3-2-2019 | VĂN HỌC

Tô Thùy Yên: thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người

  BÙI VĨNH PHÚC

Nguồn: Bài này đã đăng một vài đoạn khác nhau, lần đầu trên các nguyệt san Hợp Lưu và Văn Học (California), vào những năm 1992 và 1994. Toàn bộ bài viết được in trong

Lý Luận và Phê Bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995 của Bùi Vĩnh Phúc, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1996. Bài viết hiện tại được nhuận sắc và cập nhật vào tháng Một, 2019.

Về tác giả, có thể xem thêm trang E.E. – Emprunt Empreinte – Mượn Dấu Thời Gian,

http://phannguyenartist.blogspot.com/2017/09/bui-vinh-phuc.html

    Bùi Vĩnh Phúc

Biểu dương—hãy biểu dương cùng tận

Vinh dự lầm than của kiếp người

Hy hữu một lần trên trái đất

Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

TTY

.1.



    Nhà thơ Tô Thùy Yên
  (Đinh Cường vẽ)

Tô Thùy Yên là một giọng thơ đặc thù, có một, và vô cùng u hiển của nền thi ca Việt Nam trong dòng văn học miền Nam kể từ Sáng Tạo.

 

Từ cuối thập niên năm mươi cho đến thời điểm bị cắt đứt 1975, dòng thi ca miền Nam Việt Nam không phải là không thấy nổi bật lên những khuôn mặt khôi ngô của thơ, những tiếng nói mới lạ của tình cảm, của cảm xúc, của trí tuệ; không phải là nó không thấy rạo rực lên trong chính thân xác và tâm hồn mình cái thiết tha và mạch sống của thời đại. Mà không phải chỉ ở Việt Nam, nơi các luồng ý thức hệ trái chiều đã dùng làm địa bàn để thử nghiệm những con toán suy tư của mình, nơi những con sóng của các triều nước lý trí, dâng lên từ phương Tây và từ châu Mỹ, thỉnh thoảng hắt lên trên mặt đất này những lượng nước cuối mùa từ cái dòng trào của nó, con người nói chung, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, nơi ánh sáng của văn minh nhân loại vẫn còn có cơ hội soi rọi đến, trong những thập niên ‘50, ‘60 và ‘70, đều đã tìm thấy cho mình một hơi thở mới, một tiếng nói mới, một cái nhìn mới về đời sống. Hơi thở ấy đẩy người ta đi vào cuộc sống mỗi ngày với một thái độ dấn thân và tha thiết hơn. Cái nhìn ấy đem vào nhãn giới con người những gì đã trượt ra khỏi tầm nhìn của nó ở những thế hệ trước, vì lý do này hay lý do khác. Và tiếng nói mới mà con người tìm được trong thời đại này đã giúp cho nó tìm xuống những chiều sâu mới của chính tâm hồn mình, dẫn nó đi qua những bậc đá trắng và lạnh của ngôi đền thâm u, kỳ bí, có khi in đậm hình bóng rêu rong của kinh hoàng, khủng khiếp, nhưng cũng có khi ứ đầy và chói sáng ánh mặt trời khiết bạch. Ngôi đền này chính là trái tim con người. Trái tim ấy bóp và đập, bóp và đập, nhưng trong từng giây phút, qua chính những nhịp bóp và đập ấy, nó để nở vào đời sống muôn vàn đoá hoa bí nhiệm làm nên cuộc đời của mỗi con người. Và làm nên cuộc sống của nhân loại.


Nhà thơ là người nhìn vào được trái tim của những đoá hoa bí nhiệm ấy.

 

Thơ, chẳng phải chỉ là những cửa ngõ để nhìn vào trái tim, mà thường khi, nó chính là trái tim. Nó là ngôi đền thâm u kia. Và nó cũng chính là những đoá hoa bí nhiệm của đời sống.

 

Tô Thùy Yên là một nhà thơ Việt Nam lớn lên trong cái bối cảnh tinh thần ấy của con người thế kỷ. Ông đã nhận chịu và đã kế thừa cái gia sản chung của nhân loại trong suy nghĩ và trong tiếng nói của mình. Nhưng trong tiến trình sống và phát triển, trong khi học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm chung của nhân loại, ông còn có được những kinh nghiệm riêng của chính mình. Những kinh nghiệm riêng này của Tô Thùy Yên là những kinh nghiệm của một con người nói riêng, mang cá

Đọc tiếp trang 3 bản pdf  


Bùi Vĩnh Phúc

Tác giả gởi