Nhà phê bình văn học
Nguyễn Tà Cúc
(12.2013)
Ngày 6 tháng 2, 2015, Diễn đàn Học Xá cho đăng bài "Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở Hải ngoại" của ông Văn Lục bàn đến rất nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến tạp chí Khởi Hành và tôi. Tôi xin trân trọng cảm ơn Diễn đàn Học Xá đã cho chúng tôi được lên tiếng. Chính ra tên họ tác giả vẫn xuất hiện như ngay trên bài này là "Nguyễn Văn Lục"-nhưng độc giả theo dõi sau đây sẽ biết tại sao tôi gọi "trống không" chỉ có tên lót và tên gọi là "Văn Lục".
Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ chỉ trích khi nhận ra sự cố gắng và thiện ý của tác giả nhất là khi nhận ra người ấy không may mắn có đủ tài liệu; cũng từ xưa đến nay, tôi ít khi nào tranh luận vì tôn trọng quyền tự do phát biểu của người khác. Nhưng vì đặt vấn đề chính xác của tài liệu lên hàng đầu, tôi phải làm một việc mất thì giờ và đáng lẽ không cần làm, là vạch ra những sai lầm trong bài của ông Văn Lục có đoạn liên quan đến danh dự nghề nghiệp của chính tôi để công bằng, không phải cho tôi, mà cho bổn báo Chủ nhiệm&Chủ bút Viên Linh, Tạp chí Khởi Hành VÀ độc giả của nó. Không những thế, những tài liệu này sẽ phản ảnh được chính xác hơn tình hình văn học Việt Nam ngoài nước mà, theo tôi, ông Văn Lục đã căn cứ trên những sai lầm do chính ông tạo dựng để xuyên tạc hay phỉ báng, không những tôi và tạp chí Khởi Hành, mà còn về một vài nhân sự khác có khi đã qua đời, nghĩa là không thể tự vệ được từ dưới mồ.
Trong bài thượng dẫn, ông Văn Lục đã viết về tôi và Khởi Hành như sau:
Khởi Hành của Viên Linh mới thật sự là cố gắng một mình một chợ-, theo nghĩa sốn(g) ‘dai’ trước 1975 và sống ‘mòn’ sau 1975 ở Hải ngoại. Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc. Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt. Ông đã thay đổi đủ kiểu báo, lúc khổ lớn như báo nhật trình, rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa.. Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo - cái kiểu- tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn[...] Viên Linh dùng kích thước nhỏ (vài chục trang), khổ nhỏ để nói về những chủ đề thật lớn. Hầu như số báo nào của Khởi Hành cũng là số chủ đề, hay ít lắm cũng hé lộ cho người đọc một số thông tin văn học trước 1975 mà hầu như chỉ mình Viên Linh biết được. Nhưng ông kỹ lắm, không bao giờ tiết lộ hết, cứ từng số một nhả ra chút ít như con tầm nhả tơ- một thứ câu khách mà tôi là người bị cắn câu-. " (Văn Lục, sđd-Người viết gạch dưới)
Không cần phải tinh tế, một người khi đọc đoạn trên của ông Văn Lục cũng có thể hình dung Khởi Hành, qua những tĩnh từ thô bỉ chọn lựa một cách cố tình ("thun lại dần", "câu khách"), tới một tờ báo không bao giờ sống vững ("sống mòn"), từ việc thay đổi "đủ kiểu báo" đến việc càng lúc càng mỏng, càng co lại một cách thảm hại ("thun nữa, không thể mỏng hơn được") chờ ngày chết ("thoi thóp sống còn"). Tờ báo này được hình thành trong "một căn phòng nhỏ" mà người chủ nhiệm kiêm chủ bút Viên Linh LÀM VIỆC, ĂN VÀ NGỦ ("Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ") cùng trong một chỗ. Chính vì hoàn cảnh tệ hại này cho nên Viên Linh phải "ôm đồm" đủ thứ và sử dụng lối viết "câu khách" để bán báo. Viên Linh có lẽ được giúp đỡ bằng một người đàn bà tên là Tà Cúc ("Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc")...
Nhưng có thực thế không? Trên thực tế, trong văn sử hải ngoại, từ tháng 11. 1996, Khởi Hành là tạp chí văn học duy nhất ngoài nước đã đạt được những thành quả đặc biệt do một sự tiếp tay cũng rất đặc biệt có một không hai của độc giả. Giả sử nếu có một người nghiên cứu trẻ hơn, 100 năm sau đi tìm dấu vết Khởi Hành thì họ sẽ kết luận ra sao? Nhất là sau khi họ được đọc đoạn này cũng trong bài trên của ông Văn Lục.
Tháng 8,1995, Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng "Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện thượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu."[...] Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực...
và:
Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc.
Tôi không cần phản bác sự trình bày của ông Lục về "lão hóa" hay "hội chứng thua cuộc của người Mỹ gốc Việt" vì theo tôi, nếu người ta có thể bị lão hóa thì người ta cũng rất có thể bị ấu (nhi) hóa mà lý luận một cách sai lầm và cái "mặc cảm thua cuộc" ấy có khi chỉ phản ảnh riêng lẻ tâm sự và hoàn cảnh của người phát biểu. Nhưng để giúp người nghiên cứu tương lai ấy, mà cũng để chứng minh đoạn viết trên của ông Văn Lục là một sự cố ý xuyên tạc hay phỉ báng tạp chí Khởi Hành và hai nhân sự điều hành cùng sự hỗ trợ đặc biệt của độc giả, những tài liệu sau đây tự nó --từ chính tôi hay từ các văn hữu khác--sẽ là lời phản bác hiệu quả nhất.
Nhẽ ra thì khi nhắc đến tôi, ông Văn Lục cần viết thế này mới đúng: "Chắc chắn có sự cộng tác của Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc..." Trước hết, nếu không nhầm, tôi là người cầm bút duy nhất trong bài thượng dẫn mà ông đã nhắc đến một cách xách mé và phi văn nghệ với không đầy đủ tên họ rồi lại có một chữ "bà" đi trước trong khi nếu quả ông là độc giả từ lâu như ông từng thú nhận thì chắc chắn ông phải biết Nguyễn Tà Cúc là người phê bình kiêm Thư ký Tòa soạn Khởi Hành. Tôi dùng chữ "xách mé và phi văn nghệ" vì-- như ông Lục và độc giả đã chứng kiến-- nếu chỉ dùng mấy chữ "ông Văn Lục" để chỉ một người ít ra cũng mang tiếng nghiên cứu như ông thì tôi đã thất lễ không những với chính ông Lục mà còn với độc giả. Sau nữa, tôi dùng chữ "chắc chắn" là vì, như chính bổn báo chủ nhiệm đã từng phát biểu nhiều lần ngay cả trên Khởi Hành, ngoài mục thường xuyên, tôi còn giữ mục Điểm Sách, Tin tức và có khi trả lời Thư tín. Sau khi báo in xong, tôi là người cùng Viên Linh phát hành. Trừ 3 năm đi học lại ở Pennsylvania, tôi chia sẻ mọi việc với người chủ nhiệm của tôi. Như thế, cái thói viết trống không chỉ dành cho "bà Tà Cúc" và sử dụng từ ngữ không chính xác ("tiếp tay") từ một người như ông Văn Lục, phải hàm ác ý: người đọc sẽ không biết được thân thế của "bà Tà Cúc" khiến từ đó có thể suy diễn sự "tiếp tay" với nhiều phương cách khác nhau nhưng chắc chắn phương cách văn học nhiều phần sẽ không phải là một trong những suy diễn đó. Chữ "tiếp tay", hơn thế nữa, trong riêng trường hợp này, còn có hàm ý xấu. Theo mạch văn trên thì sẽ hiếm ai nói: "Hai người ấy cộng tác với nhau đi vu khống người khác" nhưng người ta rất có thể nói: "Kẻ đê hạ đó tiếp tay cho bọn ngậm máu phun người".
Bởi thế, nếu nhận xét một cách nhẹ nhàng thì Nguyễn Văn Lục đã xuyên tạc mà nếu chính xác hơn thì Nguyễn Văn Lục đã phỉ báng thanh danh nghề nghiệp Nguyễn Tà Cúc, một người không những đảm nhận trách nhiệm Thư ký Tòa soạn của tạp chí Khởi Hành mà còn là người phê bình chuyên về Văn học Miền Nam và các vấn đề Phụ nữ. Tôi là người đầu tiên tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Hải ngoại và cũng là người đầu tiên phân tích Áo dài Lemur trong bối cảnh kỳ thị của Tự lực Văn đoàn với Phụ nữ Tân văn rồi sau đó trình diễn chiếc áo Lemur được tái tạo này tại Saigon Performing Art Center, tháng 8.2011. Các bài viết của tôi về công việc dịch thuật Kinh thánh của Phan Khôi và thái độ tiêu cực về nữ quyền của Tự lực Văn đoàn đối với nhóm Phụ nữ Tân văn cũng đã xuất hiện tại Việt Nam qua lời mời của cố học giả Đào Hùng, con trai cố học giả Đào Duy Anh; nhiều bài khác xuất hiện trên blog VOA thuộc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Diễn đàn trên mạng Da màu, Học Xá, Gió-o vv...Mới đây, loạt bài kỷ niệm hai cuộc di cư văn học của người Việt tỵ nạn Cộng sản đã được đăng thành nhiều kỳ trên Diễn đàn Da màu. Tất cả những hoạt động này đều dễ dàng tìm thấy vì không những được tường trình đầy đủ trên Khởi Hành --như Nguyễn Văn Lục thú nhận là một độc giả đều đặn "từ nhiều năm nay" (sđd)-- mà lại còn phổ biến rộng rãi trên các Mạng Internet. Tôi thực không tin một người như độc giả Khởi Hành Nguyễn Văn Lục--từng có thời cư ngụ ngay tại Quận Cam, từng nhận việc (mượn ngôn ngữ thô lậu của ông Văn Lục thì là "tiếp tay") cho một tờ báo ở đây -- rất quen thuộc với sinh hoạt Mạng Internet lại chỉ biết đến "bà Tà Cúc" mà không biết đến Thư ký Tòa soạn hay người phê bình/ diễn thuyết Nguyễn Tà Cúc?!
Viết về mình là một điều khả ố nhưng tại sao tôi phải chưng bằng cớ, cả bằng cớ về chính tôi? Là một người phê bình được chứng kiến tận mắt sự thất thoát tài liệu và nhân chứng của Văn học Miền Nam, tôi học được một kinh nghiệm đắt giá: một khi nhân chứng qua đời thì sẽ có những sự thật theo họ xuống mồ khiến gây không biết bao nhiêu là khó khăn cho người nghiên cứu đi sau. Cứ tưởng tượng một người sau chúng ta chừng 100 năm, không có đủ Tạp chí Khởi Hành-Bộ Mới để nghiên cứu thì cái câu "Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc..." không thể rõ nghĩa và đầy đủ bằng câu "Chắc chắn có sự cộng tác của Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc..."
Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc, đại diện Chủ nhiệm & Chủ bút Viên Linh và Tạp chí Khởi Hành, điều hành buổi gây quỹ, hội trường
Nhật báo Người Việt, cho [cố] thi sĩ Thái Thủy, thành viên Ban Tao đàn.
Bởi thế tôi cần viết cho đầy đủ để "công bằng, không riêng cho tôi, mà còn cho Chủ nhiệm&Chủ bút Viên Linh và độc giả Khởi Hành". Dầu sao chăng nữa, chúng ta cũng phải công nhận Viên Linh đã có đủ bản lĩnh (dám) giao cho một phụ nữ đảm trách vừa công việc phê bình vừa công việc Thư ký Tòa soạn của một tạp chí văn học mà các bỉnh bút của nó toàn là những tay kiệt hiệt. Chẳng phải tôi dám hợm mình giữa bao nhiêu anh hào, nhưng văn sử hải ngoại mà chúng ta đang sống đây không thể không công nhận quyết định ấy của Viên Linh, một quyết định chứng tỏ không những ông có mắt xanh, mà còn bầy tỏ sự tin cậy vào khả năng của phụ nữ, cũng là nửa số độc giả Khởi Hành. [Vâng, chúng ta hay rất văn hoa khi nhắc đến phụ nữ nhưng có tranh đấu hay công bằng với họ hay không lại là chuyện khác. Khác xa lắm.]
Mà viết lách (ấm ớ) như thế về Thư ký Tòa soạn của một tạp chí thì khác chi xúc phạm hay gây thiệt hại cho tạp chí VÀ độc giả của nó? Có thể nói không ngoa rằng sở dĩ tôi chọn viết về Văn học Miền Nam là vì kinh nghiệm đảm nhận trách nhiệm Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ -Bị cầm tù (tạm thời thay thế Trần Tam Tiệp, Văn bút Việt Nam Hải ngoại) và mối liên lạc với độc giả Khởi Hành. Điều gì khiến độc giả-- trong số đó có rất đông phụ nữ làm nhiều nghề ngành khác nhau, từ lao động [thợ"nail", thợ may] đến chuyên môn [bác sĩ, dược sĩ]--hỗ trợ Khởi Hành trong mọi hoạt động của nó? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong phần II dưới đây, nghĩa là trả lời những xuyên tạc hay phỉ báng khác của Nguyễn Văn Lục trong bài thượng dẫn liên quan đến hoạt động và nội dung của tạp chí Khởi Hành.
A- Tòa soạn Khởi Hành:
Nguyễn Văn Lục đề cập đến hình thức và nội dung của Khởi Hành cùng miêu tả khung cảnh của tòa soạn Khởi Hành như sau:
Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt[...] Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo - cái kiểu- tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam... (Nguyễn Văn Lục, sđd)
Mới đọc thì người ta khó nhận ra ác ý của tác giả: ông khen Viên Linh ôm trách nhiệm cả Văn học Miền Nam và làm việc quên mệt, rồi dùng "vài chục trang" để nói về những chủ đề thật lớn vv... Nhưng chỉ cần đọc lại lần thứ hai thì người ta, nhất là bạn hữu hay độc giả Khởi Hành từng đến tòa soạn thăm viếng hay mua báo, thấy ngay sự xuyên tạc hay phỉ báng cả người chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh [sau khi đã xuyên tạc hay phỉ báng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc] lẫn tạp chí này qua những tin tức sai lầm diễn đạt bằng những tĩnh từ tiêu cực như "còm cõi", "chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ [...]" và luôn cả " rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa", "nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được, như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" vv và vv.
Trái với sự phỉ báng của Nguyễn Văn Lục, ngoài gần một năm người chủ nhiệm lâm trọng bệnh rồi phục sức, Khởi Hành đã thay đổi tòa soạn khoảng 4 lần nhưng không lần nào giống một "Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ" và "cái kiểu tòa soạn-một người" cả. Tôi chỉ cần trưng những tấm ảnh chụp với nhiều văn hữu như cố họa sĩ Thái Tuấn từ Pháp sang, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (người sống sót cuối cùng của nhóm Trình bày) từ Sài gòn qua, nhà thơ Tô Thùy Yên, hoặc nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy và giáo sư Nguyễn Văn Trung vv... để độc giả thấy bên trong tòa soạn hầu chứng minh sự thật. Đó là chưa nói tới việc tôi thường xuyên phải đến tòa soạn làm việc [điểm sách, viết tin tức, phát hành...] như thế là hơn 16 năm, trừ 3 năm về PA học lại. Còn một chứng cớ chắc chắn nữa, không thể phản bác được, là khoảng hơn một năm, từ tháng 8. 2010 đến gần cuối năm 2011, chúng tôi phải thuê một người đến tòa soạn đánh máy khoảng trên dưới 10 giờ một tuần vì công việc lúc ấy quá bận rộn mà sách và tài liệu của tòa soạn thì không thể cho mang về nhà. [Người này hiện vẫn còn sống tại Santa Ana và chúng tôi hiện còn lưu giữ hồ sơ trả tốn phí cho họ.]
Như vậy thì làm sao mà ông Văn Lục dám gọi tòa soạn Khởi Hành là "Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ...- cái kiểu tòa soạn-một người-..." nhất là vào thời ông tới mua báo? Chính vì nó là một tòa soạn mà chúng tôi có thể mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để tiếp khách thập phương theo đúng nguyên tắc và luật lệ về thương mại của tiểu bang California. Hay khi viết "Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ", Nguyễn Văn Lục còn có hàm ý phỉ báng nào nữa mà chúng tôi chưa đoán kịp hết vì không thấy ông đề cập đến chi tiết này khi đề cập đến vài tạp chí khác? Tôi biết rõ tạp chí Văn học nghệ thuật [thời Võ Phiến], Văn Học [nhiều chủ bút khác nhau], rồi Văn [cả thời Mai Thảo đến thời Nguyễn Xuân Hoàng] và tạp chí Hợp Lưu [thời Khánh Trường rồi thời Đặng Hiền] đều không có tòa soạn chính thức nhưng xá gì những tiểu tiết ấy? Lẽ ra còn phải kính phục sự hy sinh của họ (và gia đình) họ là đàng khác mới phải. Đó là trường hợp điển hình của Đặng Hiền và Hợp Lưu. Tuy Hợp Lưu nay duy trì chính là trên mạng nhưng Đặng Hiền vẫn giữ được sự phong phú và nghiêm chỉnh từ khi tạp chí này chuyển sang tay ông. Làm một tạp chí trên mạng cũng không phải là một chuyện dễ: ngoài tài kỹ thuật còn phải có sự hỗ trợ của tác gia góp mặt.
Hơn thế nữa, tuy tôi từng phê bình Nguyễn Mộng Giác về những phát biểu của ông liên quan đến Văn học Việt Nam Biển-ngoài, tôi rất bất nhẫn khi thấy Nguyễn Văn Lục viết về tạp chí Văn Học như sau: "Nghĩ tiếp đến trường hợp tờ Văn Học mà thương hại, sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi." (sđd)
Một số những người trọng yếu khác -hay hơn Nguyễn Mộng Giác--của Văn Học là nhà văn Hoàng Khởi Phong và nhà thơ/dịch giả Trịnh Y Thư, Châu Văn Thọ và Thạch Hãn mà không thấy ông Lục nhắc đến. Tôi dành quyền lên tiếng (hay không lên tiếng) cho họ. Nhưng tôi phải dùng chữ "bất nhẫn" vì chính tạp chí "sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi..." ấy lại là tạp chí chịu đăng bài của Nguyễn Văn Trung (anh ông Lục). Tôi đưa hai thí dụ: Văn Học số 174, tháng 10. 2000 đăng bài "Tưởng niệm Việt Nam Cộng hòa" (trang 3-32) và Văn Học số 179, tháng 3. 2001 đăng bài "Văn học trong vòng tay chính trị" (trang 15-41) của Nguyễn Văn Trung. Dĩ nhiên ông Lục có quyền trả lời rằng chuyện ông anh của ông không dính dáng gì đến ông cả, nhưng như thế thì có phải là ông "trọng ...mĩ kim" mà "khinh tài" không khi ông nhắc đến một tạp chí khác với cái vẻ thập phần khâm phục chỉ vì nó sống được là khả năng tài chính của tờ tuần báo khác! Ông còn hoan nghênh nhiệt liệt, kiểu Phạm Quỳnh, rằng còn tờ tuần báo ấy thì tạp chí này còn. Than ôi, thế mà chỉ câu trước câu sau, ông đã quên ngay để than vãn rằng "không biết số phận" tờ báo này sẽ đi về đâu khi chủ nhân của nó "gặp nạn". Tôi phải bật cười với cái lối viết-và-lách của ông Lục: quả là khôi hài ở chỗ ông Lục tý toáy, kể ra vanh vách danh sách nhân sự của các tạp chí khác--do các nhà văn điều hành--"sống mòn" hay "sống dở chết dở" một cách rất chi tiết thế nào nhưng không "hé lộ" --dùng chữ ông Lục--cho bạn đọc biết, bản thân Nguyễn Văn Lục trước đây đã có lúc khăn gói từ Canada đem tinh hoa sang đây làm việc cho chủ nhân của tờ báo ấy! Ông còn tự mâu thuẫn khi nói mỉa ban điều hành của Thế Kỷ 21, như sau:
Tờ Thế Kỷ 21 của Người Việt, đàng sau có chỗ tựa lưng vững chãi về tài chánh là công ty Người Việt. Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành Trùm Văn học ở Thủ Đô tỵ nạn. Vậy mà cũng chẳng hiểu sao loay hoay hết chủ bút này đến chủ bút khác, bài vở cũng làng nhàng, nội dung làm sao mà đến một lúc nào đó cũng gõ lên hồi chuông báo tử. Sự mất mát của Thế Kỷ 21 cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại giống như trường h ợp tờ Văn, Văn Học sau này. Nhưng biết đâu với số tiền lời, từ trời rơi xuống 4 triệu rưởi đô la sẽ giúp công ty Người Việt làm trùm Văn học và tờ Thế Kỷ 21 lại có cơ sống lại (sđd)
Bỏ qua cái lối ghen tỵ ra mặt kiểu hàng quýt nguýt hàng cam: "Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành Trùm Văn học ở Thủ Đô tỵ nạn...." dù ông vớt vát để tránh tiếng ["cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại"], rõ ràng là ông Lục lại tự mâu thuẫn một cách trầm trọng: tại sao Thế Kỷ 21 không có quyền sống nhờ một nguồn tài chính khác [từ nhật báo Người Việt] tương tự như trường hợp cái tờ báo mà ông hết sức ca ngợi?! Đó là chưa kể đến lý do mà Thế Kỷ 21 phải đóng cửa: theo sự hiểu biết của tôi, nó đóng cửa SAU KHI nó ra khỏi sự tài trợ của nhật báo Người Việt và nhất là sau đó, khi nó mất luôn sự hợp tác của chị Phan Mỹ Sương, người góp phần rất lớn vào cả tổ chức VNCR và đồng thời phụ trách phần quảng cáo tức phụ trách một phần rất lớn về sự sống còn của tạp chí này. Ông Lục lại --có lẽ cố tình--quên rằng Thế kỷ 21 là một tổ chức thuộc một công ty, cho nên việc các nhân viên toàn thời gian hay bán thời gian như Lê Đình Điểu, Nguyễn Xuân Hoàng, Vương Hữu Bột [tức Đỗ Quý Toàn] hay Phạm Xuân Đài là chuyện đương nhiên, chứ không phải "loay hoay" như ông tưởng tượng. Cũng như trường hợp Văn Học, tôi sẽ dành quyền lên tiếng cho những người còn sống như Vương Hữu Bột [tức Đỗ Quý Toàn] hay Phạm Xuân Đài, nhưng tôi bắt buộc phải có vài lời cho hai người đã khuất, là Lê Đình Điểu và Nguyễn Xuân Hoàng, hai người coi như tạo ra diện mạo lúc đầu của Thế Kỷ 21. Cả hai đều là những người nhiệt huyết và thiết tha với văn học Miền Nam. Lúc sinh tiền, Lê Đình Điểu từng nói chuyện với tôi về cái tệ nạn dùng phương tiện truyền thông để mạ lỵ về đời riêng và nhất là chụp mũ người khác là Cộng sản mà người bị vu khống không có cách nào đỡ được vì không có diễn đàn chống trả.
Còn về hai chữ "còm cõi" trong câu [Viên Linh] "còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ" thì quả người viết có ngần ngại khi muốn đề cập đến. Số là cách đây vài năm, khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng còn sinh tiền, có một cô tọc mạch hỏi thẳng tôi: "Giữa Viên Linh và Nguyễn Xuân Hoàng, ai đẹp trai hơn?" Tôi tặc lưỡi rồi đáp: "Nói về bạn mình, thế nào chả mang tiếng bênh bạn. Còn bình phẩm về một người đàn ông có gia đình thì thế là coi thường vợ người ta, có ngày chết không oan." Nay tôi cũng xin áp dụng cái tiêu chỉ miễn-bình-phẩm ấy vào đây mà chỉ cần có lời bàn La Sát rằng: nếu tôi cũng được "còm cõi" như Viên Linh nghĩa là nếu tôi vẫn có thể làm việc không ngơi nghỉ dù đã trọng tuổi, điều hành kiêm trình bày một tạp chí văn học, lại mới qua một cơn bạo bệnh suýt chết mà vẫn giữ được mức viết càng lúc càng sắc sảo và mức hoạt động văn nghệ như cũ vv thì tôi xin chân thành tự chúc tôi (và cả ông Văn Lục nữa) được "còm cõi" chỉ nửa phần như thế. Như-thường-lệ, tôi cũng xin kèm một tấm ảnh mới đây của chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh cho rõ ràng.
(kèm ảnh mới nhất của Viên Linh)
B- Mua báo văn học hay đi câu cá, bỏ ít mồi nhưng mong bắt được cá lớn?
Đoạn văn của ông Nguyễn Văn Lục, nhất là đoạn trong ngoặc, ông đã dùng mấy chữ được xếp đặt trước theo chủ ý của ông là "ít lắm cũng," "hé lộ," "một số thông tin", "chỉ mình Viên Linh biết được," "kỹ lắm, không bao giờ", "một thứ câu khách", "tôi bị cắn câu," vv... Đó là đoạn văn có quá nhiều mệnh đề, quá nhiều loại từ, trạng từ, động từ như "ít, hé, chỉ, kỹ, nhả" …thay vì có thể chỉ cần một câu giản dị là ông mua dài hạn báo Khởi Hành vì số nào cũng có các thông tin về văn học miền Nam. Ông mua dài hạn Khởi Hành và từng đến nhà báo để mua một xấp những số chủ đề mà ông cần, vì ông lưu tâm đến Văn học miền Nam, chẳng lẽ ông không lưu tâm gì đến nó, mà chỉ vì bị Viên Linh câu vào tròng cho nên mới theo dõi nó? Viên Linh có thể chỉ lôi cuốn được những độc giả thật sự yêu văn học miền Nam mà không hề tính toán thời gian. Hơn thế nữa, chả nhẽ Nguyễn Văn Lục chỉ muốn bỏ ra dăm bẩy mỹ kim mà lại muốn đòi cái quyền được đọc hết một cuốn hồi ký của bất cứ ai, chứ khoan nói tới Viên Linh vội?!
C- Tạp chí Khởi Hành
Kể ra, nếu Nguyễn Văn Lục chỉ xuyên tạc hay phỉ báng cá nhân tôi, cũng dễ bỏ qua. Trong quá khứ tôi đã từng tha cho cái loại phi văn nghệ ấy kể cũng đã nhiều lần. [Nhân đây, tôi xin được công khai cảm ơn chị Chủ nhiệm Nông Kim Ấn và ban biên tập--gồm toàn Cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, Đà lạt-- của tuần báo Con Ong Việt, San Diego, cách đây gần 15 năm, đã hào hiệp đứng ra bênh vực cho các con tôi lúc ấy còn vị thành niên, từ 7 đến 17 tuổi, đã bị loại phi văn nghệ ấy đem lên báo lá cải.] Khốn thay, ông lại đề cập đến Khởi Hành với những thông tin sai lầm không thể bỏ qua hay tha thứ được. Nếu quả thật Khởi Hành là một tạp chí "sống mòn sau 1975", "cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa[...] và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" vv ... thì ai dại gì mua, đến nỗi mua dài hạn trước cả năm năm như trường hợp một độc giả mới đây?
Bởi thế, vấn đề cần đặt ra tại đây là tại sao Nguyễn Văn Lục lại tung tin một tạp chí đang xuất bản như Khởi Hành-- được độc giả tin cậy và đang có sự hợp tác của nhiều người cầm bút uy tín hàng đầu của Miền Nam về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Văn học Miền Nam-- rằng: "nó ...như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn"? Nguyễn Văn Lục cần nên lưu ý rằng, ngoài vấn đề văn học, khi viết như thế, ông còn đụng chạm đến sinh mạng của một tạp chí mà Viên Linh, người sáng lập và điều hành, là người sống hoàn toàn bằng nghề cầm bút. Trong giới báo chí, không có gì giết một tờ báo mau hơn là phao tin nó sắp chết, nhất là phao tin một cách chính thức-và- công khai cùng với nhiều thông tin sai lầm mà đầy bất lợi về nhân sự của nó (như đã phân tích) trong một bài "nghiên cứu". Thông thường, chỉ vì lý do cạnh tranh, người ta mới phao tin thất thiệt nhắm triệt hạ đồng nghiệp. Nguyễn Văn Lục không có báo, tại sao lại làm như vậy?
Một trong những thông tin sai lầm quan trọng do Nguyễn Văn Lục tung ra là số trang của Khởi Hành. Có phải nó đã "cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa[...] và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được..." không? "Không thể mỏng hơn nữa" gây cho người đọc một cảm tưởng "rất mỏng" nhưng Nguyễn Văn Lục không nói rõ là bao nhiêu trang để làm chứng và cho người ta dễ hình dung hơn.
Ngay từ số 1 năm 1996 tới năm 2009, gần hai trăm số báo, Khởi Hành luôn luôn là một tờ báo văn học có nhiều hình ảnh, hoàn toàn khác các báo văn học hồi cuối thế kỷ chỉ có chữ là chữ. Hình ảnh tranh vẽ lại rất lớn. Trung bình một số báo có 48 trang khổ 10 x 13.50 phân Anh . Một trang Khởi Hành xuýt xoát bằng 4 trang báo loại Văn, Văn Học, Hợp Lưu (5 x 8”), mà lại nhẹ hơn khi gửi qua bưu điện, vì báo Khởi Hành in bằng giấy báo (news print – giấy cuộn) khác với các tạp chí khổ nhỏ in giấy trắng (20lb – giấy xén rồi, để in máy nhỏ từng tờ). Cho nên nói nó mỏng hay nó dầy là vô nghĩa khi một tờ dầy có khổ như khổ sách, mà một tờ mỏng một tờ bằng 4 lần khổ sách. Lẽ ra, chỉ nên nói nó có nhiều độc giả và đã sống qua hai thế kỷ (từ năm 1996 đến nay, 2015), hay nó không có độc giả và đã phải đóng cửa.
Nếu Khởi Hành thu nhỏ lại hơn một cm mỗi bề vào năm 2009 không phải vì nó ít độc giả đi, mà vì nó bắt đầu in offset 4 màu. Một nhà in khác đã chịu in Khởi Hành bìa offset 4 màu trên giấy láng và bớt đi hơn 10 trang thì họ sẽ không tăng giá in nếu Khởi Hành chịu chuyển nhà in về với họ. Ông Lục viết “càng ngày càng mỏng đi” là chỉ nói ít hơn một nửa sự thật. Nửa sự thật khác ông không nói về Khởi Hành là nó mỏng đi để in offset 4 màu trên giấy láng. Do đó chưa có tờ tạp chí văn học nào thường xuyên in hình các nhà văn nhà thơ ra bìa 4 màu như Khởi Hành. Hai năm gần đây, bổn báo chủ nhiệm chủ bút, cũng là người trình bày thực hiện tờ báo, lâm trọng bệnh-- ông trải qua một cuộc "open heart surgery" dài hơn 5 giờ đồng hồ vào tháng tư, 2014--nên Khởi Hành ra 2 tháng một số và số trang từ 112 tới 164 trang mỗi kỳ, nghĩa là trung bình khoảng 140 trang. Khởi Hành mới nhất số 215-216 & Tháng chạp 2014 &Tháng giêng 2015- Chủ đề Phan Khôi dầy 140 trang. Nhưng vấn đề vẫn không chỉ là dầy hay mỏng mà còn là nội dung nữa. Chỉ cần đơn cử vài thí dụ về các chủ đề của Khởi Hành trong 2 năm nay: Sài gòn Văn nghệ 1954-1975, Phan Khôi và Bản dịch Kinh thánh Tin lành: Từ Việt Nam, ông Phan Nam Sinh phúc đáp bài của Nguyễn Tà Cúc, Các nhân vật nữ&Các nhà văn nữ, 60 Năm Thơ Xuân Việt nam 1954-2014, Phê bình ba cuốn Hồi ký tiêu biểu của văn giới Miền Nam hay Tưởng niệm Phan Khôi (số mới nhất)...
Bởi thế, ông Lục có vẻ cố tình không đề cập đầy đủ đến nội dung và hoạt động của một tạp chí khi chỉ dè bỉu về chiều dầy của nó để tiên đoán như một ông thầy bói mù khi ông thông tin Khởi Hành "như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn." Phải chăng ông cố tình quên không cho độc giả biết rằng thứ nhất, Khởi Hành là tạp chí GIẤY duy nhất giờ này vẫn còn hiện diện chuyên về Văn học Miền Nam tại Hoa Kỳ do các bỉnh bút danh tiếng của miền Nam hay những người có sở học đáng tin cậy cộng tác; và thứ hai, sống hoàn toàn nhờ tiền độc giả mua báo và thân hữu quảng cáo chứ không phải nhờ đến thiện chí của bạn hữu hay từ một nguồn hoàn toàn khác như ông đã từng phải công nhận về vài tạp chí khác trong bài này? Bởi thế, tôi sẽ nói tới một nhân tố không kém phần quan trọng đã giúp Khởi Hành có mặt gần 20 năm nay, vượt lên mọi hoài nghi về sự sống còn của một tạp chí giấy chỉ nghiên cứu về văn học, Văn học Miền Nam và lịch sử [sau khi các tạp chí khác cùng dạng và cùng thời như Văn học Nghệ thuật, Văn, Văn học, Thế kỷ 21, Hợp Lưu vv] đã đóng cửa hay chỉ còn xuất hiện trên mạng: đó là độc giả Khởi Hành.
D- Độc giả Khởi Hành
Nguyễn Văn Lục xem ra rất chú ý đến những tiểu tiết như sách chất không có lối đi trong tòa soạn (mà tòa soạn thì phải có sách chứ chẳng nhẽ lại có cái gì?!), đoán già đoán non về một "bà Tà Cúc" mà không nhắc đến quá trình văn học nghệ thuật của Khởi Hành được hỗ trợ hoàn toàn bằng độc giả. Tôi rất không muốn nhắc đến chuyện này. Là một người hiểu rõ việc làm một tạp chí văn học nghệ thuật tiếng Việt ở Hoa kỳ và khó khăn dường nào, lại quen biết hầu hết anh em văn nghệ xa gần [Hoàng Khởi Phong (Văn học) , Nguyễn Xuân Hoàng (Văn) rồi Khánh Trường, Đặng Hiền (Hợp Lưu) vv...], tôi hiểu đến tận cùng nỗi nhọc nhằn của anh em cũng như của chính tôi trong công việc đôi khi xem như đội đá vá trời ấy. Nhưng có lúc vẫn phải viết ra vì đây là một phần lịch sử của người Việt tỵ nạn Cộng sản Hoa Kỳ mà sự khiêm nhượng không còn cho phép tôi im lặng trước đoạn viết xuyên tạc của Nguyễn Văn Lục.
Trước hết, nếu không có độc giả Khởi Hành thì chúng tôi sẽ không trao được 3 giải "Văn chương toàn Sự nghiệp" cho nhà văn Nguyễn Thụy Long, nhà thơ Hữu Loan và nhà văn Văn Quang. Chính Nguyễn Văn Trung đã nhắc đến Nguyễn Thụy Long như sau:
Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật có kể cho tôi hồi 1975, ông là cán bộ của Tuyên huấn Trung Ương vào miền Nam tiếp thu về văn hóa. Ông rất phục Nguyễn Thụy Long và ca tụng quyển truyện “Loan Mắt Nhung“ của tác giả. Ông hỏi tôi đã đọc chưa, tôi nói chưa vì thực ra ở miền Nam trước đây không thể đọc, biết hết những sáng tác vì rất đa dang, riêng Nguyễn Thụy Long tôi có nghe tiếng nhưng chưa đọc. Ông khuyên tôi nên đọc. Ông trở ra Hà Nội, gặp ông Tố Hữu, đưa cho ông đọc và xin ý kiến. Gặp lại ông Tố Hữu, ông Tố Hữu có nói với ông: “miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này…” Đánh giá trong nội bộ thì như vậy, nhưng một cách công khai, chính thức vẫn kết án, vùi dập. Hầu như toàn bộ nền văn học miền Nam kể như không có. Và những người như Nguyễn Thụy Long trở thành những kẻ sống bên lề xã hội, thồ xe chở củi từ Long Thành về Saì Gòn bán kiếm sống. [Nguyễn văn Trung, "Tưởng niệm Việt Nam Cộng hòa, Văn Học số 179, trang 19-20, tháng 3. 2001]
Sau nữa, việc trao giải cho nhà văn Văn Quang [Trung tá Quản đốc Đài Phát Thanh Quân đội, Việt Nam Cộng hòa] là một sự chứng minh rằng, khác với một giai đoạn rất dài trong văn sử Miền Bắc 1954-1975, một nhà văn ka-ki của Miền Nam đã được công nhận (hay tán thưởng) vì họ là nhà văn nghĩa là anh có thể viết về bất cứ cái gì nhưng anh phải viết cho hay. Khi Cộng sản nằm vùng như Vũ Hạnh tấn công các nhà văn Miền Nam chỉ vì họ viết về các đề tài không-chiến tranh là đã cho thấy tại sao các anh cộng sản bị dậm chân tại chỗ trong bao nhiêu năm, chỉ có lùi mà không tiến chỉ vì họ xuất thân hay tác phẩm của họ chỉ giới hạn trong khung cảnh chiến trường. Nghệ thuật không dung thứ hay giảm khinh cho những tác phẩm "đậu vớt" vì lý do chính trị hay hoàn cảnh xuất hiện. Từ việc trao giải cho nhà văn Văn Quang, tôi muốn nói thêm một chút về các nhà văn trẻ sau này -- dĩ nhiên có nhiều người xuất thân từ quân đội-- mà Khởi Hành -Bộ Mới đã bắt đầu đăng tải tài liệu về họ từ lâu nay. Viên Linh, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành Bộ Cũ, Sài gòn và Chủ nhiệm& Chủ bút Khởi Hành Bộ Mới, Hoa Kỳ-- theo Phan Nhiên Hạo là một "tên tuổi lớn" thuộc Văn học Miền Nam:
Viên Linh là một tên tuổi lớn của văn chương miền Nam trước 1975. Ông đã in cả chục tác phẩm truyện, thơ. Nhưng Viên Linh cũng là một người làm báo kỳ cựu, có lẽ kỳ cựu nhất trong giới nhà văn từ trước đến nay. Ông theo đuổi nghề báo đã hơn năm mươi năm, từ trong nước ra đến hải ngoại, làm chủ bút nhiều tờ báo văn chương quan trọng, có được sự cộng tác của hầu hết các cây bút nổi tiếng trong văn giới miền Nam.
Chính vì thế, Viên Linh có một kho tài liệu mà chỉ ông mới có: đó là những bài viết hay phỏng vấn những nhân vật trong chính quyền hay văn giới Miền Nam trước 1975 phản ảnh tình hình lúc bấy giờ. Ông từng là Thư ký tòa soạn hay Chủ nhiệm chủ bút của nhiều trong những tạp chí văn học nghệ thuật lừng danh nhất của Miền Nam. Khi làm Thư ký Tòa soạn Khởi Hành Bộ Cũ, ông đã cho đăng sáng tác của một loạt nhà văn [quân đội] trẻ (1). Khởi Hành đã có ít nhất là 3 số với 3 chủ đề dành cho các nhà văn trong cuộc để viết về chính họ nhắm lưu lại tài liệu một cách chính xác: Nguyễn Lệ Uyên viết về "Các tạp chí văn nghệ Miền Trung thời chiến tranh: Tuy hòa và Sóng" (Khởi Hành số 145, trang 24-26, tháng 11.2008), Phạm Văn Nhàn viết về "Các tạp chí văn nghệ thời chiến: Tạp chí Ý thức" (Khởi Hành số 146, trang 24-26, tháng 12.2008), Ngô Nguyên Nghiễm viết về "Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở Miền Nam" (Khởi Hành số 151, trang 18-22, tháng 5.2009). Sau đó không lâu, Khởi Hành số 155, tháng 9. 2009 có chủ đề "Khởi Hành Bộ Cũ-Tạp chí văn chương của nhiều thế hệ nhà văn Miền Nam trước 1975".
Kế đó, ngoài các vấn đề văn học, Khởi Hành còn tổ chức diễn thuyết trong các buổi Diễn đàn Phụ nữ hay về Ban Tao đàn, Miền Nam vv...Khởi Hành cũng là tạp chí chuyên có chủ đề, từ di sản Văn học Miền Nam tới những vấn đề văn học chưa ai khám phá ra. Từ Khởi Hành khổ lớn qua tới Khởi Hành khổ nhỏ, từ lúc bổn báo chủ nhiệm khỏe mạnh cho tới khi có lúc lâm trọng bệnh rồi phục sức, Khởi Hành vẫn đến tay bạn đọc. Khởi Hành số 207-208, tháng 3&4. 2014 là một số đáng nhớ vì Viên Linh vừa đưa bản thảo sang nhà in là lên đường vào bệnh viện. Ông đặt Khởi Hành số này vào tay anh Kim Khôi [chủ nhà in Number One Printing, Garden Grove] và Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc để in ấn rồi phát hành. Nhưng dù có thế nào, độc giả Khởi Hành không bao giờ đếm trang dầy mỏng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" mà vẫn đợi và tiếp tục mua dài hạn để chúng tôi có thể tiếp tục cho tới nay.
Độc giả của Khởi Hành biết rất rõ tại sao họ mua báo mà không như độc giả Nguyễn Văn Lục nhận xét rằng "Nội cá nhân tôi mua đều đặn Khởi Hành từ nhiều năm nay cho thấy hẳn Khởi Hành phải có cái gì chứ. Cái gì đó chỉ mình Viên Linh biết". Cách đây hơn năm năm (tháng 8. 2009), nhà thơ Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Viên Linh có câu hỏi liên quan đến độc giả Khởi Hành như sau:
Ra hải ngoại đến nay, anh vẫn là người làm báo văn nghệ. Bên này dĩ nhiên không còn lượng bạn đọc đông đảo như Việt Nam. Những năm gần đây lại thêm hiện tượng internet khiến các báo in hải ngoại, nhất là báo văn nghệ, rơi vào tình trạng bế tắc. Nhiều tạp chí đã đình bản. Tuy vậy, tờ Khởi Hành anh làm từ nhiều năm nay vẫn tiếp tục ra báo đều đặn. Đọc giả chính của Khởi Hành là ai, và làm thế nào anh giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay?
Viên Linh đáp lại:
[...] Khởi Hành còn đi, đi không ngừng nghỉ, vì chúng tôi có lương thực đủ ăn, con đường trước mặt thanh quang, bạn đồng hành thân ái, những bàn tay chờ đợi bên đường.
[...] Đương nhiên cũng có những tờ phải đình bản vì lý do khác. Các vị chủ báo ấy chưa từng làm báo bao giờ, tuy có viết văn xuôi, làm văn vần, và mặc dầu các vị ấy ra hải ngoại viết rất nhiều, nhưng viết gì thì viết cũng không phải là làm báo. Viết không phải là làm, nhất là làm báo. Nhà văn Trần Phong Giao, khoảng hơn mười năm làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, nói: Một tờ báo không phải là một tuyển tập thơ văn. Hải ngoại có hằng hà sa số những tuyển tập thơ văn, nhưng lác đác có dăm ba tờ tạp chí. Và câu nữa của anh: làm thế nào tôi giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay? Câu trả lời của tôi là: Tôi có giữ đâu, độc giả giữ Khởi Hành tồn tại đấy chứ.
Đúng thế, độc giả là nhân tố quyết định nếu một tạp chí chỉ sống vào tiền bán báo. Còn loại báo chỉ sống trên lưng một tờ báo khác như Nguyễn Văn Lục nói đến thì không đáng bàn đến tại đây. Từ năm 1996, Khởi Hành ra mắt độc giả với một sứ mạng rõ ràng: phổ biến, lưu giữ, phê bình và san định những sai lầm trong việc nghiên cứu Văn học Miền Nam, văn học thời tiền chiến và các vấn đề thời sự văn học nghệ thuật chính trị và xã hội. Khởi Hành vẫn là tạp chí đầu tiên và duy nhất đăng loạt bài phân tích manh tâm kỳ thị và triệt hạ của Võ Phiến nhắm vào các nhà văn Miền Bắc di cư hay các nhà văn thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Văn Lục hẳn cũng chưa quên Khởi Hành là tạp chí đầu tiên tính luôn cả trong nước báo động về việc chúng ta mất Ải Nam Quan trong số 58, tháng 8.2001 qua chủ đề "Ải Nam Quan không còn nữa" [nhạc sĩ Việt Dzũng đã phỏng vấn Viên Linh trên Đài Little Saigon Radio và xác nhận Khởi Hành là tờ báo đầu tiên loan tin Ải Nam Quan không còn nữa]. Khởi Hành cũng là nơi xuất hiện loạt khảo cứu của Nguyễn Tà Cúc về bản dịch Kinh thánh Tin lành của Phan Khôi vv...
Như thế, Khởi Hành Bộ Mới, Hoa Kỳ có mặt để đóng góp vào việc duy trì và tiếp tục Văn học Miền Nam và nối tiếp công cuộc khảo cứu về Văn học Tiền chiến. Cùng với sự cộng tác của hầu hết các tác gia danh tiếng của Miền Nam [Mặc Đỗ, Trần Ngọc Ninh, Hà Thượng Nhân, Trần Trọng San, Tuệ Sỹ, ký giả Nguyễn Tú, Thái Tuấn, Duy Thanh, Lê Huy Oanh, Xuân Vũ, Trần Hồng Châu, Cung Trầm Tưởng, Văn Quang, CHÓE, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Tuấn Kiệt vv...] cho tới nay, gần 220 số báo là 220 chủ đề hay loạt bài về một tác gia, một tạp chí, một nhóm hay một vấn đề đặc biệt thuộc hai nền văn học này. Không những thế, Khởi Hành, từ năm 2000, dành một số (tháng ba) đặc biệt cho những vấn đề Phụ nữ. Cho tới nay, Khởi Hành vẫn là tạp chí duy nhất kết hợp được những yếu tố ấy vì có sự cộng tác của nhân chứng và tác gia kỳ cựu của Miền Nam. Gần đây, nhờ loạt bài "Phan Khôi đã dịch Kinh thánh Tin lành như thế nào" mà giáo sư Phan Nam Sinh, thứ nam của Phan Khôi từ Biên Hòa-Việt Nam, đã cho phép chúng tôi được công bố lần đầu tiên bản sao của các trang Kinh thánh thuộc quyển Kinh thánh do chính dịch giả Phan Khôi sử dụng cách đây gần trăm năm (1925) khi còn sống để xác định một nghi án văn học thế kỷ XX đã xẩy ra tại Miền Nam trước 1975.
Sự vu cáo của Nguyễn Văn Lục càng rõ ràng hơn khi viết về các chủ đề mà Khởi Hành đã làm: "Viên Linh dùng kích thước nhỏ ("vài chục trang"), khổ nhỏ để nói về những "chủ đề thật lớn." Ông Lục có mua báo thì chắc chắn phải biết tới chủ đề "Văn học Việt Nam & Văn học Miền Nam: Những con người hào hoa của Cõi Tự do" (Nguyễn Tà Cúc, KH số 209-210, Tháng 5-7. 2014) dài 112 trang (trang 51-163) chứ không phải chỉ "vài chục trang" như ông đã viết. Nguyễn Văn Lục còn không nhắc tới các loạt bài của các tác gia khác, toàn là những tên tuổi hàng đầu trong lãnh vực của họ.
Nếu người đọc nghĩ rằng tôi khắt khe với Nguyễn Văn Lục về vấn đề Khởi Hành thì tôi xin đưa ra thêm hai chứng cớ để chứng minh thứ nhất, ông Lục viết sai cả về một số nhân sự và tạp chí khác; thứ hai, ông Lục viết sai như thế phải chăng để cố gò vào cái tiền đề do ông nêu ra về vấn đề "lão hóa"? Một lần nữa, tôi hoàn toàn tôn trọng sự phát biểu của ông Lục nhưng từ nay trở đi, sau khi tôi đã chứng minh cụ thể bằng tài liệu và nhân chứng, ông Lục sẽ không thể tiếp tục những sự xuyên tạc và phỉ báng này nữa đối với tôi và Khởi Hành.
A- Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Tạp chí Văn
Ông Nguyễn Văn Lục viết như sau: "Nguyễn Xuân Hoàng ôm lấy tờ Văn chẳng khác ôm một người tình nhân già, bỏ thì thương vương thì tội. Vừa ôm, vừa xót xa, chẳng sướng gì...." Cũng lại một thứ chữ nghĩa sỗ sàng! Sau đây là nguyên văn của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng phát biểu về tạp chí Văn hồi ông còn sinh tiền cho thấy ông có niềm vui chứ không chỉ "xót xa" như ông Lục khẳng định:
Khi anh Mai Thảo bệnh, giao cho tôi tờ Văn, tôi đang là tổng thư ký tờ Người Việt. Làm hai tờ báo một lúc, khủng khiếp, tôi không hiểu tại sao mình làm được? Làm báo Văn là một niềm vui và cũng là một nỗi khổ. Tờ báo nuốt hết thì giờ của tôi sau khi ở toà soạn Người Việt về, nó không nuôi nổi một người sống hết mình với nó đã đành, mà ngược lại nó bắt người làm ra nó phải nuôi nó. Khi tôi vào làm tờ Việt Mercury, may mắn hơn, đời sống thường ngày đã nhẹ, nhưng việc nuôi tờ Văn thì vẫn tiếp tục. Ðấy là tôi chỉ nói phần vật chất, tôi chưa nói chuyện bài vở, chuyện độc giả, chuyện đóng gói, bỏ bì đem ra bưu điện cho mỗi số báo, chuyện đau nhói của một ngưòi làm báo văn học. Khó khăn thì nhiều thứ lắm. Còn phần thưởng tinh thần hả? Ðó là tôi tìm lại được bạn bè cũ, và quen biết thêm bạn bè mới. Ðó là mỗi khi tờ báo ra, cầm tờ báo trên tay, tuy không còn ngửi được mùi mực in như ở Sài Gòn ngày nào, nhưng sao lòng vẫn bồi hồi. Bao giờ tôi cũng trân trọng những người viết mới. Cứ mỗi lần đọc được một sáng tác mới của một người viết mới tôi nghĩ chắc tờ báo vẫn còn có người đọc. Ðời sống vẫn không ngừng chảy.
[Phan Nhiên Hạo thực hiện: "Nguyễn Xuân Hoàng, Ðời sống vẫn không ngừng chảy", 27.4.2005, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4371&rb=0102]
B- Nhà văn Nhật Tiến và hoạt động văn nghệ sau 1975, tại Hoa Kỳ
Tôi gửi đoạn viết trong bài thượng dẫn có liên quan đến nhà văn Nhật Tiến và mời ông lên tiếng. Ông trả lời như sau, qua điện thư đề ngày 13. 2. 2015:
"Tôi đã được đọc “bài viết mới đây” của ông Nguyễn văn Lục đăng trên website “Học Xá” ngày 6-2-2015. Bài viết có tựa đề 'Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở Hải ngoại', mà nội dung chứa đựng nhiều vấn đề bao quát về tình trạng Văn học của miền Nam VN trước, sau 1975, và ở hải ngoại. Đây là một đề tài lớn, đáp ứng được sự trông đợi của nhiều thế hệ độc giả ở cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên đáng tiếc thay, khi thực hiện công việc nghiên cứu một đề tài lớn như thế, ông Lục đã đưa vào quá nhiều thiên kiến, chủ quan, hàm hồ và thậm chí có chỗ chứa cả những câu văn đầy ác ý như khi ông đề cập đến tạp chí Khởi Hành hoặc khi nhận xét về Nhất Linh, về Mai Thảo, về Nguyễn Xuân Hoàng... Những vị này đều đã khuất núi, đâu còn cơ hội để phản biện những lời bôi bác về mình.
Đã thế ông Lục còn vẽ lên một hình ảnh thảm hại của nền văn chương hải ngoại với những nhận xét như: 'Trong cái tình hình èo uột trên của văn học hải ngoại như vừa trình bày trên, một số người cho rằng không thể có hay không nên có một dòng văn hải ngoại.'
Hay trích lại lời nhận xét của Nguyễn văn Trung: 'Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng 'Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện tượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.' Để rồi ông Lục đi tới kết luận: 'Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực.'
'Hiện thực' như thế nào thì ông Lục chỉ nêu những luận điệu kiểu như:
'Phần các nhà văn lớp đầu di dân sang Mỹ, khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tuổi tác và nhất là hành lý mang theo khá kềnh càng về nếp sống, nếp nghĩ nên rất khó hội nhập như tâm trạng tiêu biểu của các nhà văn như Thanh Nam, Lê Tất Điều. Họ hội nhập cũng không dễ mà đưa ra một cái gì mới cũng không xong. Hầu như có một sự ngưng trệ, tắc nghẽn, bất động để động não. Đó là hiện trạng bế tắc sáng tạo hiểu được cũng như sự bế tắc sáng tạo vì những lý do cá nhân như nghiện ngập, suy thoái tinh thần và nhiều nguyên do nội tại khác...'
Đã thế ông Lục còn bôi bác thêm về những cảm hứng sáng tác của nhà văn hải ngoại bằng luận cứ: 'Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc...'
Viết như thế là sổ toẹt trên những công trình tim óc của nhiều người, là nhạo báng hay dè bỉu lên những tấm lòng còn thiết tha đến quê hương, đất nước. Tất nhiên ông Lục có quyền nêu những ý kiến của ông ta, nhưng theo tôi những ý kiến ấy chỉ nên nghe qua rồi bỏ. Nó không phản ảnh trung thực môi trường sáng tác cũng như những nỗ lực của nhiều người trong 40 năm qua đã dầy công vun xới cho nền văn học hải ngoại. Sau đây, tôi xin nêu vài điều cụ thể trong bài viết của ông Lục, khi ông đề cập đến chính tôi.
1) Ông Lục viết: 'Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phựơng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Tôi nghĩ đó cũng đủ làm nên văn nghiệp của ông.' Ô hay ! Tại sao văn nghiệp của tôi lại chỉ được gò bó trong 'tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi' ? Bộ tôi không còn được phép xây dựng văn nghiệp của mình trên những loại đề tài khác hoặc xã hội, hoặc chiến tranh hoặc những thảm kịch xẩy ra ở VN sau 30-4-1975 …v. v… hay sao ? Đây là lý do mà tôi cho rằng ông Lục đã viết lách một cách hàm hồ và đầy thiên kiến.
2) Rồi ông lại viết: 'Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm.. Một thời đang qua. Ông là người có khả năng tài chánh để in ấn... Tôi cũng có đủ những sách của ông Tiến sau này ở Hải Ngoại. So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều.'
Không phải là chính tôi mà tại sao ông Lục lại dám kết luận giùm tôi rằng: 'So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều' ?! Thưa ông Lục, nói thẳng ra thì hơi kỳ và mang tính tự mãn, nhưng dù vậy, tôi cũng phải nói lên rằng: Tôi chẳng thấy có sự 'sút kém nhiều' như ông nghĩ giùm tôi! Lý do: Sau 1975 chân trời sáng tạo của tôi như mở rộng thêm ra trước bao nỗi trầm luân của đồng bào trên khắp mọi miền của đất nước. Điều này mở ra cho tôi một chân trời sáng tác mới để tôi không chỉ gò bó trong những đề tài hạn hẹp trước đó nhiều năm. Vì thế, khi ra hải ngoại tôi cũng tiếp tục viết và in được nhiều tác phẩm mà tôi tự đánh giá rằng tôi đã thực thi được phần nào nhiệm vụ của người cầm bút trước hiện tình đất nước. Và qua những sáng tác ấy, tôi cũng đã rất hãnh diện với những gì tôi đã viết và in trong thời gian cư trú hải ngoại. Kết luận chắc nịch của ông Lục như thế là có tính chủ quan, là bôi bác, và cả là nhảm nhí nữa khi ông ấy còn nói: tôi là người có khả năng tài chánh để in ấn !!! Ủa! Chuyện tiền nong có hay không có là chuyện cá nhân riêng tư, sao ông lại mang vào một bài nghiên cứu về văn học, nghệ thuật như thế !! Vậy không phải là nhảm nhí ư ?
3) Ông Lục còn viết rằng: 'Sau này, nhà văn Nhật Tiến đã dành cả nửa cuốn sách để viết về ông Khai Trí. (20) Nhật Tiến, Một thời như thế'
Đâu có phải như vậy! Trong cuốn Một Thời Như Thế tôi chỉ dành 86 trang trong tổng số 262 trang để viết về tờ Thiếu Nhi do ông Khai Trí làm chủ nhiệm. Nội dung phần này tuy có nhắc đến ông Khai Trí nhưng chủ yếu là nói về nội dung của tờ tuần báo này, có sự đóng góp công sức của rất nhiều nhà văn, nhà báo thời đó, cùng là tường thuật những sinh hoạt giáo dục của Gia đình Thiếu Nhi với nhiều chi nhánh trên một số tỉnh thành ở miền Nam, hoặc tổ chức các cuộc thi sáng tác, thành lập thư viện cho mượn sách giáo dục…v..v...Khi viết rằng tôi dành cả nửa cuốn sách để chỉ viết về ông Khai Trí thì tôi dè chừng ông Nguyễn văn Lục không hề đọc tác phẩm của tôi kỹ lưỡng trước khi ông hạ bút viết. Không đọc kỹ mà đòi viết phê bình. Thế thì còn nói gì được nữa !!!" [Nhật Tiến, "Trả lời Nguyễn Tà Cúc về bài của Nguyễn Văn Lục, ngày 13.2.2015]
Ngoài ra, Nguyễn Văn Lục cũng tiếp tục cái lối viết tiểu tâm, soi mói vào những điều chẳng liên quan gì đến văn chương hay đề cập đến một tập thể chỉ để bêu xấu nó: "Còn nếu cứ viết cùng một cung điệu, nó sẽ rơi vào trình trạng nói rồi, cứ nói mãi. Lúc đó bắt buộc tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thể một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám. Các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền hơn là vai trò nhà văn." (Nguyễn Văn Lục, sđd) Đúng là viết lách...nhi đồng hóa thiệt! Nguyễn Văn Lục nói ai là "văn chương H.O"?! Vì cái Đảng H.O này [vốn xuất thân từ Đảng ka-ki] đông lắm đấy nhé! Xin kể ra sơ sơ: (Trung tá) Tạ Tỵ, (Trung tá) Lô-răng Phan Lạc Phúc, (Trung tá) Hà Thượng Nhân, (Đại úy) Thanh Tâm Tuyền, (Thiếu tá) Tô Thùy Yên, (Hải quân Đại úy) Hà Thúc Sinh, Bác sĩ Quân Y Ngô Thế Vinh, vv...Nếu nói cho cùng thì đa số nhân sự trong tập thể H.O là các sĩ quan hay các viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Họ là những người có học hay/ và trí thức và có khi đã từng cầm súng đối diện với người Cộng sản tại tiền tuyến. Chính tập thể H.O. này cũng là một phần độc giả trung thành giúp duy trì các tạp chí văn học đã dẫn.
Chỉ qua mấy thí dụ nêu trên cũng đã đủ thấy tư cách viết của Nguyễn Văn Lục. Cho nên, cuối cùng tôi muốn lập lại câu hỏi đã nêu lên từ ngay đầu bài: tại sao Nguyễn Văn Lục xuyên tạc và phỉ báng Khởi Hành là "sống mòn" và "như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" trong khi nó là một tạp chí văn học giấy duy nhất còn hoạt động để vừa chống người Cộng sản vừa đi tiên phong trong việc bảo vệ và nghiên cứu Văn học Miền Nam cùng lúc không ngừng tìm tới các tác gia tài giỏi để công việc này càng lúc càng tốt đẹp hơn với sự hỗ trợ thiết thực của độc giả? Động cơ nào đã thúc đẩy Nguyễn Văn Lục xuyên tạc hay phỉ báng Chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh cùng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc, hai người chủ trương và thực hiện Khởi Hành (2)? Tôi có thể không thể trả lời được những câu hỏi trên nhưng tôi có thể nhân danh Thư ký Tòa soạn Khởi Hành để trình bày về sự xuyên tạc hay phỉ báng quá ấu trĩ và lộ liễu đã dẫn. Tôi không phải hạng người vỗ tay khi người khác rơi xuống vực hay bước qua Cầu Vòng cho dù người ấy có xứng đáng với sự trừng phạt của cả Trời đất lẫn Con người hay không. Chỉ có thể nghĩ tới hai chữ "nhân quả" thôi. Bao nhiêu lâu nay tôi vẫn lặng yên quan sát những trò vân cẩu xẩy ra chung quanh và quả cổ nhân nói rất đúng: "gieo nhân nào, gặt quả nấy" hay "quả báo nhỡn tiền". Gieo nhân ác càng sâu càng lâu thì quả độc càng thấm càng đậm. Về phần Nguyễn Văn Lục, thiển nghĩ, ông cũng đang gieo mầm cho một thứ cây mà cái quả tốt xấu thế nào, rồi ra một ngày nào đó ông cũng sẽ phải nhận, mà cái mùa bội thu ấy nếu tốt đẹp thì quả là vạn hạnh mà nếu ác nghiệt thì thật hậu quả khôn lường. [NTC].
Vài hình ảnh sinh hoạt tại Tòa soạn Tạp chí Khởi Hành từ 1996 đến nay.
Chú Thích
Tôi kèm theo bài này một số hình ảnh, từ trong tòa soạn hay tới các buổi sinh hoạt văn nghệ có nhiều văn hữu chứng kiến, nhắm xác quyết lời tôi viết.
1) Một số tài liệu của Viên Linh (và Khởi Hành) đã được nhiều người dùng lại, thí dụ như hình bìa (màu) Khởi Hành Số 1 xuất hiện trên bìa Thư quán Bản thảo về Khởi Hành Bộ Cũ (và đăng bên trong) là lấy từ website Litviet, bài Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Viên Linh đã thượng dẫn.
2) Độc giả muốn mua Khởi Hành có thể viết thư về địa chỉ "Khởi Hành, PO Box 670, Midway City, CA 92655". Nếu muốn mua cuốn Văn học Miền Nam: Nhóm*Tạp chí Văn học* Tác giả của Nguyễn Tà Cúc [trong Hoa kỳ, có bảo đảm] để được dịp nhìn thấy tận mắt bản sao những trang Kinh thánh trong cuốn Kinh thánh Tin lành của chính dịch giả Phan Khôi hay đọc về một nghi án văn học thuộc Văn học Miền Nam có liên quan đến bản dịch này cùng nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến VHMN như "Ba cuốn hồi ký tiêu biểu của văn giới Miền Nam" vv... cũng xin gửi ngân hay chi phiếu 30 mk đề tên Nguyễn Tà Cúc về địa chỉ trên.