Anh Nguyễn Lệ Uyên (từ Sài Gòn) trên điện thoại đang trò chuyện với các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Tô Thẩm Huy, và Phan Xuân Sinh về ngày kỷ niệm tạp chí Thư Quán Bản Thảo 21 tuổi (11.9.2001- 11.9.2022) và mừng TQBT số 100 vừa phát hành.
8:00 sáng. Không nhớ trước hay sau cái ngày khủng khiếp 11.9, chuông điện thoại (hữu tuyến) reo to như tiếng kẻng hợp tác xã xổ dài; ném chiếc cuốc trên liếp đất, chạy vào nhấc máy. A-lô... Bạn khỏe không? Có nhận ra ai không? Chỉ trong vài giây ngắn, nhớ ngay giọng nói ấy cách mấy chục năm trước khi bạn về TH ghé thăm. Tôi la lên: Trời ơi anh Nh. Anh ở đâu vậy? Sao lại biết số tôi mà gọi? Sau đó là những kể lể, giải thích, hỏi thăm nhau. Nh. cho hay anh bị tù 7 năm ở trại A30. Quào, trại này ở Hòa Phong cách nhà tôi khoảng 20 cây số mà sao không hay biết? Anh nói gần cuối năm 82 ra tù, xuống TH ghé nhà HĐHQ hỏi thăm bạn bè, ông 75 này nói không biết, hình như họ không còn ở TH. Anh Nh. nói lúc đó mình thấy chiếc nón lá trên đầu nặng trịch và càng nặng hơn khi bất giác nhìn lên balcon thấy tấm biển màu đỏ chữ vàng: Cơ quan đại diện báo ND! Buồn, thất vọng – anh kể - lên QL đón xe về PT.
Dông dài khoảng 20 phút, gác máy hẹn gọi lại. Một cảm giác rất khó tả.
Quay ra liếp đất cuốc dở, vừa bổ mấy nhát, lại tiếng chuông reo (loại điện thoại của QL.VNCH sử dụng, tiếng chuông vang to như chuông ở các trường học), lại quăng cuốc chạy vào. Nhấc máy: Chị đây! Tôi la lên, trời, chị hả, đang ở CT hay ở đâu vậy? Cái giọng ấy, dẫu chị có lên cung trăng làm sao quên được? Những hình ảnh xưa, thời SV ùa về khi chị giúp sức tôi làm chương trình PT văn nghệ trên đài CT, rồi chương trình Những tối thứ Sáu ở giảng đường Viện Đại học... Chuyện vắn, dài ào tới như cơn lốc, xoáy tung bao nhiêu kỷ niệm thời SV. Đột nhiên, tiếng cười vang lên trong ống nghe vỡ bung sảng khoái. Từ lâu lắm, tôi đã nghe nhiều lần tiếng cười này, có kèm theo tiếng chửi thề, nhưng lần này là tiếng reo trong suốt: Trời ơi! Gặp được bạn rồi. Gặp nhau, cười với nhau, dẫu cách nhau vạn dặm nhưng là gặp; một cuộc tao phùng đầy duyên nợ bằng những âm thanh vượt lên trên tầng ngũ cung, tám nốt bổng trầm.
Hãy tưởng tượng, sau cái ngày tan tác chia lìa, đời sống bình thường bấy lâu bị chặn đứng, thay thế bằng kiếp trâu cày ngựa cỡi, bằng những hằn học ném nhìn, bằng những thù hận như thể tất cả những người bại trận đều từng nhúng tay vào máu, đều ăn sống nuốt tươi đồng bào mình... thì cái sự bạn bè lạc tin nhau không có gì phải ngạc nhiên? Điều ngạc nhiên là hơn hai mươi năm lao đao, bầm dập, chia lìa, tan tác... bỗng lại tìm ra nhau:
“Còn duyên, may lại còn người
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”
Niềm vui và hạnh phúc vỡ bung ra, xóa chìm nỗi kinh hoàng kinh khủng vừa xảy ra tuần trước 11.9.
Đây là chiếc cầu ảo diệu để cuối cùng tôi được nhảy múa với bạn văn trên TQBT ngay từ những số đầu tiên, tiếp mãi đến tận bây giờ. Ở đó, tôi bắt lại liên lạc với TBT, CVK những người bạn tôi gặp lần đầu ở Cần Thơ khi các anh tháp tùng VĐSB trong đêm ca nhạc Thu hát cho người do tôi và anh em ĐH CT đứng ra tổ chức; biết thêm cả Trần Văn Nam có thời dạy ở trung học Nha Mân, Sa Đéc... rồi những Nguyễn Vy Khanh, Trần Doãn Nho, Hai Trầu... kết nối với Luân Hoán, Hoàng Lộc, Hải Hà, Lãm Thúy, Nguyệt Mai... rủ rê lôi kéo PNL, KĐ, MVL... lên thuyền.
Mục Viết chung trong TQBT Tập Bảy, Tháng Chín Năm 2002, tác giả Ng~ L.U (Nguyễn Lệ Uyên)
Khoảng ba bốn chục số đầu, TQBT có mục viết chung, tôi sử dụng mảnh đất này để trút tất cả những bực bội về vấn đề văn học, văn hóa, xã hội xảy ra nơi tôi đang sống mà không thể mở miệng, ngùn ngụt lửa và nước sôi đến nỗi chị Yến, anh Thư khuyên phải tốp bớt lại. Bỏ ngoài tại những can gián, tôi càng ngoáy đến tận cùng để sau đó ông chủ nhiệm kiếm chủ bút tuyên bố chấm dứt không sử dụng những bài viết kiểu này chỉ vì lo sợ tôi có thể bị liên lụy với các ngài bần cố nông! Đây là một kỷ niệm khó quên trong đời đùa giỡn với chữ nghĩa.
Tôi không rành và không am tường về sinh hoạt văn nghệ nơi xứ người, nhưng vô cùng ngạc nhiên và khâm phục cách làm của nhóm chủ trương: báo không bán, không nhận quảng cáo, chỉ gửi biếu tặng cho những ai quan tâm đến VHNT và order.
100 số báo đến tay bạn đọc là sự chung sức của tất cả anh em, nhưng trên hết là công lao, tiền của mồ hôi, lao tâm khổ tứ của THT với sự hỗ trợ tối đa của chị Ngọc Yến cho chồng. Nhìn tấm ảnh anh đu trên càng máy xén sách cổ lỗ sĩ tôi chợt nhớ đến tranh cổ động thời VNCH vẽ 3, 4 anh VC đu trên cọng đu đủ! Tất nhiên, ý nghĩa thì khác nhau xa nhưng nội hàm của thân phận làm người làm tôi xao xuyến, rưng rưng, nhất là thân phận của anh lính chiến bị gãy súng không thể rời xa dòng văn chương miền Nam bị bức tử, phải phục hồi bằng mọi giá dù anh có đu càng máy xén đến mười, hai mươi năm nữa nếu sức khỏe cho phép. Công lao ấy đủ để mọi người kính phục và nhà văn Ngô Thế Vinh đã không tiếc lời ca ngợi gần 40 trang viết trong bài Trần Hoài Thư và Ngọc Yến với con chim chẳng nghịch và nỗi nhớ quê (Chân dung VHNT & VH tập 2, Việt Ecology Press, Hoa Kỳ 2022).
Nay, chị Yến nằm một chỗ, sức khỏe anh suy yếu dần nhưng những gì anh làm và để lại là một gia tài vô cùng to lớn. Các trang báo Tình Thương, Chính Văn, Văn Hóa Ngày Nay, một phần nhỏ Văn... và các tác phẩm văn học miền Nam, anh phục dựng lại, in ấn gửi tặng cho tất cả những ai quan tâm đến nền văn học tự do, khai phóng, nhân bản của VNCH bị bức tử!
Nếu như anh trẻ lại chừng 20, tôi nghĩ toàn bộ các tác phẩm nổi tiếng của miền Nam sẽ có mặt trang trọng trong các tủ sách gia đình lẫn thư viện?
Hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng mỗi khi lên gác, nhìn, lục lọi các trang báo TQBT và các sách của Thư Ấn Quán, tôi cứ ngỡ như mới toanh hôm nay.
Một chặng đường dài với nhiều mồ hôi đổ ra cùng với niềm vui lâng lâng và tiếng cười rạng vỡ đến ngất ngây.
NgLu (Lái Thiêu, tháng 8/2022)