20-12-2019 | VĂN HỌC

Những nhà văn miền Nam trước năm 1975 bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn

  TRẦN DOÃN NHO

 

“Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1973”
 do nhà xuất bản Sóng xuất bản năm 1973 (trái) và được Mở Nguồn ở hải ngoại tái bản. (Hình: Tài liệu)

“Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1973” là một tuyển tập truyện ngắn do Nguyễn Đông Ngạc thực hiện, nhà xuất bản Sóng xuất bản năm 1973, được Mở Nguồn ở hải ngoại tái bản.


Sách dày trên 800 trang, bìa cứng rất đẹp, phần in ấn bên trong hoàn toàn giữ nguyên bản in gốc, gồm có 45 truyện ngắn của 45 tác giả nổi tiếng trong quá trình 20 năm văn học miền Nam. Nhiều truyện ngắn trong số đó gần như gắn liền với tên tuổi của chính tác giả.


Nhắc đến “Rừng mắm,” ta liên tưởng ngay đến Bình Nguyên Lộc, nhắc đến “Cửa tùng đôi cánh gài,” ta liên tưởng ngay đến Thích Nhất Hạnh; cũng thế, “Cũng đành” và Dương Nghiễm Mậu, “Nhà có cửa khóa trái” và Trần Thị NgH, “Con thằn lằn chọn nghiệp” và Hồ Hữu Tường, “Con sáo của em tôi” và Duyên Anh, “Viên đạn bắn vào nhà Thục” và Thảo Trường, vân vân.


Một trong những đặc điểm lý thú và đáng lưu ý của tập sách này là, các tác giả, ngoài việc chọn lựa tác phẩm ưng ý nhất của mình đưa vào tuyển tập, còn trình bày quan niệm của mình về nghệ thuật viết truyện ngắn.


Bàn về động lực thúc đẩy, Thanh Nam cho rằng đối với những người mới viết văn thì truyện ngắn “là một cái bẫy hấp dẫn vì hình như đa số người viết văn đã chọn thể văn đó trong những bước đầu.” Mai Thảo cũng đồng ý với nhận định này, “truyện ngắn là những bước chân thứ nhất đi vào văn chương,” nhưng đồng thời nhấn mạnh “Mỗi truyện ngắn, như một đời người, phải tạo được cho nó một định mệnh riêng.”


Nguyễn Quốc Trụ có một cái nhìn hơi khác: “Truyện ngắn là một bài toán nhỏ về bút pháp,” một thứ “exercice de style,” tập vào nghề văn. Với cái nhìn đó, dường như ba nhà văn này đều cho rằng, truyện ngắn là một thử nghiệm trước khi đi vào truyện dài. Thực ra, khá nhiều nhà văn đã viết hàng chục truyện ngắn rất thành công, nhưng lại chưa bao giờ viết truyện dài. Ở điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Đức Sơn khi ông cho rằng: “Nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi.”


So sánh giữa truyện ngắn và truyện dài, ngoài sự khác biệt mà ai cũng có thể nhận thấy ngay là truyện dài thì… dài và truyện ngắn thì… ngắn, các tác giả còn đưa ra những nhận xét khác có tính chất cốt tủy hơn.


Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định: “Truyện ngắn phải là một truyện ngắn, không phải là một đoạn nào đó trong một truyện dài.” Thanh Nam cụ thể hơn khi cho rằng truyện ngắn “không thể là một thứ truyện dài rút gọn hoặc một thứ lấy ra từ những đoạn rời của một truyện dài.” Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh thêm: “Truyện ngắn là một thứ truyện không phải bị rút ngắn từ một truyện đáng lẽ phải dài và ngược lại cũng không thể, muốn trở thành một truyện dài, cứ viết kéo dài hay triển khai thêm.” Mặt khác, theo Nguyễn Thụy Long: “Truyện dài và truyện ngắn thuộc hai lãnh vực khác hẳn nhau. Mỗi loại có nghệ thuật riêng của nó.”


So sánh giữa hai thể loại, Nguyễn Đức Sơn đưa ra một ví von: “Nếu truyện dài là một chuỗi ngọc thì truyện ngắn ít ra cũng phải là một hạt minh châu.” Dương Nghiễm Mậu và Nguyễn Tất Nhiên đều cho rằng một truyện ngắn không bao giờ là trích đoạn của một truyện dài thành công. Trong lúc đó, Du Tử Lê đưa ra một hình ảnh cụ thể khi so sánh truyện dài và truyện ngắn. Theo ông, nếu xem truyện dài là toàn thể một khuôn mặt, thì “truyện ngắn là cái phần tiêu biểu đặc sắc nhất của khuôn mặt đó.”


Thanh Tâm Tuyền phát biểu dứt khoát và cô đọng: “Truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài.” Mặc dù cách nói của nhà thơ này có vẻ như “huề vốn,” nhưng nó lại nói lên yếu tính của truyện ngắn. Một truyện ngắn hay đúng nghĩa phải là một truyện ngắn mà tác giả có muốn viết dài hơn cũng không được. Ngắn, nhưng là một chỉnh thể: không thể thêm, không thể bớt.


Khác với cách nhìn có phần đơn giản như thế, Doãn Quốc Sỹ đưa ra một hình ảnh tương đối chi li hơn và… khó khăn hơn. Theo ông:

“Trong truyện ngắn không có sự kiện chi tiết tràn bờ, dư thừa. Tất cả đều như những nhát búa đập chính xác lên đầu chiếc cọc để cọc đóng sâu và chắc xuống lòng đất. (…) Những tình tiết thiết yếu, ngắn gọn liên tiếp tới với tác dụng soi sáng và đẩy nhanh, đẩy mạnh tới đoạn kết. Cái bé nhưng bé hạt tiêu ở truyện ngắn là người viết phải luôn luôn có được cái nhìn thật sắc bén xuyên thẳng tới lõi sự vật, đạt thấu tới bản thể của tâm tình. Ở truyện ngắn hễ xuất quân là phải tốc chiến tốc thắng. Hoặc thất bại.”

Cùng một cách nhìn, nhưng Nguyễn Đức Sơn còn gây ấn tượng hơn khi nhấn mạnh: “Một truyện ngắn hay như một viên đá ném vào thạch động. Nó vang rền khắp nơi. Chúng ta tê điếng xa xăm, khác với cái tê điếng rất mạnh của nhục cảm.” Thảo Trường thì cho rằng: “Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi…rất lớn.” Phát biểu nghe nhẹ nhàng, nhưng lại nặng ký!


Bàn về tính cách của truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc nhận xét rằng: “Truyện ngắn phải cô đọng, súc tích.” Còn theo Nguyễn Nghiệp Nhượng: “Truyện ngắn là một sự rọi sáng tập trung. Nhân vật hay sự vật trong truyện ngắn xuất hiện mà không cần một phụ tùng nào khác.”


Đi xa hơn, một số tác giả cho rằng truyện ngắn gần với thơ. Đó là “Một thể văn cô đọng gần như thơ,” theo Viên Linh; Võ Phiến cụ thể hơn một chút, truyện ngắn là “thứ thơ tản văn và có it nhiều tình tiết”; và Nguyên Đông Ngạc thì khẳng định “Truyện ngắn gần giống như thơ Ðường ở nội dung.” Dương Nghiễm Mậu mở rộng hơn khái niệm này khi cho rằng: “Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém.”


Bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn, theo kinh nghiệm riêng của mình, Túy Hồng thú nhận rằng viết một truyện ngắn cũng mất nhiều thì giờ, “có khi hai ba tháng chưa ra một truyện.”“đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh.” Vì sao? Vì bà “chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục câu chuyện. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết. Quan trọng như phần kết luận trong một bài luận ở trường học.”


Trong lúc đó, Nguyễn Thị Hoàng có một cái nhìn tương đối khác. Theo bà: “Một truyện ngắn phải là một chuỗi liên tục của biểu tượng nào đó, nên phải được thoát ra, như một hơi thở không dứt. Vì vậy, khi viết, từ chữ đầu cho đến chữ cuối của một truyện ngắn, tôi thường không nghỉ viết một lần nào, mà chỉ một hơi liên miên cho đến khi xong.” Dù không nói rõ ra, nhưng ta thấy nhà văn này viết nhanh, viết ngay, viết cho xong để bắt kịp với cảm hứng tuôn trào của mình.


Cũng trong nghệ thuật viết truyện ngắn, Cung Tích Biền có một cái nhìn tổng hợp hơn. Theo ông, “Mỗi truyện ngắn có một ‘định mệnh’ với người viết; đẩy ra một chân trời, hoạt họa một chân dung, bày tỏ một thế giới mới.” Trong hầu hết truyện ngắn của ông, có cái nhanh, đó là cốt truyện: “Nghĩ ra thật nhanh, thoáng vụt, chỉ như một trực giác”. Nhưng khi cầm bút viết thì tiến trình chậm lại, vì “cần trải đáy lòng, soi tìm những súc tích, thâm thúy, những vì sao lạ trong ngôn ngữ. Tôi thường nghĩ tới công việc một nhà điêu khắc. Trong thế giới văn chương, những truyện ngắn là những phiến ngà lấp lánh; đa thể và biến dịch từ mỗi người đọc.”


Các nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lê Tất Điều, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Sơn Nam, Thế Uyên và Trùng Dương thì quan niệm có phần dễ dãi hơn. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ: “Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời.” Với Lê Tất Điều: “Bắt gặp một ý tưởng, một mẩu đời sống tự nói lên đầy đủ đoạn trước đoạn sau của nó, một sự kiện đáng kể không đòi hỏi sự mô tả chính xác, thứ tự như một ký sự…tôi viết thành truyện ngắn.”


Sơn Nam đề cập đến cách viết nhập đề và kết thúc của truyện ngắn: “Nhập đề phải gọn và nhanh và kết thúc đúng nơi, đúng lúc trong phạm vi năm ba hàng mà thôi.” Với Thế Uyên, truyện ngắn là một “khoảng ngắn của đời sống của cuộc đời.” Riêng Trùng Dương có một cái nhìn hơi khác. Theo bà, viết truyện ngắn phải có cái duyên dáng trong lối kể chuyện, “tựa như công việc của một họa sĩ hí họa tài ba.”


Dù đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về truyện ngắn mấy chục năm qua của văn giới quốc tế, nhiều nhận định trên đây của các nhà văn miền Nam trước năm 1975 vẫn là những nét căn bản của nghệ thuật viết truyện ngắn đáng cho chúng ta lưu tâm.


Trần Doãn Nho

Nguồn: nguoi-viet.com