2009 | VĂN HỌC

Ngựa Phi Đường Xa

  ĐẶNG TIẾN

Năm 1992 qua Ba Lê, tôi đã gặp lại Đặng Tiến, một bạn văn từ năm 1960, khi anh viết phê bình sách cho tờ Tin Sách, và tôi làm Thư ký Tòa soạn tờ Điện Ảnh, cả hai tờ cùng của một chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Linh, tòa soạn đặt ở khu chợ Cầu Ông Lãnh, Sài gòn. Lúc sau chúng tôi cùng viết cho Bách Khoa của anh Lê Ngộ Châu, Văn của anh Trần Phong Giao, cho đến khi Đặng Tiến đi Pháp, vào năm 1966. Từ đó thế giới của chúng tôi chia cách bằng một con sông Thương.


Đặng Tiến hiện dạy Pháp văn trong một trường Trung học Pháp ở Orleans, nơi tôi đã ghé thăm, và dạy Văn chương Việt Nam cho Đại học Paris 7. Gần đây, anh phụ trách chương trình Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đài BBC, phát thanh mỗi tuần một lần.


Anh là nhà văn hiện viết cho các báo ở hai bên lục địa, cả trong và ngoài nước.

Bài về nhà thơ Tô Thùy Yện dưới đây, là một trong những bài điển hình về lối viết sâu sắc của Đặng Tiến, mặc dù anh nói bài viết chưa hoàn tất thì bị phân tâm vì cái tang Bùi Giáng. Anh gửi bài này cho Khởi Hành từ Orleans, sửa thêm khi đang ở Bỉ. V.L.


   Tô Thùy Yên (Đinh Cường vẽ)

Tô Thùy Yên đến với văn học trên “Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu”, bài thơ làm năm 1956, đăng trên báo Sáng Tạo thời đó và được độc giả hoan nghênh ngay, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Thời ấy sinh viên chưa nhiếu, quần chúng văn chương còn thưa thớt, một thế hệ độc giả mới đang chớm thành hình. Với thời gian nhìn lại, bài thơ có thể xem như là một sự kiện văn học, vì lời thơ tân kỳ, ý thơ mới lạ, không giống một bài thơ nào khác trước kia – mà đã được độc giả không chuyên môn yêu thích ngay. Chuyện hiếm, vì độc giả Việt Nam, nói chung là thủ cựu. Chuyện đẹp vì bài thơ của tác giả 18 tuổi đi thẳng đến độc giả 18 tuổi.


Ngày nay Tô Thùy Yên là tác giả tên tuổi. Bài thơ thanh xuân được những lớp phù sa bồi thêm nhiều ý nghĩa mới.


Trên cánh đồng hoang thuần một mầu

Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

(...)

Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.

Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

(...)

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,

Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

(Tô Thùy Yên, Thơ Tuyển, tr 13)


Cánh đồng con ngựa ở đây khác với những hình ảnh trong thơ cổ, tranh Đường, tranh Tống; ngược lại phần nào đó, gợi lên nền “văn hóa đồng hoang” của Nga La Tư thời cổ đại. Chuyến tàu – nôm na là xe lửa – là biểu tượng văn minh cơ khí và hiện đại. Cuôc va chạm lớn lao giữa hai nền văn minh: đông phương thảo mộc và tây phương cơ giới đã được nhà văn Phạm Văn Ký vẽ lại trong tiểu thuyết MẤT NƠI TRÚ ẨN (PERDRE LA DEMEURE, Galliward, 1961, giải thưởng Hàn Lâm Viện Pháp) mô tả cảnh xây dựng con đường sắt tại Nhật Bản vào thế kỷ XIX.


Ngày nay, với THƠ TUYỂN (1) của Tô Thùy Yên, con tàu còn mang nhiều ý nghĩa khác, ví dụ: hình ảnh của lịch sử, dân tộc và loài người, tàn khốc và vô tâm:

Tàu đi, khoan xoáy sâu đêm thép

Tiếng nghiếng ghê người, thác lửa sa

Lịch sử dường như rất vội vã

Tàu không đỗ lại các ga qua

(Tàu Đêm, 1980, tr 22)


Bài thơ làm trong thời gian học tập cải tạo miệt Nghệ Tĩnh; con tàu chở những gã tù lưu xứ (tr 21), từ một sự vật cụ thể, mang thêm giá trị tượng trưng rộng lớn trong thế giới Tô Thùy Yên:

Thời đại đang đi từng mảng lớn

Rào rào những cụm khói miên man (tr.15)


Trên đường lịch sử sắt tuôn mau (tr 120)


Con tàu đối lập với ngựa, hình ảnh loài người trong thân phận, cá nhân trong một thế hệ, một dân tộc hay thời đại trước tiến hóa. Sức người có hạn rượt theo bánh xe lịch sử, vô hạn và vô định, vì những say mê cuồng nhiệt và mù quáng vì “duy ý chí”, vì hoang tưởng hay chỉ là nạn nhân trong một hoàn cảnh. Cho đến khi “gục đầu, gục đầu”

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ

Chấm giữa nền nhung một vết nâu


Ngựa nâu là màu ngựa thường, có khi là ngựa thồ, không phải là bạch câu, ô truy hay xích thố. Ngựa của Kim Trọng trắng tựa “tuyết in” chấm trên nền cỏ thanh minh như một đóa hoa lê; ngựa của chinh phu cũng cũng “tuyết in” nổi bật dưới chiến bào “đỏ tựa ráng pha”. Ngựa của Vân Tiên đen tuyền, lấp lánh dưới kim khôi và siêu bạc rạng ngời giữa trận tiền. Ngựa của Tô Lang chỉ có “lớp áo” nâu song, màu của số phận dân quê, nói được là màu “dân tộc” cày sâu cuốc bẫm, hay cửa chùa vắng lặng. Khi thua cuộc, con ngựa – con người – chỉ để lại một “vết nâu”. Nâu như một giọt máu khô.


Thơ và nghệ thuật nói rộng ra, là những giọt máu đang khô trên nền mãi mãi non xanh của ngôn ngữ loài người.


Cuộc đời như thế đấy.


THƠ TUYỂN của Tô Thùy Yên bắt đầu bằng một câu trần trụi, trong bài nhan đề Thi Sĩ làm năm 1960, có thể xem như là tuyên ngôn. Thơ, thơ ai cũng vậy, bao giờ cũng vậy, là Lời, lẫn với Đời. Khác nhau ở tỷ lệ: đời ít lời nhiều, hay ngược lại. Ở Tô Thùy Yên đời và lời cân phân. Câu thơ dù bay bổng, nợ đời, tình đời vẫn nặng chĩu. Thơ nhẹ cánh đời nặng gánh. Nói “đời” là mơ hồ, thậm chí hàm hồ. Đời nào, đời ai, đời những ai? Đời tênh hênh thì thơ cũng tô hô. Ngày xưa Xuân Diệu tự xem như con chim “ngứa cổ hát chơi”, lại thêm “hát vô ích thế mà chim vỡ cổ”. Tô Thùy Yên không làm thơ để mà chơi.

Tôi giành giựt đổ máu với tôi

Từng chữ một

(Thi Sĩ, tr 9)


Người xưa kể lại giai thoại “thôi xao” (*), nhẹ nhàng như việc đẩy cửa dưới trăng, không “đổ máu” như Tô Thùy Yên. Lê Đạt nói về nỗi vất vả trong lao động chữ nghĩa có dùng hình ảnh “phu chữ”; Tô Hoài, trong bài viết đùa thân mật, diễn nôm là “cu ly chữ”; tôi có dịp hỏi ý kiến Lê Đạt, anh trả lời: hiểu như thế không sai, nhưng cục bộ “phu chữ” còn có nghĩa là đại trượng phu theo Mạnh Tử. Đây là lời nói riêng, không có ý kiến.


Tô Lang không chơi chữ nước đôi kiểu ấy: đổ máu là đổ máu, chỉ có một nghĩa, dĩ nhiên là nghĩa bóng. Đôc thơ Tô Thùy Yên, cũng không nên đọc để mà chơi. Tác giả kén chọn người đọc và cách đọc, có lẽ vì thế mà 40 năm sau khi có thơ thường xuyên đăng báo, anh mới cho xuất bản một tập THƠ TUYỂN, viết về anh có phần khó; không phải ở khâu bình giải khen chê, mà ở mức độ đồng cảm. Tôi viết bài này là do yêu cầu của bạn Viên Linh, chủ yếu vì lý do tâm cảm và đồng cảm, xem từng chữ của Tô Thùy yên như những giọt máu. Ví dụ con ngựa nâu là giọt máu mới đông. Cũng trong bài tuyên ngôn Thi Sĩ:

Bài thơ lọt vào người như kẻ trộm

Âm thầm

Vơ vét sạch vô tư (tr 10)


Như vậy đơn vị thơ Tô Thùy Yên không phải ở câu thơ, như thông lệ, mà là bài thơ có khi khá dài, thường trên một trăm câu, và từng bài thơ một, phải đặt lại vào toàn thể tập thơ mới đúng vị trí và ý nghĩa của nó. Trích dẫn từng câu, từng đoạn dù tiêu biểu, là việc cực chẳng đã. Đọc toàn tập, chúng ta nhận thấy thơ Tô Thùy Yên không có tuổi, cho dù mang nhiều âm vang của lịch sử, trong một giai đoạn chiến tranh, đổi đời và tù đày khốc liệt.


Bây giờ ta đã già như tuyết

Già vô âm vọng

Già thâm u

Bây giờ ta trẻ như hừng đông

Trẻ như tiếng reo

Trẻ bất tử

(Chim Bay Biển Bắc, 1972, tr 69)


Chàng thanh niên 18 tuổi kể chuyện Con ngựa chuyến tàu đã là một tâm hồn già; con người ngũ tuần vừa ra khỏi trại cải tạo sau mười năm lưu xứ với “mái đầu sương điểm”.

Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

(Câu đầu bài Ta Về, 1985, tr 126)


Bài tuyên ngôn “Thi Sĩ” làm 1960 đã có những câu:

Những tên cai ngục

Ngôn ngữ bất đồng

Với thứ linh hồn quốc cấm

Tôi tù tội chung thân (Tr 9)


Trong một bài thơ tặng Thụy Vũ, ghi 7-1972 đăng báo Văn (Sài Gòn) số 208 ngày 15-8-1972:

Ôi những rặng cao su thẳng lối ngay hàng

Ôi những rặng cây mang án tử hình treo

(Bất tận nỗi đời hung hãn đó, tr 58)


Lại còn bài này nữa cùng thời:

Sống trên đời chuyện ghê gớm quá

Vậy mà ta sống có kỳ không

Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới

Những người đã chết, chết như rơm


Hề ta trở lại gian nhà cỏ

Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa

Trên dốc thời gian hòn đá tuột

Lăn dài kinh động cả hư vô


Hề, ta trở lại gian nhà cỏ

Tử tội mừng ơn lịch sử tha

Ba vách ngọn đèn xanh bóng lẻ

Ngày qua ngày, cho hết đời ta (tr 46)

Tử tội mừng ơn lịch sử tha! Bài thơ gi thời điểm sáng tác: tháng 7-1972. Tôi ngờ ngợ tác giả nhớ nhầm, thợ in nhầm ngày tháng chăng? Tôi (vớ vẩn) đi kiểm soát lại thì thấy đúng, bài thơ đăng trên báo Văn, Sàigòn, số 207 ngày 1.8.1972, cùng một lúc với bài Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch làm ngày 11.7.1972, với những lời bi tráng tuyệt điểm:


Ta bằng lòng phận que diêm tắt

Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông

Thôi nói, bởi còn chi để nói

Núi xa, chim giục giã hoàng hôn


Tưởng tượng ta về nơi bản trạch

Áo phơi xanh phơi nhánh đào hồng

Mùa xuân bay múa bên trời biếc

Ta búng văng tàn thuốc xuống sông

(Báo Văn tr 61, thơ Tuyển tr 51)


Que diêm tắt mà vẫn phơi phới đào hồng, trên cõi đời này, chỉ có Tô Thùy Yên! Niềm hạo nhiên đó, Tô Quân còn gọi là: “cái có nơi ta” trong bài Chim Bay Biển Bắc đã dẫn, làm chính xác ngày 4.8.1972.


Đừng loạn tâm, đừng loạn tâm

Cuối chặng hành trình quay đảo nhất

Cả thảy sẽ an nhiên

Trong trật tự hằng hằng của vũ trụ

A, loài người thăng tiến được bao xa?

Trời đất phồng lên cơn giận dữ

Thổi trện mưa rơm, Cõi Tạm Mù

(Văn số 208, tr 91, Tuyển Tập tr 70)


Trước đó, bài Đãng Tử có ghi tiền đề: (épigraphe)

Ngày kia trở lại Ngôi Nhà Lớn

Lòng những bằng lòng một kiếp chơi


Mười năm lưu đày, thêm những lần bị bắt đi bắt lại, âu cũng là một kiếp chơi! Nắm bắt được điều đó, mới hiểu thấu đáo bài Ta về (1985) nổi tiếng về sau, được nhiều trích dẫn, không phải lúc nào cũng với dụng ý văn nghệ.


Gần đây và hiện nay, về mặt văn hóa, trong nước đang thảo luận dài dòng về đề tài: truyền thống và hiện đại; dân tộc và thế giới; cái riêng trong cõi chung … Ý hướng tốt: muốn liên minh cái nọ với cái kia, điều hòa cuộc sống dân tộc trong một thế giới đang bước đi những bước khổng lồ.


Thực tế văn học nghệ thuật không rắc rối như vậy. Người nghệ sĩ làm thơ, vẽ tranh một cách tự nhiên mốn sao làm vậy, rồi tác phẩm của họ nó ra sao thì còn tùy; dân tộc hay hiện đại là tùy người xem người đọc. Nếu rung cảm chân thành và sâu sắc thì tác phẩm phải mang đủ hai yếu tố, với phần liều lượng khác nhau.

 

Nói rằng điều hòa truyền thống với hiện đại, ngày nay, trở thành một khẩu hiệu, một cách chào hàng trong thị trường văn hóa. Trong thâm tâm người đặt hàng đã có hậu ý đối lập: làm sao cho có bản sắc dân tộc mà vẫn hiện đại; làm sao theo kịp các trào lưu thế giới mà vẫn giữ truyền thống. Hai chữ “mà vẫn” có tính cách lãnh đạo và tham lam. Mà lãnh đạo và tham lam là phi văn hóa. Người nghệ sĩ, bề ngoài phải chịu những ức thúc, nhưng trong đáy tâm hồn trong cõi thâm sâu của tác phẩm họ là những cá nhân tự do.


Con người nô lệ và vụ lợi, xu thời, giỏi lắm là nghệ nhân hay văn công. Trong thực tế sáng tạo, dân tộc và hiện đại là một đơn vị bất khả phân. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, trong một tác phẩm mới in TIẾP XÚC VỚI NGHỆ THUẬT (2) tập hợp những bài viết uyên thâm từ ba mươi năm nay, đã nói chí lý và dũng cảm: “cái khẩu hiệu Dân tộc Hiện đại của văn nghệ chúng ta trong nhiều năm nay là một mệnh đề thiếu chính xác và hoàn chỉnh ngay ở mặt tu từ (…) khẩu hiệu này thiếu cái hàm ý nhân loại trong truyền thống” (tr 58). Trong một bài khác, anh nói thêm “Cũng vậy đối với nghệ thuật bản sắc dân tộc và tính toàn cầu phải được hiểu là một”. (tr 73)


Cần nêu lên tiền đề này trước khi đề cập đến đề tài cục bộ: thơ Tô Thùy Yên, dân tộc và hiện đại, đặt một trường hợp riêng lẻ trong cuộc thảo luận chung của đất nước – dù rằng cuộc thảo luận khập khiễng. Nói khác đi, vấn đề không đặt ra với tôi; với tôi chỉ có thân xác những bài thơ ngoài thời gian và vô quốc tịch; nó là thơ Tô Thùy Yên thế thôi, không dân tộc, hiện đại gì ráo. Nhưng với người đọc – người đọc báo Khởi Hành, chẳng hạn, người viết có nhiệm vụ (và hạnh phúc) phải cập nhật hóa bài viết, trong bối cảnh lý luận rộng lớn hơn, hiện hành trên đất nước.


Tô Thùy Yên đến với văn học Việt Nam ở một giai đoạn mới, mở ra tại miền Nam khoảng 1955-1956. Anh là thanh niên trí thức, đọc nhiều sách báo nước ngoài, trên một mảnh đất mở vào “Thế giới tự do” thì dĩ nhiên tâm hồn và trước tác cũng phải hiện đại: câu thơ, nhịp thơ, hình ảnh, ý tứ trong thơ Tô Thùy Yên minh chứng điều đó, chúng ta không cần đồ họa lôi thôi. Cái chính là làm nổi bật tính dân tộc trong thơ Tô Thùy Yên, đã đưa thơ anh đến với một quần chúng rộng rãi, vượt qua hàng rào “hiện đại”.


Trong số những nhà thơ đương thời, có lẽ Tô Thùy Yên là người sử dụng nhiều ca dao nhất. Lưu Trọng Lư, một trong những người phát động thơ mới thuộc nhiều ca dao, hay nhắc đến những màu sắc dân tộc, nhưng ít khi đưa ca dao vào thơ. Thanh Tâm Tuyền rất sành ca dao, nhưng không sử dụng: thậm chí có thể nói thơ Thanh Tâm Tuyền là một thi loại phản-ca-dao. Tô Thùy Yên, ngược lại ưa dùng lời ăn tiếng nói dân gian; nếu không thuộc tục ngữ, ca dao, người đọc có khi không hiểu anh muốn nói gì. Ví dụ bài thơ mới làm cuối 1993, để Giã Biệt, “từ bỏ căn nhà, từ bỏ quê hương” lên phi cơ biệt xứ:

Anh ra đi

bứt ruột mà đi (a)

như đã một lần cũng bứt ruột

Đi những mười năm tưởng chẳng còn về

Máu chảy không cầm như nước theo sông

Thành phố của anh

Nhục nhằn duyên cưỡng ép (b)

Cay đắng phận rau răm (c)

Tim lay lắt chập chờn nỗi đợi

Mòn mỏi nén nhang khuya (d)

Buổi trở lại, trèo lên cây bưởi cũ (e)

Trông thấy nhau, thương chỉ để mà thương (f)

Đôi bông đó thôi thì em hãy giữ (g)

Tưởng tình xưa

xin bỏ lỗi cho anh

Anh ra đi

Một lần nữa ra đi

Một nần nữa bứt ruột

Thương người ở lại

Thương như mưa (h) (tr 203)

Nhịp thơ mới mẻ, nhưng lời thơ vét váy tục ngữ, ca dao, ví dụ những câu đánh dấu:


a. Đưa tay mà bứt ngọn ngò,

    Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ

b. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên.

c. Cay đắng phận nghèo (mùi đời) (thành ngữ).

    Gió đưa cây cải về trời

    Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

d. Anh buồn còn chỗ thở than

    Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya

e. Trèo lên cây bưởi hái hoa

f. Cây cao bóng ngã qua rào

    Trông cho thấy mặt không chào cũng thương

g. Một mai thiếp có xa chàng

    Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.

h. Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.


Dĩ nhiên là còn nhiều câu khác mà tôi không biết, như “máu chảy không cầm” tôi nhớ mang máng đâu đó, không tường tận. Muốn tìm ra nhiều điển cố dân gian trong một bài thơ như vậy, phải lần đến … Nguyễn Trãi.

 

Có những giao hưởng tài hoa và thi vị, trong lời hẹn một ngày về Vườn Hạ

Ăn trái chin cây mùa hạ trước

Thấy nhành ớt động bóng chim quen (tr 91)


Muốn đi vào tâm tư tác giả, ta cần biết:

Chim quyên bụi ớt líu lo

Tình thương quân tử ốm o gầy mòn 

Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.


Trong bài Ta về:

Đêm buồn ai nữa đứng bờ ao

Khóc người, ta khóc ta rơi rụng


Câu trên gợi lên cảnh “đêm khuya ra đứng bờ ao” mà ai cũng nhận ra, nhưng không gian bờ ao kết hợp với “rụng” nhắc lại một câu ca dao khác và gợi ra tâm trạng hờn tủi của người về

Thiếu chi cam rim hường rim

anh không chọn

anh đi tìm trái khế rụng bờ ao


Một bài khác còn nhắc tới cây khế dung dị nhưng tuyệt đẹp:

Ta nhớ lắm,

Khu vườn xưa, cây khế tím mùa hoa


Có khi Tô Thùy Yên sử dụng nguyên si một câu ca dao:

Thôi em tiếc thêm chi cái sợi dây dài

Để đến nỗi ngồi hoài bên giếng cạn (tr 150)

 

Nguyên văn ca dao:

Tưởng giếng sâu em (anh) nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn em (anh) tiếc hoài sợi dây.


Bài Mùa Hạn làm trong trại học tập Nghệ Tĩnh, trực tiếp nhắc nhở nội dung dân gian của một hình ảnh.

Ngày nghỉ về vườn thăm họ ngoại

Lòng như con sáo trong ca dao (tr 108)


Con sáo là hình tượng tự do: “con sáo sổ lồng sáo bay”. Vương vất đâu đó ít nhiều cay đắng, khi nhớ đến câu trước: Ai đem con sáo sang sông, so với tình huống của người dân miền Nam đi học tập cải tạo “bên kia sông”. Cùng trong trang đó:

Em mặc bà ba ra bến nước

Đưa tay khỏa nhẹ nhớ thương nào,

Đến nay, lòng ấy còn xao gợn …

Mùa trái cây nào hái tặng nhau (tr 108)


Ngoài “mùa trái cây” gợi nhớ đời sống một vườn chữ “bà ba” là đặc tính của miền Nam, nhưng không xuất hiện nhiều trong thơ. Thường thường ta chỉ thấy “áo lụa Hà Đông”, hay là:

Yêu nhau gói trọn hồn trong áo

Nhớ nhau từ trong tà lụa bay (Đinh Hùng)


Võ Phiến thời đó (1972) đã nhiều lần luận về cái áo dài; sau này, ra nước ngoài anh mới nhớ đến cái áo bà ba. Tô Thùy Yên trong những câu thơ uyên bác, không ngại dùng những từ dân dã, nam bộ như cười bung (tr 59), lá bung phơi (tr 111), bung nở (tr 212) tiếng hò mời dzô dzô (tr 29) rượu uống đến say thua (tr 42) tiếc dài (tr 47) quên ngang (tr 119). Những lời lẽ dân gian được sử dụng uyên bác:

Tôi gầy yên lặng với âm thanh (tr 10)

Ngọn cây, ô, đã giát hoàng hôn (tr 43)


Ngoài ra còn một số hình ảnh lấy ở đời sống hằng ngày, ở tuổi thơ nông thôn, như tàu chuối lưa tưa đến hoa khế tím, con còng, con dế đến chim bói cá, cá thia lia, những trò chơi trẻ con như cút bắt, xu thảy hết đồng cái liệng sông (tr 95) với những kỷ niệm sắc bén:

Ai ngắt dùm anh cây cỏ sướt

Làm đôi gà đá, đá ăn cười (tr 92)


Gà đá, ở đây là những chùm cỏ làm trò chơi. Kỷ niệm thơ ngây, lẫn xen vào những câu thơ hào hoa

Con chim lạc bạn kêu trời rộng

Hồn chết trôi miền dạ lý hương (tr 94)


Trong từ vựng, đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Việt là giá trị những hư tự, như liên từ, giới từ, những công cụ cú pháp không có nội dung riêng. Trái với thơ chữ Hán nặng về thực từ và né tránh hư từ. Thơ Tô Thùy Yên cô đúc và có phong thái cổ thi nên cũng ưu đãi thực từ. Nhưng hư từ trong thơ anh cũng rất đắc vị:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi (Ta Về, tr 128)


Đoạn thơ này thường được trích dẫn vì nội dung lịch sử và nhân đạo, triết học. Nhưng đừng quên giá trị của nó về mặt thi pháp, cách sử dụng các hư từ “vì”, “từ”, và cách ngắt nhịp huê dạng “từ mỗi” câu thơ.


Nói chuyện thơ, chúng tôi nghĩ nên ưu tiên cho các vấn đề về thi pháp, từ pháp, âm pháp, nói chung là ngôn ngữ. Dĩ nhiên nội dung của tác phẩm là quan trọng. Trong thời Tô Thùy Yên, lịch sử dân tộc để lại nhiều hình ảnh sâu đậm, quá khuôn khổ của một bài báo.

 

Vậy xin khất độc giả đến một dịp khác.

Đặng Tiến

Paris 22.10.1998
(Khởi Hành số 26, tháng 12.1998)

1) Tô Thùy Yên THƠ TUYỂN. Tác giả xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ 1995. Thơ trích từ đấy.

2)Thái Bá Vân, TIẾP XÚC VỚI HỘI HỌA, Viện Mỹ Thuật Hà Nội, 1998, Chỉ in 400 cuốn! ai đọc ai không?


(*) Nguyễn Tà Cúc, Tạp chí Khởi Hành chú thích:

Thôi, Xao nghĩa đen là đẩy, gõ. Nhà thơ GIẢ ĐẢO đời Đường, vừa cuốc bộ, vừa làm thơ. có một câu phân vân mãi không biết là nên dùng chữ thôi (đẩy) hay chữ xao (gõ), nên có quan lớn ngồi xe đi qua mà không biết để kính chào. Ông quan này cũng là thi sĩ, tên Hàn Dũ, bèn mời lên cho qúa giang, và hỏi đang lẩm nhẩm cái gì. Giả Đảo bèn đọc hai câu thơ:

Điểu túc trì biên thụ,

Tăng xao nguyệt hạ môn,

nghĩa là: Chim ngủ trên cây cao, Sư gõ cửa dưới trăng, nhưng không biết nên dùng chữ gõ (xao) hay đổi là chữ đẩy (thôi). Hàn Dũ khuyên nên dùng chữ xao. Từ đó Thôi Xao trở thành điển cố, nói về sự chọn chữ khi làm thơ của mấy chàng thi sĩ.