7-5-2017 | VĂN HỌC

Hình như cây súng con lạ lắm

  TRẦN HOÀI THƯ

 

        Viết về tính nhân bản trong văn học miền Nam thời chiến


hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
(Nguyễn Dương Quang)

Một


Chúng tôi bắt đầu bằng hai đoạn thơ của Nguyễn Dương Quang cho bài tản mạn về tính nhân bản trong văn chương thời chiến được post kể từ hôm nay.

dù đợi người qua trên lối chết

lạ sao tôi thấy rất bâng khuâng

có rất nhiều điều thật khó nói

đêm sơ giao sẽ chỉ một lần


cỏ ơi, có thấy ai trên đồi

vẫn thường vác hận thù đi xuống?

mà sao ta thấy cỏ không vui

cỏ lạnh lùng hơn là sương mỏng

(Nguyễn Dương Quang: Đêm kích dưới chân đồi)

Chắc khi đọc hai đoạn trên, có người sẽ phán, đại ý: Đánh giặc mà có trái tim Bồ Tát, trong khi kẻ thù thì hung hăng cuồng sát muốn thọc tim uống máu mình thì mình lại thương xót cho mạng sống của nó. Chả trách miền Nam bị mất là phải?


Vâng. Có thể lời buộc tội kia là đúng. Nhưng không thể trách người lính của chúng ta được. Bởi người lính ấy đã học, không phải bằng những bài học căm thù, bằng những sự dối gạt, phỉnh lừa, bằng sự mê muội cuồng sát từ những bộ óc chỉ biết máu me, mà trái lại, từ lòng từ bi của Phật, tính bác ái của Chúa, từ những lời ru ca dao ca ngợi tình người, hay những bài học về đạo làm người...


Nhưng mà, với những câu hỏi bâng khuâng ấy, người lính đâu có bao giờ bỏ cuộc? Hãy nghĩ lại đi: Khi người lính bâng khuâng, người lính đang ở đâu, làm gì? Đang ở trong tháp ngà, ở những nơi an toàn, những hậu phương ăn chơi mặc ai chết sống? Hay là đang thật sự đối diện với kẻ thù? Anh đang nằm đợi giặc. Anh đang ở tuyến đầu. Anh đang mở trừng mắt trong cõi đêm. Xung quanh anh là cõi dữ. Thần trí anh căng thẳng. Tai anh cố lắng nghe tiếng động. Anh cố phân biệt tiếng động của con chuột, con chồn và tiếng động của bước chân. Lâu lắm. Khóa an toàn đã mở. Mìn claymore đã chờ chực đón chờ. Không phải chỉ một mình anh mà một tiểu đội hờm sẵn. Anh cố gắng căm thù thằng giặc. Nhưng đêm tối anh không thể hình dung ra. Căm thù. Căm thù gì. Nếu căm thù là căm thù cái bọn khốn nạn ở đàng sau đã xúi đã dùng những mỹ từ những nhân danh đẹp đẽ để đẩy đưa người trẻ tuổi miền Bắc vào Nam. Để trở thành con mồi. Để anh phải giết hắn. Anh phải nhắm ngay vào đầu, vào tim, vào ngực hắn. Vậy mà anh vẫn chấp nhận. Chấp nhận như bạn bè anh chấp nhận. Chấp nhận bởi vì chẳng có con đường nào trừ cái cổng vào trại lính và ra ngoài chiến trường. Chấp nhận để buổi chiều mang súng xuống đồi cùng đám con làm chốt bảo vệ cho kẻ khác được sống. Nhưng mà, xin các ngươi đừng lên mặt đạo đức, luân lý giáo khoa thư. Trước khi phán xét, xin hãy mang poncho, ba-lô thử về nằm một đêm trên gò mả, dưới mương rạch, để hiểu về ý nghĩ của người lính. Ôi đêm thì quá dài, dài vô tận. Xin hãy cho anh được quyền nghĩ. Hãy cho anh phẫn nộ. Hãy cho anh nhớ đến người yêu. Hãy cho anh được nói lên cái run sợ khi anh biết rằng anh được lệnh phải thực hiện một nhiệm vụ quá ư nguy hiểm. Hãy cho anh có quyền thương xót một mạng người. Hãy cho anh dùng thi ca văn chương để giải thoát những gì mà trái tim anh đang nói, đang kể. Tim anh không phải là tim thép. Miệng anh câm nín không có quyền nói lên ý nghĩ tuổi trẻ của anh thì hãy cho tim anh được nói mà.


Trời ơi! Buổi sơ giao của chúng ta sao mà bi thiết. Vì ai. Đến cỏ còn đau. Cỏ còn phải buồn ngấn màn sương lệ:


mà sao ta thấy cỏ không vui

cỏ lạnh lùng hơn là sương mỏng


Vì sao?

Nói như Mai Thảo:

Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. [2]

____

[1] Thơ miền Nam trong thời chiến tập I, Thư Ấn Quán xb tại Hoa Kỳ 2009

[2] Mai Thảo - Giới thiệu truyện ngắn Bệnh Xá Cuối Năm của Trần Hoài Thư (tạp chí Văn ngày 1-3-1972)



Hai


Không phải những câu thơ đầy tình người của Nguyễn Dương Quang là những câu thơ hiếm. Trái lại chúng bàng bạc khắp cùng thơ văn miền Nam nhất là thơ văn của những người mang bộ đồng phục.


Đối với người lính, cây súng là một vật bất ly thân cần phải có bên mình. Súng là vợ, đạn là con. Trong quân trường chúng tôi vẫn hằng nghe những lời nhắc nhở của các huấn luyện viên. Ra đơn vị, trước khi “làm ăn”, đơn vị tập họp, người trung đội phó trình diện, người trung đội trưởng kiểm soát lại súng đạn sợ thuộc cấp vì ngại nặng mà bỏ bê. Nhưng khi khẩu súng đã khoác lên vai, đã cầm trong tay, thì nó được nhìn bằng hai cách khác biệt giữa văn chương miền Bắc và văn chương miền Nam:


Trong văn chương miền Bắc, thời chiến, súng được xem như một biểu tượng cho một nhiệm vụ thiêng liêng hãnh diện. Cầm phải cầm chặt. Nhắm phải nhắm trúng, càng hạ nhiều quân thù càng tốt. Như bài thơ ngợi khen của “Bác Hồ” về chiến công một tiểu đội 11 dân quân gái đánh tan một tiểu đoàn lính Mỹ, dùng súng trường hạ 4 xe tăng (!):

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.”

(nguồn: Internet)


Súng không còn là một phương tiện để tự vệ nhưng được nhắc nhở đến một nhiệm vụ cao cả:


Chiếc bàn ngồi học năm xưa

Con về ngồi đấy, trước giờ xuất quân

Vở xưa soạn lại tần ngần

Sách xưa tay sẽ lật dần từng chương

Cây A.K dựng bên tường

Lặng im như nhắc: chiến trường chờ con

(Chế Lan Viên – súng bên bàn)


.....

Xóm dưới làng trên, con trai con gái

Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau,

Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội,

Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.

Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp

Chào nhau không kịp nhớ mặt

Dô hò nón vẫy theo…

(Chính Hữu)


.....

Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ

Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn

Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng

Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!… (Nguyễn Đức Mậu)


Tôi nghĩ trích dẫn mấy bài thơ trên cũng đủ để chúng ta có cái nhìn về văn chương miền Bắc. Chúng chỉ có rập khuôn với chừng nấy ý: xem việc cầm súng là nhiệm vụ thiêng liêng, xem việc giết kẻ địch càng nhiều càng tốt là niềm hãnh diện. Thơ chính là một vũ khí không hơn không kém.


Còn cây súng trong văn chương miền Nam thì sao?

hình như cây súng con lạ lắm

sao nó run lên khi đạn lên nòng

tâm hồn nó như tâm hồn con vậy

một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

(Nguyễn Dương Quang - Đêm cuối năm viết cho má) [1]

Nó không phải là một biểu tượng của chiến công, hay một nhiệm vụ thiêng liêng, mà ngược lại, nó như que củi khô:

buổi chiều những bà mẹ run rẩy thắp hương đốt nến và thu hai bàn tay lên mặt đã ướt như mặt ngói mùa mưa đầy rêu xanh

những cây súng nằm hiền lành như những cành củi vung vãi, nghếch mũi lên trời thở hơi khét.

(Nguyễn Phan Thịnh – Những ngày nội chiến) [1]

Súng chỉ là một phương tiện để tự vệ:

ta mang súng trường tưởng săn chim săn chuột

một đôi khi ta lỡ dại săn người

ta biết chắc Phật Trời không chấp nhất

không bắn người người cũng bắn ta thôi

(Nguyễn Sinh Từ – Trần Tình) [1]

Súng không phải mang lại niềm vui mà ngược lại:

viên đạn tròn trong nòng

khóa an toàn đã mở

xin anh em vui lòng

xin bạn bè hớn hở

mừng tôi giờ chiến công

trái tim nào nát vỡ

anh em nào thấy không?

(Phan Nhự Thức – Hòn đạn) [1] [2]

Cũng có khi, súng dùng để trút nỗi lòng tâm sự thầm kín.

Tay súng làm sao mà giữ lấy em?

ôi gió nào lên buồn mang mang

cát hoang cồn bãi hàng theo hàng

trái tim nghe đã mềm tay lụa

thơ cũng vàng trưa nắng hạ vàng

phương này trời dựng cao mong nhớ

đầu gối ba lô hồn phiêu bồng

thương em lòng rợp che đường nhỏ

tình trải xanh giòng sông tiếp sông

phương ấy giờ em nghiêng nón che

chiều tan học thả mộng sang hè

vu vơ giăng tuổi rong đường phố

nỗi tình e cũng đã sương che

ta đêm phục kích ngày lùng giặc

tay súng làm sao giữ lấy em

mười nhánh sông trôi vào nghi hoặc

muốn hỏi nhưng đành im lặng im

buồn lắm em ơi nào hiểu không

ở đây vết lệ giòng tuôn giòng

phương kia thành phố vui bè bạn

có nghĩ gì ta một nẻo mong?

sơn hội (buổi dừng quân tháng ba)

(Phan Nhự Thức – Nỗi tình trên súng) [1] [2]

Nhắc đến súng là nhắc đến sự sống và chết cận kề. Đó là ám ảnh. Để người lính viết sẵn di chúc:

Tôi vẫn lo sợ nếu mai kia tôi chết đi

Một viên đạn làm vỡ tan lồng ngực một trái phá vô tình xé thân thể tôi thành nhiều mảnh thịt nhầy nhụa đất đen. Mắt tôi sẽ phải nhắm lại, miệng tôi sẽ phải câm lặng muôn đời, trí óc tôi sẽ không còn suy nghĩ thì làm sao người ta có thể biết được tôi muốn nói gì trong óc.

Tôi muốn rằng nếu mai nầy tôi có rủi ro nằm xuống

Xin người ta đừng khoác lên linh hồn tôi quá nhiều danh từ vĩ đại

Xin đừng bắt tôi cúi đầu nhận chịu những vương miện những vòng hoa đổi lấy cuộc đời

Cũng xin hãy đừng truy niệm tôi bằng giây phút trống rỗng trong tâm hồn những người còn sống.

Đừng làm gì hết cả – đừng khóc cho tôi hỡi người yêu nhỏ bé hãy để dành nước mắt cho những mối tình dang dở.

Những người thân còn lại bên bờ cuộc đời hãy nghe đây:

- Ta không cần các người đưa tiễn, ta không cần các người xót thương.

Ta không cần những hình thức những lễ tấn phong những hình ảnh đời người đã chết.

Ta đi đây – ta chiến đấu cho các người giành cơm giành áo, giành tiền bạc sang giàu.

Ta, ta giành từng chút hơi thở thiên thần, từng mảnh trời không bị cắt xén không bị che kín bởi màu đỏ của máu lửa màu đen của đêm tối màu trắng của tang tóc.

Ta giành lại từng tấc đất yên lành cho những bước chân không còn sợ gì gai góc.

Ta giành lại ánh sáng công viên lối đi sỏi đá bóng mát cho những cặp tình nhân chưa biết gì về cuộc đời giả dối.

Ta giành lại sách vở bút mực loài dã thú muốn chiếm đoạt về cho các em – các em có thể dùng để viết những danh ngôn những bài thơ ca tụng ái tình hay làm gì tùy ý.

Ta xin giành lại những khung trời cổ tích những nàng tiên ngoan hiền thần thoại

về cho những khuôn mặt trẻ thơ.

Ta xin giành cho những người già cả mớ tháng ngày còn lại yên lành như lòng nôi của mẹ.

Và cuối cùng ta giành lại cho người yêu nhỏ bé những giọt nước mắt vui mừng những vòng tay ân sủng những nụ cười không hề tính toán những đêm nằm ôm gối mà chẳng biết cô đơn.

Để chấm dứt bản chúc thư ta xin – Nếu ngày mai ta chết hãy đốt lấy thi hài ta rải cùng mặt đất để cho mỗi nơi có một hạt bụi rơi xuống sẽ mọc lên một mầm Thương Yêu.

(Phù Vân – Chúc thư) [1]

Dù cây súng là một vũ khí dùng để giết người, nhưng trong thi ca miền Nam, chúng ta nhận ra nó đã mang theo một ý nghĩa của sự bắt buộc, chẳng đặng dừng: Ta bắn ngươi vì ngươi bạc phước / Chiến tranh này chỉ một trò chơi (thơ Nguyễn Bắc Sơn)


Súng cũng làm đậm nét thêm tình người, lòng nhân đạo:

nó bị thương

bị bắt sống

mọi người đòi giết nó:

nó núp trong hầm

với một khẩu tiểu liên

cầm chân cả trung đội:

nó bắn ngã chúng tôi một người

bắn bị thương hai người khác

tôi đọc nét căm hờn

trên những khuôn mặt đồng đội

mọi người đòi giết nó

tên du kích vùng khốn nạn

gài lựu đạn lùm cây bờ ruộng

giết những người bắt cá mò tôm

nó nằm đó

mình bết bùn

máu cánh tay nhầy nhụa

tránh những tia nhìn nổ lửa

những báng súng gờm gờm

nó nằm chờ

một phát súng vào đầu

một lưỡi dao rạch bụng

một cái đạp xuống hố sâu

nó nằm chờ nằm chờ

tử thần

(Trang Châu: Nước mắt kẻ thù) [3]

Đối với văn chương miền Bắc, súng đồng nghĩa với chiến công. Nhưng đối với văn chương miền Nam, chiến công là:

nhưng

chỉ có bàn tay vuốt dịu căm hờn

bàn tay băng bó vết thương

bàn tay vỗ về an ủi

nó nằm chờ tử thần

sững sờ bắt gặp tình thương

đồng loại

đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ

nhen hai dòng lệ nhỏ

Trong cuộc chiến hôm nay

cho tôi xin chiến đấu không hận thù

xin những vết thương bình đẳng

cho tôi đổi một trăm chiến thắng

lấy một giọt nước mắt kẻ thù

(Trang Châu: Nước mắt kẻ thù) [3]

Kể chuyện về cây súng là kể một chuyện dài. Chỉ xin được trích lại một số thơ tiêu biểu. Và để bạn đọc phán đoán về văn chương hai miền. Để có câu trả lời về một nền văn chương đích thật.

Tùy bạn.

____

[1] Thơ miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản 2009

[2] Đốt Tuổi, thi phẩm của Phan Như Thức, Thư Ấn Quán tái bản

[3] Thơ tự do miền Nam, Thư Ấn Quán sưu tập và xb, 2009


Ba


Thơ miền Bắc, có bài hay, tôi công nhận. Ví dụ bài Về Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật có những đoạn như thế này:

...

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

……

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(nguồn: Internet)


Hay từ chữ, và hay đến cách ví von. Hay cách biết biến những chữ chết, khô thành những chữ sống. Hay ở chỗ là tác giả biến nỗi gian khổ thành niềm hạnh phúc. Hiểm nguy thành nỗi can đảm và khinh mạn. Và hay ở tinh thần đồng đội được thắp sáng.


Đọc bài thơ, mới thấy rõ về sự khác biệt rất lớn giữa hai giòng thi ca Nam và Bắc. Trong văn thơ miền Bắc, trái tim chỉ biết tới một con đường duy nhất, là con đường vào Nam, để chiếm cho được miền Nam. Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim. Nó không ngoằn ngoèo, quanh co. Nó là cái mục đích tối hậu, mà cả một miền Bắc, bấy giờ, dồn mọi nỗ lực để đạt cho được. Nó là chân lý. Cái chân lý do đảng đặt ra, và cái câu “miền Nam ở trong trái tim tôi” của Hồ Chí Minh. Con đường ấy đã vùi biết bao nhiêu người trẻ tuổi, chắc có nhiều người còn mang theo bên mình bài thơ của Phạm Tiến Duật. Con đường ấy đã dẫy đầy những hố bom B52 và những người chết vì bị sức ép của bom làm hộc máu mồm, máu mũi. Con đường ấy đã làm cho những người lính thám kích chúng tôi phải rụng tim nghẹt thở để báo cáo về Bộ chỉ huy hành quân. Những ngày thì im lặng ghê rợn, nhưng về đêm thì đèn nối đèn, xe nối xe vận chuyển đạn dược vào Nam. Và tiếng dội vang động cả một đường kính vài cây số từ trong cánh rừng già vọng đến. Con đường ấy đã dựng xong. Xe đã đến đích… Vâng, miền Nam thua. Văn hóa miền Nam bị truy diệt. Người miền Nam bị tù tội đọa đày. Nhà phố miền Nam bị chiếm đoạt. Bầu trời của miền Nam bị cướp đi màu xanh. Và lịch sử trả lời. Trả lời cho con đường đi thẳng vào tim đấy. Nó chạy ra biển. Nó là mạt lộ nhưng là con đường cứu rỗi của Noé thời đại này.


Bây giờ một câu hỏi. Những nỗi cam khổ gian nguy ấy, những cái giá rất đắt ấy, những ngôi mồ lớp lớp hàng hàng ấy, đã được đền bù cho con đường mình chọn, mình đặt vào trái tim không? Thơ có phải là một sức mạnh như Napoléon từng xem một cây bút là một sư đoàn không hay là một đồng lõa của tội ác?

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

....

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông

Thôi em, chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

“Nhất khứ bất phục phản” là thường!

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về: thân cạn máu khô xương

Ngày về: hôn lễ hay tang lễ

Hề chi! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

(Phạm Ngọc Lư – Biên Cương Hành) [1]

Trong một cuộc chiến kinh hoàng đến độ: Chiến trường ném binh như vãi đậu/ Đoàn quân ma bay khắp bốn phương như vậy, nhưng chúng ta chẳng bao giờ tìm được trong văn chương miền Bắc một giòng, một câu để có thể diễn tả trung thật về cuộc chiến. [2] Trong khi đó, trong thơ văn miền Nam, thì khác. Người viết văn làm thơ không thể giả câm, giả điếc, giả mù để giết đi trái tim của mình.


Nguyên Sa đã có những bài thơ tình mà miền Nam rất mến mộ như bài Áo lụa Hà đông, vậy mà ông phải ăn năn hối hận cho những nhầm lẫn dĩ vãng của mình:

bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai

bây giờ đứng gác đêm ở rừng già gió lạnh thấu xương

ta mới biết rằng sương lạnh như thế

ta mới biết rằng gió lạnh như thế

ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát

ta là một thằng dốt nát

vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng

ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết

anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ bao nhiêu năm

....

hãy tha thứ cho ta

những anh em đã chết

những anh em chết ở bờ ở bụi

những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu

những anh em chết khi đi di hành

những anh em chết khi đi phục kích

những anh em chết mặt đẹp như hoa

một ngàn lần hơn ta

cũng chết

những anh em học giỏi như thần đồng

một ngàn lần hơn ta

cũng chết

những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm

cũng chết

những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run

cũng chết

những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta

cũng chết

những anh em mẹ già còn yếu hơn mẹ già ta

cũng chết

những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta

đã chết

đang chết

và còn chết

hãy tha thứ cho ta

8/1967

(Nguyên Sa: Xin Lỗi Về Những Nhầm Lẫn Dĩ Vãng)

Ôi, chỉ những câu thơ ca ngợi về tình yêu thuần túy để thăng hoa cái đẹp cho đời như áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc / áo nàng xanh anh mến lá sân trường... chỉ những câu mà xét ra không có gì đáng tội để phải mà ăn năn, vậy mà nhà thơ còn cảm thấy ăn năn hối hận và xin lỗi về những nhầm lẫn của dĩ vãng, đủ biết tiếng nói của con tim – ở đây là lương tâm – là mạnh mẽ đến chừng nào.


Còn ở miền Bắc, không biết có nhà thơ nào còn có lương tâm giống như nhà thơ Nguyên Sa không?


oOo


Vâng trái tim, tức là tình người, là nghe nó đập, kêu gào, phẫn nộ, nó vui buồn đau khổ và hạnh phúc. Thấy dân oan mà thương, thấy tội ác mà lên tiếng. Không khuất phục trước những đe dọa và bạo lực.


Trong Cõi Đá Vàng [3], nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm đã dành cả một chương để nói lên niềm cảm tạ trái tim của con người. Bà đã dành hầu như hết những con chữ đẹp nhất óng ả nhất để ngợi ca thi ca.

….

Đêm vừa tàn, trời mưa vừa tạnh, em bàng hoàng, chới với vì anh vừa thốt tiếng chia ly. Em cuống quýt, mê man vì đau đớn, em nguyện cầu xin Trời hãy cho mưa trút nước cho thành lụt, cho khỏi con thuyền cách bến sang.

Nhưng rồi anh cũng ra đi, anh rời khỏi vòng tay em, dấn thân vào vòng đam mê, đỏ tươi rừng rực lửa đạn bạo tàn. Anh đi rồi, em vẫn còn ngồi mãi bên bờ sông khóc tận chiều, em khóc cho mối tình không chắc, lệ có vơi cùng đau khổ quạnh hiu, tiễn anh dạo này mùa thay lá, mai ngày nếu anh hy sinh trước hay em trước, ta nguyện ôm mồ chôn kiếp yêu.”

Tiếng ngâm của Huỳnh bỗng trở nên khờ dại:

“Lòng em là mẹ bầy con dại

Mẹ bé mồ côi khổ rất nhiều,

Lòng khổ đi tìm thương xót khổ

Khổ trần xin họp bến nâng niu.”


*


“Này, hãy nghe đây, có một nước cộng đồng. Ở đó có nghìn Chúa bay lên, nghìn Chúa xưng tên, không thiết nhìn nhau, rằng đó là nhau.

Này, hãy nghe đây, ở nước cộng đồng người người đều no lành, sức người không hề nghèo, hoa đời không hề tàn. Này, này, hãy nghe đây, ở nước cộng đồng đầu đầu quầng mười vầng thần trí, người người quầng mười vầng từ bi. Này, này, hãy nghe đây, người hãy gắng sức đi tìm một nước cộng đồng như thế trên vũ trụ biến động khôn lường này.”


Đó là những điều mà Huỳnh đã gởi gắm trong thơ của anh. Tiếng ngâm của Huỳnh vang vang niềm ưu ái xót thương.

Lời thơ như hơi thở cúi xuống thổi đi chút bụi mờ trên giòng đá khắc, khuôn mặt Huỳnh ẩn hiện dưới ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ, râu tóc phủ kín mặt anh chỉ để lộ sống mũi cao và đôi mắt ngời ngời một nỗi bi thương giữa một thế giới hoang tàn. Huyên xúc động sâu xa, một chân trời vừa mở trước tuổi thơ thần thánh có những suy tưởng đam mê đến cùng cực. Từ bao lâu Huyên đã buông mình trôi bềnh bồng trong đó, có một cái gì trong Huyên từ chối một sự thức tỉnh, nàng biết rằng đàng nào cũng chỉ đưa đến một sự giằng co rách nát tâm hồn mà thôi.


Trong muôn ngàn mớ cảm nghĩ hỗn độn đau buồn đó, Huyên mơ hồ nghe những tiếng thơ của Trần nối tiếp.

“Mưa rừng. Ngày này qua ngày khác, những cơn mưa kéo dài lê thê dưới bầu trời nặng trĩu mây đen. Cả vũ trụ ướt sũng vây hãm lấy ta. Rừng sâu rạp mình dưới cơn mưa ngàn thác lũ, không một lời chim vọng lại, bao lâu ta thức trong lòng lá, nghe suối trường thiên kể nỗi niềm.

Rồi một ngày, mây đen dàn thành hàng theo gió bay đi, mở hé một mảnh trời xanh như thoáng hiện thiên đường, có tia nắng lọt qua kẽ mây chiếu xuống khu rừng một chớp lóe tinh khôi. Tức thì rừng sâu xao xác, vạn vật cựa mình, ta nghe muôn ngàn tiếng chim trỗi lên lảnh lót.


Đột nhiên tiếng chim tắt nghẹn, vạn vật im lìm, rừng thiêng cúi lặng, ta lạ lùng chẳng hiểu từ đâu, ngẩng trông lên, tia nắng phỉnh phờ không còn nữa, bầu trời giăng giăng một màn mây xám xịt.

Tia nắng đã có ma lực sai khiến chim rừng mừng hão vội ca vang, từng tràng lanh lảnh nhưng rồi ngậm, ta ngẩng trông trời xám sắc mây!!!”


*


“Em nằm đó, đất ấm êm ôm ấp da thịt tươi nồng của em. Mồ thì xanh, xanh quá, lá say đời. Hàng cây lá lướt thướt nghiêng xuống mồ em, rỏ lên thi thể còn xanh của em những hạt lệ tao phùng. Đêm đêm, có ánh sao khuya băng mình qua hàng ngàn thế kỷ đến đậu trên hàng mi em, trên mắt em khép kín một giọt sáng long lanh.


Em nằm đó, thời gian ân cần đón nhận em vào lòng Mẹ Thiên Thu. Em buồn chi em, có anh, người thi sĩ quỳ xuống bên em, có môi anh hôn lên vết thương se sắt của em, có môi anh hôn lên đầu mũi tên tẩm độc, có bàn tay anh vuốt mặt cho em, bàn tay anh xin em xóa hết hận thù.

Trả lại cho thế nhân bao căm hờn phi lý, trả lại cho người ngọn lửa dữ hung tàn. Bao kinh hoàng đớn đau xưa không còn nữa, xin em rủ lòng thương lũ người quay lại giày xéo lên nhau.

Đồng loại em đánh đuổi em ra khỏi cuộc đời, em nằm xuống đây, Đất Trời giao hòa thương mến, em nằm xuống đây, yên hàn thư thái, đợi chờ đồng loại thoát kiếp u mê, trở về cùng em trong lòng hư vô bất tuyệt.”


Tiếng thơ đã dứt từ lâu, mọi người chưa hết bàng hoàng. Gió lộng từ trời cao xoáy sâu xuống lòng biển rộng, bùng lên một âm ba chấn động khiến không gian khép nép.

Ngọn đèn dầu khô cạn, không ai buồn nói năng. Huyên kinh ngạc đến toàn thân bất động, có cái gì đâu đây, một ý thức vạn năng của kiếp sống, có một điều gì đó, lần đầu tiên trong tâm trí non nớt của Huyên bỗng nhiên thấy mình trở nên cao cả, vĩ đại vô cùng. Huyên nhìn quanh những khuôn mặt đều trở nên gần gũi thân thiết biết bao.

Đêm nay tâm hồn Huyên chùng xuống, cảm thông với cõi miền vô cùng vô tận. Đêm nay giữa lòng quê hương chiến tranh hận thù chất ngất, người thơ đã vượt muôn trùng, giữa sóng gào gió thét, mang về một chút bình yên trong lòng người thế hệ.

*


Trong suốt cả hơn 400 trang, chúng tôi đã thấy rộ nở lên những búp sen búp súng về cái Đẹp ấy giữa những đầm lầy của dối trá, tội ác, máu me và thống khổ của một dân tộc mà người CS đã làm mưa làm gió.


Nói như nhận xét của nhà văn Khuất Đẩu, sau khi chúng tôi chuyển file đến anh để chia sẻ niềm vui chung:

…Đó chính là thông điệp gửi tới người đọc, rằng tình yêu vượt thoát lên trên tất cả, tình yêu chiến thắng cái ác và vĩnh viễn bất diệt.

Vậy nên, đừng xếp chị vào những nhà văn chống cộng mặc dù tác phẩm là một bản cáo trạng rất chân thực và sâu sắc, bởi vì đứng trên đỉnh cao của tình yêu, chị nói tới cái Đẹp viết hoa của chính con Người.

Xin được cám ơn nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm.

Xin được cám ơn miền Nam ân nghĩa đã cho chúng tôi có cánh cửa mở sau những bức tường.

____

[1] Giai phẩm Văn tháng 10, 1972. Thơ miền Nam thời chiến, Thư Ấn quán Hoa Kỳ 2005

[2] Chỉ sau này trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, ta mới được đọc, hay bài thơ của Chế Lan Viên ăn năn về việc thơ ông đã gián tiếp giết biết bao nhiêu người trong trận Tổng Công Kích Mậu Thân.

[3] Nguyễn thị Thanh Sâm – Cõi Đá Vàng, truyện dài, An Tiêm xuất bản 1972, Thư Ấn Quán tái bản 2012


Trần Hoài Thư

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 58, Tháng 12-2013
Số đặc biệt Thơ Văn Giáng Sinh-
Tính Nhân Bản Trong Văn Học Miền Nam