Trần Hoài Thư là thày dạy học của tôi hồi còn trung học. Thày dạy môn Công Dân Giáo Dục lớp đệ tam nên cũng không ăn khách lắm. Môn này học trò thường cúp cua hay nếu ở lại học cũng chỉ nghe cho hết giờ. Đó là niên khoá đâu như 62-63 hay 63-64 gì đó. Những năm đó là những năm bắt đầu có cuộc tranh đấu của Phật giáo ở Huế chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm trong dịp Phật Đản.
Thầy tên là Trần Quý Sách, độ khoảng 21, 22 tuổi, dáng cao lênh khênh, ăn mặc bình thường, đeo kính cận. Thày vào lớp tôi giữa tiếng cười của đám học trò con trai, con gái, phá như quỷ. Thầy giảng bài nhẹ nhàng, có câu nói lắp, cà lăm một chút xíu. Tôi không để ý nhiều vì cũng như nhiều học trò lúc đó, học cho hết giờ, vì môn công dân giáo dục cũng như những môn phụ khác như Nhạc, Vẻ hay Hán Văn, đều là những môn, “học mà chơi”.
Đến khi cuộc tranh đấu ở Huế nổ lớn ra, ở Huế có tờ Lập Trường, do một số giáo sư Đại Học Huế chủ trương, trong đó chủ chốt là giáo sư Cao Huy Thuần, đã lôi kéo một số cây bút có tiếng tăm cộng tác. Thầy đọc tờ báo này và tôi cũng đọc báo này, nên hai thầy trò thân nhau. Ôi, hồi đó, chuyện văn nghệ, viết văn, làm thơ, sao mà quý, tôi biết thầy viết văn, làm thơ, nên tôi rất mê thầy, dù chưa được đọc ở thầy một bài nào cả.
Trong niên học đó, tôi là người học trò được thầy thương. Tôi đã kết thân với thầy, đã đến nơi thầy ở trọ, đã được nhìn căn phòng bề bộn thầy ở với tùm lum sách báo, tranh vẽ và rác rưởi. Tôi nghĩ những người có tâm hồn văn nghệ, làm thơ, viết văn, thường sống trong những bộn bề như vậy.
Có một chủ nhật nào đó, thầy đã về nhà tôi. Nhà cha mẹ tôi ở là một vùng quê cách quận lỵ khoảng 8 cây số. Thày đã ở lại cùng tôi, đã ăn cơm trưa với món canh bông lý mà mẹ tôi đã nấu đãi thầy. Ngày ấy thật vui và vô tư biết bao nhiêu. Và cũng từ sau những ngày ấy, thầy đã bỏ trường mà đi. Từ đó, tôi không gặp thầy nữa nhưng tôi biết thày đã vào quân đội.
Sau này lớn lên, tôi vào Sài Gòn học đại học, rồi chiến tranh lan rộng, tôi cũng vào lính như thầy, cũng ra đơn vị tác chiến, cũng đọc sách, cũng làm thơ, viết văn, nhưng tôi chưa được gặp lại thầy một lần, mà chỉ đọc thày ở một số truyện ngắn, đăng rãi rác ở đâu đó như là trên Văn, trên Ý Thức... Tôi theo dõi thày rất sát qua thơ văn thầy. Dù thầy đi cùng nơi, khắp xứ, ở đâu, nơi đâu, tôi cũng theo thầy vơi những truyện thầy đăng báo. Tôi biết thày đời lính cũng long đong hết cở. Bị cận thị nặng nhưng thầy vẫn đi tác chiến, làm trung đội trưởng trung đội thám kích, sư đoàn 22 bộ binh, đánh giặc cũng “chì một cây”, sau đó thầy bị thương, rồi đào ngũ, rồi ra lao công đào binh, rồi được phục chức về Quân Đoàn IV+QK4 với chức vụ phóng viên chiến trường
Sau 30 tháng tư bảy lăm, tôi đi tù, thầy cũng đi tù, thầy đi tù về, đi bán cà rem dạo cho trẻ em, rồi thày vượt biên và thoát. Tôi cũng đi tù nhưng sau khi về phải sống lây lất ở Việt Nam đến mười bốn năm, đến mãi năm chín lăm, tôi mới được đi xuất cảnh theo diện HO.
Qua Mỹ, đọc những tạp chí văn học thấy tên thầy. Tôi mừng húm. Tôi hỏi Khánh Trường địa chỉ của thầy, tôi mới bắt được tin tức thày, liên lạc với thày qua Email. Thày viết thư cho tôi, viết về những ngày dạy ở Tam Kỳ, Quảng Tín, về những người nữ sinh xinh đẹp đã một thời làm xao động con tim của thầy (và cả tôi nữa):
Mấy mươi năm chưa một lần về thăm
Thị trấn ấy biết còn đàn sáo ngủ
Ngôi nhà trọ còn giàn hoa giấy đỏ
Gốc cây xưa còn đỏ một khoảng trời
Khi em một lần của tuổi rong chơi
Và tôi một lần,bạn cùng bảng phấn…
------------------------
Nhớ ngày nào tôi đến nhà em
Mẹ em đãi thày nồi canh bông lý
Bông lý quê em ngập đầy gió núi
Như nắng vàng đầy ngập vườn sân
Như những ngày tôi có Trần Cao Vân
-------------------------
Tôi bỏ nậu đi bỏ lớp trường xưa
Bỏ quán cô Thuyền, bỏ nhà Nam Ngãi
Bỏ chiếc xe hàng qua đêm đậu lại
Cùng tiếng máy đèn rền rĩ thâu đêm.
Thầy đã nhớ về và tôi cũng nhớ về những kỷ niệm xưa cũ đó, nhưng tôi chưa được gặp thầy một lần. Từ năm 1964 đến năm 2005, đúng là 41 năm.
Trong thời gian đó đến nay, Trần Hoài Thư đã in được những quyển sách sau:
Trước 75:
- Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang (Ý Thức xuất bản)
- Những vì sao vĩnh biệt (Ý Thức)
- Ngọn cỏ ngậm ngùi (Ý Thức)
- Một nơi nào để nhớ (Con Đuông)
Sau năm 1975 ở Mỹ:
- Ra biển gọi thầm (1995)
- Ban Mê Thuột, ngày đầu, ngày cuối.
- Thơ Trần Hoài Thư
- Ngày Vàng (thơ)
- Ô cửa (thơ)
Và còn nữa… ba bốn quyển gì đó, tôi không nhớ hết.
Trong bốn năm năm trở lại đây, Trần Hoài Thư chủ trương “Thư Quán Bản Thảo”, đây là một tập san không định kỳ, do Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch, Cao Vỵ Khanh thực hiện, mục đích như nhà phê bình Đặng Tiến viết trong Thư Quán Bản Thảo số ra ngày 23-4-2006 (năm thứ năm) như sau:
“Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhan đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Định để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này, nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.”
Tại sao lại là Thư Quán Bản Thảo? tôi nghĩ, Trần Hoài Thư là kỹ sư điện toán, nên ông đã dùng computer để đánh máy, lay out và in ngay (có máy in nhỏ in mỗi lần vài ba chục cuốn đến một vài trăm cuốn, đóng bìa luôn và gởi tặng bạn bè. Khi có nhu cầu sẽ in thêm, nghĩa là sản xuất tại chỗ từ khâu đầu đến khâu cuối.)
Tôi rất phục công việc này của nhóm chủ trương Thư Quán Bản Thảo, mà đầu tàu là Trần Hoài Thư. Miệt mài trong năm năm, Thư Quán Bản Thảo đã cho trình làng đều đặn những cuốn sách sau đây:
* Những tuyển tập đăng thơ, truyện của các tác giả cũ, trước bảy lăm:
Bùi Nghi Trang, Hạc Thành Hoa, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hiền Ân, Cao Thoại Châu, Lữ Kiều, Lê Ký Thương. Truyện ngắn Y Uyên. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2006, Thư Ấn Quán đã in được những tác phẩm:
- Thơ Vũ Hữu Định (tặng)
- Văn số 125 tháng 3 năm 1969, chủ đề Đầu Xuân Lộc Mới (in lại, tặng)
- Một mình như cánh lá, thơ Hạc Thành Hoa (tặng)
- Quanh quẩn bên đời, tập truyện của Trần Bang Thạch.
- Hương Sắc Mong Manh (thơ Hoài Khanh, (tặng)
Tôi đọc hết những tập do Thư Ấn Quán in và xuất bản, gởi tặng tôi, tôi mới thấy công trình của nhà văn Trần Hoài Thư thật đáng cảm phục và cả tấm lòng đối với văn học miền Nam trước bảy lăm. Những bạn văn thuở ấy, bây giờ sống ở trong nước vất vưởng như những chiếc bóng. Không người nào ngất đầu lên nổi nếu không chấp nhận phục tùng chế độ. Một Trần Dzạ Lữ thuở nào với thơ ngợi ca màu tím Huế, cô gái Huế thì bây giờ suốt ngày đứng dang nắng giữ xe đạp ở chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Một Hà Nguyên Dũng bịnh lên bịnh xuống, không làm được gì ra tiền. Cả gia đình chỉ còn mong chờ vào nồi xôi của người vợ, bán buổi sáng, ở trong hẻm một con đường nhỏ Ngã Tư Bảy Hiền. Một Đynh Trầm Ca gần ba mươi năm sống lang bạt ở Sài Gòn, cố tìm một mái ấm cho gia đình mà không tìm được, cuối cùng anh phải “quy cố hương”, về lại Vĩnh Điện nơi có ngôi nhà của người mẹ để lại:
Buộc phải lên tàu-hề quy cố hương
Riêng ta biết ước mơ người vẫn chảy
Có những điều mắt thường không dễ thấy
Cảm thông nhau như một nỗi buồn
Ba mươi năm đổi đời di dân
Nơi nào đến cũng đường cùng đất dữ
Nay về lại quê xưa chốn cũ
Bạc áo giang hồ –xếp nợ văn chương
Nguyễn Hữu Thụy (tặng Đynh Trầm Ca)
Cho nên Trần Hoài Thư, với tấm lòng muốn tìm lại những người bạn cùng thời xưa, một thời đi lính, một thời viết văn, làm thơ, in lại những tác phẩm của họ rồi tặng không cho thân hữu, bạn bè hay độc giả yêu thích văn chương, đó là một tấm lòng đáng trân quý biết là dường nào.
Gặp
Thế là đã bốn mươi mốt năm, thày trò tôi thất lạc nhau. Thất lạc đây có nghĩa là không được tay bắt mặt mừng, ôm choàng lấy nhau, nhìn mặt nhau, coi có phải là người mình mong đợi bằng xương bằng thịt đây không? Bốn mươi mốt năm dài quá, một nửa đời người chứ ít sao. Thì hôm tháng bảy (hay tháng sáu, hay tháng tám, tôi quên đi) năm 2005, tin từ nhà thơ Đạm Thạch, “Trần Hoài Thư sẽ về Cali chơi, thăm anh em văn nghệ”. Rồi sau đó, tôi được tin từ email của Nguyễn Nam An thông báo sẽ gặp nhau ở cà phê Factory. (còn nhiều nữa, Tưởng Năng Tiến lên email nói sẽ dẫn đi nhậu không say không về, nhưng sau đó chẳng thấy đâu)
Hôm đó là thứ bảy, tôi đến sớm cùng Thành Tôn, Nguyễn Nam An, Đạm Thạch, sau đó có Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Mạnh Trinh, Huỳnh Hữu Ủy, Hồ Thành Đức… Thì Trần Hoài Thư đến cùng vợ. Bốn mươi mốt năm, thầy vẫn cao lênh khênh, tóc có bạc đi, mắt kiếng cận có dầy thêm, nhưng nhìn thầy tôi vẫn nghĩ đến người của bốn mươi mốt năm trước, vẫn nụ cười ấy, vẫn lối ăn mặc bình dân ấy, thầy không thay đổi gì trong ý tưởng của tôi. Khi tôi bắt tay thầy, tôi nói, em là Trần Yên Hoà, học trò thầy hồi ở trường Trần Cao Vân, Thầy ôm lấy tôi, tôi ôm lấy thầy, cảm động đến ứa nước mắt.
Ngày gặp gỡ đó tôi không bao giờ quên. Đến bây giờ, khi viết bài này, tôi vẫn cứ nghĩ đến một nhà văn Trần Hoài Thư đang lo in ấn những tác phẩm của bạn bè bằng lối in mới, tự in rồi đóng bìa luôn. Thầy vẫn nguyên một tấm lòng trong sáng, cố gắng thực hiện để đem những tác phẩm của bạn bè viết văn, làm thơ, trước bảy lăm, đến cho độc giả hải ngoại.