4-6-2020 | VĂN HỌC

Dịch Bệnh và Văn Chương

  TRẦN HOÀI THƯ

Trong văn học Việt Nam, rất ít tác phẩm cũng như tác giả viết về dịch bệnh. Trong văn học thế kỷ 19, chỉ có “Chiêu Hồn Ca” hay còn gọi là “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du mới bắt nguồn từ hậu quả khủng khiếp của căn bệnh mà thời ấy gọi là “thiên thời” đã khiến bao nhiêu vong hồn không hương không khói (mời đọc bài của Hoài Thanh, Thiếu Lăng trong số này). Rồi qua thế kỷ 20, cả trăm năm cũng chẳng thấy một ai mang dịch bệnh làm đề tài vào tác phẩm của họ như văn hào Camus đã làm qua La Peste (Dịch Hạch). Chỉ có chăng là Nuôi Sẹo của Triều Sơn, xuất hiện vào khoảng thời kỳ trước 1954, thấy đề cập đến dịch, nhưng không phải là nạn nhân mà kẻ “chống dịch”. Đó là một mẫu người “miễn nhiễm”, nhưng không phải là thánh thần hay có một quyền lực siêu nhiên gì đó, mà trái lại là một hạng người bần cùng, ngu độn, không phân biệt giữa ác và thiện, vô cảm, được sử dụng trong những vụ giết heo, giết chó, chôn người, đặc biệt là những xác bị chết vì dịch bệnh. Có thể dụng ý của tác giả là một lời cảnh giác: Coi chừng, hắn có ngày trở thành lãnh tụ!..

 

 Xin nhớ là tác phẩm này xuất hiện trước năm 1954, một trường thiên tiểu thuyết, được tác giả thai nghén trong thời gian tác giả lưu lạc ở Pháp, được bạn bè sưu tầm lại, sau khi tác giả chết âm thầm ở Paris năm 1954 thọ 33 tuổi.


Tiếp đến là trong thời chiến tranh, thì hầu như không thấy, ngoại trừ truyện ngắn “Sau trận dịch tả” của Dương Nghiễm Mậu được viết vào năm 1961. Người đọc phải giật mình vì cái cảnh tượng mà nhà văn DNM mô tả, những nhân vật chính mà tác giả đã đưa vào truyện lại giống như đúc hôm nay! Nào là lòng tham của “chệt”, bất kể dịch bệnh, lén lút mang những con chuột nhiễm bệnh dịch hạch ấy về thành phố để bán lấy tiền, và nhất là cái ác tính của lão Chệt, đã dùng hòn đá đập vào đầu của vị bác sĩ ân nhân của mình, vì vị bác sĩ này không chịu ăn thịt chuột dịch.


Cũng trong thời chiến, có hai tác phẩm dịch có liên quan đến dịch bệnh là “La Peste” của Camus, và “Les Mouches” của J. Paul Sartre. “La Peste” được Hoàng văn Đức dịch dưới tựa đề “Dịch Hạch”, đăng trên tạp chí Văn Học vào năm 1965. “Les Mouches” được dịch bởi Phùng Thăng dưới nhan đề “Những Ruồi”, do Thanh Hiên xuất bản năm 1967.

 

Tuy nhiên, thảm họa về Dịch hạch chỉ là cái bóng mờ mà thế hệ chiến tranh chúng tôi chẳng bao giờ để tâm. Chỉ có “dịch người” mới thật sự là mối ám ảnh lớn: Những đàn ruồi của thành Argos lại thêm một lần sống lại mang tin dữ về những bãi xác người giòi bọ lúc nhúc khắp nơi khắp chốn trong khi chiến tranh càng lúc càng khốc liệt, vũ khí càng ngày càng tối tân, mức sát hại càng lúc càng khủng khiếp...


Cuối cùng, phải kể đến bài thơ “Mùa Hạn” của Tô Thùy Yên được tác giả làm vào năm 1979 tại Nghệ Tĩnh. Nếu thời phong kiến, vua lập đàn cầu đảo thì giờ đây, có một người thi sĩ tiếp tục làm nhiệm vụ ấy, cho toàn miền Nam.


Sau đây chúng tôi đi vào chi tiết những tác phẩm tiêu biểu mà chúng tôi vừa đề cập.


1. Văn tế thập loại chúng sinh


Có thể nói, thời của thi hào Nguyễn Du còn sống là thời rất nhiều trận dịch. Trong đó là trận đại dịch năm 1820, có đến hơn 206.000 người bị chết (1/10 dân số bấy giờ). Chính trận đại dịch này đã kết liễu đời cụ Tiên Điền.


Theo tài liệu được thu thập trên Net, có tất cả là 70 trận dịch lớn nhỏ xảy ra vào thế kỷ 19. Chính trong thời gian này, vua chúa triều Nguyễn phải ra lệnh lập đàn để cầu đảo, vì các ngài tin rằng, dịch bệnh là một hình phạt bởi trời, không cho mua một thời gian dài, gây nên hạn hán, dịch bệnh, mà lúc bấy giờ gọi chung là bệnh “thiên thời”.

 

“Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận).


... Tục biên chép việc năm Canh Tuất (1670) “trời không mưa, nhân dân nhiều người mắc dịch bệnh. Vương thượng [chúa Trịnh] thành tâm tạ đảo cầu trời mưa”; năm Nhâm Ngọ (1762) “nhân dân nhiều người bị bệnh dịch. Triều đình hạ lệnh cho quan các lộ lập đàn cầu đảo”. Thời Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu cho hay năm Giáp Tuất (1814) khi dịch bệnh “lệnh cho lập đàn tế cầu đảo”; năm Bính Tuất (1826) có dịch bệnh vua đã “lập đàn tế tại Kinh, các trấn đều lập đàn tế cả”.


Có điều là dịch thời bấy giờ, không thấy một cuốn sách hay một trang văn thơ nào, ngay cả ca dao cũng chẳng thấy nhắc, trừ “Chiêu Hồn Ca” hay còn gọi là “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du.


Nhà phê bình văn học Trần Thanh Mai cũng như Hoài Thanh đều cho rằng chính những câu đầu của Văn chiêu hồn này là một bằng chứng chứng tỏ Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh được sáng tác sau khi cụ Nguyễn Du thấy những thảm cảnh kinh hoàng do trận dịch gây nên:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác mưa sa

Lòng nào lòng chẳng thiết tha

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Ông Trần Thanh Mại giải thích như sau:

“Chúng ta đang bước vào tiết đầu thu. Trải qua một mùa hạ nóng bức như đốt như thiêu, ta rơi òm vào một mùa thu âm u ẩm thấp, không khí nặng nề u uất, làm cho cả người chúng ta rã rời buồn bã, mất cả nghị lực siêng năng. Ngày hôm kia cả làng bên sông đều phát bệnh thiên thời. Ban đầu năm bảy người chết, sau đến hàng chục hàng trăm. Hôm qua thần dịch đã lội qua sông, rồi xóm dưới xóm trên, tiếng kêu khóc rên la đã bắt đầu inh ỏi.

(Xin xem bài nói chuyện của Trần Thanh Mại đăng ở phần sau)

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh cũng cùng một nhận định giống như Trần Thanh Mại về một tháng bảy phát sinh bệnh “thiên thời” nhưng giải thích rõ hơn:

Nguyên dân ta vẫn thường tin rằng mỗi năm đến tiết tháng bảy ở dưới Âm phủ mở ngục cho vong linh lên dương gian. Những cô hồn không chỗ nương nhờ về than khóc và quấy nhiễu người sống. Sở dĩ có sự mê tín này có lẽ bởi vì tiết tháng bảy ở xứ ta trời nóng nực và ẩm thấp nhiều người chết vì bệnh thiên thời. Đứng trước cảnh đau đớn đó người mình muốn tìm ra một cái nguyên nhân và một cách giải thoát. Cũng vì thế mà vào tháng này hay có sự lập đàn làm chay đề siêu độ các âm hồn bơ vơ không thừa tự.


Một cái đề như thế mà trước kia chưa thấy ai đem vào văn thơ: đến sau này, các văn sĩ cũng tuồng như không biết đến. Trước sau tôi chỉ thấy có cụ Nguyễn Du. Chỉ một cái sáng kiến đó đã thấy cụ Nguyễn Du hơn các văn sĩ khác nhiều, gần hạng bình dân hơn các văn sĩ khác nhiều.

(Xin xem bài viết “Văn Chiêu Hồn” của Hoài Thanh đăng ở phần sau)

2. Nuôi Sẹo


Trong thời kỳ này thưa thớt vài tác giả như Tô Hoài, trong truyện ngắn “Chuột Thành phố” kể qua loa về cái bệnh dịch hạch khiến đám chuột thành phố phải một phen kinh hoàng vì loài người tìm mọi cách tận diệt loài chuột.


Nhưng có một cuốn tiểu thuyết, thay vì viết về dịch bệnh như Camus viết cuốn “La Peste”, thì ngược lại, đã đưa ra một nhân vật chính có khả năng miễn nhiễm, không biết sợ dịch là gì, giúp người trong việc chôn cất người bị bệnh dịch, giữa lúc ai ai cũng hãi sợ.


Đó là một người bị xem là vô học, ngây ngốc, không còn phân biệt đâu là thiện đâu là ác. Cái mẫu người bị lợi dụng, mà không biết là mình bị xỏ mũi để kẻ khác dắt đi. Cái mẫu người được dùng để làm những công việc không ai dám làm như chôn người bị dịch:

Người trong làng, ngoài phố còn đồn câu chuyện sau đây: Năm ôn-dịch, “loạn âm” đã lâu, người ta chết như ngã rạ, xác chết chôn không kịp. Chùa làng Ngò có ba sư ông đều bị “quan ôn bắt linh đem đi”. Sư cụ giấu hai xác chết trong buồng, gọi Nuôi Sẹo đến chôn xác thứ ba nằm ở nhà tổ. Nuôi Sẹo vác xác này đi chôn giữa bao nhiêu mả mới. Quay về chùa, gã thấy một xác chết và sư cụ đứng bên nói: “Mày chôn thế nào không cẩn thận để nó bò về đây chết lại. Phải chôn đền tao đi.” Nuôi Sẹo mang xác này đi chôn. Gã quay về chùa lại thấy một xác chết và sư cụ bấy giờ nổi sân si, nghiến răng ken két: “Mày chôn bậy bạ thế nào để nó lại về chết ở đây nữa. Bá ngọ mày chôn đền lại mau lên không có mày chết bây giờ”. Nuôi Sẹo lại hùng hục vác xác này đi chôn. Chôn xong, khi trở về, thấy một bóng đen lù lù ở đầu một ruộng khoai, gã lẩm bẩm cầu kinh: “Mẹ mẹ mẹ mẹ mẹ mày lạ lạ lại về, cò cò cò còn ngồ ngồi ỉa ở đây... đây”. Gã liền vác cuốc đập trúng đầu: bóng đen kêu thét lên, lăn quay ra. Nuôi Sẹo mang xác này đi chôn, miệng lầm bầm chửi: “Mẹ mẹ mẹ mày thệ này khôôôn quá. Tha thay quần áo mơơơới về, Tư tư tưởng ông khô khô khôôông biết.” Nuôi Sẹo trở lại chùa lần này rất hài lòng thấy lão sư ông chết không trở về chết lại ở chùa nữa. Gã lĩnh tiền công bước ra thì trống điểm làng vừa điểm tàn canh, gà đã gáy ran khắp cả.”

(nguồn: TQBT số 77, chủ đề nhà văn Triều Sơn)


...

“Nuôi Sẹo còn giúp việc chôn người, cải mả. Gia đình nào trong làng, ngoài phố có người chết, đều phải gọi Nuôi Sẹo để gã mang cuốc, mai, thuổng, đi đào cho cái huyệt. Đến khi áo quan đã được đặt vào huyệt rồi, người đi đưa đám vứt vài hòn đất lên, còn công-việc lấp huyệt, đắp mồ cũng lại là việc của Nuôi Sẹo. Những nhà nghèo có người chết không thuê được đòn làng hay đón hội-thiện ngoài phố, phải nhờ gã đề gã gọi thêm người đem áo quan đi chôn. Trẻ con nhà nghèo chết, Nuôi Sẹo chỉ việc vác cái áo quan nhỏ trên vai, chân đi dậm thuổng mà người nhà đứa trẻ chết phải im khóc để chạy, hay chạy đến quên khóc mới theo kịp gã. Con nhà nghèo hơn nữa, không có tiền mua áo quan, phải bó chiếu: xác lớn thì Nuôi Sẹo và một người nữa cùng vác, xác nhỏ thì Nuôi Sẹo vác một mình hay cặp nách, đem đi vùi quấy-quá ngoài đồng. Ở tha ma làng, có khi trẻ chăn trâu để trâu quấy phá, rúi mạnh vào các mả mới làm trơ xác chết lên, người ta vẫn phải gọi Nuôi Sẹo ra chôn lại.”

Ngoài việc chôn người, Nuôi Sẹo còn có tài siêu việt trong việc chọc tiết heo, mỗ bò, trâu, chửi mướn, đòi nợ.


Nhưng một câu hỏi của người đọc là tác giả cố tạo ra nhân vật Nuôi Sẹo với dụng ý gì?

Có phải tác giả muốn cảnh cáo về một hiểm họa khi đất nước có những người như Nuôi Sẹo lãnh đạo hay giai cấp của hắn trở thành giai cấp thống trị?

Và lịch sử đã chứng tỏ điều này. Trên đất nước Việt Nam.


3. Những Ruồi


Năm 1967, cường độ cuộc chiến khốc liệt hơn bao giờ.


Bấy giờ, quân đội đồng minh đã có mặt. Những trận đánh có tính cách quy mô và trận địa chiến. Sự thiệt hại về nhân mạng gia tăng theo tầm sát hại của những vũ khí tối tân hiện đại. Lính Bắc chết không thể mang xác về quê. Lính Nam tử trận cũng khó lấy xác ngay vì mặt trận vẫn còn tiếp diễn hàng tuần. Bọ giòi thì nhung nhúc, những bầy kên kên thì bay trên đầu, lẫn với lũ quạ kêu kháo nhau vang động cả rừng. Nhất là vào mùa hè, mùi thúi xác người bốc lan khắp cả khu vực đến lợm mửa.


Loài ruồi sản sinh rất nhanh. Cứ nhìn vào những đống giòi bọ lúc nhúc mới thấy sức sản sinh khủng khiếp của chúng. Có loại ruồi hai mắt đỏ máu, mình mẩy xanh kim loại, có khi màu vàng kim, có khi màu đen... Trên một thi thể có khi không thấy da thịt mà chỉ thấy cả một lớp ruồi nhặng bu đặc cứng... Thêm vào đó, chúng là loài vật có khả năng bay rất nhanh và xa. Có thể ngày hôm trước chúng rút rỉa xác chết, thì ngày hôm sau chúng có mặt trên mâm cỗ, mâm thịt cá ê hề. Ai biết?

“Anh hiểu chứ? Những con vật nhỏ ấy chết đi hằng triệu mỗi ngày. Nếu người ta thả lỏng qua thành phố tất cả những ruồi đã chết từ dạo hè năm ngoái, thì sẽ có đến ba trăm sáu mươi lăm con ruồi chết cho một người sống, đến xoay tròn chung quanh chúng ta. Gớm! Không khí sẽ ngọt những ruồi, người ta sẽ ăn ruồi, thở ruồi, chúng sẽ chảy xuống bằng những đợt lầy nhầy trong khí đạo và trong ruột chúng ta... Có lẽ vì thế mà tôi nghe trong phòng này thoang thoảng những mùi vị rất đặc biệt. ”

(Những Ruồi – trang 84)

Cảnh tượng những đàn ruồi của thành Argos trong thần thoại Hy Lạp xa xưa và cảnh tượng những đàn ruồi sản sinh từ cuộc chiến tranh khốc liệt tại miền Nam vẫn là một, chẳng khác.


Chỉ khác chăng là những đàn ruồi của thành Argos đã bị dẹp bởi Orestes. Còn ở miền Nam thì ngược lại, chiến tranh mỗi lúc một leo thang, ruồi càng lúc càng được mùa, càng béo bở.


Nếu coi chuột là một con vật phát sinh ra dịch hạch, hay dơi là nguồn gốc của Covid-19, thì ruồi là ổ vi trùng với những căn bệnh không thể biết trước như dịch tả, dịch kiết lỵ chẳng hạn. Chẳng những là ổ vi trùng, nó là tín hiệu của một thứ đại dịch khác, khủng khiếp hơn, tàn bạo hơn. Đó là dịch-chiến-tranh. Dịch càng khủng khiếp khi vũ khí càng tối tân hiện đại. Và chỗ nào có người chết là chỗ ấy có ruồi. Khi ruồi có mặt là ruồi kêu vo ve, âm điệu như ăn mừng chiến thắng, chẳng khác các nữ thần ruồi trong “Les mouches” của J. P. Sartre.


Ruồi kêu như vậy mà chẳng có ai thức dậy như Phùng Thăng mong mỏi:

Roquentin và Orestes là những nhân vật đang ngủ yên chờ giờ thức dậy nơi mỗi người trong chúng ta.

(Phùng Thăng, giới thiệu bản dịch “Những Ruồi”, trang 4)


4. Sau Trận Dịch Hạch


Sơ lược


“Sau Trận Dịch Hạch” của Dương Nghiễm Mậu (đăng trên nguyệt san Văn Nghệ số 7, tháng 8-1961) là một truyện ngắn lấy bối cảnh một ngôi làng ở ngoại ô Saigon. Nhân vật chính là lão Chệt - gốc người Tàu mà người dân thường gọi là “các chú”, sống với nghề bẫy chuột. Nghề này do đứa con trai, làm ở nhà hàng ở SG gợi ý vì các nhà hàng rất cần thịt để làm thức ăn phục vụ cho thực khách.


Cả nhà lão toàn là chuồng chuột. Lão xem chuột là bạn thân thích giúp lão để sống qua ngày kể từ sau khi vợ lão chết và con thì ở xa.

 

Cứ mỗi tuân Lai - con lão - từ SG về, trao lão tiền bán chuột và mang đám chuột mới bắt lên lại SG để giao cho các nhà hàng.

 

Một hôm, có hai người trong làng cùng chết một lượt, và cùng giống nhau về cái chết. Dân làng không biết chết vì bệnh gì, bèn lên thành phố nhờ bác sĩ về làng khám giùm. Bác sĩ khám xong, hoảng hồn rời làng lập tức.

Thì ra nó là bệnh dịch hạch.


Sau đó, người trong làng thi nhau mà chết hàng loạt. Giữa lúc tuyệt vọng thì một nhóm tình nguyện gồm 5 người về làng để tìm cách ngăn ngừa dịch. Họ gồm một bác sĩ già, một nữ y tá trẻ và thêm ba chàng thiện nguyện.

 

Dân làng được cách ly vào một nơi.

Trong lúc đó, đứa con trai của lão về làng mang theo người vợ mới cưới. Lại không thấy cha mình ở chỗ cách ly bèn về nhà, thấy lão Chệt đang nằm thoi thóp giữa bầy chuột loạn xạ. Lai đưa cha ra chỗ cách ly. Nhưng máu tham lam nổi dậy khi hắn:


... nghĩ tới mối lợi về chuột, hắn tình nguyện đi bắt chuột nói là nhốt vào một chỗ rồi mang ra bờ mương đốt nhưng nó lại tìm cách mạng chuột lén ra khỏi vùng chẳng ai biết đấy là đâu. Lai đi mấy chuyến đều xuôi nhưng rồi hắn ngã bệnh và chết...


Trang cuối của truyện vẽ lên một ngôi làng tang tóc, chỉ còn hai người. Và cả hai đều điên. Một là vị bác sĩ già không chịu bỏ làng như những người trong nhóm và một là lão Chệt.


Truyện kết thúc bằng sự độc ác của lão Chệt. Lão ta đã dùng một hòn đá đập vào đầu của vị bác sĩ, vì bác sĩ không chịu ăn thịt chuột như lão.


Qua nội dung sơ lược, chúng ta thấy cái bức tranh mà nhà văn Dương Nghiễm Mậu mô tả trong truyện ngắn “Sau trận dịch hạch” vào năm 1961, cũng hao hao như bức tranh hiện nay.


Cũng vẫn là lòng tham lam ác độc như cha con lão chệt trong truyện. Chỉ khác chăng là từ một ngôi làng, với những con chuột bệnh, nay là một thành phố, rồi lan khắp cả địa cầu.


Rõ ràng, “sau trận dịch hạch” là một truyện có tầm vóc rất lớn. Nó vượt biên thùy, nó cảnh báo về một đại nạn, mà bây giờ, khi biết, thì đã quá muộn!


5. Tô Thùy Yên: Cầu đảo Mùa Hạn


Thi hào Nguyễn Du sống trong một thời mà dịch bệnh được xem là một sự trừng phạt bởi Trời. Đến nỗi vua phải lập đàn tế trời tế đất, xuống chiếu tự trách mình, ăn năn hối hận đã làm Trời giận...


Tục biên chép việc năm Canh Tuất (1670) “trời không mưa, nhân dân nhiều người mắc dịch bệnh. Vương thượng [chúa Trịnh] thành tâm tạ đảo cầu trời mưa”; năm Nhâm Ngọ (1762) “nhân dân nhiều người bị bệnh dịch. Triều đình hạ lệnh cho quan các lộ lập đàn cầu đảo”. Thời Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu cho hay năm Giáp Tuất (1814) khi dịch bệnh “lệnh cho lập đàn tế cầu đảo”; năm Bính Tuất (1826) có dịch bệnh vua đã “lập đàn tế tại Kinh, các trấn đều lập đàn tế cả”... (nguồn Internet)


Rõ ràng vua đã thay mặt dân để cầu xin trời động lòng từ tâm ban cơn mưa ân sủng và người dân thì “Lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống lấy ruộng tôi cày lấy đầy bát cơm lấy rơm nhúm lửa”. Không thể bảo là trời hành, không thể oán trách ông trời, cho dù những ngày nắng lửa nứt nẻ cả những cánh đồng hay những chứng dịch bệnh “thiên thời” phát sinh vì mùa hạn.


Và cũng vậy nỗi hãi sợ vô hình vô dạng ấy mà văn chương cổ điển không có một tác giả nào nói về mùa hạn. Ngay cả thời hiện đại, cũng rất hiếm tác giả đề cập đến nó. Chỉ có một người: thi sĩ Tô Thùy Yên.


Nếu ngày xưa, thời vua lập đàn cầu đảo, để mưa đổ xuống, ruộng đồng trở lại màu xanh, dịch bệnh không còn chỗ để dung thân, thì thời đại bây giờ, những năm sau 1975, nhà thơ không còn cầu đảo, bởi trời đã bỏ rơi:


Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc

Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!

Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt

Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn


Hạn lúc này làm đá rạn nứt, kim khí phải chảy, rừng khô rụm. Hạn lúc này không còn để mà mong lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống nữa.


Nếu ngày xưa, dịch là dịch thiên thời thì bây giờ, dịch là dịch địa ngục. Cả một miền Nam đều bị dịch, không chừa một ai, già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ. Cái dịch ấy không phải như đoạn văn mô tả của Trần Thanh Mại:

“Anh dân cày trai tráng mới đẩy trâu năm phút trước, lăn ra chết; o bán gạo mới ở chợ về, lăn ra chết. Chết, con Bê đang đun cơm trong bếp; chết, ông già đang đan rổ ngoài sân; chết, luôn cả ông tú ở đầu làng... chết mất cả nhà sư trong am cỏ. Người ta đang ngẩn ngơ nhìn những toán người khiêng những bó chiếu đem chôn thì người ta cũng bổ xoài ra để được bỏ vào bó chiếu đem chôn luôn thể. Người sống sau chôn người chết trước, cho đến người sau cùng chết không ai chôn...

Dịch bây giờ là dịch đói:


Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng

Muông thú điện lầm lũi bỏ đàn

Dân làng lũ lượt kéo lên rú

Lùng sục đào khoai củ đã khan


Không những con người mà cả côn trùng:

Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ

Lên chết thiêu trên mặt đất hừng

Ác điểu ngày đêm gào xáo xác

Cơ hồ cả thế giới lâm chung

....

Làng mạc giờ đây đã trống trơn...

Con dê, con chó cũng không còn

Người đi bỏ xác nơi bờ bụi

Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon

ngay cả cây đa cổ thụ ở đình làng ma cũng phải bỏ mà đi!


Cây đa râu tóc già thiên cổ

Trụi lá, trơ cành, xương nám đen

Khiến lũ ma hoang hằng ẩn náu

Bỏ đi nhường chỗ cho chim kên


Bỏ đi nhường chỗ cho chim kên. Để chúng ăn mừng đại dịch!


Với Chiêu Hồn Ca, thi hào Nguyễn Du đã dựa vào Phật giáo như là chiếc phao cứu rỗi những cô hồn nhưng trong Mùa Hạn, nhà thơ Tô Thùy Yên đã vịn vào tình người như một lời giải nguyền.


Với nhà thơ, những gì thuộc quá khứ thì nên tự vấn lấy mình qua một tòa án lương tâm:


Những ai hôm trước từng gây tội

Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình

Tự tại, thời gian chôn chính nó

Đời lên lại mãi tựa bình minh


Rồi cùng nhau nhìn về tương lai, đời con cháu, không còn tái diễn những lầm lỗi cũ:

Con ta giờ đã làm cha mẹ

Lớp lớp truyền lưu máu một dòng

Không cạn nguồn tình thiên bẩm ấy

Đời đời nhân loại sống như sông


Nghe này ba tiếng gõ sân khấu

Màn mở, người tham dự đứng lên...

Thế giới, hãy còn thơ trẻ nhé

Bắt đầu câu chuyện lớn thần tiên...

Trần Hoài Thư

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 89 tháng 6-2020
Chủ đề: Thơ văn mùa đại dịch