Vào khoảng giữa hai năm 2000-2001, tôi nghe nói nhà văn Trần Hoài Thư, tác giả tập truyện Ra Biển Gọi Thầm xuất bản năm 1995, có mở nhà in Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Lúc bấy giờ, nghe thì nghe vậy thôi nhưng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa tên tạp chí “Thư Quán Bản Thảo” là gì?
May sao, trong cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Doãn Nho về “Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo” vào tháng 4 năm 2010, trong đó, Trần Doãn Nho đặt câu hỏi:
“Tại sao lại là Thư Quán Bản Thảo?”
Nhà văn Trần Hoài Thư đáp:
“Bây giờ, không giấu gì anh. “Bản thảo” tôi lấy từ Ý Thức Bản Thảo, tên một tạp chí bất định kỳ trong nước ra một năm một số, mục đích là phổ biến văn chương nghệ thuật rất hạn chế trong vòng anh em thân hữu từng cọng tác với tạp chí Ý Thức trước 1975. Nó nói lên một điều: những người cầm bút trẻ thời trước 1975, vẫn tiếp tục viết, vẫn còn say mê với chữ nghĩa. Tôi đã tìm qua hai chữ Bản Thảo một ý nghĩa bi tráng hơn: văn chương bộ lạc. Và tôi đã dùng tiếng “bản thảo” này như một sự cảm thông, chia xẻ với anh em cầm bút trong nước. Còn Thư Quán thì anh chắc hiểu rồi. Thư là tên tôi. Vậy thôi.” (Bài phỏng vấn này đăng trên tạp chí Da Màu ngày 26.04.2010)
Còn về Ban chủ trương của tạp chí Thư Quán Bản Thảo, qua cuộc trò chuyện vừa dẫn, Trần Hoài Thư cho biết thêm:
“Ban chủ trương gồm 4 người, mà ba người đều tuổi ngựa (sinh năm 1942).”
Trần Doãn Nho lại tiếp:
“Anh là một trong bốn người. Vậy ba người kia là ai, thưa anh?”
Trần Hoài Thư đáp:
“Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch và Cao Vị Khanh.”
Như vậy, ngoài nhà văn Trần Hoài Thư là người chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo mà tôi có dịp gặp anh vài lần hồi tôi còn ở trên Boston vào những năm 1998-2000 vào những dịp anh chị Trần Hoài Thư & Ngọc Yến từ New Jersey lái xe xuyên bang lên Boston tham dự các buổi văn nghệ do nhóm văn nghệ sĩ Boston tổ chức; rồi sau này khi tôi xuống Houston, thỉnh thoảng tôi có gặp lại anh chị Trần Hoài Thư khi anh chị ghé thăm Houston. Ngoài Trần Hoài Thư ra, mấy năm sau này tôi có duyên may được gặp thêm hai vị nữa trong ban chủ trương Thư Quán Bản Thảo này, đó là anh Phạm Văn Nhàn và anh Trần Bang Thạch.
Về cái duyên mà tôi được gặp anh Phạm Văn Nhàn, có lẽ không gì bằng xin phép mời anh chị đọc lại câu trả lời của anh Phạm Văn Nhàn, mà có lần tôi nhờ anh kể sơ qua một chút nghe chơi về những ngày bắt đầu viết lách của ảnh thời còn trai trẻ cũng như sau này ở hải ngoại mà trong đó tác giả truyện ngắn Vùng Đồi có nhắc qua khá đầy đủ về những ngày mới hình thành tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán trong đó có việc phân công chọn bài vở, trình bày báo, in ấn và phát hành …
Thân chào anh Phạm Văn Nhàn,
Nghe danh anh đã lâu, từ những ngày đầu Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương, rồi được gặp anh ngoài đời cách nay cũng ba, bốn năm; thỉnh thoảng lại cùng anh ngồi nhâm nhi ly cà phể cuối tuần tại quán cà phê Nguyễn Ngọ (Houston), thế nhưng chưa lần nào tôi nghe anh nhắc về những ngày đầu anh bắt đầu viết lách. Vậy, nếu có thể được, xin anh vui lòng kể cho nghe một chút về những ngày khởi đầu ấy, chắc cũng phải khá lâu, có tới hơn năm, sáu mươi năm, phải không anh Phạm Văn Nhàn?
Houston ngày 12 tháng 9 năm 2016
Hai Trầu
Anh Phạm Văn Nhàn đáp:
“Thưa anh Hai Trầu Lương Thư Trung. Câu hỏi của anh đưa ra, với tôi dễ mà khó. Khó ở chỗ nào; vì nói ra cái điều tối kỵ nhất đối với tôi là nói về mình. Cái tôi đó mà. Bạn bè hiểu nhau, chơi với nhau ở cái tuổi gần đất xa trời này, giữ được cái tình bạn với nhau là quý nhất, Phải không anh?
(….)
Câu hỏi của anh đưa ra, nó nằm trong bộ nhớ của tôi từ mấy mươi năm nay. Giữ trong bộ nhớ của tôi về hình ảnh những bạn bè cũ. Giữ trong bộ nhớ của tôi về những năm tháng lang thang hết gặp người bạn này đến người bạn khác. Hết tới thành phố này lại qua những thành phố khác. Từ Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang...Một người lính phiêu bạt ngày nào. Buồn, thì nhớ đến bạn bè cho vui. Hầu hết còn ở trong nước. Cho nên, trong bộ nhớ của tôi lúc nào cũng có những tên của bạn bè. Mà lạ toàn những người bạn cầm bút một thời chơi với nhau. Khi đến Mỹ, trong bộ nhớ tôi có thêm anh Lương Thư Trung, bút hiệu Hai Trầu, khi anh còn ở Boston, tôi còn ở Amarillo. Dù chưa gặp . Nhưng với bút hiệu Hai Trầu gần như quen thân nhau lắm. Mong có ngày gặp mặt.
Thế rồi vào năm 2013 nhân một hôm tham dự buổi họp mặt đồng hương Bình Thuận ( tôi không quen ai cả trong khối đồng hương ấy ) chỉ ngoài hai vợ chồng bác sĩ Dũng ( người cùng quê Phan Thiết, cùng cải tạo chung ). Tôi nghe ban tổ chức nói đến tên anh. Tôi hỏi anh Dũng, anh Lương Thư Trung ngồi ở đâu ? Anh Dũng hỏi tôi anh quen anh ấy. Tôi nói không. Chỉ biết qua những bài anh ấy viết. Và anh Dũng dẫn tôi tới gặp anh.
Từ đó tôi với anh biết nhau. Từ đó tôi với anh trở thành người bạn già thân thiết. Hiểu nhau và kính mến nhau. Quý lắm! Cũng như mấy mươi năm qua. tôi quý và giữ mãi những hình ảnh của bạn bè tôi (có người còn sống cũng có những người đã nằm xuống) một tình bạn rất ư là chân tình. Không bao giờ làm phật lòng nhau. Lúc nào cũng hỗ trợ cho nhau. Dù người ở trời đông, người ở trời tây.”
- Phạm Văn Nhàn gặp lại Trần Hoài Thư
Anh Phạm Văn Nhàn kể tiếp:
“Cuối năm 1991 gia đình tôi qua Mỹ (HO). Ở Houston 8 tháng. Lang thang ra chợ Việt Nam thấy có tờ báo chợ, lấy một tập về nhà xem, tôi thấy có tên Trần Hoài Thư trong ban biên tập ( tờ báo Xây Dựng của anh chị Hoàng Minh Thúy ). Mừng quá. Thế nào cũng gọi nói chuyện với người bạn tôi. Còn Phạm Cao Hoàng khi ấy vẫn ở trong nước, chưa qua Mỹ. Tôi gọi điện thoại cho chủ nhiệm tờ báo để hỏi xin số điện thoại của THT. Nhưng chủ nhiệm tờ báo ấy nói là không có. Chỉ có email mà thôi. Mới qua, chẳng biết email là cái quái gì. Đành chịu!
Năm 1992 gia đình tôi dọn về thành phố Amarillo bang Texas vì dễ xin việc làm trên thành phố này. Năm 1993, không ngờ có một bà chị người Huế quen biết gia đình của người anh của THT ở Houston, vợ chồng anh chị Trần Quý Phiệt, mà vợ tôi có quen biết chị. Mừng quá, mới hỏi thăm và xin số điện thoại của anh THT. Tôi chưa gọi cho anh THT thì anh ấy đã gọi tôi rồi. Vì một lẽ tôi chưa gọi cho anh THT là cũng do những người qua trước (1975-1976) họ nói nhiều khi ngày xưa tình bạn chơi nhau như thế nhưng hôm nay họ qua Mỹ lâu tính cách họ đã thay đổi. Tôi ngại chưa gọi dù tôi gọi cũng chỉ là hỏi thăm nhau. Nào ngờ anh THT gọi tôi. Qua giọng nói anh vẫn còn giữ cái tình chúng tôi thân với nhau từ năm 1967. Sau lần điện thoại đó, một hôm đẹp trời tôi về nhà, anh THT đã đứng trước nhà tôi tại Amarillo. Cái lần đó tôi nhớ mãi. Anh đến thăm vợ chồng tôi. Còn cái tình bạn nào hơn thế nữa.
Qua Mỹ tôi cũng không cầm bút lại. Lo kiếm sống trên đất người, vì không có ai là bạn bè. Nhưng, sau khi gặp lại anh Trần Hoài Thư. Chính anh, chứ không ai khác là người động viên tôi viết lại. Phải cầm bút viết lại. Tôi tin bạn viết vẫn còn hay.THT nói như thế. Tôi mới hỏi; viết như ngày xưa anh em mình viết. Viết trên giấy rồi gởi cho báo phải không? Mà tôi đâu biết tờ báo nào để gởi? THT nói với tôi có tờ Khởi Hành ngày xưa của Đại tá Trọng và anh Viên Linh mà bọn mình gởi bài đó. Thế là THT bảo tôi gởi cho KH. Nhưng làm thế nào để viết? THT nói là phải mua một cái máy vi tính mới viết được. Tiền nong ba đồng ba cọc mà máy vi tính ( computer ) giá thời buổi đó chỉ đứng ngó. May có người quen bán cho cái computer cũ người ta không sử dụng nữa, bán tôi 300 đô la. Cái máy cũ, đem về nhà táy máy, tập đánh trên bàn phiếm. Không biết bỏ dấu chỗ nào. Hỏi người bán máy, người bạn cũng ...ngọng. Tôi hỏi THT, anh chỉ cho tôi cách sử dụng vi tính ( người mù nghe gió kiếm qua điện thoại ). Và font chữ VPS. Rồi tôi thiết lập email cũng qua THT. Rồi cũng THT giới thiệu cho tôi vài ba tờ báo giấy và mạng để tôi gởi bài. Sau đó Phạm Cao Hoàng ( đã qua Mỹ ) gởi email cho tôi đọc email của một độc giả nữ bên Canada gởi cho tờ báo mạng ( Da Màu ) nói thích cái truyện Vùng Đồi. Còn anh Viên Linh cho tôi hay cũng có độc giả KH thích cái truyện Hương Xưa của tôi. THT nói với tôi: tôi đã nói với bạn rồi. Bạn nên viết lại. Mấy mươi năm không đụng đến cây viết và trang giấy, hôm nay có THT khuyến khích. Tôi viết trở lại. Cũng chỉ là để vui. Không phải nhà văn hay nhà thơ . Vì từ xưa tới hôm nay. Tôi vẫn như thế.”
- Phạm Văn Nhàn và những ngày đầu với Thư Quán Bản Thảo & Thư Ấn Quán
“Sau khi tôi với anh Trần Hoài Thư bắt liên lạc lại được. Anh khuyến khích tôi viết lại. Cho đến năm 2001, trước đó vài tháng có một buổi họp mặt nhỏ tại nhà con gái tôi bây giờ. Gồm có năm người. (tôi, Trần Hoài Thư, Trần Bang Thạch, Cao Vị Khanh (Canada- bạn của anh Trần Bang Thạch và cô Nguyên Nhung ) do anh Trần Bang Thạch giới thiệu. Năm người này họp lại thành một nhóm, ý muốn phát hành một tờ báo văn học. Muốn là như thế, nhưng tiền đâu ra mà làm. Trong khi mỗi người ở mỗi nơi. Vốn liếng không có thì làm sao có tiền để in ? Nhưng tâm nguyện thì ai cũng thích. Dù tờ báo chưa hình thành, Nhưng các anh đồng ý giao cho tôi chăm sóc bài vở. Còn anh Trần Hoài Thư vì anh học " thảo chương "- progamming- nên lo làm software để in ấn ( kỹ thuật ) và phát hành. Cho đến cái tựa của tạp chí. Anh THT hỏi tôi. Tôi vẫn lấy cái tên của anh cho tạp chí là: “Thư Quán Bản Thảo”. Phát hành tập 1 đúng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tập Thư Quán Bản Thảo số 1 chỉ khoảng 100 trang. Tập 2 tăng lên được một ít trang. Qua tập 3 tôi với anh THT bắt liên lạc được với những người bạn cầm bút cũ, như Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Trần Huiền Ân, Nguyên Minh, Từ Thế Mộng, Lê Ký Thương, Lê văn Trung, Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Phạm Ngọc Lư, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Bắc Sơn, Võ Tấn Khanh, Viêm Tịnh, Tô Duy Thạch, Từ Thế Mộng... Còn Lữ Quỳnh, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Âu Hồng đã qua định cư ở Mỹ. Đến số 3 TQBT lên đến 250 trang và có khi lên đến 300 trang. Lúc này TQBT không còn 3 tháng một kỳ, mà 2 tháng phát hành một lần. Tôi chăm sóc bài vở đến số 32 thì giao lại cho anh Trần Hoài Thư tiếp tục từ số 33 cho đến ngày nay (số 71).
(Đỗ Hồng Ngọc. Phạm Văn Nhàn, Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, Nguyên Minh, Lê Ký Thương- chụp năm 2014)
“Đến số 3, anh THT nói với tôi là muốn in lại những tác phẩm của bạn bè, và tạo nên một tủ sách : Di Sản Văn Chương Miền Nam. Nhà xuất bản và nhà in chọn tên như thế nào, THT hỏi tôi. Tôi vẫn dùng cái tên của anh THT để đặt tên nhà in và xuất bản: Thư Ấn Quán. THT tạo cho một logo riêng. Thế là trong khi phát hành TQBT chúng tôi bắt đầu sưu tầm tất cả truyện ngắn, trong vòng một năm trời lấy cái tựa là: Văn Miền Nam Trong Thời Chiến. Gồm 4 tập đánh số thứ tự từ tập I, II, III, IV. Mỗi tập dầy khoảng 600 trang. Hầu hết các tác giả có truyện ngắn đi trên các tạp chí phát hành trước 1975 ở Sài Gòn. Chúng tôi còn ghi là từ báo nào, ngày nào, tháng nào. Sau 4 tập Văn Miền Nam, Thư Ấn Quán lần lượt phát hành Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến gồm hai tập. Tập I, hơn 800 trang. Tập II hơn 700 trang. Bìa cứng. Sau đó thêm một tập : Một Thời Lục Bát. Và tập Thơ Tư Do Miền Nam.
Phải thành thật mà nói, từ một người lính không biết gì về in ấn và đóng sách thế mà anh Trần Hoài Thư đã làm nên một nhà in, với những đầu sách để đời trong lòng độc giả còn yêu mến văn chương miền Nam. Những bài viết cũng như sự đóng góp mà anh đã khuyên tôi cầm bút trở lại đã cho tôi có thêm những người bạn và độc giả mới.
Nếu không có anh THT chắc tôi cũng bỏ luôn cái thú chơi cầm bút này. Và cũng không có tạp chí TQBT đã trãi qua 15 năm nay. 15 năm trôi qua, TQBT đã có mặt trong và ngoài nước. Để rồi có thêm những cây viết mới. Bạn bè mới. Như một người thân quen đi xa trở về ngôi nhà chung mà 15 năm chúng tôi tạo dựng. Trong khi đó bao nhiêu tạp chí văn học khác, bề thế hơn, in ấn đẹp hơn, tiền bạc nhiều hơn. Nhưng vì lý do này hay lý khác ... đều đóng cửa.”
(Houston, ngày 12 tháng 9 năm 2016)
Đó là những gì anh Phạm Văn Nhàn nhắc lại cái duyên tôi gặp được anh cùng cái duyên anh gặp lại Trần Hoài Thư sau mấy chục năm xa cách và sự ra đời của Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 1: “Phát hành tập 1 đúng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.”
Cà phê La Madeleine
Nhân vật thứ ba trong Ban chủ trư
hư Quán Bản Thảo là nhà văn Trần Bang Thạch hiện cư ngự tại Houston. Dù nghe danh Trần Bang Thạch rất lâu, từ Thư Quán Bản Thảo số 1 phát hành ngày 11 tháng 9 năm 2001, lúc bấy giờ tôi đang ở Boston (Massachusetts), cho mãi tới lúc sau này khi tôi xuống Houston vùng nắng ấm để trốn những mùa Đông bão tuyết lạnh thấu xương, có tới hơn mười mấy năm sau, tôi vẫn chưa có dịp làm quen với Trần Bang Thạch, tác giả của tập truyện “Quẩn Quanh Chuyện Đời” do Thư Ấn Quán xuất bản năm 2006. Mãi đến ngày 18 tháng 9 năm 2021, trong dịp giới thiệu Thơ Tuyển Toàn Tập của Trần Hoài Thư tại cà phê La Madeleine (Houston), tôi mới có dịp gặp anh.
Nhà văn Trần Bang Thạch tên thật là Nguyễn Công Danh, quê làng Thường Đông, cách chợ quận Cái Răng tỉnh Cần Thơ khoảng 4 cây số. Hồi còn nhỏ ở quê làm vườn, học tiểu học. Thi tuyển đậu vào lớp đệ Thất trường Trung học Phan Thanh Giản (Cân Thơ). Sau khi đậu văn bằng Tú Tài toàn phần, anh theo học tại Đại Học Văn Khoa (Sài Gòn) từ năm 1965 và Đại Học Sư Phạm (Sài Gòn), ban Anh Văn, (khóa 1967-1970). Khi ra trường, năm 1970, anh được bổ nhiệm về dạy môn Anh văn các lớp Đệ nhị cấp tại hai trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) và trường Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh (Châu Đốc) vào những năm 1970-1975; có lẽ các học sinh ngày xa xưa ấy ở Châu Đốc đều nghe danh giáo sư Nguyễn Công Danh; đặc biệt giáo sư Nguyễn Công Danh có lúc còn là Hiệu Trưởng trường Trung Học Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh (Châu Đốc) nữa, mà cuốn Kỷ Yếu của Trường bán công Nguyễn Hữu Cảnh này chính do anh đề xướng và biên soạn. Năm 1980 anh đổi về dạy trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), lúc bấy giờ trường Thoại Ngọc Hầu có tên là trường Cao Đẳng Sư Phạm. Trước 1975, Trần Bang Thạch có viết văn, làm thơ và khi làm thơ ký bút hiệu Nguyễn Cát Đông.
Nhơn nhắc qua qua một chút những ngày đầu tạp chí Thư Quán Bản Thảo sắp ra số 100 vào tháng 10 năm 2022, và biết anh là một trong những người trong Ban chủ trương ngày ấy, tôi có hỏi thăm anh:
Từ trái: HT và Trần Bang Thạch bên giàn đậu rồng HT trồng đang vào mùa (Houston, ngày 18.10.2021)
“Anh Trần Bang Thạch ơi,
Được biết anh là một trong 4 vị trong nhóm Chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo, gồm:
- Trần Hoài Thư
- Phạm Văn Nhàn,
- Trần Bang Thạch
- Cao Vị Khanh
Anh còn nhớ hồi đó anh giữ nhiệm vụ gì trong Ban chủ trương này hông anh Trần Bang Thạch?”
Houston, ngày 19 tháng 7 năm 2022
Hai Trầu
(Người đọc nhà quê vùng kinh xáng Bốn Tổng)
Trần Bang Thạch hồi đáp:
“Hi bạn già,
Hơn 2 chục năm rồi. 1 công việc Văn Học Nghệ Thuật mà có độ dầy (sống lâu, nhiều người viết trong ngoài nước, phát hành rộng rãi trong nước, đủ cỡ tuổi, đủ thể loại và đặc biệt như Trần Hoài Thư nói: tự biên tự diễn, tự in, tự đóng và.....tự gởi tặng). Có thể tự hào là "có 1 không 2" không hả bạn? Song song đó còn nhiều thành tựu khác trong việc sưu tầm tác phẩm cũ, lưu giữ, xuất bản, v.v....
Nói là mấy người đầu từ ngày sáng lập nhưng bạn Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn là trụ cột, làm hết từ A tới Z; còn lại chắc chỉ có tiếp bằng... lời và ngòi bút bình thường của mình. Có chút thành quả nầy tui nghĩ quanh 2 bạn Trần Hoài Thư & Phạm Văn Nhàn có nhiều cây-bút-trẻ nổi danh thời chiến ngoài cá nhân 2 bạn nầy là yếu tố để Thư Quán Bản Thảo có tầm mức như vậy. Chắc chắn văn học sử VN hải ngoại (nếu được viết đứng đắn) không thể bỏ qua sự kiện Thư Quán Bản Thảo.
Cám ơn bạn hiền đã hỏi để tui "can đảm" nói lên điều nầy. Đúng là chuyện trò buổi sáng của 2 lão nhà quê.”
Houston, ngày 19 tháng 7 năm 2022
(Lão nhà quê ấp Bà Vèn tbt)
Thay lời kết
Đến đây, cho tôi xin được kết thúc vài ghi nhận về những ngày đầu của tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 1 phát hành ngày 11 tháng 9 năm 2001, cho chí đến hôm nay đã được 21 năm, Ban chủ trương dự định cho phát hành số báo thứ 100; chúng tôi xin đúc kết lại các chủ đề qua 99 số báo Thư Quán Bản Thảo đã phát hành trong 21 năm qua ấy như một lời chúc mừng những thành quả mà Ban chủ trương Thư Quán Bản Thảo và nhà in Thư Ấn Quán đã dày công gầy dựng và đã đạt được kết qủa như mong ước của quý vị với biết bao khó khăn trong việc thực hiện nhưng quý vị vẫn một lòng bền bỉ để giữ lửa đam mê văn chương chữ nghĩa qua việc làm rất bổ ích này!
Vì là người đọc nhà quê già ở tuổi 80, vốn là dân quê ruộng rẫy rất nghèo, chúng tôi không có gì quý giá để kính tặng quý vị, nên nhơn dịp này, chúng tôi xin được gởi đỡ quý vị hai bông sen rất thanh khiết này do chính tay người nhà quê trồng, tượng trưng cho 21 năm tạp chí Thư Quán Bản Thảo có mặt, như một lời cảm ơn quý vị trong Ban chủ trương và chúc mừng Thư Quán Bản Thảo số 100 sắp phát hành vậy!
BẢNG ĐÚC KẾT CÁC CHỦ ĐỀ QUA 99 SỐ BÁO THƯ QUÁN BẢN THẢO
Năm 2001
Số 1: Tuyển tập thơ văn tháng 10.2001. (Số 1phát hành ngày 11 tháng 9 năm 2001.)
Số 2: Tuyển tập thơ văn tháng 11-2001
Năm 2002
Số 3: Tuyển tập thơ văn
Số 4 : Tuyển tập thơ văn
Số 5: Tuyển tập thơ văn
Số 6: Tuyển tập thơ văn
Số 7: Tuyển tập thơ văn
Số 8: Tuyển tập thơ văn
Năm 2003
Số 9: Tuyển tập thơ văn
Số 10: Tuyển tập thơ văn
Số 11: Tuyển tập thơ văn
Số 12: Kỷ niệm 2 năm có mặt
Năm 2004
Số 13: Tuyển tập thơ văn
Số 14: Tuyển tập thơ văn
Số 15: Tuyển tập thơ văn
Số 16: Tuyển tập thơ văn
Số 17: Tuyển tập thơ văn
Năm 2005
Số 18: Tưởng nhớ Y Uyên (1943 – 1969)
Số 19: Nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng
Số 20: Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (Tháng 7-2005)
Số 21: Nhà văn Võ Hồng
Năm 2006
Số 22: Viết trong khói lửa
Số 23: Nhà thơ Vũ Hữu Định
Số 24: Nhà thơ Hoài Khanh (Tháng 7-2006) Số 25: Văn thơ xứ Quảng (Tháng 10 -2006)
Năm 2007
Số 26: Nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc (Tháng 1-2007)
Số 27: Nhà thơ Phan Nhự Thức (Tháng 4-2007)
Số 28: Tuyển tập thơ văn
Số 29: Tưởng nhớ Nhà thơ Từ Thế Mộng (Tháng 10-2007)
Năm 2008
Số 30: Trần Huiền Ân, Cao Thoại Châu, Mang Viên Long (Tháng 1-2008)
Số 31: Nguyên Minh, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Lệ Uyên
Số 32: Nhà thơ Trần Dzạ Lữ (Tháng 7-2008)
Số 33: Tạp chí Ý Thức (Tháng 10-2008)
Số 34: Nhà thơ Lê văn Trung (Tháng 12-2008)
Năm 2009
Số 35: Trường xưa (Tháng 2-2009)
Số 36: Nhà văn Khuất Đẩu (Tháng 4-2009)
Số 37: Thư từ Tuy Hòa
Số 38: Hơi thở đồng bằng (Tháng 8-2009)
Số 39: Tạp chí Trước Mặt
Số 40: Những mùa Giáng sinh khó quên (Tháng 12-2009)
Năm 2010
Số 41: Tuyển tập thơ văn mùa xuân
Số 42: Mẹ
Số 43: Cha…
Số 44: Nhà văn Thảo Trường
Năm 2011
Số 45: Giới thiệu nhà thơ Lâm Hão Dũng (Mây Viễn Xứ) (Tháng 1-2011)
Số 46 : Nhà văn Doãn Dân (Tháng 4-2011)
Số 47: Nhà thơ Luân Hoán (Tháng 7-2011)
Số 48: Tạp chí Bách Khoa
Số 49: Kỷ niệm 11 năm – Giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy (Tháng 12.2011)
Năm 2012
Số 50: Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Tháng 2.2012)
Số 51: Cõi Đá Vàng (Tháng 4.2012)
Số 52: Tưởng nhớ Khoa Hữu & Nh. Tay Ngàn
Số 53: Tạp chí Văn
Số 54: Ba lô mang thêm hồn thơ văn
Năm 2013
Số 55: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Số 56: Những vấn đề văn học miền Nam thời chiến (Tháng 6-2013)
Số 57: Văn chương Blog (Tháng 9-2013)
Số 58: Tính nhân bản trong văn học miền Nam (Tháng 12-2013)
Năm 2014
Số 59: Dịch giả Phùng Thăng (Tháng 3-2014)
Số 60: Tạp chí Sáng Tạo
Số 61: Hiện tượng văn chương nữ giới miền Nam (Tháng 10-2014)
Số 62: Tạp chí Khởi Hành và Tôi (Tháng 5-2015)
Năm 2015
Số 63: Hai mươi năm văn học Miền Nam & Tạp chí Vấn Đề (Tháng 2-2015)
Số 64: Một nơi nào để nhớ
Số 65: Tưởng niệm nhà văn Hoàng Ngọc Hiển (Tháng 7-2015)
Số 66: Tạp chí Hiện Đại (Tháng 10-2015)
Số 67: Trong lớp khói màu
Năm 2016
Số 68: Văn chương chửi thề (Tháng 2-2016)
Số 69: Giới thiệu bán nguyệt san MAI
Số 70: Nhà thơ Phạm Ngọc Lư (Tháng 6-2016)
Số 71: Chiều đầy bông Phùng Thăng (Tháng 8-2016)
Số 72: Tạp chí Văn Học (1962-1975) [Tháng 10-2016]
Năm 2017
Số 73: Giới thiệu tạp chí Văn Hóa Nguyệt San (1952-1974) [Tháng 1-2017]
Số 74: Nguyệt san Sinh viên Y Khoa Sài Gòn:Tình Thương (Tháng 4-2017)
Số 75: Những số báo văn học cuối cùng của Miền Nam (Tháng 6-2017)
Số 76: Nhà văn Lữ Quỳnh (Tháng 9-2017)
Số 77: Nhà văn Triều Sơn (Tháng 11-2017)
Năm 2018
Số 78: Giới thiệu tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ (1965-1966) [Tháng 2-2018]
Số 79: Trần Hoài Thư vẫn còn mãi đam mê (Tháng 4-2018)
Số 80: Tưởng nhớ nhà thơ Cao Đông Khánh (Tháng 6-2018)
Số 81: Nguyễn Kim Phượng, người lính viết văn & dịch giả ở tiền đồn (Tháng 9-2018)
Số 82: Chủ đề nhà văn Trần Doãn Nho (Tháng 11-2018)
Năm 2019
Số 83: Mười khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận (Tháng 1-2019)
Số 84: Tưởng nhớ bằng hữu công tác viên
Số 85: Lữ Kiều-Thân Trọng Minh & Houston ngày hội ngộ (Tháng 7-2019)
Số 86: Nhà văn Trần Phong Giao và những người viết trẻ
Số 87: Đinh Cường và cuộc đi tìm Bích Khê (Tháng 12-2019)
Năm 2020
Số 88: Giới thiệu học giả Nguyễn Nam Châu (Tháng 2-2020)
Số 89: Văn chương mùa đại dịch (Tháng 6-2020)
Số 90: Ấn bản đặc biệt: Cảm tạ văn chương
Năm 2021
Số 91: Đầu Xuân Lộc mới: Giới thiệu Viêt Thạch-Nguyễn Thụy Đan (Tháng 01-2021)
Số 92: Tuyển tập thơ văn (Tháng 3-2021)
Số 93: Hạnh phúc và khổ nạn (Tháng 6-2021)
Sô 94: Viết về văn chương thời chiến (Tháng 8-2021)
Số 95: Mừng sinh nhật 20 năm của Thư Quán Bản Thảo (Tháng 10-2021)
Số 96: Tạp ghi Tiền Tuyến. Hòn đảo vàng văn học miền Nam (Tháng 12-2021)
Năm 2022
Số 97: Những tạp ghi văn nghệ trong thời chiến của ký giả Lô Răng (Tháng 3-2022)
Số 98: Truyện Sơn Nam trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm (Tháng 5-2022)
Số 99: Tưởng nhớ bằng hữu đã khuất. Giới thiệu tạp chí Chỉ Đạo (Tháng 7-2022)
Houston, ngày 29 tháng 7 năm 2022
Hai Trầu
(Người đọc nhà quê già vùng Kinh Xáng Bốn Tổng, ghi nhận và đúc kết.)