân
Dương gian ta lún nửa thân còn gì?
Chiều nay mưa dưới Âm Ty
Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han.
(Thuỷ Mộ Quan, tr. 136, 137).
Thuỷ Mộ Quan của Viên Linh do Hội Sinh Viên và Chuyên Gia Công Giáo Việt Nam tại Mỹ Châu và Tác Giả xuất bản tại Virginia, 1982. Nhà xuất bản Thế Giới của nhạc sĩ Việt Dzũng tái bản tại Califomia năm 1992. Khởi Hành sẽ in lần thứ 3 vào năm 2003.