1-6-2023 | VĂN HỌC

Thơ của người viết văn làm lính chiến Trần Hoài Thư

  HÀ KHÁNH QUÂN


    Nhà văn Trần Hoài Thư
Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay (THT)

Ngòi bút Trần Hoài Thư thật rực rỡ trên những trang văn, điều này ai đọc sách cũng công nhận. Nhưng ít người biết những trang thơ của người lính Việt Nam Cộng Hòa này cũng lộng lẫy không kém, ở cả hai mặt phẩm chất và số lượng.


Trần Hoài Thư khởi hành cuộc chơi cùng chúng tôi, những người trong lứa tuổi cuối thập nhiên 30, đầu thập niên 40 như Lê Vĩnh Thọ, Thành Tôn, Y Uyên, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Cung Tích Biền, Trần Huiền Ân, Lữ Quỳnh, Hồ Minh Dũng, Cao Thoại Châu, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Phạm Công Thiện, Trần Vấn Lệ, Sương Biên Thùy, Phổ Đức, Song Thao, Hoàng Bảo Việt, Kim Tuấn, Định Giang, Phạm Nhuận, Chu Trầm Nguyên Minh, Phan Nhự Thức, Hoàng Quy, Hà Thúc Sinh, Hoàng Lộc, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Hoàng Thị Bích Ni, Luân Hoán, Lâm Chương, Lâm Hảo Dũng, Phương Tấn, Hoàng Đình Huy Quan, Huy Tưởng, Hạ Quốc Huy, Chu Vương Miện, Lam Hồ, Phan Duy Nhân, Huy Giang, Khắc Minh, Trần Phù Thế, Phạm Ngọc Lư, Hoài Khanh, Thiếu Khanh, Mường Mán, Võ Quê, Võ Chân Cửu, Vũ Hữu Định, Thái Luân, Thái Tú Hạp, Từ Thế Mộng, Từ Kế Tường, Đỗ Nghê, Phan Việt Thủy, Vương Thanh, Linh Phương, Hà Huyền Chi, Thế Uyên, Dương Kiền, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn, Phan Trước Viên, Trần Tuấn Kiệt... Đa số trong danh sách thiếu sót này, sống ngoài Thủ đô Sài Gòn, và ở trong giai đoạn đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Thật xin lỗi, tôi đã lẩm cẩm, dông dài cho phần liệt kê, vì xem đây như một cơ hội gọi tổng quát đám bạn có biết, được quen cũ.


"đôi khi nhắc lại danh xưng

chưa quen vẫn nhớ như từng biết nhau

gọi tên như gọi nỗi đau,

niềm vui một thuở bạc đầu hôm nay - LH"


Với riêng Trần Hoài Thư, anh có hồ sơ cá nhân như sau:

Tên thật Trần Quí Sách, sinh ngày 16 tháng 12 năm 1942 tại Đà Lạt. Theo học Quốc Học Huế, Đại học Sài Gòn, dạy trung học công lập Trần Cao Vân (Tam Kỳ) từ 1964-1966. 1967: Nhập ngũ khóa 24 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Khoảng bốn năm làm trung đội trưởng, thuộc đại đội 405 thám kích của sư đoàn 22 Bộ Binh tại Bình Định. Làm phóng viên chiến trường tại vùng IV từ 1971 đến tháng 4/1975. Ba lần bị thương. Sau 1975 có bốn năm lao động không lương trong trại tù của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vượt biển thành công; định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980. Trở lại nhà trường, tốt nghiệp Cử nhân Điện toán và Cao Học Toán Ứng Dụng, làm việc cho công ty điện thoại AT&T và là Project Leader về ngành Tin học của công ty IBM. Lập gia đình cùng chị Nguyễn Ngọc Yến, có một cậu con duy nhất, hiện hành nghề bác sĩ tại Hoa Kỳ. Trần Hoài Thư hiện đã nghỉ hưu. Anh tiếp tục viết, sưu tập, làm công việc in và phát hành sách từ A đến Z.


Trần Hoài Thư bắt đầu viết từ năm 1966 tên các tạp chí Bách Khoa, Văn, Bộ Binh, Ngàn Khơi, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức, Đời... Tại hải ngoại, bài góp cho: Nhân Văn, Hồn Việt, Dân Quyền, Độc Lập, Lửa Việt, Phụ Nữ Diễn Đàn, Sóng, Văn Học, Quê Mẹ, Đời Mới, Sóng Văn... Anh chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo, tự in, tự đóng, tự phát hành (hiện nay vẫn còn tiếp tục), cùng lúc thành lập nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã in hàng trăm tác phẩm văn chương cũ của VNCH; gồm sách khảo cứu văn học và sáng tác của Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Hoàng Hương Trang, Hoài Khanh, Hoàng Xuân Sơn, Khuất Đẩu, Phạm Văn Nhàn, Trần Phù Thế, Vũ Thất, Nguyễn Thị Thanh Sâm, Lâm Vị Thủy, Cao Vị Khanh, Lâm Anh, Lê Văn Trung, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Phúc Sông Hương (Thái Luân), Đặng Kim Côn, Hạc Thành Hoa, Phan Nhự Thức, Nguyễn Thanh Châu, Kiệt Tấn, Y Uyên, Từ Thế Mộng, Phạm Ngọc Lư, Đặng Tiến, Lê Văn Thiện, Lữ Quỳnh, Hoài Ziang Duy, Khoa Hữu, Lữ Kiều, Luân Hoán, Trần Hoài Thư...

Sáng tác của Trần Hoài Thư in và phát hành gồm:


Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (truyện, Ý Thức 1968), Những Vì Sao Vĩnh Biệt (truyện, Ý Thức 1970), Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (truyện, Ý Thức 1971), Một Nơi Nào Để Nhớ (truyện, Con Đuông 1974), Ra Biển Gọi Thầm (truyện, 1995), Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối (truyện, 1997), Về Hướng Mặt Trời Lặn (truyện, 1998), Đại Đội Cũ Trang Sách Cũ (truyện), Thế Hệ Chiến Tranh (truyện), Đánh Giặc Ở Bình Định (truyện), Thơ Trần Hoài Thư (thơ, 1998), Mặc Niệm Chiến Tranh (tùy bút), Đêm Rừng Tràm (truyện), Hành Trình Của Một Cổ Trắng (truyện), Thủ Đức Gọi Ta Về (hồi ức), Qua Sông Mùa Mận Chín (thơ), Tháng Bảy Hành Quân Xa (thơ), Phố Xa (thơ), Ngày Vàng (thơ), Ô Cửa (thơ), Quán (thơ), Xa Xứ (thơ), Truyện Trần Hoài Thư (từ 6 tạp chí cũ), Truyện Từ Bách Khoa (TAQ, 2011), Truyện Từ Văn (TAQ, 2012), Truyện Từ Vấn Đề (TAQ, 2015), Vịn Vào Lục Bát (thơ). Ngoài ra anh còn sưu tập, chọn lọc cho ấn hành các tuyển tập nhiều trang như: Văn Học Miền Nam Thời Chiến, Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (tập 1 và 2), Thơ Tự Do Miền Nam, Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thơ Tỉnh Miền Nam, Văn Miền Nam (gồm I, II, III, IV).


Trong 10 thi phẩm của Trần Hoài Thư, hình như tôi được anh tặng hơn một nửa, nhưng trước mặt, chỉ có: Thơ Trần Hoài Thư, Qua Sông Mùa Mận Chín, và Phố Xa. Đọc lướt lại mỗi tập, loáng thoáng thấy nhiều chủ đề quen thuộc: Tình Yêu, Quê Hương, Chiến Tranh, Cuộc Sống...


Từng là bạn cùng quân trường, tôi tò mò muốn biết anh viết những gì, nghĩ ra sao về đời sống quân ngũ. Dung mạo những trận đánh của anh khác biệt những gì so với những lần sinh tử của tôi? Trong suốt một thời gian dài, chúng tôi đã góp máu, góp mạng sống, quyết tâm để triệt hạ, xóa bỏ chiến tranh. Nhưng cũng chính cuộc chiến này, đẻ ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài, không riêng trong lãnh vực quân sự. Bề dày văn học nghệ thuật, với không khí tự do tràn đầy, văn thơ, âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, điện ảnh đều phát triển. Đặc biệt âm nhạc, đã xuất sắc đi thật sát với âm thanh súng đạn. Những ca khúc không hẳn từ ngành Tâm Lý Chiến, Chiến Tranh Chính Trị mà có. Chúng bộc phát từ những gian khổ, hào hùng thật sự ở chiến trường thấm về. Thi ca không tưng bừng như âm nhạc. Bước phát triển khiêm nhường hơn nhiều, nhưng vẫn có hai khuynh hướng rõ nét. Một, góp bài cho những tờ báo quân đội Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Tuyến... Hai, mang u uẩn từ những tổn thất đất và người mà thành hình những phản chiến, bi quan.


Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là thành phần chủ yếu trong chiến tranh Việt Nam. Chủ yếu ở đây không nằm trong chủ động gây chiến, khởi xướng cuộc tương tàn; không nằm trong tham vọng bành trướng lãnh thổ; không nằm trong chiến thuật tìm đất để đặt phòng tuyến ngăn chống chủ thuyết chính trị đối nghịch. Chủ yếu ở đây là trực tiếp chiến đấu hữu hiệu trên hầu hết các mặt trận, là tinh thần tự do, nhân bản. Những mưu toan coi nhẹ vai trò của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lâu nay, không thể xóa được những trang quân sử hiển nhiên. Chúng ta chưa có những tác phẩm văn học xứng tầm với cuộc chiến? Thế nào là xứng tầm? Thơ, nhạc Việt Nam Cộng Hòa còn đang hít thở ngoạn mục. Hãy lắng nghe, hãy tìm đọc những sáng tác trung thực không vì nhiệm vụ chính trị, phe đảng mà hư cấu ác ý.


Cá nhân người lính Trần Hoài Thư qua văn, thơ, đã để lại nhiều nét trung thực về cuộc chiến ý thức hệ này.


Hình ảnh thứ nhất, tôi lượm từ thơ Trần Hoài Thư, mời các bạn cùng đọc:

"ta trở về, giáp mặt chiến tranh

đồi cháy lửa mặt trời nhuộm đỏ

thau rượu đế mừng ta thằng lính sữa

dzô ông thầy! hữu sự có thằng em


trung đội ta về, hai mươi mấy thằng con

thằng trai miền Nam hề, sinh thời ly loạn

đứa gốc người Kinh, đứa Nùng, đứa Thượng

đứa độc thân, đứa con vợ đề đùm

đứa gốc nhảy dù, đứa tội đào binh

đứa ăn chay trường, đứa thèm thịt chó

ta ra trường, núi sông nghiêng ngửa

tập chửi thề, gái, rượu, xung phong!


hành trang ta lựu đạn dao găm

tuổi trẻ ta già như quả đất

thêm một trái tim ngự đầy Chúa Phật

thêm một cõi lòng tràn ngập quê hương

khi đánh nhau, thắng bại, lẽ thường

chỉ mong đàn con bình an vô sự

chỉ mong trở về gặp nhau đụng rượu

lỡ chết rồi, hồn cũng thoát thành men


ta cần gì giáp sắt che thân

gánh gì đồ chiến tranh cho nặng

trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẫng

trong túi ta một gói thuốc chuồn

bắt tù binh mời điếu thuốc thơm

để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm


mấy năm trời giày da bẹt gót

ngày lãnh lương về chợ dưỡng quân

cảm ơn những nàng má phấn môi son

yêu ta vội vàng trước khi tiếp Mỹ

con gái tiểu thư mơ toàn hoàng tử

còn ai chia giùm con rận hành quân


ta lính miền Nam hề, gốc Nho phong

không chiến tranh cũng thành đốc tờ đốc tiếc

thời thế đẩy đưa ta làm lính chiến

mang nỗi buồn như rừng lá khai quang

ta đứng giữa trời bốn phía rưng rưng

em gái mười lăm đi làm đĩ Mỹ

thằng nhỏ mười ba học đòi sát ngụy

ma quỷ phương ngoài học xẻ Trường Sơn

đất nước ta, cường quốc bán buôn

hậu phương ăn chơi biểu tình đảo chánh

lúc đồng đội ta sống lên chết xuống

một đám ở nhà nhảy nhót thâu đêm

lãnh chúa ta thì ăn trước ngồi trên

hùng hổ lắm nhưng mặt hèn cũng lắm


khóa của ta

trên mấy trăm thằng tình nguyện

đi Nhảy Dù, Thủy Bộ, Thám Báo "ác ôn"

đứng đợi cả ngày để bốc lá thăm

toàn thứ dữ mà vui như chợ Tết

có đứa mang bằng kỹ sư về nước

chọn Cọp Ba Đầu Rằn làm lính tiền phương


ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng

ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp

ta trèo lên cây hỏi rừng có biết

Có một nơi nào hơn ở Việt Nam

Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam?"

(Ta lính miền Nam - Thơ Trần Hoài Thư, 1998)

Tôi tạm làm dịch giả, để chuyển văn bản chữ Việt qua chữ Việt, hay đúng hơn từ thơ sang văn, với chỉ mục đích lặp lại và nhấn mạnh ý của nhà thơ. Trần Hoài Thư viết theo cảm xúc tùy hứng, và hình như có hương rượu đưa đẩy câu chữ. Bài thơ cho thấy: xã hội miền Nam thời bấy giờ, không khí chiến tranh, tạo nên nhiều tệ nạn ngay tại thủ đô, từ giới lãnh đạo đến quần chúng chung quanh. Đất nước như là cái chợ tiêu thụ vũ khí, chứa chấp những phần tử ăn chơi sa đọa. Đĩ điểm có mặt nhan nhản. Sự thả lỏng tự do, có phương hại đến việc điều hành quốc gia. Những cuộc biểu tình bị giật dây từ kẻ thù... Bối cảnh cuộc sống như vậy, phần lớn do âm mưu xâm lấn, được dàn dựng từ Bắc Việt. Chiến thuật gài người quấy phá, khủng bố bằng bom mìn, pháo kích thường trực, tạo bất ổn xã hội. Chúng ta không thể trách hết giới lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ phải giải quyết những ngấm ngầm giành đất, bằng súng đạn của đội quân sinh Bắc tử Nam. Nhờ ý thức cao, thanh niên miền Nam, trong đó có Trần Hoài Thư, đến tuổi nghĩa vụ đã bình thản thi hành bổn phận của mình. Hơn thế nữa, những người du học có bằng cấp cũng trở về tham gia đầu quân. Thành phần chưa tới tuổi cũng tình nguyện rất cao. Nhờ thế, Việt Nam Cộng Hòa sớm có một quân đội hùng mạnh với khả năng tham chiến đáng ca ngợi. Tất cả, như nhà thơ nhìn nhận, đều nhờ vào trái tim, nhiều trái tim, luôn có Chúa Phật, luôn ấm tình người bên trong.


Cũng qua bài thơ này, Trần Hoài Thư khoe, trung đội anh chỉ huy gồm nhiều sắc dân, nhiều độ tuổi, chênh lệch trình độ học vấn... nhưng giàu ân nghĩa, biết trọng người chỉ huy, biết thương đồng đội. Hình ảnh tiêu biểu một cuộc nhậu sau hành quân, với ngôn ngữ xưng hô, những chia sẻ, nằm trong thơ Trần Hoài Thư đều chân thật, cảm động. Trần Hoài Thư không làm thơ phản chiến. Anh cũng không ca tụng điều gì hư ảo. Viết để mô tả chuyện thật, người thật cùng chêm vào đó những suy tư lẫn cảm tình của một đàn anh, một "ông thầy", đang cầm trong tay trọng trách. Trần Hoài Thư không tỏ thái độ lạc quan, nhưng sự tự hào làm người lính Quốc Gia là có thực, thể hiện ngay trong việc đặt tên cho bài thơ. Một ưu điểm nữa là bài thơ cho thấy sự tự do viết không cần phải lách của người lính Việt Nam Cộng Hòa. (Tôi vừa tự kiểm duyệt mấy câu so sánh, chợt nghĩ không cần thiết).


Về kỹ thuật ở bài này, Trần Hoài Thư thật khéo tay, kể bằng ngòi bút như vẽ, linh động chuẩn mực với ngôn từ từng được lính tráng sử dụng một thời:


"... ta ra trường, núi sông nghưỡng ngừa

tập chửi thề, gái, rượu, xung phong

hành trang ta lựu đạn dao găm

tuổi trẻ ta già như quả đất

thêm một trái tim ngự đầy Chúa Phật

thêm một cõi lòng tràn ngập quê hương..."


"... ta lính miền Nam hề, gốc Nho phong

không chiến tranh cũng thành đốc tờ đốc tiếc

thời thế đẩy đưa ta làm lính chiến

mang nỗi buồn như rừng lá khai quang..."


Trình diện đôi nét về chân dung người lính trận rồi, Trần Hoài Thư mang quân tham chiến như thế nào đây? Nhiệm vụ của Thám Kích, tôi chỉ hiểu lờ mờ, không dám ba hoa. Thôi thì theo thơ dò bước quân hành của nhà thơ vậy.


"băng đồng, băng đồng, đêm hành quân

người đi ngoi ngóp, nước mênh mông

về đây Bình Định ma thiêng lãnh

mỗi địa danh rờn rợn oan hồn..."


À, như vậy, ông trung đội trưởng đang cùng đám con, về vùng đất võ nổi tiếng của Việt Nam. Với bốn chữ lặp lại ở dòng mở đề, những người trong nghề săn giặc như chúng tôi, hình dung ra ngay, nhớ lại một thời bùn đất cấp kỳ. Và tuyệt hảo thay, những hình ảnh một cuộc hành quân được nhắc nhở lại rất chính xác, nhịp nhàng từng động tác:


"đêm âm binh về xứ khổ

poncho phơ phất gió hồn oan

trên vai cấp số hai lần đạn

không một vì sao để chỉ đường

mưa lạnh thèm tu hơi rượu đế

để quên tim nhảy nhịp lo âu

giơ tay vuốt mặt lau tròng kính

giờ G giờ G sao quá lâu..."


"trên vai cấp số hai lần đạn/ không một vì sao để chỉ đường". Hình ảnh tôi đang sờ được, ngửi ra. Không thể nào không nhớ những lần trầm ngâm kiểm soát lại quân số, đạn dược, lương thực căn bản trước khi xuất phát. Vâng, nhà thơ còn đứng chờ ở điểm xuất phát. Thời điểm này là giai đoạn có nhiều khoảnh khắc để âu lo nhất. Nghĩ gần nghĩ xa, chen lẫn cảm giác buồn buồn, chỉ có trong những lúc này. Bởi khi bắt đầu đi, mọi quan tâm chuyển qua một góc lo toan khác: thận trọng, nghi ngại, phỏng đoán và chờ đợi. Kịp đến lúc có tiếng súng ngược chiều, sẽ tự nhiên phản xạ, bình tĩnh, quyết đoán và dứt khoát. Những diễn tiến này dần dần thành thói quen, được lặp lại trong nhiều cuộc hành quân.


Thời khắc đi qua mọi diễn tiến tùy thuộc vào hoàn cảnh. Trần Hoài Thư kể tiếp những gì anh và binh sĩ đã gặp hôm đó: "cả tuần, đêm không ngủ", "lương khô đã hết, chờ trực thăng", cả tháng hành quân tại An Lão là "một tháng trời mưa thúi chiến trường". Cái khổ từ tạo hóa gây ra chưa nhằm nhò gì, địch quân thừa mìn đạn Liên Xô, Trung Cộng, không bỏ lỡ cơ hội, và màn kịch quen thuộc lại trình diễn:


"pháo chụp người gào khan cả họng

máy sôi tắt nghẹn chờ phi tuần

miểng thép đâm xiên thằng bạn gục

hỏa châu vàng thoi thóp triền sơn"


Một trung đội VNCH, thừa sức đẩy lui một đại đội Bắc Việt là chuyện thường. Lẽ đương nhiên cũng đôi lần ngoại lệ. Lần này, khi "địch vây xiết chặt bộ tiền phương", Trần Hoài Thư phải cùng đám lính anh "mở đường máu về Bồng Sơn". Ít khi có lộ trình rút an bình. Tiếng nổ vẫn tìm nhau. Nhà thơ kể tiếp diễn tiến khi anh đã qua sông "ta chiếm rừng dừa". Lúc này anh cũng cho biết nhiệm vụ giữ đất "từ Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Ly / ra Tam Quan qua rừng An Lão, từ Kỳ Sơn, Phước Lý, An Khê". Anh ngậm ngùi tiễn đưa những "đứa con" vừa "đi phép dài hạn". Từng danh xưng được gọi thầm trong tim, trong đầu: nào Vọng, nào Nga, Nai, Bình Lò Heo, Chấn, Hảo, Sơn, Tài Xóc Dĩa".


Tổn thất nhân mạng như vậy là quá cao. Tôi hình dung được những bè bạn binh sĩ cũ. Xót xa cho những tân binh vừa được bổ sung thường hay vắn số. Cơm nhà binh chưa ngấm đủ hương vị đã nhận mấy chữ hy sinh đền nợ nước. Bài thơ tôi tưởng phải lấy tên Hành Quân, nhưng Trần Hoài Thư nghiêng lòng về nhân ảnh đàn em, nên anh dùng tên Trung Đội. Dù chọn đề nào, bài thơ cũng hiện rõ một góc đời người cầm súng ngoài mặt trận. Bài thơ có những đoạn rất hay:


nước nguồn đổ xuống ngày binh lửa

những xác nào đã thúi hôm qua

ai bạn ai thù sao quá thảm

trên một dòng cuồn cuộn oan gia

(Trung Đội)


Tôi lật tới lật lui những trang thơ, bài nào của Trần Hoài Thư viết đều muốn khoe hết cùng quý bạn. Nào là Khi Tôi Đi Rồi, Người Em Kiên Lương, Qua Đập Hoàng Hôn, Bát Trăng, Em Lên Thăm Anh, Cây Đa Bên Cầu, Tháng Ba Đi Hành Quân, Đêm Tiếp Cứu Quân Ở Tuy Phước Bình Định, Nhảy Trực Thăng Ở Phước Lý, Đêm Đột Kích Ở Nho Lâm, Đồi Xưa, Chiều Về Bệnh Xá, Một Ngày Không Hành Quân, Mùa Giáng Sinh Trở Lại Núi Trầu, Trường Ở Bên Sông, Quán Gió Đồng Bằng, Con Đường Trăng, Trước Giờ Tiếp Viện, Về Với Núi, Chiếc Poncho Nhà Binh, Đêm Dịch Kiết, Tháng Chạp Rừng Tràm... Hình ảnh trong hình ảnh, người cầm súng nào từng ra mặt trận có thể quên. Địa danh được khoanh trên bản đồ là mục tiêu. Mục tiêu là nơi sẽ đến bắn phá và "thanh toán". Đề mỗi bài thơ khó xa những tên gọi từng vùng đất quê hương là vậy.


Thưa bạn, tôi vừa ăn gian. Trang viết của tôi dài thêm bởi những tên bài thơ, nằm trong mục lục tập thơ mang tên chung chung Thơ Trần Hoài Thư. Chẳng phải thần thánh gì, nhưng thú thật với thơ thuộc về lính chiến, nhiều khi chỉ đọc tên bài, tôi đã nắm được nội dung. Sự khác nhau thường ở chỗ tài hoa của người điều khiển chữ viết. Thơ của Trần Hoài Thư cần phải đọc, để học thêm ở anh nhiều điều bất ngờ thú vị.


Và như đã nói, bài nào cũng đáng khoe, nên tôi không chần chờ, bắt tay ngay vào việc tương đối dễ dàng này. Trích đoạn mỗi bài những câu, những đoạn thấy cần. Phần suy ngẫm ở đặc quyền thưởng thức của các bạn.


Ồ mà lạ, hình như Trần Hoài Thư sắp xếp thơ không thuận theo dòng sống của anh. Vào tập là bài chia tay khi vượt biên, một bài độc nhất. Tiếp theo là thơ về quân ngũ, sau đó anh quay trở lại chuyện bỏ xứ, rồi mở ra cuộc sống lưu vong, chất đầy kỷ niệm về nhiều vùng đất anh đã lưu dấu chân.


May sự lộn xộn không nhiều. Đọc thơ đâu cần theo thứ tự nào. Dù chủ đề chen kẽ, thơ của Trần Hoài Thư cũng do ông Trần Quí Sách thở ra, chép lại. Vậy chúng ta trở lại lượm ngọc trong từng bài nhé. Xin nói trước, tôi vốn tham lam cái hay, nên có thể sẽ trích hơi nhiều:

"... tôi ra đi thành thị sau lưng

chào từ biệt, quê hương mình lần cuối

tôi có thằng con chưa đầy bốn tuổi

tôi có mẹ già tóc bạc tợ sương

tôi có vợ tôi cay đắng đoạn trường

đêm nay, đêm nay, trời ơi bỏ hết

khi tôi đi rồi một là chết biển

hai là bỏ xứ làm kẻ lưu vong

khi tôi đi rồi hai bàn tay không

giữa vùng mênh mông ngàn trùng bát ngát

khi tôi đi rồi, chắc hồn khó thoát

bởi quê hương cứ giữ chặt, không buông"

(Khi Tôi Đi Rồi - trang 7)


"em thị thành chăn vịt

tôi sĩ quan đào trùn

gặp em lòng muốn hỏi

sao miệng đành lặng câm...


tôi không nghe em nói

tôi chỉ nghe trái tim

để đêm năm biệt giam

tôi đau vì hạnh phúc"

(Người Em Kiên Lương - trang 8)

Bài ngũ ngôn trên viết trong giai đoạn ở tù sau 75. Nhiều bài khác của chủ đề này ở những trang sau. Tôi thích câu cuối.


Qua trang 9 là mở vào đời lính của Trần Hoài Thư, với Qua Đập Hoàng Hôn. Hẳn ai cũng hiểu hoàng hôn ở đây không phải là danh từ riêng. Trong ánh nắng chiều, đoàn quân đầy đủ vũ khí, di chuyển không đụng trận, đẹp như một cuộc du ngoạn:


"... lội sông, nước lớn dâng ngang ngực

lính đội ba lô, đỡ súng trường

trên khúc trường giang chiều sót lại

mảnh mặt trời đỏ ối soi gương"

(trang 9)


"... em lên thăm anh áo màu hoa cúc

mà hầm anh, lâu quá, không sửa sang

em xem kìa, lựu đạn với dao găm

không có cả một tấm hình để thêm tươi mát

không có bức tranh, dù là tĩnh vật

để ấm cuộc đời trong tuổi thanh niên..."

(Em Lên Thăm Anh - trang 11)


Một hơi thở tình yêu đằm thắm, những nhớ nhung sâu sắc đến từ những hình ảnh giản dị, gần như là cam nhận tự nhiên của người lính, nỗi buồn càng nhẹ càng bao la.


"thị trấn nằm hai bờ quốc lộ

vỉa hè loang lở đường mương con

những quán bên đường nghèo trống gió

những cô hàng buồn như tản cư...


cây đa, ngàn rễ đâm lòng đất

như tấm lòng người với Bồng Sơn

đa bám làng, tôi đi bám đất

đất và làng, thương quá quê hương"

(Cây Đa Bên Cầu - trang 9)


Ở trang 15 lại một sắp xếp lạc chỗ, bài Ta Bán Cà Rem, Hề!, một chuyện có thật trong đời Trần Hoài Thư, sau khi anh nhận giấy phóng thích của chính phủ vừa đổi tên; không phải VNCH đã đành, cũng không phải Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lại càng không phải Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mà là "xuống hố cả nước" qua mỹ từ Xã Hội Chủ Nghĩa. Sự chạy lạc của bài thơ biết đâu lại là cố ý của ông trung đội trưởng thám kích, thơ như thế này không thể không hoan hô:


"... ông lão buồn trong tuổi thanh niên

ngày tháng lửa binh, già hơn quả đất

sau cuộc chiến tranh làm tên sống sót

sau cuộc tội tù đi bán cà rem...


ông già Noël vào mùa Giáng sinh

cũng lắc chuông đồng phát quà phát bánh

ta bỗng nhiên, lòng òa hạnh phúc

ông già ơi, tôi xin được sau ông"

(Ta Bán Cà Rem, Hề! - trang 15, 17)


Hóa ra sau tháng 4.1975, bọn chúng tôi không hẹn mà cùng già hết, dù vẫn giữ cái tuổi trung niên, vốn đẹp nhất của đời người. Bạn bè tôi trở thành "mất dạy" trong chớp mắt nhiều quá, xin chia buồn muộn cùng Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Lê Vĩnh Thọ, Võ Kỳ Điền, Cao Thoại Châu, Nguyễn Đông Ngạc, Trần Hoài Thư, Lê Tấn Lộc... những ông thầy thứ thiệt, chuyển sang nhiều nghề rất lạ.


Ở trang thứ 18, thứ tự thơ lính được lặp lại và từ đây song suốt đến Đêm Từ Biệt Việt Nam (trang 51).


Đêm Tiếp Cứu Quận Tuy Phước Bình Định, được nhà thơ kết thúc:


"... ta cắn bầm môi, em ơi, ta khóc

em không về em cũng bỏ thanh xuân

em bé quê ơi, cho ta nhánh bông

một nhánh bông quỳ vàng như màu áo

ta đặt lên em. Trống trường ảo não


như những hồi mặc niệm em tôi

ta đã về, và đã trễ, em ơi..."

(trang 18, 19)


Bởi thường trực cận kề với tử thần. Mắt tay sờ thấy thân thể cường tráng, bỗng bất ngờ "chuyển sang từ trần" liên tục, người lính biết làm thơ, không thể dành dụm những bi quan cho riêng mình. Họ nói bằng ngòi bút. Một cách giải tỏa tâm trạng u uất. Tài hoa ngôn ngữ bộc lộ bản tính. Những cao ngạo của một người không tự nhiên mà có. Từng chút từng chút một, cái phi lý của cuộc chiến bị nhận diện. Bất lực hóa giải đâm ra bất mãn. Văng tục là một thái độ phản đối. Một con đường tắt không rõ nét của phản chiến. Thơ lính qua bộc lộ kiểu này thường gặt được nhiều tán thưởng. Và gần như, ông thi sĩ quân nhân nào, cũng để lại dấu ấn riêng, bằng hình ảnh của chính mình.

"... ráng giữ ống chân cho khỏi gãy

ráng ôm khẩu súng như tình nhân

cầu cho cặp kính dày không vỡ

nhớ cột dây thun cho chắc ăn


thằng Mỹ lái tàu chơi mất dạy

hai càng chưa hả đã bay cao

ta nhìn xuống thấp, run không nhảy

mày đạp ông, ông phải té nhào


ta té lăn cù rơi xuống vực

kính ta đã rớt, ta mù đui

mù đui, ta đứng, vai như gánh

một cỗ quan buồn quá hắt hiu


lính cũ chỉ đường ta đánh trận

quân bò, ta lại chạy khơi khơi

phen này còn sống về thăm phố

ghé lại em nuôi, thưởng cuộc đời"

(Nhảy Trực Thăng Ở Phước Lý - trang 20)

Một hình ảnh rất thật của người bạn chúng ta. Trần Hoài Thư có cơ thể rất khiêm nhường da thịt. Mắt cận độ nặng. Hồi ở quân trường, tôi đã thảm mà anh còn thảm hơn. Không hiểu vì sao anh chọn về thám kích của sư đoàn 22BB, cũng không hiểu vì sao tôi chọn về sư đoàn 2 BB. Ba số 2 chia làm hai có gì hấp dẫn? Chúng tôi đều có vị thứ tốt nghiệp khá cao, một phần lo học, một phần khối chiến tranh chính trị và tờ Bộ Binh ghé tay vào. Bảng đen ghi tên đơn vị còn nhiều chỗ an toàn. Thôi chuyện đã rồi. Thật sự, trong cuộc chiến biết nơi nào bảo đảm được chữ thọ.


Để khép lại phần đời lính trong thơ của anh sinh viên trừ bị Thủ Đức khóa 24 Trần Hoài Thư, mời bạn đọc hết bài "Một Ngày Không Hành Quân" ở trang 34 và 35:

"Xin cô hàng thêm một két bia

Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết

Cô hàng ơi, một mai tôi chết

Ai tiêu giùm, ba tháng tiền lương


Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn

Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc

Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt

Thị trấn này vừa mất thằng con


Tôi quá buồn ra đứng bờ sông

Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm

Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám

Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam


Cô hàng ơi cho một ly không

Tôi rót mời một người lính Bắc

Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật

Trên người vẫn còn sót lại bài thơ


Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ

Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng

Tôi với hắn, đâu có gì thống hận

Bài thơ nào cũng viết để yêu em


Xin cô hàng thêm một chút từ tâm

Tôi quen đập đầu mỗi khi say rượu

Đừng sợ cô em, những thằng đánh giặc

Nhảy Diều Hâu nhưng thật yếu mềm


Em có đôi hàng lông mi thật đen

Tôi bỗng nhớ người tôi yêu, quá đỗi

Đôi mắt nàng cả một trời vô tội

Sao lòng nàng lại tàn nhẫn vô tâm


Khi tôi buồn tôi nói trăm năm

Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống

Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu

Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh"

Có thể nói, tôi đọc khá nhiều thơ viết về cuộc chiến mà cá nhân tôi có trực tiếp tham dự. Tôi thật sung sướng đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Hoàng Lộc, Lê Vĩnh Thọ, Cao Thoại Châu... Chính tôi cũng làm thơ với chất liệu xương máu trộn trong mùi súng đạn; không chỉ có tập Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu đầy bi quan, mà còn có một Ngao Du Cùng Vũ Khí lạc quan hơn. Ấy vậy mà tôi xin được chọn bài thơ "Một Ngày Không Hành Quân" của Trần Hoài Thư là bài thơ thấm nhất, đọc thú vị nhất. Một bài thơ với chiều dài vừa phải, nội dung đựng đủ tất cả, từ quan niệm cuộc chiến, sáng ý nghĩa chiến đấu, nhất là tình người của cả hai bên tham trận. Đọc được bài thơ hay, lòng lâng lâng, không mắc mớ chi phải lang thang thêm. Dù ý định tôi dạo chơi qua Phố Xa, Vịn Vào Lục Bát, Qua Sông Mùa Mận Chín...


Hà Khánh Quân

Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ, số 24 Tháng 3-2023
Thơ Văn Ngôn Ngữ Và Giới Thiệu Văn Thi Sĩ Trần Hoài Thư