23-03-2015 | VĂN HỌC

Tháng ba Thanh Tâm Tuyền Rũ Bỏ Ký Ức Không Thể Khác

  NGÔ THẾ VINH
Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về (1982)
Rũ bỏ ký ức – ký ức người
Vài khúc dạo tặng tri âm (1988)
Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi.
Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy?
Để có thể viết trở lại (1993)

*

Thanh Tâm Tuyền sinh tháng 3 [13/03/1936] cũng mất tháng 3 [22/03/2006]

Bài viết ngắn tháng 3 [22/03/2015] này để tưởng nhớ 9 năm ngày mất Thanh Tâm Tuyền.



Chân dung Thanh Tâm Tuyền
1993 by Đinh Cường

Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh, Nghệ An. Mồ côi cha rất sớm. Đi dạy học từ 16 tuổi, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên, TTT sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp; cùng chủ trương tập san Lửa Việt. Di cư vào Nam 1954, TTT viết cho tuần báo Dân Chủ, Người Việt và là một trong những cây viết chủ lực tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam khoảng từ 1956-1975 và cả những năm về sau này.TTT bị động viên từ 1962, cấp bực cuối cùng đại úy. Sau 1975 bị đi tù 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. TTT ra tù 1982, ít ai biết mấy năm sau đó TTT đã mất đứa con trai lớn trên đường vượt biển; từ 1986 cho đến khi TTT mất, anh đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990, sống trong ẩn dật. TTT mất ngày 22 tháng 03 năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70. Đã xuất bản:- Thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm, Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). - Truyện: Bếp Lửa (1957); Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967), Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970). - Một số tác phẩm chưa xuất bản trong đó có tiểu thuyết Ung Thư, đã đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn, một tác phẩm quan trọng sau Bếp Lửa được TTT nhắc tới trong bài phỏng vấn 1993. (4)



   Nhà thơThanh Tâm Tuyền
   Ký hoạ của Duy Thanh 1956

Nguyễn Xuân Hoàng trong số báo Văn đặc biệt về TTT, đã viết: "Thanh Tâm Tuyền như ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam." (2) Đặng Tiến khi viết bài tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền đã bày tỏ ít nhiều tiếc rẻ là "lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế." Cũng vẫn Đặng Tiến viết tiếp: "bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết". (3)


Thanh Tâm Tuyền nơi xứ tuyết


Ngoài những năm tháng tù đầy của TTT, trước và sau 1975, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp TTT. Sang Mỹ, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng TTT rất ít di chuyển và đi xa. Liên lạc với anh thường bằng thư, có lần qua điện thoại, đôi khi TTT gửi cho tôi cuốn sách mà anh đã đọc và thấy tâm đắc. Cũng để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống nơi xứ tuyết của TTT — như một nhà văn lưu đầy/ writer in exile từ một đất nước Việt Nam mà "tâm thái" anh thì không bao giờ muốn xa rời, sau đây là trích đoạn đôi ba bức thư trao đổi với Thanh Tâm Tuyền, như để chia xẻ với bạn đọc một chút riêng tư. (6)

St Paul 31-12-92

Anh Ngô Thế Vinh thân,


Ở đây trận bão lạnh từ bên ấy đang lùa sang, nhiệt độ xuống thấp hơn hai năm trước nhiều, âm độ F là sự thường, gió lạnh thổi có hôm xuống tới 40 – 50 độ âm, phố xá ướt át trắng xoá. Trước kia tôi cũng tưởng mùa đông chim chóc trốn tuyết hết, nhưng đã ở đây qua ba mùa đông, tôi ngạc nhiên thấy mình lầm. Chim chóc vẫn ở lại: quạ, bồ câu, chim sẻ… Bồ câu, chim sẻ đợi lúc có nắng tìm mồi quanh quẩn tại các công viên. Có lẽ chúng ở lại được với mùa đông nhờ trú ẩn trên những nóc mái của các nhà đều có hơi sưởi. Riêng có một loại cây ở đây không biết tên là gì, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Anh hãy tưởng tượng cả một lũng rừng khô úa trơ trơ giữa tuyết trắng. Tôi đã hỏi nhiều người và tra cứu nhưng vẫn chứa biết tên loại cây ấy. Khi lá của cây này rụng ấy là lúc mùa Xuân đã tới…

Nhận được thư anh năm đó 1992 và cho cả tới bây giờ, tôi vẫn cứ mãi bị ám ảnh mãi về một loại cây không biết tên, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Cũng là hình ảnh một TTT héo chết, nhưng tâm thái của anh thì vẫn bám chặt với một quê hương Việt Nam mà TTT không muốn xa rời.

St Paul 12-14-93

Anh Ngô Thế Vinh thân,


Gửi anh bài dịch của anh Phan Lạc Phúc đăng ở Úc để đọc. Tờ tạp chí Impressions du Sud đăng bài gốc tôi chưa nhận được. Khi có tôi cũng sẽ copy đầy đủ gửi anh xem… Anh cho gửi lời thăm và chúc lành của tôi cho hai người bạn thơ tôi. Nhân dịp đầu năm…

Ký giả Lô-Răng Phan Lạc Phúc, nguyên chủ bút báo Tiền Tuyến, là bạn văn trước 75 và cả bạn tù đầy lâu năm của TTT nơi các trại giam ngoài Bắc. Phan Lạc Phúc định cư ở Sydney, Úc châu từ 1991. Tác giả hai cuốn sách Bạn Bè Gần Xa (2000) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2002) như một hồi ức về những thảm cảnh mà bản thân Phan Lạc Phúc và các bạn văn của anh đã trải qua. Với bút hiệu Huy Quân, Phan Lạc Phúc đã dịch "Thanh Tâm Tuyền, Thơ trong chiến tranh và trong trại cải tạo", có xen thêm ý kiến của người dịch [ghi chú của người viết]

St Paul 11-12-94


Anh Ngô Thế Vinh thân,

Cám ơn anh về quyển sách anh gửi tặng "để đọc trên xa lộ". Có lẽ phải chạy "xa lộ xuyên bang" mới thấy cái hữu dụng của loại sách này… Tôi tính sáng nay thứ bảy, sẽ chạy xe ra bờ hồ gần nhà và mở nghe…


Gửi tặng lại anh quyển tiểu thuyết đầu tay của Heny Roth: Call It Sleep. Lâu lắm, có đến mấy chục năm là ít, mới có cuốn tiểu thuyết bắt tôi phải đọc một "hơi", nói là một "hơi" vậy, chứ cũng phải mất cả tuần lễ, vào những sáng sớm khi thức khoảng 3,4 giờ và những chiều tối… Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có đọc trong Express hoặc Nouvel Observateur nói về Henry Roth và quyển sách của ông được tái bản sau 30 năm không được chú ý. Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ ông đang sống bằng nghề "lái vịt" và đối với tôi ông là nhà văn bẻ bút đi chăn vịt. Bấy giờ là đầu những năm 60, Salinger đã bỏ đi đâu biệt tích… Chỉ mong anh đọc và thấy thú vị.

Tiểu thuyết "Call It Sleep" của Henry Roth xuất bản 1934, viết về kinh nghiệm một bé trai lớn lên trong một ghetto cộng đồng di dân Do Thái vào đầu thế kỷ 20 ở New York. Cuốn sách ế ẩm phải 30 năm sau mới bán hết. Nhưng khi sách tái bản 1964, đã trở thành một best seller với hơn một triệu ấn bản, được tuần báo Times 2005 sắp hạng là trong số 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất kể từ 1923 [ghi chú của người viết].


Đây là một bức thư viết tay khá dài, phản ánh nỗi thao thức của TTT và ngưỡng tuổi cầm bút. Năm 1994, TTT mới 58 tuổi. Anh viết:


"Hồi trước khi biết phải ngoài 50 tuổi Stendhal mới viết nổi Le Rouge et Le Noir, tôi phục quá. Bây giờ thấy Henry Roth ngoài 70 mới viết trở lại, càng phục hơn, tuy nhiên cứ khoa học mà nói 50 tuổi thời Stendhal thì cũng bằng 70 tuổi thời này, anh có nghĩ vậy không?" Rồi TTT say sưa kể về cuốn sách mới của Roth: "Trong quyển sách mới, xen giữa những đoạn kể là những mẩu ‘độc thoại tự kiểm’ của nhân vật — người kể, dưới hình thức ‘cuộc đối thoại một chiều’ giữa người viết và cái ‘computer’… Vẫn bị ám ảnh bởi Call It Sleep hơn là chính tác phẩm mới — có lẽ bởi đề tài không khác."



    Thủ bút Thanh Tâm Tuyền

Sang Mỹ, TTT vẫn đọc thật nhiều và tích luỹ, anh cũng tiếp tục "lao động vinh quang" nhưng là trong tự do và tự nguyện, anh đi học và đi làm trở lại. TTT viết tiếp: "Cuối tháng này tôi sẽ bỏ chỗ làm xa về làm việc tại cái trường dậy nghề ở gần nhà, đỡ lo lái xe trong mùa đông và không khí trường ốc cũng hợp với tôi hơn. Nói để anh mừng cho tôi."

St Paul 7-18-95

Anh Ngô Thế Vinh thân,


Lâu lắm không được tin anh. Gửi anh toàn bài trả lời phỏng vấn năm 93… thân, tâm

Như vậy là cách đây cũng đã 20 năm [ngày 18 tháng 7, 1995], TTT gửi cho tôi toàn bài phỏng vấn anh bằng tiếng Pháp. Thanh Tâm Tuyền giỏi ngoại ngữ tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Rất sớm qua tiếng Pháp, anh đã tiếp cận rộng rãi với nền văn học thế giới nhưng có lẽ nguyên bản cuộc phỏng vấn này là bằng tiếng Việt do Lê Hữu Khoá, Université de Provence [Aix-en-Provence] thực hiện và dịch sang tiếng Pháp, sau đó bài được in trong tập La part d’exil: littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa; Publication de l’Université de Provence, 1995. (1)


Không có bản tiếng Việt gốc, qua Đinh Cường, tôi liên lạc được với tác giả bài phỏng vấn TTT, Lê Hữu Khoá nay đã chuyển sang dạy tại Université de Lille. Qua eMail 3/14/2015, anh Khoá cho biết anh đang đi công vụ đại học, không có mặt ở Âu Châu; bài phỏng vấn tiếng Việt của Thanh Tâm Tuyền nằm trong thư viện của anh tại Nice, rất tiếc là anh không có mặt tại Nice.


Trong khi chờ có được bản tiếng Việt gốc trọn vẹn của TTT, do vẫn muốn có một bài viết đúng vào ngày giỗ chín năm TTT, sau đây là trích đoạn bản lược dịch buổi nói chuyện trao đổi ấy – nhưng lại đi theo một đường vòng: từ bản gốc tiếng Việt của TTT dịch sang tiếng Pháp, nay dịch lại từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, tuy văn phong không phải của Thanh Tâm Tuyền nhưng hy vọng nội dung chuyển tải được những điều mà Thanh Tâm Tuyền thực sự muốn phát biểu, và có lẽ giúp người đọc hiểu tại sao và trong hoàn cảnh nào đã đưa tới sự chuyển đổi của TTT từ một nhà thơ tự do khai phá và cách tân của thập niên 1950-1960 nay cuối đời lại trở về với những thể thơ truyền thống. (1)

THƠ GIỮA CHIẾN TRANH VÀ TÙ ĐẦY


Trích phỏng vấn TTT của Lê Hữu Khóa


Thanh Tâm Tuyền một tên tuổi lớn trong văn học Việt Nam hiện đại, với hai đóng góp đặc sắc trong đời sống văn học kể từ sau 1945. Về thơ, Thanh Tâm Tuyền đã dứt bỏ với thể thơ truyền thống có vần điệu, và ông là đại diện cho phong trào thơ tự do. Hai tập thơ đầu tiên Tôi Không Còn Cô Độc và Liên, Đêm và Mặt Trời Tìm Thấy đã khai sinh ra một thế hệ “làm thơ / fait de la poésie” và “không còn làm những câu thơ theo vần/ ne fait plus de vers”.


Về văn xuôi, tác phẩm đầu tiên cuốn Bếp Lửa đã đánh dấu một đoạn tuyệt/ point de non-retour so với kỹ thuật kể chuyện cổ điển. Ở Thanh Tâm Tuyền, sự cô đọng của ngôn từ góp phần vào sự tăng tốc nhịp điệu / accélération des rythmes và chủ động trong xúc cảm thẩm mỹ/ maitrise du sens esthétique.


Là tác giả được biết tới nhưng lại ít được giới phê bình nghiên cứu một cách sâu rộng trong khoảng thời gian chiến tranh 1954-1975, và ngay cho tới bây giờ Thanh Tâm Tuyền là tác giả đáng ngại nhất / le plus redoutable cho giới phê bình văn học Việt Nam, do phong cách sáng tạo phức tạp/ démarche créative complexe và cả lý thuyết văn học tổng hợp/ théorie littéraire synthétique của ông. Tất cả trên một cái nền sáng tạo mới của nhạc tính thi ca/ musicalité poétique.


Thanh Tâm Tuyền trong số các nhà văn hiểu rõ sự tàn phá đất nước Việt Nam do chiến tranh, ông cũng nếm trải sự đàn áp của độc tài toàn trị hiện tại. Thanh Tâm Tuyền đã sống nhiều năm trong tù đầy, qua các trại cải tạo dưới sự áp bức của chế độ mới giữa khoảng từ 1975 tới 1990 [Thanh Tâm Tuyền ở tù 7 năm ra tù 1982; ghi chú của người viết].


Kinh nghiệm văn chương trong chiến tranh 1954 – 1975

Ngoại trừ thơ, tôi [Thanh Tâm Tuyền], đã có hai thời kỳ ghi dấu bởi hai tác phẩm văn xuôi. Cuốn thứ nhất là Bếp Lửa (1954) mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Tức thời đã gây phản ứng chỉ trích của mấy nhà văn cách mạng. Trong bài nhận định của tạp chí Văn Nghệ (Hà Nội), một cây bút phê bình đã chất vấn tôi: “Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tung toàn lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân vật trong Bếp Lửa đang ở đâu?” Tôi đã trả lời: “Hắn đi về hướng huỷ hoại của lịch sử”, mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.


Cuốn sách thứ hai, Ung Thư (1970) có thể coi như một tiếp nối của Bếp Lửa. Ung Thư là một hiện hữu mà chúng ta chấp nhận giữa định mệnh phù du và sự lạnh lùng của cái chết. Cuốn sách ấy chưa hề được xuất bản. [tiểu thuyết Ung Thư đăng từng kỳ trên báo Văn từ 1964, là một tác phẩm quan trọng thứ hai của TTT sau Bếp Lửa, ghi chú của người viết]


 

Tài liệu chuyên đề La Part D’Exil của Đại Học Provence [1995]

trong đó có bài phỏng vấn TTT của Lê Hữu Khoá (1)

Kinh nghiệm văn chương trong tù cải tạo 1975 – 1982


Đối mặt với cảnh rối loạn và tình trạng hỗn mang khoảng thời gian sau 1975, tôi nghĩ rằng tôi đã sống hết cuộc đời mình, thời gian còn lại là phần thặng dư, tôi không còn bận tâm nghĩ tới nữa. Mất ảo tưởng toàn diện/ désillusion totale. Năm 1975, chế độ mới bắt tôi vào trại tù cải tạo cùng các bạn "đồng hội đồng thuyền”, chúng tôi rời đồng bằng đi về các miền núi với bình tĩnh và vô cảm, không tuyệt vọng và cũng không hy vọng.


Tôi đã nghĩ tới “biến mất/ disparaitre” không hy vọng trở về, như thứ cặn bã bị cuốn đi bởi cơn lụt của lịch sử/ l’inondation de l’histoire. Nhưng tôi đã lầm. Họ đưa chúng tôi ra Bắc, tới những cánh rừng già cô lập với thế giới bên ngoài, bỏ mặc tôi với thiên nhiên, tự do với “mục tiêu đi đốn gỗ mỗi ngày”, tôi đã tập leo và trượt núi chờ cơ hội đào thoát. Nhưng rồi mỗi ngày tôi chỉ tìm thấy con đường trở về trại.


Tại sao tôi gọi đó là trở về ? Có phải “chẳng còn hy vọng”, hay là sự vỡ mộng của con người bị ruồng bỏ, của con người tuyệt vọng ? Vào lúc này, tôi thực sự sống trong hy vọng không hiện hữu/ l’inexistence, trong một vùng bất khả xâm nhập, một tình trạng không còn liên hệ/ non-relation. Điều ấy không rõ ràng với tôi. Rồi tôi được thuyết phục rằng tôi đã được hồi sinh/ ressuscité, có nghĩa là thi ca đã trở lại, tôi hạnh phúc sung sướng. Tôi cũng đã bẽn lẽn như hồi còn trẻ, với những bài thơ đầu tiên, tôi dấu các bạn trong trại, tôi không dám đưa ra.


Khi anh sống vô cảm ngày qua ngày, không nghĩ gì tới tương lai, không hoài niệm quá khứ, không ưu tư với hiện tại, anh còn lại gì ? Vẫn còn cái gì đã hiện hữu trong anh, và điều ấy vẫn hiện hữu cho dù anh muốn hay không.


Để qua đi những ngày ảm đạm, với mưa, với hè nóng cháy, với sương giá, với bão tố, với những mùa thay đổi, tôi tìm niềm vui trong những thứ ấy, trong tôi, thứ duy nhất mà tôi mang theo, luôn luôn ở trong tôi.


Trong tôi còn lại gì ? Gia đình, bạn hữu. Những bài thơ, đã đọc và nhập tâm/ intériorisés, dĩ nhiên. Một khoảnh khắc tới, ký ức chuyển vận mau chóng, đọc những bài thơ cho riêng tôi. Nơi ấy anh có thể gặp những ánh sáng kỳ lạ. Thời gian của những tàn lụi/ le temps des ruines tăng sức cho thi ca.


Đằm mình trong thời gian “phi lịch sử/ sans histoire” hay đúng hơn không lịch sử từ bên ngoài/ sans l’ histoire de l’extérieur, người ta khám phá ra rằng những ngày, những tháng trong cuộc sống không định hướng, không mục đích, trần trụi. Tuyệt đối trần trụi. Không hiện hữu của đời sống/ inexistence de la vie đem tới sự thanh thản nội tâm/ paix intérieure. Trạng thái thơ thanh bình này/ état poétique paisible ngự trị trên một vũ trụ tĩnh lặng.


Từ đó mỗi bài thơ là một thời gian đóng kín/ temps clos, tách rời khỏi vận động của cuộc sống. Thời gian của lo âu bỗng trở thành thời gian cô đọng/ temps condensé, không có sự khác biệt nào giữa [thời gian] ngưng đọng và trôi qua.


Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire. Chế độ làm việc trong trại là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có một vũ trụ riêng: một manh chiếu, năm sáu chục tù nhân trên dưới hai tầng giường, khoảng hơn trăm người trong một lán dưới một mái che. Viết là một xa xỉ: một chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp độ áp đặt trên đám tù nhân trong rét lạnh, đói… ai còn dám nghĩ tới sáng tạo ? Ngay cả một thiên tài, một năng lực siêu nhiên cũng không thể vượt qua được những “ức chế” như vậy.


Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức… Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.


Thơ thường kín đáo, đôi khi nó đi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ, bạn lắng nghe và chú ý. Thơ chuộng sự ẩn mặt/ se masquer, che dấu/ se voiler, do đó nếu trí nhớ bạn không tỉnh thức, bạn sẽ không thể nhận diện nó.


Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm… Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.


Nhưng thực tế làm thơ trong trại cải tạo, sự khó khăn vẫn có đó. Vì không thể nào viết sửa/ rédiger những bài thơ, như trạng thái hạn chế cuối cùng của sáng tạo: niềm vui cao giọng đọc thơ và chia xẻ với bằng hữu xung quanh. Thơ phải được đọc và nghe/ la poésie doit être lue et écoutée, đó là số phần cuối cùng của thơ. Số phận của tiếng nói nhưng cũng là số phận ký ức của nhiều người.


Sau khi được trả tự do, trên đường trở về, việc đầu tiên mà tôi đã làm là tự thu mình và viết xuống những bài thơ trong trí nhớ của suốt thời gian bị giam cầm. Tôi là người sống sót, nhưng tôi không còn muốn là một nhà văn, như tôi đã từng luôn luôn ao ước bấy lâu; Tôi đã ghi trong ký ức tù cải tạo : “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra/ comme si rien s’était passé, như không có gì biến đổi/ comme si rien n’était modifié.”


Và bây giờ tôi tự nhủ : “Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy ?” Để có thể viết trở lại/ pour re-écrire.


Hết phần trích dẫn Thanh Tâm Tuyền, La poésie entre la guerre et le camp Propos receuillis et traduit par Lê Hữu Khóa.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền 1956 – 1990


Phục Sinh [1956] là bài thơ tự do nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền trong thời kỳ đầu của Sáng Tạo:


   Mẫu bìa tập thơ Tôi không còn cô độc, Nxb Người Việt, Sài Gòn 1956

Phục sinh


tôi buồn khóc như buồn nôn ngoài phố nắng thủy tinh tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ thanh tâm tuyền buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường tôi xin một chỗ quỳ thầm kín cho đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ con chó đói không màu


tôi buồn chết như buồn ngủ dù tôi đang đứng bên bờ sông nước đen sâu thao thức tôi hét tên tôi cho nguôi giận thanh tâm tuyền đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi em bé quàng khăn đỏ ơi này một con chó sói thứ chó sói lang thang


tôi thèm giết tôi loài sát nhân muôn đời tôi gào tên tôi thảm thiết thanh tâm tuyền bóp cổ tôi chết gục để tôi được phục sinh từng chuỗi cuộc đời tiếp nối nhân loại không tha thứ tội giết người bọn đao phủ quỳ gối giờ phục sinh


tiếng kêu là kinh cầu những thế kỷ chờ đợi tôi thèm sống như thèm chết giữa hơi thở giao thoa ngực cháy lửa tôi gọi khẽ em hãy mở cửa trái tim tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ trong sạch như một lần sự thật.


TTT 1956


 

Mẫu bìa Thơ ở đâu xa, bìa trước Duy Thanh,

bìa sau Ngọc Dũng Trầm Phục Khắc xuất bản, Hoa Kỳ 1990.


Bài thơ 7 chữ Ngã Trên Núi Việt Hồng [1979], TTT làm trong tù 23 năm sau:

Ngã Trên Núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa


Tuột dốc té nhào trên hẻm núi Chết điếng toàn thân trong giây lâu Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu


Duỗi soải chân tay gối trên nứa Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau Tưởng chừng thi thể ai thối rữa Hồn viển vông chẳng chút oán sầu


Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít Làng xóm dưới núi ở phương nào? Gió lạnh tái tê bó liệm chặt Lả thiếp người quên bẵng sước đau


Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu Dò dẫm lối về đêm tối mịt Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?


Yên Báy, 1979

Năm 1986, đã ra khỏi những trại tù Việt Bắc, nhưng vẫn còn phải sống trong một nhà tù lớn Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền đã làm một bài thơ Khóc Muộn Tuyết Ngưu Vũ Khắc Khoan, [Vũ Khắc Khoan mất 12 tháng 9, 1986]

in memorium: Khóc Muộn Tuyết Ngưu Vũ Khắc Khoan


Cõi tối biếc, quãng đồng trắng xoá Rừng phong bát ngát tuyết mưa khoả Bông lạnh tả tơi rối đêm ngày Cầm chân Tuyết Ngưu đắp rét say


Trợn mắt dòm bão trận sinh tử Bủa muôn trùng ánh thép hoa bay Khốn kiếp cổ đại thời băng lũ Tuyệt bóng dị thú hoang địa bày


TTT 1986

Thanh Tâm Tuyền rất thân với Vũ Khắc Khoan, và hai người có điểm giống nhau ở cách viết rất khó khăn theo cái nghĩa cách viết cô đọng với chữ nghĩa sâu và hàm súc.


Tuyết điểu TTT và Giấc Mộng Lớn


Năm 1982, khi mới ra tù, không sao quên được hình ảnh một TTT tiều tuỵ, trông anh già đi, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt bảy năm tù đầy ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ. (5)


Cũng để thấy rằng, những năm sau 1975, TTT đã sống với "giờ thứ 25/ la vingt-cinquième heure" [tên tác phẩm của C.V. Gheorghiu] của đất nước; chất liệu ấy đủ cho TTT viết một Gulag Archipelago [tên tác phẩm của A.I.Solzhenitsyn] Việt Nam. Nhưng anh dứt khoát không có một chọn lựa như vậy. TTT muốn đoạn tuyệt, muốn xoá tất cả khoảng thời gian ấy ra khỏi ký ức. Năm 1982, sau ngày ra tù, ngay từ Sài Gòn, TTT viết:

Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về:


Hắn rũ bỏ ký ức, và đi Trong bóng tối ruỗng im quái gở Lúc dứt lặng trận chiến man rợ Hắn rũ bỏ ký ức, và đi Trong rừng sâu thẳm cây trút lá Ngọn gió mông muội thổi tràn trề Bấy giờ hồi trằn trọc lịch sử Lịm từng cơn ảm đạm ê chề Sớm hay khuya không biết đâu nữa Thời khắc tự huỷ hoại vắng tanh Giòng nước suối chảy không tiếng vang Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú Những cơn trốt quặn thắt huyền bí Xoay quanh sự thế vui trầm ngâm Hắn đưa chân theo bước khôn cầm Trên lối u mê mờ hoặc Mọi nỗi niềm đều giấu mặt Mọi sự thực đều lang thang Hắn đi như thế, không thể khác.


TTT 1982

Năm 1986, bốn năm sau ra tù, TTT trong một bài thơ khác, vẫn là một phủ nhận quyết liệt, một chối từ quá khứ với điệp khúc "rũ bỏ ký ức" ấy:

Vài khúc dạo tặng tri âm


Rũ bỏ ký ức – ký ức người

mông muội đắm mình

không thể khác


Ngậm tanh tiếng sơ sinh

khốn kiếp

lạnh bất trắc.


Nuốt chọng điếm nhục

Thế giới xa xăm vừa tận số

không trung vô hạn sóng điêu linh

Mây lửa ứa nghẹn thất thanh.


Và đi. Làm kẻ phản phúc

bị lăng mạ

đoạn tuyệt mọi thề thốt gắn bó


Đứt hết ràng buộc

Chốn ở nào đâu

Chốn đến không

Có thể nào khác


Biệt trí nhớ khuất ngoài tích sử.


2.

Trời một bãi đầm lầy man rợ

Đêm vẫn đêm cố cựu bao quanh

Tịch mịch trong ngoài

Câm nín mai một


Nghe như rừng thẳm cây trút lá

Mùa gió bạo ngược lộng tràn trề

Cắt chuỗi khoảnh khắc mạch vỡ lở

Cấn thai hàm hỗn mộng truỵ băng

Thổ huyết dữ bằn bằn đen đúa


3.

Si cette nuit est une nuit de destin

Bénédiction sur

elle jusqu’à l’apparition de l’autore

Chantent les chameliers tartares

dans la nuit du désert.


4.

Như chim chao liệng chưa hừng đông

trên hoang phế cuối đêm thảm hoạ

buột tiếng kêu vô vọng thinh không


Như con nước cuồng lưu mùa lũ

Trắng xoá bão giông mù mịt nguồn

Trôi giạt bến bờ đất khốn đoạ


TTT 1988

Khúc 3: đọc trong Le Temps du Mépris của A. Malraux


Năm 1993, cũng vẫn là một TTT nhất quán dứt khoát "rũ bỏ ký ức" khi đã trả lời cuộc phỏng vấn của Lê Hữu Khoá: “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi” (1)


Chọn lựa của Thanh Tâm Tuyền, "Rũ bỏ ký ức – ký ức người" khiến không thể không liên tưởng tới ECT/ Electroconvulsive Therapy, một phương pháp điều trị trong y khoa, đưa dòng điện qua sọ não, tạo một thay đổi hoá chất não bộ/ brain chemistry để xoá bỏ ký ức người bệnh trong một số trường hợp bệnh lý, thường là trầm cảm khi điều trị thuốc men không còn hiệu quả, đó là một quá trình đau đớn phải thực hiện trong gây mê. Rất biểu tượng, một TTT trầm cảm và khắc kỷ đã tự chọn cho mình một chặng đường xoá bỏ ký ức đau đớn đó và không có gây mê.


Những người bạn gần và hiểu TTT đều nghĩ rằng thái độ sống ẩn dật, từ chối những tiếp xúc và khép kín của anh có lý do của một TTT đang tự lột xác, lặng lẽ tích luỹ, TTT vẫn đọc rất nhiều và không ngừng đi tìm cái mới, với "giấc mộng lớn" để rồi khi tái xuất hiện là một TTT hoá thân, đó sẽ là một TTT khác, một TTT phục sinh để anh có thể viết trở lại/ re-écrire. Nhưng rồi, như một định mệnh, TTT đã không còn thời gian.


Hai mươi năm sau ngày mất Vũ Khắc Khoan [1986], tám năm sau ngày mất của Mai Thảo [1998], Thanh Tâm Tuyền Tôi Không Còn Cô Độc đã ra đi lúc 11 giờ 30 ngày 22 tháng 3 năm 2006 tại thành phố Saint Paul, Minnesota Hoa Kỳ. Minnesota cũng là nơi định cư từ 1975 của Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa. Khiêng linh cữu đưa Tuyết Điểu Thanh Tâm Tuyền tới huyệt mộ là những bằng hữu trong đó có Tô Thuỳ Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Cung Tiến.


"Mùa đông chiếc lá héo chết khô nay đã lìa cành, cũng là lúc mùa Xuân tới với Thanh Tâm Tuyền, nhưng là ở một thế giới khác."


Bài viết này như một tưởng niệm nhân ngày giỗ chín năm gửi tới anh TTT và gia đình. Rồi bỗng cũng không thể chạnh nghĩ, từ quan điểm y khoa, liệu có bao nhiêu phần liên hệ của bảy năm ròng rã hút thuốc lào chống rét chống đói trong tù của TTT và căn bệnh ung thư phổi như nguyên nhân cái chết của anh khi mới vừa bước vào tuổi 70.


California, 22-03-2015

Ngô Thế Vinh

Nguồn: damau.org

THAM KHẢO:


1/ 003708225: La part d’exil [Texte imprimé] : littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa ; préface de Geneviève Mouillaud-Fraisse ; posface de Trinh Van Thao / Aix-en-Provence : Publication de l’Université de Provence, 1995

2/ Nguyễn Xuân Hoàng; Văn bộ mới số đặc biệt Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền 1936-2006: số đôi 113&114 tháng Năm & Sáu, 2006. California

3/ Đặng Tiến: Thanh Tâm Tuyền

http://elib.quancoconline.com/ui/viewcontent.aspx?g=42728

4/ Giai phẩm Văn chủ đề Thanh Tâm Tuyền, tháng 10 năm 1973

Phụ bản đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo, Trần Hoài Thư tranhoaithu@yahoo.com

5/ Ngô Thế Vinh, Bốn Mươi Năm Dương Nghiễm Mậu và Tự Truyện Nguyễn Du

http://damau.org/archives/35745

6/ Jane Katz Phỏng vấn nhà văn Mai Thảo; Bản tiếng Việt của Tâm Bình

Artists in Exile, American Odyssey; Stein & Day Publishers, NY 1983

http://hopluu.net/p131a2396/mai-thao-jane-katz