Lời mở cho một tác phẩm mới
Đây chỉ là một món quà giúp chúng tôi khi:
Con làm thầy thuốc ở xa
Vợ thì cô lập ở nhà Nursing
Còn ta là một lão điên
Suốt ngày nặn óc “làm sao quên” hởi trời?
Dù thơ văn dựa vào sống và viết, có tính cách cá nhân, nhưng bão vẫn là bão chung. Chiến tranh, tù tội, vượt biển, cuộc sống xa hương, hay tuổi già trong nhà dưỡng lão hay phải chạm trán với nỗi trơ trọi hẩm hiu....
Nội dung hợp tuyển này được tuyển chọn từ những bài đã post trên blog cá nhân, suốt mười mấy năm qua. Có một số bài đã xuất hiện trên một vài tác phẩm đã xuất bản. Chúng tôi đã chọn lại để bỏ vào một tập dưới một tựa đề chung là “bão”.
Để nói lên ý nghĩa của tựa sách, chúng tôi dành những trang đầu cho hai bài viết liên quan đến bão. Thứ nhất là bão Sandy và thứ hai là bão đột quị, chỉ cách nhau một tháng hơn. Hai trận bão đều lấy nhà tôi mà đánh. Nhưng bão sau mới thật sự đánh trúng,
Cuối cùng, chúng tôi xin được cám ơn người bạn đời đã chịu khổ nạn thay chồng, để chúng tôi được rảnh rang làm văn chương, nhất là để có thể thực hiện cuốn sách này.
Trân trọng
Trần Hoài Thư
Phép lạ đã che chở căn nhà của chúng tôi. Bởi vì trong lúc xung quanh nó, cách vài căn, là cả một bãi chiến trường. Cây cối gãy đổ. Cổ thụ bật gốc, những cột điện xiêu vẹo. Vậy mà nó chẳng hề hấn gì.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể dùng xe để chạy ra khỏi khu vực. Bốn bề cây đè chắn lối phong tỏa. Chúng tôi bắt đầu trở thành nạn nhân như hàng triệu nạn nhân của New Jersey và New York. Không điện nên không thể xem TV để biết tin tức. Điện thoại chỉ nhờ vào cái Cell phone. Hầu như không có một chợ búa nào mở cửa. Đèn pin xem như mất biệt. Loại pin khổ C cũng vậy.
Ngày thứ tư, đường mới được khai thông, và chúng tôi phải lái xe qua tiểu bang kế cận là Pennsylvania, cách khoảng 100 miles để đổ xăng và tìm một nơi có WIFI như Starbucks hay Barnes Noble để lên Internet.
Hôm nay, 8 ngày sau khi Sandy xuất hiện, tôi mới thấy lại ánh đèn, ngủ khỏi cần đắp chăn, và có thể vào Internet dễ dàng. Hôm nay đúng vào ngày bầu cử thứ ba 6-11-2012, ... tôi mới được ngồi để gõ vào cái bàn phiếm của laptop quen thuộc của mình. Nhưng những thứ mà tất cả những người nạn nhân của Sandy mong muốn ấy chỉ là tạm bợ. Bởi vì, ở đây là một khách sạn để chúng tôi tạm trú. Điện ở khu vực của tôi vẫn chưa có, trong khi hàn thử biểu mỗi ngày mỗi hạ thấp xuống....
Có sống trong bóng tối mới hiểu thế nào là giá trị của ánh sáng. Những ngày qua tôi ngủ nhiều bởi vì không có ánh sáng. Giờ đây, có ánh sáng dư dật, tại sao tôi lại không lợi dụng nó ?.
Để viết lên những giòng này như tạ tấm lòng những bạn bè thân hữu đã có lòng nghĩ đến chúng tôi. Xin cám ơn và cám ơn.
Chú thích: Những hình ảnh trên được chụp vào ngày thứ tư sau khi Sandy đổ bộ, tại khu vực chúng tôi cư ngụ (THT)
Bây giờ trận bão Sandy chỉ còn là lịch sử. Những thân cây nằm ngổn ngang trên đường như thế này đã được dọn sạch, và bên lề đường, thỉnh thoảng còn những gốc cây chưa kịp dọn, nằm trơ vơ, với gốc rễ và ụ đất như một di tích của một trận thiên tai hãi hùng đã chụp xuống trên tiểu bang New Jersey chúng tôi.
Nhưng có một trận bão khác. lần này ác nghiệt hơn bao giờ. Đó là trận bão stroke.
Nó chỉ nhằm vào Y. để mà đánh. Nó không có sức gió, hay có một triệu chứng gì để nhà khí tượng học có thể đoán ước về hướng đi, về vùng đất bị ảnh hưởng. Nó không cho chúng tôi biết để đề phòng. Làm sao tôi có thể lấy chắn, khiên để bao bọc che chở cho nhà tôi. Và ngay cả cho tôi? Làm sao tôi có thể hứng nỗi đau đớn thay cho Y. Tôi khóc. Mắt đỏ, sưng, nhưng tôi nói dối với người ta là tại cặp mắt mới vừa mổ. Sức gió dù mạnh đến mấy, ta cũng có thể phòng bị, vì kỹ thuật khoa học về khí tượng học có thể giúp ta được an toàn, nhưng sức stroke thì quá khủng khiếp. Dù y học tiên tiến cách mấy cũng đành bó tay. Để rồi nó khiến thân thể không thể ngồi, đứng, tay trái, chân trái không thể cục cựa. Nó đóng những cây đinh khổ nạn vào thân thể con người.
Cho Y.
Tôi đã ngồi hàng giờ bên giường bệnh. Tôi may mắn vì cơn bão đã tha, nhưng đổi lại lòng tôi thì đứt đoạn. Bao nhiêu người y tá, bác sĩ, phụ tá y tá đã vào phòng. Bao nhiêu lần tôi theo sau chiếc giường mà Y. nằm để đến các phòng chụp hình, chụp ảnh. Bao nhiêu lần tôi nhìn bàn tay Y. với những ngón tay bị liệt, không còn đủ sức để co cụm. Bão không thật sự đến với tôi, nhưng bão làm tim tôi nhói đau không tả.
Ở con đường nhà tôi, những thân cây gãy đổ nằm vắt ngang giữa lộ, đã được dọn đi, và đường đã được khai thông chỉ bốn ngày sau khi trận bão Sandy tàn phá, nhưng có một thân cây rất mong manh, không- một loài sậy có suy nghĩ – vẫn nằm yên, nằm yên từ ngày này qua ngày khác. Đã 7 ngày rồi. Có bàn tay nào có thể nâng nhà tôi dậy để có thể bước, có thể đi, ngồi, đứng hay không?
Có chứ. Bàn tay của tôi. Mỗi ngày tôi đã nắn nót những ngón tay trái bị liệt ấy, bóp, xoa, vuốt, nắn... Tôi tin một ngày chúng sẽ sống lại, máu nóng sẽ hâm từng lóng tay, để những sợi gân bắt đầu tái sinh, luân lưu trở lại. Không ngày này, thì ngày khác. Không tháng này rồi đến tháng khác. Còn nữa. Còn những bạn bè của Y., những bạn bè của tôi. Họ tiếp trợ thêm hơi ấm. Tôi tin vậy. Như bông hồng mà bạn tôi đã tặng cho nhà tôi, dưới đây.
Đoạn dưới đây, trích từ Blog Phạm Cao Hoàng. Anh đã làm theo lời yêu cầu của tôi là đừng phổ biến gì về việc Y. bị stroke trong thời gian chúng tôi vô cùng bối rối. Và anh đã giữ đúng theo yêu cầu của tôi, chỉ viết về những gì mà anh biết được từ một người mà anh và Cúc Hoa xem như người chị thân thiết nhất. Xin được cám ơn anh.
...Công việc đầy hy sinh và gian khổ của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến trong hơn 10 năm qua nhằm sưu tầm và thực hiện TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954-1975 là có một không hai. Lái xe hàng ngàn dặm, nhiều lúc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến các thư viện Mỹ còn lưu trữ sách báo miền Nam trước 1975, sao chụp lại, mang về nhà đánh máy, in thành tuyển tập, thành sách. Không phải chỉ in vài cuốn, mà là hàng trăm cuốn. Không phải chỉ vài trăm trang, mà là hàng chục ngàn trang. Lao tâm khổ trí, vất vả, mệt nhọc, tốn kém tiền bạc, nhưng Nguyễn Ngọc Yến, người phụ nữ hiền hòa gốc Cần Thơ, vẫn vui vẻ kiên trì hỗ trợ Trần Hoài Thư hoàn thành ước mơ của mình.
Nguồn: Kệ sách Học Xá
Ít người biết rằng trong những lần lái xe đường dài trên xa lộ cao tốc để đi tìm di sản văn chương miền Nam ấy, hai vợ chồng thay phiên nhau lái cho đỡ mệt, nhưng người lái nhiều hơn vẫn là Nguyễn Ngọc Yến. Và cũng đã có lần anh chị bị tai nạn trên đường đi, may mà không sao. Các bạn trong nước thử nhìn tấm hình dưới đây sẽ thấy lượng xe trên các đường cao tốc ở Mỹ quá nhiều và sự rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào...