22-10-2015 | VĂN HỌC

Hồn Dân Tộc Trong Ca Dao

  TRƯỜNG THY

Người đời thương có câu “Nôm na không phải là cha bách qué mà là mẹ văn hoa.” Có lẽ đó cũng là đặc tính chung của Văn Chương Bình Dân, bởi nó bắt nguồn từ cái đẹp trong thiên nhiên, trong vạn vật và trong tình người, được chắt lọc (distilled) qua hồn dân tộc.


Ca Dao Việt Nam, một thể loại Văn Chương Đại Chúng, không rõ nguồn gốc từ thời nào, ai là người xướng xuất mà phổ cập khắp cõi bờ đất nước, thậm chí lan truyền ra khỏi biên bờ đến các miền đất khác xa xăm tận cuối chân trời như trong tác phẩm World Literature tại các Đại học Hoa Kỳ cũng đã có những câu Ca Dao tiếng Việt.


Ca Dao Việt Nam theo một số nhà biên khảo thì có thể có từ thời Hùng Vương mở nước, từ khi có tiếng nói là có Ca Dao.


Đặc tính của Ca Dao


1. Ca Dao thời nào cũng có vì nó phản ảnh cuộc sống của người dân qua từng thời đại, từng hoàn cảnh xã hội, từng nếp sống con người bao gồm tình cảm, tâm lý, tư duy, kinh nghiêm, và những phản ứng trước nghịch cảnh v.v., nên nó trường tồn và linh hoạt.


2. Ca Dao là mạch thở của thi ca, là nguồn sáng tạo, là ngôn từ của Văn Chương Bình Dân chứa đựng hết thảy tâm tình con người.


3. Ca Dao không làm dáng, khoác áo đơn sơ, mộc mạc nhưng chân thật. Valery đã có một nhận định qua câu nói “Le vrai poète est celui qui inspire.” Dòng thơ thực chỉ đến với những ai có tâm hồn.


4. Ca Dao phản ảnh sự kiện lịch sử, không phản ảnh hiện tượng lịch sử trong qúa trình diễn tiến; phần lớn phản ảnh nếp sống, phong tục, tập quán, tình tự con người và đời sống xã hội, tiếng khóc, cười v.v.


* Trên trường tình có muôn chiều, muôn hướng và người ta đến với nhau cũng theo muôn ngả đường tình; tuy nhiên, những bước chân tình yêu chập chững vào đời cũng nhiều dáng vẻ. Người bình dân với nếp sống hiền hòa, hồn nhiên không chỉ nhờ thiên nhiên mai mối:

Ước gì anh hóa ra hoa

để em nâng lấy rồi mà cài khăn…

mà còn dựa vào những sinh hoạt, công việc để làm quen:

Hỡi cô cắt cỏ một mình

cho anh cắt với chung tình làm đôi.

Cũng có khi mượn sự vật để mở lối giao tình, và không chỉ người con trai chủ động mà đôi khi người con gái lại mở đường, đưa lối:

Anh kia đi ô cánh dơi

để em làm cỏ mồ hôi ướt đầm

có phải đạo vợ nghĩa chồng

thì mang ô xuống cánh đồng mà che…

Ngày nay quen nhau rồi, thường hỏi số điện thoại và địa chỉ nhà, ngày xưa người bình dân mượn trầu cau làm quen để hỏi nhà cửa, quê quán:

Tiện đây ăn một miếng trầu

hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là.

Nhưng tình tứ và gần gũi hơn cả vẫn là mượn ngay những gì gắn bó, gần gũi với người yêu để tỏ tình như: đôi mắt, nụ cười, mái tóc v.v., những chi tiết này thường dễ ‘kiếm điểm’ , gây được cảm tình hơn.

Hôm qua anh đến nhà em

thấy đôi mắt đẹp anh thèm muốn xin.

Rồi mái tóc buông dài vốn dĩ là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các thi nhân và là nét đẹp thu hút hồn trai.

Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

để chi dài bối rối dạ anh…

và sau nữa cũng là những nét biểu lộ độc đáo nơi người con gái, đó là tiếng cười, nụ cười con gái, trong cái cười cũng mang nhiều tình ý riêng tư, hàm xúc qua những câu ca dao dân gian.

* Cười khúc khích

Phòng trong sớm mở tối gài

ai cười khúc khích để phòng ngoài ngẩn ngơ.


* Cười trừ

Bắp non xao xác trổ cờ

thương nhau xin chớ nhởn nhơ cười trừ.


* Cười gượng

Phất phơ ngọn cỏ gió lùa

thấy em cười gượng anh chua xót lòng.


* Cười gằn

Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn

nghe em cất tiếng cười gằn anh trở bước thối lui.


* Cười bả lả

Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ

em cười bả lả anh ngờ duyên em.


* Cười hớn hở

Chồng giận thì vợ làm lành

miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi

muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.


* Cười mím chi

Cóc nghiến răng còn động lòng trời

Anh mê em vì em có nụ cười mím chi.


* Cười giòn

Ngó lên đầu tóc em tròn

hàm răng em trắng miệng cười dòn anh mê.


* Cười nụ

Cười nụ hay là cười tình

cười trăng cười gió hay mình cười ta?

Từ những bậc tao nhân mặc khách đến hàng dân giả, mở miệng nói là có vần có điệu, buông lời hợp điệu tạo nên những câu ‘lục/bát’ tả tình, tả cảnh, nêu lên hình ảnh và cảnh tượng để gửi gấm tâm sự, ước mơ, để châm biếm, phản kháng… Ca Dao mang tính trữ tình, hài hước, dí dỏm, v.v., dễ hiểu nhưng đôi khi cũng lắt léo.


Thể thơ trong Ca Dao


Nói đến Ca Dao không thể không điểm qua thể thơ ‘lục/bát’ vì ngoài những hình thức biến thể khác, Ca Dao phần lớn theo thể ‘lục/bát’. Điều cần ghi nhận ở đây là thể thơ ‘lục/bát’ vốn bắt nguồn từ Ca Dao, một thể thức đễ đọc, dễ ngâm nga, dễ nhớ, và nhất là dễ truyền cảm. Cũng xin mở dấu ngoặc để ghi nhận thêm là người Chăm, người Mường cũng có thơ ‘lục/bát’, hầu như đây cũng là thể thơ chung của vùng Đông Nam Á. Có giả thuyết cho rằng người Chăm đã sáng tạo ra thể thơ ‘lục/bát’.


Theo nhà thơ Inrasara, tên thật là Phú Trạm, quê làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhà thơ nổi tiếng gốc Chăm của Việt Nam, đã đoạt giải thưởng của Trung Tâm Lịch Sử và Văn Minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne, Pháp với công trình nghiên cứu văn học Chăm, ông cũng không rõ thơ ‘lục/bát’ của Chăm có từ khi nào; tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 16, đầu 17, sử thi Akayet Dewa Mưno ra đời thì đã có ‘lục/bát’ Chăm.


Theo ông Vũ Quang Việt thì ‘lục/bát’ Việt Nam có thể phát triển sau khi bắt được các ca nhân người Chăm đem về vùng Sơn Tây. Và theo Nguyễn Đức Hiệp thì thể thơ Ariya của người Chăm và thơ ‘lục/bát’ của Việt Nam rất nhiều điểm tương đồng. Ngoài ra có điều là trừ một số những bài thơ, còn lại hầu như các tác phẩm văn học của người Chăm trước thế kỷ 20, kể cả Ariya thơ trữ tình và sử thi Akayet đều là khuyết danh.


Lục/bát Chăm, ngoài cách gieo vần thanh ‘bằng’ và hợp vần ở chữ cuối câu sáu với chữ thứ tư câu tám, còn dùng cả vần thanh ‘trắc’ nữa; lục/bát Việt Nam khác ở chỗ thường là chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu câu tám.


Ngôn ngữ mỗi dân tộc có nét đặc thù riêng nên ‘nàng thơ’ cũng có dáng đi yểu điệu mỗi nơi một khác.Tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm nên khi gieo vần theo lối đếm âm, khi thì theo dạng nuốt âm, điều mà không có trong thơ Việt.


a) Lục/bát Chăm chữ cuối câu sáu vần với âm thứ tư câu tám như:

Thei mai mưng deh thei o

Drơh phik kơu lo yaum sa urang

  Ai đến từ đàng kia xa

  giống người yêu ta riêng chỉ một người.

và trong Ca Dao Việt Nam cũng có trường hợp tương tự:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

bước xuống vườn hái nụ tầm xuân


Thơ người Chăm gieo cả vần bằng lẫn vần trắc:

Mai baik dei brei pha crong

Tangin dei tapong kauk luk mưnhưk

Bbuk ai tarung yơu hrơk

Tangin dei pơk nhjwơh yơu tathi

  Về đi em cho đầu gác

  Bàn tay em vuốt, đầu xức dầu thơm

  Tóc anh bù rối như rơm

  Tay em vuốt thì mượt như lược chải.

Cách gieo vần trắc cũng thấy có trong Ca Dao Việt.

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quến nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

nhện ơi, nhện hỡi mày đi đàng nào?!

Và rồi ngôn ngữ Thượng nơi miền cao với núi rừng trùng điệp cũng đã dõi theo những vần ‘lục/bát’

Cái rừng, cái lá, cái chim

Cái cây, cái cội, cái tim con người

Cái ta đứng giữa cái trời

Cái da mầu nắng ngậm lời cái đau!

(Blao 1972)

Tóm lại Ca Dao là tiếng hát của xóm làng, thôn quê trải dài qua lịch sử giống nòi.

Ca Dao xử dụng trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn nào cũng được, rất giầu âm điệu, không cần âm nhạc phụ họa.


Người Việt thuở xưa, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều thuộc Ca Dao ít nhiều, bởi không dùng để chỉ hát lên cho vui ngày tháng trong lúc làm việc, hoặc với điệu “Quan Họ” trong các dịp hội hè, lễ tết v.v., mà ngoài ra còn với một điều thực dụng nữa là cần thuộc để ứng khẩu khi gặp trường hợp thấy khó nói bằng lời nói thường, ví như khi muốn mọi người cùng chia sẻ, đóng góp, người ta hay mượn câu ca cho có vẻ tế nhị hơn:

Tới đây chẳng hát thì hò

đâu phải như cò ngỏng cổ mà nghe.

hoặc:

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn

chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.

Rồi nữa, qua áng Ca Dao sau đây:

Trên trời có đám mây xanh

ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

ước gì anh lấy được nàng

để anh mua gạch Bát Tràng về xây

xây dọc rồi lại xây ngang

xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

có rửa thì rửa chân tay

chớ rửa lông mày chết cá ao anh!

Ta thấy toàn bài những vần không hợp nhau liên tục mà ba đoạn vần gieo khác nhau. Ở đây không biết có gì ngầm ý con số ba ‘3’ theo triết lý ‘tam hợp’ của Đông phương không?


Đoạn đầu mượn thiên nhiên với ba mầu mây: xanh, trắng, và vàng như để mào đầu cho tâm sự muốn giãi bầy, rồi mới nói lên ước mơ tình ái của mình.


Tình yêu ngày xa xưa ấy vốn dựa vào thiên nhiên như ta vẫn thường nghe và thấy những người yêu nhau vốn thề thốt dưới trăng (trong thi ca còn có ‘trăng thề’), thề nguyền với sông, biển:

Bao giờ cạn nước Đồng Nai

Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời thề.

Qua đoạn hai, nói lên những hứa hẹn, chiều chuộng mà chàng trai dành cho người tình; “xây dọc rồi lại xây ngang” như ngầm ý nói đến ‘tung’ và ‘hoành’ (dọc, ngang), chỉ sự rộng lớn, bao la như bốn phương trời.


Thế rồi sao lại không là hồ vuông, hồ tròn, mà là hồ bán nguyệt? Nửa vầng trăng, nửa vòng tròn, ngoài ý nói đó là một hình cong, tượng trưng cho vòng cong lông mày, kẻ viết bài trộm nghĩ phải chăng đó tượng trưng cho một nửa của đời chàng như trong Anh ngữ có từ chỉ người bạn đời “A better half”.


Rồi xây hồ chỉ để cho nàng rửa chân sao và tại sao lại là rửa chân?


Chân là cơ phận để đứng và di chuyển, để đi và đến, nói về con gái, người ta vẫn có câu “gót son chân ngà”, Đôi bàn chân con gái bước đi trong đời có 12 bến nước, trong nhờ đục chịu.


Sau cùng, để tôn vinh vẻ đẹp của nàng theo quan niệm cổ điển qua lời khuyên, nhắn nhủ “Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.” Tay, chân dù có bụi bám, dơ bẩn cũng không làm chết được cá, sao lông mày lại như có vẻ độc hại đến thế!


Ở đây phải chăng tác giả khuyết danh muốn mượn ý câu nói nhan sắc mỹ nhân đẹp đến độ “chim sa cá lặn”.


* Nói về cặp lông mày của phụ nữ, thường các nàng tự tô vẽ, trang điểm lấy trong phòng, trước gương soi, mấy ai có diễm phúc được săn sóc như người đẹp Triệu Minh trong truyện võ hiệp của Kim Dung.


Trong bài Ca Dao có những điểm nghe như không ổn lắm, đang nói đến ‘hồ’ ở câu sáu, lại nói ‘ao’ ở câu tám. Phải chăng tác giả muốn tránh dùng điệp ngữ , vả lại ao hay hồ cũng là chỗ đất trũng chứa đầy nước. Điều này cũng chứng tỏ sự uyển chuyển, thoải mái và linh động trong thi ca qua tâm hồn mộc mạc, bình dị của người bình dân.


Ngoài ra có giả thuyết cho rằng bài Ca Dao này còn hai câu cuối nữa như sau:

Có chết thì chết cá mè ranh

đừng chết cá trắm, chép mà anh bắt đền.

Hai câu cuối này nếu như có thực thì nghe cũng chí lý lắm vì nói đến toàn loài cá mầu trắng, thân hình như chiếc lá, giống như cá diếc, rất gợi hình, khác với cá trê, cá quả (còn gọi là cá chuối, cá xộp), mình tròn. Ngoài ra cá mè thường có vẻ gầy ốm và nhiều xương hơn nên mới nằm ở câu trên.


Như đã nói trên, Ca Dao ngoài tính trữ tình còn mang tính ỡm ờ, dí dỏm thật tài tình.

Có chồng từ thuở mười lăm

chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi

đến năm mười tám đôi mươi

tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường

một rằng thương, hai rằng thương

có bốn chân giường gẫy một còn ba.

 

*

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Đan sàng thiếp cũng xin vâng

Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?

Mọi sinh hoạt từ tình cảm, xã hội đến vui chơi, lễ nghi tôn giáo v.v. đều dưới bầu trời mưa nắng, bên lũy tre, bờ đê, dưới ánh trăng thanh, trong không gian bốn mùa. Quê hương Việt Nam xưa vốn là miền đất dạt dào ý thơ. Ca Dao Việt Nam là những áng thi ca trổi lên từ ruộng đồng, nương rẫy, từ vườn dâu nong kén, từ luống khoai, vườn chè xanh, và từ vạt khói chiều trên mái tranh v.v.


Lời ca khi ngân lên qua ngôn ngữ con người qủa đã thành tiếng thời gian vọng đi mãi mãi trong lòng dân tộc


Chỉ có trở về nguồn ta mới bắt gặp được, mới tận hưởng được những tình tự của trái tim con người, và để thấy được rằng Ca Dao vẫn tiếp nối hành trình nhân sinh của dân tộc. Ngôn ngữ đã khoác áo Ca Dao đi làm sứ giả cho nội tâm con người, quả như Alain Bosquet đã nói qua lời thơ:

Au fond de chaque mot

J’assiste à ma naissance

Trong thâm sâu của từ ngữ

Tôi thấy mình được sinh ra.

Cuộc sống của một nghệ sỹ bình dân với bản thể tương giao, phóng hồn mình vào vũ trụ, vào ngoại vật để gặp mình, để thấy thân phận mình:

Thân em như hạt mưa sa

hạt rơi xuống giếng, hạt ra ngoài đồng

Phóng cái nhìn vào cảnh vật, người bình dân không chỉ để hòa đồng mà còn hong lên nồng độ của khát khao, cô quạnh của mình:

Anh đi đàng ấy xa xa

để em ôm bóng trăng tà năm canh

Trong lãnh vực tình tự, cái nhìn của bản ngã chính là cái nhìn ‘tôi đi tìm tôi’, tìm để nhận diện cái tôi của tình yêu, của kỷ niệm đôi lứa…

Còn đêm nay nữa, mai đi

lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề.

Còn đêm nay nữa, mai về

lạng vàng không tiếc, tiếc kề má son.

Ca Dao còn là nguồn tài liệu mang giá trị văn học và lịch sử, còn gọi đó là “Lịch sử ngầm”, ví như trong câu “Hò Mái Đẩy”

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

thuyền ai thấp thoáng bên sông

nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Theo học giả Thái Văn Kiểm trong cuốn “Cố Đô Huế” thì con thuyền trôi trên sông Hương mơ màng ấy đã chở một Trần Cao Vân cùng với vua Duy Tân ngồi bàn quốc sự, chống ngoại xâm (1916).


Câu hò mà người dân xứ Huế thuộc lòng đến độ tưởng là Ca Dao mà quên đi tác giả là nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị; cũng như câu:

Hỡi cô tát nước bên đàng

cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi

của nhà thơ Bàng Bá Lân mà ngày nay ai cũng tưởng đó là Ca Dao.


Với Ca Dao thuần túy có thể kể đến những câu như:

Tiếc thay cây quế giữa rừng

để cho chú mán chú mường nó leo!

nói về việc công chúa Huyền Trân sang làm dâu Chiêm quốc.


hoặc:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay!


Theo nhà thơ Bàng Bá Lân kể lại thì Chúa Nguyễn Ánh lúc ở Côn Sơn với phi tần Lê Thị Răm có một con trai tên là Cải. Nguyễn Ánh sai Cải theo Giám mục D’Adran sang Pháp cầu viện, Cải không chịu đi, có lẽ vì không tán thành việc dâng đất nên bị ném xuống biển, còn phi tần, mẹ Cải bị bỏ lại Côn Sơn và bị một tên Biện làm nhục, bà uất ức mà chết.


Ca Dao Bình Định có những câu trong đó cả ba loại cây đều là những cây gắn liền với cuộc sống người dân, hầu như đâu đâu cũng có trồng và không những mang dấu ấn tình tự dân gian mà còn đi vào văn học với những áng thi ca:

Đầu làng có một cây đa

cuối làng cây cậy, ngã ba cây dừa

dầu em đi sớm về trưa

xin em hãy nghỉ bóng mát cây dừa nhà anh.

Cũng xin điểm qua một vài khúc Ca Dao thời đại để cảm nhận sức mạnh tiềm tàng trong ngôn ngữ dân tộc:

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

ruộng vườn bán trước cửa nhà bán sau

ai ơi xin cứ ăn rau

đừng ăn cá thịt mà đau dạ dầy.

nghe thật chua xót, đắng cay và mỉa mai!


Rồi để mô tả người con gái dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ta nghe:

Da em thơm như mùi cơm mậu dịch

Má em hồng như vỏ củ khoai lang

Tình em thắm đượm như cà chấm tương.

hoặc khi người dân sống dưới chế độ bạo tàn, phi nhân, ngày đêm hồi hộp, lo sợ nên truyền đời cho con cháu:

Con ơi nhớ lấy câu này

cướp đêm: kiểm soát, cướp ngày: kiểm kê.

hoặc:

Áo nâu quần đen

trông giống con sen

ấy người Hà Nội

Dép râu nón cối

ăn gian nói dối

ấy cán bộ cao.

Hà Nội, đất ‘ngàn năm văn vật’ một thời từng là nơi quy tụ trai thanh gái lịch, nay còn đâu! Rồi chuyện hàng ngày trong cuộc sống người dân đã và đang diễn ra trước mắt, tạo nên những áng ca dao chua chát môi người:

Ở với Hồ chí Minh

cái đinh phải ‘đăng ký’

trái bí cũng sắp hàng

khoai lang cần tem phiếu

cái chiếu phải mua bông

lấy chồng phải báo cáo

lang thang đi cải tạo

hết gạo ăn bo bo

độc lập với tự do

nằm co mà hạnh phúc!

Và rồi trong những tự do cơ bản của con người là tự do đi lại, tự do cư trú mà ở đất nước chế độ tự ngạo mạn là ‘đỉnh cao trí tuệ’ lại thế này qua những so sánh thực tiễn ngoài đời:

Trăm năm trong cõi người ta

ở đâu cũng được đi ra đi vào

xa xôi như xứ Bồ Đào

người ta còn được đi vào đi ra

đen dủi như Angola

người ta cũng được đi ra đi vào

chậm tiến như ở xứ Lào

người ta vẫn được đi vào đi ra

chỉ riêng có ở nước ta

người ta không được đi ra đi vào!

Trong ngành giáo dục được coi là nghề cao qúy, thế mà:

Thầy giáo lãnh lương ba đồng

làm sao sống nổi mà không đi thồ

dù thầy có đạp xích lô

làm sao xây dựng tiền đồ học sinh!

Giá Trị


1. Giá trị nhân văn


Từ thuở ấu thơ, Ca Dao đã gắn bó với cuộc đời qua những lời hát, điệu ru. Tiếng nói trữ tình không thể thiếu trong đời sống tinh thần; tình và nghĩa hòa quyện vào nhau tạo nên nếp sống tinh thần phong phú và sâu sắc.


Chất nhân văn trong Ca Dao thấm đậm trong quan niệm về con người:

- vẻ đẹp con người trong mối quan hệ, thiên nhiên trong Ca Dao luôn được mô tả với nét tinh tế, gợi cảm.

- vẻ đẹp con người với cộng đồng trong tương quan xã hội.

- biểu lộ sức sống người dân qua những đối kháng trong nhân cách.


2. Giá trị văn học


Tác phẩm dân gian luôn là nền tảng của văn học thành văn. Với cội nguồn lịch sử và chữ viết phong phú, đa dạng nên Ca Dao và Dân Ca có mặt ở Việt Nam rất sớm. Văn học dân gian đã ảnh hưởng lớn đến đời sống con người một cách rất tự nhiên.


3. Giá trị đạo đức


Giá trị đạo đức truyền thống được thể hiện qua Ca Dao, điều chỉnh, hướng dẫn hành vi xử thế.


Kết luận


Con người của Ca Dao là con người của cuộc sống, Ca Dao có hai mặt: Bản ngã và Vô ngã.


Thiên nhiên là nguồn đề tài lớn trong Ca Dao, phản ảnh mối quan hệ giữa con người với môi trường. Thiên nhiên được cài vào Ca Dao không chỉ là vì lòng yêu quê hương mà còn là phương tiện để diễn đạt tình cảm, thể hiện triết lý đời sống.


Cứu cánh của Ca Dao là nuôi dưỡng tâm hồn Việt:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi thân xác hát nuôi phần hồn


Huy Cận đã cảm nhận hồn thiêng đất nước trong tiếng ru hời Ca Dao Mẹ Việt Nam:

Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

hồn thiêng đất nước còn ngồi bên con.


Ca Dao phát triển phần lớn qua thể thơ ‘Lục/Bát’ nên người đời có câu:

Ca Dao là thân xác, Lục Bát là vòng tay.

Khi luận về truyện Kiều của Nguyễn Du, học giả Phạm Quỳnh viết: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn thì nước Việt còn.”


Học giả Phạm Quỳnh không phải là không có lý do khi nói thế, theo thiển ý của chúng tôi, trước hết muốn giữ được quê hương, bảo tồn được văn hóa truyền thống dân tộc không thể không duy trì ngôn ngữ; muốn duy trì ngôn ngữ không chỉ ở văn chương bác học, cũng không hẳn hoàn toàn do những nhà khoa bảng (tiếng Hán hay tiếng Tây) mà cốt lõi là ở giới bình dân, họ chỉ nói tiếng Việt, chỉ nghe và yêu tiếng Việt vì họ không biết và không cần gì ngoài tiếng Việt trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày, làm việc với nhau bằng ngôn ngữ Việt, chung sống với nhau bằng ngôn ngữ Việt, và yêu nhau cũng bằng ngôn ngữ Việt, giúp đỡ nhau, hướng dẫn đời nhau, chia sẻ những kinh nghiệm và tình cảm với nhau bằng ngôn ngữ Việt.


Trở lại với truyện Kiều, mặc dù là một tác phẩm văn chương bác học song trong đó có lẽ ít khi chúng ta để ý đến yếu tố đặc biệt mà thi hào Nguyễn Du đã kết hợp văn chương bác học với văn chương bình dân, một cuộc ‘hôn phối’ tuyệt vời.


Đó là trong tuyệt tác phẩm này người ta thấy có ít nhất là khoảng 180 lần tác giả đã dùng những thành ngữ, Ca dao, và Tục ngữ, ví như:


- Đoạn nói về mưu ý của Hoạn Thư:

Làm cho trông thấy nhãn tiền

Cho người thăm ván bán tuyền biết tay

nỗi lòng kín chẳng ai hay

ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.     (gió thổi ngoài tai)


nghĩ đà bưng kín miệng bình         (kín như hũ nút)

nào ai có khảo mà mình lại xưng     (không khảo mà xưng)

những là e ấp dung dằng

rút giây sợ nữa động rừng lại thôi.     (rút giây động rừng)

- rồi nữa:

Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.

lạ gì một cốt một đồng xưa nay.


bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi.

cùng người một hội một thuyền đâu xa.


Thân lươn bao quản lấm đầu

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Nguyễn Du xuất thân dòng dõi qúy tộc song lại xử dụng nhiều thể loại văn chương bình dân, ngoài yếu tố ảnh hưởng nơi quê mẹ, Bắc Ninh, cái nôi của Quan Họ, còn cho ta thấy giá trị và ảnh hưởng văn học trong văn chương bình dân với nếp sống tinh thần của dân tộc.


Trường Thy

Văn Hóa Việt Nam, số 70 (Mùa Thu 2015)