22--3-2018 | VĂN HỌC

Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền: Một Phía Khác

  PHAN THANH TÂM


    Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
     (1936 - 22.3.2006)


Là người đi tiên phong cổ xúy cho thơ tự do, siêu hình, lãng mạn, muốn đập vỡ hình hài, và phá bỏ những giấc mơ quen thuộc nhưng Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền lại là người rất bảo thủ, nghiêm túc, có cung cách của một nhà mô phạm, từ tốn, chừng mực, tiết tháo, không thích đám đông hay ồn ào, ít giao du, muốn có một đời sống bình thường.


Dù ông đã nói xin đừng ai gọi tôi là thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền vẫn được giới yêu thơ Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng. Theo nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc hai tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc (1955) và Liên-đêm-mặt trời tìm thấy (1964) đã trình bày con người và thơ của ông: "Kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, cô đơn, cô lữ, lãng mạn, tha thiết, dằn vặt, yêu thương, khô khan, bùng cháy, mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng, siêu hình, trong sáng, rắc rối, phức tạp, xót xa, phẫn nộ”.


Tin ông từ giã cuộc đời đến với bằng hữu một cách đột ngột. Ngay cả em ông Dzư văn Chất cũng chỉ hay tin ông mắc bạo bệnh ung thư phổi khi ông trong cơn hấp hối. Trước đó , mọi lời đồn đoán về sức khỏe của ông đều bị phủ nhận. Đây là một Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc. Ông đã ngủ cô đơn trên giường bệnh. Theo lời người trong gia đình, nhà thơ cho rằng nếu không có niềm vui thông báo thì thôi, không nên đưa ra tin dữ và sống hay chết vẫn chẳng có gì khác lạ.


Khoảng 50 người thân thuộc trong gia đình và bạn bè quen biết trưa thứ bảy 24/3/06 đã tiễn đưa ông ra nằm mãi mãi ngoài nghĩa địa, ngủ giấc dài rất thơ ngây ở Roseville; ông hết còn Chiều chiều lững thững lên bãi tha ma, như những năm đầu mới qua Mỹ. Người Thi Sĩ bay vào miền đất lạ vừa lúc thời tiết bắt đầu vang vang trời vào Xuân, sau một mùa đông “tuyết đổ tơi bời trời đất sầu thảm” (1).


Ba người bạn cố tri thuở thiếu thời ở Hà nội, cùng dạy học các trường quanh Saigon trước 1975, hiện cùng định cư ở Minnesota đều nói rằng, tinh thần giáo chức ảnh hưởng rất mạnh nơi ông Dzư văn Tâm, tên thật của cố Thi Sĩ. Ông rất đàng hoàng. Y phục, tóc tai bao giờ cũng chững chạc, không hề thất hứa. Ông dạy việt văn và toán, nghiêm khắc và tận tâm. Học trò rất khâm phục; mê nghe ông giảng về Chinh Phụ Ngâm. Ông là cha đỡ đầu cho một người con của Giáo sư thuộc nhóm Sáng Tạo Nguyễn Sỹ Tế.


Thi sĩ có gốc tu


Nghề gõ đầu trẻ đã vận vào ông từ khi còn dưới đôi mươi. Thi tú tài toán ông phải làm đơn xin miễn tuổi. Khi dạy ở truờng Minh Tân ở Hà Đông một vị Linh Mục thấy thầy giáo toán trẻ có “gốc tu”. Em ông, ông Dzư văn Chất cho biết nhờ nhận xét này, anh ông, Thanh Tâm Tuyền như lạc vào rừng hoa, cho dạy lớp nữ sinh Nguyễn bá Tòng ở Saigon, trái với nội qui là chỉ các thầy có gia đình mới được phụ trách. Động viên thành Sĩ Quan, Thanh Tâm Tuyền về dạy ở trường Đại Học Võ Bị Đà Lạt.


Sang Mỹ ông theo học điện toán tại trường St Paul Technical College. Sau đó Thanh Tâm Tuyền được trường thu nhận phụ trách giúp sinh viên tìm lỗi các phương trình viết bằng Cobol; ông có biệt hiệu là “Tâm Cobol”.


Ít ai biết ông có một người con trai bị mất tích trên đường đi tìm tự do sau 1975. Ông rất mực thước, kín đáo và đôn hậu. Trong buổi tưởng nhớ cố thi sĩ (1936-2006) tại nhà quàn ở Roseville chiều ngày 24/3/06, Ông Vũ Quang, cho hay trong gần 10 năm cùng phục vụ chung với ông tại Cục Tâm Lý Chiến và trường Cao Đẳng Quốc Phòng ông nhận thấy cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền âm thầm chu toàn mọi trách vụ, đã đóng góp to lớn cho nhật báo Tiền Tuyến và Nguyệt San Quốc Phòng. Ông là một quân nhân gương mẫu. Ông có bốn người con trai và một người con gái.


Một người bạn của cố thi sĩ có quen cô Tuyền nói rằng cô Tuyền không phải là người yêu của Thanh Tâm Tuyền. Cô ta “nhỏ hơn anh Tâm bốn tuổi, ở Hà Nội nhà gần với nhau; có vào Nam rồi dọn đi đâu không ai biết”. Biệt hiệu là Thanh Tâm Tuyền là để cho khỏi trùng với biệt hiệu Thanh Tâm của một người khác. Còn tên Liên cũng là tên một cô gái láng giềng hồi nhỏ. Ông Dzư văn Chất cho biêt cô bé này ở trong Nam.


Nhà nghèo, thân sinh mất sớm khi ông bốn tuổi. Về cái lưng hơi cong, ông cho biết "sự thật là hồi nhỏ, ở Hà Nội, phải đi gánh từng gánh nước ở phông-ten về nhà dùng, nên làm sao cái lưng nó chả gù gù” (2). Tôi chỉ quen ông trong một buổi trình diễn dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Minnesota lúc ông về đây định cư. Tôi nhớ, ông thường nói với tôi “Tôi cũng tên Tâm có một người em cùng cỡ cậu”. Có lẽ vì khi nói chuyện với ông là cứ gọi “anh Thanh Tâm Tuyền” chăng?. Bà cụ thân sinh đã hơn 90 hiện sống ở Việt Nam với cháu nội con của người em duy nhất Dzư văn Chất người mà tôi mới biết hôm dự đám tang “anh Dzư văn Tâm”.


Từ ngày sang Mỹ, Thanh Tâm Tuyền theo diện HO, không có liên hệ với các sinh hoạt cộng đồng, Ông chỉ lặng lẽ theo dõi, quan sát. Có một lần một người quen với người viết bài này làm ở đài BBC muốn liên lạc với ông nhưng ông tránh né. Tuy nhiên, theo tôi, điều này không có nghĩa là ông muốn ẩn dật, giã từ viết lách. Luật sư Trần Thanh Hiệp, hoạt động với ông thời sinh viên 1954-1955 và báo Sáng Tạo 1956-1960, nhận xét đúng khi cho rằng ông đã đứng sang bên lề cuộc sống trong môi trường hải ngoại để đổi mới ảnh tượng. Trong ông suối nguồn ảnh tượng đang đợi dịp tuôn trào.


Thơ tù


Trong một dịp đi uống cá phê vời thi sĩ hồi ông còn đi học lại về điện toán, trong câu chuyện ông có đề cập đền việc muốn ra một tạp chí bất định kỳ; phát hành giới hạn, chỉ gưỉ đến cho những độc giả chọn lọc mua trước. Phải chăng lúc nào ông cũng ấp ủ “có một tờ báo của mình để viết cho sướng tay”? Tập Thơ “Ở Đâu Xa” in năm 1992 ở Cali, gồm những bài thơ đã xuất hiện trước đó ở hải ngoại với bút hiệu Trần Kha. Nhạc sĩ Cung Tiến có phổ nhạc một số. Không nghe nói có buổi ra mắt tập thơ. Hỏi ông, ông nói “tôi không làm chuyện đó”. Những vần thơ này đã phải trải qua hai lần vượt: vượt tù và vượt biên.

"Trăng lạnh soi mái ngoài

Lênh đênh đêm chẳng thấy

Gió hú rợn núi đồi

Ðêm sâu kín khắc khoải"

 

(Trăng Tù)


Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng

Về trong xây xẩm buổi tàn đông

Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa

Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm

 

(chiều cuối năm qua xóm nghèo)


Đêm rét nằm co quắp

Thân xương xẩu trơ khấc

Bụng đói ruột ục sôi

Đếm nhịp thở lay lắt

 

(đêm đông ở k2 tân lập)

Nhà văn Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm trong Văn Học số 193 kể lại rằng,

“Một ngày trước khi tha, tôi và Thanh Tâm Tuyền cùng một người bạn trẻ rất khí khái, vốn là học trò của chúng tôi, có bữa ăn đạm bạc chia tay. Thanh Tâm Tuyền lại giao thêm cho tôi một trách vụ hiểm nghèo khác là đem ra những bài thơ của anh sáng tác trong thời gian ở tù, viết trên những dung giấy nhỏ. Đem lén cả hàng chục lá thư gửi về gia đình lại thêm thơ lậu của Thanh Tâm Tuyền, qua mặt cán bộ ra khỏi trại là một điệp vụ căng thẳng. Có kẻ lén báo cáo cán bộ nhân lực, tức an ninh trại, chận xét tại cổng nhưng tôi đã chuyển giao cho anh bạn trẻ Phan Cảnh Phùng trước đó không lâu. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc”...

Hiếm người nói về văn thơ mình như ông; qua "Nỗi buồn trong thơ hôm nay" ông viết, "mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc”. Vì sao vậy? Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng vì thơ của cố Thi Sĩ: "gắn liền với ý thức, chứa đầy dằn vặt, như những tiếng thét, kéo người ta ra khỏi giấc mơ để đối diện với những đổ vỡ, những hỏa hoạn, những thiên tai ngay chính trong tâm hồn của mình”.


những vần thơ tình


Theo nhà văn Thụy Khuê, Thanh Tâm Tuyền

"là một trong những nhà thơ giàu hình ảnh nhất Việt Nam; văn thơ ông là sự đãi lọc, khai phá chữ nghĩa; không gieo lối đồng âm, đồng thanh mà là nhịp điệu của ý thức; dùng những từ lạ và mới hơn. Ông là một tác giả phức tạp, tương phản. Một đặc trưng hiếm hoi trong văn học Việt Nam từ trước đến giờ. Báo điện tử Tiền Vệ nhận định rằng cố Thi Sĩ là một trong vài nhà thơ lớn nhất và có ảnh hưởng nhất không những ở miền Nam từ 1954 đến 1975 mà còn của cả nước thời kỳ hậu Geneva nói chung"

Hồi ở Saigon năm 1972, Báo Văn số 199 trong bài “Thơ Mừng Năm Tuổi”, ông đã tự họa về một người sinh ở Nghệ An (Vinh) năm con chuột:

"Được chê bai, được khen ngợi,

được công kích, được tán dương,

được choàng hoa, được lăng mạ. Ồn ào.

Được gọi nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tuỳ tiện.

Tiền phong, độc lập với người này. Phản động, tay sai với kẻ nọ. múa gậy vườn hoang với đám kia (Cũng vui.)

Không thẻ hội viên văn nghệ. Không chân đoàn thể hay đảng phái. Không thế lực Nhà Thờ (La Mã hoặc Tin Lành) hay Chùa Chiền (Ấn Quang hoặc Quốc Tự).

Không thiết Tả, Hữu, Trung, Siêu. Mòng mòng. Hoan hỉ mòng mòng. Nghiêm túc mòng mòng.

Chưa một ngày rời chân khỏi nước. Mê nhớ Paris, mọi thủ phủ, mọi thành phố, chốn đám đông tụ tập chen chúc và hiu quạnh — chưa quen như đã thông tỏ.

Phiêu lưu xó nhà xó bếp, tửu quán trà đình, phường phố ngao du.

Ngớ ngẩn dăm ba mối tình còm. Tuyệt vọng."

Nhà phê bình Đặng Tiến sau khi ông qua đời đã viết: "Trong truyện Bếp lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi: Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng. Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi”.


Và mấy ai trong chúng ta không mềm lòng khi đọc thơ tình yêu của Thanh Tâm Tuyền:

"ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể

mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em"

hay:

"Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát

sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương"

hoặc:

"Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới..."

Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền quả thật là một người độc đáo vì chẳng những thơ ông đã “vượt khỏi hoàn cảnh và là vòng tay bát ngát ôm được những nỗi đau của nhân thế, ở mọi nơi, mọi thời" (3) mà còn là vì ông có một nhân cách rất đáng kính nể.


Saint Paul, Minesota

04/01/06

Phan Thanh Tâm

Nguồn: gio-o.com

* những chữ xiên trích trong văn thơ Thanh Tâm Tuyền; (1) Võ Phiến;

(2) Nguyễn Đạt; (3) Quỳnh Giao.