5-09-2012 | VĂN HỌC

Đãng Tử

  NGUYỄN HƯNG QUỐC


    Nhà thơ Tô Thùy Yên

Đãng Tử không phải là bài thơ hay nhất của Tô Thùy Yên. Tôi thích hơn, ở Tô Thùy Yên, bài Qua sông, bài Trường Sa hành và đặc biệt, chùm thơ Quỷ xướng thi bao gồm ba bài thất ngôn: Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai. Tuy nhiên, Đãng tử là bài thơ có vị trí cực kỳ quan trọng: nó là cửa ngõ, từ đó, dẫn vào tư tưởng, vào tâm hồn, vào cõi thơ bát ngát của Tô Thùy Yên. Không thể hiểu rõ Tô Thùy Yên, nếu trước hết, không đọc kỹ bài thơ này.


Bài thơ bắt đầu như một cách gợi chuyện:


Bạn có nghe, này bạn có nghe

Ở bìa rừng bên gió sửa soạn

Tuần du - cuộc tuần du bất tận

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Giũa tầng trời cao chim giục giã

Từng giàn như những thủy triều sôi

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao

Về nơi hẹn nào không hẹn trước.


Đoạn thơ nói về gió, về chim, về mây. Gió tuần du. Chim giục giã. Mây xôn xao. Nhưng chủ tâm của Tô Thùy Yên không phải là tả ảnh. Nhà thơ chỉ muốn nêu lên một số những hiện tượng trong tự nhiên. Và muốn nêu lên thật nhanh để đi vào vấn đề chính mình muốn gửi gắm. Nhanh quá thành hối hả. Mỗi khổ thơ bị rút ngắn lại ba câu thay vì là bốn câu như thường lệ. Và nhịp thơ nữa, để ý mà xem, cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt, âm vang câu trước chưa dứt, âm vang câu sau đã tràn lên, nối tiếp, "như những thủy triều sôi".


Những hiện tượng tự nhiên ở trên dẫn đến nhận định này:


Bạn có nghe, này bạn có nghe Vũ trụ miên man chuyển động đều Chim đã bay quanh từ vạn cổ Gió thật xưa, mây thật già nua Nên vời một đời bao biến đổi Mà trong vô hạn có chi đâu.


Hơi thơ đang dồn dập ở trên, đến đây, bỗng dưng lắng xuống, trầm lại. Thành lặng lẽ suy tưởng. Thành ngậm ngùi bâng khuâng. Ý, không mới. Từ xưa, đã lâu lắm,t nhất từ Trần Tử Ngang, đời Đường, biết bao người đã bàng hoàng trước cái mênh mông không cùng không tận của trời đất. Tô Thùy Yên chỉ khác, hơi khác ở thái độ: ông không hoảng hốt run sợ, đôi khi một cách rất giả vờ, như hầu hết các nhà thơ trước. Ông chỉ ưu tư khắc khoải.


Đoạn thơ kế tiếp vừa để chuyển mạch vừa để tô đậm thêm cái ý trên:


Ly rượu rót mời xin uống cạn

Bài ca ta hát đến đâu rồi.

Xin hát nốt - Còn đi kẻo muộn

Cho úp ly - Bóng xế đường dài.


Thật mâu thuẫn. Đã biết "Nên với một đời bao biến đổi. Mà trong vô hạn có chi đâu", thế nhưng, nhà thơ - mà không phải chỉ nhà thơ - tất cả đều vội vàng, đều thấp thỏm lo muộn màng, đều nôn nao trước cảnh đường dài bóng xế.

Nhưng đi đâu?


Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn

Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê

Đến ngã ba, đành theo một lối

Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.


Hai câu trên được gợi hứng từ câu ca dao quen thuộc ở miền Nam:

Bìm bịp kêu nước lớn, anh ơi

Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.


Tô Thùy Yên không phải là người thương hồ. Ông không đi trên sông nước. Nước lớn và chèo chống mỏi mê chỉ là một cách nói. Vấn đề Tô Thùy Yên nêu ra liên quan đến vấn đề lịch sử. Điệp điệp trùng trùng trong lịch sử hiện đại là những ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã bảy. Không còn nữa, những quốc lộ, những đại lộ thênh thang dẫn về một hướng. Chỉ có những ngõ ngách rối rắm, chằng chịt, những con đường đi quanh quẩn và bế tắc.


Lịch sử đất nước chưa bao giờ phức tạp và bị phân hóa đến thế. Phức tạp và phân hóa ngay trong tư tưởng của mỗi người. Ngày xưa, nhớ lại coi, tất cả đều đơn giản biết mấy. Lúc nào, ở đâu cũng chỉ có một lý tưởng chói sáng. Từ "người khách chinh phu" trong thơ Thế Lữ đến "người khách giang hồ", trong thơ Lưu Trọng Lư đến những người "khách độc hành" trong thơ Nguyễn Bính, thơ Trần Huyền Trân, tất cả đều là những kẻ dứt khoát, hoặc đi hẳn một con đường, hoặc ngồi lại hẳn một chỗ nhất định:


Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời

Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi.

(Nguyễn Bính)


Thời tiền chiến, các nhà thơ cùng lắm chỉ có chút "phân vân" kiểu "con cò trên ruộng cánh phân vân" của Xuân Diệu chứ chưa có những dằn vặt, những trăn trở đầy nhức nhối trước lịch sử. Nói cho đúng, họ chưa có ý niệm rõ ràng về lịch sử. Vấn đề lịch sử đặt ra lúc ấy khá đơn giản: họ tiếp tục cuộc sống cũ hoặc là phải vùng lên đánh đổ thực dân, giành lại độc lập cho tổ quốc.


Người đãng tử trong thơ Tô Thùy Yên, trái lại, không ngớt thao thức trước lịch sử, lòng nung nấu khát vọng hành động, nhưng trí lại chìm đắm trong mịt mù hoài nghi. Đi, ừ, thì đi. "Đến ngã ba đành theo một lối". Nhưng vừa đi vừa phân vân: "Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia".


Tô Thùy Yên biện mình cho thái độ lưỡng lự của mình:


Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm

Lược sử ta trong bí lục nào

Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn

Thiên thu lóe tắt vệt phù du.


Nhà thơ bịa. Chả có bí lục nào hết. Ông cũng không hề đọc trộm. Lịch sử ta sờ sờ ra đấy. Và ông đã nắm bắt được, từ lịch sử ấy, cái kết luận này: bao nhiêu dâu biển, bao nhiêu biến thiên, cuối cùng, chỉ là "thiên thu lóe tắt vệt phù du". Phù du. Lóe tắt. Thiên thu.


Thân phận con người, dưới ngòi bút Tô Thùy Yên, nhỏ nhoi đến tội nghiệp. So với cái vô hạn của trời đất, so với cái thiên thu của lịch sử, con người chỉ là một vệt đom đóm nhỏ nhoi, chập chờn, lóe tắt hư ảo.


Hẳn Tô Thùy Yên nhớ đến Lý Bạch:


Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt

Sở vương đài tạ không sơn khâu.

(Từ phú Khuất Nguyên mờ nhật nguyệt

Lâu đài qua Sở cỏ rêu xanh)


Nên ông nảy ra cái ý định giải quyết sự bế tắc bằng văn nghệ:


Thuận tay, ta ngắt một cành sậy

Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu

Bay tản khắp vô cùng trống trải

Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau.


Cây sậy có thể chỉ là cây sậy. Nhưng cây sậy cũng có thể là con người. Ý Pascal: "Con người chỉ là cây sậy biết suy tưởng". Thơ Vũ Hoàng Chương: "Thơ đâu?... Hãy thắp vào cây sậy. Ánh lửa mười phương Nhật-nguyệt-đăng". Biến cây sậy thành cây sáo là biến chính mình thành bài thơ để âm vang cái nỗi niềm "những điều trông thấy mà đau lớn lòng". Như Nguyễn Du.


Nhà thơ, như vậy, trước hết, là một kẻ bất lực. Bất lực trong cuộc đời. Trong bài Phương, Tô Thùy Yên viết: "Văn nghệ, tôn giáo của những anh hùng bất lực". Nhưng nhìn trong thăm thẳm thời gian, vượt qua lớp lớp những thời đại khác nhau, nhà thơ lại là người chiến thắng. Chiến thắng sự quên lãng. "Bất tri tam bách dư niên hậu". Thơ Nguyễn Du. "Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau". Thơ Tô Thùy Yên.


Riêng tôi, tôi tin lắm, là, thơ Tô Thuỳ Yên sẽ còn lại mãi. Mãi mãi.


*


ĐÃNG TỬ


Ngày kia trở lại Ngôi nhà Lớn,
Lòng những bằng lòng một kiếp chơi.

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Ở bìa rừng bên, gió sửa soạn

Tuần du – cuộc tuần du bất tận.

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Giữa tầng trời cao, chim giục giã

Từng giàn như những thủy triều sôi.

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao

Về nơi hẹn nào không định trước.

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Vũ trụ miên man chuyển động đều.

Chim đã bay quanh từ vạn cổ,

Gió thật xưa, mây thật già nua.

Nên với một đời, bao biến đổi

Mà trong vô hạn có chi đâu.


Ly rượu rót mời, xin uống cạn.

Bài ca ta hát đến đâu rồi?

Xin hát nốt – còn đi kẻo muộn

Cho úp ly – bóng xế đường dài…

Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn.

Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê?

Đến ngã ba, đành theo một lối,

Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.

Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm

Lược sử ta trong bí lục nào,

Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn,

Thiên thu loé tắt vệt phù du…

Thuận tay, ta ngắt một cành sậy

Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu

Bay tản khắp vô cùng trống trải,

Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau…


Nguyễn Hưng Quốc

Trich chương XV: Đọc thơ, trong sách "Nghĩ về Thơ",
Nxb Văn Nghệ, 1989