24-6-2020 | VĂN HỌC

Vương Hồng Sển (1902-1996), lịch sử nhân văn miền Nam

  VIÊN LINH


   Vương Hồng Sển
   (1902 - 1996)
Ảnh chụp tại Gia Ðịnh một năm trước khi mất. (Hình: Lê Phương Chi)

Mỗi lần nhắc đến nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển tôi lại nhớ tới di chúc của cụ – cống hiến nhà nước toàn bộ Phủ Vân Ðường, ngôi nhà to lớn ở quận Bình Thạnh, Gia Ðịnh (một viện khảo cổ và thư viện tư lớn nhất ở Việt Nam), nhưng phải lo chỗ ở cho con trai cụ, và không được di dời các thứ ở bên trong (hơn 800 cổ vật có danh sách) – mộng của cụ là nơi đó sẽ trở thành một viện bảo tàng, nơi cụ sống cả đời và gom góp cả đời biết bao quí vật, kể cả chiếc giường của Dương Quí Phi đời nhà Ðường bên Tầu (thế kỷ VII-VIII), và các đồ sứ đời Tống (thế kỷ X-XIII), không kể vô vàn những di vật lịch sử của Việt Nam, của miền Nam, của tác giả những “Thú Chơi Sách, 1 và 2, 1960”, “Sài gòn Năm Xưa, 1962”, “Sài Gòn Tả Pí Lù,” của lịch sử “Năm Mươi Năm Cải Lương, 1968” của “Hơn Nửa Ðời Hư” [!],cuốn hồi ký của cụ Vương.


Hơn 15 năm sau khi cụ Vương qua đời, ngôi nhà của cụ nghe nói nay sắp sụp đổ, nó không được biến thành viện bảo tàng, đồ vật bên trong đã phát tán gần hết, không biết đi những đâu, con trai cụ đã chết, và tin mới nhất người viết nghe được trong tháng qua, là cái viện bảo tàng cụ Vương mong ước nay là nơi bán hủ tiếu, hay phở, hay đủ thứ, và bên trong đã bị/được chiếm ngụ bởi ít ra là 15 hộ khẩu khác nhau.


Vương Hồng Sển trước sau là một tác giả lớn của miền Nam, người Sa Ðéc, sống và viết ở Sài Gòn, những gì cụ viết ra là đời sống của cụ, là lịch sử biên niên từ nhỏ tới lớn, tới khi qua đời, và về những gì cụ thấy, trước và sau cuốn sách, đó là lich sử của một nền văn hóa nhân văn được viết lại bởi một tấm lòng chân thành, đơn giản, với kinh nghiệm thực tế “điền dã,” và với tâm tình ưu ái về các thế hệ sau, và vì không phải một thương gia, một chính ủy, một nhà cai trị, mà thông suốt cuộc đời sống với sách vở quí, với mỹ thuật nghìn đời, vừa chơi sách chơi cổ ngoạn vừa viết sách và thu thập bảo trì, nên lịch sử đời Vương Hồng Sển là lịch sử nhân văn Sài Gòn, lịch sử nhân văn miền Nam.


Theo phỏng vấn của Nguiễn Ngu Í, họ Vương có gốc gác ở Phúc Kiến Trung Hoa, tổ tiên di cư qua Sóc Trăng, sinh ông ở đây vào năm 1902, nhưng khi làm khai sinh rút đi hai tuổi, thành 1904, và tên ông viết là Vương Hồng Thịnh, song khi phát âm, nhân viên hộ tịch nghe ra là Sển, hóa thành cái tên đó suốt đời. Ông bà nội là Hoa Việt, cha ông lai Hoa Việt, lấy vợ Miên, nên trong dòng máu ông có cả ba chủng tộc, là Hoa Việt Miên. Họ Vương con nhà khá giả, lên Sài Gòn học trường Tây Chasseloup-Laubat, trở thành công chức trường Kỹ Thuật Á Châu ở Sài Gòn, rồi làm chánh thông ngôn hành chánh. Ông làm việc như một công chức chính ngạch ở các tòa tỉnh Cần Thơ, Sa Ðéc, trở thành một công tử hào hoa, ưa hát xướng, trọng mỹ thuật, cổ ngoạn, mua sắm ê hề, riết rồi trở thành nhân viên Viện Bảo Tàng Sài Gòn. Cô đào sân khấu Năm Sa Ðéc khét tiếng chính là bà Vương Hồng Sển.


Trước năm 1963, ông trở thành giám đốc Viện Bảo Tàng thủ đô Sài Gòn, và về hưu với chức vị này. Những tác phẩm của Vương Hồng Sển thấm đượm cuộc sống thật của ông, được viết ra với văn phong sinh hoạt, trở nên linh động nhờ đối thoại (vì sinh hoạt là trao đổi, đối thoại), khác hẳn với những cuốn sách cùng đề tài, viết bởi các nhà biên khảo, hay những con mọt sách. Ðọc văn Vương Hồng Sển người ta tưởng mình đang nghe ông nói chuyện, cùng lời pha trò và những tiếng cười. Nhịp sống miền Nam, nhất là Sài Gòn, là nhịp sống của một xã hội cởi mở (xã hội nào có hải cảng mở ra đại dương phần lớn là xã hội cởi mở, vì nó tứ chiếng (bốn phương, bốn hướng tụ vào).


 

Nguồn: Kệ sách Học Xá, - Hơn Nửa Đởi Hư (ebook), - Nửa Đời Còn Lại (ebook)

Sài Gòn tiền chiến là một Sài Gòn xa hoa, phong phú, làm một ngày ăn một tuần, luôn luôn vang tiếng cười và tiếng sênh phách, và tiếng xe tàu ròn rã. Có thể từ đó hình dung ra văn chương Vương Hồng Sển, ở mọi chủ đề: Ngoài mấy cuốn đã kể ở trên, còn có: Phong Lưu Cũ Mới (1970), Thú Chơi Cổ Ngoạn (1971), Khảo Về Ðồ Sứ Cổ Trung Hoa (1972), Cuốn Sổ Tay Của Người Chơi Cổ Ngoạn (1972), Hơn Nửa Ðời Hư ( 1992), Nửa Ðời Còn Lại (1995)…


Người viết bài này có dịp phỏng vấn Vương Hồng Sển về một đề tài do mình chọn rồi đem hỏi ông, và một dịp khác quí báu hơn, trải qua nửa ngày với ba bậc đàn anh trong giới văn nghệ là Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, và cao tuổi nhất, Vương Hồng Sển, nơi một ngôi chùa đã được liệt kê vào danh lam thắng cảnh của thủ đô đất nước Cộng Hòa: Phụng Sơn Tự. Ðể tưởng nhớ cụ Vương, vào ngày kỵ 9 tháng 12 năm nay, 16 năm sau khi cụ qua đời (9 tháng 12, 1996) mà di chúc bị phản bội, xin mời quí độc giả đọc đoạn văn sau đây, tôi viết từ 1999:

Hình như do cụ Vương Hồng Sển mà chúng tôi đã trải qua nửa ngày với nhau tại Phụng Sơn Tự, ngôi chùa cổ khoảng 200 năm, ngay tại cuối đường Lý Thái Tổ (hay Trần Quốc Toản), trong Chợ Lớn. Ðâu như năm 1970. Có mặt hôm đó, từ sáng tới chiều, là các anh Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, và một hai người nữa lớp tuổi tôi, lớp tuổi mà nếu không sinh hoạt với thơ văn, tôi đã không thể gọi những người đó bằng anh, xưng tôi, như tôi đã gọi. Cụ Vương, anh Nguyễn, anh Vũ nay đã không còn. Cái còn, trong nhí nhớ mờ mịt nổi trôi, là một ngày ngược về lịch sử, ngửa cổ nhìn những tàng cổ thụ bao la cao vút, thân mộc sần sùi nứt nẻ, lắng nghe một cánh phượng hoàng đáp xuống nóc chùa, và giọng tâm sự của anh Vũ Hoàng Chương.


Cụ Vương chỉ con lạch sau chùa, khuất lấp dưới những tàng cây, con lạch biến Phụng Sơn Tự thành một hòn đảo đối với khoảnh đất phía bên kia, nói:

“Dáng chừng là cái chỗ kia đó mà Nguyễn Ánh lội qua chớ còn chỗ nào cà?”


Cụ kể chúng tôi nghe về bước đường bôn tẩu của người sau này trở thành Thái tổ nhà Nguyễn, Vua Gia Long. Ông ta chạy qua ngôi chùa này, vượt con lạch kia, rồi chạy tuốt luốt xuống miền Lục tỉnh.


“Hồi đó chùa chưa có tên là Phụng Sơn Tự. Cũng chưa lớn như bây giờ. Những người nhiều chuyện thì nói rằng một hôm có con chim phượng hoàng nghỉ cánh đáp xuống nóc chùa, nên chùa mới có tên là Phụng Sơn Tự. Phụng là phượng. Sơn Tự là ngôi chùa trên ngọn đồi này,” cụ Vương nói.


Nhưng mà theo tôi, Hoàng đế là con Phụng đó. Người ta đổi tên chùa là Phụng Sơn Tự để ghi nhớ rằng Vua Gia Long đã từng đặt chân qua đây, trên đường bôn tẩu.

Chép lại đoạn văn và tưởng lại người xưa, người viết hình dung ra một tác giả tiền bối, và với cụ Vương, ở gần cụ nửa ngày, tôi được biết thêm nhiều, và sau này còn tới gặp cụ nữa. Một khoảnh khắc qua, có lịch sử đổi dời, và 16 năm đã qua, mọi sự đang trở thành bùn đất.


(VL – viết để nhớ chủ nhân Phủ Vân Ðường, viện khảo cổ và thư viện đã biến thành quán hủ tiếu vào thế kỷ XXI. 5 tháng 12, 2012)


Viên Linh

Nguồn: nguoi-viet.com