Thơ Tô Thùy Yên nói tuyền về một nỗi khắc khoải của cuộc nhân sinh, niềm vô vọng trước sự bí nhiệm không cùng của vũ trụ. Ông được nhiều người đọc. Người đọc ông ở đủ lớp tuổi, thuộc nhiều thành phần khác nhau. Được thế vì ngôn ngữ thơ ông tuy tân kỳ nhưng lại vô cùng cũ, vô cùng dân gian: Đôi bàn tay vỗ nháng âm thanh ... (Mòn Gót Chân Sương Nắng Tháng Năm), Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa. Hòn ngói lia bay bay mặt nước (Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch), Đời im lìm đóng váng xanh xao (Ta Về)...
Nhưng người thơ trước sự bí nhiệm ấy không chỉ cúi rạp xuống, và dù có khòm lưng vì gánh nặng nhân sinh vẫn không ngừng hỏi han bản thể mình. Cái linh của người gặp cái thần của chữ để bày tỏ giấc mơ không dứt mong rời bỏ thân phận con người vô ích sáng choang (như món trang hoàng đeo lên Hư Vô đen ngời bóng lộn) mà tới nơi vĩnh cữu, vô biên ...
Nhà thơ Tô Thùy Yên hiện sống tại Saint Paul, Minnesota.
Bài này được thực hiện qua nhiều cuộc nói chuyện, hoặc bằng điện thoại, hoặc bằng thư từ, trong thời gian khoảng hơn một tháng, xong trước tháng 11-1998. (NTC).
Nhà thơ Tô Thùy Yên
- Sang bên này anh mới cho xuất bản tập thơ đầu. Qua thơ anh, người đọc có thể đoán rằng anh ngả theo chủ thuyết hư vô, phải thế không? Nên việc có để lại thơ hay không, không quan trọng. Nếu thế sao bây giờ đủ quan trọng để in thơ?
- Tập thơ xuất bản năm 1996 của tôi ở Mỹ không hẳn là tập thơ đầu mà chỉ là một gom chọn phần lớn những bài thơ đã xuất hiện từ lâu của tôi, như cái tên đặt cho nó, THƠ TUYỂN (1). Hiểu đó là những bài thơ rải rác của tôi lần đầu in thành tập có lẽ đúng hơn. Tại sao không in thành tập trước năm 1975, bây giờ mới in? Câu hỏi này, nhiều người đã đặt ra cho tôi. Thật tình, tôi không muốn giải thích làm ra quan trọng sự việc đó. Nhưng đã được hỏi thì tôi cũng xin nói qua.
Trước năm 1975, sở dĩ tôi đã không gom thơ in thành tập, chủ yếu là vì tôi không bận tâm lắm về duyên phận những bài thơ đã đăng báo của mình. Tôi thiết nghĩ nếu những bài thơ đó hay thì người đọc nhớ, không hay thì bị quên, hà tất phải in thành tập. Mặt khác, tôi vẫn cảm thấy còn có nhiều bất ổn đáng tiếc trong những bài thơ đó nên có ý lần lữa tự hẹn lúc nào rảnh rang sẽ làm siêng gom góp sửa sang. Và điều đó cứ gay gắt với tôi như là mình đã không làm trọn vẹn trách vụ.
Sau này, ngay khi còn đang ở trong tù và nhất là khi đã sang Mỹ, tôi được một số anh em nhắc hỏi về những bài thơ đó, những bài thơ mà tôi hầu như chẳng còn nhớ mảy may nào. Và tôi chợt nhận ra cái lỗi trước kia của mình là đã công bố những bài thơ đó. Cuối cùng, được sự khuyến khích thúc giục của một số anh em xa gần, đã quen hoặc chưa, nhất là những anh em đã lưu giữ thơ tôi và gửi lại cho tôi, kể cả những bài thơ được làm trong những hoàn cảnh đặc biệt sau năm 1975, tôi đã tuyển chọn in ra thành tập. Thâm tâm, tôi cũng muốn những bài thơ đó đã lỡ được biết đến, thôi thì cũng một lần được mồ yên mả đẹp, siêu tán phiêu diêu, để tôi còn được nhẹ nhàng tiến tới những bài thơ khác, tôi hy vọng như vậy.
Thêm nữa, tôi cũng còn muốn, qua việc xuất bản đó, gián tiếp nói lên với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam rằng tôi, giữa đông đảo những người cầm bút khác của miền Nam trước đây, đã chẳng hề chối bỏ những tác phẩm đã được hình thành trong quá khứ của mình, rằng qua bao nhiêu dập vùi đày đọa, những thi sĩ vẫn còn sống, thơ vẫn còn sống.
- Còn về chủ nghĩa hư vô?
- Xin lỗi vậy. Câu hỏi đó thuộc vào loại câu hỏi khó chịu đấy. Yêu cầu một tác giả tự nhận định, ước lượng về mình qủa là một sự ép cung hay mớm cung. Soi sáng một tác giả là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, rất tiếc đó không phải là công việc của chính tác giả đó. Một tác giả muốn nói gì, nói tới đâu, nói được bao nhiêu là chỉ nói qua sáng tác văn chương của mình, chớ không thể nói gì thêm bên ngoài sáng tác đó. Điều này mặc nhiên thuộc về phần tu sỉ của tác giả, phần đức lý của nghệ thuật. Như Alfred de Vigny, đọc sách, ít khi tôi chịu đọc những bài tựa bạt của chính tác giả.
- Chỉ có những người yếu bóng vía mới bị ép cung hay mớm cung thôi chứ! Nếu "soi sáng tác giả là một việc làm rất cần thiết" thì độc giả rất cần biết ý kiến của tác giả vì tác giả cũng chính là độc giả đầu tiên của mình. Trong tinh thần đó, mọi câu hỏi chỉ có nghĩa rất giản dị là chờ đợi một sự chia sẻ giữa tác giả và độc giả, không có nghĩa là một sự hỏi cung. Nếu hỏi cung đã có những câu hỏi khác không dính gì đến cuộc đời làm thơ của anh đâu!
Đây sẽ lại là một câu hỏi còn "khó chịu" hơn nữa nhưng vẫn hỏi! Cho đến nay, ở ngoại quốc nghĩa là ở ngoài Việt Nam - đã không có một thế hệ mới nào khả dĩ có thể kế tục những thế hệ trước về mặt sáng tạo và tài năng. Về tuổi tác, kế thế hệ Nhượng Tống, Phan Khôi, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử ... người đọc nghĩ đến thế hệ Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Trần Trọng San, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Sơn Nam, Bùi Giáng, Nguyên Sa ... Rồi tới thế hệ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn ...
Xét về thơ, thế hệ anh còn vượt trội hơn cả. Bài "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay" của Thanh Tâm Tuyền, "Cuộc Phó Hội U Minh" của Viên Linh và mới đây, bài của anh là ba bài viết về thơ tiêu biểu ở ba thời điểm, ba hoàn cảnh khác nhau của thế hệ này. Cứ theo tình hình này mà ngẫm thì sau thế hệ các anh, độc giả sẽ phải đối diện với một khoảng cách đặc (chữ của anh). Không khéo, "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay" sẽ còn đúng cho ít nhất là mươi mười năm nữa sao?
- Câu hỏi này chẳng những khó trả lời mà là không nên trả lời. Văn nghệ không phải là tjời tiết, nên tiên đoán thế này, thế kia về tương lai văn nghệ là một việc làm hoàn toàn vô ích, bởi mọi tiên đoán thường chẳng lấy gì làm đúng, và nếu như có may mắn đúng đi nữa thì cũng chẳng để làm gì cả.
Hiện tình văn nghệ có tới đâu rồi thì nhìn thấy tới đó thôi. Nhiều khi có những tài năng lớn đã sừng sững xuất hiện rồi mà còn chưa được nhìn thấy ngay nữa, huống hồ ... Tuy nhiên, ai lại chẳng mong mỏi là văn nghệ mỗi ngày một mới mẻ, một khởi sắc cho phù hợp với nhu cầu tinh thần của cuộc sống đã không ngừng biến đổi. Là nỗi buồn trong thơ hôm nay phải cho ra nỗi buồn trong cuộc sống hôm nay. Khỏi hỏi qua, tôi cũng chắc Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn đồng ý như vậy. Tôi sung sướng được đọc những tác phẩm hay, và còn sung sướng hơn gấp bội nếu những tác phẩm hay đó lại là của những tác giả mới trẻ. Có người cùng chạy với mình vẫn vui thích hơn là chạy thui thủi một mình. Tiền đã bất kiến cổ nhân, hậu lại bất kiến lai giả, cái cảnh quạnh hiu đó quả là đáng sợ.
- Đây chúng ta không nói đến chỉ một tác giả. Và nhận xét trên dựa trên những thế hệ tác giả đã xuất hiện sừng sững rồi. Quả như anh nói, người ta không nên bắt mạch văn nghệ để xem tương lai phấn chấn hay èo uột ra sao. Mượn lời - chứ không phải mượn ý - Văn Cao thì văn nghệ không phải là một con bệnh, lâu lâu lại phải đi khám, hay chủng ngừa những bệnh hay lây. Nhưng vẫn có những vấn đề văn nghệ đáng chú ý tới.
Thí dụ như đã có rất nhiều nổ lực để giải nghĩa một hiện tượng được loay hoay bàn thảo từ nhiều năm nay, là tại sao chúng ta không có tác phẩm lớn ghi lại sự khốc liệt của thời kỳ qua. Chưa nói đến tác phẩm lớn vội, nhiều người còn mày mò đi tìm lý do của sự hao kiệt, cùn mằn của một số tác giả có tên tuổi trước 1975. Một bài "Ta Về" của Tô Thùy Yên không đủ lớn sao? Biến cố 1975 có lẽ giúp chúng ta được một điều là chúng ta sớm có hoàn cảnh để thẩm định lại giá trị văn chương của nhiều tác giả. Có lẽ khỏi cần đi tìm nguyên nhân đâu cho xa xôi, một số tác giả chỉ có thể viết tới đó mà thôi. Bởi thế, kỳ vọng vào những tác giả này vô ích. Anh định nghĩa một tác phẩm quan trọng như thế nào?
- Tôi đồng ý phần lớn với cô. Quả biến cố 1975 đã đẩy ra nhanh chóng hơn cái khoảng cách thời gian thông thường cần thiết để nhận định giá trị thật sự của những tác phẩm văn chương. Mặt khác, sự đàn áp có hệ thống bằng cách cấm đoán và cố tình im lặng của một chế độ chính trị cũng góp phần rất lớn vào tiến trình khắc nghiệt đó. Lý do chính yếu rất dễ nhìn thấy là lịch sử và ngay kế sau là đời sống đã biến đổi toàn diện, triệt để, cho nên nghệ thuật cũng đã phải nhanh chóng biến đổi theo.
Sinh hoạt văn học nghệ thuật thời nào cũng có cái phần giả hình tạm bợ của nó. Và đương nhiên cái phần này dễ dàng tan tác thảm hại theo ngay cái thời đại đã cho nó mượn hồn. Người ta gọi một cách đơn giản đó là sự đãi lọc của thời gian. Lịch sử loài người mang một đặc tính, đặc tính gia tốc liên tục. Do đó, so qua với những thời đại trước đây, nghệ thuật càng ngày càng thay đổi nhanh chóng hơn.
Đành rằng không thể gạt bỏ yếu tố thời đại trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhưng cuối cùng rồi, văn học nghệ thuật chỉ trọn vẹn là vấn đề tài năng mà thôi. Một trường võ bị không đào tạo anh hùng. Cũng y như vậy, một thời đại không đào tạo thiên tài văn học nghệ thuật. Đó là những sự kiện hoàn toàn có tính cách cá nhân. Và có thể một cá nhân thích hợp với một thời đại, nhưng rồi lại chẳng còn thích hợp với thời đại kế tiếp. Cứ bóc đại một thí dụ nào cũng chắc đúng. Chẳng hạn thi tài lỗi lạc Xuân Diệu trước 1945, và cái ông làm thơ tồi Xuân Diệu sau 1945. Rất đáng tiếc cho Xuân Diệu đã chẳng có nổi cái bản lãnh cần thiết của Boris Pasternak, tác giả đã thành danh trước Cách Mạng Nga 1917.
- Còn thế nào là một tác phẩm quan trọng?
- Theo thiển ý của tôi, một tác phẩm quan trọng là một tác phẩm gây được chấn động lớn nơi tâm não người đọc khiến cho sau đó, người đọc, dù là đồng ý hoặc không, vẫn phải tự mình điều chỉnh, thay đổi bằng một cách nào đó chính nhận thức của mình về đời sống. Một tác phẩm quan trọng có ma lực ám ảnh lâu dài người đọc, khiến người đọc còn muốn trở lại như bị bứt rứt là mình chưa hiểu được nó thấu đáo. Một tác phẩm quan trọng bao giờ cũng còn khư khư chứa giấu một cách hấp dẫn những điều gì đó, không chịu thổ lộ hết một lần một. Tính u hiển là tính phải có của nghệ thuật vốn cả thẹn nên sẵn sàng dị ứng sinh tử với mọi phô bày phàm tục. Chắc chắn không phải là tác giả cố tình mập mờ huyền hoặc một cách giả tạo, mà chỉ vì nghệ thuật hoàn toàn không có khả năng nói rõ, nói trắng những điều gì đó thật khó nói. Do đó, thông thường một tác phẩm quan trọng có cái phản lực nội tại chối đẩy đối với lần xâm nhập đầu tiên của người đọc. André Gide kể lại là sau khi đọc chừng vài chục trang, ông đã tức ném cuốn LA CONDITION HUMAINE xuống Địa Trung Hải (2).
- Bài "Ta Về" được chuyển ra ngoại quốc khi anh còn ở Việt Nam. Thay vì tên tác giả là hai chữ Ẩn Danh. Bài thơ này gây xúc động sâu xa. Có bao giờ làm thơ, anh nghĩ đến phản ứng của độc giả, nhất là trong tình cảnh mà anh làm bài "Ta Về"?
- Có đôi khi, tôi cũng thử viễn kiến phản ứng của một vài độc giả mà tôi quen biết, đối với một bài thơ nào đó của tôi. Nhưng thường thì không, nhất là khi đang còn làm bài thơ đó. Bởi lẽ tôi làm thơ trước hết là vì tôi, cho tôi, đơn giản là như vậy. Sau khi làm xong, nếu không vứt vào sọt rác, để một thời gian có khi lâu vài năm, cảm thấy thích cho đăng thì liệu báo nào chịu đăng thì gửi đăng, vậy thôi. Chớ tôi chẳng bao giờ tự đặt trước cho mình một trách nhiệm, một sứ mạng văn học nghệ thuật nào cả.
Tôi rất sợ những nhận định, cương lĩnh, tuyên ngôn văn học nghệ thuật này nọ. Những thứ đó quả là quá to tát với tạng người của tôi. Tất nhiên, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những bài thơ đã cho đăng của tôi, một trách nhiệm, xét cho cùng, cũng chỉ là một trách nhiệm hữu hạn. Hơn nữa, như đã nói, tôi cũng không quan tâm mấy đến duyên phận của những bài thơ tôi. Dù rằng mỗi bài thơ, như mỗi cuộc đời, đều có số phận riêng biệt của nó, hoàn toàn ở ngoài tầm kiểm soát và sự lường đoán của chính tác giả.
Riêng bài "Ta Về", khi làm xong, tôi chỉ có chép ra một hai bản cho một hai người bạn của tôi, và trong hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ, dưới những bài viết chuyền cho nhau xem chơi, không ai đề tên tác giả cả. Và tự tôi đã chẳng hề gửi nó ra ngoài. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa biết nó đã lọt ra ngoài qua ai và bằng cách nào nữa.
- Khi nào thì anh cảm thấy "thích cho đăng"?
- Lúc tôi quyết định cho đăng những bài thơ đã làm chính là lúc tôi tưởng nghĩ đến những tâm hồn bạn đã quen hoặc không trong trời đất hẳn nhiên cũng có những trôi nổi ở trong lòng cần tìm thấy một chút ấm áp vỗ về của tình liên đới nhân sinh, với niềm hy vọng rằng thơ trở thành miền đất hứa của những tâm hồn thất lạc xót thương nhau.
- Bài thơ "Chiều Trên Phá Tam Giang", một trong những bài thơ điển hình nhất của anh, đã không thể đăng trên báo Văn năm 1972 vì qua lời nhà văn Mai Thảo nói lại với nhà thơ Viên Linh thì chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng sợ báo Văn bị lôi thôi với cơ quan kiểm duyệt và có thể bị đóng cửa. Lúc đó, Viên Linh, chủ nhiệm và chủ bút tạp chí Thời Tập, mới liên lạc với anh và do đó bài này đăng trên tờ Thời Tập. Hẳn nhiên, sự lo ngại của chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng là có căn cớ. Tình trạng chính trị lúc bấy giờ chắc chắn không dung thứ những câu:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc ...
Hay ghê gớm hơn nữa:
Ta thương ta yếu hèn,
Ta thương ngươi khờ khạo,
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng,
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,
Cùng mê sa một con đĩ thập thành ...
Thơ anh, trước năm 1975, có những điều có thể làm mích lòng bà nạ dòng kiểm duyệt. Sau năm 1975, con đĩ thập thành nhốt anh vào tù cũng vì thơ. Thế kiếp sau anh còn muốn làm thi sĩ nữa không? Đừng nói kiếp sau, tại sao anh vẫn làm thơ ở kiếp này?
- Có lẽ tôi là người làm thơ đã vô phước mắc phải nhiều lận đận điêu đứng với văn chương vô mệnh. Nói như trẻ con miền Nam: Thần khẩu hại xác phàm. Những lúc đó, tôi nghĩ đến Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Cao Bá Quát, ... để thấy mình còn được may mắn chán. Còn việc có tiếp tục làm thơ nữa hay không quả không thể là quyết định của mình, nhiều khi tôi cũng muốn bỏ quách việc văn chương đi và thực tế đã bỏ nhiều lần lắm rồi, có lần đến mấy năm trời, chớ chẳng phải là không, cũng như bỏ thuốc lá. Và như đã nói, tôi làm thơ là vì tôi, cho tôi, nên nếu thơ còn là nguồn hạnh phúc tối hậu của tôi, nếu tôi còn thấy cấn làm thơ thì làm, kiếp này đã vậy, chắc hẳn qua những kiếp sau cũng như vậy nữa mà thôi. Bởi tôi đã quan niệm ngay từ đầu rằng thi sĩ là một trạng thái sống, chớ chẳng phải là một danh phận xã hội gì cho cam, nên việc còn làm thơ nữa hay không chẳng phải là chuyện phải nói ra cho mọi người cùng biết với.
Tôi nhớ một bài thơ của Basho:
Con ve sầu
Liệu có còn ca hát chăng
Nếu như nó biết được thêm một thứ gì khác nữa? (3).
- Là người của nhóm Sáng Tạo, anh thấy cái không khí trong nhóm thế nào? Khi tờ Sáng Tạo đình bản lần đầu, anh có cộng tác với tờ Văn Nghệ. Không khí của tờ Văn Nghệ ra sao? Nói chung, sinh hoạt văn nghệ của anh như thế nào?
- Mặc dù gồm nhiều lứa tuổi chênh lệch nhau, nhiều nghề nghiệp khác biệt nhau, những người trong nhóm Sáng Tạo, người thân ít, người thân nhiều, nhưng đều là thân với nhau cả, không có ai là đầu đàn, ai là cuối đàn. Gọi là nhóm chớ thực tế, tất cả chúng tôi đều hoàn toàn biệt lập nhau, chúng tôi chỉ cùng chia sẻ với nhau một số quan điểm đơn giản về văn nghệ, thế thôi. Bài vở chọn đăng, gần như một mình Mai Thảo làm lấy, không hỏi ý kiến ai. Về thưởng ngoạn nghệ thuật, Mai Thảo tinh tế thính nhậy, hình như ảnh chưa từng nhìn sai, bỏ sót một tài năng mới nào. Hơn nữa, Mai Thảo rất xứng đáng trong vai trò chủ báo, ảnh hân hoan một cách thần khải mỗi khi có dịp phát hiện một bài viết hay, hoặc một tác giả hứa hẹn sẽ viết hay ở những bài viết sắp tới. Sau này, ở đâu, ảnh có làm xã trưởng văn nghệ thì cũng phải thôi. Nói chung, thời gian Sáng Tạo ngắn ngủi là thời gian văn nghệ hào hứng nhất trong đời tôi. Sau này, có thêm tuổi trải qua nhiều cảnh đời, tôi không còn tìm thấy một hào hứng nào tương tự. Một thời thế đã đi qua, một lứa tuổi của mình đã không còn nữa. Còn lại chăng chỉ là tình bạn một đời giữa những người trong nhóm.
Tôi đến với tờ Văn Nghệ vì chơi thân với chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, anh ruột của Quách Thoại. Lý Hoàng Phong là một người bạn rất tốt, tận tâm, dung dị và rất dễ gần gũi. Thể theo lới yêu cầu của Lý Hoàng Phong, tôi đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Tòa Soạn cho đến cuốn năm 1963 khi nhận được lệnh nhập ngũ Khóa 17 Thủ Đức. Tờ Văn Nghệ tiếp tục cũng cố tên tuổi cho nhiều cây bút trẻ mới. Ở đó, tôi thân với vài người bạn, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiệp Nhượng ... Nhìn chung, tất cả những cây bút cộng tác đều đã thể hiện những nỗ lực tuyệt vời, chỉ tạm kể vài cái tên: Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn ...Tuy nhiên, cái không khí văn nghệ chung của miền Nam lúc bấy giờ không còn được như trước nữa. Chiến tranh lan lớn. Các tác giả không còn mấy ai rảnh rang.
Nhìn lại, tôi tự thấy mình là một tác giả gần như không có cái gọi là sinh hoạt văn nghệ, hoặc giả nếu có thì cũng chỉ là năm thì mười họa, mon men loáng thoáng bên lề thế giới văn nghệ mà thôi, dù rằng tôi rất yêu thích, trân trọng những buổi họp mặt thân hữu trò chuyện thực sự thú vị và bổ ích.
Phải, tôi có rất ít bạn đáng gọi là bạn. Thì giờ rảnh, chắc chắn tôi thích, hoặc một mình hoặc với đôi ba người bạn, thả rong ra đồng, lên rừng xuống biển hơn là ngồi làm mẫu ở những quán cà phê, phòng trà. Hơn nữa, tôi cũng ngầm hãnh diện là chưa từng gia nhập bất kỳ một hội đoàn văn hóa văn nghệ, hay một đảng phái chính trị nào. Mặc dù, sau này, khi bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt tới bắt lui vì thơ phú chữ nghĩa, nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhiều hội đoàn ngoài nước, bất ngờ làm hội viên danh dự của một số Trung Tâm Văn Bút ngoại quốc, tôi vẫn chứ là hội viên thông thường của Văn Bút, chẳng hạn. Cũng như có rất nhiều tác giả nổi tiếng cùng thời, lớn tuổi hoặc trẻ tuổi hơn, mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa được hân hạnh làm quen hay biết mặt. Mấy năm nay, sang Mỹ, tôi ở Minnesota, đất này xa xôi lạnh lẽo, thưa người và tôi cũng ít giao du.
- Anh nói rất đúng: đã không phải cái tạng hay cái ý chí của mình thì không nên. Không phải ai cũng là một nhà thơ được như anh, nên không phải nhà văn nào cũng vừa cầm bút vừa là đảng viên mà tuy phân cách rõ ràng hai phần, phần nào cũng xuất sắc, cũng cống hiến được toàn vẹn như Nhượng Tống, như Nhất Linh ... Hay có cái hiếm hoi bội phần là cùng lý tưởng, tài văn cùng nghiêng ngửa để thành Tự Lực Văn Đoàn, hay Hàn Thuyên ... Cộng thêm sự may mắn nữa. Ở trường hợp Sáng Tạo mà anh đã nhắc, cái may mắn ấy không tới hai lần dù xã trưởng văn nghệ Mai Thảo vẫn có dịp làm chủ nhiệm, chủ bút, vẫn tiền hô hậu ủng như thường lệ. Còn Văn Bút thì như anh đã biết, sau 1975, nếu Văn Bút Quốc Tế không có Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù thì hẳn có nhiều anh em cũng chẳng muốn gia nhập làm gì để tốn tiền niên liễm mỗi năm!
Anh vốn không có tạng viết cương lĩnh, tuyên ngôn văn học, tham gia đảng phái. Thế bài thơ đầu tiên của anh, anh còn nhớ không? Viết ... cương lĩnh về tình yêu, thuần là một bài thơ tình hay mượn cớ thơ tình để nói về Như bào thai, Chân Lý lớn cư an ... ("Chim Bay Biển Bắc")?
- Tôi hoàn toàn không nhớ bài thơ đầu tiên tôi làm trong đời là bài thơ nào, và nó như thế nào, nhưng tôi chắc chắn đó không phải là một bài thơ tình. Nếu tôi thích làm một bài thơ tình thuần túy như cô nói, thì tôi sẽ làm thôi, chớ việc gì phải quanh co mượn cớ tình yêu để treo móc nhập nhằng những thứ chẳng phải là tình yêu. Nếu như chuyện đó có xảy ra, chẳng qua là vì trong tâm tưởng tôi, nhận thức về tình yêu không thể biệt lập với những nhận thức căn bản khác về đời sống. Thơ, nói chung, tự nó, là những trôi nổi ở trong lòng. Tôi làm thơ chỉ vì vậy, và về việc này, tôi chỉ có thể nói được đến như vậy thôi, chớ chẳng biết nói gì hơn.
Vả lại, tôi cũng có cảm tưởng là người làm thơ được là người không có trước cái tham vọng làm được thơ. Dường như hoạt động thơ không hề giống với những hoạt động khác của con người. Nói như thế, tôi cũng không hàm ý huyền hoặc hóa làm gì chuyện làm thơ, một chuyện tự nhiên thôi. Thơ, nói chung, tự nó, là một cái gì hốn nhiên trôi chảy, như gió như nước, không chấp nhận bị gò ép, đặt để. Tôi làm thơ chỉ vì những bứt rứt, thôi thúc ở trong lòng.
- Thơ anh khiến người ta phải đọc đi đọc lại. Không phải vì khó đọc hay khó hiểu mà vì ngấm từ từ như rượu. Độc giả Võ Phiến có nói: Tại hạ hữu bệnh, bệnh mết thơ Tô Thùy Yên. Ông cụ còn nói thêm: Đọc thơ Tô Thùy Yên, tâm gan bấn loạn. Phần anh, anh có đọc lại thơ anh không? Cảm tưởng của anh thế nào? Có còn muốn sửa chữa thay đổi gì nữa không?
- Được đọc đi đọc lại, quả là một cái may lớn cho thơ tôi. Bản thân tôi, tôi khinh miệt sự lộ liễu tỏ tường trong nghệ thuật. Trong thực chất, nghệ thuật vốn là một nỗ lực gần như vô vọng nói lên cái không thể nói được, cái có nói cũng không cùng. Hiểu nghệ thuật là một quyến rũ tìm kiếm phát hiện cũng đúng. Phần tôi, đối với thơ mình, sau này nhờ có in sẵn thành tập, tiện tay nên tôi có nhiều dịp đọc lại. Cảm tưởng lắm lúc cũng hay hay, có bài lâu lắm mới trở lại, thấy như là của ai đó khác chớ chẳng phải là của chính mình. Những lúc đó, không tránh khỏi ngậm ngùi.
Nghệ thuật bao giờ cũng có cái mùi của quá khứ. Không cần phải tinh mũi lắm cũng có thể dễ dàng ngửi thấy. Cũng do đó, khi đọc lại, sau một thời gian xa lìa như khoảng cách nhìn ngắm cần thiết giữa bức tranh và họa sĩ, thì thường đọc lại như một độc giả phê bình, không còn bị những quấn cuốn vướng víu của cái cảm hứng sáng tác nữa, nên thấy rõ hơn, do đó cứ muốn điều chỉnh, hiệu đính. Đỗ Phủ, Giả Đảo, Paul Valéry, Octavio Paz, ... cái danh sách những thi sĩ thôi xao (4), bôi bôi xóa xóa những bài thơ của mình chắc chắn phải là dài vô tận tuyệt.
Tục truyền, Vương Bột đắm thuyền chết đã lâu mà hồn vẫn chưa tan, đêm đêm còn tức tưởi đi lại ngoài bãi quạnh, cũng chỉ vì hai câu thơ đã lỡ khắc vào thiên cổ của mình:
Lạc hà dữ cô lộ tề phi.
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.
vẫn chưa được hoàn chỉnh. Dường như ông tiếc hối sao đã chẳng kịp bỏ đi hai chữ dữ và cộng khá thừa, hai câu thơ sẽ mãnh liệt hơn, ảo diệu hơn ...
- Anh còn có điều gì thôi thúc trong lòng muốn nói thêm?
- Thưa có. Thú thật, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy sợ mỗi khi bị gọi ra "làm việc". Nói lên, cứ lo là nói lôi thôi, trời biển, mang tiếng lập ngôn. Xin hết ạ.
- Cám ơn anh.
Chú thích (tạp chí Khởi Hành)
(1) THƠ TUYỂN, Tô Thùy Yên, tác giả xuất bản, 1995. Không phải 1996. Sách dầy 220 trang. Thật ra, tháng 11-1994, thơ Tô Thùy Yên đã được in thành tập tại Đức, nhan đề Tô Thùy Yên, TUYỂN TẬP THƠ, dầy 136 trang, nhà xuất bản lmn. Năm sau Tô Thùy Yên đã sửa chữa, và thêm một ít bài mới, in thành tập Thơ Tuyển.
(2) LA CONDITIONE HUMAINE, THÂN PHẬN CON NGƯỜI, tác phẩm của André Malraux. được trao giải Goncourt năm 1933. Một nhóm cộng sản ở Thượng Hải, dưới quyền điều khiển của Kyo Gisors, và của Katow, sửa soạn cuộc nổi dậy chống lại Tưởng Giới Thạch.
(3) Matsuo Basho (1644 - 1694), thi sĩ Nhật, sinh tại Ueno, Iga, nổi tiếng với những bài haiku 17 chữ. Ảnh hưởng Thiền tông, ông du hành không ngừng và hoàn thành kiệt tác THE NARROW ROAD TO THE DEEP NORTH năm 1689.
(4) Thôi, Xao nghĩa đen là đẩy, gõ. Nhà thơ GIẢ ĐẢO đời Đường, vừa cuốc bộ, vừa làm thơ. có một câu phân vân mãi không biết là nên dùng chữ thôi (đẩy) hay chữ xao (gõ), nên có quan lớn ngồi xe đi qua mà không biết để kính chào. Ông quan này cũng là thi sĩ, tên Hàn Dũ, bèn mời lên cho qúa giang, và hỏi đang lẩm nhẩm cái gì. Giả Đảo bèn đọc hai câu thơ:
Điểu túc trì biên thụ,
Tăng xao nguyệt hạ môn,
nghĩa là: Chim ngủ trên cây cao, Sư gõ cửa dưới trăng, nhưng không biết nên dùng chữ gõ (xao) hay đổi là chữ đẩy (thôi). Hàn Dũ khuyên nên dùng chữ xao. Từ đó Thôi Xao trở thành điển cố, nói về sự chọn chữ khi làm thơ của mấy chàng thi sĩ.