10-01-2011 | VĂN HỌC

Ngồi "Quán" Với Trần Hoài Thư

  LÊ VĂN TRUNG


  Nhà văn Trần Hoài Thư

1. Có lẽ, trong đời một người, không ai là không từng một lần ngồi "QUÁN". "Quán" có thể là một quán cóc bên đường, bên góc chợ, nơi bến xe hay một sân ga nhỏ. "Quán" có thể ở đâu đó nơi góc phố, một vỉa hè. "Quán" có thể quạnh hiu buồn bã thưa vắng khách một chiều mưa, một đêm đông heo hắt gió. "Quán" có thể tưng bừng rộn rã vang tiếng cười tiếng nói của những người đang yêu hòa lẫn trong giòng nhạc giọng ca dẫn dắt người ta đi vào những mộng mơ một thời thanh xuân hừng hực lửa tình.

Người ngồi sau quầy có thể là một giai nhân một thời làm xao xuyến những con tim khao khát cháy bỏng có thể là một thiếu phụ u buồn mà hương sắc còn đọng lại nơi đôi mắt vời vợi một khoảng trời ngọt-ngào-cay-đắng của quá khứ.

Và ghế bàn có thể cũng đơn sơ như bộ bà ba của cô chủ quán miền quê có nước da trắng như hoa quỳnh, có đôi môi ngọt như nước dừa và làn tóc mượt mà rủ xuống như lá dừa xanh thắm Tam Quan.


2. Người đến với quán đôi khi chỉ là kẻ lữ hành đường xa vô tình dừng lại nghỉ chân trên hành trình xuôi ngược; đôi khi là thói quen thành nghiện ngồi quán của một vài người; đôi khi là chuyến trở về của người lưu lạc tha phương, của một người lính sau chuyến hành quân mệt mỏi ê chề... Đến "quán" để gọi một cốc rượu cho lòng ấm lại, để uống một tách cà phê mà gặm nhấm nỗi-ngọt-ngào-cay-đắng, để đốt một điếu thuốc nhả làn khói xám tan vào hư không mà suy ngẫm về cuộc đời chìm nổi của mình.

Và cũng để nhìn cô chủ quán:

"Cô hàng có chiếc quần đen mượt" (QUÁN tr.94)

"Đôi mắt xứ dừa, đôi mắt Tam Quan" (tr. 23)


"Cô hàng có đôi bộ ngực nở

Có hàng mi đậm, mắt mèo xanh" (tr.29)


"How much, nhìn lên phần vú ngực

Cà phê này có cả tà dâm" (tr. 32)

Và để nhìn:

"Vú ngực phập phồng tôi hoa mắt quàng xiêng" (tr.53)

Nhưng đôi khi "cô chủ quán" chỉ là một mất mát nào đó, của bóng mây nào đó trôi qua dưới vòm trời tình ái, hay đôi lúc chỉ là những hư ảnh của những khát khao không thành:

"Tình si, có phải cô hàng nhỏ

Hay là một hình bóng chiêm bao (tr.4)


Ta chiêm bao hoài em hiểu ta không" (tr.27)


Ngồi "Quán" để nhìn thây em thiên thu mờ ảo, để nhìn thấy ta lãng đãng phù vân, suốt một đời cưu mang cái ảo ảnh tình yêu như mang cây thập tự trèo lên núi Sọ, đấy là cái kiếp, cái nghiệp của nhà thơ.

Ta yêu tất cả các em vì "CáC EM LÀ CÁI ĐẸP", và ta cũng khổ đau một đời vì "cái đẹp" trôi qua đời ta, ta chạy theo hụt hơi mệt lã:

"Ừ nhỉ hình như trời đang sương

Người bỏ tôi đi vào đêm không trăng" (tr. 95)

Để rồi gã thi sĩ dại khờ cứ hỏi mãi, hỏi mãi trong cuộc kiếm tìm:

"Em xa, xa ngái tận phương trời" (tr. 88)

"Em ở nơi nào, Sài Gòn, Qui Nhơn?" (tr. 88)

"Em ở nơi nào nắng có vàng không?" (tr. 88)

"Em ở noi nào chim én về không?" (tr. 89)

"Em ở nơi nào?" "Em ở nơi nào". Gã cứ hỏi mãi mà chẳng ai trả lời, và gã tình si cứ mãi đi tìm, cứ mãi ngồi "quán"


Và hỡi ơi, một chiều ngồi quán, gởi lại bên rừng lửa cháy đạn bom, gởi lại ruộng đồng giọt máu chiến tranh, gởi lại bạn bè dặm trường khói bụi, kẻ lữ hành trở về qua phố huyện ghé quán tìm cô hàng, không phải tìm lại cô, để, như lời trong bài hát:

"Trở về để kiếm cô hàng

Cùng nàng kết mối tình duyên

Thì em đã rời nơi ấy

Để cho quán hàng lạnh lẻo".(Bài hát Cô hàng nước)

Nhà thơ cũng trở về, nhưng về để thấy:

Khi tôi về quán cũ đã cài then" (tr. 65)


"Khi tôi về vần vũ trời mây đen

Ai bảo với tôi cô hàng đã chết" (tr. 67)

Hay:

"Cô hàng cũng dẹp quán về quê" (tr. 16

Và em đâu để ta:

"Xin cô hàng một cốc tang thương" (tr. 73)

Cái cay đắng nghiệt ngã là ở đấy, cái còn lại sau cùng là đấy: "một cốc tang thương".


3. Hởi ơi, ai đã từng trải nghiệm đời mình qua những bi thương của số phận, những góc-quán-đời-người với chén rượu đời nhạt thếch hay cay nồng, với cốc cà phê ngọt ngào hay đắng chát, lòng có rưng rưng mà cạn chén-tang-thương?

Em có còn không để rót cho tôi một-cốc-tang-thương?


4. Gấp sách lại tôi bùi ngùi nhớ những năm tháng đã qua trên những ngược xuôi đời mình, đã từng, đôi khi một mình ngồi bên quán cóc mới thấm đẫm nỗi niềm của tác giả. Tôi cũng đã từng có một thời, với ông (THT) và bè bạn (PVN, PCH) ở một thành phố nhỏ duyên hải miền Trung, ngồi quán với nhau như một giãi bày thân phận, như một vùng thoát nỗi cô đơn bi uất trước những cay nghiệt của lịch sử. Và ngồi quán để chạy trốn những vây khốn tàn khốc của chiến tranh.

Và giờ đây, ông (THT), đang ngồi một mình nơi góc quán của xứ người vạn dặm trùng khơi, lòng vẫn khắc khoải nhớ về những hàng quán quê nhà, mà điển hình sâu đậm nhất là những quán hàng nho nhỏ mái tranh vách nứa trên những vùng lửa đạn ông đã ngang qua miền Qui Nhơn, Bình Định.

"Ghé lại Dunkin gọi cốc cà phê

Như bạn ra ngoài đường đốt thuốc

Một chút cay cay xé nồng con mắt

Như khói mù buổi sớm Việt Nam

Cốc xây chừng để lại Qui Nhơn" (tr. 72)


Ông đang sống bằng một nỗi hoài nhớ triền miên về một quê hương đã mất.

Những quán xưa còn không? Và hỡi những cô hàng quán một thời làm ấm lại trái tim người thi sĩ, bây giờ ở đâu? Các em có còn nhớ không một người đã còn sống được, còn hít thở được, và còn làm thơ được để xưng tụng các em như xưng tụng CÁI ĐẸP BI THƯƠNG CỦA NGHỆ THUẬT.


Lê Văn Trung

(Quê nhà 22.11.09)
(Thư Quán Bản Thảo, tập 41 tháng 2/2010)