8-03-2011 | VĂN HỌC

Đọc Thơ Viên Linh

  LÊ HUY OANH

Nhà văn Lê Huy Oanh sinh năm 1932 tại Hà Nội, tị nạn Cộng sản lần thứ nhất, vào Nam năm 1954, tị nạn Cộng sản lần thứ hai, tới Hoa Kỳ năm 1980. Các tác phẩm in thành sách trước 1975 tại Sài Gòn có Màu Hoa Dã Thú, 1961, Hồi Chuông Báo Tử, 1970, và một số dịch phẩm, nhưng ông nổi tiếng là một nhà phê bình văn học. Các bài phê bình và biên khảo của ông xuất hiện thường xuyên trên các tờ Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, nhiều nhất là từ khoảng 1969 tới 1974. Ông là một chuyên gia về Phong Trào Thi Ca Lãng Mạn Pháp và Văn Chương Lãng Mạn Việt Nam thời tiền chiến.

Tác giả Lê Huy Oanh hiện cư ngụ tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.


     Nhà thơ Viên Linh

Nhìn vào Văn chương Việt Nam hải ngoại hơn bẩy năm qua*, chúng ta nhận thấy biển cả cùng những hình ảnh, âm hưởng liên quan tới nó, đã là đề tài quan trọng nhất. Biển, nói rõ hơn: Biển Đông, đã là khung cảnh nổi bật nhất của lịch sử nước Việt Nam và của một tấn thảm kịch lịch sử đặc biệt nhất trong hậu bán thế kỷ XX.

Biển Đông: lối thoát khỏi một cảnh tù ngục đọa đầy khủng khiếp; một phần bối cảnh chính của một cuộc di cư vĩ đại nhất vì ý thức hệ, chứng tích của một cuộc sống lưu vong đầy ngậm ngùi thương nhớ hướng về đất Mẹ Việt Nam. Biển cả đang chia cách những kẻ đã ra đi và những người thân còn ở lại. Đằng khác, biển, hay nước, há đã chẳng là một yếu tố về địa dư cũng như về lịch sử của nước Việt, một di sản tuyệt vời của biển. Cũng như núi, Huyền sử Việt họ đã chẳng kể lại rằng một trăm đứa con đó, giòng giống Rồng Tiên, đã có một nửa theo cha đi ra biển.

Cho nên, rất nhiều tác phẩm Việt trước 75, và phần lớn các tác phẩm sau 75, của Cộng đồng Việt hải ngoại đã nói tới biển - tới nước - tới những vẻ huy hoàng đã có ngày xưa, tới những thảm kịch xuất phát từ giải nước mênh mông đó. Mới đây, trong năm 1982, bộ môn Thi ca Việt hải ngoại đã có thêm một tác phẩm nói nhiều tới sự kiện cũng như thảm kịch Biển Đông là thi phẩm THỦY MỘ QUAN của Viên Linh.


Thủy Mộ Quan gồm hai sắc diện của Biển Đông, một sắc diện phiếu diễu mơ màng thắm tươi rực rỡ, nơi phát sinh và diễn tiến nhiều ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, đối tượng của một lịch sử vừa êm đẹp vừa oai hùng; sắc diện khác của nó, sắc diện mới, là một cảnh ghê sợ của các thuyền nhân, là mồ chôn của những người Việt xấu số đã chết thê thảm vì giông tố, vì lạc đường đâm ra thiếu nước và thức ăn, vì nạn hải tặc Thái Lan, trên đường vượt biển đi tìm tự do; là hình ảnh một nước Việt đen tối đang đau đớn quằn quại dưới ách cộng sản.

Phần "Dư Tập" trong Thủy Mộ Quan, có thể được coi như bổ túc cho thi phẩm Hóa Thân của Viên Linh, xuất bản 1964 tại Sài Gòn, cho ta thấy một Viên Linh đa tình, đa cảm, sống rất tha thiết hăng say với cuộc đời, nhưng ngay trong niềm tha thiết đó, trong sự hăng đó người ta vẫn hay thấy một Viên Linh hoài nghi, buồn bã, nhất là mệt mỏi. Một hình ảnh của Viên Linh dạo đó, một Viên Linh mới trên ba chục tuổi đang tự quan sát:


Hôm nay trời đất có tôi

Trên ba mươi tuổi làm người lãng quên

Xuân hồng, một góc thiếu niên

Năm năm mê mãi những miền hoài nghi


Trên ba mươi tuổi ù lỳ

Đêm về kéo cửa ngày đi kiếm mình

Cảnh đời, một cõi u minh

Cảnh tôi thấp thoáng bóng hình những ai.

Sinh Nhật, TMQ, trang 123)


Hoặc, có nhẹ nhàng hơn một chút thì cũng như tâm trạng trong bài Tiệc Khô (TMQ trang 126):


Đêm qua mưa muốn nói

Cuộc tình như bóng mây

Phút nào trong cứa sổ

Phút nào rời nơi đây

Phút nào tan thành lệ

Trên dung nhan héo gầy

Phút nào gieo thánh thót

Van nhịp đời khoan thai.


Một chút và một chút

San cho bằng hai vai

(Gánh đời ta nặng lắm

Cất hoài hoài không vơi).


Trước 1975, Viên Linh vốn dĩ đã đau khá nặng căn bịnh của những người đa-suy-tư đa-cảm-xúc, thứ đau thường có nơi các nghệ sĩ lãng mạn hoặc giầu hoài nghi đối với vũ trụ chung quanh mình. Nhưng kể từ tháng Tư Đen năm 1975, vận mệnh đất nước dân tộc chuyển sang một thời kỳ rất đau thương đen tối, trong nỗi đau siêu hình của Viên Linh, cũng như của nhiều văn thi sĩ Việt khác, đã có một sự biến đổi lớn: nỗi đau riêng tư của ngày ấy đã bị nỗi đau chung lấn át. Viên Linh, kẻ đa sầu đa cảm ấy, hình như đã nhận thấy chuyện riêng của đời mình nhỏ hẳn lại trước một biến cố khủng khiếp nhất của đất nước, biến cố liên hệ đến một sự sụp đổ oan uổng của Miền Nam Tự Do, đến sự đói khổ càng ngày càng trầm trọng trên toàn thể nước Mẹ, nhất là cái cảnh nước Mẹ đang bị đế quốc Cộng sản Nga Xô bóc lột và lợi dụng, hiện tại và tương lai tối tăm, mù mịt.

Cảnh huống bi đát đó đã tạo ra một phong trào vượt biên vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, vừa hào hùng vừa bi thảm, kéo dài suốt mấy năm nay và hiện vẫn đang tiếp diễn. Biển Đông gần như là ngả đường duy nhất giúp hàng triệu người thoát khỏi địa ngục Cộng sản, nhưng vốn có sự tàn nhẫn vô tình cố hữu của nó, Biển Đông đã là mồ chôn của rất nhiều thuyền nhân xấu số.


Tất cả biến cố như thế đã khiến cho tâm hồn Viên Linh bị chấn động vì đau đớn vì nghẹn ngào vì tức giận. Hai phần đầu (tức là tập một có tiểu tựa Thuỷ Mộ Quan và tập hai có tiểu tựa Ngoại Vực) của thi phẩm Thủy Mộ Quan đã phát biểu sự chấn động ấy, do nỗi đau chung của đất nước gây ra. Qua những bài thơ trong hai tập đó (Thủy Mộ Quan và Ngoại Vực) ta thấy Viên Linh bị ám ảnh ghê gớm bởi một cái chết tập thể: Cái chết của chế độ Tự Do tại Miền Nam, cái chết của biết bao chiến sĩ tự do trong các nhà tù Cộng sản, cái chết của trăm ngàn thuyền nhân trên đường ượt biển. Do đấy tập thơ Thủy Mộ Quan có đầy hình ảnh của sự chết. Ba chữ "Thủy Mộ Quan" bao hàm một cái chết tập thể: Biển Đông kia đã trở thành một nấm mộ khổng lồ. Những hình ảnh đó đã khiến cho kho tàng thi ca Việt Nam có thêm một loại thơ chứa đựng những hình ảnh mới lạ chưa hề có từ trước 1975.


Hãy thử đọc vài bài:

18.

Đời sau vét biển Thái Bình Dương

Thợ lặn tìm ra vạn cối xương

Hậu thế áng chừng ta động đất

(Nền văn minh cổ cũng điêu tàn)


87.

Thuyền trôi hơn tháng giữa trùng khơi

Gạo hết từ lâu trước cạn rồi

Em nhỏ trắng thơm mùi thịt ngọt

Ngày thuyền tới bến mất em tôi.


88.

Mười một cùng đi hề sót bốn

Năm người chết đói hề hai chìm

Nhìn xem tên mập hề vô dụng

Trừ bắp đùi y hề thịt mềm.


Nỗi đau chung trong tâm hồn Viên Linh không những được tạo thành bởi cái chết của những thuyền nhân trên Biển Đông, mà còn bởi cảnh điêu tàn đen tối của nước Mẹ ngày nay, cũng như cảnh sống lưu vong, lạc lõng buồn tủi của những người Việt vì thời cuộc phải tá túc nơi xứ người, đang phải sầu nỗi sầu mất nước.

Sự đau buồn đó khiến cho tác giả thấy mình như một kẻ cư tang (Chuyện Vãn Cùng Sách Cũ, trang 83) và trong sự cư tang ấy, chàng lên tiếng gọi hồn đất nước, gọi hồn những kẻ đã vì chính nghĩa Tự Do mà chết (Gọi Hồn, trang 70). Và trong lúc "Gọi Hồn"  tác giả phát biểu một nỗi mong mỏi thiết tha một ngày kia quê Nhà sẽ thoát khổ nạn, sẽ phục hưng.


Những nỗi đau ngày nay, của kẻ lưu vong, của kẻ mất nước, của kẻ đang cư tang một cái tang lớn, cũng đã khiến cho tác giả Thủy Mộ Quan hay tìm về với dĩ vãng của đất nước, tức là huyền sử và lịch sử của nước Việt. Có lẽ không có gì yên ủi kẻ lưu vong cho bằng hoài niệm quá khứ dân tộc. Do đấy, Viên Linh đã dẫn chúng ta ngược dòng thời gian gặp lại những Mị Châu, những Triệu Đà, vua Hùng lập nước, Huyền Trân sang Chiêm, Tiên Dung Đồng Tử gặp gỡ, hoặc là:


51.

Đuổi Mông đánh Hán chống quân Minh

Mường bản gươm dao sáng rực thành

Kéo xuống Phong Châu tìm vợ đẹp

Qua tây lấy ngựa nạt vua Xiêm.


Trong thi phẩm Hóa Thân* ngày xưa, Viên Linh hay nói về chuyện riêng tư của mình; đến thi phẩm Thủy Mộ Quan, biến cố đã khiến chàng nói nhiều đến chuyện chung. Nhưng trong những chuyện chung đó vẫn còn không ít những chuyện riêng. Không kể phần Dư Tập, gần như toàn những chuyện riêng, trong hai phần Ngoại Vực  và Thủy Mộ Quan, cũng vẫn có một số bài chứa đựng tâm sự riêng tư hoặc hoài niệm dĩ vãng cá nhân thời xưa cũ.

Chẳng hạn:


7.

Lúc nhỏ anh em thường đánh lộn

Bây gió sông núi nhớ thương nhau

Ngó xem vết sẹo bàn tay trái

Bên phải đầu tôi bỗng nhói đau.


61.

Bảy tuổí tôi chưa biết chữ nào

Biết nam như hổ nữ như miêu

Biết ông Khổng nói trăm điều phải

Biết nữ nhân vào lối cửa sau.


67.

Nhà học đêm mưa mộng thấy nàng

Thân ngà lồng lộng mở từng trang

Cái yêu ẩn mật trong lòng ấm

Một giọt sương chìm giữa chấm son.


Dẫu sao đi nữa, như đã nhận định ở trên, trong hai tập trên của Thủy Mộ Quan, nhất là trong tập một, cái "riêng" đã bị cái "chung" lấn át làm cho mờ nhạt hẳn đi. Nhưng trong phạm vi sự so sánh này, đó là sự mờ nhạt về lượng chứ không mờ nhạt về phẩm chất nghệ thuật.


Về tư tưởng nhân sinh quan, tôi vốn ưa con người Viên Linh, tôi thường thấy ở tôi một sự đồng thanh, đồng khí. Tuy nhiên, vẫn ở quan điểm của riêng cá nhân tôi, tôi có không đồng ý với chàng về một điểm, đó là đôi khi tôi thấy chàng có vẻ hơi khắc nghiệt - có thể là bất công nữa chứ - đối với đàn bà. Chẳng hạn bài 121, nói về Huyền Trân Công Chúa:


121.

Hai châu Ô Lý đổi Huyền Trân

Vua chết người Chiêm hỏa táng nàng

Lúc lửa thiêu chồng còn ngút cháy

Nàng đang cùng bỉ tướng thông dâm.


Thời Pháp thuộc đã từng có một ông nho sĩ đã lên tiếng "mắng" vua Chàm là si ngốc, và tỏ ý coi rẻ Huyền Trân Công Chúa, bằng hai câu thơ mà tôi nhớ đại khái như thế này:


Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm

Một gái Huyền Trân của mấy mươi


Thật ra, theo tôi nghĩ thì ông vua Chàm kia chẳng phải si ngốc. Trước một hành động lấn đất của một địch thủ mạnh, ông ta biết rõ không thể không nhượng bộ, do đấy ông mượn cớ cưới thêm một nàng "phi" nữa, mục đích chính yếu là có một cái cớ cho sự nhượng bộ đó. Còn nàng Huyền Trân thì thật chỉ là một nước cờ trong ván cờ Việt Chàm lúc đó, nàng đã ra đi "giúp nước" Việt một cách vô tình và vô tội, do đấy cũng đã trở thành một nhân vật rất đặc biệt trong lịch sử và huyền sử. Tôi đã nghĩ rằng đối với nàng, hậu sinh không nên hoặc không có quyền dùng những lời khinh thị. Nhưng, vẫn đối với riêng tôi, lời khinh thị của vị nho sĩ kia vẫn còn là nhẹ so với lời kết tội "thông dâm bỉ tướng trong lúc lửa thiêu chồng còn ngút cháy" của tác giả Thủy Mộ Quan.

Theo huyền sử, vị tướng kia đã theo lịnh vua Việt tới thành Đồ Bàn cứu Công Chúa Huyền Trân khỏi một cái tệ tục định cho nàng, cũng như nhiều công phi mỹ nữ khác, phải bị thiêu sống trên hỏa đài, tức là chết theo vua Chàm. Vị tướng Việt đó đã tận dụng trí lực, thể lực, thành công trong sứ mệnh rất khó khăn đó, tức là cứu được Huyền Trân khỏi bị chết cháy một cách khủng khiếp; thành công đó biểu thị rõ ràng ý hướng văn minh, thâu tháo thêm nhiều uy tín cho nước Việt, vị tướng "cảm tử" vì nghĩa công đó quả thật đáng chúng ta kính mến. Cũng không có gì chứng tỏ, ông đã thi hành cái vụ "dâm" một cách trái lễ với góa phụ cả, chúng ta hậu sinh chẳng nên gọi ông là "bỉ tướng" cũng như chẳng nên dùng một giọng nghiêm khắc nghiệt ngã, dù là giọng thơ, để xỉ mắng một trang nữ lưu vô tội và đáng yêu đáng kính như Huyền Trân Công Chúa.


Ở trang 58, Thủy Mộ Quan, có bài 137 là một trong những bài độc đáo:


137.

Em có hai chân đẹp tựa men

Hai tay như ngọc tiếng như chim

Em yêu như mãn gào trên ngói

Tuy vậy em cần một trát tim.


Tôi rất thích ba câu trên, nhưng đến câu thứ tư lẽ ra đang trên đà thích, tôi thích luôn, thế nhưng tôi đã khựng lại, phân vân chẳng biết mình có nên chấp nhận nó hay không. Nếu như "em""một trái tim" nữa thì quả thật có đầy đủ, thế nhưng cũng nên cẩn thận, không hiếm những khi "cái đẹp" và sự "đầy đủ" khắc kỵ nhau ghê gớm đấy nhé. Rất có thể sau khi em có một trái tim, em sẽ chẳng còn phù hợp với từ ngữ "yêu như mãn gào trên ngói" tuyệt vời đến thế đâu nhé. Trong phạm vi bài thơ 137, ba câu trên là một thực thể tuyệt đối, câu thứ tư cũng là một thực thể tuyệt đối. Để hai cái thực thể đó sáp với nhau e rằng chúng sẽ làm giảm sức mạnh của nhau đến đỗi không thực thể nào sẽ còn là tuyệt đối nữa.


Nhưng cái điểm đáng lưu ý nhất trong thi phẩm Thủy Mộ Quan chính là tác giả của nó đã tự chứng có nhiều khả năng trong việc sáng tạo hoặc điều động ngôn ngữ thi ca, tức là những khả năng đã tạo cho thi phẩm những sắc thái mới mẻ.


Về ngôn ngữ thi ca nếu đem so sánh Thủy Mộ Quan 1982 với thi phẩm Hóa Thân (xuất bản 1964) của cùng tác giả, ta thấy cả hai vẫn còn vài điểm đồng, đặc biệt tính chất gợi cảm được tạo thành bởi lối kiến trúc mới về chữ cũng như về hình ảnh. Trong hai tập dưới của Thủy Mộ Quan, Viên Linh vẫn tỏ ra có nhiều khả năng hấp dẫn khi sử dụng lối thơ đều chân hoặc lối thơ lục bát. Về lối đều chân tôi thích nhất hai bài năm chữ "Chuyện Vãn Cùng Sách Cũ" trang (83-88) và "Tiệc Khô" (trang 125-128).

Về lục bát, tôi thích nhất các bài Nghi Hoặc Nỗi Gì (trang 94-102), Sinh Nhật (123-124), Ngày Của Hai Người (trang 170-171 ) và Đêm Trường (134).

Đêm Trường là một trong những bài thơ tuyệt tác. Nhưng riêng tôi, tôi lại cứ thích rằng lẽ ra tác giả đã gọi tên bài đó là "Cúc Hoa" thay vì "Đêm Trường".


Lục bát Viên Linh quả thật có nhiều chỗ có sức quyến rũ mạnh mẽ. Hãy thưởng thức một đoạn trong bài "Nghi Hoặc Nỗi Gì" (tr. 94-102):


Chơi văn có lúc buồn nôn

Năm năm như ốc mượn hồn thác sinh

Ta đi tan vỡ bóng hình

Cười lên nhân ảnh

một mình mà quay.


Giờ đây ta biết giờ đây

Bốn mươi tuổi đó thân này còn tươi

Đêm nay ngoài phố mưa rơi

Là hư hay ảo cõi đời đang qua?


Năm xanh lục, tháng nâu đà

Ngày đen đêm trắng trong ta mấy màu

Nhìn đời cặp mắt đen sâu

Thương yêu trái đỏ hận sầu xám xanh


Bâng khuâng tâm ý không thành

Vong niên còn tưởng vừa sinh kiếp này

Giật mình đường chỉ trên tay

Nhủ ta nhìn lại tháng ngày đã đi.


Bốn mươi nghi hoặc nỗi gì

Lòng sông bóng nguyệt thầm thì thời gian

Con chim trốn tuyết xa đàn

Để tôi về ẩn nỗi hàn trong tôi.


Sang đến tập một của "Thủy Mộ Quan", gồm những bài thơ làm trong năm 81-82, Viên Linh hay có khuynh hướng thiên về siêu hình hoặc biểu lộ một thứ thái độ "duy tâm" cực đoan. Do đấy trong Tập Một (và cả trong Tập Hai) ta thấy chàng rất hay xài những tiếng, những từ ngữ hoặc những hình ảnh chứa đựng khuynh hướng và thái độ đó như Thần, Thánh, Phật, quỷ, tiên, yêu, quái, tinh; nhiều nhất là hai tiếng "hồn" (theo nghĩa linh hồn) và "ma".

Đủ mọi thái độ, cử chỉ của "ma", chúng hiển hiện đầy trong sách, dẫn người đọc vào một thế giới gồm thực tại lẫn với hư huyền, đôi khi mơ ảo, rất lạ, tạo cho người đọc một cảm xúc riêng, nhưng cũng không hiếm những lúc cái thứ chữ nghĩa, hình ảnh thực thực hư hư đó, có điệu bộ nhạt nhẽo, thiếu tự nhiên. Quả thật tôi rất nhàm tai, khi nghe Viên Linh cứ nói đi nói lại, hoài hoài, mấy tiếng hồn hồn ma ma, nghe có vẻ tiêu cực, và có vẻ phù phiếm nữa. Vấn đề siêu hình, duy tâm dĩ nhiên cũng là một trong những đối tượng đẹp của nghệ thuật, thế nhưng để thơ văn có nhiều sức hấp dẫn, nghệ sĩ phải tránh dùng láy đi láy lại những quá nhiều tiếng, những từ ngữ, những hình ảnh đồng dạng nào đó.


Trong Thủy Mộ Quan tôi đã gặp hàng mấy chục tiếng "ma" hoặc "quỷ" là những tiếng có thể làm giảm giá trị cái nghĩa cao quý của ý hướng "duy tâm" hoặc cái tác dụng lợi hại của đề tài siêu hình. Những tiếng như thế (ma, quỷ) cũng hay gợi ra cho các trí giả, kể cả những trí giả "duy tâm", ý nghĩ về một sự "mê tín" là cái chứng tỏ sự thiếu ổn định, thiếu chính xác của tâm trí.

Cũng trong Tập Một Thủy Mộ Quan, Viên Linh bắt đầu sử dụng một loại thơ mỗi bài gồm 4 câu, mỗi câu 7 chân, tức là tổng cộng mỗi bài 28 tiếng. Thơ này được đánh số thứ tự từng bài, tổng cộng 171 bài, được đóng lại bằng một bài "Gọi Hồn". Trong phần mục lục tác giả có dùng một chữ hoặc một từ ngữ của mỗi bài bốn câu như thế để đặt tên cho từng bài. Nhưng tôi nghĩ rằng, và có lẽ tác giả cũng đã nghĩ thế, việc đặt tên từng bài như vậy ngay ở đầu mỗi bài vốn không cần thiết mà lại có thể gây phương hại cho sức quyến rũ của thơ. Chỉ để tên chúng trong phần mục lục là một cử chỉ đắc sách.


Những ai thạo về kiến trúc thơ chắc hẳn đều công nhận rằng dựng những bài thơ 28 tiếng như thế rất khó, bởi nó thường đòi hỏi ít nhất một nét độc đáo được phô bày bằng thứ ngôn ngữ cô đọng. Nếu thiếu một trong hai điều kiện đó, kiến trúc của bài thơ sẽ bị loãng nhạt hoặc bất túc. Trong số 171 bài như thế, Viên Linh đã tỏ ra có sự thành công lớn và cũng đã có không hiếm những thất bại.

Những bài 7, 12, 34, 46, 61, 67, 78, 87, 88, 96, 109, 110, 111, 115, 137, 150, 159, 167, 171 đều là những bài thơ đặc sắc, trong đó có một số bài thuộc loại tuyệt tác.

Tôi thích nhất các bài 61, 67, 78, 88, 109, 110, 139 (về bài này chỉ thích ba câu đầu thôi, được không?), 167.


Chúng ta cùng thường thức thêm vài bài:


78.

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương

Trăm con cười nói tiếng trăm giòng

Ngày mai nếu trở về quê cũ

Hy vọng ta còn tiếng khóc chung. **


110.

Tuổi trẻ nghe mưa mộng hải hồ

Mộng đi bốn biển sống phiêu du

Hôm nay mưa tuyết quê người lạnh

Ta mộng quay về ngõ hẻm xưa.


167.

Khi các ông vào tôi bỏ hút

Không khí nào nữa có văn chương

Như Kiều đã đến bờ sông hẹn

Thôi có chi cần phái nói hơn.


Nhưng lẫn với những bài đặc sắc, hoặc tuyệt tác như thế cũng có những bài không có gì đặc sắc cả. Những bài 3, 4, 8, 9, 10, 14, 19, 21, 66, 94, 135 , 153 chẳng hạn, đều là những bài không có gì đặc sắc, dĩ nhiên là không thể gây được hoặc rất ít gây được sự thích thú hay sự rung cảm thấm thía trong lòng người thưởng ngoạn.


Viên Linh rất ưa tạo những khả năng mới và những sắc thái cho ngôn ngữ, trong công việc này nhiều lúc chàng đã thành công, nhưng cũng nhiều chỗ đã tỏ ra thất bại (về sáng tạo ngôn ngữ, cái hay và cái dở thường chỉ cách nhau một sợi tóc).

Cứ đọc những bài thơ đã dẫn trong bài này, các bạn đã thấy rất nhiều các sắc thái mới lạ độc đáo đầy quyến rũ của ngôn ngữ, chứng tỏ sự thành công lớn của Viên Linh. Thế nhưng không hiếm những lúc cái tân kỳ - thay thế bởi sự cầu kỳ nó khiến cho bài thơ thành ra gượng gạo, nhạt nhẽo thiếu tự nhiên.

Bài thơ "Gọi Hồn" (trang 70-74) về nội dung có vẻ thiết tha cảm động, về hình thức nó được viết rất kỹ, rất công phu, nhưng vì nó chứa đựng một số từ ngừ, hình ảnh hoặc cầu kỳ, hoặc sáo rỗng, hoặc kêu, nên nó không đạt được nhiều giá trị nghệ thuật.

Bài Thủy Tang cũng không phải là một sự thành công đáng kể về nghệ thuật, bởi nó cũng chứa đựng một số từ ngữ, hình ảnh cầu kỳ sáo rỗng như thế. Ngoài ra, cả về ngôn ngữ lẫn tư tưởng, sự phối trí và kiến trúc của nó có vẻ lộn xộn, ôm đồm quá nhiều hình ảnh, mới và cũ, thực tế và hư huyền, kể cả những hình ảnh khó dung hợp với nhau. Mặc dầu cũng được viết rất kỹ, chau chuốt, nhưng sự ôm đồm như thế đã khiến cho bài thơ có vẻ luộm thuộm, thiếu nhất trí, thiếu tự nhiên.


Kể ra cũng có vẻ trớ trêu đấy chứ: Một nhà thơ đã từng sáng tạo những bài thơ đậm đà ý tưởng phân minh chính xác, hình thức gọn gàng, cô đọng như Sinh Nhật, Đêm Trường, các bài 61, 67, 88, 167, v.v... vậy mà có những lúc hứng khởi lên cao lại thích diễn tả một cách rườm rà, phù phiếm hoặc kêu, như trong bài Gọi Hồn hoặc Thủy Tang.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng thể đòi hỏi nhiều từ bất cứ một thi sĩ nào. Verlaine, đại danh thi sĩ đã làm cả ngàn bài thơ, vậy mà cũng chỉ có được vài chục bài đặc sắc, và có lẽ không có tới mười bài tuyệt diệu. Bùi Giáng có một số bài loại kỳ tác, nhưng có cả trăm bài luộm thuộm, dở đến không thể chịu nổi. Prévert có vài chục bài khiến người sành điệu thơ phải giật mình kính phục, nhưng nhiều khi ông ta cứ làm nhàm một điệu khiến người đọc rất khổ tai và khổ tâm.

Một thi sĩ phải có được chừng mười bài thơ hay đã là quý giá lắm rồi, huống hồ Viên Linh qua hai thi phẩm Hóa Thân trước kia và Thủy Mộ Quan bây giờ, rõ ràng đã sáng tạo được những bài thơ xuất sắc nhiều hơn con số đó nữa.


Cái giá trị đáng kể nhất của Viên Linh là sự biểu dương ý hướng sáng tạo đó, Viên Linh thường tự tỏ ra là một nghệ sĩ giầu thiện chí, giầu tham vọng trong việc tìm tòi khai phá những chất liệu mới và những lãnh vực hoạt động mới cho Thi ca Việt Nam.


Santa Ana 8-8-83
Tuần báo Tin Việt, Santa Ana, Hoa Kỳ

Lê Huy Oanh

(trích từ Khởi Hành số 74, tháng 12.2002)

* Hoá Thân, Văn Nghệ xuất bản, 1964, Sài Gòn; LMN tái bản, 1994, Bonn, Đức.


** A Hundred Tonguẹs

Born somewhere, scattered out to the four winds,

a hundred children will speak a hundred tongues.

Tomorrow, if we all should go back home,

let's hope we'll speak the common speech of tears.

 (Viên Linh, translated from the Vietnamese hy Huynh Sanh Thong)


Bản dịch này in trên đầu sách Landscape and Exile của Marguerite Guzman Bouvard, Rowan Tree Press, Boston, 1985.

Bà Bouvard, người Ý, (M.A., Creative Writing, Boston University; Ph. D, Political Science, Harvard University, dạy về thơ tại Radcliffe College, Md.). Bà viết cho tác giả về bài thơ: "Now I can tell you how much I liked your beautiful poem. It was so moving... You are a splendid poet. You speak right to the heart." 1987.