Nếu kể những tạp chí văn học phát hành vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 -75 thì miền Nam có 4 tờ. Đó là Văn Học, Văn, Bách Khoa và Thời Tập. Văn Học số 203 phát hành ngày 26-3-75 mang chủ đề Lamartine thi sĩ lãng mạn nhất nước Pháp, Bách Khoa không mang chủ đề, nhưng nội dung chúng ta thấy, nhiều bài viết về Nguyễn Hiến Lê nhân dịp cuốn thứ 100 của ông ra đời của Đỗ Hồng Ngọc, Võ Phiến, Bách Khoa… BK cũng đăng bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn về những kinh nghiệm chạy loạn từ Huế vào Saigon của anh. Một truyện ngắn duy nhất trên BK là truyện Cơn Sốt của Tô Loan – một bút hiệu mới. Nội dung truyện dính dáng đến thời sự bấy giờ.
Đặt biệt BK có bài Sinh Hoạt – Ai còn ai mất của Thu Thủy viết về tình trạng báo chí xuất bản đầy ảm đạm vào cuối tháng 3, đầu tháng tư, cũng như về tin tức số phận của các văn thi hữu cọng tác với BK.
Với một tờ báo không chuyên về văn học nghệ thuật như Văn, Thời Tập, nhưng BK đã làm hai việc đầy ý nghĩa trước khi bị bức tử. Đó là 1/ vinh danh học giả Nguyễn Hiến Lê với tác phẩm thứ 100 và 2/ nói lên sự quan tâm lo lắng của BK với những người cọng tác qua bài phỏng vấn Hoàng Ngọc Tuấn và Sinh Hoạt – Ai còn ai mất của Thu Thủy.
Tạp chí Văn thì khác. Không thấy một giòng nói về hoàn cảnh của những người cọng tác như BK đã làm. Báo mang chủ đề: Văn học nghệ thuật VN ở hải ngoại. Báo phát hành ngày 26-3-75. Tiêu đề như là một dự báo dù nội dung không thấy một bài viết nào nói về cái điềm chẳng lành ấy. Vẫn dành nhiều trang để giới thiệu một triển vọng mới như Mai Thảo đã từng làm: Giới thiệu nhà thơ Tạ Hiền.
Trang Sinh Hoạt văn học nghệ thuật không hề nhắc nhở gì đến những biến động dồn dập xãy ra ở vùng một, vùng hai. Nếu có chăng là một số ý nghĩ rời rạc của Mai Thảo qua bài Nhật Ký của ông. Không tỏ vẽ gì lo lắng, trái lại dững dưng. Trong khi trên Bách Khoa, Thu Thủy (tức Võ Phiến) viết:
“Chiều tối Chủ nhật 16/3, đặc phái viên Nguyễn-Tú có điện thoại về Tòa soạn Chính Luận tường thuật tình hình Pleiku và kết luận rằng: “Hoàng hôn chụp xuống Pleiku”. Hai tuần sau thì hoàng hôn đã chụp xuống già nửa đất nước. Và nay thì bóng tối đã trùm lên bút mực. Đêm đen sẽ dài tới bao giờ” thì trên Văn, Mai Thảo ra phố mua sách trinh thám mang về đọc để giết thời giờ giới nghiêm như đoạn nhật ký sau:
20.3.75
Giới nghiêm nới rộng. Cõi đêm mát mẻ tràn đầy của Sài Gòn được trao cho yên lặng và đình chỉ giao thông thêm hai tiếng nữa. Đêm vẫn còn là nhiều so với thời giới nghiêm sau tết Mậu Thân. Hệ thống kẽm gai cấm đường ném chi chít trên những mặt nhựa Sài Gòn hồi đó từ 6 giờ chiều. Phố xá vắng ngắt lúc chưa tàn nắng. Những đêm sau Mậu Thân đi là những lên giường thật sớm, những thức giấc nửa đêm, những thao thức tới sáng. Ngủ sớm. Thôi cũng được.Cho khỏe người. Có thời giờ đọc. May ra viết được.
Vấn đề phải làm ngay: lên cái quán sách quen trước rạp Rex. Khuân về phòng một đống sách. Loại Mystère, L’Empreint, La Masque. Bầu bạn với giới nghiêm sớm bằng cái không khí nghẹt thở, toát mồ hôi lạnh của tiểu thuyết trinh thám.
Tờ báo thứ ba là tờ Thời Tập. Thời Tập là tờ báo đi sát với thời cuộc nhất. Trên bìa đăng hàng chữ lớn và đậm “văn chương trước tình thế mới. Tâm hồn và đất mước Tây Nguyên – Trung việt”. Nội dung gồm bài phỏng vấn 10 tác giả về “vai trò của người cầm bút trước tình thế đất nước”, bài nhận định của Viên Linh (Văn chương trước mỗi tình thế). Riêng bài nhận định “Một lời” của Dương Nghiễm Mậu là đầy hằn học nặng nề: “Này những tên bất lương, hãy vơ vét, hãy chạy đi cho mau tiếp tục sống làm đầy tớ cho những tên chủ…”.
Riêng phần chúng tôi,dù không dính líu gì đến các báo vừa kể, nhưng nỗi mất mát cũng không thể không có. Bởi ở đó, chúng tôi đã gởi những đứa con tinh thần. Bởi ở đó, chúng tôi có một mái nhà chung là mái nhà văn chương.
Hôm qua và bây giờ.