29-7-2017 | VĂN HỌC

Từ Đền Sách Cấm Parthenon ở Đức, Buenos Aires tới Chiến Dịch Cộng Sản Đốt Sách Miền Nam 1975

  TRÙNG DƯƠNG

 

Trái: Đền Sách Cấm Parthenon, sáng tác phẩm của nữ nghệ sĩ Argentina, Marta Minujín, phối hợp
thực hiện với lễ hội nghệ thuật documenta14 tại Kassel, Đức Quốc, với 100,000 cuốn sách
của 170 ấn bản đã từng bị cấm trong kho tàng văn học nhân loại. Cuộc triển lãm mở cho công chúng
xem từ ngày 10 tháng Sáu tới ngày 17 tháng Chín tới. (Ảnh documenta14).
Phải: Khách thăm đền chiêm ngưỡng những cuốn sách bọc trong giấy nhựa quấn quanh các cột đền.
(Ảnh Gordon Welters/The New York Times)

Đền Sách Cấm Parthenon ở Kassel, Đức Quốc, 2017


Bản tin của tờ báo điện tử Atlas Obscura tới hộp thơ hôm 19 tháng Bẩy có một cái tựa gợi óc tò mò của tôi.


“Một Đền Sách Cấm Parthenon Dựng tại Nơi Đã Từng Dùng Để Đốt Sách.” Nơi đã chứng kiến cảnh tượng đốt sách đó là khuôn viên Viện Bảo Tàng Fridericianum của thành phố Kassel, nguyên xưa là một thư viện, nơi vào năm 1933 Đức Quốc Xã đã đốt khoảng 2,000 cuốn sách trong cái gọi là Chiến dịch Chống lại Tinh thần Phản Đức Quốc.


Kassel nằm cách Berlin về phía tây nam khoảng 4 tiếng lái xe, nơi cứ mỗi năm năm một lần diễn ra lễ hội nghệ thuật kéo dài nhiều ngày trưng bầy các nghệ phẩm hiện đại có tên là documenta (không viết hoa chữ d). Hình thành vào năm 1955, với tên nguyên thủy là Society of Western Art of the 20th Century sau đổi thành doumenta, tổ chức này có mục đích trưng bầy những tác phẩm mà Đức Quốc Xã cho là “sa đoạ” và đã hủy diệt, trong đó có cả nhiều tác phẩm hội hoạ nổi tiếng của các hoạ sĩ thuộc trường phái trừu tượng và lập thể hồi đầu thề kỷ 20. Năm nay, documenta triển lãm song song với thành phố Athens cũng trong khuôn khổ trưng bầy những tác phẩm nghệ thuật, kể cả phim ảnh, có tính cách hiện đại, khai phá. Chỉ tại Kassel mới có dựng Đền Sách Cấm.


Năm nay, năm thứ 14 của lễ hội documenta, nổi bật trong các tác phẩm trưng bầy là ngôi Đền Sách Cấm Parthenon dập khuôn kiến trúc và kích thước thật của đền Parthenon, một ngôi đền cổ hiện còn di tích và đang được trùng tu trên đồi Acropolis tại thủ đô Athens, Hy Lạp. Xây cất từ năm 438 trước Thiên Chúa để thờ Nữ thần Athena, thần bảo bộ của thành phố Athens. Parthenon, một kiến trúc nguy nga, tuyệt đẹp, vốn là cái nôi và biểu tượng của nền dân chủ đầu tiên của văn minh Tây phương.


Do nữ nghệ sĩ người Argentina, Marta Minujín, 74 tuổi, thực hiện, tác phẩm nghệ thuật độc đáo Đền Sách Cấm này thành hình với sự đóng góp và tình nguyện của nhiều người, đặc biệt là các sinh viên thuộc Đại học Kassel. Ban tổ chức cho biết bằng việc trưng bầy các tác phẩm cấm của toàn thế giới từ xưa tới nay lên khung toà Parthenon tượng trưng dân chủ này, nữ nghệ sĩ Minujín muốn kêu gọi chúng ta hãy suy ngẫm về vai trò của các thể chế chính trị độc tài đòi kiểm soát tư tuởng của con người.


Đền Sách Cấm Parthenon có kích thước thật của ngôi đền cổ trên đồi Acropolis, với những hàng cột kết bằng ống thiếc bao bọc xung quanh bởi khoảng 100,000 ấn bản của những cuốn sách đã bị cấm, nay đang được lưu hành, hoặc vẫn còn bị cấm đó đây.


Trong danh sách khoảng 70,000 tựa sách bị cấm trên toàn thế giới, chỉ có các ấn bản của khoảng 170 cuốn sách thuộc nhiều ngôn ngữ đã được gửi tới từ các nơi trên thế giới để góp phần dựng nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhằm ca ngợi cái đẹp của tự do tư tưởng và sáng tạo. (*)


Trong số những cuốn sách được gửi tới tham dự thấy có The Satanic Verses của Salman Rushdie, The Adventures of Tom Sawyer của Mark Twain, The Kite Runner của Khaled Hosseini, Gossip Girl của Cecily von Ziegesar, là vài trong những cuốn sách có thể lưu hành nơi này nhưng bị cấm ở chỗ khác.


Khởi công từ cuối năm rồi cùng với lời kêu gọi đóng góp các cuốn sánh đã từng bị cấm từ trước tới giờ, hiện vẫn bị cấm hay đã được lưu hành, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, Đền Sách Cấm mở ra cho công chúng vào xem từ ngày 10 tháng Sáu, và sẽ kết thúc ngày 17 tháng Chín tới.


 

Trái: nữ nghệ sĩ Marta Minujín đứng trước tác phẩm kiến trúc nghệ thuật Đền Sách Cấm
Parthenon của mình tại thành phố Kassel, Đức Quốc. (Ảnh Ronny Hartmann, AFP/Getty Images).

 

Phải: một tình nguyện viên đang điều chỉnh vài trong số 100,000 cuốn sách cấm
bọc trong giấy plastic quấn quanh những cây cột của ngôi đền. (Ảnh documenta14)

Đây là lần thứ hai bà Minujín kiến tạo một tác phẩm nghệ thuật loại này.


Đền Sách Cấm Parthenon ở Buenos Aires, Argentina, 1983


Lần đầu vào năm 1983 sau khi quê hương của bà thoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt kéo dài từ năm 1976, bà đã dựng nên công trình “El Partenón de Libros,” với khoảng 20,000 cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha đã bị chế độ cấm. Trong số sách cấm này có cả những bản dịch các tác phẩm ngoại ngữ của Sigmund Freud, Karl Marx, Jean-Paul Sartre, Adam Smith, Ernesto Sábato, Antonio Gramsci, G.W.F. Hegel, Ernest Hemingway, Jorge Luis Borges, Marguerite Yourcenar và Michel Foucault, luôn cả những cuốn để tra cứu như cuốn Salvat Encyclopedia và vô số sách chuyện cho trẻ em, kể cả cuốn sách dịch The Little Prince/Cậu Hoàng Nhỏ của Antoine de Saint-Exupéry.


Những cuốn sách này do trên 35 nhà xuất bản của Argentina tặng lại nhờ đã cất giấu được dưới hầm suốt thời gian dưới chế độ quân phiệt. Đền Sách Cấm Buenos Aires được thiết kế bằng các ống thiếc bao phủ bởi sách, rộng 15 mét, dài 30 mét và cao 12 mét (tức bằng nửa kích thước của nguyên bản Parthenon ở Athen). Dựng tại trục đường chính 9 de Julio Avenue và Santa Fe Avenue ở thủ đô Buenos Aires, Đền Sách Cấm khai mạc ngày 19 tháng Mười Hai năm 1983, một tuần lễ sau khi nền dân chủ Argentina được chính thức vãn hồi.


Năm ngày sau, với sự tiếp sức của hai cây cần cẩu, khung đền được giữ ở thế nghiêng để dân chúng lấy sách đem về đọc hoặc giữ làm của riêng. Khoảng 12,000 cuốn đã được phân phối cho dân chúng, số 8,000 cuốn còn lại thì được tặng lại cho các thư viện, trong tinh thần “trả lại tác phẩm cho quần chúng,” như bà Minujín diễn tả. Có lẽ không thể có cuộc liên hoan mừng dân chủ được vãn hồi nào cảm động và ý nghĩa bằng việc tặng lại những cuốn sách bị cấm cho quần chúng độc giả.


Công trình Đền Sách Cấm/El Partenón de Libros của nữ nghệ sĩ Marta Minujín dựng tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, năm 1983 sau khi chế độ quân phiệt độc tài bị lật đổ sau bẩy năm nắm quyền. Nhỏ bằng nửa kích thước thật của đền Parthenon ở Athen, Hy Lạp, El Partenón được quấn quanh bởi 20,000 cuốn sách bị chế độ quân phiệt cấm trong bẩy năm cầm quyền. Dân Agentina kéo đến thăm Đền Sách Cấm đồng thời ăn mừng nền dân chủ quốc gia vừa được vãn hồi. (Ảnh tư liệu của Marta Minujín)

 

Trái: Sau năm ngày triển lãm, hai cây cần cẩu được điều động tới nâng nghiêng kiến trúc
của Đền Sách Cấm/El Partenón de Libros để dân chúng tự gỡ sách đem về nhà đọc.

 

Phải: Đuợc ban tổ chức khuyến khích, dân chúng đua nhau gỡ sách đem về làm của riêng.
Khoảng 12,000 cuốn đã được phân phối cho dân chúng, số 8,000 cuốn còn lại thì được tặng lại
cho các thư viện, trong tinh thần “trả lại tác phẩm cho dân chúng,” như bà Marta Minujín diễn tả.
(Ảnh tư liệu của Marta Munijín)

Một ngôi đền Parthenon Sách Cấm cho Văn học Miền Nam


Theo thói quen, trước khi viết về một đề tài phát xuất từ một bản tin, tôi lục tìm xem đã có báo Việt ngữ nào đăng tải hay đã khai thác ra sao tin về Đền Sách Cấm ở Kassel để còn liệu chiều hướng cho bài viết cho mình.


Có thể tôi đã bỏ sót, nhưng tôi không tìm thấy một tờ báo Việt ngữ hay trang điện tử nào ở hải ngoại đi tin này, trừ một bản tin liên hệ ngắn trên vtimes.com.au ở Melbourne.


Thế nhưng lại có khá nhiều trang Web của báo chí trong nước đã đăng tải tin về Đền Sách Cấm ở Kassel. Tất nhiên đó là những bản tin sơ sài, có tính cách thông tin giải trí, với những cái tít đại khái: “Ngỡ ngàng đền Parthenon xây bằng sách cấm to bằng nguyên bản,” trên vov.vn, ngày 10 tháng Bẩy; “Chiêm ngưỡng kiến trúc hoành tráng của đền sách Parthenon,” trên baomoi.com, ngày 19 tháng Bẩy; “Bản sao” đền Parthenon độc đáo làm từ 100,000 cuốn sách,” trên vtv.vn, ngày 11 tháng Bẩy; “Nghệ sĩ Argentina dựng đền Parthenon hoành tráng bằng 100,000 cuốn sách ‘cấm’,” trên trithucvn.net, ngày 12 tháng Bẩy.


Đặc biệt là bên dưới bản tin đăng trên trang báo điện tử trithucvn.net có cái link tới một bài khiến tôi không khỏi tò mò, ký tên Hiểu Huy, có tựa là “Nhìn lại lịch sử đốt sách trên thế giới,” đăng ngày 2 tháng Tư năm nay, điểm qua các vụ đốt sách trong lịch sử nhân loại, với các chi tiết thống kê hẳn hoi, từ thời Tần Thủy Hoàng bên Tầu, tới thời Đức Quốc Xã, Liên Sô, Trung Cộng qua cuộc Cách mạng Văn hoá. Đã có tổng cộng 22,992 lượt vào xem, chắc cũng vì tò mò,và có lẽ với cả chút hy vọng nào đó, về cái tựa đề, như tôi.


Tuyệt nhiên, không chỉ trong những bản tin sơ sài có tính cách giải trí, mà trong bài “Nhìn lại lịch sử đốt sách trên thế giới” dài trên 2,000 chữ có tính cách biên khảo này, cũng không một chữ nhắc tới vụ đốt sách man rợ hàng trăm ngàn cuốn sách của Miền Nam tự do, tiếp theo là cuộc đầy đọa các văn nghệ sĩ Miền Nam của Cộng sản Việt Nam sau khi chiếm được Miền Nam vào ngày 30 tháng Tư, 1975.


Tác giả các bản tin và bài báo trên cố ý loại bỏ dữ kiện lịch sử này vì có viết ra cũng bị kiểm duyệt, có khi còn bị lôi thôi cho mình? Hay họ không biết, hay biết mà không nhớ, hoặc tưởng mình nằm mơ vì chuyện quá siêu thực, không tưởng tượng được vào lúc loài người đã văn minh và tiến bộ vượt bực như thời cuối thế kỷ rồi? Hay trong sự im lặng hàng loạt ấy cũng đồng thời là lời thầm nhắn gửi tới người Việt hải ngoại về cái điều họ không thể nói, xin chúng ta nói giùm họ?


 

Trái: Nhà sách Khai Trí, do ông Nguyễn Hùng Trương (1926-2005), một người quý sách,
khởi lập từ năm 1952, là một trong nhiều tiệm sách tại trung tâm Saigòn trước 1975,
biểu tượng của sinh hoạt văn học nghệ thuật tự do phong phú của Miền Nam. (Ảnh Internet)

 

Phải: Chưa đầy một tháng sau khi chiếm Miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh đóng cửa
tất cả các tiệm sách, cấm lưu hành mọi sách đã xuất bản trước 1975 ở Miền Nam, khích động
thanh thiếu niên đi biểu tình đòi “bài trừ văn hoá đồi trụy phản động” như trong hình bên mặt.
(Ảnh Corbis/Getty Images, chụp ngày 27 tháng Năm, 1975)

Dù gì thì tôi cũng thấy có bổn phận lược thuật lại ở đây, cho bài viết về các Đền Sách Cấm Parthenon được đầy đủ, trọn vẹn. Và cũng để nhắc nhở lại một trong những tội tầy trời của người cộng sản đối với đất nước và dân tộc.


Trong tập Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến, ấn bản thứ ba, do nhà Văn Nghệ ở Nam Cali (nay đã ngưng hoạt động) xuất bản vào năm 2000, có phần phụ lục tại các trang 421-434 về chiến dịch đốt sách này. Kèm với phần về các thông tri, nghị định liên quan đến vụ đốt sách của 42 năm về trước là trích đọan “Số phận của sách và người viết sách” rút từ bài viết “Hoàn cảnh sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ ở quê nhà” của nhân chứng/nạn nhân/ nhà văn Nhật Tiến. Bài của Nhật Tiến hiện có tại link trong phần chú thích bên dưới. (**)


Ngay sau khi cưỡng chiếm xong Miền Nam, việc đầu tiên của cộng sản là phát động chiến dịch bài trừ cái gọi là nền “văn hoá đồi trụy” của 20 năm văn học nghệ thuật tự do và phong phú nhất trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa tới giờ.


Ngay từ sáng ngày 25 tháng Năm, 1975, chưa đầy một tháng sau khi chiếm được Miền Nam, nhà nước cộng sản loan tin trên đài phát thanh lệnh cấm sách xuất bản dưới chế độ cũ. Trước đó, ngày 22 tháng Năm đã có lệnh đóng cửa tất cả những tiệm sách ở Saigon và Miền Nam, như ông Võ Phiến đã viết trong phần phụ lục: “Chính quyền mới cho rằng quét sạch văn hoá là việc tối khẩn trương. Bắc quân vừa chiếm đất xong, quân đội và viên chức lớn nhỏ của chế độ trước chưa vội bắt giữ, nhưng sách đã lập tức bị tóm giữ ngay.” (tr. 425)


Một loạt những thông tri nghị định được ban hành, chưa kịp cả làm bản sao để những kẻ có nhiệm vụ thi hành lệnh tịch thu đưa cho các nạn nhân xem, và họ chỉ cần, theo nhà văn Nhật Tiến, đeo một cái băng đỏ ở cánh tay là họ tự cho phép xông vào nhà nạn nhân lục soát và tịch thu bất cứ sách vở, giấy tờ, kể cả loại sách tham khảo như tự điển. Nhiều cảnh đau thương đã xẩy ra cho các văn nghệ sĩ Miền Nam hoặc bị kẹt lại, hoặc tự ý chọn ở lại, vì nghĩ đất nước đã thanh bình và thống nhất, rằng cộng sản thì cũng là người Việt mình với nhau.


Không chỉ riêng họ, mà toàn thể dân Miền Nam đã nhận ra sau đó là: không có chuyện được người cộng sản đối xử như “cũng là người mình cả với nhau.”


Các thông tri đưa ra trong chiến dịch quét sạch văn hoá Miền Nam đều có kèm theo những bảng danh mục cấm sách: 1) danh mục các cơ sở xuất bản (rất nhiều, có thể cả ngàn cơ sở lớn nhỏ, hồi ấy ở Miền Nam, vì là có tự do) bị cấm toàn bộ các sách đã xuất bản; 2) danh mục các nhà xuất bảnsách thiếu nhi bị cấm toàn bộ những sách đã xuất bản; 3) danh mục các tác giả, dịch giả có sách kiếm hiệp bị cấm toàn bộ; 4) danh mục các tác giả có sách bị cấm toàn bộ; và 5) danh mục các sách bị cấm lưu hành.


Tóm lại, toàn bộ văn học Miền Nam, cỡ cả triệu cuốn không chừng,không kể những văn nghệ phẩm khác như nhạc, hoạ, phim ảnh, đã bị khai tử, hàng trăm ngàn cuốn sách đã tịch thu, hoả thiêu. Nhưng không chỉ văn học Miền Nam bị thiêu hủy mà bộ văn học thời tiền chiến mà Miền Nam đã tái gầy dựng và nuôi dưỡng cũng trở thành “người chết hai lần, thịt da nát tan” dưới chế độ cộng sản. Theo “Hồi ký của một người Hà Nội” đăng trên nhật báo Người Việt ngày 24 tháng Chín, 2014, được trích lại nơi trang “Diễn đàn hội luận phỏng vấn hiện tình Việt Nam,”văn học thời tiền chiến đã bị thiêu hủy năm 1954 ở miền Bắc, và sau đó lại bị khai tử lần hai tại miền Nam sau năm 1975. (***)


Nhìn lại, quả thực những người có lương tri không thể tưởng tượng được chuyện đốt sách đã xẩy ra ở Miền Nam, mới đây thôi, chứ không phải xa xôi gì như thời Tần Thủy Hoàng hay Đức Quốc Xã.


Song, cũng có vô số văn nghệ phẩm đã được tẩu tán, bởi người Miền Nam và cả bởi người từ Miền Bắc vào. Những người sau này đã hẳn là phải ngỡ ngàng trước một Miền Nam thực ra mới chính là bên đã giải phóng họ khỏi bao nhiêu năm bị bịt mắt, lừa lọc, hy sinh một cách vô ích.


Mong một ngày không xa chúng ta có dịp nói như nữ nghệ sĩ Marta Minujín trước El Partenón de Libros của bà ở Buenos Aires vào năm 1983, “trả lại tác phẩm cho quần chúng.”


[TD, 07/2017]

Trùng Dương

Nguồn: ddiendantheky.net

Chú thích:

(*) Xem danh sách trên 170 tựa sách đã từng bị cấm góp mặt trên Đền Sách Cấm Kassel tại http://www.documenta14.de/en/news/1601/call-for-book-donations. Cũng tại link này độc giả có thể tải xuống danh sách khoảng 70,000 tựa sách cấm toàn thế giới.

(**) “Hoàn Cảnh Sáng tác Của Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ Ở Quê Nhà - Thời điểm Sài Gòn Sau 30-4-1975 và Hải ngoại sau 1980”: https://nhavannhattien.wordpress.com/hoan-canh-sang-tac-cua-anh-chi-em-van-nghe-si-o-que-nha/

(***) “Hồi ký của một người Hà Nội,” http://www.nguoi-viet.com/dien-dan/Hoi-ky-cua-mot-nguoi-Ha-Noi-0753/; và “Diễn đàn hội luận phỏng vấn hiện tình Việt Nam,” https://hientinhvn.wordpress.com/2012/07/10/1672/