23-09-2014 | VĂN HỌC

Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013

  PHẠM PHÚ MINH
Phát hành Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Tự Lực Văn Ðoàn (Phạm Phú Minh)

 

Nhà văn Phạm Xuân Ðài (Phạm Phú Minh), Tiến sĩ Nguyễn Tường Việt và Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Việc tổ chức triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa, Ngày NayTự Lực Văn Đoàn vào hai ngày 6 và 7 tháng Bảy 2013 tại nhật báo Người Việt, Little Saigon, Nam California là một tập hợp của rất nhiều cơ duyên, trong một thời gian dài. Năm 2002 khi phụ trách tạp chí Thế Kỷ 21, lần đầu tiên chúng tôi làm một số đặc biệt về Nhất Linh (số 159 tháng Bảy 2002), từ đó mở ra các quan hệ mới với các bạn con cháu họ Nguyễn Tường. Rồi đến số xuân năm 2006, Thế Kỷ 21 lại có nhiều bài vở đặc biệt về họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, đưa đến sự quen thân với những người con của vị họa sĩ có công lớn trong việc cải tổ y phục phụ nữ cách đây tám thập niên. Không có những quan hệ đó, thì chắc không có những hoạt động tiếp theo về sau, mà quan trọng nhất là việc một số thân hữu đồng lòng cùng nhau thực hiện việc điện toán hóa hai tờ báo Phong HóaNgày Nay vào hai năm 2011-2012, và sau đó phổ biến trên một số trang mạng tại Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ.


Việc phổ biến rộng rãi hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay đã mở ra cho quảng đại quần chúng rất nhiều hiểu biết về nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng các sinh hoạt văn học, chính trị, xã hội, báo chí giai đoạn thập niên 1930. Trước kia muốn đọc các báo này, tại Việt Nam hay tại nước ngoài, thì chỉ có cách vào một số thư viện lớn, một việc không phải ai cũng có điều kiện để làm.


Vào giữa năm 2012, anh Nguyễn Tường Thiết, con của nhà văn Nhất Linh, cho chúng tôi biết một quyết định của đại gia đình Nguyễn Tường hải ngoại, là vào ngày 7 tháng 7 năm 2013 sẽ tổ chức lễ giỗ lần thứ 50 của nhà văn Nhất Linh tại chùa Liên Hoa, Orange County, Nam California, Hoa Kỳ. Tin này, kết hợp với một thông tin tìm thấy trên báo Phong Hóa, là Tự Lực Văn Đoàn được thành lập vào tháng 7 năm 1933 --nếu tính đến tháng 7 năm 2013 thì vừa đúng 80 năm-- chúng tôi nảy ra ý định cần phải làm một cái gì đó vào thời điểm này, ví dụ trưng bày những tư liệu hình ảnh về Phong Hóa Ngày Nay, diễn thuyết về TLVĐ v.v... để vừa kỷ niệm, vừa nhắc nhở quần chúng về những sự kiện có thể coi là lớn lao trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Theo tập quán hoạt động của báo Thế Kỷ 21 từ hơn hai mươi năm về trước, tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, là hậu thân của Thế Kỷ 21, đứng ra đảm nhiệm việc tổ chức này, mà danh xưng cuối cùng được quyết định là: Triển Lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Công cuộc triển lãm và hội thảo dự trù được tổ chức tại hội trường của báo Người Việt, Little Saigon, Nam California, vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013, ngay sau lễ giỗ Nhất Linh vào ngày 5 tháng 7 tại chùa Liên Hoa (đáng lẽ tổ chức vào ngày 7 tháng 7 là đúng ngày giỗ, nhưng vì phối hợp với cuộc triển lãm và hội thảo nên dời lên trước hai ngày).


Với quyết định đó từ một năm trước, Diễn Đàn Thế Kỷ bắt đầu liên lạc với các nhà nghiên cứu văn học để tham khảo và thảo luận về các đề tài, để từ đó mời tham gia thuyết trình trong hội thảo. Anh Nguyễn Tường Thiết, con của nhà văn Nhất Linh, Nguyễn Tường Giang con của nhà văn Thạch Lam và anh Nguyễn Trọng Hiền con của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường tham gia tích cực vào việc tổ chức, bằng cách đóng góp rất nhiều tài liệu liên quan đến Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn đồng thời kêu gọi bà con, bạn bè góp tài chánh để có thêm phương tiện làm việc.


Riêng về triển lãm, anh Nguyễn Trọng Hiền đã đóng vai trò rất quyết định trong việc sưu tầm hình ảnh các nhân vật TLVĐ và các vị cộng tác, đủ loại tư liệu và hình ảnh từ hai tờ báo Phong Hóa Ngày Nay, hoặc do gợi ý của hai tờ báo này, đi tìm các hình ảnh khác liên hệ. Chính anh Hiền đã có sáng kiến không triển lãm bằng hiện vật, mà chỉ bằng hình ảnh được in với kỹ thuật tân tiến trên từng tấm nhựa lớn, do đó đã tiết kiệm công sức rất nhiều mà các mảng triển lãm lại thêm phần mỹ thuật. Cũng trong việc tìm kiếm các tác phẩm gốc của TLVĐ, nhà phê bình văn học Đặng Tiến ở Pháp đã giới thiệu với chúng tôi anh Hoàng Minh, một người sưu tầm sách cũ tại Sài Gòn. Nhà sưu tầm tương đối trẻ tuổi này đã sở hữu hầu như gần đủ các tác phẩm TLVĐ in trước 1945 (hoặc ít nhất được in tại Miền Nam trước 1975), và đã vui lòng chụp ảnh và gửi qua e-mail cho chúng tôi tất cả các bìa sách TLVĐ gốc mà anh có được.


Phòng triển lãm tuy vậy, vẫn có những chỗ trưng bày hiện vật. Trước hết là khu dành riêng cho tranh của các họa sĩ đã cộng tác với báo Phong Hóa Ngày Nay từ thập niên 1930, những bức tranh và tên người sáng tác đã thành cái vốn cổ điển của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Bình Lộc, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường... Hầu hết các bức tranh quý giá này đều do một nhà sưu tầm tranh có tầm cỡ là bác sĩ Hà Thái cư ngụ tại Nam California cho ban tổ chức mượn để trưng bày. Thứ hai, là một bộ sưu tập nho nhỏ sách của TLVĐ được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài do ban tổ chức thực hiện, gồm: tiếng Nhật (Hồn Bướm Mơ Tiên, Đoạn Tuyệt, Gánh Hàng Hoa); tiếng Anh (Đoạn Tuyệt-Breaking Off, Đi Tây-Going To France, tập truyện ngắn Sư Tuệ-Monk Tuệ, Lòng Tốt-Good Heart của Khái Hưng, Hai Vẻ Đẹp-Two Beauties của Nhất Linh, Cô Hàng Xén-The Market Girl của Thạch Lam); tiếng Pháp (Lạnh Lùng-Solitude, Hà Nội Băm Sáu Phố Phường-Hanoi aux trente-six quartiers, Anh Phải Sống- Tu dois vivre); tiếng Nga (Hồn Bướm Mơ Tiên).


Các cơ duyên thuận lợi khác cũng đến với phần hội thảo. May mắn đầu tiên là ban tổ chức đã liên lạc được đầy đủ con cháu của sáu gia đình thành viên đầu tiên khi TLVĐ thành lập năm 1933: các anh/ chị con của nhà văn Nhất Linh (các anh Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Thiết); nhà văn Hoàng Đạo (chị Minh Thu, anh Nguyễn Lân); nhà văn Thạch Lam (chị Nguyễn Tường Nhung, anh Nguyễn Tường Giang); nhà văn Khái Hưng (con nuôi là anh Trần Khánh Triệu); nhà thơ Tú Mỡ (con rể là nhà văn Doãn Quốc Sỹ); nhà văn/nhà thơ Thế Lữ (con dâu là chị Phạm Thảo Nguyên). Về sau TLVĐ có thêm thành viên thứ bảy là nhà thơ Xuân Diệu, ban tổ chức không liên lạc được với gia đình hiện ở Việt Nam, nhưng sau khi cuộc hội thảo kết thúc chúng tôi có nhận được thư viết từ trong tù của anh Cù Huy Hà Vũ (con nhà thơ Huy Cận, cháu gọi nhà thơ Xuân Diệu bằng cậu ruột) gửi ban tổ chức, do gia đình của anh chuyển cùng với ba bức chân dung của Huy Cận, Xuân Diệu và bức tự họa của anh, tất cả do chính anh vẽ. Như vậy có thể coi như cả bảy gia đình của bảy thành viên TLVĐ đều “có mặt” trong công cuộc tổ chức Triển lãm và Hội Thảo này. Sáu vị đại diện cho sáu gia đình thành viên đầu tiên của TLVĐ được mời phát biểu trong hội thảo, chủ yếu nói về kỷ niệm với người thân của mình: Doãn Quốc Sỹ nói về Tú Mỡ, Trần Khánh Triệu nói về Khái Hưng, Phạm Thảo Nguyên nói về Thế Lữ, Nguyễn Tường Thiết nói về Nhất Linh, Minh Thu nói về Hoàng Đạo và Nguyễn Tường Giang nói về Thạch Lam.


Những vị được mời thuyết trình các đề tài chuyên môn thì chia làm hai phần, về báo Phong Hóa Ngày Nay và về Tự Lực Văn Đoàn. Nhờ có báo Phong Hóa Ngày Nay đã được số hóa mà ban tổ chức mới nhìn ra được những nét khai phá mới mẻ của các báo này và định ra một số đề tài có ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam từ 80 năm về trước:


- Suốt nhiều năm trên cả hai tờ PH và NN, họa sĩ Nguyễn Cát Tường biệt hiệu Lemur, giữ mục cải cách y phục phụ nữ, đã thực sự thổi một luồng gió mới về phương diện ăn mặc cho phụ nữ nước ta. Con trai của họa sĩ, anh Nguyễn Trọng Hiền đảm trách thuyết trình về đề tài này, đồng thời phối hợp với đài truyền hình SBTN tổ chức một buổi trình diễn y phục gồm những kiểu quần áo do họa sĩ Lemur sáng tác đăng trên PH NN cách đây tám thập niên (vào tối ngày 6 tháng 7, 2013 tại hội trường của đài truyền hình SBTN).


- Báo Ngày Nay đã đăng những bài tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, do Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh v.v... sáng tác, và khuyến khích thúc đẩy sự sáng tác cũng như việc ca hát nhạc mới, đó là bước đầu của nền âm nhạc phong phú mà chúng ta có ngày hôm nay. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa nghiên cứu và thuyết trình về sự kiện này.


- Phong trào Nhà Ánh Sáng là một dự án lớn của báo Ngày Nay, phát động việc xây dựng một kiểu nhà rẻ tiền, sáng sủa và hợp vệ sinh cho dân nghèo. Đây là lần đầu tiên một hoạt động xã hội có tính chất “xã hội dân sự” như quan niệm ngày nay được vận động rầm rộ trong tất cả các tầng lớp xã hội kể cả nhà cầm quyền thời đó, và đã gây được ý thức rộng rãi trong nhiều giới. Giáo sư Đỗ Quý Toàn, một huynh trưởng Hướng đạo đã tham gia nhiều công tác xã hội của thanh niên trong thập niên 1960, thuyết trình về đề tài này.


- Kịch cũng là một thể loại mới mẻ đối với xã hội Việt Nam được người Pháp đưa vào. Trước kia sân khấu cổ truyền của nước ta chỉ có diễn tuồng dưới hình thức hát chèo, hát bội, mới nhất là cải lương, tất cả đều là ca kịch. Loại kịch mới là kịch thơ, kịch nói (còn gọi là thoại kịch) được báo Phong Hóa Ngày Nay cổ động bằng cách đăng kịch bản văn học, và Thế Lữ vừa là đạo diễn vừa là diễn viên cho nhiều sân khấu kịch. Đề tài kịch được nhà văn Phạm Thảo Nguyên trình bày.


- Báo Phong Hóa, Ngày Nay là những tờ báo đầu tiên của Việt Nam quan tâm đến phương diện mỹ thuật, và đã được nhiều họa sĩ có tài như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Tường Lân v.v... cộng tác. Họa sĩ Ann Phong, một giáo sư môn hội họa của trường đại học Pomona (California, Hoa Kỳ) trong phần thuyết trình của mình đã phân tích khá tỉ mỉ và linh hoạt những thành tựu về phương diện mỹ thuật của Phong Hóa và Ngày Nay.


- Một phát biểu ngắn của cô Tanaka Aki, một sinh viên đang nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn tại trường Đại học Ngoại văn Tokyo, Nhật Bản.


Sang phần hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, ban tổ chức có được một chương trình khá hài hòa, từ những vấn đề rất tổng quát của văn đoàn đi dần đến từng tác phẩm, tác giả, thậm chí đi vào từng lãnh vực riêng mà các cây bút TLVĐ đã mang lại. Các diễn giả và đề tài gồm có:


- Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại Văn Tokyo. Đề tài: Tự Lực Văn Đoàn và văn học hiện đại Việt Nam.

- Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Australia. Đề tài: Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn.

- Trần Huy Bích, Đại học UCLA, Hoa Kỳ. Đề tài: Tự Lực Văn Đoàn và Phong trào Thơ Mới.

- Trần Mộng Tú, nhà văn/nhà thơ, Seattle, Hoa Kỳ. Đề tài: Tình yêu trong tiểu thuyết TLVĐ.

- Trần Doãn Nho, nhà văn, Boston, Hoa Kỳ. Đề tài: Tự Lực Văn Đoàn và chuyện văn phong.

- Đặng Thơ Thơ, nhà văn, California, Hoa Kỳ. Đề tài: Hoàng Đạo - Tính giễu nhại và tinh thần hậu hiện đại trong những tác phẩm chưa xuất bản.

- Ngự Thuyết, nhà văn, California, Hoa Kỳ. Đề tài: Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

- Phạm Thảo Nguyên, nhà văn, New York, Hoa Kỳ. Đề tài: Câu chuyện TLVĐ và những điều chưa nói.


Qua các bài thuyết trình đã được các tác giả sửa chữa kỹ được đăng trong Kỷ yếu này, quý vị sẽ thấy được vai trò trong lịch sử văn học và một số đặc tính của TLVĐ, dĩ nhiên chưa thể hoàn toàn đầy đủ, nhưng hy vọng đó là một bức tranh tạm gọi là toàn diện với những nét vẽ đậm chính yếu. Mỗi thuyết trình viên chọn đề tài mà mình thích, từ cái nhìn đánh giá tổng quát cho đến việc đi sâu vào một tác giả, một tác phẩm, nhìn chung như là một kết hợp tình cờ không theo một lộ trình định sẵn, nhưng đều tích cực đóng góp phần hiểu biết, lắm khi đặc biệt và thú vị.


Thật ra, vai trò của TLVĐ đã được khẳng định từ lâu trong hai quyển Việt Nam Văn Học Sử YếuViệt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm viết cho chương trình Trung học, xuất bản năm 1941. Trong chương thứ bảy (của VNVHSY): Các văn gia hiện đại- Các khuynh hướng phổ thông của tư tưởng phái Tự Lực Văn Đoàn, soạn giả Dương Quảng Hàm đã giảng giải về đường lối và đưa văn chương Tự Lực Văn Đoàn vào chương trình Trung học ngay lúc văn đoàn này còn đang hoạt động. Đến năm 1945, trong tư cách là bộ trưởng bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật trong nội các Trần Trọng Kim, nhà học giả Hoàng Xuân Hãn khi thiết lập nên chương trình trung học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đã dùng bộ Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm cho chương trình quốc văn, và cũng khẳng định việc giảng dạy Tự Lực Văn Đoàn trong các lớp cuối của chương trình trung học. Như vậy TLVĐ đã được những nhà giáo dục kiêm học giả có uy tín lớn của Việt Nam chọn lựa cho việc dạy dỗ tiếng Việt trong chương trình giáo dục quốc gia ngay từ thập niên 1940 của thế kỷ trước. Và sự dạy dỗ ấy vẫn tiếp tục trong trường học của chính quyền phía quốc gia cho đến tháng Tư, năm 1975.


Sự thể khác hẳn trong chương trình giáo dục của phía cộng sản. Với mục tiêu tự đặt ra là “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”, người cộng sản thủ tiêu rất nhiều giá trị truyền thống của nước nhà, ngoài xã hội cũng như trong trường học. Với một số lớn sách vở của quá khứ, họ không những loại bỏ khỏi chương trình giáo dục mà còn cấm dân chúng đọc và lưu hành, vì cho đó là những tác phẩm không phù hợp với chủ thuyết của đảng, với những điều họ học hỏi được từ các vị thầy không bao giờ sai lầm là Stalin của Liên Xô và Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Tự Lực Văn Đoàn, từ chủ trương cho đến tác phẩm là mục tiêu đánh phá và triệt hạ của đội ngũ các nhà phê bình văn học của đảng, suốt từ đầu thập niên 1950 cho đến nay không hề được dạy dỗ trong trường học. Từ thời khối cộng sản bị sụp đổ vào đầu thập niên 1990, luận điệu các nhà chuyên môn về văn học của đảng đôi lúc có tỏ ra nhẹ nhàng và biết điều hơn đối với các giá trị văn học của nước Việt Nam chúng ta. Nhờ đó một số nhà nghiên cứu chân chính đã mạnh dạn lên tiếng bênh vực cho các giá trị thực sự của đất nước trước đây đã bị đảng cộng sản bôi đen cho phù hợp với lòng trung thành với một thế lực quốc tế. Các sách do TLVĐ xuất bản từ thời trước lại được cho phép in và phổ biến (nhưng một số không nhỏ được sửa chữa, cắt xén tùy tiện, đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã lên tiếng báo động là không thể tin vào các sách tái bản đó được).


Cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn diễn ra tại Nam California vào tháng 7, 2013 vừa qua thực ra chỉ là một cố gắng “xin đi lại từ đầu” như một lời hát của nhạc sĩ Phạm Duy, để nhìn lại bản lai diện mục của báo Phong Hóa Ngày Nay là cái gì, nhóm Tự Lực Văn Đoàn là những ai và sách vở họ đã viết ra sao, sau bao nhiêu đảo điên của thời cuộc và của chính trị đã làm xô lệch nhiều cách nhìn và tạo ra những đánh giá kém trung thực. Tập sách này ghi lại tâm tình chân thành của những người thân trong gia đình các thành viên TLVĐ, ghi lại cái nhìn của một số nhà nghiên cứu báo chí và văn học, mà chúng tôi tin rằng không bị vướng những khúc xạ của một hệ thống tư tưởng, hoặc một tâm địa thù ghét tối tăm làm cho lệch lạc đi một cách đáng tiếc. Nói chung đây là một cố gắng đóng góp thêm để làm sáng tỏ những sự thực vốn có của lịch sử dân tộc mà trong một giai đoạn nào đó chẳng may đã bị những áng mây đen tối cố tình che phủ.


Có thể nói, động lực sâu xa để tổ chức và tham dự công cuộc này là Cái Tình, nằm trong tâm hồn những người suốt đời vẫn nâng niu những năm tháng đến với Tự Lực Văn Đoàn từ những ngày biết đọc sách rồi được giảng dạy trong trường học. Những trang sách đó đã xây dựng nên một đời sống tình cảm trong sáng đáng yêu một lần rồi không phai. Phải chăng do ngôn ngữ đẹp một cách giản dị? Phải chăng do các câu chuyện rất Việt Nam được xây dựng một cách nghệ thuật để cho cái mới phải thắng cái lạc hậu hầu đưa Việt Nam bước lên một bước mới? Và một khi nền móng tâm hồn đã được xây dựng với những chất liệu tốt đẹp, nền móng đó sẽ ở lại vĩnh viễn. Sau này khi lớn lên dù có tiếp nhận bao nhiêu kiến thức về văn học, dù lý trí có nhận thấy tiểu thuyết TLVĐ đã trở nên lỗi thời không còn sức sống cho thời đại và cuộc đời mới, thì cái nền tảng đẹp đẽ mà TLVĐ đã tạo ra vẫn còn nguyên đó. Và khi đủ duyên, những tâm hồn đó đã đến với nhau như những cố nhân gặp nhau, từ một nền tảng tốt đẹp chung mà lịch sử đất nước đã mang lại cho họ. Nói chung, từ người tổ chức, các thuyết trình viên, các gia đình thành viên và người cộng tác của TLVĐ và PHNN, đến đông đảo quần chúng đều tham gia công cuộc này với động lực tình cảm, một thứ tình cảm tự nhiên mà một dòng văn học có tính cách khai sáng đích thực của đất nước đã tạo nên trong tâm hồn họ. Mẫu số chung của tất cả là một cái TÌNH rất sâu đậm liên quan đến đời sống tình cảm và trí tuệ của giống nòi, mà những chủ nghĩa tàn bạo ngoại lai muốn tẩy rửa tâm hồn Việt Nam khó mà cảm nhận được.


Bài vở các bài thuyết trình trong hai ngày 6 và 7 tháng 7, 2013 đăng trong tập Kỷ yếu này được xếp đặt trước sau theo thứ tự trình bày. Vì thời lượng nói chuyện trong buổi hội thảo không được rộng rãi cho lắm (10 phút cho mỗi thân nhân gia đình thành viên TLVĐ, 30 phút cho mỗi đề tài chuyên môn), nên các bài liên hệ được đăng trong sách này phần nhiều đầy đủ hơn là bài nói. Có một số bài nói không được đăng thành bài, vì diễn giả trình bày theo lối dẫn giải đi với hình ảnh hay âm thanh minh chứng, chúng tôi chỉ tóm tắt một cách ngắn gọn, và mời độc giả xem đầy đủ phần thuyết trình trong đĩa DVD đính kèm theo sách.


Ngoài những bài đã được thuyết trình trong cuộc hội thảo được đăng lại trong Phần I, chúng tôi có sưu tầm thêm một số bài khác liên quan đến TLVĐ để tạo nên Phần II của tập sách này. Trước hết, về vai trò của người phụ nữ đối với hoạt động của các thành viên văn đoàn, từ bà mẹ của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, là một góa phụ khi còn khá trẻ đã một mình làm lụng nuôi nấng các con đến chỗ thành đạt rực rỡ trong nền văn chương và báo chí nước nhà; đến các người vợ của từng thành viên TLVĐ đã đóng vai trò như thế nào bên cạnh các ông chồng nhất quyết không đi theo con đường làm quan để vinh thân phì gia, mà theo nghiệp văn chương chữ nghĩa để thực hiện lý tưởng dẫn dắt xã hội Việt Nam đến chỗ lành mạnh tươi sáng hơn. Sự hiểu biết thêm về vai trò ấy của người phụ nữ thiết tưởng cũng soi sáng thêm sự thành công của văn đoàn quan trọng nhất của nước ta trong thời kỳ chuyển mình của văn học Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 20.


Ngoài ra trong Phần II chúng tôi chọn đăng một số bài có tính cách bổ túc cho chủ đề chính của cuộc triển lãm và hội thảo vừa qua. Thật ra những bài viết, những công trình về TLVĐ thì rất nhiều, chúng tôi không có tham vọng làm một tuyển tập thu thập nhiều công trình nghiên cứu, mà chỉ nêu lên một vài nét đặc biệt nào đó để làm sáng tỏ thêm các chủ đề đã trình bày, hoặc để giải thích, tìm hiểu thêm hiện tượng thành công ngoài mong đợi của cuộc triển lãm và hội thảo.


Về phần hình ảnh đăng trong tập Kỷ yếu này, một cách tổng quát chia thành hai chủ đề: thứ nhất, những hình ảnh thời sự liên quan đến cuộc triển lãm và hội thảo; thứ hai các hình ảnh có tính cách tài liệu liên quan đến TLVĐ hoặc cá nhân các thành viên, đặc biệt là Nhất Linh, thủ lãnh và linh hồn của cả văn đoàn lẫn hai tờ báo.


Những gì đã xảy ra trong cuộc triển lãm và hội thảo hai ngày 6 và 7 tháng 7, 2013 tại báo Người Việt, miền Nam California Hoa Kỳ cho chúng ta thấy: đây không phải là một công việc thuần tính cách hàn lâm được trao đổi giữa giới học giả và người nghiên cứu, mà thực sự là một cuộc Hoài Niệm quy mô, một cuộc gặp gỡ từ tấm lòng của người tổ chức, người thuyết trình cho đến bao con tim nồng ấm của một quần chúng đông đảo. Đây là một cuộc Tao Ngộ Văn Hóa của người Việt Nam (và cả những người bạn của Việt Nam) về những Giá Trị mà văn học Việt Nam đã đạt được và đã ghi vào tâm hồn Việt Nam những nét đằm thắm xinh đẹp không thể phai mờ. Tâm tình ấy, hiển lộ ra một cách không hề được dự đoán trước, đã và sẽ góp phần một cách thiêng liêng vào vốn liếng nhân cách của người Việt Nam. Vốn liếng càng giàu, chúng ta càng nhiều khả năng đứng vững lâu dài.


Phạm Phú Minh

Nguồn: diendantheky.net