16-3-2019 | VĂN HỌC

Tính phổ quát trong một bài thơ

 TRẦN HOÀI THƯ

Bài thơ Lưu biệt của Phạm Ngọc Lư được trích từ thi phẩm Đan Tâm (1) có nội dung như sau:


Qua cầu một cỗ áo quan

Tiếng sênh dìu bước hai hàng âm công

Bước theo khăn chế áo sồng

Hắt hiu cờ rũ lạnh lùng vàng rơi

Chân cầu nước ngậm ngùi trôi

Tiếng kinh tiếp dẫn bồi hồi tràng giang

Đôi bờ lưu biệt linh quan

Nước soi bóng nến hai hàng lung linh

Người không về cõi u minh

Người về bản thổ nặng tình cố hương

Từ nay mây khói vô thường

Theo người nhập thể cội nguồn nghìn xưa

(Nam Phước, tháng 6 – 1998)

Một câu hỏi là tại sao thi sĩ lại chọn giòng sông làm bối cảnh cho đám tang thay vì chọn ngọn đồi, đồng cỏ, chân đèo hay con đường tỉnh lộ, hay ngoại ô thành phố như trong bài thơ của Phổ Đức sau đây:

vào khuya phố ngủ đèn mờ

đường heo hút gió dưới bờ cây đêm

xe đi khấp khểnh gập ghềnh

thây nằm trơ lạnh ngả nghiêng gục đầu

mặt mày nhầy nhụa mắt sâu

tay xuôi má hõm máu sầu tràn môi

về đâu khi héo cuộc đời?

chiếc thân mệnh bạc quê người dở dang

xác vùi đâu giữa đêm tàn?

xe qua cầu nhỏ tiếng than lạc loài

công danh sự nghiệp mấy ai?

thấy gì hơn mảnh hình hài quắp co!

rũ đời trong chiếc xe bò

hỏi ai tránh được bước đò thời gian

ngoại ô sương lạnh buông màn

không gian truy niệm mây đan mưa nhòa

đường vào nghĩa địa mờ xa

xe lăn tiếng mỏi nghe mà buồn tênh!

(Phổ Đức – Xe bò đưa xác)

hay ở một xóm ăn chơi giang hồ trong một bài thơ của Văn Cao:

Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác

Ði vào ngõ khói Công Yên

Thấy bâng khuâng lối cỏ u huyền

Hương nha phiến chập chờn mộng ảo

Bánh nghiến nhựa đang kêu xào xạo

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực

Mưa, mưa hằng thao thức

Trong phố lội đìu hiu

Mưa, mưa tràn trên vực

Trong tối gục tiêu điều

Mang linh hồn cô liêu

Tiếng xe càng ám ảnh

Tiếng xe dần xa lánh

Khi gà đầu ô kêu.

(Văn Cao – Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc)

Ở Phổ Đức nhà thơ chọn bối cảnh là một ngoại ô trong đêm về sáng. Ở Văn Cao, là Phường Dạ Lạc. Còn ở Phạm Ngọc Lư là giòng sông. Mỗi tác giả có mỗi lối chọn lựa để mà sơn phết vào thơ mình...

Theo tôi, chỉ có giòng sông mới thật sự trọn vẹn... Chỉ có giòng sông mới có đôi bờ sinh và tử… Bao nhiêu áng thơ văn, có áng thơ văn nào lấy ngoại ô hay một xóm ăn chơi để nói về ý nghĩa của cái bến cuối cùng của một đời người trên quả đất? Chỉ có giòng sông. Hàng triệu năm trôi qua, giòng sông vẫn vậy, con đò nhân sinh vẫn tiếp tục đón người về bên kia cõi khác… Vẫn là cuối cùng là hai chữ “không” và “về”. Vẫn là “lưu” và “biệt”.

Chân cầu nước ngậm ngùi trôi

Tiếng kinh tiếp dẫn bồi hồi tràng giang

Đôi bờ lưu biệt linh quan

Nước soi bóng nến hai hàng lung linh

Người không về cõi u minh

Người về bản thổ nặng tình cố hương…

Đó là lý do tại sao tác phẩm Câu chuyện một dòng sông của H. Hesse do Phùng Khánh & Phùng Thăng dịch lại được đón nhận.

Có phải vậy không?

(1) Đan Tâm, thơ Phạm Ngọc Lư, Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ

Trần Hoài Thư

Nguồn: Trần Hoài Thư blog