25-10-2020 | VĂN HỌC

Ngày cuối năm 2012

(sau bão Sandy một tháng hơn)

  TRẦN HOÀI THƯ

- Chương 21 -

 (Hồi Ức)

Bây giờ trận bão Sandy chỉ còn là lịch sử.

Những thân cây nằm ngổn ngang trên đường như thế này đã được dọn sạch, và bên lề đường, thỉnh thoảng còn những gốc cây chưa kịp dọn, nằm trơ vơ, với gốc rễ và ụ đất như một di tích của một trận thiên tai hãi hùng đã chụp xuống trên tiểu bang New Jersey chúng tôi.


Nhưng có một trận bão khác, lần này ác nghiệt hơn bao giờ. Đó là trận bão stroke.

Nó chỉ nhằm vào Y. để mà đánh. Nó không có sức gió, hay có một triệu chứng gì để nhà khí tượng học có thể đoán ước về hướng đi, về vùng đất bị ảnh hưởng. Nó không cho chúng tôi biết để đề phòng. Làm sao tôi có thể lấy chắn, khiên để bao bọc che chở cho nhà tôi. Và ngay cả cho tôi? Làm sao tôi có thể hứng nỗi đau đớn thay cho Y. Tôi khóc. Mắt đỏ, sưng, nhưng tôi nói dối với người ta là tại cặp mắt mới vừa mổ. Sức gió dù mạnh đến mấy, ta cũng có thể phòng bị, vì kỹ thuật khoa học về khí tượng học có thể giúp ta được an toàn, nhưng sức stroke thì quá khủng khiếp. Dù y học tiên tiến cách mấy cũng đành bó tay. Để rồi nó khiến thân thể không thể ngồi, đứng, tay trái, chân trái không thể cục cựa. Nó đóng những cây đinh khổ nạn vào thân thể con người.

Cho Y.

Tôi đã ngồi hằng giờ bên giường bệnh. Tôi may mắn vì cơn bão đã tha, nhưng đổi lại lòng tôi thì đứt đoạn. Bao nhiêu người y tá, bác sĩ, phụ tá y tá đã vào phòng. Bao nhiêu lần tôi theo sau chiếc giường mà Y. nằm để đến các phòng chụp hình, chụp ảnh. Bao nhiêu lần tôi nhìn bàn tay Y. với những ngón tay bị liệt, không còn đủ sức để co cụm. Bão không thật sự đến với tôi, nhưng bão làm tim tôi nhói đau không tả.


Ở con đường nhà tôi, những thân cây gãy đổ nằm vắt ngang giữa lộ, đã được dọn đi, và đường đã được khai thông chỉ bốn ngày sau khi trận bão Sandy tàn phá, nhưng có một thân cây rất mong manh, không - một loài sậy có suy nghĩ – vẫn nằm yên, nằm yên từ ngày này qua ngày khác. Đã 7 ngày rồi. Có bàn tay nào có thể nâng nhà tôi dậy để có thể bước, có thể đi, ngồi, đứng hay không?


Có chứ. Bàn tay của tôi. Mỗi ngày tôi đã nắn nót những ngón tay trái bị liệt ấy, bóp, xoa, vuốt, nắn... Tôi tin một ngày chúng sẽ sống lại, máu nóng sẽ hâm từng lóng tay, để những sợi gân bắt đầu tái sinh, luân lưu trở lại. Không ngày này, thì ngày khác. Không tháng này rồi đến tháng khác.


Còn nữa. Còn những bạn bè của Y., những bạn bè của tôi. Họ tiếp trợ thêm hơi ấm. Tôi tin vậy.


*


Theo em bỏ núi về châu thổ

Bỏ mán về kinh làm rề xa....


Vậy mà đã hơn bốn mươi năm có lẽ, tôi theo em. Để kỷ niệm một ngày trong đời, hôm nay, mùa xuân hoa nở thắm trước nhà, màu hồng dịu, nhạt chứ không thắm đỏ như màu son cô gái giang hồ, và cỏ xanh mượt, và trời trong, và nắng vàng, và cái ấm đầu tiên sau một mùa đông tuyết giá... Ngày ấy, tôi theo em... Chàng rể ngác ngác ngơ ngơ đồ máy ngược/ Hồn quê hương khói cuộn sau nhà bây giờ trở thành ông lão già sọm, râu trắng, tóc bạc phơ, đang theo em như bóng với hình, dễ chừng theo cả hơi thở, ...


Mang cho Y. cái áo ấm. IKEA nằm bên bờ sông Hudson nên gió dữ, bà nên mặc áo ấm, lạnh lắm. Rồi cầm cái tay trái, cầm cái bàn tay 5 ngón bây giờ co quắp lại như chân vịt chân gà bị luộc, để từ từ bỏ vào ống tay áo, rồi từ từ kéo bàn tay, lần những ngón tay ra khỏi ống áo... Rồi bắt đầu mới xỏ tay phải vào ống áo phải. Y. có thể xỏ vào một mình... Sau đó, để Y, cùng với chiếc xe lăn, ra ngoài driveway, rồ máy xe, kéo cửa kính sau xuống. Đây là chỗ để Y. sẽ vịn giữ thân hình, trước khi vào trong thân xe băng sau.


Theo em. Không còn theo hình theo bóng mà theo chân theo tay... Bắt đầu tìm cách cho Y. xuống tam cấp. Chân bước không được, thì bắt Y. bước chân phải xuống, rồi ôm cả chân trái như ôm cả khúc gỗ khúc cây để đặt nó xuống nền cùng với chân phải cho có đôi. Vừa ôm vừa ra lệnh: Để chân phải xuống. Giữ lan can cho chặt... Ôi cái chân trái khổ nạn, cái tay trái đình công... Tôi thương Chúa vì Chúa đã hôn chân người, tôi không hôn mà nâng lên, mà đưa xuống, mà đặt rất nhẹ nó trên nền xi-măng... Tôi nâng cả cái khổ nạn của một kiếp người cho một lần gánh lấy trước khi từ biệt... Mà thôi. Một xe lăn thứ hai đã đậu sẵn dưới bậc thềm, và tôi lại đỡ Y vào xe, để đẩy ra driveway... Lại đỡ Y. đứng dậy, bắt Y. vịn vào cửa kính xe, đây cả mông vào trong, cho mông ngồi trên mé băng xe, và từ từ ôm cả hai chân, chân phải trước, chân trái sau, sao cho hai chân lọt vào trong xe... Rồi nịt belt, rồi xếp xe lăn cho vào sau trunk....


Mình không có xe lớn. Nhà mình không có ramp. Mình không có phụ tùng đặc biệt để đưa người bất lực vào xe dễ dàng, thì đành theo em, bằng hai tay này mỏi, hai chân này quỵ. Miễn sao cho em vui...


Lái xe như lái cho người du lịch. Chậm. Cửa xe kéo xuống. Trời đẹp làm sao. Đấy bà thấy hàng cây đào nở hoa rợp đường hay không... Y. say mê nhìn cảnh tượng bên ngoài. Hình như cả năm Y. mới được dịp ngồi lại trong xe. Trước đây, khi Y. chưa có thêm trận stroke thứ hai, thì chúng tôi hay đi ra ngoài, sau này, thì hết cách. Trước đây dùng gậy bốn chân để lê từng bước, thì bây giờ, có gậy một ngàn chân cũng vô ích...


Làm sao Y. biết suốt ngày suốt đêm tôi suy nghĩ cách để mang Y. xuống bốn bực thềm và ngược lại. Nếu có một người phụ thì hai người cùng khiêng cả xe lăn như khiêng kiệu, thì quá dễ. Đằng này chỉ có một mình tôi. Nhưng tôi không thể để Y suốt ngày nằm trên giường mê mệt. Tôi phải mang Y. ra ngoài... Và tôi đã bắc thêm những thanh vịn trước cửa trong nhà, làm sao để Y. có thể cầm mà chiếc xe có thể đặt ngay vào mông để Y, ngồi xuống.


Người bệnh đột quỵ như một khúc cây nặng kinh khủng. Thử nhấc một đô vật chừng 30 lb cũng thấy lả người, huống gì cả trăm lb... Vậy mà, tôi đã có cách. Từ cách đưa người lên giường, mang người xuống giường, hay vào nhà cầu hay thay quần thay áo thay tã... Nhanh và gọn, ngay cả người chuyên nghiệp về therapy cũng phải trố mắt kinh ngạc.


Giờ đây, trí tuệ cũng giúp tôi cách mạng Y. xuống bốn bực thềm, và lên bốn bực thềm, cách làm sao đưa Y. vào ngồi trong lòng chiếc xe nhỏ hẹp thay vì xe van hay xe lớn có chỗ dành cho người bị tàn phế.


Chúng tôi có một buổi trưa rất êm đềm. Y, thích cá Salmon, còn tôi thì cà phê... Ăn xong, tôi đẩy xe gần cửa kính để Y. nhìn ra phi trường Newark. Mấy năm xa nó thấy nhớ lắm những con tàu cất cánh... Số phần giờ đã an bài. Hạnh phúc càng lớn khi nó được nảy sinh từ khổ nạn. Dù hai tay muốn run, đầu óc muốn quay cuồng, hai chân muốn quỵ khi đỡ Y. nhưng thấy Y. ăn ngon, luôn luôn nói hôm nay vui quá.... thì lòng mình cũng bát ngát niềm vui.


Hình chụp tại IKEA, khi Y. chưa bị stroke thứ ba đến viếng.

Thỉnh thoảng tôi nhận Email từ bạn bè thương tình chỉ giúp tôi cách thức điều trị, ngay cả đọc kinh, cầu nguyện, ngay cả nói về một hai vị lương y Hoa đà thời nay... Tôi cám ơn... Ít nhất là ba người tới nhà tập Physical therapy cho Y. nhưng cũng đành chịu thua. Tôi cũng đã cho Y. thử những loại thuốc mà người ta đồn là thánh dược, một viên tễ đến $170, nhưng càng làm cho nỗi lo lắng của mình tăng thêm gấp bội. Bởi ảnh hưởng của thuốc đã làm độ đường tăng vọt lên đến mức lo ngại phải đi emergency... Giờ tôi không còn tin vào ai nữa. Mà tin vào tôi. Mỗi ngày tôi cố mang cho Y. niềm vui. Mỗi ngày tôi giấu Y. nỗi buồn của tôi. Mỗi ngày tôi tự tìm lấy lời giải cho một bài toán quá khó không thể giải quyết được từ cổ tới kim.


Có ngày Y. bước đi rất khó, bước chân trái không thể nhấc lên. Có ngày bước chân có thể nhấc được nhưng bước nghiêng vào phía trong, và cũng có khi bước chân bình thường như người sắp hồi phục. Đó là lúc chúng tôi quá đỗi vui mừng... Đó là lúc Y. mơ một chuyến đi xa...


Chuyến đi nào cũng là chuyến đi. Dù xa hay dù gần. Gần mà quá xa như Y. bây giờ. Ngay cả căn phòng ngủ của Y. mà hơn hai năm nay Y. vẫn chưa vào nằm lại. Còn xa, như VN, thì quá gần với tôi. Vì đối với tôi, tôi về thăm nó ngày và đêm, có khi trong giấc ngủ, có khi lái xe, có khi nghe lại một bản nhạc...


Và có lẽ gần gũi nhất là cái chết. Trời kêu ai nấy dạ mà.


Tháng 5 năm 2015, stroke đã thêm một lần đánh xuống Y. Đây là stroke thứ ba. Và cách duy nhất cứu Y., cứu tôi là Y. phải vào nursing home.


*


Có lẽ tôi sẽ không còn làm TQBT nữa, dù mực giấy đã chuẩn bị, dù cả tập đã được layout, dù bài vở xem như đầy đủ...


Tôi đã cảm tạ văn chương vì nhờ văn chương tôi mới được gặp Y., được làm rể miền Nam, để tôi hiểu thế nào là một sự dừng chân lại, và ngay cả ước mơ xuất bản tờ Thư Quán Bản Thảo không còn là giấc mơ mà là sự thật. Nhưng bây giờ Y. đã bỏ tôi mà đi. Bỏ thật rồi.


Còn gì để mà cảm tạ nữa.



Bây giờ mùa hoa honeysuckle lại về, vàng rực hàng rào vườn sau. Tôi nhớ khi Y. còn ở nhà, nửa đêm Y. bấm chuông kêu tôi. Tôi đến bên giường hỏi, bà cần gì. Y. nói: Tôi nhớ lời ông nói là cứ đến mùa hoa honeysuckle nở là chúng mình cùng đến bên cửa sổ nhìn hoa. Tôi nghe cả vườn thơm lừng hoa honeysuckle. Tự nhiên lòng tôi ràn rụa...


Tôi đã làm xong một số báo dày 280 trang, tự mình in lấy, cắt xén, layout, trình bày bìa, sưu tập bài vở, đọc và viết, giữa lúc ban ngày phải túc trực thường xuyên tại nursing home để chăm sóc người bạn đời. Tôi chỉ làm nó vào đêm hôm khuya khoắt, một mình trong căn nhà trống vắng lê thê. Xin đừng choàng vòng hoa cho tôi. Tôi đang khóc. Ôm mặt mà khóc. Khi phải vất bỏ không nương tay tất cả đồ đạc, giấy bút, hay những chồng thư khen ngợi THT của độc giả mà Y. đã ra công gìn giữ, mong một ngày Y. sẽ lựa lọc và in thành sách. Tôi đã vất chúng vào thùng rác, không đắn đo, không thương tiếc. Bởi tôi có giữ thì cũng chẳng ích lợi gì. Số phần chúng tôi xem như ở mạt lộ rồi. Còn gì nữa để mà gìn giữ cơ chứ?


Nhưng mà khi nhận ra những chiếc hoa tai của Y. văng ra trên sàn nhà, tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc như đứa con nít. Trời ơi, đoạn kết chưa phải đến với tôi, sao lại trở thành bi kịch như thế này. Hở Trời?


Suốt cả tháng nay túc trực bên giường Y. tôi ngồi như một kẻ tội đồ. Nursing home như là ngôi nhà mồ với những quan tài chưa đậy nắp. Sáng chiều và tối nổi lên những tiếng la, tiếng thét, tiếng kêu, tiếng khóc... Hầu hết những người vào đây, là những người mà con cái hay người thân tìm cách tống, vì họ không thể chăm sóc. Họ nhờ nursing home thay họ chăm sóc giùm. Và hầu như những người vào đều đợi cửa mồ mở ra khi nào không biết. Đa số không còn sáng suốt. Có người cứ vài giây lại la. Tiếng la cứ tiếp tục ngày và đêm chẳng ai buồn để ý. Có cụ thì suốt ngày ngồi trên xe lăn, nhìn ra cửa, không nói năng. Có cụ cứ la help help hoài... Cả một dãy hành lang như vang lên những lời gọi hồn cho những kiếp đời sắp kết cuộc. Chỉ tội cho những người còn tỉnh trí. Như Y. Như tôi. Tôi vào đây vì Y. Và Y. vào đây vì tôi không còn cách gì khác.


Vì vậy, giờ chỉ muốn tìm quên. Chỉ có TQBT mới giúp tôi quên. Quên. Quên hết. Chỉ có chữ nghĩa mới giúp tôi quên. Quên. Quên hết.


Trần Hoài Thư

Trích: Cảm Tạ Văn Chương, Chương 21
Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, Ấn bản đặc biệt Tháng 10-2020

*

Giới thiệu Tạp chí Thư Quán Bản Thảo Ấn Bản Đặc Biệt Tháng 10-2020


Hình bìa trước, sau và trang 2

MỤC LỤC


Chương 1 Bóng tối và ánh sáng /3

Chương 2 Cô nhi viện Hòn Chồng:

         Ai buồn hơn ai /21

Chương 3 Cô hiệu trưởng /30

Chương 4 Từ một nơi chốn không bao giờ quên /37

Chương 5 Ngày từ biệt xóm Rộc /62

Chương 6 Cha tôi, ông đồ /64

Chương 7 Bài văn định mệnh /74

Chương 8 Nỗi bơ vơ của loài ngựa chứng / 84

Chương 9 Đồi đưa ta lên tận mặt trời /94

Chương 10 Gặp nhau sông núi trở màu đắng cay /107

Chương 11 Đêm tiếp cứu /123

Chương 12 Tác phẩm lớn, nhỏ.../126

Chương 13 Kẻ đào ngũ /129

Chương 14 Con mồi /138

Chương 15 Ban Mê Thuột, mùa tai ương hoan lạc /161

Chương 16 Một độc giả ân nhân /169

Chương 17 Phải sống /174

Chương 18 Phương Nam /178

Chương 19 Người bán cà rem dạo /181

Chương 20 Cảm tạ /187

Chương 21 Ngày cuối năm 2012

         (sau bão Sandy một tháng hơn)/198

Chương 22 Tập viết /208

Chương 23 Cuối cùng tôi đã tìm ra.../214

Phụ lục   Trần Hoài Thư giả /217.