15-6-2021 | VĂN HỌC

Chị Yến

   TRẦN THỊ NGUYỆT MAI


    Chị Nguyễn Ngọc Yến

TRONG THÁNG 12 TÔI THẬT BẬN RỘN sau một chuyến đi xa trở về. Anh Trần Hoài Thư cho biết TQBT 55 có chủ đề “Nhà văn Dương Nghiễm Mậu” sẽ phát hành tháng 1-2013 với phụ bản “Địa ngục có thật”, một bút ký của ông viết về Tết Mậu Thân, mà anh đã cùng với chị Yến đi lên Đại học Yale sưu tập (vì gần nhà anh chị hơn Đại học Cornell). Anh chị đi lần thứ nhất, phải đóng $35 làm thẻa thư viện chỉ có giá trị trong một tuần lễ (chuyện tiền nong này, đại học Cornell không bao giờ đòi hỏi). Tuy nhiên, dù anh đã đứng trước kệ sách tìm hoài tìm mãi nhưng vẫn không thấy. Hỏi thì được biết cuốn sách đã có người mượn và chưa hoàn trả. Anh buồn bã ra về. Anh đã nản chí, đã nghĩ là sẽ ra báo nhưng không làm phụ bản nữa. Nhưng hai ngày sau khi nhận được email của Yale cho hay sách đã về tới thư viện và yêu cầu anh tới nhận sách trong vòng 10 ngày, thì chính chị Yến là người đã động viên, đã khuyến khích anh thực hiện ý định của mình. Để anh chị lại lên đường thêm một lần nữa. Nói như vậy, để bạn thấy rằng, đằng sau anh THT luôn luôn có người vợ, người cộng sự đã đồng hành với anh trên mỗi bước đường, mỗi dự án. Sẽ không bao giờ có cả ngàn, cả chục ngàn trang sách sưu tầm văn thơ miền Nam thời chiến nếu không có chị Yến tiếp tay ủng hộ với anh THT để thực hiện những dự án đồ sộ ấy. Như anh Phạm Cao Hoàng đã ghi lại trên trang blog của anh:

“Công việc đầy hy sinh và gian khổ của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến trong hơn 10 năm qua nhằm sưu tầm và thực hiện TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954-1975 là có một không hai. Lái xe hàng ngàn dặm, nhiều lúc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến các thư viện Mỹ còn lưu trữ sách báo miền Nam trước 1975, sao chụp lại, mang về nhà đánh máy, in thành tuyển tập, thành sách. Không phải chỉ in vài cuốn, mà là hàng trăm cuốn. Không phải chỉ vài trăm trang, mà là hàng chục ngàn trang. Lao tâm khổ trí, vất vả, mệt nhọc, tốn kém tiền bạc, nhưng Nguyễn Ngọc Yến, người phụ nữ hiền hòa gốc Cần Thơ, vẫn vui vẻ kiên trì hỗ trợ Trần Hoài Thư hoàn thành ước mơ của mình...”

(Một bông hồng cho bạn tôi – Phạm Cao Hoàng)

Chị Yến mà trước đây tôi chỉ được “thấy” qua văn chương, qua những bài viết của anh, và các bạn của anh. Từ những ngày đầu mới quen:

... Đồng bằng bỗng chốc mà thân thiết

Bởi có em là một tình nhân...

(Cảm tạ đồng bằng - Trần Hoài Thư)



    Nhà văn  Trần Hoài Thư:
    ngày tốt nghiệp MS, với Vợ và Con

Đến khi anh chị lấy nhau, một đám cưới rất đơn giản thời chiến tại Sài Gòn mà anh đã ghi lại:

Người yêu tôi ở tận đồng bằng

Tôi đánh điện về nàng xin hỏi cưới...

... Đám cưới không nhà cao, nhà thấp

Không áo quần lễ lạt xênh xang

Tôi quá nghèo chỉ bộ đồ xanh

Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó

Nàng thì thào bên tôi, cần gì thứ đó

Miễn tình anh vô lượng như thơ anh

(Người yêu tôi ở đồng bằng – Trần Hoài Thư)

Để rồi sau đó anh vội vã trở về đơn vị và chị trở về Cần Thơ, mang theo nỗi nhớ thương, lo lắng của người chinh phụ:

“Phải. Em không bao giờ biết được một ngày, em lại mang thêm niềm lo âu, đau khổ mới. Em mới biết rằng trên đời này, không phải riêng em, mà còn có biết bao những người con gái khác như em. Không phải lo âu đau khổ thường tình mà là niềm lo âu đau khổ vì định mệnh. Những sáng những chiều đợi thư anh. Những sáng những chiều đọc tin tức trên báo chí hay nghe từ máy thu thanh hay liếc vội vàng trên các tin phân ưu cáo phó. Anh đã làm em lo sợ. Và em chỉ biết cầu cứu đấng Tối Cao để cầu nguyện. Trong đêm khuya. Trong những buổi trống vắng. Vâng, em đã yếu đuối. Tất cả những người còn lại đều yếu đuối. Bởi vì em và họ đã bất lực.


Anh còn nhớ không, hỡi anh yêu dấu. Lần nào anh về, anh cũng làm em muốn bật khóc. Anh về, không vui, không buôn, bước những bước chậm và mỏi. Đi bên anh, em có cảm giác như sắp rời anh. Anh đã thuộc về ai, chứ không thuộc về em nữa. Anh không biết, trong lần gặp nhau cuối cùng, em đã cúi mặt, ít nói năng, nhưng thật sự, con tim em đã nói thật nhiều. Em muốn kể cùng anh tất cả nỗi nhớ nhung như trời biển. Em muốn nói cùng anh, mỗi giờ mỗi phút là mỗi lo lắng, chờ đợi bàng hoàng. Anh đã theo em không rời...”

(Lời cầu nguyện – Trần Hoài Thư)

Chị đã chấp nhận hết tất cả khi yêu anh, khi làm vợ anh, rồi sau ngày giải giáp, khi anh lên rừng tràm “trả nợ”, chị đã ở lại gánh những gian nan:

Sợi tóc mấy năm em làm tình nhân

Khi em theo tôi một thời lận đận...

... Khi yêu tôi, em trở thành thua lỗ

Bắt chước ca dao, hái nụ khổ đau...

... Tôi bỏ em vào tận rừng tràm

Em cũng theo tôi nuôi chồng lận đận

Bà Tú Xương ngày xưa gánh gạo

Em cũng theo bà gánh tiếp lao đao

Cám ơn em, người con gái miền Nam

(Sợi tóc nhớ nhung – Trần Hoài Thư)

Như nhà thơ Du Tử Lê đã ghi lại:

“Tuy đã trên mười năm, tôi vẫn không quên, một buổi tối, trong bóng tối nhoè nhoẹt khu parking, một thương xá rời rã ở thành phố Philadelphia, người bạn đời của nhà văn Trần Hoài Thư, kể tôi nghe: Năm 1979, họ Trần ra tù, về quê vợ. Tám tháng không nghỉ, mỗi ngày mười tiếng, với cặp mắt cận thị 7 độ, một tai điếc, một xác thân chỉ còn 35 ký lô, Trần Hoài Thư gò lưng trên chiếc xe đạp rách, nát, chở thùng kem, bán dạo trên các ngả đường Tây Độ...


Chị kể, chị không dám, dù chỉ một lần, lấy con số 10 giờ, nhân với số ngày của tám tháng nắng, mưa phũ phàng trên phần số của người đàn ông (mà,) chị vẫn vẹn, nguyên ngưỡng mộ. Chị bảo, đêm nào, chị cũng phải cố cầm, ngăn nước mắt, khi nhìn, ngắm người đàn ông, mối tình đầu của chị, đìu hiu chiếc bóng, tìm về căn nhà bế tắc mọi lối thoát...


Chị nói, cuối cùng, chị đành chọn lựa: Vượt biên. Vợ, chồng lại chia tay! Chị để Trần Hoài Thư đi trước. Nếu ông trót lọt, chị sẽ ôm con, đi sau.


Vì sống trong một thành phố nhỏ, (mà,) chồng lại là tù cải tạo, đang bị công an địa phương quản chế; nên, nhất cử, nhất động của họ Trần, đều bị giám sát chặt chẽ.


Vợ chồng chúng tôi phải dàn cảnh gây lộn nhau. Đêm nào anh ấy cũng giả bộ say rượu. Khua, đập nổi, niêu. La. Hét. Nạt nộ vợ con. Xáng chén. Xáng bát... Tới độ lối xóm sinh lòng tội nghiệp cho tôi... Sau những màn kịch dở khóc, dở cười như vậy, chúng tôi cũng tội nghiệp cho hoàn cảnh của chính mình... Nhưng, nhờ thế mà, ngày anh ấy vượt biên, vắng mặt trong nhà, đã không bị công an điều tra, gây khó. Vài tháng sau, tới phiên tôi và cháu nhỏ, cũng lặng lẽ, ra đi...”


Được biết, họ vượt biên ở cùng một cửa biển; nhưng mỗi con thuyền, lại trôi giạt tới một trại tỵ nạn khác. Qua năm 1980, gia đình mới sum họp. Dù chuyến tàu thương-đau-tốc-hành, đã lùi sâu quá khứ. Những năm, tháng Trần Hoài Thư thồ kem, bán dạo đường phố Tây Đô; với đêm đìu hiu chiếc bóng, lần về căn nhà thường trực run rẩy trong nỗi sợ hãi, vì bị canh chừng; cũng đã lăn theo vành bánh xe đạp, lãng quên, yên nghỉ đâu đó, trong xứ Cần Thơ... Vậy mà, khi thuật lại những điều trên, tôi không biết nước mắt hay, sương khuya, lại hiện ra trong mắt chị.”


(Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nỗ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam – Du Tử Lê)

Chị Yến của những năm đầu tiên trên xứ người. Chị đã chấp nhận cuộc đời làm công nhân, để lo cho chồng con được trở lại trường. Yêu chồng, thương con như tấm lòng của bất cứ một người vợ, một người mẹ Việt Nam nào. Hãy đọc truyện ngắn “Cho con mùa tựu trường” mà anh THT đã ghi lại khi lần đầu tiên người con duy nhất của anh chị phải xa nhà để vào Đại Học:

“Trường mới của con cách nhà chỉ gần hai giờ xe. Ngày ba mẹ đưa con đến trường thì mùa thu đã bàng bạc cả đất trời. Dù lá vẫn chưa đổi màu, dù ngọn gió vẫn chưa tê lạnh, nhưng trong cõi không gian, mùa đã chuyển. Bầu trời với những đám mây làm biếng, xám trắng như ngủ yên tự một kiếp nào, và những hàng cây bên đường như gục đầu chờ đợi một ngày lá rụng. Nhưng ở trong lòng ba mẹ, là cả một biến động đến sững sờ. Nào ai biết một ngày đứa con phải xa vòng tay đùm bọc. Nào ai biết một ngày cánh chim nhỏ bé lại sổ lồng. Bởi vậy, mẹ con đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc thút thít suốt đường. Giấu đôi mắt đỏ hoe khi mang va-li của con lên lầu nội trú. Và khi từ giã con, xuống lại xe, thì mẹ lại khóc òa.

 

Ba đã lái xe ra ngoài cổng trường. Mẹ lại van ba lái vào trường thêm một lần nữa. Ba chiều mẹ. Xe đậu dưới lầu. Mẹ ngồi trông lên nói: “Không biết con có quen với đời sống mới hay không? Không biết đứa bạn cùng phòng có kỳ thị hay không? Không biết trái gió trở trời, đau bụng đau dạ nó có xức dầu hay không?” Ba đổ quạu, gắt: “Mình cứ xem nó còn con nít mãi. Nó đã trưởng thành rồi. Để cho nó tự lập cho quen.” Rồi ba đạp ga lái ra ngoài đường. Ba phải có quyết định dứt khoát. Nếu không mẹ cứ ngồi ở đây suốt cả đêm.

...

Xe lại về nhà. Ba mẹ bước vào cửa. Cõi trống vắng đến đứt đoạn sững sờ. Mẹ vào phòng con, rờ tay lên tấm drap, tấm chăn, chiếc gối. Hình như trong từng thước khối của không khí đều vướng vít hình ảnh con, tiếng cười, tiếng nói của con. Ở đâu cũng thấy con, trên sofa, mở lại TV, nghe lại bản nhạc, thấy cái show quen thuộc... Rõ ràng ba mẹ đã không chuẩn bị cho một sự chia ly, dù sự chia ly ấy chỉ là tạm thời, và khoảng cách ngăn chỉ trên dưới trăm dặm. Một người ở đầu sông, một người ở cuối sông cũng đã nhớ nhung rồi, huống hồ ba mẹ chỉ có mỗi một mình con, gần mười tám năm chưa rời nhà một ngày. Bởi vậy, mẹ con mới khóc, đôi vai cứ bật run trong bóng mờ của căn phòng.

 

Mẹ bảo mẹ muốn đi chợ một lát. Mẹ ra xe rồ máy. Còn lại ba một mình. Ngực ba như nhói bởi một sức nặng vô hình. Đó là khối buồn, cộng thêm khối mất mát, khối nhớ nhung trộn thành với hồ đông cứng, bắt ba phải hết ngồi lại đứng, nhìn ra ngoài đêm, quay quắt...


Mẹ con đã giấu ba. Mẹ đã lái xe lên trường thêm một lần nữa. Lên đó để làm gì? Ngồi trong xe và nhìn lên. Vì sao? Không ai có thể cắt nghĩa nổi.”

(Cho con mùa tựu trường - Trần Hoài Thư)

Và với hoài bão sưu tập văn chương miền Nam thời chiến của anh Trần Hoài Thư, chị Yến đã đóng góp một phần không nhỏ, luôn đồng hành cùng anh đến các thư viện: “Thư viện là một ngôi lầu rất cao. Có lần tôi đang ở tầng cao nhất thì chuông cứu hỏa báo động. Thang máy ngừng chạy. Chỉ một mình tôi chạy bộ xuống lầu. Và khi xuất hiện, bà xã tôi đứng đợi ở đó, khóc vì quá mừng!”.

(Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo - Trần Doãn Nho)


- Và như anh Phạm Cao Hoàng đã ghi lại:

“... chuyện in sách di sản văn chương miền Nam của Trần Hoài Thư thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai vợ chồng. In ra, xếp theo thứ tự số trang, dùng keo dán gáy lại, loại keo rất nóng, sơ suất có thể bị phỏng. Rồi thì dán bìa, cắt xén, cho vào phong bì, ghi địa chỉ, ra bưu điện gửi tặng thân hữu và những người yêu sách. Tất cả những công việc ấy đều có bàn tay tuyệt vời của Nguyễn Ngọc Yến.”

(Một bông hồng cho bạn tôi - Phạm Cao Hoàng)


Cho đến một ngày cuối năm 2012, khi đang làm số TQBT 55 cho kịp in để anh chị sẽ mang theo tặng bạn bè khi đến dự buổi lễ ra mắt sách của anh Nguyễn Xuân Thiệp vào ngày 5-12013 tổ chức tại Virginia, tôi đột ngột nhận được điện thư của anh:

“Chị Yến bị stroke hôm nay. Anh phải lo cho chị. Nên tạm ngưng một thời gian. Mong em cảm phiền.”

Tôi đã rất buồn...


Sau đó chị Cam Li và tôi nhận được thư anh:

“Cám ơn em và NM về những chia sẻ.

Lần đầu tiên anh mới hiểu được nỗi buồn. Cái buồn của một người trong một căn nhà không có bóng một người thân yêu của mình.

Em cũng biết stroke là bệnh thế nào rồi.

Mong mọi điều trôi qua, bình thường trở lại với chị Yến.

Khi anh nói với chị Yến sẽ không làm TQBT nữa, chị Y. nói: Sao lại bỏ nó?

Thuốc men, chụp hình liên miên là những hình phạt.

Chỉ mong những hình phạt này mang lại kết quả tốt.

Anh rất yếu đuối, thấy cảnh chị ấy nằm trên giường bệnh, nước mắt anh lại chảy.

Một lần nữa, cám ơn hai em.”


     Cầu nguyện cho chị Yến mau hồi phục

Tôi đã báo tin cho những người bạn của anh, xin các anh chị góp lời cầu nguyện cho chị Yến mau hồi phục.


Để rồi sau đó nhận được điện thư của anh:

“Chị Yến có lẽ còn lâu mới hồi phục. Cả nửa thân thể không còn chủ động.

Em đừng bận tâm về TQBT. Anh ngưng. Em có thể trả bài lại cho các người viết có bài đăng số này.

Với anh giờ là Y.”


Biết được tình trạng của chị như vậy, tôi đã khóc. Tôi xin anh cho lên thăm chị vào cuối tuần và nhờ nhà văn Nguyễn Thị Hải Hà giúp đưa đón và ăn ở.


Đến thăm chị, lần đầu tiên gặp, trên giường bệnh, chị vẫn tươi cười không làm cho người đối diện cảm thấy bất an và buồn. Thương lắm. Nửa người bên trái của chị không cử động và không có cảm giác gì cả. Tuy thế, chị không hề nghĩ đến chị mà cứ lo cho tôi từ xa đến thăm. Nói anh Thư chở tôi đi chơi cho biết thành phố New Jersey (trong khi chúng tôi đâu có lòng nào hoặc vui gì mà đi chơi...) Rồi khi anh Thư ra ngoài nói chuyện điện thoại, chị bảo Hải Hà và tôi ráng giúp anh lo cho TQBT số 55... Khi tôi kể lại việc này, các bạn của anh ai cũng xúc động...


Anh Khuất Đẩu đã viết cho tôi:

“Bạn nhỏ thân, Sáng nay, trời mưa, lạnh. Chị Chiêu đi Sông Cầu ăn cưới con trai của một cô học trò cũ ở Mỹ về cưới vợ VN. Tôi không đi xe đường dài được. Nằm nhà một mình. Đọc mail của Thư và NMai, xúc động đến muốn khóc.

Vì NM đã bay (...) sang chỗ anh Thư nghe nói xa lắm. Đến thăm chị Yến, rồi về nhà giúp anh Thư in TQBT. Lại quay về để hôm sau đi làm.

Xúc động vì chị Yến vẫn muốn TQBT được in tiếp dù chị nửa người bị liệt!

Và xúc động vì anh Thư đã lấy lại tinh thần...”


Và khi bạn đọc những dòng chữ này, chị Yến vẫn còn đang nằm trong bệnh viện. Sẽ phải mất một thời gian tập vật lý trị liệu để chị có thể hồi phục lại. Nhưng tôi luôn tin rằng với tình yêu và sự săn sóc của anh cũng như ý chí mạnh mẽ của chị, chị sẽ mau chóng hồi phục. Để anh sẽ nở một nụ cười thật tươi và mắt không còn lệ ướt. Để chị lại cùng anh tiếp bước trên mọi nẻo đường đời...


Trần Thị Nguyệt Mai (13-1-2013)

Thư Quán bản Thảo số 93, Tháng 6.2021

Chủ Đề: Hạnh Phúc và Khổ Nạn


Trần Thị Nguyệt Mai

Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com