23-1-2017 | VĂN HỌC

Loanh Quanh Chuyện Tết Nhứt

  TRẦN BANG THẠCH

1. Nỗi Mình Cuối Năm


Cuốn lịch của năm Ất Mùi đang mỏng dần. Không côn bao lâu nữa tờ lịch cuối sẽ bay đi. Chợt nghĩ đến nhiều điều. Có những điều - thật nhiều điều - mơ mơ, hồ hồ, không rõ tên, không định hình, định tướng. Nghĩ đến cuộc sống trước mắt? Nghĩ tới con, tới cháu, bà con quyến thuộc, thân hữu bạn bè? Nghĩ tới một quê hương ở xa? Nghĩ tới ngày về hưu, về kinh tế thế giới?... Tất cả những điều này mình đã nghĩ nhiều rồi, nhiều ngày, nhiều năm rồi; đâu phải đợi đến những ngày năm cung tháng tận này, bây giờ. Vậy thì mình đang suy nghĩ điều gì? Có phải bắt nguồn từ một bài cổ thi vừa đọc được?

Nhân giai dục đắc trường niên thiếu

Vô ná bài môn bạch phát thôi

Nhất hướng phá sầu, sầu bất tận

Bách phương hồi tị lão tu lai

Trên đây là 4 câu đầu của bài Đường thi thất ngôn bát cú Tuế Vãn Tự Cảm của nhà thơ Vương Kiến (75l-835). Bài thơ do một vị thầy cũ của Nhóm Thơ Thẩn Cho Vui của thầy trò chúng tôi gởi tới và thầy cũng đã cắt nghĩa từng câu và dịch toàn bài, 8 câu. Cá nhân tôi trước đây có đọc vài bài thơ của Vương Kiến nhưng chưa thấy bài này; hay đã thấy nhưng đọc vào những hoàn cảnh không gian, thời gian không thích hợp đế tạo nên ấn tượng, kéo theo sự suyy nghĩ của mình. Thầy PKT ơi, những ngày gần cuối năm và gần cuối đời của thầy lẫn trò mình, thầy đã giương cung nhả ra mũi tên Tuế Vãn Tự Cảm và bản dịch Nỗi Mình Cuối Năm làm trúng tim nhiều người. Phải là nhiều người vì đã có thơ phụ họa từ Hoa Kỳ, Việt Nam, Pháp, Úc...

Nỗi Mình Cuối Năm

          PKT


Trẻ mãi suốt đời ai chẳng muốn,

Nhưng sao ngăn được tóc sương pha.

Sầu đong vô tận bao giờ cạn,

Già tránh trăm phương vẫn cứ già.

Những ngày cuối năm thường khiến cho người ta đếm tuổi và có những nỗi lo bâng quơ, cả những nỗi buồn mông lung. Nỗi mình cuối năm. Phải rồi! Những ngày này mình đã nghĩ nhiều đến nỗi mình, điều mà trước đây mình chưa hề nghĩ, hay nghĩ một cách rất lờ mờ khi cái tuổi của mình còn xanh, hay ngay cả lúc nó tròm trèm, trên dưới sáu mươi. Bây giờ thì mình đang lần mò bước qua mấy chặng đường đi đến cái đích "cổ lai hi" thì những câu thơ "Sầu đong vô tận bao giờ cạn" bay đến, ghim ngay vào cái bầu tâm sự của mình. Hỏi sao mà không suy nghĩ?


Cái trẻ thì không thể giữ mãi, cứ đi đi, được thôi. Vạn vật trên trái đất này có cái gì là không lão hóa. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Tóc sương pha thì cứ pha cho bạc trắng. Tóc bạc, da mồi chỉ sự sống lâu mà! Cái già muốn đến thì cứ đến, "cổ lai hi" mà! Chỉ có cái sầu là coi mòi không ổn. Có mấy ai càng già càng vơi cái sầu? Hình như cái sầu và cái lo ở tuổi già là anh em họ. Ai cũng muốn lánh xa cặp bài trùng này mà xem ra chẳng dễ. Càng già càng lo. Càng lo càng sầu. Tâm sầu bạch phát. "Nỗi mình" là ở đây. Cái lo cho mình có đó mà như đang ở đâu đâu, mênh mang trời đất, nó chạm vào tỉ tỉ nơ-rôn của mình bất cứ lúc nào, cho nên nó vô tận, nó cứ đầy. Nhiều cái sầu không tên không tuổi, không hình không tướng là vậy. Hôm qua nhận một lá thư dài của một thầy cũ gởi từ Aulnay, Pháp quốc. Thầy viết: "Sống qua cái tuổi 60, được năm nào coi như được trời cho năm đó, kể như được thêm "bonus". Thầy đã được "bonus" hơn chục năm rồi, còn các em chắc cũng được vài ba năm. Những năm "bonus" mình chỉ cần sống lành, sống đẹp, sống an lạc, thảnh thơi... Thầy tin tưởng ở "nhân quả", mình gieo nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả tốt". Nghĩ cho cùng cái sầu của mình là do cái lo. Lo cho mình thì ít mà lo cho người thì nhiều. Sống lành, sống đẹp là cách sống hai chiều: Lấy cái Nhân để sống lành cho người là đem về cái Quả nhãn tiền, chính là cái đẹp, cái an lạc, thảnh thơi cho mình. Sống như vậy không phải là dễ.


Biết là "Sầu đong vô tận bao giờ cạn". Nhưng vẫn cứ nghĩ tới cái nỗi mình. Tuổi sắp thêm, sắp thêm "bonus" mà bao nhiêu cái lành, cái đẹp mình sẽ làm được đây, trong những năm tháng tới để tạo cái nhân? Bây giờ bắt đầu thì coi như đã trễ! Trễ còn hơn không!


Cuối cùng, có lẽ sự lo nghĩ cuối năm - nỗi mình - là ở đó.

Ý nghĩ này dẫn người viết đến một bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác.


2. Trước Mắt Việc Đi Mãi / Trên Đầu Già Đến Rồi


Có một bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác (l052-l096) từ nhiều năm nay thường được giới văn nhân và các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc tới mỗi lần năm hết tết đến. Đó là bài thơ chữ Hán gồm 6 câu, tổng cộng 34 chữ tựa là Cáo Tật Thị Chúng. Đa số những bài viết hay bài nói thường không nhắc toàn bộ bài thơ mà chỉ nêu hai câu cuối, có lẽ vì nó có chất thơ và chất thiền, lại phù hợp cho những bài viết về Xuân:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

mà có người dịch là:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, nở cành mai

Cái khám phá thích thú có lẽ là ở điểm này: bài thơ thường xuất hiện trong các bài viết về Xuân nhưng rõ ràng không phải là một bài thơ Xuân. Tứ của bài thơ (thi tứ) không phải là miêu tả cảnh sắc của mùa Xuân. Mặc dù hai câu mở đầu tác giả có nói:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

tức là Xuân đi có trăm hoa rụng, Xuân sang có trăm hoa nở và hai câu kết, như đã nêu ở trên, cũng có xuân, có hoa, đặc biệt là có hoa mai; nhưng rõ ràng tứ thơ nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở tựa bài thơ là Cáo Tật Thị Chúng tức là Có Bệnh Báo Mọi Người. Hoàn cảnh đế viết bài thơ có thể tạm suy diễn thế này: Một ngày tác giả có bệnh, chắc là vào một ngày Xuân, tác giả nghĩ tới mùa Xuân rồi nghĩ tới mình cho nên viết bài thơ trên. Và tứ thơ được thể hiện rõ ở hai câu thứ 3 và thứ 4:

Sụ trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

dịch là:

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

Như vậy tác giả đã mượn mùa Xuân đế nói tới một đời người. Xuân đến Xuân đi. Người đến người đi. Đi nhưng còn để lại một cái gì. Như một cành mai mới nở của một xuân qua. Như một dư âm của một hồi chuông đổ. Như cái còn lại của những năm tháng trôi trên phận người. Cái còn lại không phải là bất kỳ một cái gì. Càng không thể là cái xấu.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

Đọc 2 câu thơ được viết hơn 900 năm trước mà như nghe đâu đây tiếng lao xao của những mắc xích đời mình. Biết bao điều đã đi qua rồi. Tóc đã bạc trên đầu. Hơn bảy mươi mùa Xuân đã đi qua mà trước sân đời của nhà mình có mấy lần hoa nở? Mình đã làm được gì đâu mà tuổi đời gần cạn. Thiền sư Mãn Giác chỉ sống có 44 năm. Sống một đời đạo hạnh, thanh cao, nho nhã. Cành mai đời Người mà Người để lại chắc nhiều hoa. Bài thơ trác tuyệt Cáo Tật Thị Chúng là một.


Hiểu được lẽ sinh lẽ diệt không phải là chuyện dễ. Trước ngài Mãn Giác, Thiền Sư Vạn Hạnh cũng đã dạy:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Rõ ràng thân người như ánh chớp, có rồi trở lại không. Cũng như mùa xuân cây cỏ tươi tốt, đến mùa thu thì tàn tạ khô héo. Lẽ thịnh suy là vậy, hơi đâu mà lo sợ vì thịnh suy thay nhau như khoảnh khắc của hạt sương trên đầu ngọn cỏ.


Sống chân thật với mình và với người thì sá gì cái lẽ thịnh suy. Biết sống như vậy là điều không dễ. Cuộc đời cũng đâu có dễ cho người đời!

Càng không dễ cho người biết sống!

Ngày xuân tàn, đâu phải trước sân nhà ai cũng còn một đóa mai mới nở!


3. Thêm Một Cái Tết Tha Hương


Bạn thân mến xa xôi,


Lâu lắm không có thư gởi bạn. Biết bạn trông nhưng không làm sao được. Hết việc này tới việc kia chúng bám theo mình nhu hình với bóng, bám gần 40 năm qua mà chưa buông. Nhớ khi xưa, việc của sở làm thì không chạy được. Tự động bứt nó ra thị nhận giấy báo màu hồng mang đến sở xã hội xin tiền thất nghiệp. Còn vài công việc có tính cách văn hóa, xã hội mình tự góp tay vào dù có bận cách nào thì vẫn không muốn bỏ. Nó là chất bổ dưỡng, là thuốc an thần cần thiết cho cuộc sống rất ư là nhức đầu ở đây. Đi làm về khuya, ngồi gõ cho xong cái truyện, thấy hạnh phúc làm sao. Họa hoằng có một ngày nghỉ cuối tuần để có dịp tham dự một buổi thuyết trình về văn hóa, thấy một ngày có ý nghĩa. Ứớc chi một ngày có 36 tiếng đồng hồ chớ không phải là 24 để mình được thông thả một chút làm chuyện này chuyện nọ, và để có thể ầu ơ ví dầu với bạn cho vui. Nhiều khi tôi nghĩ có người để san sẻ, để trút bầu tâm sự cho cái đầu bớt quẩn cũng là cần thiết. Thiên hạ ở đây với những cái đầu đầy chữ nghĩa và bằng cấp chắc cần phải giải quyết mấy cái quẩn này trước hơn ai hết. Ở một nơi xa xôi, đèo heo hút gió ấy chắc bạn không nghe chuyện mới ràng ràng đây của một chàng địa ốc gần năm mươi tuổi, nhân đêm Giáng Sinh, chàng mặc quần áo ông Santa Claus đến nhà người vợ cũ rồi nả súng bắn chết cả chục người kể cả cái mạng của mình. Mấy năm trước nữ phi hành gia có học vị tiến sĩ, nghề nghiệp vững vàng, chồng con đề huề, yêu ngang hông một đồng nghiệp, lại mang tội mưu sát tình địch. Cũng mấy năm trước một nữ nha sĩ cũng mang tội sát hại ông chồng nha sĩ bằng chiếc Mercedes. Trước đó đôi năm, một nữ y tá vợ một kỹ sư phục vụ tại Trung Tâm Không Gian Hoa Kỳ, gọi tắt là NASA, trấn nước giết tất cả 5 con ruột trong bồn tắm nhà mình. Cả 3 người đàn bà này đều thuộc giới thượng lưu trí thức và cùng cư ngụ trong vùng gia cư sang trọng Clear Lake của Houston. Tại làm sao vậy? Chất thuốc an thần nào để chữa những cái quẩn nầy đây? Tôi thì không lo rồi. Tôi có những bạn văn. Tôi có những sinh hoạt bổ dưỡng tinh thần. Và tôi có bạn đế tâm sự mà. Phải không bạn?


Bạn thân mến xa xôi,


Hôm nay là ngày đưa ông táo về chầu Ngọc Hoàng. Bên ấy bạn cũng sắp đón Tết. Xuân là của đất trời mà. Chỉ có cái khác là bạn đón xuân trên quê hương mình. Còn tôi thì đón xuân lữ thứ. Đón mấy mươi cái xuân như vậy rồi! Bạn xem có não lòng chưa? Cứ mỗi lần Tết đến là nhớ câu thơ Thế Lữ để mà buồn thêm: Rũ áo phong sương nơi gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang. Còn ông Thanh Nam hơn ba mươi năm trước đã lia thêm một nhát chém vào tâm sự của người ly hương: "Một năm người có 12 tháng, ta có năm dài một tháng Tư". Tôi đã ở trên đất nước này dài hơn thời gian tôi sống trên đất nước mình. Và sẽ sống nơi đây cho hết đời, chắc vậy. Nhưng mà không hiểu sao mình vẫn không bỏ được cái ý nghĩ cho rằng nơi đây vẫn là đất tạm, là một thứ quán trọ. Cho nên cái Tết nào cũng khiến mình buồn bã vu vơ vì Tết nào cũng là Tết Tha Hương. Bỗng nhớ mấy câu thơ cũ của mình:

nên mỗi ngày qua

thêm một nỗi buồn riêng

thêm một chút ngậm ngùi cố thổ

ở ở, đi đi ta làm khách trọ

sớm nắng chiều mưa bóng nhỏ bên đường

để mỗi đêm dài điếm cỏ cầu sương

ta mơ làm người Lý Bạch

đê đầu tư cố hương

để thấy hồn mình lượn lờ nơi viễn phố.

Hôm nào cắc cớ, bạn thử hỏi những người mà bạn quen biết đang sống xa quê hương để xem bạn có được mấy người chờ xuân, đón xuân và vui xuân với tâm trạng y chang như thời trước ở quê nhà. Lý do đơn giản là Tết ở đây là tết ly hương; ngày Tết của mình đâu có nằm trong danh sách những ngày nghỉ lễ của nhà nước. Cho nên ai cũng phải đi cày như mọi bữa. May mắn lắm có được ngày tết rơi vào cuối tuần thì đi một vòng hội chợ tết để có cảm tưởng mình cũng ăn tết như ai.


Nhưng bạn ạ, nhìn những em bé mình càng thương cảm chúng nó hơn. Các cháu cũng tươi cười nhìn lân, nghe pháo, cũng rối rít nhận tiền lì xì. Các cháu bây giờ ở đây đâu có biết chờ Tết. Thấy múa lân ngồ ngộ thì cười thôi. Nghe pháo nổ từng tràng dài thì thích thú; đâu biết đấy là những tập tục rất đặc thù thường chỉ xảy ra vào dịp tết đã có từ lâu đời trên quê cha và đã trở thành những sinh hoạt có tính cách văn hóa của nước mình. Điều tội nghiệp khác nữa là các cháu cũng không có cái háu hức của mình thời trẻ. Thời đó "chờ tết" hình như thú vị hơn "ăn tết", phải không bạn? Đứa trẻ thời ấy mỗi năm đón Tết từ đầu tháng Chạp, hay trước đó nữa, khi người người trong gia đình chuẩn bị ăn tết. Đón Tết qua những đêm ngủ gà ngủ gật nhìn mẹ tráng bánh phồng bánh tráng, nhìn bà gói bánh tét bánh chưng, nhìn chị làm bánh mứt. Bộ đồ mới bằng vải sọc đơn sơ, đôi guốc vông có quai bằng mũ trong vắt có vẽ mấy cánh mai vàng cũng đủ làm đứa bé thời đó sung sướng quên ăn, tối nằm ôm đôi guốc, gối đầu trên giấc mơ đẹp mà ngủ. Ngày Tết cùng các bạn nhỏ kéo nhau đi trên đường làng, trên đường phố, tay cầm cây pháo chuột, miệng cắn hạt dưa đỏ mồm miệng. Gặp người lớn khoanh tay cúi đầu mừng tuổi, đôi khi được vài cắc lì xì. Ghé nơi này đặt mấy xu trên trái bầu, con cua. Ghé nơi kia xào bài ba lá. Sao mà vui quá chừng. Đứa bé nơi ấy thời ấy ăn tết ăn nhứt thỏa chí thỏa tình. Thời đó đứa bé sống trong cái háu hức chờ Tết và vui Tết của cả làng, cả phố và của cả dân tộc. Cho nên người ta nói vui như tết, thật chẳng sai.


Các cháu ở đây tuy không cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa và tinh thần dân tộc trong 3 ngày tết, nhưng khi các cháu có dịp cùng vui chơi trong những hội tết được tổ chức hàng năm tại nhiều nơi có đông người Việt thì các cháu đã phần nào sống với văn hóa mình. Các em thấy, các em tham gia rồi dần dần các em hiểu và sẽ duy trì nó. Tôi không thể tưởng tượng ở một nơi nào đó bây giờ, hay ở những năm nào đó sau này không có một hội tết nào được người mình đứng ra tổ chức thì mình ăn tết ở đâu, cụ già dẫn các cháu đi đến đâu để cho ông cháu sống vài giờ với cái tết dân tộc? Không có Hội Tết hàng năm thì ngày tết sẽ âm thầm lặng lẽ trôi qua và các cháu thì không biết Tết Nguyên Đán là gì.


Bạn thân mến xa xôi,


Tết tha hương thì buồn thật, nhưng những cái tết trên quê hương đã một thời in sâu trong ký ức mình cũng phần nào làm lòng mình ấm trong cái lạnh của mùa xuân xứ người.


(Houston - Texas)

Trần Bang Thạch

Văn Hóa Việt Nam số 72 (Mùa Xuân 2016)