Nhất Linh (1906 - 1963)
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ
Năm 1932, Tạp chí Nam Phong bắt đầu đi vào giai đoạn suy yếu và sắp sửa nổi hồi chuông báo hiệu giờ sinh thì, thì tờ tuần báo Phong Hóa do ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm chủ nhiệm, với sự cộng tác của Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tứ Ly (Nguyễn Tường Long) v.v... đột nhiên xuất hiện trên văn đàn như một luồng gió mới và được đa số quốc dân đón nhận với một sự nồng nhiệt hiếm có. Năm 1935, tờ Phong Hóa bị đóng cửa, Tự Lực Văn Đoàn liền cho xuất bản tuần báo Ngày Nay để thay thế và để tiếp tục cái sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Nhìn chung, ta thấy Phong Hóa và Ngày Nay đã gây được nhiều ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội Việt Nam ta hồi tiền chiến. Nhưng trong số những ảnh hưởng đó thì rõ rệt và cụ thể hơn cả là ảnh hưởng đối với sự tiến triển của văn chương mà chúng ta sẽ lần lượt đem ra phân tích và nhận định một cách khách quan ở sau đây.
Để sự tìm hiểu được rõ rệt, ta có thể chia ảnh hưởng của Phong Hóa, Ngày Nay đối với văn chương ra làm ba điểm chính:
Ảnh hưởng đối với sự tiến triển của báo chí.
Ảnh hưởng đối với sự tiến triển của thơ mới.
Ảnh hưởng đối với sự tiến triển của các thể văn nhất là tiểu thuyết. (1)
Trước khi tuần báo Phong Hóa được xuất bản (12-9-1932) nước ta từ lâu đã có khá nhiều báo chí theo nhau ra mắt quốc dân tại Trung Nam Bắc như tờ Gia Định báo xuất bản tại Sài gòn năm 1865, tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo xuất bản tại Bắc kỳ năm 1892. Đó là hai tờ báo do chính quyền chủ trương. Ngoài ra, còn có những tờ báo do chủ nhân sáng lập như Nông cổ mín đàm và tờ Nhật Báo tỉnh xuất bản ở Nam kỳ năm 1900 và 1905. Đồng thời tờ Đại Việt Tân Báo cũng xuất bản tại Bắc kỳ năm 1905. Sau đó, nhiều tờ nhật báo cũng thi nhau xuất hiện như: Lục tỉnh tân văn (1910), Trung Bắc Tân văn (1915), Thực nghiệp Dân báo (1920), Trung lập báo (1923), Tiếng dân (1927).
Ngoài ra cũng có nhiều tạp chí theo nhau xuất hiện như Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917), Hữu Thanh tạp chí (1921), An Nam tạp chí (1926) v.v...
Nếu nhận xét chung, ta sẽ thấy những nhật báo và những tạp chí đều thiên hoặc về phương diện thông tin tức ỏ trong nước, ban bố các mệnh lệnh của chính phủ hoặc thiên về phương diện nghiên cứu học thuật cổ kim Đông Tây. Dù với mục đích thông tin hay là truyền bá học thuật, các nhật báo và tạp chí nói trên đều "sính văn chương". Về điểm (1) này, giáo sư Dương Quảng Hàm đã viết trong "Việt Nam Văn học sử yếu" trang 425 như sau:
"nhưng dù là nhật báo, dù là tạp chí, các tờ ấy đều thiên về mặt văn chương, bởi thế ngay báo hàng ngày cũng có mục Văn Uyển, dịch Pháp văn, dịch Hán văn, dịch tiểu thuyết Tàu và Pháp, lại có nhiều tờ thời thường xuất bản riêng một phụ trương về văn chương nữa".
Nhưng cũng cần nói thêm: hầu hết những nhật báo và tạp chí đó đều mô phạm. Do đó, nhìn chung có vẻ khô khan nên không phổ biến được rộng rãi trong quần chúng.
Trang bìa Phong Hóa
Năm 1932, ông Nguyễn Tường Tam đã chủ trương lại tờ Phong Hóa (2) với một thể tài hoàn toàn đổi mới. Bằng những tranh hí họa dùng để chế diễu những nhân vật điển hình của thời đại (như các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Công Tiễu, Vũ Thận, thi sĩ Tản Đà, ông Phạm Huy Lục, ông Lê Công Đắc v.v...); bằng những tranh vẽ khôi hài để chọc cười độc giả về sự ngớ ngẩn hoặc lý sự cùn của hai nhân vật chính là Lý Toét và Xã Xệ (sau cùng lại thêm một nhân vật nữa là Bang Bạnh); bằng mục "chuyện vui cười" rí rỏm; bằng những bài thơ trào phúng trong "Dòng Nước Ngược" của Tú Mỡ, bằng lối châm biếm một cách nhẹ nhàng, ý nhị, đối với những câu viết sai, trong mục "Hạt Đậu Dọn" của Hàn Đãi Sạn v.v... nên Phong Hóa đã gây được một không khí hào hứng trong quần chúng ngay từ mấy số đầu. Đã thế, các bài trong Phong Hóa lại đều được diễn tả bằng một lối văn nhẹ nhàng, dễ hiểu mà vẫn không kém phần linh động, trong sáng, khác hẳn với lối văn khệnh khạng, kênh kiệu, đầy rẫy những chữ Hán, nên lại càng được hoan nghênh hơn nữa (về điểm này chúng ta sẽ nói tới kỹ hơn ở phần dưới). Cho nên nói rằng tờ Phong Hóa đã ghi được một thành tích đáng kể trong lịch trình tiến triển của báo chí Việt nam ta cũng không phải là ngoa vậy.
Ít lâu sau, cùng với tờ Phong Hóa, Tự Lực Văn Đoàn còn cho ra thêm một tờ báo nữa lấy tên là Ngày Nay (30-1-1935). Hình thức tờ Ngày nay cũng gần giống như hình thức tờ báo Match của Pháp, nghĩa là in trên giấy láng và tranh ảnh đều làm bằng bản kẽm. Thực là một sự cố gắng đáng kể về ấn loát. Còn thể tài của Ngày nay thì hơi khác với Phong Hóa, như nhẹ về trào phúng mà nặng về phóng sự xã hội thời đại hơn, như phóng sự Làng Chạy, Ăn Cướp, Cù Lao Yến v.v... Ngoài phóng sự, Ngày Nay cũng có đăng nhiều những chuyện ngắn của Nhất Linh, Thạch Lam v.v... và một chuyện dài nhan đề là "Dưới Bóng Tre Xanh" của Khái Hưng. Đồng thời, mỗi số lại còn kèm thêm một phụ trương in trên khổ nhỏ (chừng 12 trang) tả về cuộc kháng chiến của Đề Thám (Hùm thiêng Yên Thế). Nhưng sau khi ra được một ít số thì Ngày Nay tự tuyên bố đình bản vì tiền giấy, tiền in quá tốn kém, không sao kham nổi. Rút lại, cũng chỉ còn có tờ Phong Hóa tiếp tục cái sứ mệnh một cách "đơn thương độc mã". Ba năm sau, tờ Phong Hóa bị thực dân và bọn quan lại phong kiến hạ lệnh đóng cửa. Tự Lực Văn Đoàn liền cho tục bản ngay tờ Ngày Nay để thay thế cho Phong Hóa (2-1-1936). Nhưng lần này, nội dung và hình thức cũng hơi giống Phong Hóa, nghĩa là vẫn nặng về châm biếm, trào phúng, nếu có khác chỉ là ở chỗ báo chia ra làm 3 phần rõ rệt: phần Trào phúng, phần Tiểu thuyết và phần Trông tìm (nói về khoa học). Vừa vui, vừa thiết thực, lại vừa có nhiều tính cách văn chương nghệ thuật, nên Ngày Nay càng ngày càng được phổ biến sâu rộng, do đó, đã tiêu biểu được cho sự phát triển báo chí hồi tiền chiến. Đi song đôi với Phong Hóa và sau này Ngày Nay có một số báo khác cũng được một số khá đông độc giả hoan nghênh như Tiểu thuyết thứ Bẩy, Loa, Ích Hữu, Tao Đàn, Tri Tân, Thanh Nghị v.v...
Tuy nhiên cũng cần nói thêm: Phong Hóa, Ngày Nay chú trọng nhiều về những vấn đề có liên quan trực tiếp tới thực trạng xã hội thời đại qua những bài xã thuyết đanh thép của Hoàng Đạo, qua những phóng sự sắc cạnh của Trọng Lang, hoặc qua những tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng và Nhất Linh, ta luôn luôn bắt gặp những nỗi băn khoăn cùng với những tư tưởng cải tiến xã hội nói chung và dân quê nói riêng, được đem ra trình bày một cách cảm động, xác thực và có hệ thống. Vì thế, tờ Ngày Nay có thể được coi như là một trong những tên lính tiên phong đã biết thể hiện cái vai trò của báo chí, tức là tranh đấu thiết thực để xây dựng một xã hội công bình và dân chủ hơn.
Tuy cuối thế kỷ thứ XIX sanh đầu thế kỷ XX thi ca Việt Nam đã chuyển mình để muốn hướng tới một giai đoạn mới, nhưng vẫn chưa đem lại được một kết quả nào vẹn thể. Trong những tác phẩm thi ca của Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Từ Diễn Đồng, Tản Đà, Trần Tuấn Khải v.v... nội dung và kỹ thuật tuy có nhiều điểm mới mẻ thực, nhưng vẫn chưa thể coi đó là dấu vết của một cuộc cách mạng thi ca. Cuộc cách mạng thi ca chỉ có thể coi là bắt đầu được thai nghén từ bài dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine "con ve và con kiến" của Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở "Đông Dương tạp chí" năm 1914 số 40 và được khai sinh do bài thơ "tình già" của Phan Khôi đăng ở "Phụ Nữ tân văn" năm 1932 số 122. Bài đó như sau:
"Hai mươi năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
"Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
"Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- "Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
"Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
"Để đến nỗi tình trước, phụ sau,
"Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau,
- "Hay! mới bạc làm sao chớ?
"Buông nhau làm sao cho nỡ!
"Thương được chừng nào hay chừng nấy,
"Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
"Ta là nhân ngải, đâu phải vợ chồng.
"Mà tính việc thủy chung?
"Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau,
"Đôi cái đầu bạc,
"Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được!
"Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
"Con mắt còn có đuôi.
Tuy những bài thơ đó có tính cách cách mạng về phép đặt câu gieo vần và tiết tấu nhưng về cái hay của nó thì chưa đủ làm cho người ta phải công nhận. Do đó, một cuộc bút chiến đã xảy ra giữa những nhà "khai sinh" cho thơ mới với những nhà làm thơ theo lối cũ. Cuộc bút chiến kéo dài gần như là bất phân thắng bại. Những kẻ bàng quan đa số muốn nghiêng về phía các nhà thơ mới vì lý luận của họ nghe có phần hấp dẫn hơn. Nhưng khổ một nổi, hiện tình lúc đó, chưa có một bài thơ mới nào tương đối có giá trị để cho họ đặt tin tưởng. Giữa tình trạng đó thì báo Phong Hóa, không lao mình vào cuộc bút chiến, mà chỉ trả lời gián tiếp bằng cách lần lượt cho đăng những bài thơ mớicủa Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên và nhất là của Thế Lữ. Những bài thơ mới đó, với sự tiến triển của thi ca hiện nay thì không có giá trị nhiều lắm nhưng với thời đó thì thực là những kết quả làm cho người ta phải khâm phục. Biết bao nhiêu người của thời đại đã say sưa đọc những câu thơ uyển chuyển trong sáng như:
"Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát,
"Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
"Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt.
"Mùa xuân còn, hết? khách đa tình ơi!
(Thế Lữ, Phong Hóa số 68 trang 8)
hoặc những câu thơ du dương, réo rắt như:
"Tiếng địch thổi đâu đây,
"Cớ sao nghe réo rắt,
"Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt?
"Mây bay... gió quyến mây bay...
"Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt...
"Như hắt hiu cùng hơi gío heo may.
(Thế Lữ, Phong Hóa số 69 trang 3)
hoặc những vần thơ mang một nỗi ngậm ngùi bát ngát như:
"Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay,
"Như khiêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc,
"Những cảnh với những người đã chết,
"Tự bao giờ còn phảng phất nơi đây!
(Vũ Đình Liên)
hoặc những câu thơ mạnh mẽ, trầm hùng như:
"Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
"Thuở tung hoành, hống hách những ngày xưa.
"Nhớ cõi sơn lâm bóng cả cây già,
"Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
"Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
"Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng.
(Thế Lữ, Phong Hóa số 95 trang 3)
Với những "bằng chứng cụ thể" như trên, Phong Hóa đã gây được thiện cảm, hay hơn nữa, lòng tin tưởng của quần chúng đối với "khả năng" có thể có được của thơ mới. Dựa một phần lớn vào những bài thơ mới đó mà cuộc bút chiến đã dành phần thắng lợi cho phe các nhà thơ cấp tiến. Sau Phong Hóa, Ngày Nay vẫn tiếp tục cho đăng những bài thơ mới có nhiều giá trị và nghệ thuật của Xuân Diệu, Huy Cận. Nhờ đó mà phong trào thơ mới, được sự hòa nhịp của Lưu Trọng Lư rồi tiếp tới Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Bàng Bá Lân, Huy Thông, Đinh Hùng v.v...trên các tờ báo khác, đã đi tới chỗ phát triển toàn diện và hoàn thành cuộc cách mạng một cách vẻ vang. Cho nên nói rằng Phong Hóa và Ngày Nay đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng thi ca hồi tiền chiến cũng không phải là quá đáng vậy. Về điểm này, giáo sư Dương Quảng Hàm đã đề ra một nhận định khá xác đáng như sau đây trong "Việt Nam văn học sử yếu":
Đến năm 1932, ông Phan Khôi khởi xướng lên vấn đề thơ mới và đăng trong "Phụ Nữ Tân Văn" một bài theo lối ấy nha đề là Tình Già. Rồi từ đấy, nhất là Phong Hóa tuần báo, thường đăng các bài thơ mới, và cổ võ cho lối thơ ấy, thì lối thơ mới bắt đầu thành lập và thịnh hành. (V.N.V.H.S.Y. trang 428)
Trang bìa Ngày Nay
Hồi trước, trên các báo và tạp chí, phần nhiều chỉ có những bài xã thuyết, những thi ca (theo lối cũ), những bài nghiên cứu về học thuật cổ kim Đông Tây, hoặc những bản dịch những tác phẩm văn chương ngoại quốc như những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính v.v...
Mãi sau này mới xuất hiện một ít chuyện của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn (Nam Phong) hoặc một vài cuốn tiểu thuyết như Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Về phương diện nội dung cũng như về phương diện văn chương nghệ thuật, những chuyện ngắn và tiểu thuyết đó chưa đặt được trên những nền tảng vững chắc. Vế nội dung thì khô khan vì quá thiên về luân lý (như chuyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn) hoặc lãng mạn, đến độ sướt mướt (như Tố Tâm) hoặc rườm rà, huyền bí (như Quả Dưa Đỏ). Về kỹ thuật thì xếp đặt lỏng lẻo, rời rạc. Về văn chương thì vẫn chưa sao thoát khỏi được lối văn kênh kiệu, thoát thai từ lối văn tứ lục hoặc lối diễn tả lòng thòng lủng củng. Ta có thể đưa ra một vài ví dụ để dẫn chứng cho điểm nhận xét này. Ví dụ lối văn thực thà, lòng thòng:
"... Khi bấy giờ tôi mới nhìn ra thì là một ông lão đầu râu tóc bạc. Tôi động lòng, tôi bèn chạy đến, cầm tay mà hỏi: "-Chứ con cháu cụ ở đâu mà để cụ già nua tuổi tác, yếu đuối thế này, phải đi kéo xe vất vả?
"Ông lão nhìn tôi. Anh ơi! Ông lão nhìn tôi, hai con mắt ông trông mờ mờ hình như ruột nhãn, nước chảy chứa chan, mà chung quanh thì đỏ ửng.
"Ông lão nhìn tôi, ra ý ngập ngừng, thì tôi lại hỏi v.v..."
(Câu chuyện thương tâm - P. Duy Tốn)
Ví dụ lối văn kênh kiệu tứ lục:
"... sau lưu lạc được vào vương cung, lúc việc chầu chực, khi đi chinh thảo, lúc đi khẩn hoang, nào cái cảnh vương triều đế khuyết, nguy nga hùng tráng, nào cái cảnh hậu cung thượng uyển, mỹ lệ huy hoàng, nào cảnh rừng núi, cây cao suối mát, vượn hót chim kêu v.v..."
(Quả dưa đỏ - Nguyễn Trọng Thuật)
Nhưng với sự cố gắng của các nhà văn trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, những chuyện ngắn và tiểu thuyết khá sôi nổi. Về phương diện nội dung, những chuyện ngắn và tiểu thuyết đăng ở Phong Hóa, Ngày Nay thường hướng vào những điểm:
- Hoặc phân tích tâm lý một cách khá sâu sắc như phân tích tâm lý của chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên; tâm lý của Loan và Dũng trong Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt; tâm lý của An, Nga trong Gia Đình; hoặc của Trương, Thu trong Bướm Trắng v.v...
- Hoặc nêu lên một số những phong tục tập quán hủ bại cần phải phế bỏ để tiến tới một xã hội tốt đẹp hơn, như trong Nửa Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Gia Đình v.v...
- Hoặc giải bày những lý tưởng mới về cuộc sống, như lý tưởng hy sinh và vui sống trong Nửa Chừng Xuân; lý tưởng dung hòa ái tình với tôn giáo như trong Hồn Bướm Mơ Tiên; hoặc lý tưởng làm việc để cải tiến dân quê, như lý tưởng của Duy trong Con Đường Sáng; Bảo và Hạc trong Gia Đình v.v...
- Hoặc dùng khoa học giải thích những điều mà từ trước đến giờ vẫn coi là linh thiêng và huyền bí như trong Vàng và Máu, Bên Đường Thiên Lôi v.v...
- Hoặc dùng lý luận để phân tích một sự uẩn khúc nào đó xảy ra để tìm hiểu nguyên nhân, như trong loại chuyện trinh thám của Thế Lữ: Mai Hương và Lê Phong, Lê Phong phóng viên, Gói Thuốc Lá, Những Nét Chữ v.v...
- Hoặc để miêu tả những tình cảm thầm kín trong lòng người đọc phải rung động, như trong những chuyện ngắn của Thạch Lam: Sợi Tóc, Cô Hàng Xén, Đêm Ba Mươi v.v...
Ngoài phương diện nội dung như đã nói trên, các nhà văn viết trên tờ Phong Hóa, Ngày Nay còn chú trọng rất nhiều về kỹ thuật bố cục. Các sự việc xảy ra ở nội tâm hay ở ngoại giới đều được trình bày một cách phức tạp tinh vi, và chia thành các phần các chương một cách chặt chẽ. Đồng thời lại khéo nêu lên những điểm mâu thuẩn nhất là về phương diện tâm lý hoặc lồng khung nhân vật vào những nghịch cảnh để gây ra những tình trạng gay go khiến cho cốt chuyện có sức hấp dẫn người đọc.
Nhưng quan trọng hơn cả là các nhà văn đó đã khéo mô tả tình cảm và những sự việc xảy ra bằng một lối văn bình dị, sáng sủa có một giá trị gợi cảm đặc biệt. Ta có thể đưa ra bằng một vài thí dụ để dẫn chứng:
"Nàng cầm quả bóng chấm nhẹ lên hai gò má rồi cởi cúc áo cánh chấm dần dần xuống cổ xuống vai. Trên da lạnh, nàng khoan khoái đưa đi đưa lại cái quả bóng êm ấm. Trước mặt nàng, bụi phấn thơm tỏa ra trong ánh nắng và mờ bóng nàng trong gương".
(Lạnh Lùng, trang 69)
"Chợ mỗi lúc một ồn ào. Người đến họp chợ đã đông. Cái đông đúc và ồn ào ấy khiến cho Tâm liệm đi. Tiềng người nói, tiếng cười đùa, chửi rủa tràn đầy cả một gian hàng. Sự hoạt động rực rỡ và nhiều màu, các hàng quà bánh, các thứ hàng rẻ tiền và vụn vặt ở thôn quê, những hoa quả chua chát hái xanh trong vườn nhà. Và bên kia đường, mùi thơm nồi cháo nóng của chị Tư bay ra ngào ngạt!"
(Sợi Tóc, Cô hàng xén - Thạch Lam, trang 39)
Bình dị, sáng sủa nhưng cũng rất mực linh động, gợi hình và gợi cảm, đó là những đặc điểm về phép đặt câu và dùng chữ của các nhà văn trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay đã được người đọc ham chuộng và đã gây được một tác động đáng kể đối với phong trào sáng tác hồi tiền chiến vậy.
Dịch thuật: Trước kia, ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đã dịch rất nhiều những tác phẩm ngoại ngữ, nhưng phần nhiều các ông chú trọng dịch những tác phẩm cổ điển (thế kỷ 17) và những tác phẩm có tính cách triết học (thế kỷ 18) của Pháp (như một số tác phẩm của Corneille, Racine, Molière, La Fontaine, Voltaire, Rousseau, Diderot, Montesquieu v.v...) và những bản dịch của các ông hầu hết đều chú trọng vào sự lưu loát, dễ hiểu hơn là đúng sát nguyên bản.
Những nhà văn trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay thường dịch những truyện ngắn nhẹ nhàng có thuần chất văn chương của thế kỷ thứ XIX và thế kỷ thứ XX, không những là của Pháp mà còn của Anh, Đức, Mỹ, Nga, Nhật v.v... nữa (như một số những tác phẩm của Alphonse Daudet, André Gide, André Maurois, Somerset Maugham, Tolstoi, Dostoievski, Nagai Kafa v.v...) Mục phiên dịch những áng văn chương ngoại quốc đó được gọi là mục "Hương xa, Hoa lạ" và được sự cộng tác của một số những nhà văn độc lập bên ngoài như: Vũ Ngọc Phan, Vũ Minh Thiều, Huyền Hà v.v... Với một nghệ thuật dịch vừa sát nguyên văn lại vừa nhẹ nhàng, duyên dáng, mục "Hương xa, Hoa lạ" đã giới thiệu với chúng ta nhiều khuôn mẫu quí giá trong phạm vi sáng tác văn chương.
Sau khi lướt qua những thành tích của Phong Hóa và Ngày Nay đối với sự phát triển văn chương, ta không khỏi nhận thấy Phong Hóa và Ngày Nay cũng có những nhược điểm, mà nhược điểm đáng trách nhất là óc bè phái và óc trào phúng quá trớn.
Óc bè phái.- Điều mà ai cũng phải công nhận là những nhà văn trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay có một tinh thần kéo bè kéo cánh hẹp hòi. Rất ít khi họ khen những tác phẩm hoặc những hoạt động của các nhà văn bên ngoài mình (trừ trường hợp cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân). Những bài phê bình đối với những sách báo bên ngoài nhóm, vì vậy thường chỉ là những bài bông đùa, tàn ác có tính cách dìm người. Hầu hết các nhà văn nhà thơ bên ngoài như Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương v.v... đều bị họ mang ra bêu riếu. Họ chỉ chú trọng bới những cái dở, cái kém để riễu cợt còn cái hay thì tuyệt nhiên không đả động gì tới. Người đọc có cảm tưởng như đương xem một cuộc "công qui răng" thiếu lịch sự. Cho nên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ích Hữu, Loa, Hà Nội báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm đã thành lập một mặt trận thống nhất để quyết liệt đả kích lại Phong Hóa, Ngày Nay cũng không phải là không có lý do xác đáng vậy.
Óc châm biếm quá trớn.- Lối trào phúng của Phong Hóa, Ngày Nay tuy đậm đà ý nhị nhưng nhiều khi không khỏi đi đến chỗ quá trớn, gần như là vô ý thức trong ít nhiều trường hợp, như trường hợp vẽ tranh một thầy bói mù bị sa xuống giếng để khôi hài, hoặc vẽ ảnh ông Bùi Xuân Học ôm cái váy rách, rồi dưới đề là "Ông Bùi Xuân Học khóc Loa" (3) hoặc chế diễu ông Nguyễn Công Tiễu trong công cuộc cố gắng nghiên cứu để gây giống Thủy tiên, hoặc ví ông Lê Thăng với "con đĩ đánh bồng" v.v... Có lẽ vì thích diễu cợt nên có nhiều trường hợp Phong Hóa và Ngày Nay đã quên mất ý nghĩa của sự diễu cợt chăng?
Loại trừ một vài nhược điểm ra, Phong Hóa, Ngày Nay đã thực hiện được nhiều sự tiến bộ quan trọng về phương diện báo chí, thi ca và tiểu thuyết và đã gây được một ảnh hưởng rộng lớn đối với phong trào văn chương Việt Nam ta trước đây. Do đó nói rằng: Phong Hóa, Ngày Nay đã đóng một vai quan trọng trong Văn học sử Việt Nam ta hồi tiền bán thế kỷ thứ XX cũng không phải là quá đáng vậy.
(1) Ở đây chỉ bàn tới những điểm trong phạm vi văn chương, chứ không đề cập tới những quan điểm về chính trị xã hội.
(2) Tờ Phong Hóa trước là của ông Phạm Xuân Ninh cùng dạy học tại trường Thăng Long với ông Nguyễn Tường Tam, nhưng tờ Phong Hóa bán không chạy vì vẫn theo thể tài cũ, tức là chú trọng nhiều về nghị luận kiểu Nam Phong. Thấy ông Nguyễn Tường Tam đương vận động xin xuất bản tờ báo "Cười", ông Phạm Xuân Ninh mời ông Tam cùng cộng tác để cải tổ tờ Phong Hóa. Nhưng ông Tam muốn ông Ninh nhượng báo lại để ông có toàn quyền hành động. Sau một ít ngày đắn đo, cuối cùng ông Ninh bằng lòng nhường hẳn tờ Phong Hóa cho ông Nguyễn Tường Tam sau khi đã xuất bản được 14 số.
(3) Vì báo Loa đình bản mà ông Bùi Xuân Học lại là chủ bút của tờ tuần báo đó.