14-07-2012 | VĂN HỌC

Tự Lực Văn Đoàn trong tôi

  HUY PHƯƠNG
(viết trong dịp tham dự hội thảo về TLVĐ)

Có thể nói rằng khi tôi lớn lên, biết yêu thương chữ nghĩa, viết được một bài luận được thầy giáo đọc lên cho cả lớp nghe thời trung học và sau này ra đời, thấy yêu thích văn chương, tôi nghĩ, là không phải riêng mình mà cả thế hệ của chúng tôi phải mang ơn Tự Lực Văn Đoàn. Những người yêu thích và đã đọc hết tất cả tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn có thể phân biệt được tác phẩm này với tác phẩm kia, chuyện của Thạch Lam khác với Nhất Linh, hay khó có thể lầm Thế Lữ với Khái Hưng, nhưng nói về ảnh hưởng của Tự Lục trong thế hệ của chúng ta thì không thể nói phần này, phần nọ là của ai, ảnh hưởng của ai nhiều ai ít. Ảnh hưởng về văn chương đã đành, chúng ta còn biết đến phong cảnh và phong cách của con người Hà Nội, sinh hoạt của một lớp người, trưởng giả hay khốn cùng trong bối cảnh của thời gian mà chúng ta thường gọi là “tiền chiến.”



  Nhà văn Huy Phương

Trước hết là về văn chương chữ nghĩa và lối viết của TLVĐ trong sáng và ngắn gọn. Tự Lực Văn Đoàn không những thoát ra lối văn biền ngẫu nhiều từ Hán Việt thời đầu thế kỷ 20, ngay cả so với những cuốn tiểu thuyết mới hơn ra đời từ giữa thập niên 1920 như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Luật, hay lối văn đơn giản như lời nói dân giã của Hồ Biểu Chánh, Tự Lực Văn Đoàn đã tỏ ra khác hẳn, tiến lên một trình độ rất xa, dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Hán Việt, một lối văn có thể phù hợp với đại chúng.


Chỉ vài chục năm sau, khi Tự Lực Văn Đoàn đã đi vào chương trình giáo khoa, với những bài học thuộc lòng cho cấp trung học đệ nhất cấp, thanh thiếu niên vùi mình trong thế giới của TLVĐ thì lối văn chương của những tác giả viết cách đó chừng năm bảy năm như đã nói trên, đã bị đẩy lùi vào quá khứ, xem như một loại văn ít được phổ biến, không ai còn dùng đến.


Cách viết của những tác giả trong TLVĐ đã ảnh hưởng không ít đối với lớp thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên trong khoảng thời gian từ 1945 trở về sau, còn tiếp tục tại miền Nam cho đến sau này, chỉ trừ miền Bắc sau năm 1954, văn chương TLVĐ bị lên án, xem như sản phẩm của tiểu tư sản, làm ru ngủ thanh niên. Nhiều tác giả bị bách hại, nhiều người khác phải ly hương. Sau 1954 ở miền Bắc, TLVĐ bị cấm triệt để, lớp trẻ lớn lên trong chế độ đó hầu như chẳng còn biết gì về một văn đoàn "quan trọng nhất của Việt Nam trong một ngàn năm qua" như lời giáo sư Nguyễn Hưng Quốc trong cuộc hội thảo ngày 7 tháng 7 tại báo Người Việt vừa rồi. Chính sách đó đã để lại một lỗ hổng trong hiểu biết của con người Việt Nam về chính lịch sử văn học của đất nước mình, gây ra biết bao thiệt thòi, thiếu sót. Cũng thời gian ấy tại miền Nam TLVĐ vẫn tiếp tục được dạy trong bậc trung học, vẫn được những nhà nghiên cứu xem xét một cách tích cực, các tác phẩm của văn đoàn này vẫn được tái bản đều đặn cho thấy dân chúng vẫn tiếp tục đọc và yêu thích, bên cạnh các cố gắng đổi mới của các nhóm văn chương khác, như Sáng Tạo và các lớp cầm bút trẻ về sau. Nhờ chế độ giáo dục và quan niệm khai phóng của miền Nam trong thời đất nước bị chia cắt, khối tài sản văn hóa của dân tộc được tiếp tục sống với cuộc sống của người dân, tạo nên sự liên tục tinh thần cho dân tộc, tránh được tình trạng què quặt thê thảm trong não trạng của con người sống trên đất nước của mình mà chẳng biết gì về các thành tựu của những thế hệ đi trước mình.


Đối với tôi, trước hết, các tác phẩm TLVĐ cho tôi biết đến những nhân vật khốn khổ hay bình thường trong xã hội. Hình ảnh của “Nhà Mẹ Lê” hay câu chuyện của vợ chồng anh Phó Thức “trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ” trong “Anh Phải Sống” là những cảnh đời để lại nhiều ấn tượng nhất cho tôi những năm mới bước vào ngưỡng của trung học. Không có TLVĐ, chúng ta ít tưởng tượng ra được cảnh đời trong truyện ngắn Thạch Lam với cảnh quê hương nghèo nàn, đói lạnh...., chuyện những cô gái nhảy cô đơn trong đêm Giao Thừa, hay người phu xe chở một cô gái ăn sương đi kiếm khách vào đêm ba mươi Tết, cả hai đều đói và tuyệt vọng, cô gái thì không kiếm ra khách, người phu kéo xe có khách nhưng khách đi xe lại không kiếm ra tiền! Cả anh chàng thất nghiệp tên Sinh trong truyện “Đói” mà những ngày đói lạnh ở Hoàng Liên Sơn, tôi đã không khỏi liên tưởng tới.


Nhờ có TLVĐ chúng tôi mới biết đến và yêu mến Hà Nội, dù là một Hà Nội trong trí tưởng, qua những trang sách. Ở tuổi thiếu niên, chưa hề bước chân ra khỏi xóm làng hay thị xã của quê hương, nhưng tâm hồn chúng tôi đã thực sự bay bổng về một Hà Nội ba mươi sáu phố phường và tưởng tượng ra hình ảnh những cô tiểu thư yêu kiều ngày đó của Hà Thành. Đâu là cầu Thê Húc, đâu là đê Yên phụ, rồi con đường Cổ Ngư, cầu Long Biên... tất cả đều thành hình trong trí tôi qua những trang giấy in thô sơ; chúng tôi còn tưởng tượng ra tiếng chuông leng keng của chuyến xe điện qua Bờ Hồ hay tiếng rao “phá xa” của Hà Nội. Tôi đã đem lòng yêu cả những con đường mang tên Phố, hàng Đào, hàng Ngang… những nơi chốn đã được mô tả trong toàn bộ tác phẩm của TLVĐ.


Qua một thế giới của “người lớn”, cả những tên phố Khâm Thiên, xóm Cô Đầu và hình ảnh những chiếc bàn đèn thuốc phiện trong bóng tối của một căn gác nào đó của Hà Nội cũng còn lưu lại trong trí nhớ. Nói chung là tất cả sinh hoạt của Hà Nội ẩn hiện trong mấy mươi cuốn sách của TLVĐ mà hình như chúng tôi chưa bỏ qua một cuốn nào, có cuốn đã đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán.


Quả tiểu thuyết đã tạo cho trí tưởng tượng của người đọc bay bổng, đi xa về một nơi chốn được mô tả qua những trang giấy in.


Có thể người ta không thể tìm ra ngọn núi Văn Dú trên rừng núi Bắc Việt, nhưng nó nằm trong trí nhớ của tôi, một đứa trẻ đã mê “Vàng Và Máu” của Thế Lữ ngày nào. Cả cái làng Từ Lâm êm đềm và thơ mộng, và cả ngôi chùa Long Giáng vẫn còn ở đâu đó trong một góc khuất của trí nhớ mà không hề hiện diện trên bản đồ Việt Nam. Cả Xuân Diệu một thời mới lớn: “cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu!” Rồi bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ, vào lứa tuổi tôi chẳng có ai không thuộc nằm lòng, để có một ngày, rất nhiều người lính thất trận, nằm trong nhà tù cộng sản ba mươi tám năm xưa đã xót xa, cảm khái, đọc thầm… hay với một Thế Lữ khác, mang tâm trạng của một khách ly hương: “rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang!”


TLVĐ cho chúng ta những mối tình trong sáng, chung thuỷ, có những lúc vượt qua được nghịch cảnh nhưng cũng có lúc chịu an bài với số mệnh, với lễ giáo. Chúng ta rất ít khi “đọc” được một nụ hôn giữa trai gái trong mấy mươi truyện của TLVĐ, dù là Mai với Lộc (Nửa Chừng Xuân) Phong và Trâm (Nắng Thu) hay tha thiết hơn như Loan và Dũng, rạo rực nôn nao, nhưng không hề được một lần cầm lấy tay nhau, dừng nói gì đến một nụ hôn: “Quả tim chàng đập mạnh... Chàng trông thấy trước mặt bàn tay hơi run run của Loan, hôm nào, cời những quả đậu non trong rá, chàng nhớ đến cái cảm tưởng ngây ngất được thấy đôi môi Loan mềm và thơm như hai cánh hoa hồng, bao nhiêu thèm muốn ngấm ngầm bấy lâu trong một phút rạo rực trổi dậy. Bốn bàn chân vẫn bước đều đều... Chàng nghĩ nếu lúc đó có ngừng lại thì Loan sẽ cũng theo chàng ngừng lại; chàng sẽ đưa cánh tay đỡ lấy Loan và miệng chàng sẽ nói câu mà chàng vẫn thầm nhủ với Loan đã bao lần trong giấc mơ: - Anh sẽ yêu em trọn đời…" (Đôi Bạn của Nhất Linh) Nhưng những chuyện ấy sẽ không bao giờ được thực hiện.


Đó là những mối tình thanh khiết, nhẹ nhàng của cả một thế hệ gái trai trước chiến tranh hay hoàn toàn trong sạch thuần khiết như giữa Ngọc, chàng trai Hà Nội và “chú” tiểu Lan trong “Hồn Bướm Mơ Tiên,” thầm lặng để còn nghe được tiếng… “lá rơi,” là một điệp ngữ được nhắc đi nhắc lại trong phần cuối tập tiểu thuyết này.


Nhìn lại thời gian non một thế kỷ, TLVĐ hiện hữu trong văn học Việt Nam, ảnh hưởng đến hàng triệu người của nhiều thế hệ, mà giá trị của nó là đích thực, từ văn chương, tư tưởng, lối sống, thời trang, âm nhạc… hiển nhiên, không cần ai phải chôn xuống, rồi lại đào lên, sỉ nhục rồi vinh danh, phủ nhận rồi công nhận. Giá trị của TLVĐ cao hơn, dài hơn một đời người, một chế độ.


Những người Việt Nam yêu văn học lớn lên từ nửa sau thế kỷ 20 rõ ràng là mang một món nợ rất lớn về văn học, đó là Tự Lực Văn Đoàn, nơi đã cho chúng ta những tác phẩm làm mới hẳn nền văn học nước nhà, những tác phẩm có nội dung và hình thức hoàn toàn Việt Nam, làm nền tảng cho cả một lớp người cầm bút đông đảo về sau.


Huy Phương

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ